Quyết định 27/2014/QĐ-UBND về Quy chế quản lý và giao, cho thuê mặt nước để nuôi thủy sản lồng bè, nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ tại các vùng nước trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
Số hiệu: 27/2014/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Người ký: Trần Ngọc Thới
Ngày ban hành: 18/06/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/2014/QĐ-UBND

Bà Rịa, ngày 18 tháng 6 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VÀ GIAO, CHO THUÊ MẶT NƯỚC ĐỂ NUÔI THỦY SẢN LỒNG BÈ, NUÔI NHUYỄN THỂ HAI MẢNH VỎ TẠI CÁC VÙNG NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004;

Căn cứ Luật Thuỷ sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 27/2005/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thủy sản;

Căn cứ Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ, quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản; Nghị định số 14/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản;

Căn cứ Nghị định số 38/2011/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về thủ tục hành chính của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004, Nghị định số 49/2004/NĐ-CP ngày 27 tháng 7 năm 2004 và Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005;

Căn cứ Quyết định số 23/2007/QĐ-UBND ngày 19 tháng 4 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định về trình tự, thủ tục triển khai dự án đầu tư bên ngoài các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 161/TTr-SNN-TS ngày 22 tháng 5 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này quy chế quản lý và giao, cho thuê mặt nước để nuôi thủy sản lồng bè, nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ tại các vùng nước trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Thủ trưởng các sở, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Ngọc Thới

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ VÀ GIAO, CHO THUÊ MẶT NƯỚC ĐỂ NUÔI THỦY SẢN LỒNG BÈ, NUÔI NHUYỄN THỂ HAI MẢNH VỎ TẠI CÁC VÙNG NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 27/2014/QĐ-UBND ngày 18 tháng 6 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này được áp dụng để quản lý và giao, cho thuê mặt nước để nuôi thủy sản lồng bè, nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ tại các vùng nước tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nhằm quản lý vùng nước nuôi thủy sản, giúp hoạt động nuôi thủy sản bằng lồng bè và nhuyễn thể hai mảnh vỏ được thuận lợi, giảm thiểu dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm và phát triển bền vững.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nuôi thủy sản lồng bè, nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ tại các vùng nước tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, các cơ quan quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Lồng bè là cấu trúc nổi gồm bè cá, lồng nuôi cá và nhà bè được sử dụng để nuôi thuỷ sản trên biển, sông, hồ, đầm…

2. Bè cá là cấu trúc nổi có một hoặc nhiều lồng nuôi cá được ghép lại với nhau bằng kết cấu khung cứng hoặc nối ghép.

3. Lồng nuôi cá gồm các bộ phận chính: khung lồng, lưới lồng, vật dự trữ nổi.

4. Khung lồng là kết cấu cơ bản của lồng nuôi cá; khung lồng có dạng hình khối hoặc khung chữ nhật và có thể được làm bằng thép, gỗ, tre hoặc các vật liệu khác.

5. Nhà bè là nhà được dựng trên bè cá để làm nơi chế biến, dự trữ, bảo quản thức ăn nuôi cá, để các vật dụng phục vụ nuôi cá và là nơi ăn, ở cho người làm việc trên bè.

6. Chủ bè cá là tổ chức, cá nhân sở hữu bè cá hoặc người được uỷ quyền sở hữu bè cá.

7. Chất thải là các chất thải từ hoạt động nuôi thủy sản lồng bè bao gồm chất thải rắn, chất thải lỏng như: Thức ăn thừa, chất thải của đối tượng nuôi, xác chết của các đối tượng nuôi, dư lượng các loại thuốc, hoá chất phòng trị bệnh, chế phẩm sinh học và các chất xử lý môi trường nuôi, nước thải từ lồng nuôi, chất thải do con người thải ra.

8. Nhuyễn thể hai mảnh vỏ gồm các đối tượng sau: hàu, nghêu, sò, điệp, vẹm xanh…

9. An toàn dịch bệnh và vệ sinh thực phẩm là cơ sở vùng nuôi đạt các tiêu chí sau:

a) Ðảm bảo sản phẩm nuôi không có dư lượng các chất bị cấm sử dụng;

b) Ðảm bảo sản phẩm nuôi không có hàm lượng các chất có thể gây hại như kim loại nặng, hoá chất tẩy trùng, thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh... vượt quá giới hạn cho phép sử dụng làm thực phẩm cho người;

c) Hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ, rủi ro sinh bệnh trên đối tượng nuôi và làm sản phẩm nuôi bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh cho người tiêu dùng;

d) Các mối nguy về an toàn dịch bệnh và vệ sinh thực phẩm trong các cơ sở, vùng nuôi phải được kiểm soát.

Điều 4. Điều kiện để nuôi thủy sản lồng bè, nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ

Tổ chức, cá nhân nuôi thủy sản lồng bè, nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ phải có các điều kiện sau đây:

1. Mặt nước để nuôi thuỷ sản lồng bè, nhuyễn thể hai mảnh vỏ là vùng nước phải được quy hoạch.

2. Phải được cơ quan có thẩm quyền giao hoặc cho thuê mặt nước.

3. Phải bảo đảm an toàn cho bè cá, tiêu chuẩn kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản; tiêu chuẩn vệ sinh thú y và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

4. Sử dụng các loại thức ăn, thuốc thú y bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về thú y.

Chương II

GIAO MẶT NƯỚC NUÔI THỦY SẢN LỒNG BÈ NUÔI NHUYỄN THỂ HAI MẢNH VỎ

Điều 5. Đối tượng được giao mặt nước

Đối tượng được giao mặt nước, không thu tiền sử dụng để nuôi thủy sản lồng bè, nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ:

1. Cá nhân sinh sống và có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, là người trực tiếp nuôi mà nguồn sống chủ yếu dựa vào thu nhập từ nuôi trồng thủy sản.

2. Cá nhân sinh sống và có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu làm nghề khai thác thủy sản ven bờ nay chuyển sang nuôi thủy sản lồng bè, nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ.

Điều 6. Thủ tục giao mặt nước

1. Hồ sơ xin giao mặt nước nuôi thủy sản lồng bè, nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ được làm thành ba (03) bộ, mỗi bộ gồm:

a) Đơn đề nghị giao mặt nước nuôi thủy sản lồng bè, nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ (Mẫu đơn phụ lục).

b) Phương án hoặc dự án nuôi thủy sản lồng bè, nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ đã được cơ quan quản lý thủy sản các huyện, thành phố thẩm định và chấp thuận;

c) Bản cam kết bảo vệ môi trường hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về môi trường.

d) Hộ khẩu thường trú, giấy chứng minh nhân dân (bản sao hợp lệ).

e) Bản vẽ sơ đồ ghi đánh dấu vị trí nuôi và tứ cận (yêu cầu bắt buộc phải cách vị trí của các bè xung quanh tối thiểu 40 m).

2. Trình tự giải quyết

a) Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (nơi xin giao mặt nước) tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra hồ sơ, xác nhận các nội dung trong đơn, ghi ý kiến đề nghị cho phép nuôi trồng thủy sản (hướng dẫn làm lại hồ sơ nếu chưa đủ, chưa đúng). Thời hạn giải quyết tối đa không quá bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

b) Hồ sơ sau khi có ý kiến của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn được gửi đến Phòng Tài nguyên và Môi trường. (Đối với địa bàn huyện Côn Đảo, không có cấp xã, hồ sơ được nộp tại Phòng Tài nguyên và Môi trường).

c) Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp Phòng Kinh tế hoặc Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thẩm tra, tổng hợp các ý kiến, tham mưu trình Ủy ban nhân dân huyện, thành phố xem xét để ra quyết định giao mặt nước nuôi trồng thủy sản, nếu không giao thì phải trả lời bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân biết và nêu rõ lý do. Thời hạn giải quyết tối đa không quá hai mươi (20) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

d) Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm làm trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính khu đất đối với nơi chưa có bản đồ địa chính, trích sao hồ sơ địa chính, in Giấy chứng nhận và gửi đến Phòng Tài nguyên và Môi trường. Thời gian hoàn thành công việc nêu tại điểm này không quá mười (10) ngày làm việc.

Điều 7. Hạn mức diện tích và thời hạn giao mặt nước

1. Diện tích mặt nước được giao đối với nuôi thủy sản lồng bè không quá năm nghìn (5.000) m2, đối với nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ không quá một (01) ha.

2. Thời hạn giao: Không quá hai mươi (20) năm, tính từ ngày ghi trong quyết định giao mặt nước.

Chương III

THUÊ MẶT NƯỚC NUÔI THUỶ SẢN LỒNG BÈ NUÔI NHUYỄN THỂ HAI MẢNH VỎ

Điều 8. Đối tượng thuê mặt nước

Đối tượng được thuê mặt nước (phải nộp tiền sử dụng mặt nước) là tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước có nhu cầu và đủ điều kiện để nuôi thuỷ sản lồng bè, nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ.

Điều 9. Thủ tục thuê mặt nước

1. Đối với hộ gia đình, cá nhân trong nước:

a) Hồ sơ xin thuê mặt nước được làm thành ba (03) bộ, mỗi bộ gồm:

- Đơn đề nghị thuê mặt nước (Mẫu đơn phụ lục).

- Phương án hoặc dự án nuôi thủy sản lồng bè, nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ đã được cơ quan quản lý thủy sản các huyện, thành phố thẩm định và có ý kiến chấp thuận;

- Bản cam kết bảo vệ môi trường hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về môi trường.

- Hộ khẩu thường trú, giấy chứng minh nhân dân (bản sao hợp lệ).

- Bản vẽ sơ đồ ghi đánh dấu vị trí nuôi và tứ cận (yêu cầu bắt buộc phải cách vị trí của các bè xung quanh tối thiểu 40 m).

b) Trình tự và thời gian giải quyết

- Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (nơi xin thuê mặt nước) tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra hồ sơ, xác nhận các nội dung trong đơn, ghi ý kiến đề nghị cho phép nuôi (hướng dẫn làm lại hồ sơ nếu chưa đủ, chưa đúng). Thời hạn giải quyết tối đa không quá bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

- Hồ sơ sau khi có ý kiến của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn được gửi đến Phòng Tài nguyên và Môi trường. (Đối với địa bàn huyện Côn Đảo, không có cấp xã, hồ sơ được nộp tại Phòng Tài nguyên và Môi trường).

- Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp Phòng Kinh tế hoặc Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thẩm tra, tổng hợp các ý kiến, tham mưu trình Ủy ban nhân dân huyện, thành phố xem xét để ra quyết định cho thuê mặt nước nuôi, nếu không cho thuê thì phải trả lời bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân biết và nêu rõ lý do. Thời hạn giải quyết tối đa không quá hai mươi (20) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

- Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm làm trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính khu đất đối với nơi chưa có bản đồ địa chính, trích sao hồ sơ địa chính, in Giấy chứng nhận và gửi đến Phòng Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân huyện, thành phố xem xét để cấp Giấy chứng nhận; ký hợp đồng thuê mặt nước theo quy định, tương tự như đối với trường hợp được thuê đất. Thời gian hoàn thành công việc nêu tại điểm này không quá mười (10) ngày làm việc.

- Sau khi Ủy ban nhân dân huyện, thành phố có quyết định cho thuê đất, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm gửi hồ sơ địa chính đến cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính của cá nhân, hộ gia đình.

2. Đối với các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư trong nước và ngoài nước có vốn đầu tư dưới 300 tỉ đồng Việt Nam:

a) Hồ sơ đề nghị thuê mặt nước nuôi thủy sản lồng bè, nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ được làm thành tám (08) bộ, mỗi bộ gồm:

- Đơn đề nghị thuê mặt nước.

- Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án nuôi thủy sản lồng bè, nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ đã được cơ quan quản lý thủy sản cấp tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thẩm định và ý kiến chấp thuận (Nhà đầu tư có thể tự lập hoặc thuê các tổ chức tư vấn lập dự án đầu tư và chịu trách nhiệm về các số liệu, kết quả nêu trong dự án đầu tư), gồm các nội dung sau:

+ Tên dự án đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, tổng mức đầu tư, tiến độ thực hiện.

+ Địa điểm đầu tư; diện tích mặt nước; bản vẽ sơ đồ đất, mặt nước (nếu có).

+ Giới thiệu về năng lực kinh nghiệm, năng lực tài chính thực hiện dự án.

+ Đối tượng dự kiến nuôi, phương thức nuôi, quy trình nuôi, hiệu quả dự án về kinh tế và xã hội, nhu cầu sử dụng lao động người địa phương.

- Bản cam kết bảo vệ môi trường, đảm bảo giao thông, lưu tốc dòng chảy; thu gom chất thải để xử lý theo quy định phải được lập đồng thời với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án. (Chủ dự án tự mình hoặc thuê tổ chức dịch vụ tư vấn lập và chịu trách nhiệm về các số liệu, kết quả nêu trong bản cam kết bảo vệ môi trường).

- Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp trong nước; văn bản xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư nước ngoài; bản sao giấy chứng minh nhân dân đối với nhà đầu tư là cá nhân trong nước; bản sao hộ chiếu (đang còn thời hạn hiệu lực) đối với nhà đầu tư là cá nhân người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú tại Việt Nam.

b) Trình tự và thời gian xem xét chấp nhận chủ trương:

- Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra hồ sơ, xác nhận các nội dung hồ sơ đề nghị thuê mặt nước nuôi trồng thủy sản (hướng dẫn làm lại hồ sơ nếu chưa đủ, chưa đúng). Thời hạn trả lời nhà đầu tư về chủ trương đầu tư không quá mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, trong đó:

+ Thời gian Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét và tổ chức lấy ý kiến các cơ quan liên quan không quá mười (10) ngày làm việc (các cơ quan được hỏi ý kiến có trách nhiệm trả lời Sở Kế hoạch và Đầu tư trong thời hạn không quá bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản hỏi ý kiến của Sở Kế hoạch và Đầu tư);

+ Thời gian thẩm tra hồ sơ của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh không quá năm (05) ngày làm việc.

- Sau khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ký văn bản về chủ trương đầu tư, trong thời hạn một (01) ngày làm việc Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh thông báo cho Sở Kế hoạch và Đầu tư biết để cử cán bộ đến nhận kết quả trả lời về chủ trương đầu tư và thực hiện trả kết quả cho nhà đầu tư tại Sở Kế hoạch và Đầu tư.

- Trường hợp, Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận về chủ trương đầu tư, nhà đầu tư có trách nhiệm liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn làm các thủ tục để được thuê mặt nước, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước theo quy định pháp luật.

c) Trình tự, thủ tục cho thuê mặt nước

- Trong thời hạn không quá hai (02) ngày làm việc, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chỉ đạo Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất làm trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính khu mặt nước đối với nơi chưa có bản đồ địa chính, trích sao hồ sơ địa chính.

- Trong thời hạn ba (03) ngày làm việc, kể từ khi nhận được chỉ đạo của Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm hoàn thành trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính khu mặt nước đối với nơi chưa có bản đồ địa chính, trích sao hồ sơ địa chính gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để thẩm tra.

- Trong thời hạn bảy (07) ngày làm việc, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ địa chính; xác minh thực địa và trình Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quyết định cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước; ký hợp đồng thuê mặt nước theo quy định, tương tư như đối với trường hợp được thuê đất.

- Sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có quyết định cho thuê đất, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm gửi hồ sơ địa chính đến cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính của nhà đầu tư.

Điều 10. Trình tự xác định nghĩa vụ tài chính của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước thuê mặt nước

1. Trong thời hạn ba (03) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ địa chính do Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất gửi đến, cơ quan thuế phải thực hiện:

a) Kiểm tra hồ sơ (số liệu) địa chính, xác định số tiền thuê mặt nước phải nộp; lập thông báo nộp tiền thuê theo quy định. Trường hợp chưa đủ cơ sở để xác định số thu tiền thuê mặt nước thì trong thời hạn mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan thuế phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan gửi hồ sơ để bổ sung; sau khi có đủ hồ sơ địa chính thì thời hạn hoàn thành là sau ba (03) ngày làm việc được tính từ ngày nhận đủ hồ sơ bổ sung.

b) Lập hồ sơ theo dõi thu nộp tiền thuê mặt nước theo mẫu do Bộ Tài chính quy định; chuyển thông báo nộp tiền thuê mặt nước cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để gửi cho các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước thuê mặt nước.

2. Sau năm đầu tiên thuê mặt nước và nộp tiền thuê mặt nước do văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất gửi thông báo cho các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước thuê mặt nước, các năm tiếp theo vào trước mỗi kỳ nộp tiền thuê mặt nước, cơ quan thuế ra thông báo cho các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước thuê mặt nước. Trường hợp Nhà nước có điều chỉnh giá đất hoặc căn cứ tính tiền thuê mặt nước có thay đổi thì phải xác định lại tiền thuê mặt nước phải nộp, sau đó thông báo cho các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước thuê mặt nước thực hiện.

3. Các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước thuê mặt nước có trách nhiệm nộp tiền thuê mặt nước vào ngân sách nhà nước theo thông báo của cơ quan thuế.

4. Sau khi các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước thuê mặt nước thực hiện xong các nghĩa vụ tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường giao giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước cho tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước thuê mặt nước và chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có mặt nước tổ chức bàn giao cho tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước thuê mặt nước trên thực địa.

Điều 11. Hạn mức diện tích và thời hạn cho thuê mặt nước

1. Diện tích mặt nước cho thuê để nuôi thủy sản lồng bè, nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ

a) Đối với cá nhân và hộ gia đình, diện tích mặt nước cho thuê để nuôi thủy sản lồng bè không quá năm nghìn (5.000) m2, để nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ không quá một (01) ha.

b) Đối với các tổ chức, doanh nghiệp, diện tích mặt nước cho thuê để nuôi thủy sản lồng bè, nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ không quá năm (05) ha;

2. Thời hạn cho thuê: không quá hai mươi (20) năm, tính từ ngày ghi trong quyết định cho thuê mặt nước.

Chương IV

THU HỒI, GIA HẠN MẶT NƯỚC GIAO, CHO THUÊ NUÔI THỦY SẢN LỒNG BÈ, NHUYỄN THỂ HAI MẢNH VỎ

Điều 12. Thu hồi mặt nước đã giao hoặc cho thuê

1. Thu hồi mặt nước đã giao hoặc cho thuê trong các trường hợp sau:

a) Sử dụng không đúng mục đích.

b) Quá 24 tháng liền mà không sử dụng để nuôi thủy sản lồng bè, nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ, trừ trường hợp có lý do chính đáng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

c) Trường hợp không sử dụng hết phần diện tích giao, cho thuê để nuôi thủy sản lồng bè, nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ theo quy định thì bị thu hồi phần diện tích mặt nước không sử dụng đó.

d) Tổ chức, cá nhân nuôi thủy sản lồng bè, nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ không thực hiện nghĩa vụ tài chính về thuê mặt nước, không báo cáo thống kê theo quy định pháp luật, không thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm.

đ) Tổ chức, cá nhân sử dụng mặt nước tự nguyện trả lại diện tích được giao, cho thuê.

e) Nhà nước có nhu cầu thu hồi vì mục đích công cộng, quốc phòng, an ninh.

2. Thẩm quyền thu hồi

Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định giao, cho thuê mặt nước đồng thời là cơ quan có thẩm quyền thu hồi diện tích mặt nước.

3. Trước khi ra quyết định thu hồi mặt nước đã giao hoặc cho thuê, cơ quan ký quyết định thu hồi phải thông báo trước 6 tháng cho tổ chức, cá nhân bị thu hồi biết.

Điều 13. Gia hạn thời hạn giao hoặc cho thuê mặt nước để nuôi thủy sản thủy sản lồng bè, nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ khi hết thời hạn quyền sử dụng

1. Trước thời điểm hết hạn quyền sử dụng mặt nước sáu (06) tháng, tổ chức cá nhân có nhu cầu tiếp tục sử dụng mặt nước để nuôi phải làm hồ sơ như quy định về việc xin giao hoặc cho thuê mặt nước, gửi đến cơ quan nơi quyết định giao hoặc cho thuê trước đây để xin gia hạn giao hoặc cho thuê mặt nước.

2. Đối với tổ chức cá nhân nước ngoài phải có bản sao hợp lệ giấy phép đầu tư được gia hạn (nếu giấy phép đầu tư trước đây đã hết hạn).

3. Thời gian gia hạn giao hoặc cho thuê mặt nước tùy theo từng trường hợp nhưng không quá thời gian giao, cho thuê trước đó.

4. Trong thời gian ba mươi (30) ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định việc gia hạn giao hoặc cho thuê và cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước để nuôi thủy sản lồng bè, nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ. Trường hợp không gia hạn giao, cho thuê mặt nước thì phải trả lời bằng văn bản và phải nêu rõ lý do.

Chương V

QUẢN LÝ GIỐNG, VỆ SINH VÀ THÚ Y NUÔI THỦY SẢN LỒNG BÈ

Điều 14. Quy định về chọn giống, thức ăn, thuốc, hóa chất phục vụ nuôi

1. Chọn giống để thả nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, phải qua kiểm dịch của cơ quan chức năng, chọn những lô giống khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều, không bị xây xát, trầy xước, dị hình, phải còn đầy đủ các bộ phận, bơi lội nhanh nhẹn.

2. Trước khi thả giống, tắm cho động vật thủy sản bằng nước ngọt trong khoảng thời gian nhất định tùy theo loại cá và kích cỡ để phòng, trị bệnh hoặc bằng Formol với liều lượng theo quy định hiện hành nhằm loại bỏ các vi khuẩn gây hại và một số động vật ký sinh bám trên thân động vật thủy sản.

3. Sử dụng thức ăn đảm bảo chất lượng theo quy định hiện hành.

4. Hạn chế mức thấp nhất việc dùng thuốc thú y và hóa chất trong nuôi trồng thủy sản. Tuyệt đối không sử dụng các loại thức ăn, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất nằm trong danh mục cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định.

Điều 15. Quản lý chăm sóc, vệ sinh phòng chống dịch bệnh

1. Trong quá trình nuôi các tổ chức, cá nhân phải quản lý chăm sóc đúng kỹ thuật, hạn chế thức ăn thừa; tuân thủ các Quy chuẩn quốc gia về nuôi trồng thủy sản thương phẩm được cơ quan chuyên môn hướng dẫn.

2. Khử trùng lồng, bè, dụng cụ trước khi thả nuôi, vệ sinh lồng bè nuôi thường xuyên, tạo sự lưu thông nước, hạn chế ô nhiễm, thu gom chất thải thường xuyên và định kỳ sau từng đợt nuôi.

3. Thực hiện phòng chống dịch bệnh theo quy định.

4. Khi có dịch bệnh phát sinh phải thông báo tình hình dịch bệnh cho chính quyền địa phương và cơ quan quản lý biết để có biện pháp xử lý kịp thời.

Điều 16. Bảo vệ môi trường vùng nuôi lồng bè

1. Tuyệt đối không xả trực tiếp các chất thải chưa qua xử lý, xác động vật thủy sản xuống sông hoặc ra ngoài môi trường, trên mỗi bè cần có bảng nội quy quy định việc thu gom và xử lý các chất xả thải đúng quy định.

2. Các cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng bè phải thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường đã cam kết và đảm bảo xử lý các chất thải theo tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường hiện hành.

3. Tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản lồng bè phải có trách nhiệm báo cáo kịp thời về tình hình ô nhiễm môi trường cho các cơ quan quản lý nhà nước hoặc khi có yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước.

Điều 17. Nhân lực và an toàn lao động

1. Người lao động phải đủ sức khoẻ được hợp đồng lao động theo quy định, được tập huấn về kỹ thuật nuôi thủy sản lồng bè, kiến thức bảo vệ môi trường và công tác bảo đảm an toàn cho người và phương tiện trong nuôi thủy sản lồng bè trên sông, biển.

2. Trên mỗi bè nuôi phải có bảng nội quy về an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, phải trang bị phao cứu sinh các loại đủ cho các thành viên làm việc, phải có trang thiết bị thông tin theo dõi dự báo thời tiết.

Điều 18. Điều kiện về quản lý hồ sơ

Các tổ chức, cá nhân khi tham gia nuôi thủy sản lồng bè trên các vùng nước phải ghi nhật ký và lưu giữ hồ sơ về quá trình hoạt động sản xuất, quản lý, chăm sóc trong quá trình nuôi, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch theo quy định, nội dung nhật ký lưu giữ hồ sơ gồm:

1. Các thông tin về con giống: Số lượng, chất lượng, tình trạng sức khoẻ, tên và địa chỉ cơ sở sản xuất giống, ngày thả giống.

2. Các thông tin về quản lý chăm sóc: Chất lượng môi trường nước và sức khoẻ đối tượng nuôi, các biện pháp xử lý, can thiệp khi môi trường biến động.

3. Các thông tin về thức ăn: Tên cơ sở sản xuất thức ăn, số nhãn hiệu lô sản phẩm sản xuất, hạn sử dụng, lượng dùng hàng ngày đối với từng lồng nuôi.

4. Các thông tin về thuốc, chế phẩm sinh học, sản phẩm xử lý môi trường đã sử dụng, lượng sử dụng, lý do sử dụng, phương pháp sử dụng, ngày sử dụng và diễn biến sức khỏe của các đối tượng sau khi sử dụng.

5. Tốc độ sinh trưởng của đối tượng nuôi: Kiểm tra tốc độ sinh trưởng (trọng lượng) của đối tượng nuôi.

6. Thu hoạch: Thời gian nuôi, kích cỡ, năng suất, sản lượng, phương thức thu hoạch và thị trường tiêu thụ.

7. Các thông tin theo dõi về tình hình dịch bệnh.

8. Các thông tin cần thiết khác.

Đồng thời phải có trách nhiệm báo cáo thông tin cho các cơ quan chức năng quản lý về thủy sản khi có yêu cầu.

Chương VI

QUY ĐỊNH VỀ QUYỀN LỢI VÀ TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

Điều 19. Quyền lợi, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản trên các vùng nước

1. Quyền lợi

Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước, được nhà nước bảo vệ khi bị người khác xâm hại đến quyền sử dụng mặt nước nuôi trồng thủy sản hợp pháp của mình, được bồi thường thiệt hại khi nhà nước thu hồi vì mục đích công cộng, quốc phòng, an ninh trước thời hạn giao, cho thuê và được ưu tiên giao hoặc cho thuê đất mặt nước khác để nuôi thủy sản nếu có nhu cầu và địa phương còn quỹ đất mặt nước để nuôi trồng thủy sản; được thông báo về tình hình dịch bệnh, môi trường có liên quan hoạt động nuôi trồng thủy sản; được phổ biến, đào tạo, tập huấn về nuôi trồng thủy sản.

2. Nghĩa vụ

a) Sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả diện tích đất mặt nước được giao, cho thuê nuôi trồng thủy sản. Sử dụng đúng ranh giới vùng đất mặt nước được giao, cho thuê. Không làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của người sử dụng mặt nước chung quanh.

b) Bảo vệ các công trình phục vụ chung cho nuôi trồng thủy sản.

c) Nộp tiền thuê đất mặt nước đúng quy định.

d) Báo cáo thống kê cho cơ quan quản lý theo quy định.

đ) Giao lại mặt nước nuôi trồng thủy sản khi có quyết định thu hồi.

e) Thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, quy định của pháp luật về nuôi thủy sản.

g) Tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành về công trình nuôi theo quy định chung của nhà nước, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản chuyên ngành, thời gian cấm thu hoạch để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

h) Khi có dịch bệnh phát sinh phải nhanh chóng xử lý, thông báo cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn biết để phối hợp giải quyết hậu quả, hạn chế lây lan.

i) Thức ăn, nguyên liệu làm thức ăn nuôi trồng thủy sản, thuốc, hóa chất dùng trong nuôi trồng thủy sản phải đạt tiêu chuẩn nhà nước quy định.

k) Thực hiện các quy định về an toàn cho người và tài sản.

Điều 20. Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan trong việc quản lý, giao cho thuê mặt nước để nuôi trồng thủy sản trên các vùng nước

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Chủ trì tiếp nhận, trả lời nhà đầu tư các dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản của các tổ chức trong và ngoài nước theo quy định.

b) Chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành liên quan kiểm tra hoặc tự tổ chức kiểm tra tình hình triển khai dự án và tình hình hoạt động của các dự án đầu tư của các tổ chức trong và ngoài nước.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên và môi trường có liên quan.

b) Chủ trì thẩm định về môi trường đối với các dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh và theo các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường hiện hành.

c) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh giao hoặc cho thuê đất mặt nước đối với các tổ chức, cá nhân có yêu cầu theo đúng thẩm quyền, hướng dẫn các thủ tục hành chính cho người dân biết và thực hiện.

d) Thực hiện kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ môi trường và xử lý các cơ sở gây ô nhiễm của các dự án thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh và theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Chỉ đạo và kiểm tra các đơn vị trực thuộc trong việc triển khai thực hiện Quy chế này theo chức năng, thẩm quyền quản lý nhà nước về Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

b) Phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng và hoàn thiện mạng lưới quan trắc, cảnh báo môi trường, thông báo định kỳ cho các cơ sở về phòng chống dịch bệnh trong vùng quy hoạch.

c) Tiếp nhận báo cáo nghiên cứu khả thi dự án nuôi trồng thủy sản của các tổ chức, cá nhân để hướng dẫn và tổ chức thẩm định dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản theo quy định.

d) Chỉ đạo công tác đăng ký, đăng kiểm bè cá; công tác bảo đảm an toàn cho người và phương tiện hoạt động nuôi trồng thủy sản theo quy định.

e) Chỉ đạo thanh tra, kiểm tra các cơ sở nuôi trồng thủy sản, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về nuôi trồng thủy sản.

f) Phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, hướng dẫn việc đầu tư sử dụng mặt nước để nuôi trồng thủy sản trong vùng quy hoạch.

4. Sở Giao thông vận tải

a) Phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có ý kiến về vị trí đầu tư tại vùng nước quy hoạch nuôi trồng có liên quan đến giao thông thủy nội địa.

b) Phân định luồng lạch giao thông thủy, đặt biển hiệu quy định tại vùng nước quy hoạch nuôi trồng có liên quan đến giao thông thủy nội địa, thường xuyên tổ chức kiểm tra hành lang an toàn, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm tuyến luồng để nuôi trồng thủy sản khi các tổ chức, cá nhân vi phạm.

5. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

a) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý về người và phương tiện phục vụ hoạt động nuôi trồng thủy sản, bảo vệ, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội ở khu vực quy hoạch; kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện ra vào khu quy hoạch, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

b) Phối kết hợp với công an, chính quyền địa phương thực hiện công tác quản lý đăng ký, tạm trú, tạm vắng, quản lý chặt các đối tượng là người nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tham gia cứu hộ cứu nạn theo quy định của pháp luật.

6. Công an tỉnh

a) Phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh phòng chống tội phạm vi phạm pháp luật về người và phương tiện phục vụ hoạt động nuôi trồng thủy sản, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ trong suốt quá trình hoạt động nuôi trồng thủy sản.

b) Quản lý về nhân khẩu, an ninh và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự công cộng, tham gia cứu hộ, cứu nạn theo quy định của pháp luật.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

b) Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thực hiện theo đúng Quy chế này.

c) Chỉ đạo kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động nuôi trồng thủy sản.

d) Chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan chức năng giám sát và quản lý các hoạt động nuôi trồng thủy sản trong phạm vi địa phương, khuyến khích, tổ chức, hướng dẫn thành lập và hoạt động các tổ hợp tác, tổ tự quản cộng đồng.

đ) Xây dựng quy ước về trách nhiệm của người nuôi, phòng chống dịch bệnh xảy ra, giảm rủi ro và hạn chế thiệt hại cho vùng quy hoạch.

Chương VII

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 21. Trách nhiệm triển khai thực hiện

1. Tổ chức, cá nhân tham gia nuôi trồng thủy sản lồng bè và nhuyễn thể hai vỏ tại các vùng nước trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phải chấp hành nghiêm túc Quy chế này và chịu sự quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến hoạt động nuôi trồng thủy sản của mình.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là cơ quan theo dõi thực hiện Quy chế, để quản lý nắm bắt và phản ánh kịp thời tình hình hoạt động tại vùng nuôi.

3. Trong quá trình tổ chức thực hiện quy chế, nếu có vướng mắc, chưa phù hợp cần sửa đổi, bổ sung, các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan kịp thời phản ảnh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế./.

 

PHỤ LỤC

(ĐƠN ĐỀ NGHỊ GIAO/CHO THUÊ MẶT NƯỚC NUÔI TRỒNG THỦY SẢN)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 27/2014/QĐ-UBND, ngày 18 tháng 6 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------------

ĐƠN ĐỀ NGHỊ GIAO/CHO THUÊ MẶT NƯỚC NUÔI THỦY SẢN LỒNG BÈ NUÔI NHUYỄN THỂ HAI MẢNH VỎ

Kính gửi:

Ủy ban nhân dân xã (phường, thị trấn) ……………………………….
Ủy ban nhân dân huyện (quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) ………

 

1. Họ và tên người đề nghị được giao/cho thuê mặt nước:……………………

2. Địa chỉ nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: ……………………………………..

Số sổ hộ khẩu: ……………… cấp ngày ………. tháng ….. năm ……………..

3. Địa chỉ liên hệ: …………………………………………………………… …., Điện thoại: ………………………………………………………………………..

4. Hiện đang hành nghề chính là: ……………………………………………..

5. Địa điểm khu mặt nước đề nghị được giao/cho thuê: ………………………

………………………………………………………………………………….

6. Diện tích đề nghị được giao/cho thuê (m2): ………………………………...

7. Nguồn gốc mặt nước đề nghị giao/cho thuê: do ……………………………

Thời hạn sử dụng mặt nước là ………… năm và kết thúc thời hạn vào ngày ….. tháng ….. năm …..

8. Mục đích sử dụng ……………………………………………………………

9. Cam kết sử dụng mặt nước đúng mục đích và chấp hành đúng các quy định của pháp luật hiện hành.

 

…, ngày ... tháng ... năm...
Người đề nghị được giao/cho thuê mặt nước
(Ký và ghi rõ họ, tên)

 

XÁC NHẬN CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ (PHƯỜNG, THỊ TRẤN)...

1. Về người đề nghị được giao mặt nước là hộ gia đình, cá nhân đang trực tiếp hành nghề chính là: ………………………………………………………………

2. Về khả năng nuôi của hộ gia đình, cá nhân: ………………………………..

3. Ý kiến đề nghị:……………………………………………………………

 

 

 

..., ngày ... tháng ... năm...
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
(Ký tên, đóng dấu)

 

 





Nghị định 27/2005/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Thủy sản Ban hành: 08/03/2005 | Cập nhật: 07/12/2012

Nghị định 181/2004/NĐ-CP thi hành Luật Đất đai Ban hành: 29/10/2004 | Cập nhật: 10/12/2012