Quyết định 37/2011/QĐ-UBND quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng tỉnh Hậu Giang
Số hiệu: 37/2011/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hậu Giang Người ký: Trần Công Chánh
Ngày ban hành: 02/11/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Môi trường, Tổ chức bộ máy nhà nước, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37/2011/QĐ-UBND

Hậu Giang, ngày 2 tháng 11 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN LUNG NGỌC HOÀNG TỈNH HẬU GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng;

Căn cứ Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý rừng;

Căn cứ Quyết định số 22/2011/QĐ-UBND ngày 20 tháng 6 năm 2011 của UBND tỉnh về việc thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng tỉnh Hậu Giang;

Xét Tờ trình số 282/TTr-KBT ngày 19 tháng 7 năm 2011 của Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng tỉnh và Tờ trình số 739/TTr-SNV ngày 11 tháng 10 năm 2011 của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí, chức năng

1. Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng tỉnh Hậu Giang (Khu Bảo tồn), là Khu bảo tồn loài, sinh cảnh (Khu I), có tổng diện tích: 2.805, 37 ha, gồm có 3 khu chức năng:

1.1. Phân khu Bảo vệ nghiêm ngặt;

1.2. Phân khu Phục hồi sinh thái;

1.3. Phân khu Dịch vụ hành chính.

Vùng đệm: 8.836, 07 ha.

2. Khu Bảo tồn là đơn vị sự nghiệp có thu thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, tự trang trải một phần kinh phí hoạt động thường xuyên, được có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng để hoạt động

3. Khu Bảo tồn chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế công tác của Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng thời, chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp và cấp trên về ngành, lĩnh vực.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Bảo tồn những sinh cảnh tự nhiên tiêu biểu, độc đáo, sự đa dạng sinh học, nơi khu trú của các loài sinh vật bản địa của hệ sinh thái đất ngập nước vùng đồng bằng ngập nước phía Tây sông Hậu Giang. Đồng thời, góp phần bảo tồn các giá trị về văn hóa, lịch sử, nhân văn của vùng đồng bằng Nam Bộ.

2. Sử dụng, khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên và những tiềm năng của hệ sinh thái đất ngập nước phục vụ cuộc sống của nhân dân địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo và thực hiện các chương trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

3. Bảo vệ, phát triển hệ động vật, thực vật rừng, duy trì sự cân bằng sinh thái và gia tăng độ che phủ rừng; đảm bảo an ninh, môi trường và sự phát triển bền vững của tỉnh và khu vực.

4. Xây dựng và triển khai thực hiện các phương án quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng vào mùa khô hằng năm.

5. Lập dự án đối với các hoạt động phát triển du lịch sinh thái và các hoạt động khác theo đúng quy định tại Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định pháp luật hiện hành trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt để triển khai thực hiện. Quản lý, sử dụng nguồn vốn của trung ương và địa phương, triển khai đảm bảo đúng nội dung và tiến độ dự án được duyệt.

6. Dự thảo quyết định thành lập, sáp nhập, giải thể các đơn vị trực thuộc trình Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định của pháp luật. Tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch sau khi được phê duyệt; thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phạm vi quản lý được giao.

7. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; xây dựng hệ thống thông tin, lưu trữ phục vụ công tác quản lý nhà nước và chuyên môn nghiệp vụ được giao.

8. Kiểm tra, thanh tra theo ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách đối với tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật hoặc phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh.

9. Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng, các phòng chuyên môn và Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân. Sử dụng và quản lý biên chế, thực hiện chế độ tiền lương và chính sách, chế độ đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật đối với công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật và phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh.

10. Quản lý tài chính, tài sản theo quy định của pháp luật và phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh.

11. Thực hiện công tác thông tin, báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Lập các dự án phát triển Khu Bảo tồn dài hạn, trung hạn và ngắn hạn trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

12. Ban hành các quy chế, quy định, nội quy phục vụ cho việc lãnh đạo, quản lý, điều hành đơn vị.

13. Được ký hợp đồng khoán đất cho nông dân sản xuất nông nghiệp theo diện tích đã khoán trước đây. Được giao dịch với ngân hàng ký hợp đồng bảo lãnh cho nông dân vay vốn sản xuất. Được vay vốn sản xuất theo đề án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

14. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và do Ủy ban nhân dân tỉnh giao.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức và biên chế

1. Cơ cấu tổ chức:

1.1. Lãnh đạo Khu Bảo tồn:

a) Khu Bảo tồn có Giám đốc và các Phó Giám đốc.

b) Giám đốc Khu Bảo tồn là người chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh và pháp luật về mọi hoạt động của Khu Bảo tồn.

c) Các Phó Giám đốc giúp Giám đốc, chịu trách nhiệm trước Giám đốc và pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công.

1.2. Các Phòng chuyên môn nghiệp vụ:

a) Văn phòng;

b) Phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ;

c) Phòng Quản lý bảo vệ rừng;

d) 03 Tiểu khu (Tiểu khu 1, Tiểu khu 2, Tiểu khu 3).

1.3. Đơn vị sự nghiệp:

Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân.

2. Biên chế:

Biên chế của Khu Bảo tồn là biên chế sự nghiệp, do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày ký.

Điều 5. Giao Giám đốc Khu Bảo tồn xây dựng, ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Khu Bảo tồn; Quy chế tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Khu Bảo tồn, có sự phân công nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của từng bộ phận và từng công chức, viên chức; đồng thời, sắp xếp tổ chức, bố trí công chức, viên chức theo đúng tiêu chuẩn, chức danh nhà nước quy định.

Điều 6. Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng tỉnh; Thủ trưởng cơ quan ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nội vụ
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản);
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh;
- UBMTTQ, các đoàn thể tỉnh;
- VP. Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Như Điều 6;
- Sở Tư pháp (Phòng Văn bản);
- Cơ quan Báo, Đài tỉnh;
- Công báo tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT. HK
D\2011

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Công Chánh

 





Quyết định 186/2006/QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý rừng Ban hành: 14/08/2006 | Cập nhật: 23/08/2006