Quyết định 1088/QĐ-UBND năm 2020 về phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025
Số hiệu: 1088/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc Người ký: Vũ Việt Văn
Ngày ban hành: 11/05/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Văn hóa , thể thao, du lịch, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1088/QĐ-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 11 tháng 5 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CÁC THIẾT CHẾ VĂN HÓA, THỂ THAO CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẾN NĂM 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;

Căn cứ Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 69/2008/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.

Căn cứ Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công.

Căn cứ Quyết định 2164/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định 2563/QĐ-BVHTTDL ngày 8/3/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch v/v phê duyệt đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa thể thao ở nông thôn”;

Căn cứ Thông tư 11/2010/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2010 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định tiêu chí của Trung tâm văn hóa thể thao quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh;

Căn cứ Thông tư số 12/2010/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mẫu về tổ chức hoạt động và tiêu chí của Trung tâm văn hóa thể thao xã;

Căn cứ Thông tư số 06/2011/TT-BVHTTDL ngày 8/3/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mẫu về tổ chức hoạt động và tiêu chí của Nhà văn hóa, khu thể thao thôn;

Theo đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại văn bản số 312/SVHTTDL-XDNSVH ngày 21/4/2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án nâng cao hiệu quả quản lý, hoạt động các thiết chế văn hóa thể thao ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 


Nơi nhận:
- Bộ VHTT&DL (b/c);
- TT Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- CPVP UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ tỉnh và các đoàn thể;
- Báo Vĩnh Phúc, Đài PTTH tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử;
- Như điều 2;
- Lưu: VT, VX3, CN3, NN5;
H:           -b)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vũ Việt Văn

 

ĐỀ ÁN

NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CÁC THIẾT CHẾ VĂN HÓA, THỂ THAO Ở CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẾN NĂM 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1088/QĐ - UBND ngày 11/5/2020 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc)

Phần thứ nhất

SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;

- Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 69/2008/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường;

- Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công;

- Quyết định 2164/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030;

- Quyết định 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016-2020;

- Quyết định số 691/QĐ-TTg ngày 05/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020;

- Thông tư 11/2010/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2010 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định tiêu chí của Trung tâm văn hóa thể thao quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh;

- Thông tư số 12/2010/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mẫu về tổ chức hoạt động và tiêu chí của Trung tâm văn hóa thể thao xã;

- Thông tư số 06/2011/TT-BVHTTDL ngày 8/3/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mẫu về tổ chức hoạt động và tiêu chí của Nhà văn hóa, khu thể thao thôn;

- Quyết định 2563/QĐ-BVHTTDL ngày 8/3/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch v/v phê duyệt đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa thể thao ở nông thôn”;

- Nghị quyết 03/2011/NQ-HĐND ngày 09/4/2011 của HĐND tỉnh khóa XIV, kỳ họp thứ 23 về việc xây dựng nông thôn mới tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011-2020;

- Quyết định số 08/2019/QĐ-UBND ngày 14/12/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về việc ban hành điều kiện xã nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2019-2020.

II. CĂN CỨ THỰC TIỄN:

Trong những năm qua tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết, cơ chế chính sách để phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện, cấp xã, nhà văn hóa, khu thể thao thôn được đầu tư xây dựng cơ bản đồng bộ, đầy đủ các hạng mục. Đây là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, thể thao cộng đồng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân về hưởng thụ và sáng tạo văn hóa, đồng thời bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của mỗi địa phương; là nơi tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp phần quan trọng để thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Tuy nhiên hiện nay việc quản lý, khai thác, tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao ở cơ sở vẫn còn hạn chế, chưa phát huy hết công năng của các thiết chế gây lãng phí, đặc biệt là tại các Trung tâm văn hóa cấp xã. Vì vậy, để đáp ứng ngày càng tốt hơn nữa nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của Nhân dân, đáp ứng kịp sự phát triển của kinh tế, văn hóa xã hội cần thiết phải xây dựng đề án nâng cao hiệu quả quản lý, hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả hơn nữa các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở một cách đồng bộ, chất lượng, hiệu quả.

III. ĐỐI TƯỢNG CỦA ĐỀ ÁN

1. Trung tâm Văn hóa -Thể thao cấp huyện

2. Trung tâm Văn hóa -Thể thao cấp xã

3. Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn, tổ dân phố.

Phần thứ hai

THỰC TRẠNG THIẾT CHẾ VĂN HÓA THỂ THAO CƠ SỞ, CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ HOẠT ĐỘNG

I. NHỮNG CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐÃ ĐƯỢC BAN HÀNH

Trong những năm qua tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết, cơ chế chính sách để xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.

1. Nghị quyết số 40/2011/NQ-HĐND ngày 19/12/2011 hỗ trợ kinh phí mua trang thiết bị cho NVH xã, thôn: Hỗ trợ 30 triệu đồng NVH xã, 40 triệu đồng/NVH thôn đồng bằng, 50 triệu đồng/NVH thôn miền núi.

2. Nghị quyết 75/NQ-HĐND ngày 21/12/2012 về Phát triển Thể dục thể thao quần chúng: Hỗ trợ 1 tỷ đồng xây dựng Nhà luyện tập thể dục thể thao xã; hỗ trợ hoạt động thể dục thể thao hàng năm với mức 10 triệu đồng/xã; 8 triệu đồng/phường, thị trấn; 5 triệu đồng/thôn, 4 triệu đồng/TDP

3. Nghị quyết số 115/NQ-HĐND ngày 20/12/2013: Hỗ trợ bồi thường GPMB để xây dựng Trung tâm Văn hóa, Thể thao, vui chơi giải trí mức 2 tỷ đồng/xã, phường, thị trấn, 100 triệu đồng/thôn, tổ dân phố; 800 triệu đồng xây dựng Trung tâm văn hóa xã miền núi.

Đặc biệt, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện, xã, nhà văn hóa, khu thể thao thôn được đầu tư xây dựng cơ bản đồng bộ, đầy đủ các hạng mục, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của người dân.

II. NHỮNG KẾT QUẢ ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC

1. Công tác quy hoạch

Việc quy hoạch dành quỹ đất cho xây dựng thiết chế văn hóa thể thao ở cơ sở được triển khai đồng thời với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, do vậy đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, triển khai đồng bộ. Đến nay 100% huyện, thành phố đã quy hoạch được quỹ đất để xây dựng Trung tâm văn hóa - thể thao, vui chơi giải trí ở cấp huyện, cấp xã, nhà văn hóa - khu thể thao thôn, tổ dân phố đảm bảo diện tích theo quy định. Đối với cấp huyện từ 20.000m2 - 50.000 m2, cấp xã 10.000 m2 - 15.000m2; cấp thôn 500m2 - 1.500m2 trở lên, đảm bảo tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

2. Thiết chế văn hóa - thể thao huyện, thành phố

Đến nay, 8/9 huyện, thành phố đã xây dựng được Trung tâm văn hóa - thể thao cấp huyện cụ thể:

2.1 Huyện Vĩnh Tường: Diện tích xây dựng 42.075m2 gồm các hạng mục Khu thể thao ngoài trời 32.045 m2, khán đài có mái che (5000 chỗ ngồi), khu thể thao trong nhà 2.900m2 và các phòng chức năng, phòng điều hành, nhà văn hóa 19/5, nhà Thư viện- truyền thống,..; Đang quy hoạch Cung thiếu nhi huyện tại xã Vũ Di.

2.2 Huyện Bình Xuyên: Diện tích xây dựng 20.700 m2 gồm 02 sân tennis, 01 sân vận động (20.000 chỗ ngồi), 01 nhà luyện tập thi đấu thể thao, nhà truyền thống-thư viện, Nhà văn hóa.

2.3 Thành phố Phúc Yên: Diện tích xây dựng 60.500 m2 gồm các hạng mục: Nhà hát nhân dân, Quảng trường Trung tâm, sân vận động, nhà thi đấu…

2.4 Huyện Yên Lạc: Diện tích xây dựng 51.000m2 gồm các hạng mục nhà văn hóa, sân thể thao, phòng chức năng, nhà luyện tập thể thao đa năng, nhà luyện tập và thi đấu bắn súng…

2.5 Huyện Tam Dương: Diện tích xây dựng 12.900m2 gồm các hạng mục Hội trường, nhà thể thao, sân thể thao, khán đài, nhà dịch vụ, các phòng chức năng.

2.6 Huyện Lập Thạch: Nhà văn hóa, Nhà thi đấu thể thao, Thư viện, phòng truyền thống, sân vận động.

2.7 Thành phố Vĩnh Yên: Khu Trung tâm văn hóa thể thao với diện tích 14,3 ha, hiện đang giải phóng mặt bằng đạt 33%, có thiết chế Thư viện Thành phố độc lập, hiện đại.

2.8 Huyện Tam Đảo: Tổng diện tích quy hoạch 6,4 ha. Đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng 01 sân vận động, 02 sân tennis, nhà dịch vụ. Xây dựng xong nhà thi đấu thể thao đa năng, khán đài có sức chứa 2.000 khán giả.

2.9 Huyện Sông Lô: Tổng diện tích 50.600m2, đang tiến hành xây dựng

3. Thiết chế văn hóa thể thao cấp xã, phường, thị trấn

- Xây dựng được 137 NVH/137 xã, phường, thị trấn; 112 Trung tâm văn hóa thể thao/137 xã, phường, thị trấn (nay là 136 xã, sau khi sáp nhập xã Phú Thịnh và xã Tân Cương của huyện Vĩnh Tường), với các hạng mục:

+ Nhà văn hóa xã (Hội trường UBND xã) từ 200 - 250 chỗ ngồi, hệ thống thiết bị đầy đủ.

+ Nhà luyện tập thể thao

+ Sân thể thao, sân khấu ngoài trời

+ Khu vệ sinh, diện tích cây xanh, đường đi, lối dạo….

4. Thiết chế văn hóa thể thao thôn, tổ dân phố

- Xây dựng được 1.367 NVH/1.384 thôn, tổ dân phố trong đó:

+ 1.296 NVH xây mới, chỉnh trang, mở rộng thêm diện tích đạt từ 500m2 trở lên, có sân thể thao tập luyện đơn giản

+ 71 nhà văn hóa tận dụng.

Có thể nói hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh được xây dựng cơ bản đồng bộ,đảm bảo các hạng mục theo quy định tiêu chí của Trung tâm VHTTTT cấp huyện, cấp xã, thôn do Bộ VHTTDL hướng dẫn và tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên thực tế còn một Trung tâm VHTT- TT cấp huyện (Sông Lô) đang tiến hành xây dựng và 17 thôn chưa xây dựng được Nhà văn hóa; Trang thiết bị, dụng cụ thể thao ở các thiết chế VHTT cấp xã, thôn, tổ dân phố phần lớn chưa được trang bị và thiếu thiết bị hoạt động, do đó chưa đáp ứng được nhu cầu luyện tập, nâng cao sức khỏe của nhân dân.

III. VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ

1. Đối với cấp huyện

- Thực hiện theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Thông tư số 01/2010/TT-BVHTTDL ngày 26/02/2010 ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của tổ chức sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thông tư số 11/2010/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2010 quy định tiêu chí của Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.

- Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại các Trung tâm văn hóa thể thao cụ thể: Trình độ Đại học trở lên 90%, trình độ Cao đẳng 7%, trình độ trung cấp là 3%. Đội ngũ cán bộ của Trung tâm VHTT-TT hàng năm được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ văn hóa, thể dục thể thao để vận hành, cơ bản đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ theo quy định.

2. Đối với cấp xã

- Trung tâm văn hóa cấp xã chủ yếu là công chức văn hóa xã kiêm nhiệm việc quản lý, tổ chức hoạt động, một số địa phương bố trí cán bộ không chuyên trách như Cộng tác viên thể dục thể thao hoặc người phụ trách đài truyền thanh kiêm nhiệm quản lý. Trong đó 83% có trình độ Đại học, 17% Cao đẳng, trung cấp. (Cơ bản thực hiện quản lý theo quy định tại Thông tư 12/2010 của Bộ VHTT&DL).

- Kinh phí hỗ trợ thực hiện công tác quản lý đều thực hiện theo Nghị quyết số 22/2017/NQ-HĐND ngày 17 tháng 7 năm 2017 của HĐND tỉnh quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp và một số chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách; mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (0,3 mức lương tối thiểu/người/tháng đối với cấp thôn, 0,6% mức lương tối thiểu/người/tháng đối với cấp xã).

3. Đối với thôn, tổ dân phố.

- Thực tế hiện nay việc quản lý, tổ chức hoạt động nhà văn hóa, khu thể thao thôn theo hình thức tự quản, tuỳ vào điều kiện cụ thể của từng địa phương để bố trí người quản lý, nhưng chủ yếu là giao cho trưởng thôn hoặc trưởng ngành đoàn thể thôn kiêm nhiệm và trông coi. Các nhà văn hóa thôn đều được trang trí theo hướng dẫn và có nội quy, quy chế hoạt động đầy đủ, được niêm yết quy chế hoạt động tại nhà văn hóa.

- Nhìn chung công tác quản lý Trung tâm văn hóa cấp huyện, cấp xã, nhà văn hóa cấp thôn cơ bản hoạt động theo quy định tại các Thông tư 11/2010/TT- BVHTTDL ngày 22/12/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định tiêu chí của Trung tâm văn hóa thể thao quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; Thông tư số 12/2010/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2010 quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã; Thông tư số 06/2011/TT-BVHTTDL ngày 08/3/2011 quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn và theo Hướng dẫn số 510/HD- SVHTTDL ngày 20/6/2018 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hướng dẫn Quản lý, khai thác và tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy nhiên còn nhiều địa phương chưa thực hiện tốt nội dung này theo quy định.

IV. VỀ TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG

1. Đối với cấp huyện

- Tổ chức hoạt động cơ bản đảm bảo theo Điều 2 Thông tư Thông tư 11/2010/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2010 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định tiêu chí của Trung tâm văn hóa thể thao quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; Các Trung tâm văn hóa, thông tin cấp huyện cơ bản hoạt động tốt.

2. Đối với cấp xã

- Nhà văn hóa xã (hội trường UBND cấp xã): Hoạt động cơ bản tốt, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, văn hóa xã hội. Hệ thống trang thiết bị được trang bị đầy đủ, tần suất sử dụng thường xuyên (đạt 30 - 40% dân số tham gia).

- Nhà luyện tập thể thao: Từng bước duy trì các hoạt động thể dục thể thao, giao lưu thi đấu thể thao giữa các cơ quan, đơn vị, tập trung vào một số môn như: cầu lông, bóng bàn..., thu hút được đông đảo người dân tham gia. Một số nơi hoạt động hiệu quả như: Nhà luyện tập thể thao các xã: Tam Hồng, Tề Lỗ (Yên Lạc), Tam Hợp (Bình Xuyên), Hoàng Lâu (Tam Dương), Tứ Trưng và Vũ Di (Vĩnh Tường)...

- Sân thể thao: Sân thể thao cấp xã chủ yếu phục sự kiện thể thao lớn: giải thi đấu, Đại hội thể thao của địa phương nhân ngày lễ, ngày truyền thống.

Qua khảo sát mới chỉ có 10% người dân tham gia hoạt động thể thao thường xuyên. Để khai thác hiệu quả Sân thể thao đáp ứng nhu cầu rèn luyện sức khỏe của nhân dân, đã có 15 xã đã triển khai thực hiện xã hội hóa, mạnh dạn giao cho tư nhân đầu tư 30 sân bóng đá mi ni cỏ nhân tạo (huyện Bình Xuyên 12 sân; Tam Đảo 8 sân; Yên Lạc 2 sân; Tam Dương 4 sân; Vĩnh Tường 2 sân)…Thực tế cho thấy mô hình xã hội hóa sân bóng đá mi ni bước đầu đã thu hút được khá đông thanh, thiếu niên đến tham gia tập luyện.

3. Đối với thôn, tổ dân phố:

- Nhà văn hóa thôn, tổ dân phố là một thiết chế văn hóa thể thao gần gũi với nhân dân, là nơi hội họp của các đoàn thể, giao lưu tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan, văn nghệ, thể thao; tạo điều kiện để người dân ở nông thôn tham gia sáng tạo, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Qua khảo sát, các địa phương đều đánh giá hoạt động tại nhà văn hóa thôn rất tốt, phát huy được công năng sử dụng, ngoài việc hội họp, liên hoan văn hóa, văn nghệ, nhà văn hóa, khu thể thao thôn còn là nơi để người dân sử dụng cho việc cưới, lễ hội hoặc những việc lớn của gia đình.

- Sân tập luyện thể thao đơn giản ở thôn, bước đầu đã phát huy hiệu quả, trong đó môn cầu lông, bóng chuyền, bóng chuyền hơi đã thu hút được khá đông người dân đến tham gia tập luyện thường xuyên. Theo khảo sát cho thấy tỷ lệ người tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên đạt 35,5%; Số gia đình thể thao đạt 25,5%; tỷ lệ người dân tham gia sinh hoạt thường xuyên tại nhà văn hóa, khu thể thao thôn đạt 40% - 50% dân số.

Việc tổ chức hoạt động ở các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đồng thời đáp ứng một phần nhu cầu về sinh hoạt văn hóa và rèn luyện sức khỏe của nhân dân. Tuy nhiên, đối với Nhà rèn luyện thể thao, Sân thể thao ở thôn, tổ dân phố có tần suất sử dụng ít, nhiều sân thể thao bỏ không chưa khai thác hết nên đa phần để cỏ mọc nhiều, là nơi chăn thả trâu bò của người dân, công tác vệ sinh chưa đảm bảo.

Ở một số nơi thực hiện xã hội hóa theo hình thức liên doanh, liên kết nhưng mới mang tính tạm thời vì còn gặp khó khăn theo quy định của pháp luật.

V. VỀ TỒN TẠI VÀ NGUYÊN NHÂN

1. Tồn tại, hạn chế.

- Nhìn chung, công tác quản lý, hoạt động tại các thiết chế văn hóa cơ sở, đặc biệt là Nhà văn hóa đa năng và sân thể thao ở cả cấp huyện, xã còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa phát huy được công năng sử dụng, làm giảm hiệu quả đầu tư, gây lãng phí.

- Tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý chưa được thực hiện một cách thống nhất. Trình độ năng lực đội ngũ cán bộ quản lý của Trung tâm Văn hóa thể thao cấp xã và thôn, tổ còn hạn chế. Nhiều nơi, cán bộ quản lý mới thực hiện nhiệm vụ trông coi. Chưa phát huy được việc quản lý, khai thác, hướng dẫn tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao.

- Việc xây dựng và nhân rộng mô hình tổ chức, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tiêu biểu để thu hút đông đảo nhân dân tham gia còn hạn chế. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nhiều nơi chưa được duy trì thường xuyên.

- Trang thiết bị, dụng cụ TDTT hầu như chưa có, đặc biệt là ở khu thể thao xã, thôn, tổ dân phố.

- Việc thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa thể thao còn nhiều vướng mắc bởi các quy định của pháp luật.

2. Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế

2.1. Nguyên nhân chủ quan

- Một số nơi cấp ủy Đảng, chính quyền cấp huyện, cấp xã chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chưa coi trọng việc triển khai thực hiện xã hội hóa.

- Chưa có cơ chế quản lý vận hành phù hợp, hệ thống trang thiết bị hoạt động văn hóa, thể thao còn thiếu nhiều;

- Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở chủ yếu là kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi, thiếu cán bộ chuyên trách để tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tại các thiết chế.

- Chưa xây dựng được cơ chế hỗ trợ mua sắm dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời tại các khu thể thao cấp huyện, cấp xã, thôn.

- Chưa triển khai thực hiện được công tác xã hội hóa theo hướng cho thuê, liên doanh, liên kết với tư nhân, doanh nghiệp ngoài công lập, nên chưa thu hút được người dân đến tham gia hoạt động.

2.2. Nguyên nhân khách quan

- Do còn vướng mắc bởi các quy định của pháp luật mà chưa được tháo gỡ như: Cơ chế thực hiện xã hội hóa theo hướng cho thuê, liên doanh, liên kết đang gặp khó khăn, vì theo quy định của pháp luật hiện nay chỉ cho phép đơn vị sự nghiệp công lập mới được thực hiện xã hội hóa. Vì vậy UBND cấp xã không có thẩm quyền làm Đề án, ký hợp đồng liên doanh, liên kết, cho cá nhân, doanh nghiệp thuê, khai thác tài sản công. Mặt khác, khi xây dựng các dự án liên doanh liên kết xã hội hóa, cấp có thẩm quyền phê duyệt là cấp tỉnh (UBND tỉnh) nên thủ tục phức tạp, khó thực hiện.

- Nhiều xã, thôn quy hoạch, xây dựng Nhà văn hóa, khu thể thao xa khu dân cư; mặt khác giữa NVH với sân thể thao phân tán, không liền kề nên không thu hút được người dân đến tham gia luyện tập.

- Kinh phí dành cho hoạt động văn hóa, thể thao còn thấp chưa đáp ứng cho việc quản lý, duy trì hoạt động văn hóa, thể thao thường xuyên; trang thiết bị dụng cụ tập luyện TDTT ngoài trời tại các điểm thể thao hầu như là chưa được đầu tư kịp thời.

3. Đánh giá chung

Có thể nói, hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cấp huyện, cấp xã, thôn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao đời sống tinh thần, thể chất của nhân dân, là cơ sở để xây dựng đời sống mới. Đây là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, thể thao cộng đồng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân về nâng cao thể lực, nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa, đông thời bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của mỗi địa phương; là nơi tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp phần quan trọng để thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Thực tế trong những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết, cơ chế chính sách để phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân trong tình hình mới. Tuy nhiên hiện nay công tác quản lý và khai thác sử dụng vẫn còn hạn chế, công tác xã hội hóa theo quy định pháp luật gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; một số nhà văn hóa xã, thôn xây dựng từ lâu, tận dụng cũ nên quy mô nhỏ hẹp, xuống cấp; trang thiết bị hoạt động không đồng bộ; không có dụng cụ hoạt động thể dục thể thao.

Từ những căn cứ pháp lý, những tồn tại bất cập nêu trên và để từng bước đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống tinh thần, thể chất của người dân; việc xây dựng và ban hành Đề án nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 là cần thiết. Sau khi Đề án được phê duyệt, các chính sách, cơ chế quản lý được ban hành, chắc chắn việc quản lý, khai thác, sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở sẽ chất lượng, hiệu quả hơn.

Phần thứ ba

MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

I. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN.

1. Mục tiêu tổng quát

Hoàn thiện đầy đủ, đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cấp huyện, cấp xã, thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh nhằm khai thác, phát huy hiệu quả hoạt động; không ngừng nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của các tầng lớp nhân dân; đồng thời góp phần thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, cổ động, phục vụ tích cực cho các nhiệm vụ chính trị, tạo nền tảng vững chắc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng nông thôn mới, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức hoạt động, khuyến khích và cho phép cá nhân, tổ chức ngoài công lập được liên doanh, liên kết đầu tư xây dựng xã hội hóa đối với các hoạt động trong thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã, thôn, thu hút và tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân thường xuyên đến sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa, luyện tập thể dục, thể thao, vui chơi giải trí, tránh lãng phí.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1 Về cơ chế quản lý

- Phấn đấu có 70% Trung tâm văn hóa, thể thao cấp huyện vận dụng thực hiện chính sách xã hội hóa theo hình thức liên doanh, liên kết trong việc đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác hoạt động văn hóa, thể thao (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp các đơn vị có liên quan ban hành hướng dẫn thực hiện).

- Phấn đấu có 60% Trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã thực hiện xã hội hóa theo hình thức liên doanh liên kết đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác công trình sân thể thao, nhà luyện tập TDTT (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp các đơn vị có liên quan ban hành hướng dẫn thực hiện).

- Từng bước chuyển đổi thiết chế văn hóa, thể thao vận hành theo cơ chế quản lý tự chủ, vận dụng cơ chế tài chính theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ;

2.2 Về Tổ chức hoạt động, thu hút người dân sinh hoạt:

a) Ở Trung tâm văn hóa, thông tin, thể thao cấp huyện

- Thực hiện đảm bảo đúng Tiêu chí quy định tại Điều 2 Thông tư 11/2010/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định tiêu chí của Trung tâm văn hóa thể thao quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.

b) Ở Trung tâm văn hóa, thông tin, thể thao cấp xã

- Thực hiện đảm bảo đúng Tiêu chí theo quy định tại Thông tư số 12/2010/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mẫu về tổ chức hoạt động và tiêu chí của Trung tâm văn hóa thể thao xã.

+ Tổ chức các hoạt động thu hút 60 - 70 % tổng số dân trên địa bàn đến sinh hoạt (khu vực miền núi 50 - 60 %), trong đó dành tối thiểu 35% thời gian sử dụng trong năm để tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em, người cao tuổi.

+ Mỗi xã, phường, thị trấn xây dựng ít nhất từ 02 - 03 mô hình Câu lạc bộ văn hóa, thể thao, gia đình và duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả.

c) Ở Nhà văn hóa, khu thể thao thôn, tổ dân phố

- Chỉ đạo thực hiện đúng Tiêu chí theo quy định tại Thông tư số 06/2011/TT-BVHTT&DL ngày 08/3/2011 quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn.

+ Tổ chức hoạt động thu hút 70 - 75% tổng số dân trên địa bàn đến sinh hoạt (khu vực miền núi là 55 - 65%) trong đó dành tối thiểu 30% thời gian sử dụng trong năm để tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em và người cao tuổi. Phấn đấu mỗi thôn, tổ dân phố thành lập được 1-2 Câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, TDTT, gia đình và duy trì hoạt động có hiệu quả.

c) Về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ;

- Hàng năm có 100% cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao, người quản lý Trung tâm văn hóa từ cấp huyện, cấp xã, thôn, tổ dân phố được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý, tổ chức các hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Về tuyên truyền, chỉ đạo thực hiện

- Tăng cường hoạt động tuyên truyền giáo dục, phổ biến, quán triệt quan điểm chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng đến đảng viên và nhân dân Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

- Tập trung tuyên truyền, phổ biến các chính sách nhằm khuyến khích, tạo điều kiện phát triển đa dạng các loại hình văn hóa, thể dục thể thao.

- Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể để xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Đưa mục tiêu phát triển văn hóa cơ sở, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao vào Nghị quyết, kế hoạch của các cấp ủy Đảng, chính quyền để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện.

2. Về tổ chức bộ máy quản lý

2.1. Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao cấp huyện

- Thực hiện theo Điều 4, Thông tư số 01/2010/TT-BVHTTDL ngày 26/02/2010 ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của tổ chức sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2.2. Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã

- Thực hiện theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 12/2010/TT-BVHTTDL ngày 22 tháng 12 năm 2010 quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã. Cụ thể:

+ Chủ nhiệm: Là Phó Chủ tịch UBND xã hoặc công chức xã phụ trách về văn hóa - xã hội. Chủ nhiệm phải có bằng tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên, được đào tạo phù hợp về chuyên ngành văn hóa, xã hội nhân văn hoặc thể dục thể thao.

+ Phó Chủ nhiệm: Do Chủ tịch UBND xã quyết định theo đề nghị của Chủ nhiệm Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã.

+ Thành viên trong Ban chủ nhiệm là cán bộ, chuyên môn, nghiệp vụ không chuyên trách, là những người đã qua đào tạo, tập huấn về văn nghệ quần chúng; hướng dẫn viên thể dục thể thao; biên tập viên, tuyên truyền viên; kẻ vẽ; thư viện, bảo tàng; kỹ thuật viên truyền thanh; những người tự nguyện, nhiệt tình, có khả năng tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn.

2.2. Tổ chức bộ máy tại Nhà văn hóa - Khu thể thao cấp thôn:

- Chỉ đạo thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 06/2011/TT- BVHTTDL ngày 08/3/2011 quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn. Cụ thể:

+ Căn cứ tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, Trưởng thôn, Bí thư chi bộ làm kiêm nhiệm hoặc tổ chức bầu chọn Chủ nhiệm hoặc Ban chủ nhiệm Nhà văn hóa - Khu thể thao.

+ Chủ nhiệm hoặc Ban chủ nhiệm Nhà văn hóa - Khu thể thao hoạt động theo nguyên tắc kiêm nhiệm, tự quản, tự trang trải từ nguồn kinh phí xã hội hóa và hỗ trợ của ngân sách xã. Có đội ngũ cộng tác viên và người hoạt động nghiệp vụ không chuyên trách.

3. Chế độ đãi ngộ:

- Chủ nhiệm và Phó chủ nhiệm Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp huyện, xã, Chủ nhiệm Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo quy định hiện hành.

- Đối với các đơn vị chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, được hưởng các chế độ về tài chính quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ.

4. Về đào tạo, bồi dưỡng và tổ chức các hoạt động

- Đa dạng hóa các loại hình Văn hóa, văn nghệ thể dục thể thao; Hàng năm xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động hàng năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

- Thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ; thể dục, thể thao quần chúng; các cuộc giao lưu, liên hoan, hội diễn văn nghệ; tổ chức giao hữu, tham gia thi đấu một số môn thể thao; duy trì hoạt động và nhân rộng các loại hình hoạt động văn hóa, thể thao tiêu biểu, Câu lạc bộ, nhóm sở thích; phát hiện bồi dưỡng năng khiếu văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao và các hoạt động vui chơi, giải trí cho thiếu niên, nhi đồng, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho người quản lý Nhà văn hóa thôn, tổ dân phố. Thực hiện đảm bảo chế độ, chính sách đối với cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao cơ sở.

5. Giải pháp về cơ chế chính sách và thực hiện xã hội hóa

Giải pháp về cơ chế chính sách: UBND tỉnh xây dựng và đề nghị HĐND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí:

1. Hỗ trợ kinh phí mua sắm, lắp đặt dụng cụ thể thao ngoài trời tại các Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã, phường, thị trấn, Nhà văn hóa, khu thể thao thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh.

2. Giải pháp về thực hiện xã hội hóa, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan, phối hợp hướng dẫn để giải quyết những khó khăn vướng mắc về pháp lý, theo hướng tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân ngoài công lập tham gia vào liên doanh, liên kết đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao như: sân bóng đá mi ni, nhà thi đấu tập luyện TDTT, bể bơi…nhằm tránh lãng phí và thu hút được đông đảo người dân đến tham gia luyện tập.

6. Nguồn kinh phí thực hiện Đề án

- Từ ngân sách nhà nước cấp tỉnh hỗ trợ và huy động các nguồn lực từ xã hội hóa.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện Đề án. Đề xuất cụ thể, chi tiết các giải pháp, lộ trình tổ chức thực hiện Đề án.

- Tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí lắp đặt các dụng cụ thể thao ngoài trời.

- Tổng kết đánh giá thực hiện Nghị quyết 75/NQ-HĐND ngày 21/12/2012 về Phát triển Thể dục thể thao quần chúng và đề xuất trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về cơ chế chính sách hỗ trợ kinh phí để duy trì hoạt động văn hóa, thể thao hàng năm cho các Trung tâm văn hóa xã, thôn, tổ dân phố.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn cơ chế quản lý thực hiện hình thức xã hội hóa trong hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao theo quy định của pháp luật đối với Trung tâm văn hóa, thể thao cấp huyện, cấp xã trong Tháng 6/2020.

- Tổ chức biên soạn, in phát hành tài liệu, hướng dẫn tổ chức thực hiện các nội dung Đề án.

- Phối hợp với Sở Nội vụ, UBND cấp huyện, thành phố tổ chức các lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ văn hóa thể thao cho cán bộ phụ trách văn hóa xã hội ở cơ sở.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đôn đốc, kiểm tra trong việc thực hiện Đề án; hàng năm có báo cáo, sơ kết và đề xuất kiến nghị với UBND tỉnh để xem xét và chỉ đạo.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ nguồn vốn đầu tư, theo nội dung của Đề án theo thẩm quyền.

- Đưa các mục tiêu của Kế hoạch này vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2025.

3. Sở Tài chính

- Chủ trì hướng dẫn thực hiện Quyết định số 11/2019/QĐ-UBND ngày 26/02/2019 quy định chế độ miễn, giảm về tiền thuê đất và giá cho thuê cơ sở hạ tầng đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, giám định tư pháp tại các đô thị trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc;

- Chủ trì, tham mưu bố trí kinh phí thực hiện các mục tiêu, cơ chế chính sách của Đề án.

4. Sở Nội vụ

- Hướng dẫn, kiểm tra việc sắp xếp bố trí đội ngũ cán bộ phụ trách văn hóa thể thao ở cơ sở.

- Hàng năm, bố trí tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ văn hóa thể thao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các huyện, thành phố.

5. Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên

- Phối hợp đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở.

- Các đoàn thể phối hợp phát huy, khai thác chức năng của thiết chế văn hóa - thể thao ở xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố thông qua việc tổ chức các hội thi văn hóa, văn nghệ; các hoạt động thể dục, thể thao...

6. UBND các huyện, thành phố

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn, triển khai thực hiện các nội dung Đề án; Nghiên cứu bổ sung quy hoạch dành quỹ đất để xây dựng Trung tâm Văn hóa -Thể thao xã và Nhà Văn hóa - Khu thể thao thôn đúng quy định, đảm bảo tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao.

- Cân đối ngân sách hàng năm của địa phương để củng cố, xây dựng, chỉnh trang, sửa chữa, nâng cấp các thiết chế văn hóa, thể thao, trang thiết bị cho các thiết chế văn hóa, thể thao, nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao cho nhân dân.

- Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ theo quy định tại Thông tư 12/2010, Thông tư 06/2011 và Thông tư 14/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mẫu về tổ chức hoạt động và tiêu chí của Trung tâm văn hóa thể thao cấp xã, thôn.

- Kiểm tra giám sát việc thực hiện các Chương trình, nghị quyết, đề án liên quan đến hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn.

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá và xây dựng báo cáo hàng năm.

Căn cứ nội dung Đề án, các Sở ngành liên quan, UBND huyện, thành phố tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện hàng năm về UBND tỉnh (qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) theo quy định./.

 





Quyết định 11/2019/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định 25/2014/QĐ-UBND Ban hành: 20/03/2019 | Cập nhật: 28/05/2019