Quyết định 1835/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt “Quy hoạch phát triển chăn nuôi thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”
Số hiệu: 1835/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội Người ký: Trần Xuân Việt
Ngày ban hành: 25/02/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1835/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 25 tháng 02 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI THÀNH PHỐ HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006;

Căn cứ Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 22/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1081/QĐ-TTg ngày 06/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 17/2012/QĐ-UBND ngày 9/07/2012 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt Quy hoạch phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 258/TTr-SNN ngày 18/12/2012; Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Văn bản số 58/BC-KH&ĐT ngày 23/01/2013; được sự nhất trí của đồng chí Chủ tịch UBND Thành phố, các đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố và các đồng chí thành viên UBND Thành phố về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển chăn nuôi thành phố Hà Nội đến năm 2020 định hướng đến năm 2030,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Quy hoạch phát triển chăn nuôi thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” với những nội dung chính như sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN:

1. Quy hoạch phát triển chăn nuôi thành phố Hà Nội nằm trong chiến lược phát triển nông nghiệp cả nước, chiến lược phát triển chăn nuôi Việt Nam và trong mối liên kết với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng; phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Quy hoạch phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020 định hướng năm 2030.

2. Phát triển chăn nuôi tập trung vào phát triển đàn lợn, bò thịt chất lượng cao, bò sữa và gia cầm, theo hướng tăng dần sản lượng con giống; từng bước đưa sản xuất con giống là sản phẩm chủ lực của ngành chăn nuôi, đem lại giá trị gia tăng cao cho ngành. Làm thay đổi nhanh cơ cấu kinh tế của ngành chăn nuôi và cơ cấu ngành nông nghiệp, vừa cung cấp giống cho Thành phố và cho các tỉnh khác.

3. Phát triển chăn nuôi tại những vùng có đủ điều kiện về quỹ đất đai và điều kiện xử lý môi trường; phát triển chăn nuôi theo hướng xa khu dân cư, giảm dần và tiến tới xóa bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư; hình thành các khu chăn nuôi theo hướng trang trại công nghiệp, khu chăn nuôi tập trung gắn với xây dựng hệ thống các cơ sở giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm tăng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi. Tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm soát, khống chế dịch bệnh và xử lý môi trường; đảm bảo ngành chăn nuôi phát triển bền vững, hiệu quả.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN:

1. Mục tiêu tổng quát:

Duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi giai đoạn 2012 - 2020 đạt khoảng 1,6%/năm; giai đoạn 2021-2030 đạt 1,4%/năm.

Tỷ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi trong toàn ngành nông nghiệp: năm 2020 chiếm trên 54% giá trị sản xuất nông nghiệp; đến năm 2030 cơ cấu ngành chăn nuôi chiếm khoảng 58% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.

Chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành: Cơ cấu giá trị sản xuất nhóm chăn nuôi gia súc đạt 61% vào năm 2020 và 50% vào năm 2030; Cơ cấu nhóm ngành chăn nuôi gia cầm đạt 20% vào năm 2020 và 25% vào năm 2030; Cơ cấu nhóm sản phẩm không qua giết thịt (trong đó tăng nhanh tỷ trọng giá trị sản xuất con giống) đạt 18% năm 2020 và đến năm 2030 đạt 24%.

Đến năm 2020, mức tăng trưởng số lượng trại chăn nuôi xa khu dân cư hàng năm đạt trên 4%/năm; đưa tỷ trọng sản phẩm hàng hóa chăn nuôi trang trại tập trung trong Thành phố đạt trên 70% vào năm 2020 trong tổng sản phẩm ngành chăn nuôi.

2. Mục tiêu cụ thể:

2.1. Mục tiêu về sản phẩm:

- Đến năm 2020: Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 420 nghìn tấn; trong đó: Sản lượng thịt lợn là 342 nghìn tấn. Sản lượng thịt bò đạt 8.000 tấn; sản lượng sữa đạt 36 ngàn tấn; Sản lượng thịt gia cầm đạt 66 nghìn tấn; sản lượng thịt khác 3,3 nghìn tấn; sản lượng trứng trên 800 triệu quả.

- Định hướng đến năm 2030: Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 492 nghìn tấn; sản lượng sữa trên 50 nghìn tấn, sản lượng trứng gia cầm đạt trên 900 triệu quả.

2.2. Mục tiêu sản xuất giống:

Đến năm 2020:

- Giống lợn: đàn lợn nái được thụ tinh nhân tạo: 70%, tỷ lệ giống cao sản: 45%; đàn lợn nái ngoại: 100.000 con; khối lượng xuất chuồng đạt trên 85kg/con; năng suất thịt lợn hơi xuất chuồng tăng trên 20%; sản xuất con giống đạt 8 triệu con năm 2020.

- Giống bò: Đến năm 2020, đàn bò cái sinh sản được thụ tinh nhân tạo: 55% (trong đó lai tạo giống bò cao sản: 45%). Đàn bò sữa: số lượng 20.000 con; năng suất sữa đạt 5.500 kg/con/chu kỳ.

- Giống gia cầm: Đến năm 2020, tỷ lệ sử dụng giống gia cầm tiến bộ kỹ thuật đạt 90%. Sản xuất con giống tăng 7-8%/năm, chăn nuôi tập trung công nghiệp. Sản lượng thịt: tăng bình quân mỗi năm khoảng 10%/năm. Sản lượng trứng: tăng bình quân mỗi năm trên 10%/năm. Duy trì, bảo tồn một số giống gà bản địa.

Định hướng đến năm 2030: Tiếp tục nâng cao tỷ lệ đàn lợn nái được thụ tinh nhân tạo trên 90%, sản xuất con giống lợn từ 8 - 10 triệu con. Giống bò được thụ tinh nhân tạo đạt trên 70%; đàn gia cầm sử dụng giống tiến bộ đạt trên 95%.

III. NỘI DUNG QUY HOẠCH:

1. Định hướng sản xuất chăn nuôi theo tiểu vùng:

- Vùng gò đồi (gồm các huyện Mỹ Đức, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Sơn Tây, Quốc Oai): định hướng phát triển tập trung các sản phẩm chăn nuôi chủ lực là bò thịt, bò sữa, lợn thịt, các loại con nuôi đặc sản.

- Vùng Đồng bằng: đối với vùng vàn cao (gồm các huyện Chương Mỹ, Gia Lâm, Quốc Oai, Mê Linh, Thanh Oai, Đông Anh) tập trung phát triển chăn nuôi gà, lợn; đối với vùng thấp trũng (gồm các huyện Ứng Hòa, Phú Xuyên, một phần huyện Mỹ Đức) tập trung nuôi thủy cầm theo hướng trang trại chăn nuôi kết hợp với thủy sản.

- Vùng bãi ven sông (sông Hồng, sông Đáy, sông Đuống, sông Đà, sông Tích); tập trung phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại gắn với việc bảo vệ vành đai xanh của Hà Nội, các loại con nuôi chủ yếu bò thịt, bò sữa, lợn gà.

2. Quy hoạch tổng đàn:

2.1. Quy hoạch đàn lợn:

Đến năm 2020:

- Tổng đàn lợn đạt 1,4-1,5 triệu con, trong đó đàn lợn nái đạt khoảng 300 nghìn con; tổng sản lượng thịt hơi là 340 nghìn tấn.

- Bố trí sản xuất: quy hoạch vùng chăn nuôi lợn tập trung ngoài khu dân cư tập trung tại các huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai, Chương Mỹ, Thạch Thất, Ba Vì, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Thạch Thất, Đông Anh, Quốc Oai, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây.

Định hướng đến năm 2030:

- Tổng đàn lợn là 1,3 triệu con; ổn định sản lượng thịt hơi là 340 nghìn tấn. Nâng tỷ trọng sản xuất chăn nuôi lợn hàng hóa theo hướng trang trại tập trung quy mô vừa và lớn chiếm trên 70%; cơ bản không còn chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư.

2.2. Quy hoạch đàn gia cầm:

a. Các chỉ tiêu chính:

Đến năm 2020: Tổng đàn trên 15 triệu con; sản lượng thịt gia cầm đạt trên 66 nghìn tấn; sản lượng trứng gia cầm trên 800 triệu quả.

- Đàn gà đạt trên 11,6 triệu con, phân bố đàn gà ở các huyện trọng điểm (Ba Vì, Chương Mỹ, Đông Anh, Sóc Sơn, Thạch Thất, Quốc Oai).

- Đàn thủy cầm đạt trên 2,8 triệu con, phân bố ở các huyện trọng điểm (Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thanh Oai, Phúc Thọ, Mỹ Đức).

Định hướng đến năm 2030: tổng đàn gia cầm khoảng 14,3 triệu con.

2.3. Quy hoạch đàn bò:

Đến năm 2020: Tổng đàn bò đạt 170 - 175 nghìn con, sản lượng thịt đạt 8.000 tấn, trong đó đàn bò sữa đạt 20.000 con, sản lượng sữa ước đạt 36 ngàn tấn, trong đó:

- Đàn bò thịt có quy mô khoảng 150 - 155 nghìn con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng khoảng 8.000 tấn, tập trung tại các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Mê Linh, Mỹ Đức. Tăng số lượng đàn bò thịt khoảng 3%/năm ở vùng trọng điểm.

- Đàn bò sữa đạt 20.000 con, sản lượng sữa đạt 36.000 tấn. Phấn đấu đưa tỷ lệ sữa tươi sản xuất trên địa bàn đáp ứng 35% nhu cầu của thành phố vào năm 2020. Xây dựng 15 xã chăn nuôi bò sữa trọng điểm là: Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài, Tòng Bạt, Minh Châu, Ba Trại (huyện Ba Vì), Phù Đổng, Trung Màu, Dương Hà, Đặng Xá (huyện Gia Lâm), Phượng Cách (Quốc Oai), Vĩnh Ngọc, Tàm Xá (Đông Anh), Phương Đình (Đan Phượng), Xuân Phú (Phúc Thọ).

Định hướng đến năm 2030 đàn bò ổn định 145 - 150 nghìn con.

3. Quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung ngoài khu dân cư:

3.1. Khu chăn nuôi tập trung công nghiệp:

- Đến năm 2020, quy hoạch thêm 69 khu chăn nuôi công nghiệp tập trung tại các huyện: Thường Tín, Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hòa, Đan Phượng, Ba Vì, Quốc Oai, Đông Anh, Sóc Sơn, Thạch Thất, Mê Linh, Phúc Thọ.

- Định hướng đến năm 2030, các xã có điều kiện đất đai, không nằm trong vùng quy hoạch đô thị, khu công nghiệp, thương mại đều bố trí các khu chăn nuôi tập trung ngoài khu dân cư để tổ chức chăn nuôi tập trung hướng trang trại và gia trại; cơ bản không còn chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư.

3.2. Chăn nuôi trang trại: đến năm 2020, dự kiến số trang trại toàn thành phố là 1.500 trang trại (theo tiêu chí mới về trang trại); trong đó, 470 trang trại nuôi gà quy mô 5.000-10.000 con/trại, 270 trang trại nuôi lợn thịt, lợn nái; 360 trang trại trại nuôi tổng hợp.

4. Các giải pháp chủ yếu thực hiện quy hoạch:

4.1. Giải pháp về giống:

a. Giống bò:

Tăng cường phối giống theo phương pháp thụ tinh nhân tạo với giống bò năng suất cao nhằm cải tiến nhanh chất lượng đàn bò.

Tiếp tục thực hiện chương trình Zebu hóa đàn bò, trên cơ sở đàn bò lai sẽ tuyển chọn theo hướng chuyên thịt và chuyên sữa, nhập mới giống bò theo cả 2 hướng, chuyên thịt, chuyên sữa.

b. Giống lợn:

Đưa các giống lợn ngoại có năng suất chất lượng cao phục vụ cho lai tạo, cải tiến nhanh công tác giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo.

Tiếp tục thực hiện chương trình xã hội hóa công tác giống lợn.

Đàn lợn giống ông bà: tập trung phát triển nuôi lợn nái thuần hoặc nái lai dòng mẹ từ 2 giống khác nhau (chủ yếu sử dụng 2 giống Yorkshire và Landrace làm dòng mẹ) để sản xuất nái lai 2 máu cung cấp giống lai cho đàn lợn bố mẹ (PS). Đàn lợn giống bố mẹ (YorkLand) sẽ cho lai với giống lợn Duroc và Pietrain để tận dụng ưu thế lai tạo ra đàn lợn thương phẩm lai 3, 4 máu ngoại.

Hàng năm nhập bổ sung các giống mới có năng suất, chất lượng cao để cải tạo đàn lợn giống hậu bị và lợn giống thương phẩm cũng như tránh đồng huyết.

Quản lý các nguồn tinh sử dụng ở các trại lợn giống tư nhân và kiểm soát được nguồn tinh nhập về sử dụng trên địa bàn Thành phố.

c. Giống gia cầm:

Khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài Thành phố xây dựng trại gà giống ông bà với quy mô 5.000 - 10.000 con/trại để đáp ứng nhu cầu con giống.

Tăng cường đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; cùng với việc bảo tồn, lưu giữ và phát triển các giống bản địa như giống gà Ri, gà Mía, gà chọi, gà lai giữa gà chọi với các giống gà Ri, gà Mía; gà Tam Hoàng, gà Lương Phượng để đáp ứng thị trường nội địa.

Tiếp tục sử dụng các giống gà công nghiệp hướng thịt. Giống gà nuôi thả vườn (bán chăn thả).

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng trại vịt giống kết hợp với lò ấp trứng vịt cung cấp một phần vịt giống cho các trang trại và gia trại nuôi vịt.

Nâng cao năng lực quản lý về chăn nuôi, con giống, công tác ấp nở gia cầm.

d. Quy hoạch vùng trọng điểm sản xuất giống:

Đàn lợn, đàn bò giống: khu chăn nuôi xa khu dân cư, trang trại chăn nuôi tập trung các huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Sóc Sơn, Mê Linh, Thanh Oai, Quốc Oai, cụ thể.

- Đối với chăn nuôi bò sữa tập trung xa khu dân cư và trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung tại các huyện Ba Vì, Gia Lâm, Quốc Oai, Chương Mỹ và thị xã Sơn Tây.

- Cơ sở sản xuất cung ứng tinh dịch lợn giống tập trung tại các huyện Thạch Thất, Gia Lâm, Ứng Hòa.

Vùng trọng điểm sản xuất giống vịt tại các xã huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa; sản xuất giống gà trọng điểm ở các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai

Phát triển trung tâm sản xuất giống công nghệ cao tại Miếu Môn, Chương Mỹ sản xuất giống có chất lượng và giá trị kinh tế cao.

Đầu tư xây dựng một số dự án, mô hình sản xuất tinh:

- Đầu tư, nâng cấp cơ sở sản xuất tinh dịch lợn tại Thạch Thất, Gia Lâm, Ứng Hòa. Quy mô nuôi trên 300 lợn đực giống chất lượng cao, sản xuất trên 150.000 liều tinh/năm.

- Xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển giống gà Mía tại thị xã Sơn Tây, quy mô 15-20.000 con bố mẹ, sản xuất 170.000 đến 250.000 con gà giống/năm.

- Hỗ trợ tinh và vật tư cho lai tạo giống lợn, giống bò thịt, bò sữa cho hộ chăn nuôi trên địa bàn.

4.1. Giải pháp về thức ăn chăn nuôi:

a. Thức ăn thô xanh cho đàn bò thịt, bò sữa:

Trồng cỏ thâm canh với những giống cho năng suất cao cung cấp cho chăn nuôi bò thịt, bò sữa. Diện tích trồng cỏ chủ yếu ở các trang trại chăn nuôi bò, bò sữa, với nhu cầu khoảng 500 m2 đất trồng cỏ/01 con bò sữa

Triển khai trồng cỏ tại 8 cụm chăn nuôi lớn tại các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Gia Lâm, Sóc Sơn, Đông Anh.

b. Thức ăn tinh và thức ăn bổ sung:

- Sử dụng nguồn cung cấp của các nhà máy trên địa bàn Thành phố về cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu cho chăn nuôi trên địa bàn.

- Tăng cường kiểm tra, thanh tra các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi nhằm quản lý tốt chất lượng thức ăn chăn nuôi, bảo đảm đến năm 2015 có 100% cơ sở đạt tiêu chuẩn GMP.

- Thành phố cũng chú trọng chuyển đổi cây vụ đông để có nguồn ngô, đậu tương cho sản xuất thức ăn chăn nuôi..

4.3. Giải pháp tăng cường công tác thú y:

a. Đầu tư tăng cường năng lực quản lý ngành thú y:

- Đầu tư cơ sở vật chất: cải tạo nâng cấp văn phòng làm việc của Chi cục Thú y, trang bị những thiết bị cần thiết cho văn phòng Chi cục Thú y đảm bảo thực hiện tốt công tác thông tin và thông báo dịch bệnh; đầu tư nâng cấp Trạm chẩn đoán và xét nghiệm bệnh động vật.

- Công tác cán bộ: đảm bảo các cơ quan thú y có đủ số cán bộ biên chế để hoạt động, thường xuyên mở các lớp đào tạo ngắn hạn, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành cho cán bộ thú y.

- Đầu tư khoa học, công nghệ: đầu tư cho công tác ứng dụng các đề tài nghiên cứu theo yêu cầu cấp bách của sản xuất như vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh thú y, chẩn đoán bệnh, áp dụng các công nghệ tiên tiến cho công tác thú y.

b. Giám sát, thông tin dịch bệnh: thực hiện thường xuyên và chặt chẽ việc giám sát và thông tin dịch bệnh, thường xuyên củng cố hệ thống giám sát từ Thành phố đến huyện và mạng lưới thú y cơ sở. Kiện toàn hệ thống bộ máy tổ chức ngành từ Thành phố đến cấp huyện, cấp xã và mạng lưới thú y thôn, xóm nhằm mục đích thông tin kịp thời và chính xác về tình hình dịch bệnh đến người dân.

c. Phòng chống dịch bệnh: chủ động trong công tác phòng chống dịch, bệnh. Nâng cao năng lực tổng hợp, phân tích số liệu; dự báo, cảnh báo dịch bệnh. Xây dựng kế hoạch, chiến lược, chương trình phòng, chống và thanh toán dịch bệnh. Xây dựng các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh. Nâng cao năng lực chẩn đoán nhằm phát hiện nhanh và chính xác mầm bệnh.

d. Kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y: củng cố các trạm, chốt kiểm dịch tại những nơi có lưu thông, buôn bán động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn thành phố; trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trạm kiểm dịch. Tăng cường công tác kiểm soát vận chuyển, kiểm dịch tại gốc nhằm làm giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh. Thường xuyên kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y tại các cơ sở chăn nuôi, giết mổ. Giám sát chất tồn dư trong sản phẩm động vật các mô hình xử lý chất thải tại các lò mổ.

đ. Quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc thú y: thực hiện các quy định chặt chẽ trong sản xuất, buôn bán, sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc tăng trọng, đồng thời hướng dẫn và tuyên truyền để người chăn nuôi sử dụng thuốc đúng cách. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc và chế phẩm sinh học thú y, thuốc tăng trọng.

e. Tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền: tổ chức tuyên truyền phổ biến, giáo dục về pháp luật và kiến thức về thú y. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến kiến thức và tuyên truyền giáo dục cho người dân hiểu biết về pháp luật thú y; mở các lớp tập huấn về phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm; an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu chăn nuôi, giết mổ.

4.4. Giải pháp ứng dụng khoa học, công nghệ:

a. Ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi:

- Ứng dụng công nghệ cao về công nghệ sinh học, công nghệ chẩn đoán phòng trừ dịch bệnh, công nghệ chế biến bảo quản, công nghệ xử lý môi trường vào sản xuất ngành chăn nuôi.

- Áp dụng công nghệ thông tin để quản lý giống bò, giống lợn.

b. Tăng cường đào tạo, tập huấn:

Tổ chức các lớp tập huấn đào tạo tay nghề cho cán bộ ở địa phương và cấp cơ sở, lực lượng kỹ thuật viên; tập trung vào các lĩnh vực:

- Kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và các biện pháp nâng cao khả năng sinh sản cho các loại vật nuôi.

- Kỹ thuật nuôi dưỡng và quản lý đàn gia súc, sản xuất, chế biến và sử dụng thức ăn cho các loại vật nuôi.

- Các biện pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh, phòng và trị bệnh cho vật nuôi trong các trang trại.

- Thường xuyên mở các lớp đào tạo, tập huấn chuyên môn, tham quan học tập nhằm nâng cao trình độ chuyên môn các hộ chăn nuôi dưới nhiều hình thức.

c. Công tác khuyến nông:

Phổ biến khoa học-kỹ thuật đến người nông dân và tổ chức xây dựng mô hình mẫu chăn nuôi để nông dân tham quan.

Tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, kỹ thuật chăn nuôi thâm canh, kỹ thuật chế biến thức ăn gia súc và công tác thú y.

Nghiên cứu thực hiện các dịch vụ thụ tinh nhân tạo, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Tổ chức các điểm mẫu chăn nuôi điển hình nhằm khuyến cáo kỹ thuật và hướng dẫn thực hành cho người chăn nuôi.

Hỗ trợ người chăn nuôi, các tổ hợp tác về công tác chuyên môn, tạo vốn, tiếp thị tiêu thụ sản phẩm.

4.5. Giải pháp về chính sách: xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào phát triển chăn nuôi, phát triển sản xuất giống vật nuôi; chính sách hỗ trợ cho chăn nuôi nông hộ.

4.6. Những biện pháp hạn chế tác động gây ô nhiễm môi trường:

- Khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi hình thành các khu chăn nuôi tập trung kết hợp đầu tư xây dựng hệ thống xử lý và kiểm soát chất thải, giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

- Hạn chế chăn nuôi phân tán nhỏ lẻ trong khu dân cư song song với kiểm soát chặt chẽ môi trường chăn nuôi.

- Chuyển các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm ra xa khu dân cư, đồng thời với việc đầu tư xây dựng công trình xử lý và kiểm soát chất thải.

- Đầu tư thiết kế xây dựng chuồng trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ theo các mô hình thiết kế mới, hiện đại để thuận tiện trong việc áp dụng công nghệ cao và dễ dàng xử lý các yếu tố gây ô nhiễm môi trường.

- Đầu tư phát triển mạnh chương trình biogaz đối với các gia trại chăn nuôi.

4.7. Giải pháp về vốn đầu tư:

Tổng vốn đầu tư thời kỳ 2012 - 2020 khoảng 11.814 tỷ đồng. Trong đó:

- Vốn có nguồn gốc ngân sách: 1.460 tỷ đồng, chiếm khoảng 12,4% tổng vốn đầu tư

- Vốn doanh nghiệp, tín dụng, nhân dân, vốn khác: 10.354,5 tỷ đồng, chiếm khoảng 87,6% tổng vốn đầu tư.

Mở rộng hình thức chăn nuôi hợp tác gia công cho các doanh nghiệp nước ngoài, nhằm thu hút nguồn vốn từ các doanh nghiệp để phát triển chăn nuôi.

Điều 2. Tổ chức thực hiện quy hoạch:

1. Sở Nông nghiệp và PTNT:

Tổ chức công bố quy hoạch và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch cụ thể.

Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, UBND các quận, huyện, thị xã cùng các cơ quan có liên quan cụ thể hóa các nhiệm vụ, các giải pháp thực hiện Quy hoạch, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch. Tham mưu giúp UBND Thành phố bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phù hợp với tình hình thực tế và ban hành các cơ chế, chính sách có liên quan. Tổ chức lồng ghép các chương trình để triển khai thực hiện quy hoạch.

2. Các Sở, Ban, Ngành có liên quan: theo chức năng nhiệm vụ của mình phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT tổ chức thực hiện quy hoạch.

3. UBND các quận, huyện, thị xã: phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các sở, ngành có liên quan triển khai thực hiện quy hoạch và kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân trong quá trình phát triển sản xuất chăn nuôi bảo đảm đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Chỉ đạo chính quyền các xã, phường tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về chăn nuôi tại các cơ sở.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Chánh văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc các Sở, ban, ngành của Thành phố; Chủ tịch UBND các Quận, huyện, thị xã; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp & PTNT;
- Thường trực Thành ủy; (để b/cáo)
- Thường trực HĐND; (để b/cáo)
- ĐC Chủ tịch UBND TP; (để b/cáo)
- Các PCT UBND TP;
- Các Sở, Ban, Ngành Thành phố;
- UBND các Quận, huyện, thị xã;
- Các PCVP UBND TP;
- Các phòng chuyên viên VP UBND TP;
- Lưu VT. NNNT(Hồng).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Xuân Việt

 

DANH MỤC

DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ:
(Kèm theo Quyết định số 1835/QĐ-UBND ngày 25/02/2013 của UBND Thành phố Hà Nội về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển chăn nuôi thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030)

1. Dự án hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng bò thịt.

2. Dự án hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng chăn nuôi lợn thịt.

3. Dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò sữa.

4. Dự án phát triển đàn gia cầm theo hướng tập trung.

5. Dự án hỗ trợ vệ sinh an toàn thực phẩm trong chăn nuôi.

6. Các dự án hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng vùng chăn nuôi tập trung.

7. Dự án hỗ trợ đào tạo cán bộ hợp tác xã nông nghiệp và nông dân.

8. Hỗ trợ sản xuất giống vật nuôi.

9. Xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển giống vật nuôi bản địa.

10. Dự án nâng cấp các cơ sở sản xuất giống vật nuôi.

11. Dự án phát triển sản xuất chăn nuôi gia súc, gia cầm theo chuỗi giá trị sản phẩm.

12. Đề án phát triển và nâng cao năng lực cán bộ kỹ thuật các cấp và quản lý trong chăn nuôi.