Quyết định 23/2007/QĐ-UBND về "Chương trình phát triển y tế giai đoạn 2006-2010" thực hiện Chương trình hành động 05-CTr/TU
Số hiệu: 23/2007/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình Người ký: Trần Công Thuật
Ngày ban hành: 19/10/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Y tế - dược, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/2007/QĐ-UBND

Đồng Hới, ngày 19 tháng 10 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH "CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN Y TẾ GIAI ĐOẠN 2006- 2010" THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 05/CTR-TU NGÀY 18/09/2006 CỦA TỈNH ỦY QUẢNG BÌNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18 tháng 04 năm 2005 của của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao;

Căn cứ Quyết định số 243/2005/QĐ-TTg ngày 05/10/2005 của Chính phủ Ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 46/NQ-TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;

Để triển khai thực hiện Chương trình hành động số 05/CTr-TU ngày 18/09/2006 của Tỉnh ủy Quảng Bình, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình tại công văn số 1359/SYT ngày 11/10/2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Chương trình phát triển y tế giai đoạn 2006- 2010" thực hiện Chương trình hành động số 05/CTr-TU ngày 18/09/2006 của Tỉnh ủy Quảng Bình.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Y tế; Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Y tế;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Thường vụ Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Ban pháp chế, Ban VHXH HĐND tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Báo QB; Đài PTTH tỉnh;
- Sở Tư pháp, Trung tâm Công báo tỉnh;
- Lưu VT, NCVX.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT/ CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Công Thuật

 

CHƯƠNG TRÌNH

PHÁT TRIỂN Y TẾ GIAI ĐOẠN 2006-2010 THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 05-CTR/TU NGÀY 18 THÁNG 9 NĂM 2006 CỦA TỈNH ỦY QUẢNG BÌNH.
 (Ban hành kèm theo Quyết định số 23/2007/QĐ-UBND ngày 19/10/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình)

Phần thứ 1

TÌNH HÌNH CÔNG TÁC CHĂM SÓC, BẢO VỆ VÀ NÂNG CAO SỨC KHỎE NHÂN DÂN GIAI ĐOẠN 2001 - 2005

I. THỰC TRẠNG HỆ THỐNG Y TẾ

1. Mạng lưới y tế:

Tuyến tỉnh có 02 bệnh viện với 530 giường bệnh; 8 đơn vị sự nghiệp và Trường Trung học y tế. Ở tuyến huyện: Có 01 bệnh viện đa khoa khu vực, 6 bệnh viện đa khoa huyện, thành phố và 7 phòng khám đa khoa khu vực với 895 giường bệnh; Có 7 Trung tâm y tế dự phòng huyện, thành phố. Từ năm 2006, các huyện, thành phố đã thành lập Phòng Y tế trực thuộc UBND huyện, thành phố đảm nhiệm chức năng quản lý Nhà nước về y tế trên địa bàn. Toàn tỉnh có 159/159 xã, phường, thị trấn có trạm y tế; 100% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động.

Ngoài ra, tham gia công tác chăm sóc sức khỏe trên địa bàn còn có các cơ sở y tế của các ngành Đường sắt, Xây dựng, Quân đội, Bộ đội biên phòng, Công an và hệ thống y tế tư nhân (gồm có 389 cơ sở: 105 cơ sở y, YHCT tư nhân; 4 doanh nghiệp dược và 280 cơ sở bán lẻ thuốc).

2. Về công tác cán bộ:

Tổng số biên chế y tế các tuyến: 2.344 người; trong đó có 840 cán bộ ở tuyến tỉnh, 832 cán bộ ở tuyến huyện và 672 cán bộ ở tuyến xã. Có 393 bác sĩ. Nhìn chung, cán bộ của ngành còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng. Cán bộ đại học và trên đại học còn ít, thiếu cán bộ chuyên sâu, chuyên ngành mũi nhọn.

3. Cơ sở vật chất:

Đa số các đơn vị tuyến tỉnh được cải tạo hoặc xây dựng tạm đủ chỗ làm việc. Bệnh viện YHCT mới thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2004, song chưa được đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất. Trung tâm phòng chống HIV/AIDS mới được thành lập năm 2006, hiện chưa có trụ sở làm việc. Trường Trung học Y tế: Thiếu chỗ ở cho học sinh. Cơ quan Văn phòng Sở y tế đưa vào sử dụng từ năm 1991, quy mô chỉ đủ chỗ làm việc cho 1/2 số cán bộ so với hiện nay.

Có 5 Bệnh viện huyện, thành phố xuống cấp được Dự án y tế nông thôn đầu tư xây dựng một phần: Bệnh viện đa khoa Bố Trạch, bệnh viện đa khoa Lệ Thủy, bệnh viện đa khoa Đồng Hới đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Bệnh viện Quảng Trạch, Tuyên Hóa sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2007 - 2008.

Bệnh viện đa khoa huyện Quảng Ninh, bệnh viện đa khoa Minh Hóa được xây dựng bằng nguồn vốn địa phư­ơng và đưa vào sử dụng năm 1999 - 2000 nhưng chưa hoàn chỉnh. Hệ thống cấp nư­ớc và xử lý chất thải ch­ưa đạt yêu cầu. Trung tâm YTDP các huyện, thành phố mới được thành lập đầu năm 2006 từ việc chia tách các Trung tâm y tế; hiện tại 7/7 đơn vị chưa có trụ sở làm việc.

Trong số 159 xã, phường có 01 xã chưa có trạm y tế (Sơn Trạch). 60 trạm y tế đã được xây dựng 2 tầng kiên cố, đạt chuẩn Quốc gia. 95 trạm y tế còn lại có quy mô chưa đáp ứng yêu cầu của chuẩn Quốc gia, một số trạm đã xuống cấp nghiêm trọng.

4. Trang thiết bị:

Các đơn vị tuyến tỉnh và các bệnh viện tuyến huyện đã được trang bị một số máy móc, thiết bị cơ bản phục vụ cho chẩn đoán và điều trị như: Máy siêu âm, X Quang, máy xét nghiệm... từ nhiều nguồn khác nhau. Tuy nhiên, so với yêu cầu thì chưa đáp ứng được cho hoạt động trên tất cả các tuyến.

II. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

1. Chất lượng công tác khám chữa bệnh ngày càng được nâng lên rõ rệt, tai biến, tai nạn trong điều trị giảm. Hàng năm tiếp nhận điều trị trên 70.000 lượt bệnh nhân nội trú và 10.000 lượt bệnh nhân ngoại trú. Triển khai ứng dụng nhiều kỹ thuật mới để phục vụ người bệnh như: Nội soi chẩn đoán, đóng đinh nội tủy xương đùi, kỹ thuật kết hợp xương, gây tê tủy sống để phẫu thuật, ghép da...Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh cho người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi. Công tác khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền có nhiều chuyển biến tích cực. Công suất sử dụng giường bệnh hàng năm ở các bệnh viện đạt trên 100%.

Công tác quản lý hành nghề y tế tư nhân được thực hiện thường xuyên, do vậy tình trạng tùy tiện trong khám chữa bệnh, tai biến tai nạn do khám chữa bệnh tư nhân giảm.

2. Chủ động triển khai tích cực các biện pháp phòng chống dịch và thực hiện các chương trình y tế: Các loại bệnh dịch nguy hiểm cơ bản được khống chế, không xảy ra dịch sốt rét, số người mắc bệnh sốt rét hàng năm giảm 3- 5%, bệnh nhân sốt rét ác tính, tử vong do sốt rét hàng năm đều giảm.

Từ năm 2004 đến nay không có dịch tả; dịch sốt xuất huyết hàng năm có xảy ra song đã tích cực phòng chống và dập tắt kịp thời, không để dịch lan rộng, không có tử vong. Các bệnh truyền nhiễm khác ở trẻ em như: Sởi, lỵ, ho gà, v.v... ngày càng giảm.

Tỷ lệ tiêm chủng phòng 6 bệnh truyền nhiễm cho trẻ em dưới 1 tuổi hàng năm đạt trên 97%, tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ có thai đạt trên 95%. Duy trì kết quả thanh toán bại liệt và loại trừ uốn ván sơ sinh.

Tổ chức tốt các hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, trên 95% phụ nữ có thai được quản lý, chăm sóc và trên 90% bà mẹ đẻ tại các cơ sở y tế. Thực hiện có hiệu quả việc tuyên truyền vận động và triển khai các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến tận thôn, xóm, xã, phường. Đẩy mạnh việc áp dụng các biện pháp tránh thai, tỷ lệ phát triển dân số hàng năm giảm 0,7‰. Tích cực triển khai các biện pháp phòng chống suy dinh dưỡng; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 45,8% năm 2001 xuống còn 32,1% năm 2006, trung bình mỗi năm giảm 2,6%.

Phòng chống có hiệu quả làm giảm đáng kể các bệnh xã hội. Hoạt động phòng chống HIV/AIDS được tăng cường về giám sát, xét nghiệm, truyền thông và tư vấn, trên 70% người nhiễm HIV/AIDS được quản lý, chăm sóc, điều trị. Năm 2006, hoàn thành việc xóa mù tồn đọng; duy trì kết quả loại trừ bệnh phong theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế từ nhiều năm nay.

3. Tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị: Đến năm 2006, toàn tỉnh có 63/159 xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế (đạt 39,6%- toàn quốc: 25,7%). Hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng khu điều trị, nhà kỹ thuật của 4 bệnh viện được Dự án Y tế nông thôn đầu tư. Hiện đang tiếp tục thi công Bệnh viện đa khoa Tuyên Hóa và Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình. Các bệnh viện tuyến huyện, thành phố đang tiếp tục được nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị bằng nguồn vốn của Chính phủ. Các đơn vị y tế tuyến tỉnh cũng được đầu tư xây dựng mới hoặc được nâng cấp một phần. Điều kiện trang thiết bị của y tế các tuyến cũng được bổ sung đáng kể và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hoạt động chuyên môn.

4. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực: Vừa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ tại Trường Trung học y tế, đồng thời tích cực liên hệ với các Trường Đại học Y, Dược, các viện đầu ngành, bệnh viện tuyến trung ương để đào tạo mới và đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ y tế. Đội ngũ cán bộ y tế các tuyến được bổ sung cả về số lượng và chất lượng, cơ cấu ngày càng hợp lý hơn. Tỷ lệ cán bộ được đào tạo mới, đào tạo lại và đào tạo nâng cao tăng dần qua hàng năm; trong đó tỷ lệ cán bộ có trình độ đại học và trên đại học tăng từ 14,5% năm 2001 lên 19,8% năm 2006; 66,0% trạm y tế có bác sĩ (toàn quốc năm 2006: 69,4%). Đạt tỷ lệ 4,59 bác sĩ và 0,64 dược sĩ đại học/10.000 dân (toàn quốc là 6,03 và 0,8).

5. Phát triển sản xuất, lưu thông dược phẩm và tăng cường kiểm tra chất lượng thuốc: Thuốc sản xuất tại Công ty cổ phần dược phẩm Quảng Bình ngày càng tăng về số lượng và chất lượng, đạt tiêu chuẩn GMP-ASEAN. Mạng lưới kinh doanh, phân phối thuốc được mở rộng (có 25 nhà thuốc, 5 doanh nghiệp cung cấp thuốc và 156 đại lý). Bình quân 1.900 dân có 1 điểm bán thuốc; tiền thuốc bình quân năm 2006 đạt 7,5 USD/người/năm.

Công tác kiểm tra chất lượng thuốc, hoạt động quản lý và lập lại thị trường thuốc được triển khai tích cực và có hiệu quả. Từ năm 2001- 2006 không phát hiện thấy có thuốc giả trên địa bàn tỉnh. Giá thuốc cơ bản ổn định, thị trường thuốc lành mạnh.

6. Tăng cường công tác xã hội hóa y tế: Các hoạt động chăm sóc sức khỏe ngày càng được nhiều cơ quan, đoàn thể tham gia như Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Liên hiệp thanh niên, các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện... Mạng lưới hành nghề y, dược tư nhân phát triển đã góp phần tích cực vào việc cung ứng dịch vụ y tế, giảm tải cho hệ thống y tế Nhà nước. Một số mô hình xã hội hóa mang tính từ thiện đã được hình thành và hoạt động có hiệu quả như: Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo của tỉnh; Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi..., những hoạt động: Hiến máu nhân đạo, cấp phát sản phẩm dinh dưỡng, các dự án chăm sóc sức khỏe của các tổ chức phi Chính phủ ngày càng mở rộng và thực hiện có hiệu quả.

Công tác phòng chống dịch bệnh, thực hiện các chương trình y tế đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, phát huy được hiệu quả và thực sự đến với cộng đồng. Công tác phối kết hợp quân dân y được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Mạng lưới truyền thông giáo dục sức khỏe được xây dựng và từng bước phát triển. Người dân đã có kiến thức, ý thức hơn trong việc tự chăm lo bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

* Nguyên nhân của kết quả:

Trước hết, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách thiết thực chăm lo đến sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của lãnh đạo tỉnh đối với hoạt động của ngành và sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, tạo điều kiện phát huy có hiệu quả công tác xã hội hóa y tế.

Sự chủ động của ngành y tế trong việc bám sát định hướng của ngành và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh để đề ra các chỉ tiêu phát triển sự nghiệp y tế phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thường xuyên phát động các phong trào thi đua trong toàn ngành, trong từng đơn vị nhằm động viên cán bộ công nhân viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đội ngũ cán bộ được đào tạo thường xuyên để nâng cao tay nghề, phát huy hiệu quả hoạt động chuyên môn. Mặc dù đời sống còn gặp nhiều khó khăn song phần lớn đội ngũ cán bộ y tế nhiệt tình, tâm huyết và trách nhiệm với nghề nghiệp; luôn giữ được đạo đức và phẩm chất của người thầy thuốc.

Tranh thủ được các nguồn lực để nâng cấp cơ sở, vật chất cho cơ sở y tế các tuyến.

III. MỘT SỐ HẠN CHẾ, KHUYẾT ĐIỂM

- Việc chỉ đạo, triển khai các hoạt động của ngành theo mô hình tổ chức mới có nhiều bất cập. Các đơn vị mới được thành lập vừa thiếu cán bộ lãnh đạo, vừa thiếu cán bộ làm công tác chuyên môn. Điều kiện làm việc, các chế độ chính sách cho cán bộ y tế xã thấp nên không yên tâm công tác, nhiều bác sĩ không muốn làm việc ở trạm y tế xã.

- Chất lượng dịch vụ y tế chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của nhân dân, điều kiện chăm sóc y tế cho người nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn. Tình hình vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi còn cao so với cả nước (32,1%).

- Đội ngũ cán bộ y tế còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng, đặc biệt thiếu nghiêm trọng cán bộ có trình độ đại học và trên đại học, cán bộ có trình độ chuyên môn sâu thuộc các chuyên khoa mũi nhọn. Tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ còn thấp. Hệ thống chỉ đạo ngành về chuyên môn kỹ thuật còn hạn chế.

- Tình trạng vi phạm đạo đức nghề nghiệp, gây phiền hà, sách nhiễu người bệnh làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành vẫn còn tồn tại kéo dài trong các cơ sở y tế nhưng chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn. Công tác quản lý hành nghề y dược tư nhân chưa chặt chẽ, vẫn còn để xảy ra tình trạng hành nghề vượt quá chức năng quy định, hành nghề lét lút không có giấy phép, cấp giấy phép hành nghề không đúng quy định...

- Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân ở các tuyến chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

* Nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm:

 Nhận thức và quan điểm về công tác y tế của một số cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể chưa cao. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền đối với tổ chức và hoạt động của ngành y tế còn thiếu kiên quyết, kịp thời.

Công tác xã hội hóa y tế còn chậm và chưa phát huy được hiệu quả. Việc phối hợp trong các hoạt động chăm sóc sức khỏe còn nhiều hạn chế. Nhiều ngành, nhiều cấp coi việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ của ngành y tế.

Công tác quản lý, chỉ đạo của ngành y tế còn có nhiều bất cập cơ chế chính sách về y tế không còn phù hợp nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. Một số cán bộ trong ngành năng lực chuyên môn còn yếu, trách nhiệm chưa cao. Mô hình tổ chức y tế thường xuyên thay đổi tạo ra sự xáo trộn và có nhiều điểm bất hợp lý.

Mức chi ngân sách đầu tư cho ngành y tế còn quá thấp không đủ đáp ứng nhu cầu thực hiện nhiệm vụ. Chưa có chính sách hợp lý để thu hút cán bộ y tế có chuyên môn giỏi về công tác tại tỉnh. Chưa có những giải pháp hữu hiệu để huy động các nguồn lực từ cộng đồng và xã hội cho công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ.

Quảng Bình là tỉnh nghèo nhưng nhận được ít dự án đầu tư của Trung ­ương nên cơ sở vật chất phục vụ cho công tác khám chữa bệnh còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Phần thứ 2

MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN Y TẾ GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

I. DỰ BÁO TÌNH HÌNH

1. Thách thức về quy mô phát triển dân số

Mặc dù tốc độ gia tăng dân số nói chung và tỷ suất sinh nói riêng đang trên đà giảm nhanh song dân số vẫn tăng trên 10‰ mỗi năm.

Đến năm 2010, cấu trúc dân số sẽ có sự biến đổi so với hiện nay. Tỷ trọng người già ngày càng tăng do tuổi thọ trung bình tăng. Mô hình bệnh tật thay đổi, các bệnh mạn tính và bệnh thường gặp ở người già sẽ gia tăng. Trẻ em có xu hướng giảm nhưng vẫn chiếm tỷ trọng cao và vẫn là đối tượng ưu tiên trong chăm sóc sức khỏe. Đây cũng là một thách thức đối với ngành y tế.

Quá trình đô thị hóa kéo theo sự gia tăng dân số các vùng đô thị, tạo ra sức ép đối với hệ thống cơ sở hạ tầng như giao thông, nước sạch, xử lý nước thải, rác thải, vệ sinh môi trường, gia tăng tai nạn lao động và nhất là tai nạn giao thông.

2. Xu thế hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội

Xu thế hội nhập kinh tế Quốc tế ngày càng lớn, cơ hội đầu tư và sự phát triển nhanh về khoa học kỹ thuật, các thành tựu trong lĩnh vực y học tạo ra nhiều thách thức song cũng là cơ hội lớn cho ngành y tế trong việc tìm kiếm nguồn lực nâng cao các điều kiện cần thiết phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng có bước phát triển, đời sống của phần lớn người dân được cải thiện, nhận thức của người dân về công tác chăm sóc sức khỏe ngày càng nâng cao. Cộng đồng hưởng ứng và tham gia có trách nhiệm hơn đối với các hoạt động y tế.

Công tác xã hội hóa về y tế cũng đã có những bước chuyển biến. Các ngành, các cấp đã có sự phối hợp tích cực hơn với ngành y tế trong các hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân.

3. Những thách thức về sự phát triển bệnh tật ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân:

Xu thế hội nhập kinh tế Thế giới, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sự thay đổi thời tiết, khí hậu, môi trường gây nên các loại bệnh tật ảnh hưởng đến sức khỏe đó là:

- Các bệnh nhiễm trùng, truyền nhiễm như: Lao, sốt rét, HIV/AIDS… và các bệnh lây qua đường tình dục vẫn tiếp tục lưu hành. Đặc biệt các bệnh mới phát sinh có nguy cơ phát triển thành dịch từ gia súc và gia cầm truyền sang người như: SARS, dịch cúm A (H5N1), bệnh bò điên...

- Các bệnh về dinh dưỡng, chuyển hóa có xu hướng gia tăng như suy bệnh béo phì ở trẻ em và người lớn, bệnh đái tháo đường... các vấn đề sức khỏe mới đang phát triển nhưng chưa được nghiên cứu đầy đủ và phòng ngừa có hiệu quả như: các loại ngộ độc thực phẩm, ngộ độc thuốc, tai nạn thương tích, nghiện thuốc và các bệnh do thuốc lá gây nên...

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tích cực thực hiện chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 46/NQ/TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Củng cố, phát triển và hoàn thiện mạng lưới y tế, nâng cao chất lượng thực hiện các chương trình y tế quốc gia. Tăng cường các cơ sở vật chất và nâng cấp các cơ sở khám chữa bệnh. Thực hiện rộng rãi chủ trương xã hội hóa y tế, bảo hiểm y tế toàn dân; khuyến khích phát triển các cơ sở y tế, bệnh viện, dịch vụ khám, chữa bệnh tư nhân. Nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, y đức của cán bộ, nhân viên y tế. kết hợp chặt chẽ y học hiện đại với y học cổ truyền dân tộc.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2010

2.1. Công tác khám chữa bệnh

- Đổi mới cơ chế hoạt động, chuyển 60- 80% các bệnh viện công lập sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ (giai đoạn 2006 - 2008 thực hiện ở 01 bệnh viện tuyến tỉnh và 02 bệnh viện tuyến huyện; đến năm 2010, thực hiện tối thiểu ở 3 bệnh viện công lập còn lại).

- Xây dựng hệ thống khám chữa bệnh tư nhân: Xây dựng mới 01 bệnh viện tư nhân tại thành phố Đồng Hới, 01 phòng khám đa khoa tư nhân, 30 cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa và các dịch vụ y tế khác; ở tuyến huyện: thành lập mới 15 cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa và các dịch vụ y tế khác.

- Phát triển giường bệnh, nâng số giường bệnh toàn tỉnh đạt 16,5 - 17,5/10.000 dân. Trong đó có 10% giường bệnh tư nhân.

2.2. Phòng chống dịch bệnh và thực hiện các chương trình y tế

- Khống chế và đẩy lùi các dịch bệnh nguy hiểm như: Sốt xuất huyết, cúm A H5N1, dịch tả...

- Trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ hàng năm đạt trên 97%.

- Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi giảm bình quân 2- 3%/năm.

- Duy trì kết quả thanh toán bệnh phong, bệnh bại liệt và loại trừ uốn ván sơ sinh.

- Tỷ lệ mắc sốt rét hàng năm giảm 3- 5%. Hạn chế tối đa tử vong do sốt rét.

- Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dưới 0,2%.

2.3. Nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cơ sở y tế các tuyến

- 80-100% cơ sở y tế tuyến huyện và tỉnh được nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản theo phân tuyến kỹ thuật.

- Có 70% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế.

2.4. Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực

- Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ ở các tuyến: Đảm bảo 90-100% công chức hành chính đạt tiêu chuẩn, 30% có trình độ chuyên môn sau đại học và đạt chuẩn về lý luận chính trị theo quy định.

- Nâng cao trình độ năng lực, chuyên môn cho cán bộ y tế ở các bệnh viện, phòng khám, trạm y tế xã, y tế thôn bản; 80-100% viên chức sự nghiệp được đào tạo bồi dưỡng đạt chuẩn về chuyên môn. 90-100% viên chức có trình độ trung cấp trở lên trong hệ thống trực tiếp phục vụ bệnh nhân.

- Phấn đấu đến năm 2010 đạt chỉ tiêu 6 bác sĩ/10.000 dân; 0,9- 1 dược sĩ /10.000 dân; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ.

2.5. Thực hiện chính sách quốc gia về thuốc, tăng cường khả năng sản xuất và cung cấp thuốc, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân

- Cung ứng đủ thuốc phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân, bảo đảm chất lượng.

- Chi phí thuốc bình quân đầu người đạt 12- 15 USD/người/năm.

- Tỷ trọng sản xuất thuốc của địa phương chiếm 25% tổng nhu cầu thuốc sử dụng trong tỉnh.

2.6. Bảo hiểm y tế

- Thực hiện lộ trình BHYT toàn dân vào năm 2010.

- Đến năm 2010, việc khám chữa bệnh bằng hình thức chi trả trước đạt tối thiểu 80% dân số.

III. NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP

1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực bộ máy quản lý Nhà nước trong lĩnh vực y tế

Nâng cao nhận thức, vai trò và trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Tích cực chỉ đạo ngành y tế tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ và Kế hoạch 65/KH-TU ngày 23/6/2005 của Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình và chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 46/NQ-TW của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Củng cố, kiện toàn, sắp xếp tổ chức ngành y tế nhằm nâng cao năng lực quản lý, lãnh đạo của ngành và chất lượng hoạt động của các đơn vị trực thuộc. Tăng cường và đổi mới cơ chế quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện các hoạt động của ngành y tế. Xây dựng, đào tạo, bổ sung đội ngũ cán bộ quản lý, thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính.

Củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới thanh tra y tế các tuyến, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thường kỳ và đột xuất hoạt động của các tổ chức, đơn vị trong toàn ngành nhằm ngăn ngừa và phát hiện kịp thời các sai phạm.

Đẩy mạnh việc thực hiện quy chế dân chủ trong các cơ sở y tế. Thực hiện công khai, minh bạch trong các hoạt động, nhất là đối với công tác tài chính. Đẩy mạnh việc phân cấp cả về tài chính và nhân lực nhằm phát huy tính năng động, tự chủ và tự chịu trách nhiệm của tuyến dưới.

Sắp xếp bộ máy lãnh đạo, quản lý, chấn chỉnh các sai sót trong quản lý điều hành ở các đơn vị trực thuộc, nhất là các đơn vị mất ổn định kéo dài.

Quan tâm thường xuyên công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ y tế.

2. Bổ sung, xây dựng quy hoạch ngành theo hướng phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe

Trên cơ sở quy hoạch phát triển sự nghiệp y tế Quảng Bình giai đoạn 2001- 2010 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 16/2001/QĐ-UBND ngày 29/5/2001, định hướng phát triển của ngành y tế và nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại địa phương để rà soát, bổ sung, xây dựng quy hoạch cho từng giai đoạn và Kế hoạch phát triển của ngành hàng năm, đề ra các chỉ tiêu phát triển sự nghiệp y tế theo xu hướng phát triển, đảm bảo tính khả thi cao và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Trong định hướng quy hoạch, cần đảm bảo các điều kiện cần thiết, tạo điều kiện để nhân dân ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người và các đối tượng chính sách được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách thuận tiện nhất.

3. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và dịch vụ chăm sóc sức khỏe

Đổi mới và từng bước đa dạng hóa các loại hình chăm sóc sức khỏe. Chuyển dần các cơ sở y tế công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ cung ứng dịch vụ công, để cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các dịch vụ ngoài chuyên môn kỹ thuật như: Dịch vụ vệ sinh, giặt là, dinh dưỡng... trong các cơ sở y tế công lập.

Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các quy chế bệnh viện, quy chế dân chủ, y đức, dược đức của người thầy thuốc. Nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh. Đào tạo đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác điều trị có tay nghề, kỹ thuật cao và chuyên sâu; trang bị các máy móc, thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu của các tuyến điều trị. Các cơ sở khám chữa bệnh có khả năng phát hiện, điều trị bệnh nhân kịp thời theo tuyến kỹ thuật. Việc khám chữa bệnh cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách đảm bảo thuận lợi, hiệu quả.

Lập dự án để sớm xây dựng Trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam Cu Ba Đồng Hới theo chủ trương của Chính phủ. Triển khai xây dựng phòng khám bệnh chất lượng cao; phòng điều trị theo yêu cầu trong các bệnh viện. Trong những năm đầu sẽ triển khai thí điểm ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình, Bệnh viện đa khoa Lệ Thủy, Đồng Hới; sau đó sẽ triển khai cho các bệnh viện trong toàn tỉnh.

 Khuyến khích và tạo điều kiện phát triển các cơ sở y tế tư nhân: Bệnh viện tư nhân, phòng khám đa khoa, chuyên khoa tư nhân, bác sĩ gia đình, Trung tâm tư vấn sức khỏe; các hoạt động hỗ trợ, từ thiện... Quản lý thống nhất đối với các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập. Tạo điều kiện để các cơ sở y tế này cùng phát triển ổn định, lâu dài. Thực hiện chính sách bình đẳng giữa khu vực y tế công lập vào ngoài công lập. Hỗ trợ các cơ sở y tế ngoài công lập về đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và chuyển giao công nghệ kỹ thuật y tế.

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở phục vụ khám chữa bệnh và các hoạt động từ thiện, hỗ trợ trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh.

4. Chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh và thực hiện có hiệu quả các chương trình y tế

Tích cực, chủ động phòng chống dịch bệnh, khống chế không để dịch lớn xảy ra, bao vây dập tắt kịp thời khi có dịch, hạn chế thấp nhất tỷ lệ mắc bệnh và tử vong.

Quan tâm đặc biệt đến việc tổ chức phòng chống các loại dịch bệnh nguy hiểm như: Sốt rét, sốt xuất huyết, tả, cúm A H5N1, SARS, HIV/AIDS... Ưu tiên đầu tư nhằm nâng cao năng lực các phòng xét nghiệm thuộc hệ y tế dự phòng.

Thực hiện các chương trình y tế một cách vững chắc, hiệu quả cao. Triển khai tích cực chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản, đặc biệt cho các xã khó khăn. Tiếp tục thực hiện tốt công tác kế hoạch hóa gia đình. Quan tâm các hoạt động của công tác y tế học đường. Tăng cường quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, phát triển đội ngũ thanh tra và kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các tuyến. Đẩy mạnh các hoạt động phòng chống suy dinh dưỡng bằng các biện pháp: Giáo dục dinh dưỡng, nâng cao nhận thức về dinh dưỡng hợp lý cho bà mẹ, những người chăm sóc trẻ và cộng đồng, các biện pháp hỗ trợ, can thiệp dinh dưỡng để hạ thấp tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi từ 2- 2,5% mỗi năm.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác chăm sóc sức khỏe. Thực hiện có hiệu quả công tác kết hợp quân, dân y trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển...

5. Huy động nguồn lực để nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cơ sở y tế các tuyến

5.1. Đối với các cơ sở y tế tuyến tỉnh và tuyến huyện

Nghiên cứu các điều kiện cần thiết để thành lập thêm một số bệnh viện chuyên khoa tại tỉnh như Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng. Thành lập Trung tâm cai nghiện và điều trị bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Mở một Trung tâm trực thuộc bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng ở suối Bang để nghỉ dưỡng, chữa bệnh.

Đẩy mạnh tiến độ đầu tư để sớm đưa vào sử dụng các công trình còn lại của Dự án Y tế nông thôn (Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình và bệnh viện đa khoa Tuyên Hóa).

Tăng cường đầu tư và nâng cấp cơ sở hạ tầng và trang thiết bị hệ thống khám chữa bệnh của các Bệnh viện huyện và Phòng khám đa khoa khu vực bằng nguồn vốn Đề án nâng cấp Bệnh viện huyện và Bệnh viện đa khoa khu vực giai đoạn 2005 - 2008.

Ưu tiên bố trí xây dựng Bệnh viện Y học cổ truyền. Tập trung giải quyết sớm chất thải bệnh viện bằng hệ thống xử lý chất thải. Thực hiện có hiệu quả Dự án Phát triển hệ thống y tế dự phòng.

Lập đề án đề nghị tỉnh và Bộ Y tế đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của các Trung tâm YTDP huyện, thành phố và Trung tâm phòng chống HIV/AIDS.

Xây dựng Đề án tổng thể đề xuất đầu tư nâng cấp các cơ sở y tế thuộc Dự án hỗ trợ y tế Bắc Miền Trung.

5.2. Đối với trạm y tế xã

Huy động nguồn lực thực hiện Đề án xã hội hóa củng cố, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ chuẩn quốc gia giai đoạn 2006 - 2010 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 53/2005/QĐ-UBND ngày 11/10/2005.

Ưu tiên sử dụng ngân sách của địa phương để đầu tư xây dựng trạm y tế theo hướng đạt chuẩn Quốc gia. Đảm bảo đến năm 2010, có 80-100% trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia về cơ sở vật chất.

Tranh thủ sự đồng tình của Bộ Y tế để xây dựng, nâng cấp Trạm y tế theo Quyết định 950/QĐ-TTg ngày 27/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư xây dựng trạm y tế xã thuộc vùng khó khăn giai đoạn 2008 - 2010.

6. Tăng cường phát triển nhân lực y tế

Thực hiện có hiệu quả Chương trình Phát triển nguồn nhân lực của Tỉnh ủy, các nội dung liên quan của Chương trình Nâng cao chất lượng, hiệu quả Giáo dục - Đào tạo và Đề án xã hội hóa đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2006 - 2010 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tích cực đào tạo cán bộ để bổ sung cho các đơn vị cả về số lượng và chất lượng với cơ cấu hợp lý, tiến tới thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ.

Đề nghị Bộ Y tế, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Nội vụ bổ sung đào tạo theo địa chỉ bác sĩ, dược sĩ hệ chính quy, mỗi năm từ 20- 30 chỉ tiêu. Đẩy mạnh đào tạo bác sĩ chuyên tu, dược sĩ cho tuyến xã/phường, huyện/thành phố. Đào tạo đội ngũ cán bộ dược, đặc biệt là dược sĩ đại học và sau đại học cho các đơn vị. Tăng cường đào tạo y sĩ YHCT và y tế dự phòng cho các trường học, công nông trường, xí nghiệp...

Đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ có trình độ đại học và trên đại học chuyên ngành y và dược theo nhiều hình thức, trong đó chú trọng hình thức đào tạo cán bộ theo địa chỉ nhằm đáp ứng số lượng và chất lượng cán bộ cho các cơ sở y tế. Quan tâm đào tạo cho cán bộ vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về công tác quản lý cho cán bộ quản lý các đơn vị. Xây dựng đề án đào tạo cán bộ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao cho các cơ sở y tế tuyến tỉnh và huyện.

Cử cán bộ tham gia đầy đủ các khóa đào tạo theo chương trình của Đề án Nâng cấp bệnh viện đa khoa huyện và bệnh viện đa khoa khu vực giai đoạn 2005 - 2008. Chú trọng đào tạo chuyên khoa sâu sau đại học cho các đơn vị chuyên khoa tỉnh; đào tạo cán bộ chuyên khoa sâu cho các chuyên khoa như: Mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng, hồi sức cấp cứu, gây mê hồi sức, phục hồi chức năng, dược lâm sàng...

Coi trọng việc đào tạo và sử dụng nhân tài ngành y tế. Có chính sách thu hút cán bộ có trình độ đại học, sau đại học về làm việc tại tỉnh. Mở rộng quan hệ hợp tác đưa cán bộ đi đào tạo có trình độ cao ở nước ngoài; khuyến khích du học tự túc theo các chuyên ngành có nhu cầu.

Củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị, kiện toàn đội ngũ lãnh đạo, quản lý, bổ sung biên chế đủ cán bộ và nâng cao trình độ cán bộ giảng dạy, hướng dẫn thực hành cho trường Trung học y tế để nâng cao năng lực đào tạo. Đào tạo, bồi dưỡng đủ, đúng chức danh cho trạm y tế xã, phường, thị trấn theo quy định của Bộ Y tế; đồng thời với việc đào tạo bác sĩ cho tuyến xã, cần có chủ trương điều chuyển bác sĩ từ các đơn vị trong ngành về làm việc tại trạm y tế. Đầu tư ngân sách cho việc đào tạo, mở rộng việc sử dụng, khai thác tin học có hiệu quả tại các cơ sở y tế, trong đó ưu tiên ở các cơ sở khám chữa bệnh.

7. Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách Quốc gia về YHCT

Thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển YHCT giai đoạn 2006 - 2010 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách quốc gia về y, dược học cổ truyền nhằm thừa kế, bảo tồn và phát triển y, dược học cổ truyền. Kết hợp khám chữa bệnh bằng y, dược học cổ truyền và y học hiện đại trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Xây dựng hệ thống khám chữa bệnh bằng YHCT bao gồm bệnh viện YHCT quy mô 100 giường bệnh có đủ cơ cấu các khoa phòng cơ bản, các Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện đa khoa khu vực và Bệnh viện đa khoa huyện, thành phố có khoa YHCT và do bác sĩ chuyên khoa YHCT làm trưởng khoa.

 Đào tạo đội ngũ thầy thuốc về YHCT để phục vụ công tác khám chữa bệnh ở các tuyến, tăng cường đào tạo đội ngũ chuyên sâu về YHCT. Tổ chức đào tạo chuyên khoa YHCT bằng nhiều hình thức. Trạm y tế xã phải có bộ phận khám chữa bệnh bằng YHCT do y sĩ YHCT hoặc lương y phụ trách; trồng và sử dụng các loại cây thuốc có hiệu quả.

Kết hợp với Hội Đông y, Hội Châm cứu để thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, hiểu biết về pháp luật cho các lương y đủ điều kiện đang hành nghề tư nhân.

8. Thực hiện chính sách quốc gia về thuốc, tăng cường khả năng sản xuất và cung cấp thuốc, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân

Tiếp tục triển khai chính sách quốc gia về thuốc. Phát triển ngành Dược của tỉnh theo hướng CNH- HĐH. Phát huy hiệu quả của dây chuyền sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP-ASIAN, tiến tới xây dựng tiêu chuẩn GMP-WHO.

 Cung ứng đủ thuốc phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân, bảo đảm chất lượng hiệu quả. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng thuốc, đảm bảo an toàn, hợp lý cho người dùng và bình ổn thị trường thuốc.

Thực hiện tốt Chỉ thị số 05/2004/CT-BYT ngày 16/4/2004 của Bộ trưởng Bộ Y tế "Về việc chấn chỉnh công tác cung ứng, sử dụng thuốc trong bệnh viện". Ưu tiên sử dụng thuốc địa phương trong các cơ sở y tế.

Mở rộng thị trường tiêu thụ thuốc ngoài tỉnh, xuất khẩu thuốc, dược liệu. Hoàn thiện mạng lưới cung ứng, phân phối thuốc toàn tỉnh. Ngăn chặn tình trạng lạm dụng thuốc và sử dụng tràn lan thuốc ngoại, thuốc đắt tiền trong các cơ sở khám chữa bệnh.

9. Phát triển đa dạng hóa các loại hình BHYT: BHYT cộng đồng, khuyến khích BHYT tự nguyện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bằng BHYT

Công tác khám chữa bệnh bằng BHYT phải tiến tới chất lượng, hiệu quả và thuận lợi cho người bệnh.

Tăng số lượng BHYT cộng đồng, khuyến khích các loại hình BHYT tự nguyện, tiến tới thực hiện BHYT toàn dân và các hình thức khám chữa bệnh chi trả trước.

Từng bước thực hiện người đóng BHYT tự chọn cơ sở khám chữa bệnh phù hợp. Mở rộng diện các cơ sở đăng ký khám chữa bệnh BHYT, củng cố cơ sở vật chất trang thiết bị và nhân lực để tổ chức khám chữa bệnh bằng BHYT tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn.

10. Về chính sách và đầu tư

Ưu tiên đầu tư từ ngân sách Nhà nước để nâng cấp các cơ sở y tế; trong đó ưu tiên củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, các hoạt động y tế dự phòng, khám chữa bệnh, y học cổ truyền và các hoạt động y tế ở vùng khó khăn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa; Đảm bảo ngân sách để thực hiện chính sách của Nhà nước về khám chữa bệnh cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách.

Từng bước chuyển đổi việc cấp kinh phí hoạt động thường xuyên cho các cơ sở khám chữa bệnh sang cấp trực tiếp cho các đối tượng thụ hưởng dịch vụ y tế thông qua hình thức BHYT. Tăng mức chi thường xuyên cho y tế trong tổng chi ngân sách nhà nước.

Đề xuất bổ sung, sửa đổi chính sách thu phí, lệ phí dịch vụ y tế dự phòng đối với các dịch vụ nhà nước cho phép, trên nguyên tắc bù đắp một phần chi phí cơ bản để tạo nguồn thu bổ sung đầu tư cho y tế dự phòng.

Thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính đối với các cơ sở y tế công lập theo Nghị định 43/2006/NĐCP ngày 25/4/2006 nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo của cơ sở trong việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực trong khám chữa bệnh.

Đẩy mạnh thực hiện công tác xã hội hóa hoạt động y tế theo Nghị quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ. Huy động các nguồn lực để thực hiện các đề án xã hội hóa đã được phê duyệt. Tăng cường tuyên truyền, vận động sự đóng góp của các tổ chức và cá nhân cho ngành y tế.

Tiếp tục thực hiện và đổi mới chính sách nhằm thu hút cán bộ, công chức có trình độ Bác sĩ, dược sĩ đại học và sau đại học về công tác tại tỉnh và cán bộ y tế tăng cường cho tuyến cơ sở, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Xây dựng và thực hiện kế hoạch luân chuyển cán bộ; chế độ nghĩa vụ phục vụ công tác y tế ở miền núi, vùng sâu, vùng xa đối với cán bộ mới tốt nghiệp.

Ưu tiên dành quỹ đất cho xây dựng và phát triển các cơ sở y tế cả công lập và ngoài công lập. Thực hiện chính sách miễn tiền sử dụng đất, thuế đất theo quy định của pháp luật đối với các cơ sở y tế ngoài công lập hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận. Công khai, đơn giản hóa thủ tục giao đất, cho thuê đất.

Mở rộng hợp tác với các tổ chức Quốc tế, xây dựng các dự án kêu gọi đầu tư để tranh thủ các nguồn lực đầu tư cho ngành y tế. Đẩy mạnh việc liên kết với các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở đạo tạo ngoài tỉnh có chuyên môn kỹ thuật cao trong việc đầu tư, trao đổi chuyên môn nghiệp vụ, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật.

11. Nhu cầu kinh phí thực hiện Chương trình phát triển y tế

 Tổng số kinh phí: 609.305 triệu đồng

Trong đó chia ra:

- Ngân sách Trung ương:  468.905 triệu đồng

- Ngân sách địa phương:  107.400 triệu đồng

- Kinh phí huy động từ xã hội:  33.000 triệu đồng

(có phụ lục chi tiết kèm theo)

Phần thứ 3

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, tổ chức xã hội theo chức năng nhiệm vụ của mình, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội và các nguồn lực cần thiết để thực hiện Chương trình phát triển y tế, không ngừng nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

2. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố căn cứ Chương trình của UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch, lộ trình chi tiết để tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển y tế. Trong đó, cần xác định rõ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tổ chức phổ biến, quán triệt Chương trình phát triển y tế cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân của địa phương, đơn vị mình nhằm tạo sự nhất trí và xác định trách nhiệm, đồng thời động viên toàn xã hội tham gia thực hiện Chương trình.

3. Bảo hiểm xã hội tỉnh căn cứ vào các văn bản quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về chính sách bảo hiểm y tế và tình hình thực tế của tỉnh để phát triển, đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm y tế nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám và chữa bệnh của người dân.

4. Sở Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan căn cứ vào mục tiêu đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, xây dựng kế hoạch phối hợp lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; tham mưu cho UBND tỉnh bố trí vốn để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị cho các cơ sở y tế theo các chương trình, đề án đã được phê duyệt.

5. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các Sở liên quan cân đối ngân sách hàng năm trình UBND tỉnh bố trí ngân sách phục vụ Chương trình phát triển y tế; hướng dẫn quản lý, thanh quyết toán các nguồn kinh phí thực hiện chương trình.

6. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố trình UBND tỉnh các chủ trương, chính sách liên quan đến công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, công tác tổ chức, biên chế thuộc ngành y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.

7. UBND các huyện, thành phố phối hợp với các sở, ban ngành liên quan để xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình Phát triển y tế trên địa bàn. Bố trí kinh phí từ ngân sách của địa phương và huy động các nguồn lực khác, đảm bảo kinh phí cho việc thực hiện chương trình theo kế hoạch của địa phương đã xây dựng.

8. Sở Văn hóa - Thông tin, Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình, các Tạp chí và các ngành có liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Chương trình phát triển y tế thực hiện Chương trình hành động số 05/CTr-TU ngày 18/9/2006 của Tỉnh ủy Quảng Bình nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân; phát hiện và nhân rộng mô hình điển hình tiên tiến trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

9. Sở Y tế có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá và định kỳ báo cáo UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Chương trình này./.

 

PHỤ LỤC: KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN Y TẾ

TT

NỘI DUNG

DỰ KIẾN KINH PHÍ (TRIỆU ĐỒNG)

TỔNG SỐ

NGÂN SÁCH

HUY ĐỘNG TỪ XH

Tổng số

Trung ương

Địa phương

Cộng

Cộng đồng, DN

Cá nhân

Tiền

%

Tiền

%

Tiền

%

Tiền

%

I

Kinh phí chư­ơng trình XHH, đổi mới và đa dạng hóa các loại hình CSSKND

35,250

5,250

200

1,050

4,200

30,000

100

0

0

30,000

100

1

Kinh phí hỗ trợ thực hiện chính sách XHH

250

250

100.00

50

200

0

0.00

0

0.00

0

0.00

2

Đầu tư­ xây dựng cơ sở vật chất các cơ sở ngoài công lập

30,000

0

0.00

0

0

30,000

100,00

0

0.00

30,000

00.00

3

Kinh phí hỗ trợ chuyển đổi hoạt động bệnh viện

5,000

5,000

100.00

1,000

4,000

0

0.00

0

0.00

0

0.00

II

Nâng cấp cơ sở vật chất cho các cơ sở tuyến tỉnh

333,000

333,000

100.00

296,400

36,600

0

0.00

0

0.00

0

0.00

1

Xây dựng nhà cửa, vật kiến trúc:

133,000

133,000

100.00

106,400

26,600

0

0.00

0

0.00

0

0.00

 

+ BVVN CuBa

105,000

105,000

100.00

84,000

21,000

 

 

 

 

 

 

 

+ Bệnh viện YHCT

24,000

24,000

100.00

19,200

4,800

 

 

 

 

 

 

 

+ TTPC HIV/AIDS

4,000

4,000

100.00

3,200

800

 

 

 

 

 

 

2

Mua sắm trang thiết bị

200,000

200,000

100.00

190,000

10,000

0

0.00

0

0.00

0

0.00

III

Nâng cấp cơ sở vật chất cho các cơ sở tuyến huyện

150,000

150,000

100.00

120,000

30,000

0

0.00

0

0.00

0

0.00

1

Xây dựng nhà cửa, vật kiến trúc

70,000

70,000

100.00

56,000

14,000

0

0.00

0

0.00

0

0.00

2

Mua sắm trang thiết bị

80,000

80,000

100.00

64,000

16,000

0

0.00

0

0.00

0

0.00

IV

Nâng cấp cơ sở vật chất cho các cơ sở tuyến xã đạt chuẩn QG

80,000

79,000

98.75

50,000

29,000

1,000

1.25

1,000

1.25

0

0.00

1

Xây dựng nhà cửa, vật kiến trúc

60,000

59,000

98.33

30,000

29,000

1,000

1.67

1,000

1.67

0

0.00

2

Mua sắm trang thiết bị

20,000

20,000

100.00

20,000

0

0

0.00

0

0.00

0

0.00

V

Đào tạo bồi d­ưỡng nhân lực y tế

3,450

1,450

42,03

0

1,450

2,000

57,97

0

0.00

2,000

57.97

1

Đào tạo Bác sỹ, Dư­ợc sỹ cho các tuyến

1,750

750

42,86

0

750

1,000

57,14

0

0.00

1,000

57.14

2

Đào tạo chuyên sâu, nâng cao

1,500

500

33,33

0

500

1,000

66,67

0

0.00

1,000

66.67

3

Chính sách thu hút cán bộ y tế có trình độ cao

200

200

100,00

0

200

0

0,00

0

0.00

0

0.00

VI

Chính sách quốc gia về YHCT

405

405

100,00

55

350

0

0,00

0

0.00

0

0.00

1

Xây dựng mạng l­ưới

175

175

100,00

35

140

0

0,00

0

0.00

0

0.00

2

Đào tạo cán bộ

100

100

100,00

20

80

0

0,00

0

0.00

0

0.00

3

Truyền thông cộng đồng, NCKH

130

130

100,00

0

130

0

0,00

0

0.00

0

0.00

VII

Phòng chống dịch

2,000

2,000

100,00

1,400

600

0

0,00

0

0.00

0

0.00

1

Truyền thông cộng đồng

500

500

100,00

400

100

0

0,00

0

0.00

0

0.00

2

Giám sát, kiểm tra

500

500

100,00

400

100

0

0,00

0

0.00

0

0.00

3

Kinh phí chống dịch

1,000

1,000

100,00

600

400

0

0,00

0

0.00

0

0.00

VIII

Nâng cao năng lực, hiệu quả q. lý

5,200

5,200

100,00

0

5,200

0

0,00

0

0.00

0

0.00

1

Đào tạo cán bộ

200

200

100,00

0

200

0

0,00

0

0.00

0

0.00

2

Xây dựng hệ thống mạng thông tin

5,000

5,000

100,00

0

5,000

0

0,00

0

0.00

0

0.00

 

TỔNG CỘNG

609,305

576,305

94,58

468,905

107,400

33,000

5.42

1,000

0.16

32,000

5.25