Nghị quyết 04/2010/NQ-HĐND về Đề án thực hiện xã hội hoá một số lĩnh vực của hoạt động bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2010 - 2015 và định huớng đến năm 2020
Số hiệu: 04/2010/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi Người ký: Phạm Minh Toản
Ngày ban hành: 16/04/2010 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Môi trường, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2010/NQ-HĐND

Quảng Ngãi, ngày 16 tháng 4 năm 2010

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ ĐỀ ÁN THỰC HIỆN XÃ HỘI HOÁ MỘT SỐ LĨNH VỰC CỦA HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2010 - 2015 VÀ ĐỊNH HUỚNG ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
KHOÁ X, KỲ HỌP THỨ 23

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường;

Căn cứ Nghị định số 04/2009/NĐ-CP ngày 14/01/2009 của Chính phủ về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường;

Căn cứ Thông tư số 121/2008/TT-BTC ngày 12/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế ưu đãi và hỗ trợ tài chính đối với hoạt động đầu tư cho quản lý chất thải rắn;

Căn cứ Thông tư số 135/2008/TT-BTC ngày 31/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường;

Căn cứ Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục chi tiết loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường;

Căn cứ Quyết định số 129/2009/QĐ-TTg ngày 29/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên và môi trường”;

Căn cứ Nghị quyết số 10/2009/NQ-HĐND ngày 24/7/2009 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích thực hiện xã hội hóa thuộc lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao và môi trường của tỉnh Quảng Ngãi;

Căn cứ Nghị quyết số 12/NQ-HĐND ngày 18/9/2009 của HĐND tỉnh về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011- 2020, tầm nhìn đến năm 2025;

Trên cơ sở xem xét Tờ trình số 608/TTr-UBND ngày 08/3/2010 của UBND tỉnh về việc thông qua Đề án xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh, ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua Đề án thực hiện xã hội hoá một số lĩnh vực của hoạt động bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020 với các nội dung chính như sau:

1. Mục tiêu chung:

Huy động các nguồn lực trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư vào lĩnh vực môi trường, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Tạo điều kiện để cộng đồng được thụ hưởng các dịch vụ và tiện ích môi trường đa dạng hơn, đảm bảo chất lượng sống ngày được nâng cao.

2. Chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020:

a) Giai đoạn 2010-2015:

- 100% cơ sở sản xuất xây dựng mới phải áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường.

- Phấn đấu 30% hộ gia đình ở khu vực đô thị cũ, 80% doanh nghiệp phân loại chất thải rắn tại nguồn, 80% khu vực công cộng có thùng chứa chất thải rắn.

- Thu gom và xử lý 85-90% chất thải rắn sinh hoạt trong hoạt động sản xuất công nghiệp và dịch vụ, trên 85% các loại rác thải sinh hoạt đô thị, khu dân cư tập trung, trên 95% chất thải nguy hại.

- Trên 40% chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn được xử lý theo hướng tạo ra năng lượng, thân thiện môi trường.

- 40-50% khu đô thị cũ, 100% khu dân cư mới có nhà vệ sinh công cộng.

- Xử lý 100% chất thải y tế.

- 30 - 40% các khu đô thị cũ, 100% các khu công nghiệp, 50% các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.

- 100% khu đô thị mới có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

- Trên 95% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh, 90% trung tâm các huyện có hệ thống cấp nước tập trung, tiêu chuẩn cấp nước 120-150 lít/ người/ngày đêm.

b) Giai đoạn 2015-2020:

- Phấn đấu 50% hộ gia đình ở khu vực đô thị, 100% doanh nghiệp phân loại chất thải rắn tại nguồn, 100% khu vực công cộng có đặt thiết bị chứa chất thải rắn.

- Thu gom và xử lý trên 95% chất thải rắn sinh hoạt trong hoạt động sản xuất công nghiệp và dịch vụ, trên 95% các loại rác thải sinh hoạt đô thị và khu dân cư tập trung, 100% chất thải nguy hại.

- Trên 50% chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn được xử lý theo hướng tạo ra năng lượng, thân thiện môi trường.

- Trên 90% khu đô thị cũ có nhà vệ sinh công cộng.

- 70% các khu đô thị cũ, 100% các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.

- 100% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% trung tâm các huyện có hệ thống cấp nước tập trung, tiêu chuẩn cấp nước 120-150 lít/ người/ngày đêm.

- Triển khai thực hiện tốt các dự án xã hội hoá trồng rừng để đảm bảo đạt tỉ lệ che phủ rừng trên 50%.

3. Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện:

a) Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về xã hội hoá hoạt động bảo vệ môi trường:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường trong cộng đồng để các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp và nhân dân có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về mục tiêu công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường, nhằm huy động toàn xã hội, các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia bảo vệ môi trường góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh.

b) Cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường:

Các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động xã hội hóa về môi trường được hưởng các chính sách khuyến khích phát triển xã hội theo quy định tại Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ; Thông tư 135/2008/TT-BTC ngày 31/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ; Nghị định số 04/2009/NĐ-CP ngày 14/01/2009 của Chính phủ về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 10/2009/NQ-HĐND ngày 24/7/2009 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích thực hiện xã hội hóa thuộc lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao và môi trường của tỉnh Quảng Ngãi và các quy định khác có liên quan đến ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường.

c) Tăng cường quản lý nhà nước về xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường: Hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư nguồn lực vào lĩnh vực môi trường theo đúng quy định của Nhà nước về xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến lĩnh vực môi trường trên địa bàn. Kịp thời động viên, khen thưởng các cá nhân, tổ chức có nhiều thành tích xuất sắc, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nói chung và xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường nói riêng.

Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường từ cấp tỉnh đến cơ sở để vừa làm tốt công tác chuyên môn vừa đủ khả năng tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở thực hiện xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật.

d) Kèm theo Nghị quyết này Danh mục các dự án bảo vệ môi trường khuyến khích xã hội hoá của tỉnh. Đối với các dự án thuộc khu vực công trước hết sẽ do Nhà nước đầu tư và khuyến khích các tổ chức, cá nhân cùng tham gia đầu tư. Các dự án thuộc khu vực tư nhân thì Nhà nước khuyến khích các tổ chức, tư nhân đầu tư hoàn toàn.

Danh mục các dự án bảo vệ môi trường khuyến khích xã hội hoá sẽ được điều chỉnh, bổ sung hằng năm cho phù hợp với tình hình thực tế. Đối với dự án bố trí vốn từ ngân sách nhà nước phải thông qua HĐND tỉnh trước khi triển khai thực hiện.

Điều 2. Giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh hoàn chỉnh Đề án thực hiện xã hội hoá một số lĩnh vực của hoạt động bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020, thông qua Thường trực HĐND tỉnh trước khi ban hành và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Điều 3. Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh đôn đốc, kiểm tra và giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày thông qua.

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Khoá X, kỳ họp thứ 23 thông qua ngày 09 tháng 4 năm 2010./.

 

 

CHỦ TỊCH




Phạm Minh Toản

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG KHUYẾN KHÍCH XÃ HỘI HÓA CỦA TỈNH QUẢNG NGÃI
(Kèm theo Nghị quyết số 04/2010/NQ-HĐND ngày 16/4/2010 của HĐND tỉnh về Đề án thực hiện xã hội hoá một số lĩnh vực của hoạt động bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020)

Danh mục các dự án bảo vệ môi trường khuyến khích XHH được phân loại thực hiện theo hai khu vực: khu vực công và khu vực tư nhân.

Dự án thuộc khu vực công được hiểu là những dự án đầu tư kinh phí lớn, lâu thu hồi vốn; bức xúc về ô nhiễm môi trường cũng như tác động lớn đến sức khỏe cộng đồng. Những dự án này nhà nước đầu tư, đồng thời khuyến khích tổ chức, các nhân cùng tham gia đầu tư.

Dự án thuộc khu vực tư nhân được hiểu là những dự án có kinh phí đầu tư tương đối, có thể chia nhiều giai đoạn để đầu tư, khả năng thu hồi vốn nhanh hơn. Những dự án này tỉnh khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư hoàn toàn.

A. Các dự án thuộc khu vực công: I. Giai đoạn 2010-2015

1. Chất thải rắn:

Hệ thống lò đốt chất thải rắn y tế cho tất cả các bệnh viện, trung tâm y tế trong toàn tỉnh.

2. Nước thải:

2.1. Hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường cho tất cả các bệnh viện, trung tâm y tế trong toàn tỉnh.

2.2. Hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt cho thành phố Quảng Ngãi, thành phố

Vạn Tường.

2.3. Hệ thống xử lý nước thải tập trung cho các Khu Công nghiệp Quảng Phú, Tịnh Phong, Khu Kinh tế Dung Quất.

2.4. Xây dựng nhà vệ sinh công cộng ở khu đô thị cũ, khu dân cư mới.

II. Giai đoạn 2015-2020

1. Hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung tại các thị trấn: Châu Ổ, Sơn Tịnh, La Hà, Sông Vệ, Mộ Đức, Đức Phổ, Sa Huỳnh.

2. Hệ thống xử lý nước thải tập trung cho các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề còn lại.

3. Xây dựng nhà vệ sinh công cộng ở khu đô thị cũ.

B. Các dự án thuộc khu vực tư nhân: I. Giai đoạn 2010-2015

1. Chất thải rắn:

1.1. Xây dựng các khu xử lý chất thải rắn hợp vệ sinh tại các huyện trong tỉnh.

1.1.1. Ưu tiên đầu tư xây dựng khu chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh tại các huyện: Bình Sơn (Cỏ Huê); Sơn Tịnh (Đồng Nà); thành phố Quảng Ngãi (Nghĩa Kỳ); Mộ Đức (Đức Lân); Đức phổ (thị trấn Đức Phổ, Sa Huỳnh); Lý Sơn.

1.1.2. Khu chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh tại các huyện miền núi: Sơn Hà, Ba Tơ, Trà Bồng, Sơn Tây, Tây Trà, Minh Long.

1.2. Khu xử lý chất thải rắn tại khu vực Đồng Nà, huyện Sơn Tịnh.

1.3. Xây dựng lò đốt rác thải nguy hại tại khu vực Bình Nguyên, Bình Sơn

(Công ty cổ phần Cơ-điện-Môi trường Lilama).

1.4. Xây dựng nhà máy tái chế rác của Công ty Hoàng Long tại huyện Nghĩa Hành để xử lý rác bãi chôn lấp Nghĩa kỳ.

1.5. Xây dựng công viên nghĩa trang tại xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa (khu vực lân cận nghĩa địa Truông Ổi).

1.6. Xây dựng nhà máy xử lý rác thải với công nghệ hiện đại, quy mô lớn tại thành phố Quảng Ngãi, thành phố Vạn Tường.

2. Nước thải:

Xây dựng hệ thống xử lý nước thải vùng nuôi tôm trên cát tại huyện Mộ Đức, Đức Phổ.

3. Cung cấp nước sinh hoạt:

3.1. Xây dựng và triển khai dự án cấp nước sinh hoạt cho tất cả các trung tâm huyện lỵ, khu dân cư tại các huyện đồng bằng.

3.2. Nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước của thành phố Quảng Ngãi và một số trung tâm huyện đã có hệ thống cấp nước.

II. Giai đoạn 2015-2020

1. Chất thải rắn:

1.1. Nâng cấp, mở rộng các khu chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh ở các huyện/thành phố: Bình Sơn (Bình Nguyên; Cỏ Huê); Sơn Tịnh (Đồng Nà); thành phố Quảng Ngãi (Nghĩa Kỳ); Mộ Đức (Đức Lân); Đức Phổ (thị trấn Đức Phổ, Sa Huỳnh); Lý Sơn.

1.2. Mở rộng dịch vụ xử lý chất thải hiện có đến các lĩnh vực nông nghiệp cũng như các địa bàn vùng sâu, vùng xa.

1.3. Thực hiện phân loại rác đô thị tại thành phố Quảng Ngãi, đô thị Vạn Tường.

1.4. Xây dựng một lò hỏa thiêu phục vụ cho khu vực thành phố Quảng Ngãi và chuỗi đô thị Vạn Tường - Dốc Sỏi.

2. Nước thải:

Xây dựng hệ thống xử lý nước thải vùng nuôi tôm trên cát tại huyện Bình Sơn.

3. Cung cấp nước sinh hoạt:

Xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp tất cả các hệ thống cấp nước tập trung đảm bảo đạt tỉ lệ 100% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh./.