Quyết định 299/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động tỉnh Bình Định giai đoạn 2012 - 2015
Số hiệu: 299/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định Người ký: Mai Thanh Thắng
Ngày ban hành: 18/06/2012 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Lao động, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 299/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 18 tháng 6 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG TỈNH BÌNH ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2012 - 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 19/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011- 2020;

Căn cứ Quyết định số 06/2008/QĐ-UBND ngày 21/01/2008 của UBND tỉnh Bình Định về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề tỉnh Bình Định đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;

Xét đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động tỉnh Bình Định giai đoạn 2012 - 2015 với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Tên đề án: Đề án đào tạo nghề cho lao động tỉnh Bình Định giai đoạn 2012 - 2015.

2. Mục tiêu của Đề án: Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2012 - 2015. Gắn mục tiêu đào tạo nghề với giải quyết việc làm theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2015. Cụ thể:

- Phấn đấu từ năm 2012-2015 đào tạo nghề cho khoảng 100.300 người. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 46%. Trong đó: Cao đẳng nghề: 6.120 người, chiếm 5,4%; trung cấp nghề: 17.600 người, chiếm 15,7%; sơ cấp nghề 59.240 người, chiếm 61,9% và dạy nghề dưới 3 tháng: 17.340 người, chiếm 17%;

- Có 85% sinh viên tốt nghiệp trình độ Cao đẳng nghề có việc làm, 80% học sinh tốt nghiệp trình độ trung cấp nghề có việc làm, 85% người lao động sau khi học trình độ sơ cấp nghề có việc làm và tạo việc làm.

3. Nội dung thực hiện Đề án:

a. Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, xã hội về dạy nghề:

- Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, xã hội về vai trò của dạy nghề góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, là một trong những yếu tố quyết định phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả nhanh và bền vững tạo điều kiện cho thanh niên lập thân, lập nghiệp.

- Thực hiện tốt phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS vào học nghề, tăng cường tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về dạy nghề và học nghề.

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức Đảng đối với cả hệ thống chính trị các cấp, các ngành trong công tác đào tạo nghề, trước hết các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp phải chỉ đạo xây dựng kế hoạch, đào tạo nghề 5 năm và hàng năm. Phải quy định cụ thể trách nhiệm từng cấp, từng ngành... có kế hoạch kiểm tra, giám sát và coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của cấp mình, đơn vị mình.

b. Thực hiện quy hoạch phát triển cơ sở dạy nghề:

- Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 06/2008/QĐ-UBND ngày 21/01/2008 của UBND tỉnh Bình Định về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề tỉnh Bình Định đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, đầu tư xây dựng Trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn đạt chuẩn trường trọng điểm Quốc gia, tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh Trường Trung cấp nghề Hoài Nhơn thành trường trọng điểm của tỉnh, đầu tư một số nghề trọng điểm Quốc gia, tập trung đầu tư và đưa vào hoạt động Trường Trung cấp nghề Thủ công Mỹ nghệ Bình Định, tiếp tục củng cố các trung tâm dạy nghề hiện có và đầu tư xây dựng Trung tâm Dạy nghề Hoài Ân đáp ứng nhu cầu đào tạo trong thời gian đến. Riêng 03 huyện nghèo (Huyện: Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão) gắn Trung tâm Giáo dục thường xuyên hướng nghiệp với dạy nghề.

- Khuyến khích các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng cơ sở dạy nghề ngoài công lập theo quy hoạch.

c. Dạy nghề:

- Giai đoạn 2012-2015: Phấn đấu đào tạo nghề khoảng: 100.300 người. Trong đó: Cao đẳng nghề: 6.120 người, chiếm 5,4%; trung cấp nghề: 17.600 người, chiếm 15,7%; sơ cấp nghề 59.240 người, chiếm 61,9% và dạy nghề dưới 3 tháng: 17.340 người, chiếm 17%.

- Nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, tạo bước chuyển biến tích cực, số lượng học sinh, sinh viên và người lao động sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm chiếm khoảng 85% trở lên.

d. Tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng dạy nghề:

- Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề:

+ Tăng nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị dạy nghề cho các cơ sở đào tạo nghề đảm bảo năng lực và quy mô đào tạo. Thực hiện tốt Quyết định số 826/QĐ- BLĐTBXH ngày 07/7/2011 của Bộ Lao động - TBXH về phê duyệt nghề trọng điểm và trường được lựa chọn nghề trọng điểm theo cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia hỗ trợ đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015, Dự án “Đổi mới và phát triển dạy nghề” thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia Việc làm. Thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy biên chế và tài chính đối với đơn vị công lập theo Nghị định số 43/2006 NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ.

+ Thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại và phù hợp.

+ Đẩy mạnh thực hiện chủ trương, chính sách xã hội hóa trong công tác phát triển dạy nghề, vận động, khuyến khích mở rộng sự tham gia của mọi thành phần kinh tế, mọi tổ chức cá nhân có điều kiện đầu tư cho dạy nghề.

- Đội ngũ giáo viên:

+ Tập trung đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên cán bộ quản lý tại các cơ sở dạy nghề.

+ Sắp xếp bố trí lại đội ngũ giáo viên giảng dạy hợp lý cho từng nghề học đảm bảo đủ giáo viên cơ hữu theo tỷ lệ 20 học viên/giáo viên. Đến năm 2015 cần bổ sung khoảng 150 giáo viên. Trong đó: Trường Cao đẳng nghề 25 giáo viên; các Trường trung cấp nghề 70 giáo viên; và các Trung tâm dạy nghề 55 giáo viên.

+ Tuyển những người đã đạt chuẩn trình độ chuyên môn (tốt nghiệp trình độ đại học, cao đẳng ở các trường) để đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng nghề; tuyển những người đã có trình độ kỹ năng nghề cao, đã qua sản xuất để đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm tại khoa sư phạm nghề của Trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn để trở thành giáo viên dạy nghề.

+ Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên dạy nghề; Có chính sách thu hút, khuyến khích giáo viên dạy nghề giỏi, nghệ nhân và người có tay nghề cao tham gia dạy nghề. Các cơ sở dạy nghề cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, tuyển dụng giáo viên của đơn vị mình.

+ Tích cực tổ chức hội thi tay nghề, giáo viên dạy nghề cấp tỉnh để tuyển chọn bồi dưỡng và thành lập các đoàn giáo viên, học sinh có thể tham gia các Hội thi cấp Quốc gia, khu vực về dạy và thực hành các nghề có khả năng đạt thành tích cao.

- Xây dựng chương trình, giáo trình:

+ Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình dạy nghề theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề phù hợp với tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất và tiếp cận với trình độ tiên tiến trong khu vực và thế giới, đảm bảo đào tạo liên thông.

+ Khuyến khích và tăng cường các hình thức liên kết giữa các cơ sở đào tạo nghề và cơ sở sản xuất; gắn đào tạo lý thuyết và thực hành giữa cơ sở sản xuất và cơ

sở đào tạo để nâng cao chất lượng đào tạo; thiết lập cơ chế phối hợp hai chiều giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo nghề.

+ Xây dựng chương trình dạy nghề theo phương pháp phân tích nghề; từng bước chuyển sang chương trình dạy nghề theo môđun.

đ. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực dạy nghề:

- Nâng cao năng lực quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề các cấp: Bố trí 01 biên chế chuyên trách theo dõi về công tác dạy nghề cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố, thị xã theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý dạy nghề các cấp;

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề: Triển khai thực hiện Luật Dạy nghề; thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, kiểm định chất lượng đào tạo nghề, đổi mới công tác xây dựng kế hoạch đào tạo nghề theo hướng nhu cầu thị trường lao động;

- Xây dựng hệ thống thông tin quản lý về dạy nghề, thông tin dự báo về nhu cầu dạy nghề và học nghề; tin học hóa công tác thông tin quản lý dạy nghề trên phạm vi toàn tỉnh. Tăng cường công tác thống kê, phân tích số liệu về dạy nghề.

e. Đào tạo nghề gắn giải quyết việc làm:

- Tăng cường các hình thức liên kết giữa các cơ sở đào tạo nghề và cơ sở sản xuất, đào tạo theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng, khuyến khích các doanh nghiệp dạy nghề tại cơ sở sản xuất một cách hiệu quả. Thiết lập cơ chế phối hợp hai chiều giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo nghề nhằm giúp cho học sinh, sinh viên và người lao động sau khi đào tạo nghề được vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh;

- Các sở ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã phối hợp điều tra khảo sát nhu cầu học nghề và ngành nghề nông nghiệp ở từng địa phương có kế hoạch đào tạo nhằm tạo việc làm tại chỗ cho lao động qua đào tạo nghề góp phần giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp, thiếu việc làm nâng cao thu nhập cho người lao động cũng như giảm tỷ lệ hộ nghèo.

4. Kinh phí thực hiện Đề án:

Tổng kinh phí thực hiện chương trình: 366.912 triệu đồng

Trong đó:

+ Ngân sách Trung ương (chiếm 54,69%): 200.670 triệu đồng

+ Ngân sách tỉnh (chiếm 19,79%): 72.630 triệu đồng

+ Nguồn khác (chiếm 25,52%): 93.612 triệu đồng

- Nguồn vốn Trung ương: Từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia Việc làm và dạy nghề, nguồn vốn đầu tư có mục tiêu để đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm thiết bị dạy nghề, hỗ trợ dạy nghề và các hoạt động khác của dạy nghề.

- Ngân sách địa phương: Đầu tư xây dựng trung tâm dạy nghề Hoài Ân; hỗ trợ học nghề và thực hiện chính sách khuyến khích, ưu đãi của tỉnh đối với người học nghề.

- Các nguồn khác: Các doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề tư thục và đóng góp của người học nghề.

Điều 2. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm cơ quan thường trực, chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, đảm bảo thực hiện Đề án đúng mục tiêu, đối tượng, đạt chất lượng, tiến độ đề ra.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Mai Thanh Thắng

 

ĐỀ ÁN

ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG TỈNH BÌNH ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2012 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 299/QĐ-UBND ngày 18/6/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định)

Phần thứ nhất

KẾT QUẢ THỰC HIỆN ĐÀO TẠO NGHỀ 2006 - 2011

Thực hiện Chương trình hành động số 11-CTr/TU ngày 30/10/2006 của Tỉnh ủy Bình Định thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2006 - 2010 và Quyết định số 817/QĐ-UBND ngày 22/11/2006 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án đào tạo nghề có chất lượng, tay nghề cao giai đoạn 2006 - 2010; trong thời gian vừa qua, được sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; Công tác đào tạo nghề của tỉnh đạt được một số kết quả như sau:

I. KẾT QUẢ

1. Công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện đào tạo nghề

Tỉnh ủy Bình Định ban hành Chương trình hành động số 11-CTr/TU ngày 30/10/2006 về thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2006 - 2010;

Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Đề án Quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề tỉnh Bình Định đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, Đề án đào tạo nghề có chất lượng, tay nghề cao giai đoạn 2006 - 2010, Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Bình Định đến năm 2020, Kế hoạch phát triển xã hội hóa dạy nghề tỉnh Bình Định giai đoạn 2006 - 2010; Các chính sách ưu đãi về trợ cấp học nghề của tỉnh, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nghề, và nhiều văn bản chỉ đạo triển khai phát triển công tác dạy nghề trên địa bàn tỉnh;

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã ban hành trên 20 văn bản hướng dẫn công tác đào tạo nghề và phối hợp với các sở, ban ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch đào tạo nghề và tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đào tạo nghề.

2. Mạng lưới cơ sở dạy nghề:

Thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh và Quyết định số 06/2008/QĐ-UBND ngày 21/01/2008 của UBND tỉnh Bình Định về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề tỉnh Bình Định đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Cơ sở dạy nghề đã phát triển mạnh.

- Năm 2006, trên địa bàn tỉnh chỉ có 18 cơ sở dạy nghề và mới đảm bảo nhận dạy nghề trình độ sơ cấp và công nhân kỹ thuật. Đến năm 2011 có 32 cơ sở dạy nghề đảm nhận đào tạo nghề từ sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề. Trong đó: 02 Trường Cao đẳng nghề; 02 Trường Trung cấp nghề; 10 Trung tâm Dạy nghề; 08 Trung tâm GD-TXHN; 05 Trung tâm khác có hoạt động dạy nghề và 05 Doanh nghiệp có hoạt động tham gia dạy nghề.

Nhìn chung, mạng lưới cơ sở dạy nghề được phát triển theo quy hoạch trên toàn tỉnh; Hệ thống cơ sở dạy nghề từng bước khắc phục trình trạng mất cân đối về phân bổ các cơ sở dạy nghề giữa các địa phương, dạy nghề cả 3 cấp trình độ: Sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề.

- Tổng kinh phí đầu tư xây dựng trong 6 năm qua (2006 - 2011) là 119.414 triệu đồng. Trong đó: Trung ương 92.664 triệu đồng; ngân sách tỉnh 26.750 triệu đồng; và của doanh nghiệp khoảng 15.000 triệu đồng (Trung tâm Dạy nghề các khu Công nghiệp tỉnh);

Phụ lục số II.

3. Đầu tư thiết bị dạy nghề đảm bảo chất lượng dạy nghề

Trong 6 năm qua, nhờ sự quan tâm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh và các cơ sở dạy nghề ngoài công lập đã đầu tư kinh phí cho mua trang thiết bị dạy nghề tăng hơn trước. Tổng kinh phí mua sắm trang thiết bị: 142.669,50 triệu đồng. Trong đó:

- Trường Cao đẳng nghề (02 trường): 71.500 triệu đồng;

+ Kinh phí Trung ương: 65.500 triệu đồng;

+ Kinh phí tự có của trường: 6.000 triệu đồng (trường CĐN Trung bộ).

- Trường Trung cấp nghề (02 trường): 17.000 triệu đồng (của Trung ương);

- Trung tâm Dạy nghề Công lập (07 trung tâm): 16.873 triệu đồng;

+ Kinh phí Trung ương: 14.823 triệu đồng;

+ Kinh phí địa phương: 2.050 triệu đồng;

- Trung tâm GDTX - HN (08 trung tâm): 8.992 triệu đồng;

+ Kinh phí Trung ương: 4.500 triệu đồng;

+ Kinh phí địa phương: 1.680 triệu đồng;

+ Kinh phí tự có của Trung tâm: 2.812 triệu đồng (Trung tâm GDTX-HN Tây Sơn).

- Cơ sở khác có Dạy nghề và Tư thục (08 cơ sở): 28.304,5 triệu đồng

+ Kinh phí Trung ương: 115 triệu đồng;

+ Kinh phí tự có của các Trung tâm: 28.189,5 triệu đồng.

Tổng cộng: Nguồn kinh phí của Trung ương: 74.837,77 triệu đồng; Ngân sách tỉnh: 3.730 triệu đồng. Các nguồn kinh phí khác: 35.701,73 triệu đồng. (các cơ sở dạy nghề tư thục và các cơ sở có hoạt động dạy nghề)

4. Xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề:

Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề luôn được xem là yếu tố quyết định chất lượng dạy nghề, nâng cao chất lượng giáo viên và cán bộ quản lý là một trong những giải pháp đột phá để phát triển và nâng cao chất lượng dạy nghề. Sáu năm qua cùng với phát triển về mạng lưới cơ sở dạy nghề, quy mô và cơ cấu ngành, nghề đào tạo, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề của tỉnh phát triển cả về số lượng và nâng cao chất lượng.

Năm 2006 có 485 giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề, trình độ đại học, cao đẳng chiếm 40%, đến năm 2011 có 845 giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề, trình độ đại học, cao đẳng chiếm 67,22%%, tăng 42,6%. Trong đó:

- Cán bộ quản lý 116 người. Có 18 người có trình độ thạc sỹ, chiếm 15,5%; 80 người có trình độ đại học, chiếm 69%; 09 người có trình độ cao đẳng, chiếm 7,75%; 09 người có trình độ trung cấp, chiếm 7,75%;

- Giáo viên dạy nghề 729 giáo viên. Trình độ thạc sỹ 88 giáo viên, chiếm 12,07%; 490 giáo viên có trình độ đại học, cao đẳng, chiếm 67,22%; 151 giáo viên trình độ khác, chiếm 20,71%. Số giáo viên dạy nghề đạt chuẩn: 561 giáo viên, chiếm tỷ lệ 77% tổng số giáo viên dạy nghề.

Hàng năm tỉnh đều tổ chức bồi dưỡng, nâng cao trình độ quản lý cho cán bộ quản lý và bổi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề cho giáo viên dạy nghề. Ngoài ra, còn một số cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề tham dự các lớp tập huấn do Tổng cục Dạy nghề tổ chức. Trong 6 năm qua đã đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý dạy nghề, kiến thức chuyên môn về kỹ năng nghề, bồi dưỡng công nghệ mới và kỹ năng sư phạm... cho hơn 1.633 lượt cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề trên địa bàn tỉnh.

5. Chương trình, giáo trình dạy nghề:

- Thẩm định cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề cho 30 cơ sở dạy nghề. Thông qua việc thẩm định, cấp phép đăng ký hoạt động dạy nghề, tiến hành rà soát, hướng dẫn các cơ sở dạy nghề củng cố kiện toàn đội ngũ giáo viên, chương trình, giáo trình, học liệu, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy nghề theo quy định của Tổng cục Dạy nghề.

- Trình độ sơ cấp nghề: Theo quy định tại Điều 13, điều 14 của Luật Dạy nghề quy định Chương trình, giáo trình dạy nghề trình độ sơ cấp do người đứng đầu cơ sở dạy nghề tổ chức biên soạn và phê duyệt để làm tài liệu giảng dạy, học tập chính thức. Trong thời gian qua các cơ sở dạy nghề tích cực xây dựng chương trình, giáo trình và học liệu dạy nghề. Đến nay đã biên soạn 175 chương trình sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng.

- Trình độ trung cấp nghề: Căn cứ chương trình khung do Tổng cục Dạy nghề ban hành các cơ sở dạy nghề đã tổ chức biên soạn và duyệt 41 chương trình dạy nghề trình độ trung cấp nghề.

- Trình độ cao đẳng nghề: Căn cứ chương trình khung do Tổng cục Dạy nghề ban hành các Trường Cao đẳng nghề đã tổ chức biên soạn và duyệt 30 chương trình dạy nghề trình độ cao đẳng.

6. Thực hiện chính sách ưu đãi đối với người học nghề

- Thực hiện Quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh triển khai, thực hiện việc xác nhận đối tượng được vay vốn. Kết quả qua 04 năm (2008-2011) đã cho vay 7.714 người với số tiền là 102.079 triệu đồng;

- Về chính sách ưu đãi dạy nghề cho các đối tượng gia đình chính sách có công với cách mạng, người nghèo; người khuyết tật, dân tộc thiểu số; người bị thu hồi đất canh tác, các chương trình dự án do Trung ương hỗ trợ: Thông qua nguồn kinh phí hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn, tàu xe đi lại từ các chương trình Mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo, chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục - đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn theo đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ đã hỗ trợ cho 10.359 học viên với 15.813 triệu đồng;

- Bên cạnh thực hiện chính sách ưu đãi về học nghề của Trung ương; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 14/2003/QĐ-UB ngày 22/01/2003 và Quyết định số 123/QĐ- UBND ngày 29/2/2008 của UBND tỉnh về chính sách học phí, hỗ trợ học bổng, trợ cấp ưu đãi, trợ cấp xã hội đối với học sinh học nghề của tỉnh Bình Định. Trong 6 năm qua đã thực hiện chính sách ưu đãi, trợ cấp xã hội của tỉnh cho 9.261 người học nghề với số tiền là 4.654,04 triệu đồng. Trong đó: Cao đẳng nghề: 517 người với số tiền là 309,34 triệu đồng; Trung cấp nghề: 1.088 người, với số tiền là 627,01 triệu đồng; Sơ cấp nghề: 7.656 người, với số tiền là 3.717,69 triệu đồng.

7. Hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nghề:

UBND tỉnh ban hành Quyết định số 26/2002/QĐ-UB ngày 19/3/2002 Quy định một số chính sách khuyến khích đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định và Quyết định số 24/2005/QĐ-UB ngày 04/2/2005 Quy định một số chính sách khuyến khích đầu tư trong nước trên địa bàn tỉnh Bình Định; Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ tối thiểu 50% kinh phí đào tạo nghề phổ thông và 30% kinh phí đào tạo nghề bậc cao cho các doanh nghiệp để đào tạo công nhân kỹ thuật, nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn, kỹ thuật cho lao động là người của địa phương có hợp đồng tại các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2009 và năm 2010, ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% định mức chi phí dạy nghề cho doanh nghiệp của tỉnh đang khó khăn do khủng hoảng kinh tế tác động.

Kết quả từ năm 2006 - 2011: ngân sách tỉnh hỗ trợ 8.138,07 triệu đồng cho các doanh nghiệp của tỉnh để đào tạo cho 14.601 lượt lao động. Ngành nghề đào tạo: Mộc dân dụng, May công nghiệp, chế biến thủy sản, chế biến hạt điều, sản xuất sản phẩm may xuất khẩu…

8. Kết quả dạy nghề:

Từ năm 2006 - 2011 đã dạy nghề cho 153.974 người (kế hoạch là 143.800 người), đạt 107,08% kế hoạch. Trong đó:

- Tuyển sinh, đào tạo trình độ cao đẳng nghề: 3.917 người, đạt 95,54%; tuyển sinh, đào tạo trình độ trung cấp nghề: 10.887 người, đạt 96,35%; đào tạo trình độ sơ cấp nghề: 95.943 người, đạt 121,45%; Dạy nghề dưới 3 tháng: 43.227 người, đạt 87,5%.

(Phụ lục số III)

Trong đó xã hội hóa dạy nghề 67.487 người. Gồm: Cao đẳng nghề 2.752 người, Trung cấp nghề 7.784 người, Sơ cấp nghề 47.268 người, dạy nghề dưới 3 tháng 9.683 người.

- Quy mô tuyển sinh học nghề tăng 4,06% (từ 23.990 học viên năm 2006 lên 24.964 học viên năm 2011). Trong đó, Cao đẳng và Trung cấp nghề tăng 174,75% .

- Cơ cấu ngành nghề đào tạo đã từng bước điều chỉnh theo cơ cấu ngành nghề trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; đã mở thêm một số ngành nghề đào tạo mới mà thị trường lao động có nhu cầu và các nghề phục vụ cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn (năm 2006 đào tạo 14 nghề thì đến năm 2011 lên 32 nghề tăng 56,25%).

- Ngành nghề đào tạo gồm: Nông, lâm, ngư nghiệp: 64,6%; Công nghiệp và Xây dựng: 13,8%; Dịch vụ: 21,6%. (Phụ lục IIIA).

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề: Năm 2006: 27%, đến năm 2011 là 38%.

9. Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm

Ngành nghề đào tạo đã bám sát yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh; sự phối hợp của các địa phương, các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp đào tạo nghề. Do đó, số học sinh, sinh viên và người lao động sau khi đào tạo nghề được các cơ sở dạy nghề giới thiệu vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chiếm 55 - 60%; tạo việc làm tại chỗ cho 15 - 20% lao động qua đào tạo nghề góp phần giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp, thiếu việc làm nâng cao thu nhập cho người lao động cũng như giảm tỷ lệ hộ nghèo qua từng năm trên địa bàn tỉnh.

II. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Ưu điểm:

- Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã có nhiều chủ trương và chính sách về công tác dạy nghề, từ đó công tác đào tạo nghề của tỉnh đã từng bước được đổi mới và phát triển đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đào tạo nhân lực kỹ thuật cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các chỉ tiêu chủ yếu của Quyết định số 817/QĐ-UBND ngày 22/11/2006 về phê duyệt Đề án Đào tạo nghề có chất lượng, tay nghề cao giai đoạn 2006 - 2010 đều đạt.

- Hệ thống cơ sở dạy nghề đã phát triển mạnh theo Quyết định số 06/2008/QĐ- UBND ngày 21/01/2008 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề tỉnh Bình Định đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; khắc phục dần tình trạng mất cân đối giữa các huyện. Cơ sở dạy nghề trong tỉnh đảm nhận dạy nghề cả 3 cấp trình độ. Quy mô tuyển sinh học nghề tăng 4,06%. Cơ cấu ngành nghề đào tạo đã từng bước điều chỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phương thức và hình thức đào tạo đa dạng và linh hoạt: Dạy nghề chính quy, dạy nghề thường xuyên; dạy nghề tập trung, dạy nghề lưu động, dạy nghề tại doanh nghiệp...;

- Ngân sách đầu tư cho dạy nghề đã được quan tâm; nguồn kinh phí đầu tư phục vụ hoạt động đào tạo nghề ngày càng tăng, tạo điều kiện cho các cơ sở dạy nghề nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất; mua sắm trang thiết bị dạy nghề góp phần nâng cao chất lượng dạy nghề.

- Xã hội hóa dạy nghề được đẩy mạnh, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 09 cơ sở dạy nghề ngoài công lập, trong đó có 05 doanh nghiệp tham gia hoạt động dạy nghề, bình quân mỗi năm các cơ sở dạy nghề ngoài công lập dạy nghề cho khoảng 2.700 người/năm.

- Các điều kiện bảo đảm chất lượng dạy nghề đã được cải thiện: Đội ngũ giáo viên dạy nghề tăng về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng; Nhiều chương trình dạy nghề đã được đổi mới về nội dung cho phù hợp với kỹ thuật, công nghệ sản xuất và đặc biệt chú trọng tới rèn luyện kỹ năng nghề cho người học.

- Các tổ chức chính trị- xã hội, các Hội nghề nghiệp đã tích cực tham gia dạy nghề và truyền nghề, vận động các đoàn viên, hội viên tham gia học nghề.

2. Tồn tại hạn chế:

- Chất lượng đào tạo nghề chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp; Các cơ sở dạy nghề chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ sở sản xuất kinh doanh và dịch vụ trong việc dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động;

- Ngân sách nhà nước đầu tư dạy nghề có tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dạy nghề trong tình hình mới, đặc biệt là yêu cầu mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng dạy nghề; Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy nghề trong thời gian vừa qua được Trung ương và địa phương quan tâm đầu tư nhưng mới chỉ tập trung ở một số trường cao đẳng, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề công lập;

- Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề ở một số cơ sở dạy nghề chưa đạt yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ, yếu về kỹ năng nghề; do vậy khó khăn trong công tác biên soạn chương trình, giáo trình, tổ chức giảng dạy;

- Hệ thống thông tin, dự báo nhu cầu đào tạo nghề cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh chưa có; vì vậy giữa cung và cầu lao động qua đào tạo nghề của tỉnh còn nhiều bất cập;

- Công tác đào tạo nghề chưa được đổi mới mạnh mẽ theo hướng xã hội hóa, cơ sở dạy nghề do tư nhân thành lập còn ít, quy mô nhỏ; người dạy và người học nghề còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.

3. Nguyên nhân tồn tại hạn chế:

- Công tác tuyên truyền, tư vấn về học nghề chưa thường xuyên và sâu rộng, vẫn còn một số cán bộ và bộ phận lớn nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về học nghề. Công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, chưa được quan tâm đúng mức;

- Nhận thức về dạy nghề và học nghề ở các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp chưa thật sự chú trọng đúng mức trong lãnh đạo, chỉ đạo về công tác dạy nghề; nhất là một bộ phận nhân dân vẫn chưa nhận thức đúng mức về học nghề còn nặng về tư tưởng chỉ muốn cho con em mình vào đại học, cao đẳng, chưa muốn vào học nghề;

Phần thứ hai

MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP ĐÀO TẠO NGHỀ TỈNH BÌNH ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2012 - 2015

I. CÁC CĂN CỨ PHÁP LÝ

1. Văn bản pháp lý:

- Quyết định số 54/2009/QĐ-TTg ngày 14/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định đến năm 2020;

- Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020;

- Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 19/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020;

- Quyết định số 06/2008/QĐ-UBND ngày 21/01/2008 của UBND tỉnh Bình Định về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề tỉnh Bình Định đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;

- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2010-2015, và Chương trình hành động số 08/CTr-TU ngày 30/8/2011 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2015.

2. Dự báo nhu cầu lao động qua đào tạo nghề:

- Đến năm 2015 dân số tỉnh Bình Định khoảng 1.520.000 người, trong đó lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 913.000 người. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng giá trị sản phẩm và lao động các ngành công nghiệp, dịch vụ và giảm dần trong các ngành nông nghiệp; Đến năm 2015 Lao động ngành Nông, lâm nghiệp 52%, Lao động ngành Công nghiệp - Xây dựng 23%, lao động ngành Dịch vụ 25%. Hàng năm số lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chuyển dịch sang khu vực Công nghiệp và dịch vụ.

- Nhu cầu lao động qua đào tạo nghề đến năm 2015 là 421.000 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đến năm 2015 là 46% (Chương trình hành động số 08/CTr-TU ngày 30/8/2011 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2015). (Phụ lục số I).

II. QUAN ĐIỂM

- Phát triển dạy nghề là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và nhân dân là bộ phận quan trọng góp phần phát triển nguồn nhân lực, góp phần bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội nhanh, hiệu quả và bền vững. Đầu tư cho dạy nghề là đầu tư phát triển;

- Phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề theo quy hoạch, đa dạng các hình thức dạy nghề, tạo điều kiện cho người lao động nhất là thanh niên, phụ nữ, nông dân, công nhân, người dân tộc thiểu số học nghề. Phát triển trường dạy nghề chất lượng cao, một số trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề tiếp cận trình độ tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Chuyển dạy nghề theo hướng nhu cầu của thị trường lao động và xã hội; đầu tư trọng tâm, trọng điểm và đồng bộ các yếu tố bảo đảm chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;

- Thực hiện liên thông giữa các trình độ dạy nghề và liên thông với các trình độ khác trong hệ thống giáo dục quốc dân; gắn kết giữa đào tạo nghề với các doanh nghiệp; dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần giảm nghèo.

- Đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề, khuyến khích mọi tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho dạy nghề, phát triển các cơ sở dạy nghề tư thục và cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư của nước ngoài.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2012 - 2015. Gắn mục tiêu đào tạo nghề với giải quyết việc làm theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2015.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Phấn đấu từ năm 2012 - 2015 đào tạo nghề cho khoảng 100.300 người. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 46%. Trong đó: Cao đẳng nghề: 6.120 người, chiếm 5,4%; trung cấp nghề: 17.600 người, chiếm 15,7%; sơ cấp nghề 59.240 người, chiếm 61,9% và dạy nghề dưới 3 tháng: 17.340 người, chiếm 17%;

- Có 85% sinh viên tốt nghiệp trình độ Cao đẳng nghề có việc làm, 80% học sinh tốt nghiệp trình độ trung cấp nghề có việc làm, 85% người lao động sau khi học trình độ sơ cấp nghề có việc làm và tạo việc làm.

IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, xã hội về dạy nghề:

- Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, xã hội về vai trò của dạy nghề góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, là một trong những yếu tố quyết định phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả nhanh và bền vững tạo điều kiện cho thanh niên lập thân, lập nghiệp;

- Thực hiện tốt phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS vào học nghề, tăng cường tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về dạy nghề và học nghề;

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức Đảng đối với cả hệ thống chính trị các cấp, các ngành trong công tác đào tạo nghề, trước hết các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp phải chỉ đạo xây dựng kế hoạch, đào tạo nghề 5 năm và hàng năm. Phải quy định cụ thể trách nhiệm từng cấp, từng ngành... có kế hoạch kiểm tra, giám sát và coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của cấp mình, đơn vị mình.

2. Thực hiện quy hoạch phát triển cơ sở dạy nghề:

- Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 06/2008/QĐ-UBND ngày 21/01/2008 của UBND tỉnh Bình Định về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề tỉnh Bình Định đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, đầu tư xây dựng Trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn đạt chuẩn trường trọng điểm Quốc gia, tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh Trường Trung cấp nghề Hoài Nhơn thành trường trọng điểm của tỉnh, đầu tư một số nghề trọng điểm Quốc gia, tập trung đầu tư và đưa vào hoạt động Trường Trung cấp nghề Thủ công Mỹ nghệ Bình Định, tiếp tục cũng cố các trung tâm dạy nghề hiện có và đầu tư xây dựng Trung tâm Dạy nghề Hoài Ân đáp ứng nhu cầu đào tạo trong thời gian đến. Riêng 03 huyện nghèo (Huyện: Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão) gắn Trung tâm Giáo dục thường xuyên hướng nghiệp với dạy nghề;

- Khuyến khích các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng cơ sở dạy nghề ngoài công lập theo quy hoạch.

3. Dạy nghề:

- Giai đoạn 2012 - 2015: Phấn đấu đào tạo nghề khoảng: 100.300 người. Trong đó: Cao đẳng nghề: 6.120 người, chiếm 5,4%; trung cấp nghề: 17.600 người, chiếm 15,7%; sơ cấp nghề 59.240 người, chiếm 61,9% và dạy nghề dưới 3 tháng: 17.340 người, chiếm 17%;

- Nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy nghề gắng với giải quyết việc làm, tạo bước chuyển biến tích cực, số lượng học sinh, sinh viên và người lao động sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm chiếm khoảng 85% trở lên. (Phụ lục số IV).

4. Tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng dạy nghề

a. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề

- Tăng nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị dạy nghề cho các cơ sở đào tạo nghề đảm bảo năng lực và quy mô đào tạo. Thực hiện tốt Quyết định số 826/QĐ- BLĐTBXH ngày 07/7/2011 của Bộ Lao động - TBXH về phê duyệt nghề trọng điểm và trường được lựa chọn nghề trọng điểm theo cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia hỗ trợ đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015, Dự án “Đổi mới và phát triển dạy nghề” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm. Thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy biên chế và tài chính đối với đơn vị công lập theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ.

- Thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại và phù hợp.

- Đẩy mạnh thực hiện chủ trương, chính sách xã hội hóa trong công tác phát triển dạy nghề, vận động, khuyến khích mở rộng sự tham gia của mọi thành phần kinh tế, mọi tổ chức cá nhân có điều kiện đầu tư cho dạy nghề.

b. Đội ngũ giáo viên

- Tập trung đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên cán bộ quản lý tại các cơ sở dạy nghề;

- Có kế hoạch chuẩn hóa đội ngũ giáo viên cho từng hệ đào tạo theo quy định (bao gồm chuẩn hóa về kiến thức, kỹ năng, sư phạm, đạo đức, tác phong, trách nhiệm và tận tụy với nghề);

- Sắp xếp bố trí lại đội ngũ giáo viên giảng dạy hợp lý cho từng nghề học đảm bảo đủ giáo viên cơ hữu theo tỷ lệ 20 học viên/giáo viên. Đến năm 2015 cần bổ sung khoảng 150 giáo viên. Trong đó: Trường Cao đẳng nghề 25 giáo viên; các Trường trung cấp nghề 70 giáo viên; và các Trung tâm dạy nghề 55 giáo viên;

- Tuyển những người đã đạt chuẩn trình độ chuyên môn (tốt nghiệp trình độ đại học, cao đẳng ở các trường) để đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng nghề; tuyển những người đã có trình độ kỹ năng nghề cao, đã qua sản xuất để đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm tại khoa sư phạm nghề của Trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn để trở thành giáo viên dạy nghề;

- Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên dạy nghề; Có chính sách thu hút, khuyến khích giáo viên dạy nghề giỏi, nghệ nhân và người có tay nghề cao tham gia dạy nghề. Các cơ sở dạy nghề cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, tuyển dụng giáo viên của đơn vị mình;

- Tích cực tổ chức Hội thi tay nghề, giáo viên dạy nghề cấp tỉnh để tuyển chọn bồi dưỡng và thành lập các đoàn giáo viên, học sinh có thể tham gia các Hội thi cấp Quốc gia, khu vực về dạy và thực hành các nghề có khả năng đạt thành tích cao.

(Phụ lục số V)

c. Xây dựng chương trình, giáo trình

- Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình dạy nghề theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề phù hợp với tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất và tiếp cận với trình độ tiên tiến trong khu vực và thế giới, đảm bảo đào tạo liên thông;

- Khuyến khích và tăng cường các hình thức liên kết giữa các cơ sở đào tạo nghề và cơ sở sản xuất; gắn đào tạo lý thuyết và thực hành giữa cơ sở sản xuất và cơ sở đào tạo để nâng cao chất lượng đào tạo; thiết lập cơ chế phối hợp hai chiều giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo nghề;

- Xây dựng chương trình dạy nghề theo phương pháp phân tích nghề; từng bước chuyển sang chương trình dạy nghề theo môđun;

- Phát triển các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và sản xuất trong các cơ sở dạy nghề để gắn liền việc học với thực tập.

5. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực dạy nghề

- Nâng cao năng lực quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề các cấp: bố trí 01 biên chế chuyên trách theo dõi về công tác dạy nghề cho Phòng Lao động - TBXH các huyện, thành phố, thị xã theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ; Xây dựng, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý dạy nghề các cấp;

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề: Triển khai thực hiện Luật Dạy nghề; thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, kiểm định chất lượng đào tạo nghề, đổi mới công tác xây dựng kế hoạch đào tạo nghề theo hướng nhu cầu thị trường lao động;

- Xây dựng hệ thống thông tin quản lý về dạy nghề, thông tin dự báo về nhu cầu dạy nghề và học nghề; tin học hóa công tác thông tin quản lý dạy nghề trên phạm vi toàn tỉnh. Tăng cường công tác thống kê, phân tích số liệu về dạy nghề.

- Chính sách đối với người học nghề:

+ Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ học nghề trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng cho người lao động chưa có nghề;

+ Thực hiện Quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách ưu đãi vay vốn học nghề và các chính sách ưu đãi khác của Nhà nước đối với người học nghề ở ba cấp trình độ: Cao đẳng, Trung cấp và sơ cấp nghề;

+ Hoàn thiện chính sách học phí, hỗ trợ học bổng, trợ cấp ưu đãi, trợ cấp xã hội đối với học sinh học nghề của tỉnh Bình Định;

- Tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp của tỉnh Bình Định để đào tạo nghề cho lao động gắn với giải quyết việc làm tại doanh nghiệp;

6. Đào tạo nghề gắn giải quyết việc làm

- Tăng cường các hình thức liên kết giữa các cơ sở đào tạo nghề và cơ sở sản xuất, đào tạo theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng, khuyến khích các doanh nghiệp dạy nghề tại cơ sở sản xuất một cách hiệu quả. Thiết lập cơ chế phối hợp hai chiều giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo nghề nhằm giúp cho học sinh, sinh viên và người lao động sau khi đào tạo nghề được vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh;

- Các Sở ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã phối hợp điều tra khảo sát nhu cầu học nghề và ngành nghề nông nghiệp ở từng địa phương có kế hoạch đào tạo nhằm tạo việc làm tại chỗ cho lao động qua đào tạo nghề góp phần giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp, thiếu việc làm nâng cao thu nhập cho người lao động cũng như giảm tỷ lệ hộ nghèo.

V. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN

Đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị cho cơ sở dạy nghề theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa bảo đảm cho hoạt động dạy và học nghề toàn diện.

Dự kiến kinh phí đầu tư giai đoạn 2012 - 2015: 336.912 triệu đồng. trong đó:

+ Ngân sách trung ương: 200.670 chiếm 54,69%;

+ Ngân sách tỉnh: 72.630 chiếm 19,79%;

+ Nguồn khác: 93.612 chiếm 25,52%;

- Nguồn vốn Trung ương: Từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia Việc làm và dạy nghề, nguồn vốn đầu tư có mục tiêu để đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm thiết bị dạy nghề, hỗ trợ dạy nghề và các hoạt động khác của dạy nghề;

- Ngân sách địa phương: Đầu tư xây dựng trung tâm dạy nghề Hoài Ân; hỗ trợ học nghề và thực hiện chính sách khuyến khích, ưu đãi của tỉnh đối với người học nghề.

- Các nguồn khác: Các doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề tư thục và đóng góp của người học nghề. (Phụ lục số VI).

Phần thứ ba

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Căn cứ Đề án "Đào tạo nghề cho lao động tỉnh Bình Định giai đoạn 2012 - 2015", UBND tỉnh giao Thủ trưởng các Sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, Giám đốc các doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị mình, dự báo nhu cầu, xây dựng quy hoạch, kế hoạch để triển khai Đề án đào tạo nghề, đảm bảo về số lượng, cơ cấu, chất lượng phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Phân công trách nhiệm các sở, ngành, địa phương tham mưu thực hiện các nội dung cụ thể như sau:

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

Là cơ quan thường trực Đề án; Chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, TP, thị xã tổ chức thực hiện Đề án; tham mưu, đề xuất UBND tỉnh các chủ trương, chính sách phù hợp góp phần phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao của tỉnh; tổng hợp báo cáo, đánh giá kết quả và tiến độ thực hiện, định kỳ 6 tháng báo cáo UBND tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì phối hợp với Sở Lao động - TB&XH và các Sở, ngành liên quan cân đối nguồn lực đầu tư hàng năm để đầu tư phát triển đào tạo nghề.

3. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - TB&XH bố trí ngân sách hàng năm cho dạy nghề.

4. Sở Nội vụ: Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - TB&XH, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các Sở, ngành liên quan trong việc hướng dẫn và bố trí 01 chuyên trách phụ trách đào tạo nghề cấp huyện, thành phố, thị xã. Hướng dẫn xây dựng kế hoạch biên chế, tuyển dụng viên chức thuộc các cơ sở dạy nghề công lập;

5. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Lao động - TB&XH, UBND các huyện, thành phố thị xã thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh và dự phòng cho các cơ sở dạy nghề dự kiến phát triển theo quy hoạch các giai đoạn tiếp theo.

6. Sở Giáo dục - Đào tạo: Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - TB&XH, và các sở, ngành liên quan, các huyện, thành phố, thị xã xây dựng Kế hoạch phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS học nghề .

7. Đề nghị UBMTTQVN tỉnh, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội cấp tỉnh: Phối hợp với Sở Lao động - TB&XH tổ chức thực hiện các nhiệm vụ liên quan, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức xã hội và nhân dân cùng tham gia vào công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực.

8. UBND các huyện, thành phố: Căn cứ vào nội dung của Đề án này và tình hình thực tế của địa phương có trách nhiệm cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch của địa phương mình với mục tiêu, nội dung, giải pháp cụ thể phù hợp để chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Mai Thanh Thắng

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

 

 





Quyết định 06/2008/QĐ-UBND hủy bỏ Quyết định 11/2005/QĐ-UB Ban hành: 12/02/2008 | Cập nhật: 06/07/2013