Quyết định 417/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lạc tại Nghệ An
Số hiệu: 417/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An Người ký: Đinh Viết Hồng
Ngày ban hành: 30/01/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Khoa học, công nghệ, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 417/QĐ-UBND

Nghệ An, ngày 30 tháng 01 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH VÙNG NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO TRONG SẢN XUẤT LẠC TẠI NGHỆ AN

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 20/11/2003;

Căn cứ các quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng;

Căn cứ Quyết định số 99/2009/QĐ-UBND ngày 21/10/2009 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt quy hoạch phát triển khoa học công nghệ tỉnh Nghệ An đến năm 2020;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Văn bản số 381/BC-SNN- KHTC ngày 28 tháng 12 năm 2012 Báo cáo thẩm định quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lạc tại Nghệ An,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lạc tại Nghệ An, với các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU QUY HOẠCH

1. Mục tổng quát

Sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất đai, cơ sở hạ tầng hiện có, tạo vùng sản xuất lạc tập trung bằng áp dụng quy trình sản xuất công nghệ cao theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa từ sản xuất đến chế biến, bảo quản và tiêu thụ lạc chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, cải thiện được môi trường sinh thái, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, tăng năng suất lao động, góp phần chuyển dịch lao động sang phi nông nghIệp, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, cải thiện đời sống người lao động và chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp và tăng kim ngạch xuất khẩu hàng năm cho tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn 2012 - 2015: Diện tích 3000 ha lạc CNC vụ Đông Xuân, tập trung ở 6 huyện: Nghi Lộc 750 ha, Diễn Châu 1050 ha, Đô Lương 300 ha, Tân Kỳ 300 ha, Thanh Chương 300 ha, Nam Đàn 300 ha; Năng suất 35 tạ/ha, sản lượng đạt 10.500 tấn.

b) Giai đoạn 2016 - 2020: Diện tích 8.000 ha lạc CNC vụ Đông Xuân, tập trung ở 6 huyện: Nghi Lộc 2.000 ha; Diễn Châu 2.800 ha; Đô Lương 800 ha; Tân Kỳ 800 ha; Thanh Chương 800 ha; Nam Đàn 800 ha; Năng suất 40 tạ/ha, sản lượng đạt 32.000 tấn.

c) Sử dụng có hiệu quả và nâng cao giá trị của hơn 10.000 ha đất canh tác.

d) Giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân trồng lạc.

e) Góp phần quan trọng trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.

f) Góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

II. NỘI DUNG QUY HOẠCH

1. Quy mô diện tích và địa bàn bố trí

Tổng diện tích quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lạc vụ Xuân trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 là 3.000 ha, đến năm 2020 là 8.000 ha, bố trí cụ thể như sau:

TT

Địa bàn huyện

Quy hoạch đến năm 2015 (ha)

Quy hoạch đến năm 2020 (ha)

1

Nghi Lộc

750

2.000

2

Diễn Châu

1.050

2.800

3

Đô Lương

300

800

4

Tân Kỳ

300

800

5

Thanh Chương

300

800

6

Nam Đàn

300

800

 

Tổng:

3.000

8.000

2. Tiến độ đầu tư phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng CNC trong sản xuất lạc

ĐVT: Ha

TT

Địa bàn huyện

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

1

Nghi Lộc

250

500

750

1.000

1.250

1.500

1.750

2.000

2

Diễn Châu

350

700

1.050

1.400

1.750

2.100

2.450

2.800

3

Đô Lương

100

200

300

400

500

600

700

800

4

Tân Kỳ

100

200

300

400

500

600

700

800

5

Thanh Chương

100

200

300

400

500

600

700

800

6

Nam Đàn

100

200

300

400

500

600

700

800

 

Tổng:

1.000

2.000

3.000

4.000

5.000

6.000

7.000

8.000

3. Dự kiến kết quả sản xuất

TT

Địa bàn huyện

Đến năm 2015

Đến năm 2020

Diện tích

(ha)

Năng suất

(tạ/ha)

Sản lượng

(tấn)

Diện tích

(ha)

Năng suất

(tạ/ha)

Sản lượng

(tấn)

1

Nghi Lộc

750

35

2.625

2.000

40

8.000

2

Diễn Châu

1.050

35

3.675

2.800

40

11.200

3

Đô Lương

300

35

1.050

800

40

3.200

4

Tân Kỳ

300

35

1.050

800

40

3.200

5

Thanh Chương

300

35

1.050

800

40

3.200

6

Nam Đàn

300

35

1.050

800

40

3.200

 

Tổng:

3.000

35

10.500

8.000

40

32.000

III. Giải pháp thực hiện

1. Giải pháp về khoa học, kỹ thuật và công nghệ

Nghiên cứu, tiếp thu và ứng dụng các công nghệ tiên tiến (công nghệ sinh học, cơ giới hóa, giống,...) trong nước và thế giới để đầu tư phát triển sản xuất lạc theo quy trình ứng dụng công nghệ cao phù hợp điều kiện sản xuất của từng vùng, từng địa phương với hiệu quả cao và bền vững. Trong đó cần chú ý:

a) Về giống: Tiếp tục khảo nghiệm, tuyển chọn, phục tráng giống; từng bước ứng dụng công nghệ cao để sản xuất các loại giống lạc có tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt, chịu thâm canh, có khả năng kháng sâu bệnh và các tác động bất lợi của thời tiết để chủ động nguồn giống cung cấp cho sản xuất. Trong những năm tới, tiếp tục sử dụng các giống đã được khẳng định phù hợp với điều kiện sản xuất ở Nghệ An, có năng suất, chất lượng cao vào để sản xuất, như: L14, L23, L26,...

b) Thủy lợi: Tuỳ vào điều kiện cụ thể của các vùng sản xuất và khả năng để tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương đảm bảo tiêu thoát nước chủ động cho vùng sản xuất lạc.

c) Ứng dụng cơ giới hóa: Tùy theo điều kiện, mức độ tập trung quy mô diện tích của mỗi vùng sản xuất và khả năng đầu tư để từng bước áp dụng các loại máy móc, thiết bị có công suất tương ứng, phù hợp, như: máy làm đất, máy phun thuốc, máy thu hoạch và vận chuyển,...

d) Khuyến nông, chuyển giao tiến bộ KHKT: Xây dựng mô hình, tăng cường tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học và bảo vệ môi trường để nông dân từng bước ứng dụng vào sản xuất.

2. Giải pháp về cơ chế chính sách

a) Thực hiện hỗ trợ cho người sản xuất, doanh nghiệp vùng quy hoạch theo các chính sách hiện hành của nhà nước.

b) Đẩy nhanh việc chuyển đổi, tích tụ ruộng đất, tạo thành vùng tập trung quy mô lớn, thuận lợi cho ứng dụng máy móc và khoa học công nghệ vào sản xuất và có biện pháp bổ sung dinh dưỡng cho đất.

c) Lồng ghép các Chương trình, dự án, cơ chế chinh sách liên quan đến sản xuất lạc (khảo nghiệm giống, khuyến nông, các chính sách hỗ trợ hiện hành, dự án giao thông, thủy lợi nội đồng,...) để phát triển các vùng sản xuất lạc ứng dụng CNC.

3. Giải pháp về thị trường và xúc tiến đầu tư

a) Giữ vững và duy trì tốt các thị trường truyền thống như các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản; xúc tiến mở rộng các thị trường tiềm năng khác

b) Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hội chợ để kêu gọi, thu hút các tổ chức, cá nhân vào liên doanh, liên kết phát triển sản xuất lạc ứng dụng CNC và đầu tư các cơ sở chế biến theo quy hoạch được duyệt.

4. Giải pháp về đầu tư

a) Khái toán vốn đầu tư 320.000.000.000 đồng, trong đó chủ yếu là chi phí đầu tư sản xuất lạc CNC như vật tư, phân bón, công lao động,...

b) Nguồn vốn đầu tư:

- Ngân sách hỗ trợ theo chính sách hiện hành;

- Vốn của các doanh nghiệp sản xuất lạc;

- Vốn tự có của người sản xuất và các nguồn vốn hợp pháp khác.

5. Danh mục các dự án ưu tiên

a) Các dự án liên doanh, liên kết sản xuất lạc ứng dụng công nghệ cao tại từng huyện trong vùng quy hoạch.

b) Các dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới hệ thống tiêu cho vùng sản xuất lạc CNC.

c) Dự án du nhập, khảo nghiệm, tuyển chọn, phục tráng giống và ứng dụng công nghệ cao để sản xuất giống lạc có năng suất, chất lượng cao.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phương thức tổ chức thực hiện quy hoạch

Việc tổ chức thực hiện quy hoạch phải tuân thủ quy hoạch của nhà nước, theo hình thức là: Các doanh nghiệp liên doanh, liên kết với nông dân để tổ chức sản xuất và thu mua, chế biến lạc thông qua hợp đồng kinh tế.

2. Trách nhiệm của các ngành, các địa phương, đơn vị liên quan

a) Sở Nông nghiệp và PTNT

- Sau khi quy hoạch được phê duyệt, có trách nhiệm thông báo để các địa phương, đơn vị và các tổ chức cá nhân biết để thực hiện quy hoạch.

- Quản lý, giám sát thực hiện quy hoạch; hướng dẫn các địa phương, đơn vị tổ chức quản lý và thực hiện quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Kịp thời tham mưu UBND tỉnh xây dựng và điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách; giải quyết các vướng mắc đảm bảo thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt có hiệu quả.

- Tổ chức nghiên cứu, xây dựng và ban hành quy trình sản xuất lạc ứng dụng công nghệ cao để làm căn cứ thực hiện.

b) Các Sở, ban ngành liên quan

Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền được giao; phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT trong tổ chức thực hiện quy hoạch; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành, điều chỉnh bổ sung các cơ chế chính sách giải quyết các vướng mắc để thực hiện quy hoạch có hiệu quả.

c) UBND các huyện trong vùng quy hoạch

- Chủ trì triển khai thực hiện quy hoạch và quản lý việc thực hiện quy hoạch thuộc địa bàn quản lý một cách có hiệu quả.

- Chỉ đạo các các Phòng ban liên quan, UBND các xã trong vùng quy hoạch và các doanh nghiệp sản xuất lạc ứng dụng CNC tổ chức liên doanh, liên kết và chỉ đạo nông dân sản xuất đảm bảo chỉ tiêu diện tích; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao; hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất, bao tiêu sản phẩm, đảm bảo hài hòa lợi ích của nông dân và doanh nghiệp nhằm phát triển ổn định, bền vững.

- Lập dự án đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lạc tại địa phương trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt để có căn cứ triển khai thực hiện.

d) Các doanh nghiệp tham gia liên doanh, liên kết sản xuất, tiêu thụ và chế biến lạc ứng dụng công nghệ cao

Bám sát quy hoạch được phê duyệt để cùng Chính quyền các địa phương, các ngành liên doanh, liên kết hướng dẫn nông dân vùng quy hoạch tổ chức sản xuất lạc ứng dụng CNC, thu mua và chế biến. Đồng thời làm tốt công tác dịch vụ và đầu tư cho nông dân vay giống, vật tư phân bón, tổ chức sản xuất, hướng dẫn thực hiện quy trình kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao,… Ký kết hợp đồng thu mua bao tiêu sản phẩm cho nông dân theo đúng tinh thần Quyết định số 80/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đảm bảo giá hợp lý, tương đương hoặc cao hơn giá lạc trên thị trường (cùng thời điểm), nhằm đảm bảo hài hoà lợi ích giữa các bên liên quan.

Điều 2. Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn các huyện trong vùng quy hoạch thực hiện tốt quy hoạch này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Chủ tịch UBND các huyện: Nghi Lộc, Diễn Châu, Đô Lương, Tân Kỳ, Thanh Chương và Nam Đàn, Thủ trưởng các đơn vị liên quan, chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Viết Hồng