Quyết định 2217/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn 2012 đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Nghệ An
Số hiệu: 2217/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An Người ký: Hồ Đức Phớc
Ngày ban hành: 18/06/2012 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giao thông, vận tải, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2217/QĐ-UBND

Nghệ An, ngày 18 tháng 6 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CÔNG CỘNG BẰNG XE BUÝT GIAI ĐOẠN 2012 ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003; Căn cứ Luật Giao thông đường bộ năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;

Căn cứ Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 08/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020;

Căn cứ Thông tư số 14/2010/TT-BGTVT ngày 24/6/2010 quy định về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tại Tờ trình số 929/TTr- SGTVT.VT ngày 08 tháng 6 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn 2012 đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Nghệ An".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Hồ Đức Phớc

 

QUY HOẠCH

PHÁT TRIỂN VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CÔNG CỘNG BẰNG XE BUÝT GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 2012 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2217/QĐ-UBND ngày 18 tháng 6 năm 2012 của UBND tỉnh Nghệ An).

ĐẶT VẤN ĐỀ

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Trung bộ, Nghệ An có vị trí quan trọng về địa lý, kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Trung bộ. Đó là điều kiện để tăng mối giao lưu vận tải của tỉnh với các tỉnh khác trong tương lai.

Cơ sở hạ tầng luôn đóng vai trò quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của một tỉnh, đặc biệt cần có một hệ thống hạ tầng GTVT đồng bộ tạo thuận lợi cho người dân đi lại. VTHKCC bằng xe buýt hiện nay không những góp phần giảm ùn tắc giao thông, phù hợp với thu nhập của người dân, phần nào góp phần giảm ô nhiễm môi trường và trong tương lai nó sẽ là lựa chọn thích hợp cho việc đi lại nội tỉnh và các tỉnh lân cận.

Thực tế, xe buýt ở tỉnh đã đi vào hoạt động được mấy năm qua bằng việc chuyển đổi từ các tuyến xe cố định sang xe buýt (với 5 tuyến buýt nội tỉnh và 1 tuyến xe buýt liên tỉnh liền kề). Kết quả là vận tải hành khách của tỉnh đã vận chuyển hàng chục triệu lượt hành khách, đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần quan trọng trong việc lập lại trật tự an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm về tính mạng, sức khỏe của người dân khi tham gia giao thông.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc khai thác các tuyến vận tải hành khách còn gặp một số những khó khăn và tồn tại nhất định, như mạng lưới tuyến chưa hoàn chỉnh; công tác quản lý của ngành chưa đồng bộ, chưa ban hành được các cơ chế chính sách khuyến khích và hỗ trợ phát triển phù hợp cho xe buýt. Do vậy, công tác xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới vận tải hành khách đường bộ nói chung và bằng xe buýt nói riêng là yêu cầu thiết thực nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, góp phần hạn chế sự gia tăng phương tiện cá nhân, giảm thiểu tai nạn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, chống ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính của tỉnh.

Trước tình hình nêu trên, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có ý kiến văn bản chấp thuận cho Sở Giao thông Vận tải triển khai lập “Quy hoạch Phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020”.

Phần 1

SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG QUY HOẠCH

I. Thực trạng

1. Về đường bộ

a) Các tuyến đường bộ

Toàn tỉnh có khoảng 17.684km đường bộ, bao gồm 9 tuyến Quốc lộ dài 1.015 km; 20 tuyến đường tỉnh dài 739 km; hệ thống đường giao thông nông thôn dài 14.375 Km; Đường đô thị dài 1.132 km và các tuyến đường đơn vị trực tiếp sử dụng, quản lý (nông trường, tổng đội TNXP, các khu kinh tế…) dài 423km. Mạng lưới đường bộ khá lớn, phân bố tới các vùng quan trọng của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

Tuy nhiên, hiện nay có một số đoạn của các tuyến đường như QL7, 15, 48, 48B, ĐT532, 545, 531, 531A... đang bị hư hỏng, xuống cấp, gây không ít khó khăn cho hoạt động vận tải. Công tác duy tu bảo dưỡng, sửa chữa đường bộ chưa đảm bảo do thiếu kinh phí.

Bên cạnh đó, tại các huyện vùng cao của tỉnh như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu... đường tới trung tâm thôn bản còn gặp nhiều khó khăn. Tại các đô thị, quỹ đất dành cho hạ tầng giao thông hạn hẹp, với tình hình phát triển phương tiện vận tải mạnh mẽ như hiện nay thì dự báo ùn tắc giao thông tại các đô thị trong tương lai gần là không thể tránh khỏi.

b) Hệ thống bến xe khách

Trên địa bàn tỉnh hiện có 14 bến xe khách đang được quản lý khai thác, phục vụ cho 100 tuyến vận tải khách cố định (29 tuyến nội tỉnh và 71 tuyến liên tỉnh) với hơn 1.000 phương tiện tham gia khai thác.

Một số bến xe đã được đầu tư xây dựng tương đối khang trang, đạt tiêu chuẩn, nhưng vẫn còn nhiều bến được xây dựng với quy mô nhỏ và đơn giản, cơ sở hạ tầng thiếu thốn. Bên cạnh đó một số địa phương chưa có bến xe khách như huyện Kỳ Sơn, Diễn Châu, Yên Thành... nên dẫn đến tình trạng phương tiện vận tải phải dừng đậu dọc đường để đón trả khách, gây mất trật tự và không đảm bảo an toàn giao thông. Tại các thành phố, thị xã, vị trí của các bến xe hiện nay hầu hết đang nằm tại trung tâm, là nơi tập trung dân cư đông đúc nên hiện tượng ùn tắc giao thông cục bộ tại cổng các bến xe thường xuyên xảy ra. Do đó, việc di dời các bến xe khách ra khỏi trung tâm thành phố, thị xã là điều cần thiết. Cụ thể quy mô như sau:

TT

Tên bến xe

Vị trí, địa điểm

Diện tích mặt bằng (m2)

Diện tích nhà làm việc

Khả năng thông qua (xe/ngày)

Xếp loại bến xe

1

Bến xe Chợ Vinh

Vinh Tân - TP Vinh

15.320

400

300

1

2

Bến xe Vinh

Lê Lợi - Vinh

9.667

500

350

1

3

Cửa Lò

Thị xã Cửa Lò

4.231

100

40

4

4

Nghĩa Đàn

Thị xã Thái Hoà

2.400

150

60

5

5

Dùng

Thị trấn Thanh Chương

1.450

75

50

6

6

Lạt

Thị trấn Tân Kỳ

1.586

100

50

6

7

Con Cuông

Thị trấn Con Cuông

1.200

100

50

6

8

Hoà Bình

Thị trấn Hoà Bình

342

100

20

6

9

Quỳ Hợp

Thị trấn Quỳ Hợp

1.620

100

50

6

10

Đô Lương

Thị trấn Đô Lương

5.916

100

70

3

11

Quỳ Châu

Quỳ Châu

1.063

100

50

6

12

Quế Phong

Quế Phong

2.600

 

50

5

13

Nam Đàn

Nam Diên

5.000

78

70

3

14

Sơn Hải

Xã Sơn Hải

3.269

168

50

4

c) Hệ thống trạm dừng nghỉ, các dịch vụ phục vụ vận tải

- Hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có hệ thống trạm dừng nghỉ đúng tiêu chuẩn theo quy định phục vụ cho phương tiện và người tham gia hoạt động vận tải đường bộ. Một số doanh nghiệp vận tải liên kết với các nhà hàng tư nhân dọc đường làm chỗ dừng nghỉ, để cho hành khách có thể nghỉ ngơi, ăn uống.

Tuy nhiên, hầu hết hoạt động chính của các nhà hàng này là kinh doanh ăn uống và bán hàng, không đảm bảo tiêu chuẩn trạm dừng nghỉ theo quy định tại Thông tư số 24/2010/TT-BGTVT. Các vấn đề khác như bảo dưỡng sửa chữa, kiểm tra kỹ thuật phương tiện, cấp nhiên liệu, cứu hộ y tế, vui chơi giải trí và các dịch vụ khác hầu như không được quan tâm. Chất lượng dịch vụ tại các nhà hàng này cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của hành khách và lái xe.

- Các trạm xăng dầu và trạm bảo dưỡng sửa chữa phương tiện: Hệ thống cửa hàng kinh doanh xăng dầu và các trạm bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện hiện nay phát triển nhanh, nhiều trạm mới được xây dựng khang trang, cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đảm bảo, đáp ứng được các điều kiện phục vụ. Tuy vậy, mạng lưới phân bố không đều, tập trung chủ yếu theo tuyến Quốc lộ.

d) Hệ thống bãi đỗ xe

Hiện tại trên địa bàn tỉnh có một số bãi đỗ xe đang hoạt động như: Bãi đỗ xe tại Quảng trường Hồ Chí Minh; Công viên Trung tâm; Công viên Nguyễn Tất Thành; sân bay Vinh; núi Quyết (Công ty TNHH Sơn Thuỷ); Bãi đỗ xe taxi tại Nghi Phú của Công ty TNHH Mai Linh Nghệ An; Bãi đỗ xe tải của DN Đức Tài... Một số dự án đã và đang xây dựng có bố trí tầng hầm để xe như Chung cư Tecco, Toà nhà Dầu khí, Trung tâm thương mại EuroWindow... Một số bãi đỗ xe tại thị xã Cửa Lò như tại Cảng Cửa Lò, tại bãi biển...; ngoài ra còn có các bãi đỗ xe nhỏ lẻ mang tính tự phát của một số cá nhân, tổ chức hoạt động dịch vụ trông giữ xe.

Tuy nhiên, sự gia tăng đột biến về các loại hình phương tiện giao thông trên toàn tỉnh, đặc biệt là sự phát triển quá nhanh về số lượng ô tô tại các đô thị khiến các bãi đỗ xe trở nên quá tải. Tình trạng phương tiện dừng đậu tại lòng lề đường vẫn đang xảy ra.

Bên cạnh đó, nhu cầu về bãi đỗ xe tải đối với các doanh nghiệp vận tải hàng hóa cũng đang là một vấn đề bức thiết hiện nay. Hầu hết các doanh nghiệp vận tải hàng hóa đều có trụ sở đặt tại trung tâm thành phố Vinh, nên các phương tiện vận tải tập trung ở khu vực này có mật độ dày và số lượng lớn. Do đó, áp lực về chỗ đậu xe để trung chuyển hàng hóa từ các cảng đến các khu công nghiệp, kho hàng đối với các doanh nghiệp vận tải khá lớn; áp lực này ngày càng gia tăng theo tốc độ tăng trưởng về số lượng hàng hóa mỗi năm.

2. Về đường sông

a) Các tuyến đường thủy

Toàn tỉnh có 907,6km sông ngòi tự nhiên và kênh đào, trong đó mới chỉ đưa vào khai thác, quản lý 243,6km (Sông TW uỷ thác: 114,5km; Sông tỉnh quản lý, khai thác: 129,1km) và Sông do các huyện quản lý: 664km.

Hệ thống đường sông hiện tại kém phát triển, nhiều bãi cạn, mức nước thông thuyền thấp, việc khai thác vận tải chủ yếu theo luồng lạch tự nhiên, chỉ thích hợp cho các phương tiện tàu thuyền loại nhỏ để vận tải khách từng đoạn ngắn và chủ yếu vận chuyển vật liệu xây dựng (cát, đá, sỏi,...). Việc nạo vét, chỉnh trị luồng lạch chưa thực hiện được do thiếu kinh phí.

b) Hệ thống cảng, bến thủy

Đến nay trên toàn tỉnh có tổng số 03 bến đò dọc và 55 bến đò ngang (trong đó gồm 46 bến thường xuyên hoạt động chở khách ngang sông và 09 bến thời vụ, phục vụ sản xuất nông nghiệp). Đến nay 29 bến đã được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tương đối chắc chắn, đang triển khai xây dựng 4 bến. Việc nâng cấp các bến đò, xây dựng cầu thay thế bến đò cũng được đôn đốc thực hiện nhanh chóng, đảm bảo đúng kế hoạch.

3. Về đường biển

a) Các cửa biển

Tỉnh Nghệ An có 6 cửa biển:

- Cửa Hội: Là cửa sông Lam đổ ra biển, từ Cửa Hội đến cầu Bến Thuỷ dài 20km, có các cảng: Cửa Hội, Hải Quân, Xăng Dầu, Bến Thuỷ.

- Cửa Lò: Là cửa Sông Cấm, hai bên núi, luồng khá sâu, ở đây có cảng Cửa Lò, là cảng lớn của khu vực Bắc Miền Trung, gồm 200 m cầu cảng và hệ thống kho tàng chứa hơn 10.000 tấn hàng.

- Cửa Vạn: Còn gọi là Lạch Vạn thuộc xã Diễn Thành - huyện Diễn Châu, Cửa Vạn dài gần 2km nối với Sông Bùng. Hiện nay chỉ có các phương tiện đánh bắt hải sản của ngư dân vào nhiều nên tháng 7/2003 ngành giao thông vận tải đã xây dựng tại đây cột hải đăng cao 25 mét.

- Cửa Thơi: Là cửa của Sông Thái nối với kênh Gấm thuộc kênh Nhà Lê, chỉ có thuyền đánh bắt hải sản của ngư dân trong vùng ra vào, năm 2003 ngành giao thông vận tải Nghệ An đã xây dựng ngọn hải đăng cao 20m tại xã Quỳnh Thọ.

- Cửa Quèn: Là cửa Sông Mơ nối với Kênh Son, kênh Cát Vàng thuộc kênh Nhà Lê luồng vào Cửa Quèn. Tại đây ngành giao thông vận tải tỉnh đã xây dựng ngọn hải đăng cao 12 mét trên núi sát biển thuộc xã Tiến Thuỷ.

- Cửa Cờn: Là cửa Sông Hoàng Mai từ Vực Mấu. Đoạn này vận tải thuỷ không hoạt động, nhân dân đăng đáy cá nhiều và có 2 cầu phao bằng tre ở xã Quỳnh Thiện và Quỳnh Vinh.

b) Các cảng biển

- Cảng Cửa Lò đã được xây dựng, nâng cấp xong các Bến cảng 1, 2, 3, 4;

- Các cảng biển khác như: Bến Thuỷ, Hưng Hoà, Cửa Hội, Lạch Quèn, Lạch Vạn phục vụ cho việc khai thác thuỷ hải sản… một số hàng hoá khác.

- Cảng biển nước sâu phía Bắc Cửa Lò gắn với khu kinh tế Đông Nam (tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc) đang được triển khai xây dựng, với chiều dài bến 3.020m và khu vực hậu cần cảng 110 ha.

- Cảng Đông Hồi (Quỳnh Lập - Quỳnh Lưu) đã được bổ sung quy hoạch xây dựng từ 2009, mục đích để phục vụ nhà máy nhiệt điện Đông Hồi 24MW, khu công nghiệp Hoàng Mai, nhà máy xi măng Hoàng Mai. Đến tháng 5/2011 đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt quy hoạch chi tiết khu cảng biển Đông Hồi, huyện Quỳnh Lưu đến năm 2020. Hiện đã có một số nhà đầu tư vào xây dựng các công trình bến.

4. Về đường sắt

Tuyến đường sắt trên địa bàn tỉnh Nghệ An bao gồm 2 tuyến: Tuyến chính đường sắt Bắc Nam dài 84km phục vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách; Tuyến nhánh Cầu Giát - Nghĩa Đàn 34km phục vụ vận chuyển hàng hoá. Dọc tuyến đường sắt có 292 đường ngang và đường ngang dân sinh giao cùng mức với đường sắt.

5. Về hàng không

Cảng hàng không Vinh đã được xây dựng đường băng dài 2.400m, sân đỗ máy bay, đài điều hành bay, hệ thống dẫn đường hạ cánh ILS đảm bảo cho máy bay hạng trung A320-321 cất, hạ cánh. Tần suất 4 chuyến/ngày tuyến Vinh - Tp HCM;

2 chuyến/ngày tuyến bay Vinh - Hà Nội; 3 chuyến/tuần tuyến Vinh - Buôn Mê Thuột. Nhà ga sân bay mặc dù đã được xây dựng nhưng hiện nay đã quá tải. Tổng Công ty Cảng Hàng không miền Bắc đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng mới Nhà ga sân bay mới với công suất gấp 10 lần nhà ga hiện nay (1.000 HK/giờ, khoảng 2,5 triệu HK/năm).

6. Tình hình hoạt động vận tải khách bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh

a. Tình hình phương tiện

*) Phương tiện giao thông đường bộ

Số lượng phương tiện giao thông đường bộ trong những năm qua tăng nhanh, bình quân mỗi ngày đăng ký mới từ 350 đến 400 xe các loại (bao gồm cả ô tô và xe máy). Số lượng ô tô tăng bình quân trong các năm gần đây khoảng 21-23%/1 năm. Tính đến 25/12/2011, số lượng xe máy đăng ký là 943.454 chiếc, số ô tô đăng ký quản lý tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Nghệ An là 33.933 chiếc, gồm 15.659 ô tô con, 11.480 xe khách, 14.979 xe tải và 1.815 xe khác. Số phương tiện không đăng ký quản lý tại Trung tâm gồm: các phương tiện đã hết hạn sử dụng, không đăng kiểm và phương tiện của ngành công an, quân đội.

Chất lượng phương tiện đã được cải thiện, nhiều xe mới, chất lượng tốt được đưa vào khai thác, dịch vụ vận tải từng bước được nâng lên. Từ đầu năm 2011 đến nay đã loại bỏ gần 1.000 ô tô hết niên hạn sử dụng; hoàn thành việc hỗ trợ, thay thế hơn 8.000 xe công nông và loại bỏ một số xe cơ giới tự chế 3, 4 bánh.

*) Tốc độ gia tăng phương tiện

Số lượng phương tiện vận tải đường bộ qua các năm

Năm

Chủng loại

2009

2010

2011

Xe khách dưới 9 chỗ

8.725

11.983

15.723

Ô tô tải

11.176

13.701

15.913

Ô tô khách

1.328

1.359

1.485

Xe có động cơ 2 bánh

724.245

839.493

943.454

Theo bảng số lượng phương tiện gia tăng bình quân hàng năm trong 3 năm gần đây:

- Xe tải tăng 19,4 %/1 năm;

- Xe khách dưới 9 chỗ tăng 34,3%/1 năm;

- Xe khách tăng 5,8%/1 năm;

- Xe có động cơ 2 bánh: 14,2%/1 năm.

Phương tiện cá nhân ngày một tăng cao, trong khi đó phương tiện vận chuyển hành khách công cộng (xe ô tô chở khách trên 9 chỗ ngồi) tăng không đáng kể. Do vậy, tỉnh cần phải có những giải pháp để kiểm soát và hạn chế sự gia tăng phương tiện cá nhân. Và một trong những giải pháp chủ yếu là phải phát triển được một mạng lưới vận tải hành khách công cộng hiệu quả, trong đó đặc biệt chú trọng đến phát triển xe buýt

*) Tình hình người điều khiển phương tiện vận tải đường bộ

Số lượng giấy phép lái xe đang được quản lý tại Sở Giao thông vận tải hiện nay là hơn 90.000 giấy phép lái xe ô tô các loại, trong đó gần 70.000 giấy phép lái xe từ hạng B2 đến hạng Fc, đủ lao động lái xe để phục vụ kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt. Số liệu cụ thể như sau:

Hạng

B2

C

D

E

F

Tổng

Số lượng

35.112

25.964

1.265

3.073

1.673

67.087

*) Hiện trạng vận tải khách công cộng bằng xe buýt

Hiện có 02 doanh nghiệp là Công ty Thương mại và Xây dựng Đông Bắc và Công ty CP Thương mại và Du lịch Ngọc Ánh được UBND tỉnh cho phép thực hiện đầu tư khai thác vận tải khách công cộng bằng xe buýt trên 06 tuyến:

- Tuyến số 1: Nội thành Vinh - Cửa Hội - Cửa Lò,

- Tuyến số 2: Nội thành Vinh - Quán Bánh - Quốc lộ 46 - Cửa Lò,

- Tuyến số 3: Nội thành Vinh - Hưng Nguyên - Nam Đàn - Thanh Chương,

- Tuyến số 4: Nội thành Vinh - Quán Hành - Diễn Châu - Hoàng Mai,

- Tuyến số 5: Vinh - Diễn Châu - Yên Thành.

- Tuyến số 6: thành phố Vinh - thành phố Hà Tĩnh.

Các tuyến xe buýt số 1,2, 3, 4 đã đi vào hoạt động ổn định từ tháng 6 năm 2009, đúng quy định của pháp luật, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân trên tuyến, được dư luận xã hội và nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tuyến số 5 được UBND tỉnh cho phép điều chỉnh lộ trình Diễn Châu - Yên Thành sang Vinh - Yên Thành kể từ tháng 4/2011; Tuyến số 6 (thành phố Vinh - thành phố Hà Tĩnh) đã đi vào hoạt động từ tháng 10 năm 2010 với sự tham gia của 2 Doanh nghiệp (Công ty CP TM&XD Đông Bắc Nghệ An và Công ty CP vận tải ô tô Hà Tĩnh) kinh doanh theo hình thức 50 - 50.

Hệ thống nhà chờ xe buýt: UBND tỉnh chấp thuận cho Công ty TNHH Mai Linh Nghệ An thực hiện dự án đầu tư xây dựng và khai thác quảng cáo nhà chờ xe buýt nội và ngoại thành phố Vinh, đến nay có 24 nhà chờ các loại (bao gồm nhà chờ đơn và kép) hoàn thành đã đưa vào khai thác, hiện dự án đang tiếp tục triển khai thực hiện xây dựng các nhà chờ khác trên địa bàn tỉnh.

c) Những thuận lợi, khó khăn của vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh

*) Thuận lợi:

- Các tuyến xe buýt đã đi vào hoạt động cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân như giải quyết được yêu cầu của hành khách lên xuống dọc đường, đến các chợ, bệnh viện, trường học, cơ quan, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu dân cư trong các đô thị,... hạn chế được xe mô tô hai bánh chở khách (xe ôm) phát triển, làm giảm mật độ xe cơ giới cá nhân lưu thông trên các tuyến đường, làm giảm ùn tắc giao thông và gây ra tai nạn giao thông cao.

- Hạn chế tình trạng xe khách hoạt động tuyến cố định đón trả khách dọc đường.

Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn có nhiều khó khăn như:

*) Khó khăn:

- Do địa bàn của tỉnh rộng, dân số đông, nhu cầu đi lại lớn. Các tuyến xe buýt đã đi vào hoạt động chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu đi lại của nhân dân.

- Hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt chưa nhận được sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

- Sự cạnh tranh không lành mạnh của xe khách hoạt động tuyến cố định.

- Các tuyến đường bị xuống cấp, mặt đường hẹp nhiều đoạn, nhiều tuyến.

- Hệ thống nhà chờ, điểm dừng đón trả khách, điểm đầu điểm cuối tuyến xe buýt chưa được đầu tư đồng bộ đúng quy định.

- Bãi đỗ xe buýt chưa được đầu tư quan tâm đúng mức, các điểm cuối tuyến xe buýt mà chủ yếu là do Doanh nghiệp tự đi thuê của các đơn vị khác.

- Chất lượng phương tiện xe buýt đang bị xuống cấp, các đơn vị vận tải chưa được quan tâm bảo dưỡng sửa chữa đúng mức.

- Văn hóa đi xe buýt của người dân chưa đi sâu vào ý thức của người dân như: yêu cầu xe buýt dừng không đúng điểm dừng, chưa giúp đỡ người già, phụ nữ có thai, trẻ em khi đi xe buýt…

II. Căn cứ pháp lý

- Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 24/2/2003 của Ban bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông "Khẩn trương xây dựng thông qua và không ngừng hoàn thiện chiến lược và quy hoạch phát triển giao thông vận tải... Tập trung ưu tiên phát triển vận tải khách công cộng ở các đô thị lớn...".

- Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 21/6/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.

- Quyết định số 16/2002/QĐ-TTg ngày 15/11/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển ngành giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến 2010 và định hướng đến 2020 nêu rõ: "...Hạn chế mức tăng số lượng xe máy bình quân không quá 10%/năm... Xe máy sử dụng chủ yếu ở các khu vực nông thôn và khu vực không có vận tải xe công cộng... song song với giải pháp hạn chế phát triển xe máy, đẩy mạnh phát triển phương tiện vận tải công cộng...".

- Quyết định số 239/2005/QĐ-TTg ngày 30/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thành phố Vinh trở thành Trung tâm kinh tế, văn hoá vùng Bắc Trung bộ.

- Quyết định số 197/2007/QĐ-TTg ngày 28/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội Nghệ An đến năm 2020.

- Quyết định số 324/QĐ-TTg ngày 09/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Vinh đến năm 2025.

- Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 08/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020.

- Thông tư số 14/2010/TT-BGTVT ngày 24/6/2010 của Bộ giao thông vận tải về việc quy định về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô.

- Nghị quyết số 32/2011/NQ-HĐND ngày 09/12/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Nghệ An đến năm 2020.

- Quyết định số 4566/QĐ.UBND-CN ngày 12/11/2007 về bổ sung nội dung

Quy hoạch hệ thống đô thị tỉnh Nghệ An đến năm 2020.

- Quy hoạch tổng thể phát triển GTVT tỉnh Nghệ An đến năm 2020 ban hành theo Quyết định số 60/2009/QĐ-UBND ngày 30/6/2009;

- Quy hoạch hệ thống bến xe khách trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 ban hành theo Quyết định số 25/2011/QĐ-UBND ngày 30/5/2011;

- Quyết định số 5705/QĐ-UBND.CN ngày 26 tháng 12 năm 2011 của UBND tỉnh về việc ban hành Các giải pháp tăng cường công tác quản lý vận tải trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

- Quyết định số 265/QĐ.UBND-CN ngày 19/01/2012 của UBND tỉnh về việc phê Quy hoạch xây dựng Hệ thống nút giao thông cầu vượt, bãi đỗ xe và công trình vệ sinh công cộng trên địa bàn TP Vinh.

- Đề án phát triển kết cấu hạ tầng tỉnh Nghệ An đến năm 2015.

- Công văn số 1730/UBND-CN của UBND tỉnh ngày 27/3/2012 về việc tham mưu triển khai Đề án phát triển hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn 2012 - 2020

III. Sự cần thiết phải lập quy hoạch

Cùng với sự phát triển của hệ thống giao thông đường bộ trong tỉnh, mạng lưới vận tải hành khách bằng xe ô tô cũng được hình thành và ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Từ chỗ chưa có xe ô tô chở khách về đến các trung tâm các huyện vùng sâu, vùng xa (năm 1995) như: thị trấn Mường Xén, thị trấn Quế Phong, thị trấn Hòa Bình.... Đến nay, ngoài tuyến Quốc lộ, đã có nhiều tuyến đường bộ liên huyện đã tổ chức được các tuyến vận tải khách bằng xe ô tô có trọng tải xe từ 16 đến 50 ghế, tạo thành mạng lưới vận tải hành khách tuyến cố định bằng xe ô tô rất phong phú và đa dạng, từ thành phố Vinh đến tất cả trung tâm các huyện, thị xã, ngoài ra còn có một số xe khách tuyến cố định nối từ các trung tâm thị trấn với nhau như: thị trấn Dùng (Thanh Chương) đi Hòa Bình (Tương Dương), xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) đi thị trấn Kim Sơn (Quế Phong), Tân Lạc (Quỳ Châu) và thị xã Thái Hòa.... Ngoài ra, còn có các loại hình vận tải hỗ trợ thêm như: vận tải hành khách bằng taxi, vận tải hành khách theo hợp đồng và một số tuyến xe buýt đã đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, các phương thức vận tải hành khách này còn có những hạn chế như: không giải quyết được yêu cầu của hành khách lên xuống dọc đường, đến các chợ, bệnh viện, trường học, cơ quan, khu dân cư trong các đô thị,... xe mô tô hai bánh chở khách (xe ôm) phát triển nhiều, làm tăng mật độ xe cơ giới lưu thông trên các tuyến đường, đặc biệt là trong các khu đô thị, nguy cơ ùn tắc giao thông và gây ra tai nạn giao thông cao. Các tuyến xe buýt hiện tại vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân. Vì vậy, yêu cầu cần tổ chức mở rộng hoạt động các tuyến xe buýt là đòi hỏi cấp bách nhằm giải quyết nhu cầu đi lại của nhân dân và góp phần ngăn chặn ùn tắc giao thông và giảm nguy cơ gây ra tai nạn giao thông đường bộ.

Phần 2

MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

I. Mục tiêu

- Phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đồng bộ và tương thích giữa các loại hình vận tải khách trong nội thành TP Vinh và vùng phụ cận (xe tuyến cố định, taxi…) và từ trung tâm đô thị đến các vùng phụ cận và từ các đô thị đặc biệt đến các khu đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp.

- Phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo hướng cung cấp dịch vụ xe buýt thuận tiện, phù hợp với nhu cầu đi lại của đa số người dân (bao gồm số lượt xe buýt chạy trong ngày, thời gian mở tuyến và đóng tuyến, bố trí điểm dừng đón trả khách phù hợp, phát hành các loại vé đi xe buýt thuận tiện sử dụng) để khuyến khích người dân sử dụng xe buýt, tạo tiền đề cho việc hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông khi tốc độ đô thị hóa và phương tiện cá nhân ngày càng phát triển.

- Xây dựng mạng lưới tuyến hợp lý, đảm bảo thuận lợi cho việc đi lại của người dân theo hướng phát triển tuyến xe buýt đến các trung tâm các huyện, thị xã, các khu công nghiệp trực thuộc tỉnh.

- Nâng cao chất lượng phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, đảm bảo đầu tư phương tiện phù hợp với hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông và nhu cầu đi lại của người dân.

- Khuyến khích đầu tư các phương tiện xe buýt sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường.

- Áp dụng công nghệ mới trong việc quản lý và điều hành hoạt động xe buýt, đảm bảo điều chỉnh khoa học hợp lý và giám sát dịch vụ xe buýt.

II. Nhiệm vụ

- Phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đồng bộ và tương thích giữa các loại hình vận tải khách trong nội thành TP Vinh và vùng phụ cận (xe tuyến cố định, taxi…) và từ trung tâm đô thị đến các vùng phụ cận và từ các đô thị đặc biệt đến các khu đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp.

- Phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo hướng cung cấp dịch vụ xe buýt thuận tiện, phù hợp với nhu cầu đi lại của đa số người dân (bao gồm số lượt xe xe buýt chạy trong ngày, thời gian mở tuyến và đóng tuyến, bố trí điểm dừng đón trả khách phù hợp, phát hành các loại vé đi xe buýt thuận tiện sử dụng) để khuyến khích người dân sử dụng xe buýt, tạo tiền đề cho việc hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông khi tốc độ đô thị hóa và phương tiện cá nhân ngày càng phát triển.

- Xây dựng mạng lưới tuyến hợp lý, đảm bảo thuận lợi cho việc đi lại của người dân theo hướng phát triển tuyến xe buýt đến các trung tâm các huyện, thị xã, các khu công nghiệp trực thuộc tỉnh.

- Nâng cao chất lượng phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, đảm bảo đầu tư phương tiện phù hợp với hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông và nhu cầu đi lại của người dân.

- Đánh giá tình hình hoạt động, hiện trạng cơ sở hạn tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và tuyến cố định nội tỉnh trên địa bàn tỉnh.

- Quy hoạch cơ sở hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt như bến bãi, điểm dừng nhà chờ.

- Đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư và phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, thu hút các tầng lớp nhân dân đi xe buýt.

1. Dự báo nhu cầu

a) Nhu cầu đi lại bằng đường bộ của người dân qua các năm

Năm

Chỉ tiêu

2007

2008

2009

2010

2011

Khối lượng hành khách vận chuyển (nghìn người)

21.714

25.152

27.828

32.481

35.157

Khối lượng hành khách luân chuyển (nghìn người.Km)

1.912.756

2.530.462

2.487.199

3.199.667

3.759.812

Tình hình vận chuyển hành khách qua các năm

- Khối lượng vận chuyển hành khách tăng 12,9%/1 năm.

- Khối lượng luân chuyển hành khách tăng 19,2%/1 năm.

b) Dự báo về nhu cầu đi lại bằng xe ô tô khách đến năm 2020

Thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Nghệ An đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 197/2007/QĐ-TTg ngày 28/12/2007, trên địa bàn Nghệ An đang hình thành và phát triển nhiều khu đô thị, công nghiệp mới, các vùng kinh tế trọng điểm: Nam Thanh - Bắc Nghệ và Nam Nghệ - Bắc Hà, khu kinh tế Đông Nam tại vùng Cửa Lò - Diễn Châu - Nghi Lộc, khu kinh tế miền Tây Nghệ An, các khu công nghiệp mới tại Hoàng Mai, Đông Hồi, thị xã Thái Hòa, Đô Lương, Tân Kỳ, Anh Sơn, Thanh Chương,...

Một số tuyến đường giao thông quan trọng kết nối các vùng đang được nâng cấp và đầu tư xây dựng để phục vụ cho mục tiêu sớm đưa Nghệ An trở thành một trung tâm công nghiệp, du lịch, thương mại, giáo dục, y tế, văn hóa và khoa học - công nghệ của vùng Bắc Trung bộ…

Dân số các huyện, thành, thị xã Nghệ An năm 2011 phân bổ như sau:

Địa phương

Diện tích (ha)

Dân số (1.000 người)

Toàn tỉnh

1.649.386,62

3.200

Thành phố Vinh

10.500,00

321

Thị xã Cửa Lò

27.800,00

55

Huyện Diễn Châu

27.000,00

304

Huyện Yên Thành

54.825,20

283

Huyện Quỳnh Lưu

60.740,00

376

Huyện Nghi Lộc

34.800,00

200

Huyện Hưng Nguyên

15.930,00

116

Huyện Nam Đàn

29.420,00

164

Huyện Đô Lương

35.010,00

204

Huyện Thanh Chương

112.851,13

248

Huyện Anh Sơn

60.290,00

116

Huyện Nghĩa Đàn

61.801,19

142

Thị xã Thái Hoà

13.520,00

69

Huyện Tân Kỳ

72.944,56

143

Huyện Quỳ Châu

105.760,00

58

Huyện Quỳ Hợp

94.220,00

126

Huyện Quế Phong

189.090,00

65

Huyện Con Cuông

173.830,00

74

Huyện Tương Dương

281.130,00

75

Huyện Kỳ Sơn

209.430,00

70

- GDP bình quân đầu người năm 2011 đạt 1.100 USD/người, dự kiến GDP/người tính theo USD năm 2015 đạt khoảng 1.700 - 1.800 USD và năm 2020 đạt khoảng 3.000 USD.

- Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm giai đoạn 2011 - 2015 đạt 11

- 12%; giai đoạn 2016 - 2020 đạt 11,5 - 12,0%.

- Tốc độ tăng dân số trung bình là 1,12 %/năm.

Dân số tỉnh Nghệ An năm 2010 khoảng 3,2 triệu người, dự kiến đến năm 2015 đạt 3,6 triệu người, đến năm 2020 khoảng 4 triệu người. Đặc biệt dân số tăng nhanh tại các vùng đô thị và khu kinh tế, khu công nghiệp, trường học….

Dự báo nhu cầu đi lại của nhân dân mức tăng bình quân 16,80%/năm, trong đó số lượng người tham gia giao thông bằng xe khách tuyến cố định tại các vùng sẽ tăng nhanh trong những năm tới, dự kiến như sau:

Năm

GDP/1 người (USD)

Dân số 1000 người

Khối lượng HK vận chuyển/năm (Triệu lượt HK)

2011

1.100

3,2

40

2015

1.800

3,6

47

2020

3.000

4,0

55

Để đáp ứng nhu cầu đi lại cho nhân dân, góp phần phục vụ phát triển kinh tế xã hội, khắc phục ùn tắc giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, kết nối các khu dân cư, khu đô thị và công nghiệp và đến các vùng miền khác trong cả nước, làm cơ sở để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư và khai thác các tuyến xe buýt, việc quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Nghệ An là cần thiết.

2. Quy hoạch phát triển mạng lưới các tuyến xe buýt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020

a) Các tuyến đã đi vào hoạt động

- Tuyến số 1:

Nội thành Vinh - ĐT 535 - Cửa Hội - Cửa Lò và ngược lại. Chiều dài tuyến: khoảng 30 km.

- Tuyến số 2:

Nội thành Vinh - Quán Bánh - Quốc lộ 46 - Cửa Lò và ngược lại. Chiều dài tuyến: khoảng 27 km.

- Tuyến số 3:

Nội thành Vinh - thị trấn Nam Đàn - thị trấn Dùng - thị trấn Đô Lương và ngược lại (Theo QL 46). Chiều dài tuyến: khoảng 70 km.

- Tuyến số 04:

Nội thành phố Vinh - Quán Bánh - Quán Hành - Diễn Châu - Cầu Giát - Hoàng Mai và ngược lại. Chiều dài tuyến: khoảng 85 km.

- Tuyến số 05:

Nội thành phố Vinh - Quán Bánh - Quán Hành - Cầu Bùng (Diễn Châu) - ĐT538 - thị trấn Yên Thành và ngược lại. Chiều dài tuyến: khoảng 60 km.

- Tuyến số 06:

Nội thành TP Vinh - Bến Thủy - Gia Lách - Bãi Vọt - TP Hà Tĩnh và ngược lại. Chiều dài tuyến khoảng 60 km.

b) Quy hoạch luồng tuyến xe buýt giai đoạn 2012 đến 2020

- Tuyến số 07:

Nội thành TP Vinh - QL1 - thị trấn Quán Hành - Đường tránh TP Vinh – TP Vinh và ngược lại; Chiều dài tuyến khoảng 60 km.

- Tuyến số 08:

Nội thành TP Vinh - QL 1 - thị trấn Diễn Châu - Quốc lộ 7 - thị trấn Đô

Lương và ngược lại; Chiều dài tuyến khoảng 63 km.

- Tuyến số 09:

Nội thành TP Vinh - ĐT542 - Cửa Hội - TX Cửa Lò và ngược lại; chiều dài tuyến dài khoảng 40 km.

- Tuyến số 10:

TX Cửa Lò - Đại lộ Vinh Cửa Lò - Nội thành TP Vinh - QL 46 đường tránh

TP Vinh - Nam Đàn (quê Bác) và ngược lại; chiều dài tuyến khoảng 40 km.

- Tuyến số 11:

Thị xã Cửa Lò - ĐT 536 - QL1A - TP Vinh và ngược lại; Chiều dài tuyến khoảng 32 km.

- Tuyến số 12:

Thị xã Cửa Lò - ĐT534 - thị trấn Quán Hành - ĐT 534 - thị trấn Yên Thành và ngược lại; Chiều dài tuyến khoảng 50 km.

- Tuyến số 13:

TX Thái Hòa - QL 48 - Tuần - QL 48B - thị trấn Cầu Giát - QL 48B - Lạch  Quèn và ngược lại; Chiều dài tuyến khoảng 43 km.

- Tuyến số 14:

TX Thái Hòa - ĐT 545 - thị trấn Tân Kỳ và ngược lại; Chiều dài tuyến khoảng 46 km.

- Tuyến số 15:

- TX thái Hòa - thị trấn Nghĩa Đàn - ĐT 537 - Đông Hồi - Quỳnh Lập (Quỳnh Lưu) và ngược lại; Chiều dài tuyến khoảng 39km.

- Tuyến số 16:

TX Thái Hòa - QL 48 - thị trấn Quỳ Châu - thị trấn Quế Phong và ngược lại; chiều dài tuyến khoảng 85 km.

- Tuyến số 17:

Thị trấn Đô Lương - Quốc lộ 15 - thị trấn Tân Kỳ - Đường Hồ Chí Minh - QL 48 - thị xã Thái Hòa và ngược lại; Chiều dài tuyến khoảng 65 km.

- Tuyến số 18:

Thị trấn Đô Lương - QL 7 - thị trấn Anh Sơn - QL 7 - thị trấn Con Cuông và ngược lại; Chiều dài tuyến khoảng 59 km.

- Tuyến số 19:

Yên Lý - Quốc lộ 48 - thị xã Thái Hòa - QL 48 - QL 48C - thị trấn Quỳ Hợp và ngược lại; Chiều dài tuyến khoảng 69 km.

c) Quy hoạch tuyến xe buýt nội TP Vinh

- Tuyến 20:

Bến Thủy - đường Nguyễn Du - đường Lê Duẩn - đường Trường Thi - Nguyễn Phong Sắc - đường Nguyễn Sỹ Sách - đường Lê Nin - đường Xô Viết Nghệ Tĩnh - QL 46 - đường Nguyễn Trãi - đường Hà Huy Tập - đường Nguyễn Văn Cừ - đường Hồ Tùng Mậu - đường Trường Thi - đường Lê Duẩn - đường Nguyễn Du - Bến Thủy và ngược lại; Chiều dài tuyến khoảng 20 km.

- Tuyến số 21:

Bến xe Chợ Vinh - đường Cao Xuân Huy - đường Trần Phú - đường Lê Mao - đường Minh Khai - đường Lê Hồng Phong - đường Nguyễn Văn Cừ - đường Nguyễn Sỹ Sách - đường Phan Bội Châu - đường Trường Chinh - đường Trần Hưng Đạo - đường Phan Đình Phùng - đường Trần Phú - đường Cao Xuân Huy - Bến xe Chợ Vinh và ngược lại; chiều dài tuyến khoảng 12 km.

III. Giải pháp thực hiện và chính sách hỗ trợ

1. Giải pháp thực hiện

- Có sự phối hợp tốt của các cấp, các ngành liên quan để tổ chức thực hiện Quy hoạch.

- Tăng cường thu hút đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư mở tuyến.

- Lựa chọn doanh nghiệp có đủ năng lực, uy tín, kinh nghiệm quản lý, khai thác và vận hành hoạt động mạng lưới xe buýt.

- Sử dụng mọi phương tiện, hình thức thông tin truyền thông tuyên truyền cho người dân thấy được lợi ích khi đi xe buýt để người dân hưởng ứng sử dụng loại hình dịch vụ này.

- Thông tin, tuyên truyền đầy đủ các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; các quy định của nhà nước cả về quyền lợi và nghĩa vụ của Doanh nghiệp kinh doanh xe buýt để nhà đầu tư nắm được và yên tâm đầu tư.

- Nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

- Các ban, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ, nội dung được UBND tỉnh giao trong Quy hoạch.

2. Chính sách hỗ trợ

- Được hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước theo quy định hiện hành và các chính sách ưu đãi khác của UBND tỉnh.

- Nguồn thu từ quảng cáo trên xe buýt và sử dụng nguốn vốn thu từ quảng cáo trên xe buýt được hỗ trợ cho hoạt động của xe buýt theo quy định của Nhà nước và của UBND tỉnh.

Phần 3

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Lộ trình thực hiện

Ngoài các tuyến đã đi vào hoạt động, thì các tuyến còn lại được phân kỳ đầu tư như sau:

a) Từ năm 2012 đến năm 2015: triển khai kêu gọi đầu tư các tuyến số 7 đến tuyến số 11 và các tuyến xe buýt nội thành TP Vinh (tuyến số 21 và 22).

b) Từ 2015 đến năm 2020: Triển khai các tuyến xe buýt còn lại.

2. Nguồn vốn đầu tư dự kiến

- Dành một phần vốn ngân sách của tỉnh, các nguồn vốn hỗ trợ phát triển ODA, vốn vay ưu đãi của các tổ chức Chính phủ và phi Chính phủ….

- Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư và kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; ưu tiên mở luồng tuyến vận tải bằng xe buýt lên miền núi, vùng cao; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh vận tải bằng xe buýt, đồng thời quan tâm đảm bảo quyền lợi của Doanh nghiệp, hành khách; tăng cường quản lý chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn giao thông của các tuyến xe buýt.

- Ngoài vốn vay ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác thì hiện nay vẫn còn một nguồn vốn nhàn rỗi lớn ở trong dân đang tích trữ. Công khai các quy định và các chính sách ưu đãi của Nhà nước về vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt để các cá nhân, tổ chức hiểu, tin tưởng và yên tâm đầu tư.

3. Phân công trách nhiệm

UBND tỉnh Nghệ An giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị như sau:

1. Sở Giao thông vận tải:

- Tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

- Tham mưu cho UBND tỉnh công bố các ưu tiên trong lưu thông xe buýt.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính và các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho hoạt động của xe buýt tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia kinh doanh khai thác có hiệu quả.

- Theo dõi quá trình triển khai thực hiện các nội dung của Quy hoạch. Thực hiện quản lý vận tải theo quy định của pháp luật.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính xây dựng và thực hiện chính sách trợ giá cho các tuyến xe buýt phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.

- Công bố quy hoạch, phối hợp với Sở ban ngành liên quan và UBND các huyện thành thị tổ chức quản lý quy hoạch.

- Kịp thời ban hành các quy chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho nhà đầu tư trong việc đầu tư và khai thác các tuyến xe buýt.

2. Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành, thị để lập quy hoạch hệ thống điểm dừng, đón trả khách, nhà chờ xe buýt phù hợp với quy hoạch hệ thống đô thị tỉnh Nghệ An.

3. Công an tỉnh phối hợp cùng các cơ quan chức năng thực hiện hướng dẫn, kiểm tra và xử lý vi phạm theo Luật giao thông đường bộ và các quy định pháp luật về vận tải khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các loại hình vận tải.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối chủ trì giúp UBND tỉnh trong việc kêu gọi đầu tư, xây dựng các giải pháp tìm nguồn vốn.

5. Sở Văn hoá - thể thao và du lịch:

- Phối hợp với các cơ quan báo chí, Đài phát thanh truyền hình Nghệ An tăng cường tuyên truyền cho nhân dân tích cực tham gia hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

- Hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt thực hiện việc quảng cáo trên xe buýt.

6. Các ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp, triển khai thực hiện nội dung Quy hoạch.

7. Trong quá trình thực hiện nếu có nội dung quy mô quy hoạch xây dựng cần phải điều chỉnh, bổ sung để đảm bảo yêu cầu chất lượng kỹ thuật, sử dụng; yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và các ngành chức năng có liên quan tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh bằng văn bản để xem xét điều chỉnh cho phù hợp./.