Quyết định 24/2016/QĐ-UBND Quy định về giao khoán quản lý, bảo vệ, khai thác tỉa thưa rừng trồng phòng hộ và hưởng lợi của Dự án trồng rừng phòng hộ đầu nguồn lưu vực sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị, vốn vay Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC)
Số hiệu: 24/2016/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Trị Người ký: Nguyễn Đức Chính
Ngày ban hành: 28/06/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/2016/QĐ-UBND

Quảng Trị, ngày 28 tháng 6 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ GIAO KHOÁN QUẢN LÝ, BẢO VỆ, KHAI THÁC TỈA THƯA RỪNG TRỒNG PHÒNG HỘ VÀ HƯỞNG LỢI CỦA DỰ ÁN TRỒNG RỪNG PHÒNG HỘ ĐẦU NGUỒN LƯU VỰC SÔNG THẠCH HÃN, TỈNH QUẢNG TRỊ, VỐN VAY NGÂN HÀNG HỢP TÁC QUỐC TẾ NHẬT BẢN (JBIC)

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg ngày 12 tháng 11 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 17/2015/QĐ-TTg ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý rừng phòng hộ;

Căn cứ Quyết định số 109/2008/QĐ-BNN ngày 11 tháng 11 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành Quy chế hưởng lợi áp dụng đối với Dự án trồng rừng phòng hộ đầu nguồn tại các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Phú Yên vay vốn của Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (Dự án JBIC);

Căn cứ Thông tư số 35/2011/TT-BNNPTNT ngày 20 tháng 5 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc hướng dẫn thực hiện khai thác, tận dụng gỗ và lâm sản ngoài gỗ;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 117/TTr-SNN ngày 24 tháng 5 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về giao khoán quản lý, bảo vệ, khai thác tỉa thưa rừng trồng phòng hộ và hưởng lợi của Dự án trồng rừng phòng hộ đầu nguồn lưu vực sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị, vốn vay Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC).

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các Ban quản lý rừng phòng hộ và UBND các huyện, thị xã; UBND các xã đang quản lý rừng trồng phòng hộ được đầu tư bằng nguồn vốn vay Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) thực hiện các nội dung của Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan; Chủ tịch UBND các huyện: Hướng Hóa, Đakrông, Triệu Phong, Hải Lăng; thị xã Quảng Trị; Chủ tịch UBND các xã có tham gia trồng rừng dự án JBIC; Giám đốc các Ban quản lý rừng phòng hộ: Hướng Hóa - Đakrông, lưu vực sông Thạch Hãn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Nguyễn Đức Chính

 

QUY ĐỊNH

VỀ GIAO KHOÁN QUẢN LÝ, BẢO VỆ, KHAI THÁC TỈA THƯA RỪNG TRỒNG PHÒNG HỘ VÀ HƯỞNG LỢI CỦA DỰ ÁN TRỒNG RỪNG PHÒNG HỘ ĐẦU NGUỒN LƯU VỰC SÔNG THẠCH HÃN, TỈNH QUẢNG TRỊ, VỐN VAY NGÂN HÀNG HỢP TÁC QUỐC TẾ NHẬT BẢN (JBIC)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 24/2016/QĐ-UBND ngày 28 tháng 6 năm 2016 của UBND tỉnh Quảng Trị)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về giao khoán quản lý, bảo vệ rừng, khai thác tỉa thưa rừng trồng phòng hộ và hưởng lợi thuộc Dự án trồng rừng phòng hộ đầu nguồn lưu vực sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị, vốn vay Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các đối tượng được Nhà nước giao đất, giao rừng, các đối tượng nhận khoán rừng trồng dự án JBIC sau giai đoạn đầu tư (năm trồng và 3 năm chăm sóc) để quản lý, bảo vệ và sử dụng, gồm:

1. Các Ban quản lý rừng phòng hộ.

2. UBND các xã tham gia trồng rừng Dự án JBIC.

3. Hộ gia đình, cá nhân.

4. Cộng đồng dân cư thôn.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Các thuật ngữ trong Quy định này được hiểu như sau:

1. Giai đoạn sau đầu tư: là giai đoạn sau khi dự án kết thúc, sau ngày 30 tháng 12 năm 2008.

2. Bên giao khoán: là các Ban quản lý rừng phòng hộ, UBND các xã đã được UBND tỉnh Quảng Trị giao rừng (hiện tại là Chủ rừng) để quản lý, bảo vệ theo Quyết định số 2450/QĐ-UBND ngày 18 tháng 12 năm 2008 về việc phê duyệt kết quả nghiệm thu hoàn thành lâm sinh, bàn giao rừng thuộc dự án trồng rừng phòng hộ đầu nguồn sông Thạch Hãn.

3. Bên nhận khoán: gồm cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, cá nhân ký hợp đồng dài hạn để quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.

4. Mức độ khó khăn hiện trường: thống nhất quy định mức độ khó khăn cho toàn thể khu vực rừng trồng của Dự án JBIC trên địa bàn tỉnh là hệ số 1.

5. Cây trồng chính: là cây lâm nghiệp được trồng nhằm mục đích phòng hộ.

6. Cây phù trợ: là cây được trồng với cây trồng chính trong một thời gian nhất định nhằm tạo sinh cảnh, hỗ trợ cho cây trồng chính sinh trưởng, phát triển tốt hơn.

7. Cây trồng xen: là cây được trồng kết hợp với cây trồng chính, nhằm tận dụng đất đai, không gian dinh dưỡng để tăng sản phẩm và thu nhập trên diện tích rừng mà không ảnh hưởng có hại đối với sinh trưởng và phát triển của cây trồng chính.

8. Tỉa thưa rừng: tỉa thưa rừng là một biện pháp kỹ thuật lâm sinh nhằm điều chỉnh mật độ cây trồng chính, cây phụ trợ, tạo không gian dinh dưỡng phù hợp cho cây bản địa sinh trưởng và phát triển, tạo nên khu rừng có nhiều loài cây sinh trưởng, đa tầng tán; nhằm đáp ứng mục tiêu phòng hộ lâu dài, góp phần duy trì và phát triển hệ sinh thái bền vững.

Điều 4. Giao khoán quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng

1. Các Ban quản lý rừng phòng hộ, UBND các xã hiện đang quản lý rừng trồng phòng hộ của dự án JBIC sau giai đoạn đầu tư tiến hành rà soát lại hồ sơ, diện tích rừng trồng phòng hộ dự án JBIC hiện đang quản lý và xây dựng phương án giao khoán (đối với các khu rừng chưa giao khoán) cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn để quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng. Việc giao khoán rừng cần xem xét, ưu tiên cho các nhóm hộ, hộ gia đình, cá nhân trước đây đã ký kết hợp đồng trồng, chăm sóc rừng với các Đơn vị thực hiện Dự án.

2. Trường hợp các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn trước đây không tham gia ký kết hợp đồng trồng, chăm sóc rừng, nay có nguyện vọng được nhận rừng để quản lý bảo vệ và hưởng lợi, các Ban quản lý rừng phòng hộ và UBND các xã có trách nhiệm xem xét, tiến hành giao khoán rừng để người dân được bảo vệ và hưởng lợi theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 5. Hợp đồng giao nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng

1. Hợp đồng giao nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng giữa Ban quản lý rừng phòng hộ, UBND các xã (Bên giao khoán) với các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn (Bên nhận khoán) được áp dụng theo mẫu thống nhất cho tất cả đối tượng tham gia (mẫu Hợp đồng xem Phụ lục 2 kèm theo quy định này).

2. Thời hạn hợp đồng

Thời hạn hợp đồng giao khoán để quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng được thỏa thuận giữa Bên giao khoán và Bên nhận khoán. Tùy theo thực tế của các khu rừng, tình hình quản lý rừng tại các Ban quản lý rừng phòng hộ và UBND các xã để xác định thời hạn hợp đồng cụ thể.

Chương II

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA BÊN GIAO KHOÁN VÀ BÊN NHẬN KHOÁN

Điều 6. Quyền của Bên giao khoán

1. Được khai thác tỉa thưa cây phụ trợ, cây trồng xen trong rừng phòng hộ theo đúng quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 15 và Điều 16; Điều 17 Quyết định số 17/2015/QĐ-TTg (trường hợp Chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ).

2. Được hưởng lợi theo quy định tại Điều 11 của Quy định này.

3. Được Nhà nước bồi thường thiệt hại về rừng khi Nhà nước có quyết định thu hồi rừng.

Điều 7. Nghĩa vụ của Bên giao khoán

1. Có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ theo pháp luật bảo vệ và phát triển rừng và các quy định khác có liên quan đến quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Bảo tồn và phát triển rừng được giao, phải thực hiện tái tạo rừng sau khi khai thác tỉa thưa. Tuân thủ Quy chế khai thác gỗ và lâm sản khác theo Thông tư số 35/2011/TT- BNNPTNT ngày 20/5/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc hướng dẫn thực hiện khai thác, tận dụng gỗ và lâm sản ngoài gỗ.

2. Sử dụng phần lợi ích kinh tế thu được để xây dựng Quỹ bảo vệ và phát triển rừng theo quy định tại Nghị định số 05/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng.

Điều 8. Quyền của Bên nhận khoán

1. Được lấy củi, khai thác tre nứa và các lâm sản ngoài gỗ khác. Khai thác tận thu cây chết, cây sâu bệnh, cây đổ gãy… theo thiết kế khai thác do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt và cấp giấy phép.

2. Được thu hái lâm sản phụ, hoa, quả, dầu, nhựa... trong quá trình quản lý, bảo vệ theo quy định hiện hành.

3. Được hưởng lợi theo quy định tại Điều 11 của Quy định này.

Điều 9. Nghĩa vụ của Bên nhận khoán

1. Quản lý, bảo vệ rừng theo hợp đồng, đúng mục đích, đúng kế hoạch ghi trong hợp đồng khoán và các quy định hiện hành liên quan đến quản lý và bảo vệ rừng. Căn cứ vào tình hình cụ thể Bên giao khoán và Bên nhận khoán ký Hợp đồng (theo mẫu hợp đồng tại Phụ lục đính kèm).

2. Nếu vi phạm hợp đồng gây thiệt hại cho Bên giao khoán thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Chương III

QUY ĐỊNH VỀ KHAI THÁC TỈA THƯA VÀ PHÂN CHIA HƯỞNG LỢI GIÁ TRỊ SẢN PHẨM GIỮA BÊN GIAO KHOÁN VÀ BÊN NHẬN KHOÁN

Điều 10. Quy định về đối tượng rừng trồng phòng hộ Dự án JBIC được phép khai thác tỉa thưa

1. Việc khai thác tỉa thưa cây phụ trợ, khai thác cây trồng chính rừng phòng hộ thực hiện theo quy định tại Thông tư số 35/2011/TT-BNNPTNT ngày 20/5/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc hướng dẫn thực hiện khai thác, tận dụng gỗ và lâm sản ngoài gỗ; Quyết định số 17/2015/QĐ-TTg ngày 09/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý rừng phòng hộ. Quy định cụ thể như sau:

a) Khai thác tỉa thưa cây phụ trợ rừng trồng phòng hộ dự án JBIC

Khi rừng trồng phòng hộ khép tán và đạt tiêu chuẩn phòng hộ thì được phép khai thác tỉa thưa cây phù trợ, nhưng phải đảm bảo mật độ cây trồng chính còn lại ít nhất là 600 cây/ha; độ tàn che ≥ 0,6; nếu cây trồng chính không đủ thì phải để lại cây phù trợ đảm bảo mật độ quy định như đối với cây trồng chính.

b) Khai thác cây trồng chính trong rừng phòng hộ

Khi rừng đạt tiêu chuẩn phòng hộ theo quy định tại Điều 6 Quyết định số 17/2015/QĐ-TTg ngày 09/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý rừng phòng hộ, Chủ rừng được phép khai thác chọn cây trồng chính với cường độ tối đa là 20% nhưng phải đảm bảo độ tàn che của rừng còn lại sau khai thác lớn hơn 0,6. Hình thức khai thác có thể khai thác trắng theo băng, theo đám xen kẽ với tổng diện tích khai thác hàng năm không vượt quá 2/10 diện tích rừng trồng đã đạt tiêu chuẩn phòng hộ và sau khai thác phải trồng lại rừng ngay vụ trồng kế tiếp.

2. Trình tự thủ tục về khai thác tỉa thưa rừng phòng hộ dự án JBIC

Bên giao khoán tự thực hiện hoặc hợp đồng Đơn vị tư vấn lập hồ sơ thiết kế tỉa thưa rừng. Hồ sơ thiết kế gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT để phê duyệt và cấp giấy phép khai thác. Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ nếu chưa hợp lệ cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải thông báo cho chủ rừng biết để bổ sung theo quy định. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan tiếp nhận phê duyệt hồ sơ, cấp giấy phép khai thác và trả kết quả cho chủ rừng. Thời hạn cấp giấy phép khai thác tối đa là 12 tháng kể từ khi ban hành. Thành phần số lượng hồ sơ được thực hiện theo Điều 8, Thông tư số 35/2011/TT-BNNPTNT ngày 20/5/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc hướng dẫn thực hiện khai thác, tận dụng gỗ và lâm sản ngoài gỗ.

3. Sản phẩm g khai thác tỉa thưa: Được thực hiện bán sản phẩm theo đúng quy định hiện hành của nhà nước. Số tiền thu được sẽ được phân chia cho các bên giao khoán, nhận khoán theo quy định tại Điều 11 của bản Quy định này.

Điều 11. Quy định về phân chia hưởng lợi giữa Bên giao khoán và Bên nhận khoán

1. Khai thác tỉa thưa từ cây phụ trợ trên đối tượng rừng trồng

a) Trường hợp Bên nhận khoán được Bên giao khoán khoán rừng để quản lý, bảo vệ (từ ngay sau giai đoạn đầu tư đến thời điểm khai thác tỉa thưa rừng) thì Bên nhận khoán được hưởng 100% số tiền bán sản phẩm thu được (số tiền thu được sau khi nộp thuế và trừ các chi phí thiết kế, khai thác, vận chuyển, chi phí quản lý).

b) Trường hợp trước đây người dân tham gia trồng rừng và chăm sóc rừng (theo hợp đồng ký kết với các Đơn vị thực hiện dự án) nhưng chưa tham gia nhận khoán để quản lý, bảo vệ sau giai đoạn đầu tư thì được ưu tiên xem xét để tiếp tục giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho đến khi rừng phòng hộ được phép khai thác tỉa thưa. Trường hợp này khi khai thác tỉa thưa cây phụ trợ, bên nhận khoán được hưởng lợi như sau: Giá trị sản phẩm sau khi nộp thuế và trừ các chi phí thiết kế, khai thác tỉa thưa, vận chuyển, chi phí quản lý được chia đều cho các năm thực hiện quản lý bảo vệ (tính từ năm rừng hết giai đoạn đầu tư cho đến năm khai thác tỉa thưa). Bên nhận khoán bắt đầu thực hiện quản lý bảo vệ từ năm nào thì được hưởng lợi từ năm đó. Số tiền trong thời gian chưa thực hiện giao khoán, Bên giao khoán thu hồi và nộp vào ngân sách Nhà nước theo đúng quy định hiện hành.

Phương pháp tính giá trị sản phẩm gỗ được hưởng lợi khi khai thác tỉa thưa cây phụ trợ được phân chia giữa Bên giao khoán và Bên nhận khoán theo Phụ lục 1 đính kèm Quy định này.

2. Khai thác cây trồng chính (cây bản địa)

Rừng trồng sau khi đến thời gian khai thác, được các cấp có thẩm quyền cho phép khai thác theo quy định hiện hành của Nhà nước. Giá trị sản phẩm sau khi nộp thuế và trừ các chi phí thiết kế, khai thác, vận chuyển, chi phí quản lý được phân chia như sau:

- Bên nhận khoán: Hưởng 90% giá trị sản phẩm

- Bên giao khoán: Hưởng 5% giá trị sản phẩm

- UBND cấp xã (nơi có rừng): Hưởng 5% giá trị sản phẩm

3. Sản phẩm cây trồng xen, cây lâm sản ngoài gỗ trồng dưới tán rừng

- Bên nhận khoán tự bỏ vốn để trồng cây trồng xen, trồng cây lâm sản ngoài gỗ, cây dưới tán rừng thì Bên nhận khoán được hưởng 100% giá trị sản phẩm.

- Bên giao khoán được phép sử dụng hoặc cho phép người dân sống gần rừng thu hoạch các sản phẩm ngoài gỗ trên nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trường phát triển và chất lượng của rừng.

4. Đối với các khu rừng chưa có các đối tượng tham gia nhận khoán quản lý, bảo vệ: Các chủ rừng (Ban quản lý rừng phòng hộ/UBND các xã) có trách nhiệm tổ chức quản lý, bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Các sản phẩm từ khai thác tỉa thưa, khai thác cây trồng chính, lâm sản ngoài gỗ, lâm sản dưới tán rừng sau khi trừ các chi phí thì Chủ rừng được hưởng 100% giá trị sản phẩm.

Chương IV

QUẢN LÝ TÀI CHÍNH

Điều 12. Quy định về quản lý giá trị giá trị sản phẩm thu được từ khai thác tỉa thưa rừng phòng hộ dự án JBIC

1. Số tiền thu được từ bán sản phẩm gỗ tỉa thưa rừng, khai thác cây trồng chính các Ban quản lý rừng phòng hộ và UBND các xã có trách nhiệm nộp vào tài khoản tạm giữ của đơn vị.

2. Sau khi hoàn thành việc khai thác, bán sản phẩm, các Ban quản lý rừng phòng hộ và UBND các xã trình UBND tỉnh quyết định phương án sử dụng số tiền thu được theo đúng quy định hưởng lợi được ban hành tại Quyết định này.

3. Các Ban quản lý rừng phòng hộ và UBND các xã có trách nhiệm chi trả đầy đủ số tiền cho Bên nhận khoán được hưởng theo quy định hiện hành.

4. Số tiền các Ban quản lý rừng phòng hộ và UBND các xã được hưởng được coi là nguồn thu của đơn vị. Việc quản lý, sử dụng nguồn thu này thực hiện theo đúng các quy định của Nhà nước.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và PTNT

Chỉ đạo các Ban quản lý rừng phòng hộ, UBND các xã quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ dự án JBIC sau giai đoạn đầu tư tiến hành rà soát lại hồ sơ, diện tích rừng dự án JBIC đang quản lý để xem xét, giao khoán lại cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn trong vùng dự án tiếp tục quản lý, bảo vệ và hưởng lợi theo đúng chính sách hưởng lợi của dự án.

Kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện Quy định này ở các Ban quản lý rừng phòng hộ và địa phương.

Thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật; Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và các quy định hiện hành.

Điều 14. Trách nhiệm của UBND các huyện

Chỉ đạo UBND các xã giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn tại địa phương theo quy định.

Điều 15. Trách nhiệm của UBND các xã và các Ban quản lý rừng phòng hộ

Phổ biến Quyết định 109/2008/QĐ-BNN ngày 11 tháng 11 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy chế hưởng lợi áp dụng đối với rừng trồng phòng hộ vay vốn của Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật bản (JBIC) và nội dung của Quy định này.

Tiến hành hợp đồng giao khoán quản lý, bảo vệ rừng đối với những diện tích rừng Dự án JBIC đang quản lý cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn tại địa phương tiếp tục quản lý bảo vệ và hưởng lợi theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn tại Quy định này.

 

PHỤ LỤC SỐ I

PHƯƠNG PHÁP TÍNH GIÁ TRỊ SẢN PHẨM GỖ KHI KHAI THÁC TỈA THƯA CÂY PHỤ TRỢ ĐƯỢC PHÂN CHIA GIỮA BÊN GIAO KHOÁN VÀ BÊN NHẬN KHOÁN CỦA DỰ ÁN TRỒNG RỪNG PHÒNG HỘ ĐẦU NGUỒN LƯU VỰC SÔNG THẠCH HÃN, TỈNH QUẢNG TRỊ, VỐN VAY NGÂN HÀNG HỢP TÁC QUỐC TẾ NHẬT BẢN (JBIC)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 24/2016/QĐ-UBND ngày 28 tháng 6 năm 2016 của UBND tỉnh Quảng Trị)

Giá trị của sản phẩm gỗ khai thác tỉa thưa rừng sau khi trừ các khoản thuế, chi phí thiết kế, khai thác tỉa thưa, vận chuyển, chi phí quản lý (gọi chung là các chi phí) được chia đều bình quân cho các năm đã được quản lý, bảo vệ; số năm để tính cho công tác quản lý, bảo vệ sau giai đoạn đầu tư được xác định từ năm 2009 đến thời điểm rừng của dự án được khai thác tỉa thưa, phân chia như sau:

1) Đối với Bên giao khoán (Ban Quản lý rừng phòng hộ và UBND các xã): Giá trị của sản phẩm gỗ khai thác tỉa thưa sau khi trừ các chi phí được tính từ thời điểm từ năm 2009 đến thời điểm giao khoán lại cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn tham gia quản lý, bảo vệ. Giá trị này được tính theo công thức: Ggk= Gbqn x Ngk

Trong đó:

+ Ggk: Là giá trị của sản phẩm gỗ khai thác tỉa thưa rừng sau khi trừ các chi phí của Bên giao khoán.

+ Ngk: Là số năm quản lý, bảo vệ được tính từ thời điểm năm 2009 đến thời điểm giao khoán lại cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn tham gia quản lý, bảo vệ.

+ Gbqn: Là giá trị bình quân năm của sản phẩm gỗ khai thác tỉa thưa rừng sau khi trừ các chi phí được tính từ thời điểm năm 2009 đến thời điểm rừng được tỉa thưa, nuôi dưỡng.

Gbqn = G/N

+ G: Là tổng giá trị của sản phẩm gỗ khai thác tỉa thưa sau khi trừ các chi phí.

+ N: Là số năm quản lý bảo vệ được tính từ thời điểm năm 2009 đến thời điểm rừng được khai thác tỉa thưa.

2) Đối với Bên nhận khoán (các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn): Giá trị của sản phẩm gỗ khai thác tỉa thưa sau khi trừ các chi phí được hưởng lợi tính từ thời điểm các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn tham gia quản lý, bảo vệ đến thời điểm rừng phòng hộ được khai thác tỉa thưa. Giá trị này được tính theo công thức:

Gnk = Gbqn x Nnk

Trong đó:

+ Gnk: Là giá trị của sản phẩm gỗ khai thác tỉa thưa rừng sau khi trừ các chi phí của Bên nhận khoán.

+ Nnk: Là số năm quản lý, bảo vệ được tính từ thời điểm Bên nhận khoán hợp đồng nhận khoán quản lý, bảo vệ đến thời điểm rừng được khai thác tỉa thưa.

 

PHỤ LỤC SỐ II

MẪU HỢP ĐỒNG GIAO NHẬN KHOÁN QUẢN LÝ, BẢO VỆ RỪNG GIỮA TỔ CHỨC CÓ RỪNG DỰ ÁN JBIC VÀ CÁC TỔ CHỨC, HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN VÀ CỘNG ĐỒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 24/2016/QĐ-UBND ngày 28 tháng 6 năm 2016 của UBND tỉnh Quảng Trị)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

-------------

HỢP ĐỒNG GIAO NHẬN KHOÁN QUẢN LÝ BẢO VỆ RỪNG

Số:....../........./HĐKBVR-JBIC

Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng số 29/2004/QH11 ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật bảo vệ và phát triển rừng;

Căn cứ Quyết định số 109/2008/QĐ-BNN ngày 11 tháng 11 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Quy chế hưởng lợi áp dụng đối với Dự án trồng rừng phòng hộ đầu nguồn vốn vay Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (Dự án JBIC);

Căn cứ Quyết định số 2450/2008/QĐ-UBND ngày 18 tháng 12 năm 2008 của UBND tỉnh Quảng Trị về việc phê duyệt kết quả nghiệm thu hoàn thành lâm sinh, bàn giao rừng thuộc dự án trồng rừng phòng hộ đầu nguồn sông Thạch Hãn;

Căn cứ Quyết định số 24/2016/QĐ-UBND ngày 28 tháng 6 năm 2016 của UBND tỉnh Quảng Trị về việc ban hành Quy định về giao khoán quản lý, bảo vệ, khai thác tỉa thưa rừng trồng phòng hộ và hưởng lợi của Dự án trồng rừng phòng hộ đầu nguồn lưu vực sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị, vốn vay Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC);

Căn cứ vào Đơn xin nhận khoán quản lý bảo vệ và hưởng lợi rừng phòng hộ Dự án JBIC của Bên nhận khoán; Kế hoạch quản lý, bảo vệ và Hồ sơ thiết kế bảo vệ rừng phòng hộ Dự án JBIC đã được được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hôm nay, ngày...tháng....năm........, tại.................. chúng tôi gồm có:

1. Bên A (Tên của Bên giao khoán):......................................................

Do ông (bà).....…………………..………...............................................

Chức vụ ………………………… làm đại diện

Địa chỉ …………………………...............................................................

Điện thoại ……………… Fax ………… Email …………….

Tài khoản:.....................tại Ngân hàng......................................................

2. Bên B (Tên của Bên nhận khoán):....................................................

Do ông (bà) ……………………..………..................................................

Chức vụ ………………………… làm đại diện

Địa chỉ ………………………....................................................................

Điện thoại ……………… Fax …………... Email ………………………

Giấy CMND số:..................cấp ngày............... tại:.....................................

Tài khoản:...............................tại Ngân hàng..............................................

Hai bên cùng nhau thống nhất thỏa thuận ký kết hợp đồng khoán quản lý bảo vệ và hưởng lợi rừng phòng hộ Dự án JBIC sau giai đoạn đầu tư với các điều khoản như sau:

Điều 1. Nội dung hợp đồng

Bên A giao cho Bên B quản lý bảo vệ rừng với diện tích và địa điểm như sau:

1. Diện tích:..... ha; trạng thái rừng:…….....................................................

2. Địa điểm:

Tại lô...... khoảnh.......tiểu khu........xã………........huyện…………….....

3. Vị trí, ranh giới và đặc điểm khu rừng: Có hồ sơ thiết kế và bản đồ kèm theo.

Điều 2. Thời hạn của hợp đồng khoán quản lý và bảo vệ rừng.

Thời hạn nhận khoán quản lý bảo vệ rừng là... năm, kể từ ngày...tháng.... năm ... đến ngày... Tháng... năm...

Hợp đồng sẽ được tiếp tục gia hạn khi thời hạn trên kết thúc nếu trong thời gian thực hiện hợp đồng Bên B tuân thủ nghiêm túc mọi điều khoản của hợp đồng và mong muốn được gia hạn hợp đồng được Bên A chấp thuận.

Điều 3. Quyền của Bên A

- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện nội dung hợp đồng của Bên B;

- Không nghiệm thu, thanh toán khối lượng/diện tích quản lý bảo vệ rừng không đạt chất lượng theo yêu cầu trong hợp đồng;

- Chấm dứt hợp đồng giao khoán theo quy định nếu Bên B vi phạm;

- Yêu cầu Bên B bồi thường thiệt hại trong quá trình quản lý, bảo vệ do Bên B gây ra.

Điều 5. Nghĩa vụ của Bên A

- Cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật về quản lý bảo vệ và phát triển rừng JBIC cho Bên B;

- Liên hệ với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc cho phép thu hoạch và khai thác các lâm sản từ rừng theo đúng các quy định hiện hành và quy chế về quản lý rừng phòng hộ;

- Bàn giao Hồ sơ, thực địa đối với khu rừng quản lý bảo vệ cho Bên B;

- Cử cán bộ kiểm tra, giám sát, đôn đốc Bên B trong suốt quá trình thực hin;

- Kiểm tra, giám sát, tổ chức nghiệm thu toàn bộ diện tích quản lý bảo vệ rừng theo quy định.

Điều 6. Quyền của Bên B

- Được hưởng lợi từ giá trị sản phẩm khai thác, tỉa thưa rừng phòng hộ Dự án JBIC theo Quyết định số 24/2016/QĐ-UBND ngày 28 tháng 6 năm 2016 của UBND tỉnh Quảng Trị về việc ban hành Quy định giao khoán quản lý, bảo vệ, khai thác tỉa thưa rừng trồng phòng hộ và hưởng lợi của Dự án trồng rừng phòng hộ đầu nguồn lưu vực sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị, vốn vay Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC);

- Được thu hái các lâm sản ngoài gỗ như hoa, quả, dầu, nhựa thông, song mây, mật ong… trong quá trình quản lý và bảo vệ rừng theo quy chế quản lý rừng phòng hộ; các quy định hiện hành và các hướng dẫn của Bên A;

- Được khai thác cây gỗ chết khô, lấy củi trong rừng JBIC nhưng không làm hư hại rừng theo quy chế quản lý rừng phòng hộ; các quy định hiện hành và các hướng dẫn của Bên A;

- Được khai thác tre nứa theo quy chế quản lý rừng phòng hộ; các quy định hiện hành và các hướng dẫn của Bên A;

- Từ chối thực hiện những công việc không hợp lý ngoài nội dung hợp đồng và những yêu cầu trái pháp luật của Bên A;

- Được Bên A hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật.

Điều 7. Nghĩa vụ của bên B

- Thực hiện đúng khối lượng, tiến độ đã ký trong hợp đồng;

- Chịu sự kiểm tra, giám sát, đôn đốc của Bên A trong suốt quá trình thực hiện;

- Thực hiện đúng nội dung, quy trình quy phạm, kỹ thuật bảo vệ rừng theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt. Chấp hành các quy định về PCCCR;

- Phải thường xuyên tuần tra, kiểm tra ngăn chặn các hành vi gây thiệt hại đến tài nguyên rừng;

- Quản lý bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng Dự án JBIC theo đúng hướng dẫn của Bên A; theo quy chế quản lý rừng phòng hộ và các quy định hiện hành liên quan đến quản lý và bảo vệ rừng. Chịu trách nhiệm trước Bên A về vốn rừng được giao quản lý bảo vệ; bảo toàn vốn rừng và phát triển rừng bền vững;

- Theo dõi giám sát sự thiệt hại, sự phá hoại, sự phát triển và sử dụng rừng JBIC không đúng mục đích do các nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan và báo cáo kịp thời lên các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và Bên A;

- Có trách nhiệm tiếp tục quản lý, bảo vệ, phục hồi và xây dựng lại vốn rừng để rừng trồng của Dự án JBIC phát triển bền vững, phát huy tốt chức năng phòng hộ.

Điều 8. Sửa đổi hợp đồng

- Bất cứ sự thay đổi và điều chỉnh nào của hợp đồng này phải được sự thỏa thuận đồng ý bằng văn bản giữa các bên;

- Mọi sự thay đổi và điều chỉnh sẽ có hiệu lực thông qua việc ký hợp đồng sửa đổi hoặc biên bản ghi nhớ (phụ lục hợp đồng).

Điều 9. Chấm dứt hợp đồng

Hợp đồng có thể bị chấm dứt trong các trường hợp sau:

- Khi thời hạn hợp đồng chấm dứt và Bên B không muốn kéo dài hợp đồng;

- Khi Bên B yêu cầu Bên A chấm dứt hợp đồng. Bên B sẽ phải thông báo cho Bên A bằng văn bản về đề nghị chấm dứt hợp đồng ít nhất trước 6 tháng;

- Khi Bên B không đủ khả năng thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ ghi trong hợp đồng;

- Khi Bên B không tuân thủ nghiêm túc các hướng dẫn của Bên A về quản lý và bảo vệ rừng phòng hộ;

- Hoặc các trường hợp khác do pháp luật quy định.

Trong trường hợp hợp đồng bị chấm dứt vì các lý do nêu trên, Bên A sẽ phải thông báo cho Bên B bằng văn bản ít nhất 6 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng.

Điều 10. Giải quyết tranh chấp

Hai bên cam kết giải quyết hoặc làm sáng tỏ mọi tranh chấp phát sinh trong hoặc ngoài quá trình thực hiện hợp đồng thông qua thương lượng. Trong trường hợp tranh chấp không thể giải quyết thông qua thương lượng thì vụ việc sẽ được giải quyết theo pháp luật và các quy định hiện hành.

Điều 11. Hiệu lực của hợp đồng

Hợp đồng này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Hợp đồng được lập thành... bản có giá trị pháp lý như nhau, mỗi bên giữ 01 bản và các bản còn lại được gửi đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền liên quan theo quy định của pháp luật.

Các bên có mặt tại đây thống nhất ký vào bản hợp đồng này.

 

ĐẠI DIỆN BÊN A
Ký tên
Ghi rõ họ tên và đóng dấu

ĐẠI DIỆN BÊN B
Ký tên
Ghi rõ họ tên và đóng dấu (nếu có)