Quyết định 43/2011/QĐ-UBND về Quy định đối tượng, tiêu chí, trình tự thủ tục xét khen thưởng Danh hiệu “Doanh nghiệp xuất sắc”, “Doanh nhân xuất sắc” trên địa bàn tỉnh Bình Dương do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành
Số hiệu: 43/2011/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương Người ký: Lê Thanh Cung
Ngày ban hành: 17/10/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Doanh nghiệp, hợp tác xã, Thi đua, khen thưởng, các danh hiệu vinh dự nhà nước, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 43/2011/QĐ-UBND

Bình Dương, ngày 17 tháng 10 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH ĐỐI TƯỢNG, TIÊU CHÍ, TRÌNH TỰ THỦ TỤC XÉT KHEN THƯỞNG DANH HIỆU “DOANH NGHIỆP XUẤT SẮC”, “DOANH NHÂN XUẤT SẮC” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26/11/2003 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 14/6/2005;

Căn cứ Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/04/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, Khen thưởng và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng;

Căn cứ Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 655/TTr-SNV ngày 23/9/2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy định đối tượng, tiêu chí, trình tự thủ tục xét khen thưởng Danh hiệu “Doanh nghiệp xuất sắc”, “Doanh nhân xuất sắc” trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, ngành; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã; Lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Thủ trưởng các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Thanh Cung

 

QUY ĐỊNH

ĐỐI TƯỢNG, TIÊU CHÍ, TRÌNH TỰ THỦ TỤC XÉT KHEN THƯỞNG DANH HIỆU “DOANH NGHIỆP XUẤT SẮC”, “DOANH NHÂN XUẤT SẮC” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số
43/2011/QĐ-UBND Ngày 17 tháng 10 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Quy định này quy định về đối tượng, tiêu chí, trình tự thủ tục xét khen thưởng đối với doanh nghiệp và lãnh đạo doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là doanh nhân) trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Danh hiệu “Doanh nghiệp xuất sắc”, “Doanh nhân xuất sắc” tỉnh Bình Dương là hình thức khen thưởng toàn diện của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh được bình xét và trao tặng đối với các doanh nghiệp và doanh nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

1. Đối với doanh nghiệp gồm: Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Hợp tác xã và các tổ chức kinh tế khác có quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ổn định trên địa bàn tỉnh Bình Dương 03 năm trở lên kể từ khi thành lập sẽ được tham gia bình xét danh hiệu “Doanh nghiệp xuất sắc”.

2. Đối với doanh nhân - người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp gồm: Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Giám đốc, Chủ nhiệm Hợp tác xã và Chủ doanh nghiệp tư nhân có quá trình điều hành quản lý doanh nghiệp liên tục từ 03 năm trở lên sẽ được tham gia bình xét danh hiệu “Doanh nhân xuất sắc”.

Điều 3. Danh hiệu “Doanh nghiệp xuất sắc”, “Doanh nhân xuất sắc” tỉnh Bình Dương được bình xét và trao tặng định kỳ mỗi năm một lần.

1. Các doanh nghiệp, doanh nhân đạt các tiêu chí xét chọn theo Quy định này sẽ được bình xét tham gia các giải thưởng khác do Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương tổ chức.

2. Đối với các trường hợp đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen hàng năm về thành tích nổi bật trên từng mặt như: Thuế, bảo hiểm, công đoàn… thì phải tuân thủ tiêu chí, trình tự thủ tục, quy trình xét khen thưởng theo Quy định này.

Chương II

TIÊU CHÍ BÌNH XÉT KHEN THƯỞNG

Điều 4. Các tiêu chí xét tặng Danh hiệu “Doanh nghiệp xuất sắc” được đánh giá theo hình thức cho điểm theo thang bảng điểm 900, gồm:

1. Tiêu chí 1: Tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội; số điểm tối đa là 600 điểm.

2. Tiêu chí 2: Tiêu chí đánh giá việc chấp hành chính sách, pháp luật; số điểm tối đa là 200 điểm.

3. Tiêu chí 3: Tiêu chí xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, Đoàn thể trong sạch vững mạnh: số điểm tối đa là 100 điểm.

4. Điểm thưởng: Các doanh nghiệp được khen thưởng từ Bằng khen Thủ tướng Chính phủ trở lên; có chứng nhận và duy trì đạt các tiêu chuẩn ISO 9001:2008…; đóng góp công tác xã hội từ thiện vượt trên 10% lợi nhuận; tham dự đầy đủ các Hội nghị triển khai tập huấn nghiệp vụ do các ngành chức năng tổ chức sẽ được tính điểm thưởng nhưng không quá 50 điểm.

(Có phụ lục chi tiết kèm theo)

Điều 5. Không xét tặng danh hiệu “Doanh nghiệp xuất sắc” đối với doanh nghiệp vi phạm một trong các quy định sau:

1. Lãnh đạo doanh nghiệp được quy định tại khoản 2, Điều 2 Quy định này vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động quản lý sản xuất, kinh doanh trong doanh nghiệp bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Doanh nghiệp để xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng gây chết người; xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể hoặc sự cố cháy, nổ gây thiệt hại lớn.

3. Doanh nghiệp không giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật dẫn đến phản ứng ngừng việc tập thể của người lao động.

4. Vi phạm pháp luật về môi trường, bị đánh giá phân loại là cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Điều 6. Xét tặng danh hiệu “Doanh nhân xuất sắc” cho doanh nhân đạt các yêu cầu sau:

1. Doanh nghiệp do doanh nhân lãnh đạo được bình xét là “Doanh nghiệp xuất sắc”.

2. Bản thân và gia đình chấp hành tốt chính sách pháp luật Việt Nam.

3. Có đạo đức và uy tín, được tập thể người lao động của đơn vị bình xét tôn vinh và được dư luận xã hội đồng tình.

Chương III

HÌNH THỨC, TRÌNH TỰ VÀ THỦ TỤC XÉT KHEN THƯỞNG

Điều 7. Hình thức khen thưởng

Căn cứ kết quả do Hội đồng xét chọn Danh hiệu “Doanh nghiệp xuất sắc”, “Doanh nhân xuất sắc” tỉnh Bình Dương đánh giá, các doanh nghiệp, doanh nhân được xét tặng danh hiệu “Doanh nghiệp xuất sắc”, “Doanh nhân xuất sắc” tỉnh Bình Dương được tặng Cờ thi đua của Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc Bằng khen của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh và tặng phẩm lưu niệm kèm theo.

Điều 8. Trình tự thủ tục xét tặng danh hiệu

1. Doanh nghiệp đăng ký, nhận hồ sơ và hoàn tất hồ sơ.

Hàng năm, vào tháng 7, các doanh nghiệp và doanh nhân có đủ điều kiện tham gia bình xét tặng thưởng Danh hiệu “Doanh nghiệp xuất sắc”, “Doanh nhân xuất sắc” liên hệ Sở Nội vụ (Ban Thi đua – Khen thưởng) là đơn vị Thường trực của Hội đồng xét chọn nhận hồ sơ và hướng dẫn tham gia bình xét.

2. Tổng hợp kết quả, thẩm định hồ sơ.

Sở Nội vụ (Ban Thi đua – Khen thưởng) tổng hợp phân loại hồ sơ, lập kế hoạch thẩm định; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bình Dương, Ban Quản lý Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore, Liên minh Hợp tác xã và các cơ quan, ban, ngành có liên quan thống nhất kế hoạch trình Hội đồng xét chọn Danh hiệu “Doanh nghiệp xuất sắc”, “Doanh nhân xuất sắc” tỉnh Bình Dương xét duyệt hồ sơ, đồng thời công bố danh sách dự kiến khen thưởng trên Báo Bình Dương, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương để lấy ý kiến dư luận xã hội.

Điều 9. Hội đồng xét chọn Danh hiệu “Doanh nghiệp xuất sắc”, “Doanh nhân xuất sắc” tỉnh Bình Dương gồm:

1. Lãnh đạo Sở Nội vụ - Chủ tịch Hội đồng.

2. Đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư – Phó Chủ tịch Hội đồng.

3. Đại diện lãnh đạo Ban Quản lý các Khu công nghiệp - Phó Chủ tịch Hội đồng.

4. Đại diện lãnh đạo các cơ quan sau đây tham gia với tư cách là thành viên Hội đồng:

- Sở Công thương.

- Sở Tài nguyên và Môi trường.

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Ban Quản lý Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore.

- Liên minh Hợp tác xã tỉnh.

- Cục Thuế.

- Cục Hải quan.

- Liên đoàn Lao động tỉnh.

- Bảo hiểm Xã hội tỉnh.

Hội đồng xét chọn Danh hiệu “Doanh nghiệp xuất sắc”, “Doanh nhân xuất sắc” có trách nhiệm xem xét, thẩm định hồ sơ, tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định tặng danh hiệu.

Điều 10. Hồ sơ tham gia bình xét

1. Đối với doanh nghiệp:

a) Báo cáo thành tích (bảng điểm) của doanh nghiệp do doanh nghiệp lập, số lượng 03 bộ. Trong báo cáo, doanh nghiệp nêu cụ thể số liệu thực hiện và tự chấm điểm từng tiêu chí (theo mẫu);

b) Bản sao chứng nhận đạt các tiêu chuẩn như trong tiêu chí; các hình thức đã được khen thưởng;

c) Kê khai nộp thuế đúng, đủ, kịp thời, không nợ đọng thuế;

d) Chứng từ chứng minh tham gia tốt công tác xã hội từ thiện.

2. Đối với doanh nhân:

Bản tóm tắt báo cáo thành tích (theo mẫu) số lượng 03 bản, có xác nhận của đơn vị nơi doanh nhân làm việc.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Kinh phí tổ chức thực hiện

1. Kinh phí tổ chức lễ tuyên dương và khen thưởng được trích từ nguồn quỹ thi đua, khen thưởng của tỉnh.

2. Sở Nội vụ dự toán kinh phí, Sở Tài chính thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Điều 12. Khiếu nại

Các đơn vị, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại về kết quả xét chọn khen thưởng doanh nghiệp, doanh nhân theo quy định của pháp luật về khiếu nại tố cáo.

Điều 13. Trách nhiệm của các cơ quan liên quan

1. Sở Nội vụ (Ban Thi đua – Khen thưởng) tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức lễ tôn vinh và trao tặng danh hiệu “Doanh nghiệp xuất sắc”, “Doanh nhân xuất sắc” tỉnh Bình Dương hàng năm.

2. Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương, Báo Bình Dương tổ chức tuyên truyền các nội dung Quy định về xét chọn danh hiệu “Doanh nghiệp xuất sắc”, “Doanh nhân xuất sắc” trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

3. Các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã triển khai Quy định này đến các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành, địa phương biết và tham gia.

Điều 14.

Trong quá trình thực hiện Quy định này, nếu có khó khăn, vướng mắc, Thủ trưởng các Sở, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã; các đơn vị, cá nhân có liên quan kịp thời báo cáo, đề xuất ý kiến về Sở Nội vụ để tổng hợp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

PHỤ LỤC

TIÊU CHÍ XÉT TẶNG DANH HIỆU “DOANH NGHIỆP XUẤT SẮC”
(Kèm theo Quyết định số 43 /2011/QĐ-UBND ngày 17 tháng 10 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương)

Tiêu chí 1: HIỆU QUẢ KINH TẾ - XÃ HỘI

Nội dung

Điểm

1. Hiệu quả kinh tế

400

a) Tăng trưởng lợi nhuận (năm sau cao hơn năm trước)

80

b) Doanh thu (bao gồm kim ngạch xuất khẩu nếu có) năm sau cao hơn năm trước

50

c) Tỷ suất lợi nhuận trên vốn năm sau cao hơn năm trước

80

d) Đầu tư đổi mới thiết bị sản xuất công nghệ hiện đại; hoặc có giải pháp cải tiến nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh

50

e) Trích lập kinh phí sử dụng cho việc đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động

60

g) Đóng góp Ngân sách năm sau cao hơn năm trước

80

2. Hiệu quả xã hội

200

a) Thực hiện tốt các chương trình nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho người lao động

140

- Thu nhập của người lao động năm sau cao hơn năm trước

60

- Tổ chức nhiều hoạt động nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho người lao động

50

- Đơn vị đạt Danh hiệu “Đơn vị văn hóa”

30

b) Tham gia các phong trào đóng góp xã hội từ thiện do địa phương phát động

60

- Tham gia đầy đủ

10

- Tổng số tiền đóng góp đạt từ 1% đến 10% lợi nhuận: mỗi 1%/lợi nhuận được tính 5 điểm

- Nếu đóng góp vượt 10%/lợi nhuận sẽ được cộng thêm điểm thưởng

50

Cộng tiêu chí 1

600

Tiêu chí 2: CHẤP HÀNH CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Nội dung

Điểm

1. Chấp hành chính sách, pháp luật về thuế

40

a) Chấp hành tốt các chính sách thuế. Nộp thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước kịp thời, đầy đủ, không nợ đọng thuế

25

b) Không bị xử phạt vi phạm hành chính về: hành vi trốn thuế, gian lận thuế, vi phạm chế độ hóa đơn, chứng từ

15

2. Chấp hành chính sách pháp luật về lao động

80

a) Hợp đồng lao động và nội quy lao động:

10

- 100% người lao động thuộc diện phải ký hợp đồng lao động được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động theo quy định

5

- Doanh nghiệp có đăng ký nội quy lao động với cơ quan quản lý Nhà nước về lao động

5

b) Về chế độ chính sách tiền lương

20

- Xây dựng và thực hiện thang, bảng lương, quy chế trả lương, thưởng, xây dựng tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của doanh nghiệp và đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về lao động

10

- Phối hợp với công đoàn cơ sở ký kết thỏa ước lao động tập thể với những quy định có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật

10

c) Thực hiện đầy đủ các nội dung về an toàn lao động, vệ sinh lao động

20

- Chấp hành quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, có Hội đồng Bảo hộ lao động và mạng lưới an toàn, vệ sinh lao động; bộ phận an toàn vệ sinh lao động; bộ phận y tế; có đăng ký các thiết bị, vật tư; có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động

10

- Thực hiện huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động, trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động; thực hiện đầy đủ nội dung quản lý về vệ sinh lao động, quản lý sức khỏe người lao động, bệnh nghề nghiệp

10

d) Thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế và vệ sinh an toàn thực phẩm

30

- Trích nộp đầy đủ, giải quyết kịp thời các chế độ Bảo hiểm xã hội cho người lao động; bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí công đoàn

15

- Thực hiện tốt chế độ bảo hiểm y tế; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

15

3. Chấp hành chính sách phát luật về bảo vệ môi trường

45

a) Thực hiện quy định thủ tục về bảo vệ môi trường

5

b) Chấp hành tốt các quy định có liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường dựa trên tiêu chí phân hạng các doanh nghiệp đã được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành tại Quyết định số 03/2011/QĐ-UBND ngày 27/01/2011

30

c) Bảo vệ môi trường sinh thái, xử lý tốt chất thải trước khi thải ra môi trường, không gây ô nhiễm môi trường

10

4. Chấp hành các chính sách pháp luật khác

35

a) Thực hiện đạt quy định về phòng cháy, chữa cháy

5

b) Bảo đảm an ninh trật tự

10

c) Có tổ chức Hội nghị người lao động

10

d) Có tổ chức Đại hội công nhân viên chức

10

Cộng tiêu chí 2

200

Tiêu chí 3: XÂY DỰNG TỔ CHỨC CƠ SỞ ĐẢNG, ĐOÀN THỂ VỮNG MẠNH

Nội dung

Điểm

1. Có thành lập tổ chức cơ sở Đảng Cộng sản Việt Nam

20

2. Tổ chức cơ sở Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động đạt danh hiệu trong sạch - vững mạnh

20

3. Có thành lập tổ chức cơ sở của các tổ chức chính trị - xã hội như: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên

10

4. Tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên hoạt động đạt trong sạch – vững mạnh

10

5. Có thành lập tổ chức công đoàn

10

6. Tổ chức công đoàn hoạt động đạt trong sạch – vững mạnh

30

Cộng tiêu chí 3

100

ĐIỂM THƯỞNG (không quá 50 điểm)

Nội dung

Điểm

a) Doanh nghiệp được khen thưởng cấp cao (từ Bằng khen Thủ tướng Chính phủ) trở lên

15

b) Có chứng nhận và duy trì đạt các tiêu chuẩn (ISO 9001:2000, ISO 1400, SA 8000…)

15

c) Đóng góp công tác xã hội từ thiện vượt trên 10% lợi nhuận

10

d) Tham dự đầy đủ các Hội nghị triển khai tập huấn nghiệp vụ do các ngành chức năng tổ chức

10