Quyết định 410/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng, phát hiện bồi dưỡng năng khiếu, nhân tài lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2015
Số hiệu: 410/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Hứa Ngọc Thuận
Ngày ban hành: 22/01/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 01/03/2014 Số công báo: Số 11
Lĩnh vực: Văn hóa , thể thao, du lịch, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 410/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 01 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, PHÁT HIỆN BỒI DƯỠNG NĂNG KHIẾU, NHÂN TÀI LĨNH VỰC VĂN HÓA - NGHỆ THUẬT, THỂ DỤC - THỂ THAO THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2011-2015

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 22/2011/QĐ-UBND ngày 14 tháng 5 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ IX về chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2015;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Công văn số 54/SVHTTDL-TCCB ngày 06 tháng 01 năm 2014 về phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng, phát hiện bồi dưỡng năng khiếu, nhân tài lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao giai đoạn 2011-2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay phê duyệt kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng, phát hiện bồi dưỡng năng khiếu, nhân tài lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2015.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Thành phố, và Thủ trưởng các sở - ngành liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND.TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Văn phòng Thành ủy,
- Ban Tổ chức Thành ủy;
- BCĐ và Tổ CV giúp việc BCĐ Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của TP;
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (03 bản);
- UBND quận-huyện;
- VPUB: Các PVP; Phòng VX, THKH;
- Lưu: VT (VX-Nh)

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hứa Ngọc Thuận

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, PHÁT HIỆN, BỒI DƯỠNG NĂNG KHIẾU, NHÂN TÀI LĨNH VỰC VĂN HÓA - NGHỆ THUẬT, THỂ DỤC - THỂ THAO GIAI ĐOẠN 2011-2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 410/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2014 của Ủy ban nhân dân Thành phố)

Căn cứ Quyết định số 22/2011/QĐ-UBND ngày 14 tháng 5 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ IX về chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2015;

Ủy ban nhân dân Thành phố xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng, phát hiện bồi dưỡng năng khiếu, nhân tài lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao giai đoạn 2011-2015 như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Tăng cường phát hiện, tuyển chọn, đào tạo tài năng trên các lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao, bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, xây dựng lực lượng này trở thành những chuyên gia ở các lĩnh vực trên, góp phần thực hiện tốt định hướng xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; củng cố, xây dựng, phát triển lĩnh vực thể dục - thể thao, nhất là thể thao thành tích cao của thành phố nhằm bổ sung nhân tài phục vụ việc phát triển ngành, nâng cao vị thế của thể thao Thành phố trên đấu trường hội nhập quốc tế trong những năm tiếp theo.

2. Trên cơ sở đánh giá hiện trạng nhân lực ngành văn hóa - nghệ thuật, thể dục thể thao cũng như đúc kết những bài học kinh nghiệm từ các chương trình quy hoạch phát triển nguồn nhân lực trong các giai đoạn trước, Chương trình giai đoạn 2011-2015 cần đề ra những giải pháp khả thi để thực hiện được mục tiêu chiến lược của Thành phố. Vì vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở-ngành liên quan cũng như sự theo dõi, chỉ đạo thường xuyên của các cấp lãnh đạo nhằm kịp thời điều chỉnh, bổ sung rút kinh nghiệm việc thực hiện chương trình từng năm để năm sau luôn thực hiện tốt hơn năm trước.

II. MỤC TIÊU

1. Rà soát, phát hiện và tuyển chọn tài năng, năng khiếu của thành phố giai đoạn 2011-2015, đặc biệt đào tạo năng khiếu từ độ tuổi thiếu nhi, thiếu niên nhằm bổ sung nhân lực phục vụ việc phát triển ngành, tạo nguồn lực lượng kế thừa trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục-thể thao cho thành phố.

2. Giáo dục nâng cao nhận thức chính trị, phẩm chất đạo đức cho lực lượng kế thừa song song với đào tạo kỹ năng, bồi dưỡng tài năng.

3. Nâng cao chất lượng đào tạo, tạo giải pháp hiệu quả hơn đối với việc phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu, nhân tài nghệ thuật; trau dồi kỹ năng, nâng cao tài năng cho lực lượng văn nghệ sĩ. Đồng thời định hướng phát triển nghề nghiệp cho thế hệ nghệ sĩ, diễn viên trẻ sau thời gian học tập thật sự là những chuyên gia, và tương lai sẽ trở thành những cánh chim đầu đàn trên từng lĩnh vực hoạt động.

4. Góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có tài và có tâm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật nước nhà, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa đang ngày một phát triển.

5. Đào tạo lực lượng vận động viên trẻ tài năng đạt huy chương tại Khu vực, Châu lục và Thế giới (SEA Games, Asiad, Olympic). Đồng thời, đào tạo lực lượng cán bộ, huấn luyện viên, trọng tài có trình độ quốc tế nhằm nâng cao vị thế của thể dục thể thao Thành phố trên đấu trường quốc tế trong giai đoạn 2011-2015 và những năm tiếp theo. Từ đó, phát triển thể thao Thành phố đúng tầm với vị trí là một đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về nhiều mặt của cả nước.

6. Nâng cao khả năng lãnh đạo, quản lý nhằm chuẩn hóa đội ngũ cán bộ công chức làm công tác quản lý trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật và thể dục - thể thao.

III. NỘI DUNG

1. Chương trình nâng cao chất lượng, phát hiện bồi dưỡng năng khiếu, nhân tài lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật giai đoạn 2011-2015 và những năm tiếp theo:

1.1. Nội dung chương trình:

- Đào tạo các chuyên ngành liên quan đến hoạt động bảo tàng như văn hóa học, sử học, dân tộc học, khảo cổ học, bảo tàng học, v.v...

- Tập trung đào tạo diễn viên các bộ môn nghệ thuật truyền thống như: cải lương, hát bội, múa rối nước, múa dân gian, v.v... nhằm bảo tồn, duy trì giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc.

- Bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, hoàn thiện kỹ xảo cho các diễn viên, nghệ sĩ ở các bộ môn xiếc, rối, v.v...

- Đào tạo chuyên môn (đại học, sau đại học) cho các chức danh đạo diễn, biên đạo múa, nghệ sĩ chỉ huy hợp xướng, chỉ huy dàn nhạc, v.v... cũng như ở các lĩnh vực nghệ thuật khác.

1.2. Đối tượng đào tạo:

- Cán bộ trẻ, có chiều hướng phát triển tốt và có tâm huyết với ngành đang làm công tác quản lý; các bảo tàng viên phụ trách các lĩnh vực bảo quản, bảo tồn, nghiên cứu sưu tầm những di tích, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của khối di sản văn hóa. Đây là nguồn nhân lực sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển của lĩnh vực di sản văn hóa trong tương lai.

- Diễn viên giỏi, yêu nghề đang hoạt động nghệ thuật tại các đơn vị nghệ thuật;

- Tuyển chọn, đào tạo những học sinh, sinh viên tốt nghiệp các ngành nghệ thuật; đạt giải cao trong các hội diễn, hội thi; có năng khiếu và đam mê để đào tạo chuyên sâu nhằm trang bị thêm kỹ năng biểu diễn sân khấu thực tế;

- Tài năng xuất thân trong các gia đình có nhiều thế hệ làm nghệ thuật nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể quý báu của dân tộc.

1.3. Hình thức đào tạo, bồi dưỡng:

- Áp dụng nhiều phương thức đào tạo từ ngắn hạn đến dài hạn, từ đào tạo chính quy đến bồi dưỡng, truyền nghề, trong nước lẫn ngoài nước,... tùy thuộc vào đặc thù của bộ môn, điều kiện đào tạo trong và ngoài nước cũng như nguồn lực của từng đơn vị.

- Dựa vào đặc thù của từng lĩnh vực để mời chuyên gia nước ngoài giảng dạy và truyền đạt kinh nghiệm cho lực lượng học viên, diễn viên, bảo tàng viên ngay trong nước hoặc đưa học viên ra nước ngoài để vừa tiết kiệm ngân sách vừa tăng hiệu quả đào tạo.

- Đặc biệt, đối với một số loại hình nghệ thuật truyền thống, điển hình như bộ môn nghệ thuật hát bội, cải lương, múa rối nước; việc áp dụng hình thức đào tạo truyền nghề, bồi dưỡng tại chỗ là giải pháp chủ đạo.

1.4. Chỉ tiêu cụ thể:

2.1. Đào tạo, bồi dưỡng trong nước:

Dài hạn:

- 03 tiến sĩ chuyên ngành lịch sử.

- 07 thạc sĩ chuyên ngành văn hóa học, sử học.

- 20 diễn viên trung cấp cải lương.

- 07 trung cấp diễn viên xiếc (tại Hà Nội).

- 05 đạo diễn sân khấu.

- 02 thạc sĩ lý luận phê bình.

- 01 cao học thanh nhạc (giảng viên).

- Mở lớp cử nhân biên kịch sân khấu; duy trì lớp đào tạo nguồn diễn viên giao hưởng-nhạc, vũ kịch; lớp trung cấp cải lương.

Ngắn hạn:

- Đào tạo, bồi dưỡng 10 nghệ nhân các bộ môn nghệ thuật truyền thống

- Duy trì lớp truyền nghề nghệ thuật hát bội cho các diễn viên thuộc Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội, Múa rối.

2.2. Đào tạo dài hạn ở nước ngoài:

Đào tạo tại Châu Âu (Pháp, Nga), Hàn Quốc, Úc, v.v... các chỉ tiêu:

- 01 họa sĩ thiết kế sân khấu truyền thống,

- 03 họa sĩ thiết kế sân khấu hiện đại,

- 10 trung cấp diễn viên múa dân gian,

- 10 cao đẳng diễn viên múa dân gian,

- 06 trung cấp diễn viên nhạc cụ dân tộc,

- 02 cử nhân biên đạo múa dân gian,

- 10 trung cấp diễn viên Xiếc (tại Nga),

- 06 cử nhân nhạc (giao hưởng), 04 thạc sĩ ngành nhạc (giao hưởng),

- 02 cử nhân biên đạo múa solist,

- 04 trung cấp múa solist, 02 thạc sĩ ngành nhạc kịch,

- 01 cao học nghệ thuật,

- 06 đạo diễn ánh sáng,

- 06 đạo diễn âm thanh.

2. Chương trình đào tạo nguồn nhân lực thể thao thành tích cao Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2012-2015 và những năm tiếp theo:

2.1. Nội dung chương trình:

Dựa vào trình độ hiện tại và mục tiêu phát triển thành tích cao, phát huy thế mạnh của các môn thể thao truyền thống của Thành phố trong giai đoạn mới, tạo sự đột phá thành tích thể thao trên bước đường Hội nhập quốc tế, Chương trình thực hiện việc quy hoạch phân nhóm bộ môn. Xác định tập trung đầu tư 20 môn thể thao trọng điểm gồm:

+ Ba môn trọng điểm cơ bản của Olympic gồm: điền kinh, bơi lội, thể dục dụng cụ.

+ Các môn truyền thống, có ưu thế của Thành phố, có tiềm năng phát triển cao đạt thành tích quốc tế: bóng bàn, taekwondo, nhảy cầu, đấu kiếm, cầu lông, bắn cung, karatedo, bóng chuyền, quần vợt, judo, đua thuyền (rowing và canoeing), cờ vua, boxing, bóng đá, bóng rổ, trampoline.

2.2. Đối tượng đào tạo và tiêu chí tuyển chọn:

Chương trình tập trung đào tạo nâng cao cho lực lượng vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài và cán bộ chuyên môn. Theo đó, các đối tượng được tuyển chọn phải đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể như sau:

a) Vận động viên:

+ Trẻ tuổi, có hình thái, năng khiếu thể thao phù hợp với sự phát triển dài hạn chuyên sâu.

+ Nỗ lực tập luyện (ý chí, chuyên cần, sự đam mê).

+ Thành tích thể thao nổi bật (dựa trên thành tích hiện tại và theo dự báo sẽ phát triển cao).

+ Nhân cách tốt (có đạo đức, tác phong tốt, có lòng yêu nước, phục vụ lâu dài cho sự nghiệp thể dục thể thao).

+ Có khả năng chịu đựng lượng vận động cao.

b) Huấn luyện viên, Trọng tài, Cán bộ chuyên môn: tuyển chọn từ đội ngũ vận động viên trưởng thành đáp ứng những điều kiện, tiêu chuẩn sau:

+ Đã có thành tích đóng góp cho thể thao Quốc gia và Thành phố.

+ Có tư cách đạo đức tốt.

+ Có nguyện vọng phục vụ cho ngành lâu dài.

+ Đảm bảo trình độ ngoại ngữ để tiếp thu, giao tiếp và làm việc ở nước ngoài.

+ Có tinh thần học hỏi, cần cù trong công việc, có khả năng báo cáo, phân tích, tổng hợp giáo án, chương trình huấn luyện để sau các đợt tập huấn có thể huấn luyện các vận động viên với trình độ cao và truyền đạt kinh nghiệm cho đồng nghiệp khác.

+ Có thể đáp ứng được yêu cầu làm việc dài hạn ở nước ngoài, không vướng bận công việc, gia đình, có ý thức, phẩm chất đạo đức tốt, lập trường chính trị vững vàng.

+ Có khả năng đối ngoại, quan hệ tốt với các nước để tạo điều kiện làm việc cho đội cũng như làm cầu nối cho các đội khác sau này.

2.3. Chỉ tiêu:

a) Vận động viên trẻ tài năng:

Với 20 bộ môn thể thao trọng điểm nêu trên, trong cả giai đoạn 2011-2015, tổng số vận động viên trẻ tài năng dự kiến đào tạo là 167 lượt (với sự tham gia cùng học tập tích lũy kinh nghiệm của 61 huấn luyện viên).

Giai đoạn 2011 - 2012 đã đào tạo 27 vận động viên trẻ tài năng (với sự tháp tùng của 9 huấn luyện viên).

Giai đoạn 2013 - 2015 dự kiến tiếp tục đào tạo 140 lượt vận động viên (cùng với 52 huấn luyện viên tháp tùng); thực hiện 2 chu kỳ, mỗi chu kỳ đào tạo 70 vận động viên trẻ tài năng kéo dài trong 18 tháng (mỗi bộ môn đào tạo từ 02 đến 05 vận động viên) tại một số quốc gia như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Úc, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia, Malaysia, Bulgary, Cuba, Pháp, Nga, v.v... Chỉ tiêu phân bổ cụ thể cho từng bộ môn như sau:

- Điền kinh, Bơi lội, Thể dục dụng cụ, Bóng bàn, Judo, Đua thuyền, Taekwondo, Cử tạ: mỗi môn 05 vận động viên/ chu kỳ;

- Quần vợt: 04 vận động viên/chu kỳ;

- Đấu kiếm, Cờ vua, Cầu lông, Boxing, Karatedo, Bóng đá: mỗi môn 03 vận động viên/chu kỳ;

- Nhảy cầu, Bắn cung, Bóng rổ, Bóng chuyền: mỗi môn 02 vận động viên/chu kỳ.

Bên cạnh đó, ở mỗi bộ môn, các vận động viên (VĐV) được cử đi đào tạo còn cần có huấn luyện viên (HLV) tháp tùng chịu trách nhiệm hướng dẫn ban đầu cho VĐV tại địa điểm tập huấn, số lượng HLV tháp tùng tùy thuộc vào đặc thù của bộ môn và số lượng VĐV được cử đi đào tạo, thường từ 1-2 HLV cho mỗi môn. Nếu có điều kiện, những HLV này có thể ở lại cùng học tập với VĐV, nếu không sẽ bàn giao công tác huấn luyện lại cho HLV tại nước sở tại và trở về nước tiếp tục công tác chuyên môn.

b) Huấn luyện viên, Trọng tài

Trong cả giai đoạn 2011-2015, dự kiến đào tạo 116 lượt huấn luyện viên/trọng tài, với hai giai đoạn:

Giai đoạn 2011-2012 đã đào tạo 11 huấn luyện viên/trọng tài.

Giai đoạn 2013-2015 dự kiến tiếp tục đào tạo 105 lượt huấn luyện viên, trọng tài. Trong giai đoạn này, mỗi năm tập trung đào tạo 35 huấn luyện viên/trọng tài ở 18 bộ môn (mỗi năm mỗi bộ môn đào tạo 1-2 huấn luyện viên/trọng tài) tại các quốc gia như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Nga, v.v... Chỉ tiêu phân bổ cụ thể cho từng bộ môn như sau:

- Bơi lội: 03 huấn luyện viên hoặc trọng tài/năm;

- Bóng bàn, Cử tạ, Karatedo, Cầu lông, Taekwondo, Wushu, Điền kinh, Bóng chuyền, Quần vợt, Judo, Bóng rổ, Bóng đá, Boxing, Thể dục dụng cụ, Cờ vua: mỗi bộ môn 02 huấn luyện viên hoặc trọng tài/năm;

- Đua thuyền, Kiếm: mỗi bộ môn 01 huấn luyện viên hoặc trọng tài/năm.

c) Cán bộ chuyên môn

Tập trung thực hiện trong giai đoạn 2013-2015, dự kiến đào tạo từ 14 đến 16 cán bộ chuyên môn, bác sĩ thể thao tại Pháp, Úc, Đài Loan (Trung Quốc) v.v…

2.4. Hình thức đào tạo, bồi dưỡng:

a) Đào tạo dài hạn ở nước ngoài:

Đối với lực lượng vận động viên, huấn luyện viên, đào tạo dài hạn ở nước ngoài vẫn là giải pháp hiệu quả nhất đáp ứng được yêu cầu phát triển cho thể thao thành tích cao Thành phố trong giai đoạn hiện nay. Trong giai đoạn chuyên môn hóa hay chuyên môn hóa sâu, việc đào tạo được thực hiện với chu kỳ từ 1 - 2 năm tại các địa điểm đã được xác định trước áp dụng cho các vận động viên, huấn luyện viên các bộ môn được tập trung đầu tư. Đảm bảo đủ các điều kiện cho việc tập luyện nâng cao lượng vận động và phát triển thành tích thể thao theo kế hoạch. Trong thời gian tham gia đào tạo, không tham gia thi đấu các giải không có trong kế hoạch huấn luyện dài hạn đề ra.

b) Tập huấn ngắn hạn tại nước ngoài:

Duy trì việc tập huấn ngắn hạn tại nước ngoài đối với vận động viên, huấn luyện viên các bộ môn trong giai đoạn chuyên môn hoặc giai đoạn tiền thi đấu từ 1 - 3 tháng trong năm, chủ yếu để thay đổi môi trường tập luyện, tạo hưng phấn thể thao cao, thích ứng với các điều kiện tập luyện hiện đại và cọ xát với các đối thủ mạnh để nâng cao trình độ, tâm lý và cải thiện thành tích thi đấu.

c) Kết hợp với y học, dinh dưỡng:

Phối hợp với các chuyên viên về y học thể dục thể thao, dinh dưỡng để xây dựng kế hoạch huấn luyện đảm bảo có sự hỗ trợ của y học và dinh dưỡng; đảm bảo sự hồi phục cho vận động viên. Tạo sự đột phá về khả năng chịu đựng lượng vận động và phát triển thành tích thể thao. Đây là điều tối cần thiết đối với thể thao đỉnh cao nhưng hiện tại ở Việt Nam và Thành phố Hồ Chi Minh chưa được ứng dụng, cấp thêm kinh phí sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng ngoài tiền ăn và ở cho các vận động viên tập huấn dài hạn ở nước ngoài. Không có sự hỗ trợ của y học và dinh dưỡng, vận động viên không thể chịu đựng được lượng vận động cao và có hiệu quả trong tập luyện. Theo dự kiến mỗi ngày cần khoảng 10 USD cho chi phí này. Việc này cần được thực hiện theo kế hoạch do chuyên gia (HLV tại nước sở tại) và bác sĩ thể thao yêu cầu theo từng giai đoạn phù hợp với lộ trình của kế hoạch huấn luyện.

d) Kết hợp giữa tập luyện và thi đấu:

Nghiên cứu và phối hợp giữa các giải thi đấu trong nước và quốc tế (dự kiến) để có kế hoạch thi đấu phù hợp với kế hoạch huấn luyện. Xác định rõ các giải thi đấu trong, ngoài nước cần thiết để đánh giá năng lực vận động viên, tiến độ phát triển thành tích, kết quả cần xác định. Việc xác định các đỉnh trong hệ thống thi đấu rất cần thiết để phục vụ cho công tác huấn luyện. Nâng dần các đỉnh thi đấu, tập trung vào đỉnh chính cần kết quả cao (không nhất thiết phải thi đấu hết tất cả các giải, chỉ thi đấu khi nền tảng tập luyện đủ và cần thiết).

2.5. Địa điểm đào tạo, tập huấn:

Tiến hành khảo sát, lựa chọn và ký kết hợp đồng hợp tác với các địa phương, đơn vị, học viện, cơ quan quản lý huấn luyện thể thao của các quốc gia và vùng lãnh thổ; địa điểm chọn lựa phải đảm bảo các yêu cầu sau:

Phát triển hợp tác quốc tế.

Có thành tích đào tạo.

Có đội ngũ huấn luyện viên giỏi, có kinh nghiệm huấn luyện trẻ và nâng cao, phù hợp với nội dung các môn thể thao theo yêu cầu của Thành phố.

Có cơ sở vật chất, nơi ăn, ở, tập luyện tiện nghi, trang thiết bị tập luyện đạt quy chuẩn quốc tế.

Có nền y học thể dục thể thao phát triển, có khả năng phối hợp và hỗ trợ quá trình huấn luyện cho vận động viên cấp cao.

Trên cơ sở đó, các địa điểm được chọn dựa trên các ký kết hợp tác đào tạo, các cường quốc của từng môn thể thao hoặc đã từng được các môn thể thao tham gia tập huấn đánh giá chất lượng cao như: Pháp, Nga, Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, Hoa Kỳ, Indonesia, Thái Lan...

IV. KINH PHÍ

Kinh phí thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng, phát hiện bồi dưỡng năng khiếu, nhân tài lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao giai đoạn 2011-2015 từ nguồn ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí xã hội hóa, học bổng từ các tổ chức, cơ quan, đơn vị liên quan.

Tổng kinh phí thực hiện chương trình khoảng 325 tỉ đồng, phân bổ theo từng giai đoạn hoặc từng năm như sau:

- Giai đoạn 2011-2012: đã được giao 14.623.173.000 đồng, trong đó:

+ Lĩnh vực Văn hóa - Nghệ thuật: 5.154.457.000 đồng;

+ Lĩnh vực Thể dục thể thao: 9.468.716.000 đồng.

- Giai đoạn 2013-2015: dự kiến sử dụng 310.413.500.000 đồng, trong đó:

+ Lĩnh vực Văn hóa - Nghệ thuật: 110.213.600.000 đồng;

+ Lĩnh vực Thể dục thể thao: 200.199.900.000 đồng.

Hàng năm, căn cứ khả năng cân đối ngân sách; Ủy ban nhân dân Thành phố sẽ phê duyệt kinh phí cụ thể theo đề xuất của cơ quan chủ trì thực hiện chương trình.

V. PHÂN CÔNG THỰC HIỆN

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

- Chủ trì, phối hợp, triển khai thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng, phát hiện bồi dưỡng năng khiếu, nhân tài lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao giai đoạn 2011-2015; xây dựng kế hoạch cụ thể hàng năm thông qua Sở Nội vụ trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, phê duyệt; tổ chức thực hiện tốt kế hoạch hàng năm khi được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt.

- Phối hợp chặt chẽ với các Sở - ngành có liên quan thực hiện kế hoạch; kịp thời đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, giải quyết những vấn đề có liên quan trong quá trình thực hiện kế hoạch này.

- Tham mưu đề xuất xây dựng quy chế tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch hàng năm.

- Chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng tại các đơn vị trực thuộc.

- Báo cáo sơ kết hàng năm, tổng kết từng giai đoạn và cả chương trình gửi về Ban Chỉ đạo Chương trình.

2. Sở Nội vụ:

Thường xuyên theo dõi, phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa, Thể thao, và Du lịch trong quá trình thực hiện chương trình đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, thể dục thể thao.

3. Sở kế hoạch và Đầu tư:

- Thẩm định kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, thể dục thể thao, trình Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt.

- Tổng hợp báo cáo định kỳ cho Ủy ban nhân dân Thành phố.

4. Sở Tài chính:

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối và bố trí nguồn kinh phí thực hiện chương trình đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, thể dục thể thao Thành phố;

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập dự toán chi tiết và thẩm định kinh phí hàng năm trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định; nghiên cứu, đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố cơ chế, chính sách về tài chính, thuế; huy động các nguồn lực để thực hiện chương trình.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo: phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong công tác đào tạo văn hóa cho đội ngũ thiếu nhi, thiếu niên, thanh niên nhằm đảm bảo hoàn chỉnh trình độ văn hóa cho lực lượng diễn viên, nghệ sĩ, vận động viên trong độ tuổi đi học.

6. Các cơ sở đào tạo:

- Tích cực đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học để nắm bắt nhu cầu, xây dựng các nội dung, chuyên đề đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức phù hợp với yêu cầu thực tế của lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật và thể dục thể thao Thành phố. Tăng cường bồi dưỡng chuẩn hóa, mở rộng quy mô bồi dưỡng trên chuẩn đối với giảng viên, cán bộ quản lý theo mục tiêu bồi dưỡng đội ngũ giảng viên đào tạo liên tục giai đoạn 2011 - 2015.

- Tổ chức biên soạn chương trình, giáo án, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn phù hợp với tình hình, bối cảnh mới.

- Xây dựng nội dung chương trình và tổ chức bồi dưỡng về nghiệp vụ cho giảng viên chưa qua trường, lớp sư phạm.

7. Các Sở - ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân quận - huyện: trên cơ sở kế hoạch được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt, chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hàng năm của cơ quan, đơn vị; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện chương trình.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, Thủ trưởng các Sở - ngành Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố để xem xét, giải quyết./.