Quyết định 1559/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững khu rừng đặc dụng Krông Trai đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên ban hành
Số hiệu: 1559/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Phú Yên Người ký: Trần Hữu Thế
Ngày ban hành: 10/08/2017 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1559/QĐ-UBND

Phú Yên, ngày 10 tháng 8 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG BỀN VỮNG KHU RỪNG ĐẶC DỤNG KRÔNG TRAI ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về việc thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng;

Căn cứ Nghị định số 117/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về Tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng;

Căn cứ Thông tư số 78/2011/TT-BNNPTNT ngày 11/11/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về quy định chi tiết thực hiện Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng;

Căn cứ Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020 Ban hành kèm theo Quyết định số 18/2007/QĐ-TTg ngày 05/02/2007 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 584/QĐ-UBND ngày 11/4/2014 của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng tỉnh Phú Yên đến năm 2020;

Căn cứ các Quyết định của UBND tỉnh: Số 1262/QĐ-UBND ngày 10/6/2016 về việc phê duyệt Đề cương kỹ thuật và dự toán chi phí lập Báo cáo Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững khu rừng đặc dụng Krông Trai đến năm 2020; số 606/QĐ-UBND ngày 24/3/2017 về việc điều chỉnh thời gian tại các Quyết định của UBND tỉnh: số 1261/QĐ-UBND , số 1262/QĐ-UBND ngày 10/6/2016;

Căn cứ Công văn số 635/TCLN-BTTN ngày 05/5/2017 của Tổng cục Lâm nghiệp về việc góp ý Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững khu rừng đặc dụng Krông Trai đến năm 2020;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT (tại Tờ trình số 245/TTr-SNN ngày 31/7/2017 và Báo cáo thẩm định số 116/BC-SNN ngày 04/4/2017),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững khu rừng đặc dụng Krông Trai đến năm 2020, gồm các nội dung sau:

I. TÊN QUY HOẠCH, THỜI GIAN VÀ ĐỊA ĐIỂM:

1. Tên quy hoạch: Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững khu rừng đặc dụng Krông Trai đến năm 2020.

2. Thời gian thực hiện quy hoạch: Đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

3. Địa điểm thực hiện quy hoạch: Tại khu rừng đặc dụng Krông Trai nằm trên địa giới hành chính các xã: Ea Chà Rang, Suối Trai, Krông Pa, Sơn Phước, Suối Bạc và xã Cà Lúi, thuộc huyện Sơn Hoà, tỉnh Phú Yên.

II. NỘI DUNG QUY HOẠCH:

1. Rà soát quy hoạch diện tích, phạm vi, ranh giới:

a) Diện tích rà soát, điều chỉnh lại ranh giới khu rừng đặc dụng Krông Trai theo loại đất, loại rừng:

Biểu 01: Diện tích rà soát, điều chỉnh lại ranh giới khu rừng đặc dụng đến năm 2020, theo hiện trạng

TT

Loại đất, loại rừng

Trước quy hoạch (theo QĐ số 584/QĐ-UBND) (ha)

Sau quy hoạch (ha)

So sánh tăng (+), giảm (-) (ha)

Tỷ lệ (%) tăng/giảm so với diện tích trước rà soát

 

 

 

Tổng

13.775,0

13.770,0

-5,0

-0,04

 

I

Đất có rừng

9.062,0

9.196,1

134,2

1,48

 

1.1

Đất có rừng tự nhiên

8.759,3

8.893,4

134,2

1,53

 

1.2

Đất có rừng trồng

302,7

302,7

0,0

0,00

 

II

Đất ch­ưa có rừng

4.628,2

4.490,0

-138,2

-2,99

 

2.1

Đất trống (DT1,DT2)

131,0

228,3

97,2

74,22

 

2.2

Đất nương rẫy

4.497,2

4.261,7

-235,4

-5,23

 

III

Đất khác

84,8

83,9

-1,0

-1,14

 

Phần diện tích các loại đất rà soát tăng, giảm trong kỳ quy hoạch khu rừng đặc dụng Krông Trai đến năm 2020, cụ thể:

- Diện tích quy hoạch tăng 231,4 ha; gồm: Rừng tự nhiên 134,2 ha; đất trống (DT1, DT2): 97,2 ha, phần diện tích quy hoạch tăng có chức năng sản xuất do địa phương quản lý có đặc điểm là đất đồi, núi, có không gian liền kề với ranh giới khu rừng đặc dụng Krông Trai;

- Diện tích quy hoạch giảm 236,4 ha; gồm: Đất trống (nương rẫy) 235,4 ha và đất khác 1,0 ha (đường, sông, suối); diện tích đất trống (nương, rẫy) giảm 235,4 ha, thì có 167,0 ha đã được UBND huyện Sơn Hoà cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân (xã Krông Pa 34,6 ha và xã Ea Chà Rang 132,4 ha; theo Công văn số 43/CNVPĐKĐĐ ngày 07/12/2016 của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Sơn Hoà về việc rà soát diện tích đất nông nghiệp đã cấp giấy chứng nhận cho hộ dân trong ranh giới quy hoạch rừng đặc dụng Krông Trai) và diện tích đất trống nằm xen kẽ với các lô đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

b) Kết quả rà soát, điều chỉnh ranh giới khu rừng đặc dụng Krông Trai đến năm 2020 theo địa giới hành chính xã:

Biểu 02: Diện tích rà soát, điều chỉnh lại ranh giới khu rừng đặc dụng đến năm 2020 theo đơn vị hành chính

STT

Diện tích trước khi rà soát (hiện trạng, ha)

Diện tích sau khi rà soát (quy hoạch, ha)

Chênh lệch (ha)

Tỷ lệ % tăng/giảm

 

Tổng

13.775,0

13.770,0

-5,0

-0,04

1

Cà Lúi

49,4

49,4

0,0

0,00

2

Ea Chà Rang

5.631,9

5.589,6

-42,3

-0,75

3

Krông Pa

1.710,1

1.667,6

-42,5

-2,49

4

Sơn Phước

2.525,2

2.550,2

25,1

0,99

5

Suối Bạc

208,4

210,3

1,9

0,93

6

Suối Trai

3.650,1

3.702,9

52,8

1,45

2. Quy hoạch các phân khu chức năng:

Tổng diện tích tự nhiên 13.770 ha được rà soát lại phân chia thành 03 phân khu: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (BVNN), phân khu phục hồi sinh thái (PHST) và phân khu dịch vụ-hành chính (DVHC).

- Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: Diện tích 3.948 ha, chiếm 28,7% tổng diện tích khu rừng đặc dụng, bao gồm các khoảnh thuộc 10 tiểu khu: 179, 181, 184, 185, 199, 202, 205, 218, 219 và 220; phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có chức năng bảo vệ nguyên vẹn các hệ sinh thái, sinh cảnh, cảnh quan, bảo vệ nguồn gien, bảo vệ đa dạng sinh học và đảm bảo sự an toàn cho các loài động, thực vật đặc hữu, quí, hiếm sinh tồn và phát triển;

- Phân khu phục hồi sinh thái: Diện tích 9.576,1 ha, chiếm 69,6% tổng diện tích Khu rừng đặc dụng được phân bổ hầu hết các khoảnh thuộc 24 tiểu khu: 178, 198, 199, 200, 201, 202, 203, 204, 205, 206, 207, 208, 209, 210, 184, 185, 213, 218, 219, 220, 221, 221, 223 và 224; phân khu phục hồi sinh thái có chức năng phục hồi lại các hệ sinh thái rừng, thảm thực vật, sinh cảnh, cảnh quan đã bị tác động do hoạt động khai thác, canh tác nương rẫy; thực hiện thông qua các biện pháp giao, khoán, quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi kết hợp xúc tiến tái sinh tự nhiên và trồng rừng bằng loài cây bản địa để phục hồi rừng;

- Phân khu dịch vụ-hành chính: Diện tích 245,9 ha, chiếm 1,8% tổng diện tích khu rừng đặc dụng, bao gồm diện tích trụ sở Ban quản lý, vườn thực nghiệm, phòng trưng bày, các trạm quản lý bảo vệ rừng, trạm dừng chân tại các tiểu khu 202, 209, 221 và khu vực phục vụ du lịch sinh thái rừng tại tiểu khu 220; phân khu dịch vụ-hành chính có chức năng phục vụ các hoạt động quản lý hành chính, dịch vụ nghiên cứu khoa học, dịch vụ tham quan, du lịch và tuyên truyền giáo dục.

3. Quy hoạch các hạng mục bảo tồn và phát triển bền vững:

a) Quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng, khoán quản lý bảo vệ rừng:

- Đối tượng quản lý bảo vệ rừng bao gồm toàn bộ đất rừng và các loại đất đai khác nằm trong khu rừng đặc dụng; khoán bảo vệ rừng cho người dân các thôn sống gần rừng và đầu tư bảo vệ rừng theo Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 01/06/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020, diện tích 2.200 ha;

- Đối tượng khoán quản lý bảo vệ rừng là diện tích có rừng phân bố gần với khu dân cư, có mức độ đe dọa mạnh, cần được giao để người dân tham gia cùng quản lý bảo vệ; đối tượng được nhận khoán bảo vệ rừng là người dân vùng đệm, ưu tiên là người đồng bào dân tộc thiểu số và cư dân địa phương.

b) Phục hồi hệ sinh thái rừng và các loài thực vật quý, hiếm, cần bảo tồn:

- Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung cây lâm nghiệp; đối tượng là các diện tích đất trống có cây gỗ rải rác, tái sinh tự nhiên tốt, có khả năng phục hồi lại rừng theo hướng tái sinh tự nhiên và diện tích người dân đang canh tác nương rẫy rất sâu, xa, manh mún trong rừng;

- Trồng rừng mới các loài cây bản địa trên đất trống không có khả năng phục hồi thành rừng ở phân khu phục hồi sinh thái.

c) Bảo tồn đa dạng sinh học:

- Bảo vệ và phát triển các loài động vật trong khu rừng đặc dụng, đặc biệt là các loài chim, thú quí, hiếm có nguy cơ bị tiêu diệt;

- Tăng cường nguồn nước cho chim, thú, nhất là vào mùa khô hạn thường xảy ra hiện tượng thiếu nước trầm trọng bằng cách đào hồ, nạo vét lòng suối hoặc đắp đập ngăn nước vào mùa khô.

d) Xây dựng vườn thực nghiệm trồng cây bản địa:

Xây dựng vườn thực nghiệm diện tích 1,7 ha, nhân giống, kết hợp bảo tồn các loài cây quý hiếm, có giá trị bảo tồn phân bố trong khu rừng đặc dụng như Trắc (Dalbergia cochinchinensis), Giáng hương quả to (Pterocarpus macrocarpus), Cà te (Afzelia xylocarpa), Tuế lá xẻ (Cycas spp), Gụ lau (Sindora tonkinensis)…, để bảo tồn ngoại vi và nhân giống phục vụ cho công tác trồng rừng và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng theo kế hoạch.

4. Các chương trình nghiên cứu khoa học:

Các chương trình nghiên cứu về quá trình phát sinh, phát triển, quy luật diễn thế, quy luật phân bố cũng như tập quán sinh hoạt của các loài động, thực vật hiện có trong Khu BTTN. Số lượng gồm 03 đề tài:

- Đề tài 1: Điều tra đáng giá nguồn lực cây dược liệu: Nghiên cứu một số loài cây dược liệu phân bố tại Khu rừng đặc dụng gồm: Mức độ phân bố, công dụng, khả năng gây trồng, phát triển trên địa bàn, thị trường sản phẩm;

- Đề tài 2: Phát triển mô hình trồng cây dược liệu: Thử nghiệm trồng cây dược liệu hiện có trong nhân dân để phát triển kinh tế, chuyển đổi phương thức canh tác dưới tán rừng, tạo điều kiện để người dân không canh tác nương rẫy, phá rừng; từ đó nhân rộng ra các hộ gia đình khác. Ba loài dược liệu gồm Sâm cau (Curculigo orchioides Gaertn), Sâm Bố chính (nhân sâm Phú Yên - Hibiscus sagittifolius Kurz) và cây Sa nhân (Amomum villosum Lour) là các loài sẵn có trong khu rừng;

- Đề tài 3: Phát triển nguyên liệu mây tre đan dưới tán rừng tại khu rừng đặc dụng: Trồng mây dưới tán rừng thuộc 02 phân khu là Phân khu phục hồi sinh thái và phân khu dịch vụ - hành chính để phát triển kinh tế hộ gia đình, giảm sức ép vào rừng.

5. Quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng:

- Đầu tư xây dựng cơ bản về cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật nhằm phục vụ cho công tác bảo vệ rừng, hoạt động, điều hành, chỉ đạo và tổ chức sản xuất của Ban quản lý khu rừng đặc dụng, kết hợp phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và giáo dục về bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học;

- Nội dung gồm: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ lâm sinh; duy tu sửa chữa trụ sở Ban quản lý; xây dựng nhà tạm trú cho nhân viên; xây dựng và duy tu sửa chữa các trạm quản lý bảo vệ rừng; xây mới nhà trưng bày và giới thiệu tiêu bản động, thực vật; đầu tư phương tiện, trang thiết bị phục vụ tuần tra bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; xây dựng hệ thống cột mốc cố định phân định ranh giới với chủ rừng lớn và với người dân.

6. Quy hoạch phát triển du lịch sinh thái và dịch vụ môi trường rừng:

Quy hoạch cơ sở hạ tầng, lập bản đồ và xây dựng các chương trình phát triển du lịch sinh thái theo hình thức phối hợp với các doanh nghiệp khai thác du lịch, hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch tại Phân khu dịch vụ - hành chính và Phân khu phục hồi sinh thái; hình thành các tuyến du lịch với các điểm nhấn trên cơ sở cải thiện hệ thống đường giao thông, đường tuần tra, kết hợp các tuyến đường hiện có, xây dựng nhà trưng bày tiêu bản động thực vật quý hiếm, có giá trị bảo tồn để thu hút học sinh, sinh viên, khách tham quan.

7. Tổ chức các hoạt động giám sát:

- Đầu tư giám sát về diễn biến tài nguyên rừng, phục hồi hệ sinh thái để nm rõ các quy luật tự nhiên của các giai đoạn phát triển của hệ sinh thái rừng, quá trình phục hồi rừng;

- Đầu tư giám sát đa dạng sinh học động thực vật rừng, đặc biệt là các loài cần bảo tồn nhằm nắm rõ số lượng và diễn biến cấu trúc loài, vị trí và địa điểm phân bố, tập tính sinh hoạt,…;

- Đầu tư, tổ chức giám sát việc sử dụng tài nguyên rừng và dịch vụ môi trường rừng nhằm nắm được các mức độ sử dụng, tác động vào tài nguyên rừng, hoặc tiềm năng và tình trạng sử dụng tài nguyên và dịch vụ môi trường rừng.

8. Quy hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực:

- Đào tạo đội ngũ nhân lực thực hiện công tác chuyên môn quản lý bảo tồn các kỹ năng về nhận dạng, nhận biết các loài, tập tính sinh hoạt, kỹ năng thu thập thông tin các giá trị cần bảo tồn, kỹ năng phân tích thông tin, kỹ năng thu hái, bảo quản, xử lý mẫu vật, tiêu bản động thực vật rừng cũng như các phương thức quản lý sinh học cho các đối tượng bảo tồn khác nhau;

- Đào tạo đội ngũ làm công tác phát triển cộng đồng cư dân vùng đệm như kỹ thuật canh tác các loại nông sản, các mô hình nông lâm kết hợp, sinh hoạt hợp vệ sinh, sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường,…để giảm áp lực vào tài nguyên rừng cần bảo tồn.

9. Định hướng quy hoạch phát triển vùng đệm:

- Vùng đệm được rà soát, quy hoạch là diện tích vùng đệm ngoài ranh giới quy hoạch khu rừng đặc dụng và thuộc các thôn giáp ranh giới khu rừng đặc dụng Krông Trai thuộc 22 thôn, bản của 05 xã: Suối Bạc, Sơn Phước, Krông Pa, Suối Trai và Ea Chà Rang, với tổng diện tích tự nhiên vùng đệm 9.461,8 ha;

Biểu 03: Diện tích quy hoạch vùng đệm ngoài Khu rừng đặc dụng

TT

Số thôn

Số dân

Tổng cộng (ha)

Đất có rừng (ha)

Đất nông nghiệp (ha)

Đất khác (ha)

Tổng

Rừng TN (non)

Rừng trồng

Tổng

Dân cư

Giao thông

Sông suối

Đất trống

 

Tổng cộng

22

3.289

9.461,8

193,3

119,9

73,4

7.586,5

1.682,1

245,1

54,3

1.379,9

2,9

1

Ea Chà Rang

5

807

2.615,7

40,4

11,8

28,6

2.464,3

111,0

71,2

27,6

11,9

0,3

2

Krông Pa

7

752

2.733,0

14,4

-

14,4

2.202,1

516,5

102,8

8,9

404,8

 

3

Sơn Phước

4

906

900,4

64,6

64,6

 

829,7

6,2

 

6,2

 

 

4

Suối Bạc

2

368

381,4

3,5

2,6

0,9

374,8

3,2

 

1,2

 

2,0

5

Suối Trai

4

456

2.831,3

70,5

40,9

29,6

1.715,7

1.045,2

71,0

10,4

963,2

0,6

- Vùng đệm ngoài thuộc quản lý của địa phương, không quy hoạch vào diện tích Khu rừng đặc dụng nhưng mọi tác động đến khu rừng phải tuân thủ theo quy chế của vùng đệm.. Các nội dung phát triển vùng đệm theo Thông tư liên tịch số 100/2013/TTLT-BTC-NNPTNT ngày 26/7/2013 của liên Bộ Tài Chính và Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định số 24/20112/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020. Cụ thể như sau:

+ Đầu tư năng lực phát triển sản xuất, gồm: Hỗ trợ hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ giống cây, giống con; hỗ trợ thiết bị chế biến nông lâm sản quy mô nhỏ;

+ Hỗ trợ vật liệu xây dựng cho các công trình cộng đồng thôn, bản như: Công trình nước sạch; công trình điện chiếu sáng, thông tin liên lạc; xây dựng đường giao thông thôn bản; xây dựng nhà văn hóa thôn, bản và các công trình khác.

- Vùng đệm sẽ được xây dựng dự án đầu tư riêng biệt theo quy định sau khi có quyết định phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững khu rừng đặc dụng.

10. Khái toán vốn và phân kỳ đầu tư:

a) Tổng vốn đầu tư: 37.062,5 triệu đồng.

b) Vốn đầu tư phân theo hạng mục công việc:

- Quản lý, bảo vệ, phục hồi rừng: 21.854,5 triệu đồng;

- Chương trình nghiên cứu khoa học: 4.200,0 triệu đồng;

- Xây dựng cơ sở hạ tầng: 6.840,0 triệu đồng;

- Hoạt động giám sát: 448,0 triệu đồng;

- Đào tạo phát triển nguồn nhân lực: 200,0 triệu đồng;

- Phát triển vùng đệm:  3.520,0 triệu đồng.

c) Phân theo nguồn vốn:

- Vốn ngân sách nhà nước: 28.462,5 triệu đồng;

- Vốn thu từ DVMTR: 2.000,0 triệu đồng;

- Vốn khác: 6.600,0 triệu đồng.

d) Phân kỳ vốn đầu tư:

- Năm 2017: 10.416,9 triệu đồng;

- Năm 2018: 9.150,4 triệu đồng;

- Năm 2019: 9.447,9 triệu đồng;

- Năm 2020: 8.047,3 triệu đồng.

11. Giải pháp về tổ chức và thực hiện quy hoạch:

a) Giải pháp về tổ chức:

Cơ cấu tổ chức và nhân sự của Ban quản lý rừng đặc dụng Krông Trai đến 2020. Tổng số nhân sự là 27 người gồm lãnh đạo và bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ như sau:

- Lãnh đạo Ban: Biên chế 03 người, gồm 01 Trưởng ban, kiêm hạt trưởng Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng; 02 Phó trưởng ban, 01 phó ban kiêm phó hạt trưởng kiểm lâm, 01 phó trưởng ban phụ trách QLBVR và Bảo tồn thiên nhiên;

- Bộ phận chuyên môn nghiệp vụ: Biên chế 09 biên chế, gồm các bộ phận hành chính, tổng hợp; quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên; thanh tra, pháp chế; sử dụng và phát triển rừng; tkiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng.

- Các tổ chức trực thuộc Ban quản lý:

+ Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Krông Trai thuộc Ban quản lý rừng đặc dụng Krông Trai; Hạt Kiểm lâm có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật và sử dụng trụ sở của Ban quản lý để hoạt động (Biên chế của Ban quản lý rừng đặc dụng Krông Trai đồng thời cũng là biên chế của Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng);

+ Trạm kiểm lâm gồm 03 Trạm 15 biên chế: Trạm Kiểm lâm Thống Nhất, Trạm Kiểm lâm Krông Pa và Trạm Kiểm lâm Ea Chà Rang. Trạm Kiểm trực thuộc Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Krông Trai có 01 Trạm trưởng, 01 Phó Trạm trưởng, các công chức kiểm lâm và lao động hợp đồng giúp việc.

b) Giải pháp về vốn đầu tư:

- Vốn ngân sách: Ngân sách Trung ương được sử dụng cho công tác giao khoán quản lý, bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, trồng rừng và xây dựng các công trình phục vụ cho quản lý và bảo vệ rừng; ngân sách địa phương được sử dụng cho xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng dự án quy hoạch, công tác quản lý, tập huấn tuyên truyền...

- Vốn từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng: Nguồn kinh phí thu từ dịch vụ môi trường rừng lưu vực Nhà máy thuỷ điện sông Ba Hạ, sử dụng theo quy định hiện hành, chủ yếu tập trung cho công tác quản lý bảo vệ rừng, góp phần làm giảm đầu tư của nhà nước; ngoài ra, cần đẩy mạnh xúc tiến thử nghiệm và đưa vào hoạt động các loại dịch vụ môi trường rừng khác như dịch vụ tồn trữ lượng các bon rừng, dịch vụ bảo vệ đất hay dịch vụ du lịch sinh thái, khoa học rừng;

- Vốn viện trợ của nước ngoài và các tổ chức quốc tế: Kêu gọi và thu hút các nguồn vốn viện trợ của nước ngoài và các tổ chức quốc tế trực tiếp đầu tư vào các hạng mục mang ý nghĩa chung toàn nhân loại như nghiên cứu điều tra, giám sát các loài quý hiếm như các loài linh trưởng, nhân giống các loài cây quý, cây thuốc...

c) Giải pháp về khoa học, công nghệ:

- Triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học mà trong quy hoạch đã đề ra;

- Tăng cường huấn luyện, đào tạo chuyên sâu cán bộ khoa học của Ban để tự thực hiện được các nhiệm vụ có tính chất chuyên sâu, công nghệ cao như theo dõi diễn biến tài nguyên rừng từ ảnh vệ tinh, cập nhật diện biến rừng bằng máy tính bảng; điều tra, giám sát đa dạng sinh học,…

- Liên kết với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, trao đổi để thu hút thêm các nhà nghiên cứu và dịch vụ khoa học về đa dạng sinh học;

- Kêu gọi các quỹ tài nguyên rừng như WWF, IUCN, …để thu hút sự quan tâm và đầu tư nguồn lực tài chính chi công tác nghiên cứu, giám sát đa dạng sinh học và bảo tồn đa dạng sinh học.

d) Giải pháp về nguồn nhân lực:

- Sắp xếp và bố trí đủ số lượng cán bộ của Ban quản lý rừng đặc dụng Krông Trai để đi vào hoạt động, điều hành cũng như tổ chức thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ đã đề ra;

- Tổ chức, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho các cán bộ của Ban quản lý nhất là về công tác bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học nhằm đáp ứng yêu cầu để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đặc biệt, khi lựa chọn, đào tạo và luân chuyển cán bộ kiểm lâm cần sàng lọc những cán bộ chuyên sâu về công tác bảo tồn, tránh tình trạng được đào tạo công tác bảo tồn nhưng lại luân chuyển đi công tác khác.

e) Giải pháp về cơ chế chính sách:

- Thực hiện kịp thời và đầy đủ các chính sách của nhà nước về lĩnh vực lâm nghiệp như: Giao, khoán quản lý bảo vệ rừng cho các cộng đồng dân cư; chính sách hưởng lợi từ rừng; chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020; chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp...

- Ban hành các chính sách ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển lâm sản ngoài gỗ, khai thác tiềm năng du lịch sinh thái;

- Tranh thủ mọi nguồn vốn từ các dự án, chương trình hỗ trợ vốn và kỹ thuật để xây dựng các mô hình phát triển lâm sản ngoài gỗ, xây dựng mô hình vườn ao chuồng, chuyển giao và nhân rộng mô hình đến người dân trên địa bàn;

- Tranh thủ mọi nguồn vốn hợp tác quốc tế (WB), vay tín dụng, tài trợ, hỗ trợ không hoàn lại, hỗ trợ hộ nghèo, vùng nghèo, góp phần sớm ổn định cuộc cho người dân, an cư lập nghiệp.

g) Giải pháp về cơ sở hạ tầng:

- Đảm bảo công tác đầu tư cho xây dựng, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng, nhằm tạo điều kiện cải thiện điều kiện sinh hoạt, làm việc cơ bản của Ban quản lý rừng đặc dụng Krông Trai;

- Các dự án đầu tư về phát triển kinh tế - xã hội được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cần tập trung và ưu tiên vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình thiết yếu phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế để ổn định đời sống cho người dân lao động, điều đó để góp phần vào việc quản lý, bảo vệ khu rừng đặc dụng.

12. Định hướng tầm nhìn đến 2030:

- Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện ranh giới khu rừng, đặc biệt là giải quyết triệt để vấn đề chồng lấn ranh giới trong Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN). Ổn định diện tích khu rừng;

- Quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học ngày càng chặt chẽ và hiệu quả;

- Phát triển dịch vụ môi trường rừng như: Du lịch sinh thái, dịch vụ bảo vệ nước, cacbon rừng, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ đất… có hiệu quả;

- Phát triển vùng đệm, góp phần nâng cao đời sống người dân và đảm bảo hiệu lực trong việc ngăn chặn các tác động bất lợi vào KBTTN;

- Nâng cao năng lực quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác bảo tồn của Ban quản lý;

- Hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên để thu hút đầu tư các dự án về du lịch, dịch vụ rừng hiệu quả;

- Tiếp tục tổ chức triển khai và giám sát thực hiện quy hoạch nhằm đảm bảo tính khả thi, khoa học và thực tiễn của quy hoạch.

13. Các nội dung khác:

Theo nội dung báo cáo Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững khu rừng đặc dụng Krông Trai đến năm 2020 (hồ sơ kèm theo).

Điều 2. Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Văn hoá-Thể thao và Du lịch, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hoà; Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Krông Trai và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Bộ NN và PTNT;
- Tổng cục Lâm nghiệp;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Các PVP UBND tỉnh;
- Chi cục Kiểm lâm tỉnh;
- Lưu: VT, Đ, Q, HK

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Hữu Thế