Quyết định 51/2010/QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp
Số hiệu: | 51/2010/QĐ-TTg | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 28/07/2010 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | 09/08/2010 | Số công báo: | Từ số 451 đến số 452 |
Lĩnh vực: | Doanh nghiệp, hợp tác xã, Thi đua, khen thưởng, các danh hiệu vinh dự nhà nước, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 51/2010/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 28 tháng 07 năm 2010 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Điều 101 Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 14 tháng 6 năm 2005 (sau đây gọi tắt là Luật Thi đua, Khen thưởng);
Căn cứ Điều 66 Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 9 năm 2010.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: |
THỦ TƯỚNG |
QUẢN LÝ TỔ CHỨC XÉT TÔN VINH DANH HIỆU VÀ TRAO GIẢI THƯỞNG CHO DOANH NHÂN VÀ DOANH NGHIỆP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg ngày 28 tháng 7 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ)
1. Quy chế này quy định về phạm vi, đối tượng áp dụng, thẩm quyền tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp ngoài các hình thức khen thưởng đã được quy định trong Luật Thi đua, Khen thưởng.
2. Việc trao giải thưởng chất lượng quốc gia được thực hiện theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và không theo Quy chế này.
1. Cơ quan, đơn vị được tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng:
a) Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
b) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
c) Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
d) Cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp của doanh nghiệp có hệ thống tổ chức từ Trung ương đến cấp tỉnh;
đ) Các cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này sau đây được gọi tắt là Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Đối tượng được xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng:
a) Doanh nhân là người Việt Nam có các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam;
b) Người nước ngoài có các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam theo quy định của pháp luật;
c) Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế;
d) Các doanh nhân, doanh nghiệp quy định tại các điểm a, b, c khoản này sau đây được gọi tắt là đối tượng tham dự.
Điều 3. Nguyên tắc xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng
1. Không phân biệt đối xử giữa các loại hình doanh nghiệp, không hạn chế số lượng đối tượng tham dự.
2. Việc xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng phải bảo đảm công khai, khách quan, công bằng trên cơ sở tự nguyện của doanh nhân, doanh nghiệp và tuân thủ các quy định của Quy chế này và quy định của pháp luật có liên quan.
Điều 4. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Đặt danh hiệu và giải thưởng trái pháp luật, trái với đạo đức, phong tục, tập quán, thuần phong, mỹ tục của Việt Nam.
2. Huy động kinh phí dưới các hình thức đối với cá nhân, tổ chức trong danh sách tham gia bình chọn xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng.
3. Lập hồ sơ không trung thực để đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng.
4. Tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.
5. Không tuân theo thủ tục, gây khó khăn, đặt ra các thủ tục phức tạp trong việc xem xét, trình cấp có thẩm quyền quyết định cho phép tổ chức tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp.
6. Lợi dụng danh hiệu đã được tôn vinh và giải thưởng đã được trao để có hành vi vi phạm pháp luật.
7. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để ép buộc doanh nhân, doanh nghiệp tham dự xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng.
8. Các hành vi vi phạm Quy chế này và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
PHẠM VI TỔ CHỨC, THỦ TỤC VÀ THẨM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH TỔ CHỨC XÉT TÔN VINH DANH HIỆU VÀ TRAO GIẢI THƯỞNG
Điều 5. Phạm vi và thời gian tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng
1. Phạm vi tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức; đối tượng tham dự là các doanh nhân, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có đăng ký kinh doanh hoặc có chi nhánh sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thời gian tổ chức cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ 02 đến 03 năm một lần.
2. Phạm vi tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng toàn quốc bao gồm:
a) Liên Bộ, liên ngành hoặc liên tỉnh do một Bộ (ngành, đoàn thể Trung ương) hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì hoặc đồng chủ trì tổ chức có sự tham dự của các doanh nhân, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế;
b) Một Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương tổ chức có sự tham dự của các doanh nhân, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.
Thời gian tổ chức cấp toàn quốc từ 03 đến 05 năm một lần.
1. Phạm vi tổ chức toàn quốc do Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt theo đề nghị của Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương (Bộ Nội vụ).
2. Phạm vi tổ chức cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.
Cơ quan thi đua, khen thưởng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định việc tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng.
Điều 7. Điều kiện tham dự của doanh nhân, doanh nghiệp
Các doanh nhân và doanh nghiệp được tham dự xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng phải thực hiện đúng các điều kiện theo ngành, nghề đã đăng ký kinh doanh hoặc được cấp phép đầu tư; cụ thể như sau:
1. Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư, lao động, đất đai, xây dựng, đấu thầu, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh an toàn lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động;
2. Tổ chức sản xuất, kinh doanh ổn định và phát triển;
3. Chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ về tài chính, thuế và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật;
4. Đảm bảo đời sống, việc làm ổn định cho người lao động;
5. Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và pháp luật về sở hữu trí tuệ;
6. Thực hiện nghiêm các quy định khác của pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nhân và doanh nghiệp.
Điều 8. Hồ sơ, thủ tục đăng ký tổ chức phạm vi toàn quốc
1. Hồ sơ đăng ký tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng phạm vi toàn quốc gồm có:
a) Tờ trình Thủ tướng Chính phủ của Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
b) Đề án tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp bao gồm các nội dung sau:
- Tên danh hiệu, tên giải thưởng;
- Mục đích, yêu cầu và nội dung tổ chức;
- Kế hoạch, thời gian tổ chức;
- Dự thảo quy chế xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng (nêu rõ các tiêu chí cụ thể của các danh hiệu và giải thưởng do cơ quan có thẩm quyền tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng quy định);
- Phạm vi tổ chức, hình thức, tên danh hiệu và số lượng giải thưởng;
- Thành phần của ban tổ chức và thành phần hội đồng xét duyệt;
- Phương án tài chính.
2. Thủ tục:
a) Cơ quan, tổ chức chủ trì hoặc đồng chủ trì có trách nhiệm gửi hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này đến Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương;
b) Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Hồ sơ đăng ký tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp có giá trị cho 01 lần tổ chức.
Điều 9. Hồ sơ đăng ký tổ chức phạm vi cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
1. Hồ sơ tổ chức phạm vi cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm có:
a) Đề án tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Quy chế này; cơ quan thi đua, khen thưởng trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định;
b) Công văn kèm theo báo cáo tóm tắt đề án xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp gửi đến Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Hồ sơ tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp có giá trị cho 01 lần tổ chức.
Điều 10. Hình thức tôn vinh danh hiệu và giải thưởng
1. Giấy chứng nhận danh hiệu, giải thưởng.
2. Cúp lưu niệm (hoặc các phần thưởng khác).
3. Giấy chứng nhận danh hiệu, giải thưởng, Cúp lưu niệm do ban tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng quy định và chứng nhận.
Điều 11. Quyền lợi và trách nhiệm
1. Doanh nhân, doanh nghiệp được tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng được nhận Cúp và Giấy chứng nhận danh hiệu, giải thưởng.
2. Doanh nhân, doanh nghiệp được tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng có quyền sử dụng, khai thác thương mại biểu trưng giải thưởng; được ưu tiên khi xét tham gia các chương trình xúc tiến thương mại (ở trong nước và nước ngoài).
3. Doanh nhân, doanh nghiệp được tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến các bài học kinh nghiệm, giữ gìn và phát huy thành tích đã đạt được.
1. Kinh phí tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp được hình thành trên cơ sở tự nguyện đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước phù hợp với quy định của pháp luật và không vi phạm khoản 2 Điều 4 Quy chế này.
2. Kinh phí quy định tại khoản 1 Điều này phải được quản lý theo đúng quy định của pháp luật và được sử dụng công khai cho việc tổ chức xét tôn vinh và trao giải thưởng.
Điều 13. Tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng
1. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép, cơ quan, đơn vị tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng mới được tiến hành tuyên truyền và tổ chức các hoạt động liên quan đối với việc xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp.
2. Đối với hình thức tổ chức có phạm vi toàn quốc, khi tổ chức tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng, căn cứ vào tình hình thực tế, cơ quan, đơn vị tiến hành có thể mời đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự.
3. Đối với hình thức tổ chức phạm vi cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khi tổ chức tôn vinh danh hiệu trao giải thưởng, cơ quan, đơn vị tiến hành tổ chức mời đại diện lãnh đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham dự.
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TÔN VINH DANH HIỆU, TRAO GIẢI THƯỞNG VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Quản lý nhà nước về tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp.
2. Bộ Nội vụ giúp Chính phủ quản lý nhà nước về tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp, có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Soạn thảo, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp;
b) Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép, đình chỉ việc tổ chức hoặc hủy bỏ kết quả tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp do có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện;
c) Sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật về tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp;
d) Thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp;
đ) Kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật về tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành theo quy định của pháp luật về kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật;
e) Hàng năm, thống kê, rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về số lượng danh hiệu, giải thưởng được tổ chức ở phạm vi toàn quốc và phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
g) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và theo quy định của pháp luật.
3. Bộ, cơ quan ngang Bộ có các nhiệm vụ, quyền hạn như sau:
a) Soạn thảo, ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho cá nhân, tổ chức để áp dụng đối với các doanh nhân, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý;
b) Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tổ chức hoặc đình chỉ việc tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp do có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện;
c) Sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật về tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp;
d) Thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp;
đ) Hàng năm, thống kê, rà soát, báo cáo Bộ Nội vụ (Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương) để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về số lượng danh hiệu, giải thưởng do Bộ, ngành tổ chức;
e) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và theo quy định của pháp luật.
4. Cơ quan thuộc Chính phủ có các nhiệm vụ, quyền hạn như sau:
a) Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tổ chức hoặc đình chỉ việc tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp do có hành vi vi phạm Điều 4 Quy chế này;
b) Sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật về tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp trong phạm vi đã được cho phép;
c) Kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp trong phạm vi đã được cho phép;
d) Hàng năm, thống kê, rà soát, báo cáo Bộ Nội vụ (Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương) để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ về số lượng danh hiệu, giải thưởng được tổ chức ở phạm vi đã được cho phép;
đ) Thực hiện các nhiệm vụ quyền hạn khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và theo quy định của pháp luật.
5. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các nhiệm vụ, quyền hạn như sau:
a) Soạn thảo, ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho cá nhân, tổ chức để áp dụng đối với các doanh nhân, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý;
b) Tổ chức, đình chỉ việc tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng hoặc hủy bỏ kết quả tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp do có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện;
c) Sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật về tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp;
d) Thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp;
đ) Hàng năm, thống kê, rà soát, báo cáo Bộ Nội vụ (Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương) để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về số lượng danh hiệu, giải thưởng được tổ chức ở phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
e) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và theo quy định của pháp luật.
6. Các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp; phát hiện, tôn vinh các điển hình tiên tiến; không tổ chức truyền hình, đưa tin các trường hợp tôn vinh danh hiệu cho doanh nhân, doanh nghiệp không phù hợp với các quy định của Quy chế này.
1. Thực hiện các quy định của Quy chế này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến tổ chức tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp.
2. Trình cơ quan có thẩm quyền cho phép tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp.
3. Hàng năm, thống kê, rà soát, báo cáo Bộ Nội vụ (Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương) để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về số lượng danh hiệu, giải thưởng được tổ chức trong phạm vi đã được cho phép.
Điều 16. Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo
1. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại về kết quả và những hành vi vi phạm trong tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
2. Cá nhân có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về kết quả và những vi phạm trong tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về tố cáo.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét giải quyết khiếu nại, tố cáo về việc xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có các hành vi vi phạm Quy chế này và quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật và Quy chế này.
1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp.
2. Người đứng đầu cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức mình để thực hiện Quy chế này và các văn bản pháp luật có liên quan./.
Nghị định 42/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi Luật Thi đua, Khen thưởng Ban hành: 15/04/2010 | Cập nhật: 22/04/2010