Quyết định 11/2016/QĐ-UBND Quy định quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu
Số hiệu: 11/2016/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bạc Liêu Người ký: Lê Minh Chiến
Ngày ban hành: 22/06/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài nguyên, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/2016/QĐ-UBND

Bạc Liêu, ngày 22 tháng 6 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước;

Căn cứ Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT ngày 30 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc đăng ký khai thác nước dưới đất, mẫu hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép tài nguyên nước;

Căn cứ Thông tư số 40/2014/TT-BTNMT ngày 11 tháng 7 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 115/TTr-STNMT ngày 19 tháng 4 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu tổ chức triển khai thực hiện nội dung Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ quyết định thi hành.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký và bãi bỏ Quyết định số 15/2008/QĐ-UBND ngày 05 tháng 6 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 

 

TM. UBND TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Minh Chiến

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 11/2016/QĐ-UBND ngày 22 tháng 6 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Quy định này quy định các hoạt động về quản lý, bảo vệ, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất (gọi chung là hoạt động tài nguyên nước); áp dụng đối với cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân trong nước và các tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân) có liên quan đến hoạt động tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Điều 2. Các loại giấy phép về tài nguyên nước

1. Giấy phép thăm dò nước dưới đất.

2. Giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất.

3. Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt.

4. Giấy phép khai thác, sử dụng nước biển.

5. Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước.

6. Giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất.

Chương II

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HOẠT ĐỘNG TÀI NGUYÊN NƯỚC

Điều 3. Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm

1. Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu theo các quy định pháp luật; lập quy hoạch, kế hoạch quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất; thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật tài nguyên nước về sử dụng bể, hồ chứa nước mưa, sử dụng nguồn nước kết hợp giữa nước mặt, nước mưa và nước dưới đất; kiểm tra, thanh tra hoạt động tài nguyên nước nhằm bảo vệ, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên nước phục vụ đời sống sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của nhân dân và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch điều hòa, phân phối tài nguyên nước; xây dựng chương trình, kế hoạch cải tạo các dòng sông, phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm, cạn kiệt đối với các lưu vực sông nội tỉnh; chỉ đạo việc ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn và phối hợp chặt chẽ với các địa bàn có chung nguồn nước trong việc ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước; thẩm định, công bố dòng chảy tối thiểu trong sông đối với nguồn nước nội tỉnh; xây dựng, duy trì hệ thống giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước đối với lưu vực sông nội tỉnh; chủ trì, giải quyết các vấn đề phát sinh trong việc phối hợp thực hiện của các cơ quan, đơn vị tham gia điều phối, giám sát đối với lưu vực sông nội tỉnh.

3. Tổ chức điều tra hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; đồng thời, tổng hợp kết quả điều tra hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên các lưu vực sông nội tỉnh báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

4. Khoanh định, công bố khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất

- Tổ chức thực hiện việc điều tra, đánh giá, xác định khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất; lập danh mục khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt sau khi có ý kiến của Cục Quản lý tài nguyên nước.

- Tổ chức công bố danh mục khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất đã được phê duyệt trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương, thông báo Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu và các xã, phường, thị trấn nơi có khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất.

- Định kỳ năm (05) năm một lần hoặc khi cần thiết, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định việc điều chỉnh danh mục khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất.

5. Hàng năm, xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước và những nhiệm vụ cụ thể được Ủy ban nhân dân tỉnh phân cấp cho Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu và các xã, phường, thị trấn về hoạt động tài nguyên nước.

6. Tiếp nhận, lưu trữ hồ sơ, tổ chức thẩm định, lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị có liên quan, xem xét cấp, gia hạn, thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung, đình chỉ hiệu lực và thu hồi giấy phép các trường hợp thuộc đối tượng cấp phép trong hoạt động tài nguyên nước theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh.

7. Thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan theo quy định của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 4. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu chịu trách nhiệm

1. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu theo quy định của pháp luật và của Ủy ban nhân dân tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác quản lý quy hoạch, quản lý thông tin về tài nguyên nước nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

2. Phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện các biện pháp, giải pháp nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên nước; phòng chống và khắc phục ô nhiễm do quá trình khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước gây ra, kết hợp với việc bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn.

3. Phối hợp thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các trường hợp vi phạm trong hoạt động tài nguyên nước trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

4. Tuyên truyền, phổ biến và giám sát việc thi hành pháp luật về tài nguyên nước của cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

Điều 5. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm

1. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật và của Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Thực hiện sự chỉ đạo và hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu, Phòng Tài nguyên và Môi trường trong công tác quản lý về hoạt động tài nguyên nước, quản lý chặt chẽ các cơ sở thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất của các tổ chức, cá nhân trong diện phải đăng ký cấp phép; xây dựng và thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ nguồn nước; phòng chống, khắc phục ô nhiễm do quá trình khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước gây ra, kết hợp với việc bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên khác trên địa bàn.

3. Xem xét xác nhận hồ sơ đăng ký của tổ chức, cá nhân xin khoan nước dưới đất trong diện phải đăng ký để làm cơ sở cho cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cấp giấy phép; phối hợp trong việc trám lấp giếng nước hư không còn sử dụng; thực hiện công tác hòa giải, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo về tài nguyên nước; phối hợp với các sở, ngành, đơn vị chức năng có liên quan thanh tra, kiểm tra tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về hoạt động tài nguyên nước; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Thẩm quyền cấp, gia hạn, điều chỉnh nội dung, đình chỉ hiệu lực, thu hồi giấy phép hoạt động tài nguyên nước

Ủy ban nhân dân tỉnh cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh nội dung, đình chỉ hiệu lực và thu hồi giấy phép tài nguyên nước và hành nghề khoan nước dưới đất trong các trường hợp sau:

1. Thăm dò, khai thác nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, với quy mô từ 10m3/ngày đêm đến dưới 3.000m3/ngày đêm;

2. Khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản từ 0,1m3/s đến dưới 02m3/s;

3. Khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện, với công suất lắp máy từ 50kw đến dưới 2.000kw;

4. Khai thác, sử dụng nước mặt cho các mục đích kinh doanh, dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp từ 100m3/ngày đêm đến dưới 50.000m3/ngày đêm;

5. Khai thác, sử dụng nước biển phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên đất liền, với quy mô từ 10.000m3/ngày đêm đến dưới 100.000 m3/ngày đêm;

6. Xả nước thải với lưu lượng từ 10.000m3/ngày đêm đến dưới 30.000 m3/ngày đêm đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản;

7. Xả nước thải với lưu lượng từ 05m3/ngày đêm đến dưới 3.000m3/ngày đêm đối với hoạt động khác;

8. Xả nước thải với lưu lượng dưới 05m3/ngày đêm trong các lĩnh vực sau đây:

a) Dệt nhuộm; may mặc có công đoạn nhuộm, in hoa; giặt là công đoạn giặt tẩy;

b) Xử lý, tái chế chất thải công nghiệp; thuộc da, tái chế da;

c) Chế biến khoáng sản có sử dụng hóa chất; lọc hóa dầu, chế biến sản phẩm dầu mỏ;

d) Sản xuất giấy và bột giấy; nhựa, cao su, chất tẩy rửa, phụ gia, phân bón, hóa chất, dược phẩm, đông dược, hóa mỹ phẩm, thuốc bảo vệ thực vật; pin, ắc quy; mây tre đan, chế biến gỗ có ngâm tẩm hóa chất; chế biến tinh bột sắn, bột ngọt;

đ) Khám chữa bệnh có phát sinh nước thải y tế;

e) Thực hiện thí nghiệm có sử dụng hóa chất, chất phóng xạ.

9. Hành nghề khoan nước dưới đất quy mô nhỏ: Hành nghề khoan và lắp đặt các giếng khoan nước dưới đất có đường kính ống chống hoặc ống vách nhỏ hơn 110mm và thuộc công trình có lưu lượng nhỏ hơn 200m3/ngày đêm.

10. Hành nghề khoan nước dưới đất quy mô vừa: Hành nghề khoan và lắp đặt các giếng khoan nước dưới đất có đường kính ống chống hoặc ống vách nhỏ hơn 250mm và thuộc công trình có lưu lượng từ 200m3/ngày đêm đến dưới 3.000 m3/ngày đêm.

Điều 7. Đối với các khu vực dự án đầu tư nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp tập trung (có quy mô từ 02ha trở lên) thì mỗi 02ha được khoan 01 giếng nước dưới đất; các mô hình nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp không tập trung thì mỗi 01ha được khoan 01 giếng nước dưới đất; các mô hình sản xuất rau màu có diện tích từ 2.000m2 trở lên được khoan 01 giếng nước dưới đất; các loại hình sản xuất rau màu còn lại nếu có nhu cầu khoan giếng nước dưới đất thì liên hệ cơ quan có thẩm quyền để xem xét, giải quyết.

Điều 8. Đối với những nơi có hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung đi qua (kể cả của nhà nước và tư nhân đầu tư), các khu chung cư thực hiện theo chương trình, dự án đã đảm bảo có đủ nước sạch phục vụ cho sinh hoạt, kinh doanh, dịch vụ thì không được khoan nước dưới đất; khu vực chôn lấp, xử lý chất thải tập trung, kho chưa phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nghĩa trang, nghĩa địa,… phải đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường theo đúng quy định (Quy định tại QCVN:01/2008/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng); trong trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh, những cơ sở kinh tế quan trọng, cơ sở tôn giáo, dân tộc, bệnh viện, trường học,… có nhu cầu khoan giếng nước dưới đất phải có văn bản gửi cơ quan chức năng xem xét, kiểm tra thực tế và chỉ được triển khai thực hiện khi được sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 9. Đối với tổ chức, hộ gia đình và cá nhân khai thác nước dưới đất phục vụ sinh hoạt nằm trong quy định không phải xin phép nhưng khoan trong khu vực nội ô thành phố, thị xã, thị trấn (chưa có hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung) phải làm đơn đăng ký với Ủy ban nhân dân thành phố, thị xã, thị trấn và chuyển về Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định; các cơ sở hành nghề khoan nước dưới đất không được khoan giếng khi tổ chức, hộ gia đình và cá nhân chưa đăng ký với chính quyền địa phương; tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có nhu cầu khoan nước dưới đất phải có hợp đồng cụ thể với chủ giàn khoan đã có giấy phép hành nghề khoan giếng.

Điều 10. Đối với tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân vùng nông thôn (nơi chưa có hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung) muốn khoan giếng khai thác, sử dụng nước dưới đất phải đăng ký với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và phải được xác nhận của Phòng Tài nguyên và Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường có mẫu hướng dẫn đăng ký cụ thể).

Điều 11. Tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong tỉnh có giếng hư hỏng phải tiến hành xử lý trám lấp để bảo vệ nguồn nước; Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu phối hợp và chính quyền địa phương tổ chức hướng dẫn thực hiện việc trám lấp theo quy định tại Quyết định số 14/2007/QĐ-BTNMT ngày 04 tháng 9 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về xử lý trám lấp giếng hư không còn sử dụng.

Điều 12. Chế độ báo cáo

Định kỳ, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu chịu trách nhiệm báo cáo tình hình quản lý hoạt động tài nguyên nước về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 10 tháng cuối của quý; Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm tổng hợp và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15 của tháng cuối quý.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh thực hiện chế độ thu phí và lệ phí trong lĩnh vực cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 14. Căn cứ nội dung Quy định này, Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn theo chức năng và nhiệm vụ có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện và kiểm tra việc thực hiện Quy định này.

Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc thì phản ánh kịp thời về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo và trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

- Điều này bị bãi bỏ bởi Điều 2 Quyết định 03/2020/QĐ-UBND

Điều 2. Bãi bỏ Điều 7 của Quy định quản lý tài nguyên nước ban hành kèm theo Quyết định số 11/2016/QĐ-UBND ngày 22 tháng 6 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu.

Xem nội dung VB
- Điều này được sửa đổi bởi Điều 1 Quyết định 03/2020/QĐ-UBND

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định quản lý tài nguyên nước ban hành kèm theo Quyết định số 11/2016/QĐ-UBND ngày 22 tháng 6 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu, cụ thể như sau:

Điều 11 được sửa đổi như sau:

“Điều 11. Tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong tỉnh có giếng hư hỏng phải tiến hành xử lý trám lấp để bảo vệ nguồn nước; Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức hướng dẫn thực hiện việc trám lấp theo quy định tại Thông tư số 72/2017/TT-BTNMT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về việc xử lý, trám lấp giếng không sử dụng”.

Xem nội dung VB




Thông tư 40/2014/TT-BTNMT về hành nghề khoan nước dưới đất Ban hành: 11/07/2014 | Cập nhật: 24/07/2014

Nghị định 201/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật tài nguyên nước Ban hành: 27/11/2013 | Cập nhật: 02/12/2013