Quyết định 14/2007/QĐ-BTNMT Quy định về việc xử lý, trám lấp giếng không sử dụng
Số hiệu: | 14/2007/QĐ-BTNMT | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Bộ Tài nguyên và Môi trường | Người ký: | Nguyễn Công Thành |
Ngày ban hành: | 04/09/2007 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | 14/09/2007 | Số công báo: | Từ số 670 đến số 671 |
Lĩnh vực: | Tài nguyên, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/2007/QĐ-BTNMT |
Hà Nội, ngày 04 tháng 09 năm 2007 |
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ VIỆC XỬ LÝ, TRÁM LẤP GIẾNG KHÔNG SỬ DỤNG
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 20 tháng 5 năm 1998;
Căn cứ Nghị định số 91/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước và Vụ trưởng Vụ Pháp chế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về việc xử lý, trám lấp giếng không sử dụng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Giám đốc các Sở Tài nguyên và Môi trường, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Như Điều 3; - Văn phòng Chính phủ; - Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp; - Công báo; - Website Chính phủ; - Lưu VT, TNN, PC. |
KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Công Thành |
VỀ VIỆC XỬ LÝ, TRÁM LẤP GIẾNG KHÔNG SỬ DỤNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 14/2007/QĐ-BTNMT ngày 4 tháng 9 năm 2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường)
1. Quy định này quy định việc xử lý, trám lấp; trình tự, thủ tục và yêu cầu kỹ thuật xử lý, trám lấp các loại giếng khoan, lỗ khoan (sau đây gọi chung là giếng khoan) trong các hoạt động nghiên cứu, điều tra, đánh giá, thăm dò, khai thác, quan trắc nước dưới đất; nghiên cứu, điều tra, khảo sát, thăm dò địa chất và khoáng sản; nghiên cứu, khảo sát địa chất công trình; hoạt động tháo khô mỏ, hố móng và các loại giếng đào khai thác nước dưới đất.
2. Việc xử lý, trám lấp các loại giếng khoan tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và các giếng khoan địa nhiệt không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy định này.
Quy định này áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước, các cơ quan có liên quan; các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân) có hoạt động hành nghề khoan hoặc liên quan đến việc khoan, đào giếng trên lãnh thổ Việt Nam.
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Giếng khoan nước dưới đất là giếng khoan sử dụng cho các mục đích thăm dò, khai thác, quan trắc nước dưới đất; điều tra, đánh giá, nghiên cứu nguồn nước dưới đất, tháo khô mỏ, hố móng.
2. Giếng khoan khác là giếng khoan không quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Chủ giếng là tổ chức, cá nhân hoặc hộ gia đình trực tiếp thực hiện các hoạt động sau:
a) Khai thác nước đối với giếng khoan, giếng đào (sau đây gọi chung là giếng) khai thác nước dưới đất;
b) Quản lý, vận hành giếng khoan quan trắc nước dưới đất;
c) Đầu tư để thăm dò đối với giếng khoan thăm dò nước dưới đất;
d) Đầu tư để thăm dò, khai thác mỏ, xây dựng công trình đối với trường hợp giếng tháo khô mỏ, hố móng;
đ) Đầu tư để thực hiện các đề tài, đề án, dự án, nhiệm vụ (sau đây gọi chung là dự án) hoặc thực hiện dự án do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao mà trong đó có việc khoan giếng;
e) Hành nghề khoan, hành nghề khoan nước dưới đất đối với giếng khoan bị sự cố, gây ra sự cố trong quá trình khoan mà không thể khắc phục được; phải ngừng khoan do thay đổi vị trí hoặc vì các lý do khác.
4. Giếng không có chủ là giếng khoan, giếng đào đang tồn tại trên thực tế nhưng không xác định được tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nào là chủ của giếng đó.
Điều 4. Các loại giếng phải trám lấp
Giếng phải trám lấp trong các trường hợp sau:
1. Giếng khai thác nước dưới đất:
a) Giếng có thể tiếp tục khai thác, nhưng không có nhu cầu tiếp tục khai thác, sử dụng nước và không có nhu cầu, kế hoạch sử dụng cho các mục đích khác;
b) Giếng nằm trong phạm vi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng mà không có nhu cầu, kế hoạch tiếp tục sử dụng hoặc giữ lại để sử dụng cho các mục đích khác;
c) Giếng không khai thác trong thời gian liên tục từ một (01) năm trở lên mà không có biện pháp bảo vệ giếng hoặc không có nhu cầu, kế hoạch sử dụng;
d) Giếng bị hư hỏng không khắc phục được; giếng bị suy giảm lưu lượng, mực nước không thể tiếp tục khai thác, chất lượng nước không đáp ứng yêu cầu sử dụng và không có nhu cầu, kế hoạch sử dụng cho các mục đích khác.
2. Giếng khoan thăm dò nước dưới đất đã hoàn thành nhiệm vụ và không sử dụng để khai thác, quan trắc nước dưới đất hoặc không có nhu cầu, kế hoạch sử dụng cho các mục đích khác;
3. Giếng khoan quan trắc đã hoàn thành nhiệm vụ; bị hư hỏng không thể khắc phục được; phải thay đổi vị trí; hoặc vì các lý do khác mà không thể tiếp tục quan trắc;
4. Giếng khoan thuộc các dự án nghiên cứu, điều tra, đánh giá nước dưới đất đã hoàn thành nhiệm vụ và không có nhu cầu, kế hoạch sử dụng cho các mục đích khác;
5. Giếng sử dụng để tháo khô mỏ, hố móng đã hoàn thành nhiệm vụ hoặc bị hư hỏng không thể tiếp tục sử dụng;
6. Giếng khoan thuộc các dự án nghiên cứu, điều tra, tìm kiếm, thăm dò địa chất và khoáng sản, khảo sát địa chất công trình đã hoàn thành nhiệm vụ và không có nhu cầu, kế hoạch sử dụng cho các mục đích khác;
7. Các trường hợp khác:
a) Giếng khoan gây sự cố sụt lún đất, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến số lượng, chất lượng nước dưới đất hoặc gây sự cố bất thường khác ảnh hưởng đến công trình xây dựng và đời sống những người trong khu vực lân cận giếng khoan;
b) Giếng khoan bị sự cố trong quá trình khoan và không thể khắc phục được hoặc giếng khoan chưa hoàn thành nhưng buộc phải thay đổi vị trí khoan;
c) Giếng khoan do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định trám lấp theo quy định của pháp luật; giếng đang tồn tại trên thực tế nhưng không được sử dụng hoặc không có nhu cầu, kế hoạch sử dụng vào bất kỳ mục đích nào.
Điều 5. Nguyên tắc xử lý, trám lấp giếng
1. Giếng khoan, giếng đào quy định tại Điều 4 của Quy định này phải được xử lý, trám lấp kịp thời, bảo đảm ngăn chặn nước, chất bẩn từ trên mặt đất xâm nhập vào các tầng chứa nước và ngăn chặn sự lưu thông giữa các tầng, lớp chứa nước khác nhau qua giếng đó.
2. Giếng là tài sản của chủ giếng, cũng là tài sản của xã hội. Việc quyết định trám lấp giếng phải căn cứ Quy định này, pháp luật về tài nguyên nước và các pháp luật khác có liên quan, đồng thời phải căn cứ nhu cầu sử dụng thực tế của chủ giếng, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của chủ giếng và nhu cầu sử dụng cho các mục đích khác của xã hội.
3. Chủ giếng có trách nhiệm bảo đảm việc thi công trám lấp giếng theo đúng yêu cầu kỹ thuật quy định tại Điều 17, 18 và Điều 19 của Quy định này và các quy trình, quy phạm kỹ thuật có liên quan.
Điều 6. Quyền và nghĩa vụ của chủ giếng phải trám lấp
1. Chủ giếng phải trám lấp có các quyền sau:
a) Lựa chọn tổ chức, cá nhân thi công trám lấp theo quy định tại Điều 9 của Quy định này;
b) Khiếu nại, khởi kiện trong trường hợp việc xử lý, trám lấp giếng không đúng pháp luật;
c) Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
2. Chủ giếng phải trám lấp có các nghĩa vụ sau:
a) Thông báo việc trám lấp và kết quả trám lấp theo quy định tại Điều 10, 11, 12, 13, 14, 15 và Điều 16 của Quy định này;
b) Chịu mọi chi phí trong việc trám lấp giếng. Trường hợp giếng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 của Quy định này, thì tổ chức, cá nhân tiếp nhận bàn giao mặt bằng có nghĩa vụ chi phí cho việc trám lấp giếng đó;
c) Chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý tài nguyên nước các cấp trong quá trình xử lý, trám lấp;
d) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân thi công trám lấp giếng quy định tại khoản 2 Điều 7 của Quy định này, nếu tổ chức, cá nhân đó không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ theo quy định.
Điều 7. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân thi công trám lấp giếng
1. Tổ chức, cá nhân thi công trám lấp giếng có các quyền sau:
a) Lựa chọn giải pháp, phương án kỹ thuật, thiết bị, công nghệ trám lấp giếng trên cơ sở phương án trám lấp, yêu cầu kỹ thuật quy định tại Điều 17, 18 và Điều 19 của Quy định này và điều kiện cụ thể từng giếng;
b) Khiếu nại theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức, cá nhân thi công trám lấp giếng có các nghĩa vụ sau:
a) Tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật quy định tại Điều 17, 18 và Điều 19 của Quy định này và các quy trình, quy phạm có liên quan;
b) Chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý tài nguyên nước trong quá trình trám lấp;
c) Bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn lao động trong quá trình trám lấp.
1. Cục Quản lý tài nguyên nước:
a) Chỉ đạo, hướng dẫn Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức điều tra, thống kê, tổng hợp, phân loại giếng phải trám lấp theo quy định tại Điều 4 của Quy định này;
b) Kiểm tra việc thực hiện trình tự, thủ tục, yêu cầu kỹ thuật xử lý, trám lấp giếng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định và hướng dẫn quy trình kỹ thuật thi công trám lấp trong trường hợp cụ thể;
c) Phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết khiếu nại đối với trường hợp giếng khoan thăm dò, giếng khoan khai thác nước dưới đất thuộc công trình có lưu lượng từ 3000m3/ngày đêm trở lên đã được cấp giấy phép mà phải trám lấp;
d) Định kỳ hằng năm, báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình hình thực hiện việc xử lý, trám lấp giếng trên phạm vi toàn quốc.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường:
a) Định kỳ tổ chức điều tra, thống kê, tổng hợp và phân loại giếng phải trám lấp theo quy định tại Điều 4 của Quy định này;
b) Lập phương án, kế hoạch và tổ chức thực hiện trám lấp giếng trên địa bàn đối với các trường hợp quy định tại Điều 20 của Quy định này;
c) Chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Tài nguyên và Môi trường các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện) và Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện điều tra, thống kê, lập danh mục giếng phải trám lấp và thực hiện kiểm tra, giám sát việc xử lý, trám lấp giếng theo quy định;
d) Kiểm tra việc thực hiện trình tự, thủ tục xử lý, trám lấp; phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết khiếu nại đối với trường hợp giếng khoan phải trám lấp không quy định tại điểm c khoản 1 Điều này; giải quyết các vướng mắc (nếu có);
đ) Định kỳ hằng năm, báo cáo Cục Quản lý tài nguyên nước và ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện Quy định này.
3. Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện:
a) Điều tra, thống kê, tổng hợp và phân loại giếng phải trám lấp theo chỉ đạo, hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường;
b) Tiếp nhận thông báo trám lấp, kết quả trám lấp của chủ giếng và thông báo ý kiến của mình bằng văn bản (nếu có) tới chủ giếng theo quy định tại Điều 10, 11, 12, 13, 14, 15 và Điều 16 của Quy định này;
c) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện trình tự, thủ tục, yêu cầu kỹ thuật của chủ giếng và tổ chức, cá nhân thi công trám lấp; lưu giữ biên bản trám lấp giếng;
d) Phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết khiếu nại trong việc xử lý, trám lấp giếng; giải quyết các vướng mắc (nếu có);
đ) Định kỳ sáu (06) tháng một lần, tổng hợp, lập danh sách giếng đã trám lấp trên địa bàn, báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường và Uỷ ban nhân dân cấp huyện.
4. Uỷ ban nhân dân cấp xã:
a) Tổ chức niêm yết công khai danh mục giếng phải trám lấp;
b) Tiếp nhận thông báo trám lấp, kết quả trám lấp của chủ giếng và thông báo ý kiến của mình bằng văn bản (nếu có) tới chủ giếng theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 10 của Quy định này;
c) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện trình tự, thủ tục, yêu cầu kỹ thuật trám lấp của chủ giếng và tổ chức, cá nhân thi công trám lấp đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 10 của Quy định này;
d) Định kỳ ba (03) tháng một lần, tổng hợp danh sách giếng đã trám lấp theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 10 của Quy định này và gửi biên bản trám lấp giếng, báo cáo Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện.
Điều 9. Điều kiện đối với tổ chức, cá nhân thi công trám lấp giếng
1. Tổ chức, cá nhân thi công trám lấp giếng khoan nước dưới đất quy định tại khoản 1 Điều 3 của Quy định này phải có giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất.
2. Tổ chức, cá nhân thi công trám lấp giếng khoan khác quy định tại khoản 2 Điều 3 của Quy định này phải là tổ chức, cá nhân hoạt động hành nghề khoan và có thiết bị, năng lực thi công, lắp đặt được các giếng khoan tương đương với giếng khoan trám lấp.
3. Đối với giếng khoan khai thác nước dưới đất có đường kính ống chống hoặc ống vách không lớn hơn 60 milimét, chiều sâu nhỏ hơn 30 m và chủ giếng là cá nhân, hộ gia đình, thì chủ giếng có thể tự thi công trám lấp giếng khoan đó.
4. Đối với giếng đào thì chủ giếng có thể tự thi công trám lấp giếng.
Điều 10. Trình tự, thủ tục xử lý, trám lấp giếng khai thác nước dưới đất
Trình tự, thủ tục xử lý, trám lấp giếng quy định tại khoản 1 Điều 4 của Quy định này như sau:
1. Lập, công khai danh mục giếng khai thác nước dưới đất phải trám lấp:
a) Căn cứ điều kiện cụ thể ở từng địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường định kỳ tổ chức điều tra, thống kê, rà soát, phân loại giếng theo nhóm, mục phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 4 của Quy định này;
b) Trường hợp giếng khoan quy định tại các điểm a, điểm b và điểm c khoản 1 Điều 4 của Quy định này thì phải rà soát nhu cầu sử dụng của cơ quan quản lý tài nguyên nước trên địa bàn hoặc nhu cầu khai thác của các tổ chức, cá nhân khác. Nếu tổ chức, cá nhân khác có nhu cầu sử dụng, thì đăng ký với Sở Tài nguyên và Môi trường và chủ giếng. Việc chuyển đổi nhu cầu sử dụng cho các mục đích khác hoặc chuyển đổi chủ giếng phải căn cứ thoả thuận của hai bên theo quy định của pháp luật;
c) Căn cứ kết quả rà soát, Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, phân loại và lập danh mục giếng khai thác nước dưới đất phải trám lấp. Danh mục giếng khai thác nước dưới đất phải trám lấp bao gồm những nội dung sau: tên hoặc số hiệu, vị trí giếng; tên, địa chỉ của chủ giếng; loại giếng (giếng khoan, giếng đào); mục đích khai thác, sử dụng nước; đường kính, chiều sâu giếng; tình trạng thực tế của giếng; nhu cầu sử dụng cho các mục đích khác và lý do phải trám lấp;
d) Sở Tài nguyên và Môi trường gửi văn bản thông báo danh sách giếng khai thác nước dưới đất phải trám lấp tới chủ giếng; tổ chức niêm yết công khai tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã trong thời gian ba mươi (30) ngày làm việc và gửi văn bản thông báo tới Cục Quản lý tài nguyên nước nếu giếng khoan thuộc công trình có lưu lượng từ 3000m3/ngày đêm trở lên đã được cấp giấy phép; hoặc tới cơ quan đăng ký nếu giếng khoan thuộc diện phải đăng ký và đã được đăng ký;
đ) Trong thời hạn không quá ba mươi (30) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo hoặc trong thời hạn niêm yết công khai, chủ giếng có quyền khiếu nại về việc trám lấp giếng của mình. Việc giải quyết khiếu nại thực hiện theo quy định của pháp luật;
e) Trường hợp chưa có trong danh mục giếng khai thác nước dưới đất phải trám lấp nhưng chủ giếng có nhu cầu trám lấp giếng của mình, thì chủ giếng thông báo tới Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện nếu là giếng khoan và tới Uỷ ban nhân dân cấp xã nếu là giếng đào;
g) Trong thời hạn sáu mươi (60) ngày, kể từ ngày nhận được thông báo hoặc kể từ ngày niêm yết nếu chủ giếng không khiếu nại theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này hoặc không có tổ chức, cá nhân nào đăng ký sử dụng, thì chủ giếng thực hiện trám lấp giếng theo quy định.
2. Thông báo trám lấp:
a) Trường hợp giếng không quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 9 của Quy định này thì chủ giếng chọn tổ chức, cá nhân thi công trám lấp (sau đây gọi chung là đơn vị thi công), lập phương án trám lấp (theo Mẫu số 01 kèm theo Quy định này); gửi phương án trám lấp và thông báo về thời gian, đơn vị thi công trám lấp tới Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện;
b) Trường hợp giếng quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 9 của Quy định này thì chủ giếng thông báo về thời gian, đơn vị thi công, loại vật liệu sử dụng để trám lấp tới Uỷ ban nhân dân cấp xã;
c) Thời gian thông báo chậm nhất là mười (10) ngày làm việc trước khi thi công trám lấp;
d) Trong thời hạn nêu trên, Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thông báo ý kiến của mình (nếu có) về nội dung phương án trám lấp và thông báo của chủ giếng. Quá thời hạn đó được coi như không có ý kiến đối với việc trám lấp của chủ giếng và đơn vị thi công trám lấp giếng.
3. Thi công trám lấp:
Căn cứ phương án trám lấp (đối với trường hợp giếng khoan quy định tại điểm a khoản 2 Điều này) và điều kiện thực tế của từng giếng, đơn vị thi công quyết định biện pháp thi công cụ thể bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật quy định tại Điều 17 nếu là giếng khoan hoặc Điều 19 của Quy định này nếu là giếng đào và quy trình, quy phạm kỹ thuật có liên quan.
4. Thông báo kết quả trám lấp:
Sau khi hoàn thành công việc trám lấp, chủ giếng và đơn vị thi công lập biên bản trám lấp giếng (theo Mẫu số 02 kèm theo Quy định này) và gửi tới cơ quan theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều này.
Điều 11. Trình tự, thủ tục xử lý, trám lấp giếng khoan thăm dò nước dưới đất
Trình tự, thủ tục xử lý, trám lấp giếng khoan quy định tại khoản 2 Điều 4 của Quy định này như sau:
1. Thông báo trám lấp:
a) Căn cứ số lượng giếng khoan theo đề án được phê duyệt, kết quả thực hiện đề án, nhiệm vụ từng giếng và nhu cầu, kế hoạch sử dụng cho các mục đích khác, chủ giếng rà soát, lập danh sách giếng khoan thăm dò phải trám lấp và lập phương án trám lấp (theo Mẫu số 01 kèm theo Quy định này);
b) Chủ giếng gửi phương án trám lấp và thông báo về danh sách giếng khoan thăm dò phải trám lấp, thời gian và đơn vị thi công trám lấp tới Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện nơi có giếng khoan đó và gửi tới cơ quan thụ lý hồ sơ cấp phép thăm dò đối với trường hợp đã được cấp giấy phép;
c) Thời gian thông báo chậm nhất là mười (10) ngày làm việc trước khi thi công trám lấp;
d) Trong thời hạn nêu trên, cơ quan thụ lý hồ sơ cấp phép và Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện có trách nhiệm thông báo ý kiến của mình (nếu có) về nội dung phương án trám lấp và thông báo của chủ giếng. Quá thời hạn đó được coi như không có ý kiến đối với việc trám lấp của chủ giếng và đơn vị thi công trám lấp giếng.
2. Thi công trám lấp thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 10 của Quy định này.
3. Thông báo kết quả trám lấp:
Sau khi hoàn thành công việc trám lấp, chủ giếng và đơn vị thi công trám lấp lập biên bản trám lấp giếng (theo Mẫu số 02 kèm theo Quy định này) và gửi tới các cơ quan theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
Điều 12. Trình tự, thủ tục xử lý, trám lấp giếng khoan quan trắc nước dưới đất
Trình tự, thủ tục xử lý, trám lấp giếng khoan quy định tại khoản 3 Điều 4 của Quy định này như sau:
1. Thông báo trám lấp:
a) Căn cứ tình hình thực tế từng giếng khoan, chủ giếng rà soát, lập danh sách giếng khoan quan trắc phải trám lấp và lập phương án trám lấp (theo Mẫu số 01 kèm theo Quy định này).
Trường hợp giếng khoan thuộc mạng quan trắc tài nguyên nước dưới đất, thì chủ giếng phải báo cáo phương án, lập dự toán kinh phí trám lấp, trình cấp có thẩm quyền quyết định;
b) Chủ giếng gửi phương án trám lấp và thông báo về danh sách giếng khoan quan trắc phải trám lấp, thời gian và đơn vị thi công trám lấp tới Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện nơi có giếng khoan đó;
c) Thời gian thông báo chậm nhất là mười (10) ngày làm việc trước khi thi công trám lấp;
d) Trong thời hạn nêu trên, Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện có trách nhiệm thông báo ý kiến của mình (nếu có) về nội dung phương án trám lấp và thông báo của chủ giếng. Quá thời hạn đó được coi như không có ý kiến đối với việc trám lấp của chủ giếng và đơn vị thi công trám lấp giếng.
2. Thi công trám lấp thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 10 của Quy định này.
3. Thông báo kết quả trám lấp:
Sau khi hoàn thành công việc trám lấp, chủ giếng và đơn vị thi công trám lấp lập biên bản trám lấp giếng (theo Mẫu số 02 kèm theo Quy định này) và gửi tới Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện nơi có giếng khoan đó.
Trình tự, thủ tục xử lý, trám lấp giếng khoan quy định tại khoản 4 Điều 4 của Quy định này như sau:
1. Thông báo trám lấp:
a) Căn cứ số lượng giếng khoan trong dự án được phê duyệt, nhiệm vụ của từng giếng và nhu cầu, kế hoạch sử dụng cho các mục đích khác (nếu có), chủ giếng rà soát, lập danh sách giếng khoan phải trám lấp và lập phương án trám lấp (theo Mẫu số 01 kèm theo Quy định này) trước khi thi công khoan;
b) Chủ giếng gửi phương án trám lấp và thông báo về số lượng giếng sẽ khoan, danh sách giếng khoan phải trám lấp, thời gian thi công khoan, thời gian dự kiến trám lấp, đơn vị thi công trám lấp tới Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện nơi có giếng khoan đó;
c) Thời gian thông báo chậm nhất là mười (10) ngày làm việc trước khi thi công khoan;
d) Trong thời hạn nêu trên, Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện có trách nhiệm thông báo ý kiến của mình (nếu có) về nội dung phương án trám lấp và thông báo của chủ giếng. Quá thời hạn đó được coi như không có ý kiến đối với việc trám lấp của chủ giếng và đơn vị thi công trám lấp giếng;
đ) Trong quá trình thực hiện dự án nếu có sự thay đổi so với nội dung đã thông báo theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, chủ giếng phải gửi văn bản thông báo về sự thay đổi đó tới phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện trước khi thi công trám lấp.
2. Thi công trám lấp thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 10 của Quy định này.
3. Thông báo kết quả trám lấp thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 12 của Quy định này.
Điều 14. Trình tự, thủ tục xử lý, trám lấp giếng tháo khô mỏ và hố móng
Trình tự, thủ tục xử lý, trám lấp giếng tháo khô mỏ và hố móng quy định tại khoản 5 Điều 4 của Quy định này như sau:
1. Thông báo trám lấp:
a) Căn cứ nhiệm vụ, tình trạng thực tế từng giếng, chủ giếng rà soát, lập danh sách giếng phải trám lấp và lập phương án trám lấp (theo Mẫu số 01 kèm theo Quy định này);
b) Chủ giếng gửi phương án trám lấp và thông báo về danh sách giếng phải trám lấp, thời gian và đơn vị thi công trám lấp tới Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện nơi có các giếng đó;
c) Thời gian thông báo chậm nhất là mười (10) ngày làm việc trước khi thi công trám lấp;
d) Trong thời hạn nêu trên, Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện có trách nhiệm thông báo ý kiến của mình (nếu có) về nội dung phương án trám lấp và thông báo của chủ giếng. Quá thời hạn đó được coi như không có ý kiến đối với việc trám lấp của chủ giếng và đơn vị thi công trám lấp giếng.
2. Thi công trám lấp thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 10 của Quy định này.
3. Thông báo kết quả trám lấp thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 12 của Quy định này.
Trình tự, thủ tục xử lý, trám lấp giếng khoan quy định tại khoản 6 Điều 4 của Quy định này như sau:
1. Thông báo trám lấp:
a) Căn cứ số lượng giếng khoan trong dự án được phê duyệt và nhiệm vụ của từng giếng, chủ giếng rà soát, lập danh sách giếng khoan phải trám lấp và phương án trám lấp (theo Mẫu số 01 kèm theo Quy định này) trước khi thi công khoan;
b) Chủ giếng gửi phương án trám lấp và thông báo về số lượng giếng khoan sẽ khoan, danh sách giếng khoan phải trám lấp, thời gian thi công khoan, thời gian dự kiến trám lấp, đơn vị thi công trám lấp tới Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện nơi có các giếng khoan đó;
c) Thời gian thông báo chậm nhất là mười (10) ngày làm việc trước khi thi công khoan;
d) Trong thời hạn nêu trên, Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện có trách nhiệm thông báo ý kiến của mình (nếu có) về nội dung phương án trám lấp và thông báo của chủ giếng. Quá thời hạn đó được coi như không có ý kiến đối với việc trám lấp của chủ giếng và đơn vị thi công trám lấp;
đ) Trong quá trình thực hiện dự án nếu có sự thay đổi so với nội dung đã thông báo theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, chủ giếng phải gửi văn bản thông báo về sự thay đổi đó tới phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện trước khi thi công trám lấp.
2. Thi công trám lấp:
Căn cứ phương án trám lấp và điều kiện của từng giếng, đơn vị thi công quyết định biện pháp thi công cụ thể bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật quy định tại Điều 18 của Quy định này và quy trình, quy phạm kỹ thuật có liên quan.
3. Thông báo kết quả trám lấp thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 12 của Quy định này.
Điều 16. Xử lý, trám lấp giếng khoan thuộc các trường hợp khác
1. Đối với giếng khoan quy định tại điểm a khoản 7 Điều 4 của Quy định này, thì căn cứ mức độ và tính chất nguy hại của sự cố, chủ giếng và tổ chức, cá nhân khoan giếng đó phải thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn đối với người, công trình xây dựng và các hoạt động khác; khắc phục sự cố và trám lấp giếng khoan; đồng thời thông báo kịp thời tới chính quyền địa phương sở tại và Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện nơi có giếng khoan đó.
2. Đối với giếng khoan quy định tại điểm b khoản 7 Điều 4 của Quy định này, thì căn cứ thực trạng của giếng, tổ chức, cá nhân khoan giếng đó thực hiện ngay các biện pháp trám lấp giếng; đồng thời, thông báo ngay cho chủ giếng và Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện nơi có giếng khoan đó.
3. Đối với giếng khoan theo quy định tại điểm c khoản 7 Điều 4 của Quy định này, thì chủ giếng phải thực hiện việc trám lấp giếng theo Quyết định trám lấp của cấp có thẩm quyền; báo cáo kết quả trám lấp tới cơ quan đã ra Quyết định trám lấp và Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện nơi có giếng khoan đó.
4. Việc thi công trám lấp các loại giếng khoan quy định tại các khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này phải bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật quy định tại Điều 17 của Quy định này nếu là giếng khoan nước dưới đất, Điều 18 nếu là giếng khoan khác, và các yêu cầu cụ thể của cơ quan quản lý tài nguyên nước (nếu có).
Điều 17. Yêu cầu kỹ thuật thi công trám lấp giếng khoan nước dưới đất
Việc thi công trám lấp giếng khoan nước dưới đất quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và khoản 5 Điều 4 của Quy định này phải bảo đảm các yêu cầu sau:
1. Vật liệu trám lấp phải có tính thấm nước kém hoặc không thấm nước, gồm hỗn hợp vữa hoặc vật liệu dạng viên như sau:
a) Hỗn hợp vữa: vữa xi măng; vữa xi măng trộn với sét tự nhiên hoặc bentonit; vữa bentonit, sét tự nhiên; vữa được trộn bằng các vật liệu khác có tính chất đông kết, trương nở tương đương với sét tự nhiên;
b) Vật liệu dạng viên: sét tự nhiên dạng viên; vật liệu dạng viên khác có tính chất thấm nước, trương nở tương đương với sét tự nhiên. Vật liệu dạng viên phải bảo đảm có dạng hình cầu và kích thước không lớn hơn 0,25 lần đường kính nhỏ nhất của giếng khoan hoặc đường kính trong của đoạn ống nhỏ nhất (sau đây gọi chung là đường kính nhỏ nhất);
c) Không sử dụng nước thải, nước bẩn, nước mặn, các loại hoá chất độc hại và các hoá chất gây ô nhiễm môi trường để trộn vữa, làm phụ gia hoặc vật liệu trám lấp.
2. Chuẩn bị trám lấp:
a) Kiểm tra, đánh giá tình trạng thực tế của giếng khoan; đo chiều sâu, đường kính, xác định đường kính nhỏ nhất và đánh giá mức độ thông thoáng của giếng khoan;
b) Kiểm tra, đánh giá khả năng thực tế của việc rút, nhổ cột ống giếng. Trường hợp có thể rút, nhổ được cột ống giếng thì phải chuẩn bị các thiết bị, dụng cụ phù hợp để bảo đảm việc trám lấp được thực hiện đồng thời với quá trình rút, nhổ cột ống giếng;
c) Căn cứ điều kiện cụ thể từng giếng khoan, lựa chọn vật liệu trám lấp và biện pháp thi công, công nghệ, thiết bị trám lấp phù hợp;
d) Chuẩn bị các điều kiện để bảo đảm quá trình trám lấp được thực hiện liên tục, không gián đoạn.
3. Thi công trám lấp:
a) Việc thi công trám lấp phải bảo đảm giếng khoan được lấp đầy bằng các vật liệu trám lấp ở trạng thái đông kết; thực hiện trám lấp theo từng đoạn, từ dưới lên trên, bắt đầu từ đáy giếng; ít nhất 10m trên cùng của giếng phải được trám lấp bằng hỗn hợp vữa; miệng giếng phải được đổ bê tông với kích thước lớn hơn 0,3m so với đường kính miệng giếng khoan;
b) Trường hợp sử dụng hỗn hợp vữa dạng lỏng phải bảo đảm vữa được dẫn qua ống tới độ sâu của từng đoạn trám lấp bằng bộ dụng cụ, thiết bị phù hợp, không được đổ vữa trực tiếp qua miệng giếng; chiều dài mỗi đoạn trám lấp tuỳ thuộc điều kiện của từng giếng khoan và khả năng thực tế của thiết bị trám lấp;
c) Trường hợp sử dụng vật liệu dạng viên phải bảo đảm không tạo thành "nút" ở trong giếng; vật liệu được đổ từ từ, khối lượng phù hợp với thể tích của từng đoạn; kết thúc mỗi đoạn trám lấp phải đầm, nén vật liệu bằng bộ dụng cụ thích hợp; chiều dài mỗi đoạn trám lấp không quá 10m;
d) Trường hợp có thể rút, nhổ được cột ống giếng, thì phải rút, nhổ cột ống đó trong quá trình trám lấp. Việc rút, nhổ cột ống phải thực hiện theo từng đoạn, phù hợp với chiều dài mỗi đoạn trám lấp, chân của cột ống giếng luôn nằm trong lớp vật liệu trám lấp và bảo đảm đất đá không sập lở vào giếng trước khi vật liệu lấp đầy đoạn giếng khoan đó.
Điều 18. Yêu cầu kỹ thuật thi công trám lấp các giếng khoan khác
Việc thi công trám lấp giếng khoan quy định tại khoản 6 Điều 4 của Quy định này phải bảo đảm các yêu cầu sau:
1. Vật liệu trám lấp:
a) Vật liệu sử dụng để trám lấp phải có tính thấm nước kém hơn hoặc tương đương với tính thấm nước của các lớp đất đá trong cột địa tầng của giếng khoan, gồm hỗn hợp vữa dạng lỏng, vật liệu dạng viên theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 17 của Quy định này; hoặc vật liệu bở rời bao gồm: cuội, sỏi, cát, cát pha, sét pha hoặc các loại vật liệu tự nhiên bở rời khác;
b) Trường hợp sử dụng loại vật liệu tự nhiên bở rời, thì chỉ trám lấp những đoạn giếng khoan nằm trong các tầng chứa nước, không sử dụng để trám lấp các đoạn khác của giếng khoan;
c) Trường hợp sử dụng hỗn hợp vữa dạng lỏng hoặc vật liệu dạng viên thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 17 của Quy định này.
2. Chuẩn bị trám lấp thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 17 của Quy định này.
3. Thi công trám lấp:
a) Việc thi công trám lấp phải bảo đảm giếng được lấp đầy bằng các vật liệu trám lấp; thực hiện trám lấp theo từng đoạn, từ dưới lên trên, bắt đầu từ đáy giếng; ít nhất 10m trên cùng của giếng khoan phải được trám lấp bằng hỗn hợp vữa hoặc sét tự nhiên dạng viên, không sử dụng vật liệu bở rời;
b) Trường hợp sử dụng hỗn hợp vữa dạng lỏng thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 17 của Quy định này;
c) Trường hợp sử dụng vật liệu dạng viên hoặc vật liệu bở rời thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 17 của Quy định này;
d) Trường hợp giếng khoan được chống ống, thì phải rút, nhổ cột ống lên khỏi giếng khoan trong quá trình trám lấp. Tuỳ thuộc mức độ cứng chắc, ổn định của đất đá xung quanh thành giếng, có thể rút, nhổ toàn bộ hoặc một phần cột ống trước khi trám lấp nhưng phải bảo đảm đất đá xung quanh thành giếng không sập lở vào giếng khoan;
đ) Trường hợp toàn bộ giếng khoan hoặc một phần giếng nằm trong các lớp đất đá bở rời, kém ổn định thì phải thực hiện rút, nhổ cột ống theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 17 của quy định này.
Điều 19. Yêu cầu kỹ thuật thi công trám lấp giếng đào
Việc thi công trám lấp giếng đào quy định tại Điều 4 của Quy định này phải bảo đảm các yêu cầu sau:
1. Vật liệu sử dụng để trám lấp là vật liệu tự nhiên, có tính thấm nước kém hơn hoặc tương đương với tính thấm nước của các lớp đất đá xung quanh giếng đào;
2. Việc thi công trám lấp phải thực hiện theo từng đoạn; vật liệu được đổ từ từ, theo từng lớp và phải đầm, nện bằng dụng cụ thích hợp; ít nhất 1m trên cùng của giếng phải được trám lấp bằng sét tự nhiên hoặc vật liệu khác có tính chất tương đương.
1. Đối với trường hợp giếng khoan, giếng đào có trước ngày Quy định này có hiệu lực, Sở Tài Nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức điều tra, thống kê, rà soát, phân loại các loại giếng phải xử lý, trám lấp theo quy định tại Điều 4 của Quy định này; xây dựng phương án xử lý, trám lấp giếng trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện việc trám lấp.
2. Đối với trường hợp giếng khai thác nước dưới đất phải trám lấp nhưng không xác định được chủ giếng hoặc chủ giếng là cá nhân, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (được uỷ ban nhân dân cấp xã xác nhận), thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giếng khai thác nước dưới đất mà trước đó chủ giếng đã được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hỗ trợ trong việc khoan, đào giếng đó; giếng khoan khác cần phải trám lấp nhưng thực tế không xác định được chủ giếng thì Sở Tài Nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức thực hiện trám lấp.
3. Kinh phí xử lý, trám lấp giếng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được sử dụng từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường.
1. Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy định này.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, giải quyết./.
(TÊN CHỦ GIẾNG)
(Trang bìa trong)
--------- (1)
CHỦ GIẾNG TỔ CHỨC/CÁ NHÂN
LẬP PHƯƠNG ÁN
Ký, đóng dấu (nếu có) Ký, đóng dấu (nếu có)
và ghi rõ họ, tên và ghi rõ họ, tên
Địa danh, tháng... năm...
(1) Ghi loại giếng khoan (khai thác, thăm dò, quan trắc, tháo khô mỏ, hố móng hoặc giếng khoan thuộc dự án....), của (tên chủ giếng)
MỞ ĐẦU:
Nêu tóm tắt thông tin chung về chủ giếng, vị trí, địa điểm; số lượng, loại giếng khoan (khai thác, thăm dò, quan trắc, tháo khô mỏ, hố móng hoặc giếng khoan thuộc dự án....), mục đích khoan giếng hoặc mục đích sử dụng giếng (đối với giếng đã có); lý do phải trám lấp.
1. Mô tả giếng khoan:
- Mô tả địa tầng (nếu có), cấu trúc của giếng khoan (đường kính, chiều sâu, đường kính nhỏ nhất, loại ống chống (nếu có),....và tự nhận xét, đánh giá về khả năng thực tế của việc rút, nhổ cột ống, những vấn đề cần chú ý trong quá trình thi công trám lấp giếng khoan.
- Liệt kê danh mục (số hiệu, vị trí, chiều sâu) giếng khoan phải trám lấp.
2. Vật liệu trám lấp:
- Nêu các loại vật liệu sử dụng để trám lấp (hỗn hợp vữa, vật liệu dạng viên, vật liệu bở rời hoặc vật liệu tự nhiên tại chỗ...);
- Nêu cụ thể từng loại vật liệu sử dụng để trám lấp từng đoạn chiều sâu của giếng khoan (nếu sử dụng các loại vật liệu khác nhau để trám lấp) hoặc toàn bộ chiều sâu giếng khoan;
- Dự kiến khối lượng vật liệu sử dụng;
- Trường hợp sử dụng hỗn hợp vữa thì nêu các loại vật liệu sử dụng để trộn vữa, tỷ lệ pha trộn và phụ gia (nếu có);
- Trường hợp sử dụng vật liệu dạng viên hoặc vật liệu bở rời khác thì nêu loại vật liệu, kích thước tối đa và biện pháp, cách thức kiểm soát kích thước đó.
3. Thiết bị, dụng cụ chủ yếu để trám lấp:
- Nêu các loại thiết bị chủ yếu được sử dụng để thi công trám lấp (máy khoan, máy bơm,..) và mô tả những tính năng, kỹ thuật chủ yếu liên quan trực tiếp tới quá trình rút, nhổ cột ống, thi công trám lấp;
- Nêu các loại dụng cụ chủ yếu được sử dụng trực tiếp để trám lấp (đường kính, chiều dài bộ cần khoan hoặc ống; bộ dụng cụ, thiết bị trộn vữa,...).
4. Quy trình thực hiện trám lấp:
Tuỳ điều kiện cụ thể từng giếng khoan, chiều sâu, đường kính, loại vật liệu, thiết bị, dụng cụ sử dụng để trám lấp, quy trình thực hiện trám lấp bao gồm các nội dung sau:
- Mô tả việc phân chia các đoạn trám và chiều dài các đoạn trám lấp tương ứng;
- Mô tả trình tự các bước công việc dự kiến để thực hiện trám lấp cho mỗi đoạn và toàn bộ giếng khoan;
- Mô tả phương pháp, cách thức, quá trình rút, nhổ cột ống (nếu có);
- Mô tả phương pháp, cách thức, quá trình đưa vữa trám lấp xuống giếng khoan (nếu sử dụng vữa trám);
- Mô tả biện pháp, cách thức, quá trình đầm, nện vật liệu trám lấp ở trong giếng khoan (nếu sử dụng vật liệu dạng viên hoặc bở rời);
- Mô tả cách thức, biện pháp kiểm tra, kiểm soát khối lượng vật liệu, chiều dài mỗi đoạn trám lấp trong giếng khoan;
- Mô tả phương pháp, quá trình bổ sung vật liệu trám lấp và đổ lớp bê tông miệng giếng khoan.
5. Kết luận:
Tự nhận xét, đánh giá và kết luận mức độ đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về vật liệu, quá trình trám lấp giếng khoan và những đề xuất, kiến nghị.
Phụ lục kèm theo:
1) Hình vẽ cột địa tầng (nếu có) và cấu trúc giếng khoan phải trám lấp (trường hợp nhiều giếng khoan thì chỉ cần hình vẽ của giếng khoan điển hình, đại diện).
2) Hình vẽ cột địa tầng (nếu có) và dự kiến cấu trúc giếng khoan (các lớp vật liệu trám lấp) sau khi hoàn thành công tác trám lấp (trường hợp nhiều giếng khoan thì chỉ cần hình vẽ của giếng khoan điển hình, đại diện).
Ghi chú:
- Phương án trám lấp giếng khoan có thể được lập cho một, một số giếng khoan hoặc toàn bộ giếng khoan phải trám lấp của một chủ giếng;
- Trường hợp gồm nhiều loại giếng khoan (giếng khoan nước dưới đất, giếng khoan khác) có yêu cầu kỹ thuật khác nhau thì có thể lập phương án trám lấp chung và nêu cụ thể đối với từng loại giếng khoan đó.
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------
- Căn cứ phương án trám lấp giếng và thông báo trám lấp đã gửi Phòng Tài nguyên và Môi trường/UBND xã:................., ngày.....tháng..... năm........;
- Căn cứ kết quả trám lấp giếng,
Hôm nay, ngày......tháng.....năm...., chúng tôi, gồm:
a) Đại diện chủ giếng:
- Ông/Bà:
b) Đại diện đơn vị thi công trám lấp giếng:
- Ông/Bà:
Với sự chứng kiến của Ông/Bà....................., đại diện cho Phòng Tài nguyên và Môi trường/ UBND xã: ......(nếu có)
Đã tiến hành lập biên bản trám lấp giếng tại hiện trường như sau:
1. Thông tin chung về giếng:
- Tên, địa chỉ của chủ giếng:
- Vị trí, địa điểm giếng:
- Toạ độ vị trí của giếng (nếu có), X: Y:
- Loại giếng:
- Chiều sâu giếng:
- Loại ống giếng: (ống sắt/ống nhựa, loại ống nhựa)
- Đường kính miệng giếng: ...., đường kính nhỏ nhất của giếng .... ;
- Lý do trám lấp:
2. Thi công trám lấp và kết quả trám lấp:
- Việc thi công trám lấp được bắt đầu từ ngày..., đến ngày... tháng ...năm......
- Kết quả rút nhổ cột ống giếng:
- Vật liệu sử dụng: (thống kê các loại vật liệu, chiều sâu sử dụng từng loại vật liệu, khối lượng đã sử dụng để trám lấp,....).
- Kết quả trám lấp: vẽ sơ hoạ các lớp vật liệu đã trám lấp trong giếng; hoặc kèm theo hình vẽ cột địa tầng (nếu có) và cấu trúc các lớp vật liệu trong giếng sau khi đã trám lấp.
- Những vấn đề phát sinh (so với phương án trám lấp) trong quá trình thi công trám lấp giếng, kết quả giải quyết tại hiện trường và những nội dung khác (nếu có):
3. Kết luận:
Nhận xét, đánh giá về kết quả trám lấp giếng:
Đại diện Phòng TN&MT/ UBND xã (nếu có mặt tại hiện trường) |
Đại diện chủ giếng |
Đại diện đơn vị thi công trám lấp giếng |
|
|
|