Quyết định 13/2017/QĐ-UBND Quy định phân cấp quản lý nhà nước trong quản lý chất lượng thi công công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
Số hiệu: 13/2017/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam Người ký: Huỳnh Khánh Toàn
Ngày ban hành: 08/06/2017 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Xây dựng nhà ở, đô thị, Tổ chức bộ máy nhà nước, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/2017/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 08 tháng 6 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG THI CÔNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014;

Căn cứ Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng;

Căn cứ Thông tư số 03/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ Xây dựng quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng;

Căn cứ Thông tư số 26/2016/TT-BXD ngày 26/10/2016 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng;

Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 63/TTr-SXD ngày 22/5/2017,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định phân cấp quản lý nhà nước trong quản lý chất lượng thi công công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký. Bãi bỏ Công văn số 995/UBND-KTN ngày 16/3/2015 của UBND tỉnh về việc thực hiện Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014 trên địa bàn tỉnh và Quyết định số 3117/QĐ-UBND ngày 09/10/2014 của UBND tỉnh ban hành Quy định một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, Ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan liên quan; các tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Huỳnh Khánh Toàn

 

QUY ĐỊNH

VỀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG THI CÔNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM
(Ban hành theo Quyết định số 13/2017/QĐ-UBND ngày 08/6/2017 của UBND tỉnh Quảng Nam)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định phân cấp quản lý nhà nước trong quản lý chất lượng thi công công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Các nội dung khác không được quy định tại văn bản này thì thực hiện theo quy định tại Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/05/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các Sở, Ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (viết tắt là UBND cấp huyện), các Ban Quản lý dự án chuyên ngành, khu vực; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (viết tắt là UBND cấp xã); các tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến công tác quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Chương II

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG CỦA CÁC SỞ, BAN, NGÀNH

Điều 3. Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh. Sở Xây dựng là cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh thực hiện.

Điều 4. Trách nhiệm của Sở Xây dựng

1. Xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.

2. Hướng dẫn các Sở, Ban, ngành, UBND cấp huyện, các Ban Quản lý dự án chuyên ngành, khu vực, các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh thực hiện các quy định của pháp luật và của UBND tỉnh về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

3. Thanh tra, kiểm tra thường xuyên, định kỳ theo kế hoạch và thanh tra, kiểm tra đột xuất công tác quản lý chất lượng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng công trình và quản lý chất lượng các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh; xử lý và kiến nghị xử lý các vi phạm về chất lượng công trình xây dựng.

4. Thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng đối với các công trình sau; trừ công trình và nội dung công việc quy định tại Khoản 4 Điều 9 của Quy định này:

a) Nhà ở riêng lẻ từ 07 tầng trở lên;

b) Công trình dân dụng, công trình công nghiệp vật liệu xây dựng;

c) Công trình công nghiệp nhẹ cấp II, cấp III;

d) Các công trình xây dựng sau đây trừ công trình nằm trong dự án đầu tư xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định đầu tư:

- Công trình nhà máy xi măng cấp II, cấp III;

- Nhà chung cư cấp II, cấp III;

- Công trình công cộng cấp II, cấp III;

- Công trình hạ tầng kỹ thuật: Cấp II, cấp III đối với công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước và cấp II đối với công trình sử dụng vốn khác; cấp II, cấp III, cấp IV đối với công trình xử lý chất thải rắn độc hại;

đ) Công trình giao thông trong đô thị cấp II, cấp III trừ công trình đường sắt, công trình cầu vượt sông và đường Quốc lộ;

5. Phối hợp với các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành: Kiểm tra việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành; kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng trên địa bàn huyện; tổ chức giám định chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành khi có yêu cầu và tổ chức giám định nguyên nhân sự cố theo quy định; tổng hợp, báo cáo Bộ Xây dựng, UBND tỉnh về sự cố công trình xây dựng.

6. Tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh định kỳ, đột xuất về tình hình chất lượng công trình xây dựng; giúp UBND tỉnh tổng hợp tình hình chất lượng và quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn để báo cáo Bộ Xây dựng định kỳ hàng năm.

7. Lưu trữ hồ sơ thiết kế, bản vẽ hoàn công, hồ sơ quản lý chất lượng công trình xây dựng do đơn vị quản lý.

Điều 5. Trách nhiệm của Sở Công Thương

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra thường xuyên, định kỳ theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất công tác quản lý chất lượng của tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng công trình chuyên ngành và chất lượng các công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn tỉnh.

2. Thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng đối với các công trình sau, trừ các công trình nằm trong dự án đầu tư xây dựng do Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định đầu tư:

a) Công trình cấp II, cấp III, cấp IV thuộc các loại: Đường dây và trạm biến áp;

b) Công trình cấp II, cấp III thuộc các loại: Nhà máy thủy điện, nhà máy nhiệt điện, nhà máy luyện kim, kho xăng dầu;

c) Công trình cấp II thuộc các loại: Kho chứa khí hóa lỏng, trạm chiết nạp khí hóa lỏng, kho chứa vật liệu nổ công nghiệp;

d) Công trình công nghiệp trừ công trình và nội dung công việc quy định tại Khoản 4 Điều 9 của Quy định này.

3. Đối với công trình đường dây, trạm biến áp có cấp điện áp từ 35KV trở xuống, công trình cấp IV sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách, chủ đầu tư tự tổ chức nghiệm thu theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP .

4. Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng kiểm tra công tác nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng theo quy định tại khoản 2 Điều này.

5. Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện các công việc nêu tại khoản 5 Điều 4 Quy định này.

6. Tổng hợp báo cáo định kỳ hàng năm về tình hình chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn tỉnh về Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Xây dựng.

7. Lưu trữ hồ sơ thiết kế, bản vẽ hoàn công, hồ sơ quản lý chất lượng công trình xây dựng do đơn vị quản lý.

Điều 6. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra thường xuyên, định kỳ theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất công tác quản lý chất lượng của tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng công trình chuyên ngành và chất lượng các công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn tỉnh.

2. Thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng đối với các công trình sau; trừ các công trình nằm trong dự án đầu tư xây dựng do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định đầu tư; trừ công trình và nội dung công việc quy định tại Khoản 4 Điều 9 của Quy định này:

a) Công trình giao thông cấp II, cấp III đối với công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước và cấp II đối với công trình sử dụng vốn khác thuộc các loại: Cầu, hầm, đường bộ, trừ các công trình giao thông do Sở Xây dựng quản lý;

b) Công trình cấp II, cấp III, cấp IV thuộc các loại: Công trình đường sắt, sân bay, bến, ụ nâng tàu, cảng bến đường thủy, hệ thống cáp treo vận chuyển người;

3. Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng kiểm tra công tác nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng theo quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện các công việc nêu tại khoản 5 Điều 4 Quy định này.

5. Tổng hợp báo cáo định kỳ hàng năm về tình hình chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn tỉnh về Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Xây dựng.

6. Lưu trữ hồ sơ thiết kế, bản vẽ hoàn công, hồ sơ quản lý chất lượng công trình xây dựng do đơn vị quản lý.

Điều 7. Trách nhiệm của Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra thường xuyên, định kỳ theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất công tác quản lý chất lượng của tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng công trình chuyên ngành và chất lượng các công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn tỉnh.

2. Thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng đối với các công trình sau; trừ công trình nằm trong dự án đầu tư xây dựng do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định đầu tư:

a) Công trình cấp II, cấp III, cấp IV thuộc các loại: Công trình hồ chứa nước, đập ngăn nước, tràn xả lũ, cống lấy nước, cống xả nước, kênh, đường ống kín dẫn nước, đường hầm thủy công, đê, kè, trạm bơm; công trình đê điều: Đê sông, đê biển, đê cửa sông và các công trình trên đê, trong đê và dưới đê; công trình chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn khác;

b) Công trình có ảnh hưởng lớn đến an toàn cộng đồng quy định tại Phụ lục II Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ;

c) Công trình có ảnh hưởng lớn đến môi trường;

3. Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng kiểm tra công tác nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng theo quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện các công việc nêu tại khoản 5 Điều 4 Quy định này.

5. Tổng hợp, báo cáo định kỳ hàng năm về tình hình chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn tỉnh về Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Xây dựng.

6. Lưu trữ hồ sơ thiết kế, bản vẽ hoàn công, hồ sơ quản lý chất lượng công trình xây dựng do đơn vị quản lý.

Điều 8. Trách nhiệm của Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai.

1. Tổ chức thực hiện các quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với các công trình đã được phân cấp và ủy quyền trên địa bàn Khu Kinh tế mở Chu Lai theo Quyết định số 24/2016/QĐ-UBND ngày 18/10/2016 của UBND tỉnh.

2. Kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng đối với các công trình đã được phân cấp và ủy quyền trên địa bàn Khu kinh tế mở Chu Lai.

3. Phối hợp với Sở Xây dựng, Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và Bộ Xây dựng tổ chức kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng, giám định chất lượng và giám định sự cố công trình xây dựng trên địa bàn quản lý.

4. Tổng hợp và báo cáo định kỳ về tình hình chất lượng công trình xây dựng đối với các công trình trên địa bàn về Sở Xây dựng, Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Xây dựng.

5. Lưu trữ hồ sơ thiết kế, bản vẽ hoàn công, hồ sơ quản lý chất lượng công trình xây dựng do đơn vị quản lý.

Chương III

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG CỦA UBND CẤP HUYỆN, XÃ

Điều 9. Trách nhiệm của UBND cấp huyện.

1. Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý chất lượng các công trình xây dựng trên địa bàn huyện do UBND cấp huyện cấp phép xây dựng, các công trình nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân và các công trình được phân cấp, ủy quyền.

2. Ban hành quy định chức năng và nhiệm vụ cho phòng chức năng thực hiện công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng.

3. Hướng dẫn UBND cấp xã, các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

4. Kiểm tra công tác nghiệm thu đưa vào sử dụng các công trình sau:

a) Đối với công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn:

- Công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn do UBND cấp huyện, cấp xã quyết định đầu tư có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng; công trình không sử dụng ngân sách Nhà nước được đầu tư trên địa bàn các huyện, thành phố (trừ các công trình đã phân cấp, giao nhiệm vụ cho Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai và Ban Quản lý phát triển đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc) có giá trị tổng dự toán nhỏ hơn 15 tỷ đồng; công trình thuộc Chương trình kiên cố hóa kênh mương loại III được thực hiện theo các Quyết định số 30/2014/QĐ-UBND ngày 20/10/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam; trừ công trình có ảnh hưởng lớn đến an toàn cộng đồng quy định tại Phụ lục II Nghị định số 46/2015/NĐ-CP và công trình có ảnh hưởng lớn đến môi trường.

b) Công trình giao thông: Công trình cầu, đường bộ cấp IV (theo phân cấp tại Thông tư số 03/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ Xây dựng) do UBND các huyện, thành phố quyết định đầu tư hoặc làm chủ đầu tư.

c) Công trình thuộc Chương trình nông thôn mới, gồm:

- Công trình được áp dụng cơ chế đầu tư đặc thù theo Quyết định số 1549/QĐ- UBND ngày 03/5/2017 của UBND tỉnh ban hành Quy định danh mục loại dự án được áp dụng cơ chế đặc thù và hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh có tổng mức đầu tư thấp hơn 05 tỷ đồng, đã được UBND tỉnh ban hành thiết kế mẫu, thiết kế điển hình; gồm: Xây dựng nhà văn hóa - khu thể thao thôn; giao thông nông thôn, cống thoát nước đường giao thông, nông thôn; kiên cố hóa kênh mương loại III; đường giao thông nội đồng;

- Công trình xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc các tiêu chí nông thôn mới còn lại có tổng mức đầu tư thấp hơn 05 tỷ đồng, gồm: Xây dựng trụ sở xã, xây dựng trường học đạt chuẩn, xây dựng trạm y tế xã, xây dựng nhà văn hóa - khu thể thao xã, công trình thoát nước thải dân cư, xây dựng hạ tầng các khu sản xuất tập trung, xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt.

d) Công trình dân dụng, công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật do UBND cấp huyện, cấp xã quyết định đầu tư có cấp công trình cấp 4 hoặc có tổng mức đầu tư thấp hơn 15 tỷ đồng.

5. Hướng dẫn UBND cấp xã báo cáo sự cố cho UBND tỉnh, Sở Xây dựng và các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành khi nhận được thông tin sự cố và chỉ đạo, hỗ trợ giải quyết sự cố.

6. Tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Sở Xây dựng định kỳ hàng năm hoặc báo cáo đột xuất khi có yêu cầu về tình hình chất lượng và công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn.

7. Lưu trữ hồ sơ thiết kế, bản vẽ hoàn công, hồ sơ quản lý chất lượng công trình xây dựng do đơn vị quản lý.

Điều 10. Trách nhiệm của Phòng có chức năng quản lý xây dựng cấp huyện (sau đây được hiểu là phòng Kinh tế Hạ tầng đối với UBND huyện và Phòng Quản lý đô thị đối với UBND thị xã, thành phố).

1. Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành các văn bản triển khai thực hiện công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn;

2. Giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện quy định từ Khoản 1 đến Khoản 7 Điều 9 Quy định này;

3. Hướng dẫn chủ đầu tư báo cáo sự cố cho UBND tỉnh, Sở Xây dựng và các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành khi nhận được thông tin sự cố và chỉ đạo, hỗ trợ giải quyết sự cố;

4. Tham mưu Ủy ban nhân dân cấp huyện phối hợp với các Sở quản lý công trình chuyên ngành kiểm tra công tác xây dựng trên địa bàn huyện khi được yêu cầu.

Điều 11. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã

1. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng cho các tổ chức và công dân trên địa bàn.

2. Tiếp nhận, xác nhận thông báo khởi công của chủ đầu tư đối với các công trình xây dựng trên địa bàn; kiểm tra quá trình thi công công trình theo nội dung giấy phép xây dựng, biển báo công trường, các điều kiện đảm bảo vệ sinh môi trường như: Hàng rào thi công, màn che công trình, thoát nước thi công, giải pháp thu gom nước thải, phế thải xây dựng, nhà vệ sinh tạm thời, giấy phép sử dụng tạm thời hè, đường...

3. Tiếp nhận báo cáo sự cố của chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng công trình, đồng thời ngay sau khi nhận được thông tin phải báo cáo ngay cho UBND cấp huyện và UBND tỉnh về sự cố.

4. Trường hợp phát hiện công trình, hạng mục công trình có dấu hiệu nguy hiểm không đảm bảo an toàn cho việc khai thác sử dụng, UBND cấp xã có trách nhiệm báo cáo cho UBND cấp huyện và thực hiện ngay các biện pháp xử lý đối với công trình có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho khai thác sử dụng: Tổ chức kiểm tra, thông báo đến chủ sở hữu công trình khảo sát, kiểm định và đánh giá mức độ nguy hiểm công trình; trường hợp công trình có dấu hiệu sụp đổ có trách nhiệm phối hợp với chủ sở hữu công trình hạn chế hoặc ngừng sử dụng công trình, di chuyển người và tài sản (nếu cần thiết) đến nơi an toàn.

5. Định kỳ 6 tháng/1 lần (thời gian vào ngày 30/5 và ngày 30/11 hằng năm) báo cáo UBND cấp huyện thông qua phòng chức năng quản lý xây dựng để tổng hợp, theo dõi, kiểm tra.

6. Phối hợp với Sở Xây dựng, Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, phòng có chức năng quản lý xây dựng cấp huyện kiểm tra công trình xây dựng trên địa bàn khi được yêu cầu.

Điều 12. Nội dung kiểm tra công tác nghiệm thu công trình của cơ quan chuyên môn về xây dựng

1. Sau khi nhận được thông báo, thông tin về công trình xây dựng của chủ đầu tư, cơ quan chuyên môn về xây dựng có trách nhiệm thông báo cho chủ đầu tư kế hoạch kiểm tra công trình, bao gồm:

a) Kế hoạch, nội dung và hồ sơ, tài liệu cần được kiểm tra tại một số giai đoạn chuyển bước thi công quan trọng của công trình. Số lần kiểm tra phụ thuộc vào quy mô và tính chất kỹ thuật của công trình nhưng tối đa không quá 3 lần đối với công trình cấp đặc biệt và công trình cấp I, không quá 2 lần đối với các công trình còn lại, trừ trường hợp công trình có sự cố về chất lượng trong quá trình thi công xây dựng hoặc trong các trường hợp khác do chủ đầu tư đề nghị.

b) Kế hoạch, nội dung và hồ sơ, tài liệu cần được kiểm tra trước khi chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu đưa hạng mục công trình, công trình xây dựng vào sử dụng.

2. Cơ quan chuyên môn về xây dựng tiến hành kiểm tra công trình lần cuối sau khi nhận được báo cáo hoàn thành thi công xây dựng của chủ đầu tư theo mẫu số 02, Phụ lục V, Thông tư số 26/2016/TT-BXD ngày 26/10/2016 của Bộ Xây dựng. Nội dung kiểm tra phải được lập thành biên bản, chủ yếu tập trung vào sự tuân thủ các quy định của pháp luật nhằm đảm bảo an toàn của công trình, đảm bảo công năng và an toàn vận hành của công trình theo thiết kế; cụ thể:

a) Kiểm tra hiện trạng các bộ phận công trình bằng trực quan và kiểm tra các số liệu quan trắc, đo đạc.

b) Kiểm tra sự tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình trên cơ sở kiểm tra hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng được lập theo quy định và trao đổi với các bên có liên quan trong quá trình kiểm tra.

c) Kiểm tra sự tuân thủ các quy định khác của pháp luật về xây dựng có liên quan.

3. Trong quá trình kiểm tra, cơ quan chuyên môn về xây dựng có thể yêu cầu chủ đầu tư và các nhà thầu giải trình, làm rõ về các nội dung kiểm tra hoặc chỉ định tổ chức tư vấn thực hiện việc kiểm định các bộ phận, hạng mục công trình có biểu hiện không đảm bảo chất lượng hoặc thiếu cơ sở đảm bảo chất lượng công trình theo yêu cầu của thiết kế.

4. Cơ quan chuyên môn về xây dựng phải thông báo kết quả kiểm tra đưa công trình vào sử dụng cho chủ đầu tư theo mẫu số 03, Phụ lục V, Thông tư số 26/2016/TT-BXD ngày 26/10/2016 của Bộ Xây dựng.

5. Cơ quan chuyên môn về xây dựng được quyền yêu cầu các đơn vị sự nghiệp hoặc tổ chức, cá nhân có năng lực phù hợp tham gia thực hiện việc kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng.

6. Chi phí cho việc kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng được lập dự toán và tính trong tổng mức đầu tư xây dựng công trình.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Xử lý vi phạm

1. Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nếu có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng, tùy theo mức độ vi phạm bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

2. Sở Xây dựng, các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành; UBND cấp huyện; Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, Ban Quản lý Phát triển đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc theo dõi, kiểm tra sự tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng của các tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng trên địa bàn theo phân cấp.

Điều 14. Tổ chức thực hiện

1. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, Ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh căn cứ Quy định này để triển khai thực hiện.

2. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị các tổ chức, cá nhân gửi ý kiến bằng văn bản về Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.