Nghị quyết 12/NQ-HĐND năm 2015 thông qua Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035
Số hiệu: 12/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Giang Người ký: Thân Văn Khoa
Ngày ban hành: 10/07/2015 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Công nghiệp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/NQ-HĐND

Bắc Giang, ngày 10 tháng 7 năm 2015

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA “QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐIỆN LỰC TỈNH BẮC GIANG GIAI ĐOẠN 2016-2025, CÓ XÉT ĐẾN NĂM 2035”

(Hợp phần I: Quy hoạch phát triển hệ thống điện 110Kv)

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
KHÓA XVII, KỲ HỌP THỨ 13

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực ngày 20/11/2012;

Căn cứ Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực;

Căn cứ Thông tư số 43/2013/TT-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực;

Xét đề nghị của UBND tỉnh tại Tờ trình số 81/TTr-UBND ngày 29 tháng 6 năm 2015 về việc thông qua “Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035 - Hợp phần I: Quy hoạch phát triển hệ thống điện 110kV”; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách và ý kiến thảo luận của các đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035 – Hợp phần I: Quy hoạch phát triển hệ thống điện 110kV” gồm các nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm, mục tiêu

1.1. Quan điểm

- Phát triển lưới điện truyền tải và phân phối phải gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của vùng và của từng địa phương trong vùng, đảm bảo chất lượng điện và độ tin cậy cung cấp điện ngày càng được nâng cao.

- Phát triển lưới điện truyền tải phải đồng bộ với tiến độ đưa vào vận hành các nhà máy điện để đạt được hiệu quả đầu tư chung của hệ thống điện quốc gia và khu vực; phù hợp với chiến lược phát triển ngành điện, quy hoạch phát triển điện lực và các quy hoạch khác của vùng và các địa phương trong vùng.

- Phát triển lưới điện 220kV và 110kV, hoàn thiện mạng lưới điện khu vực nhằm nâng cao độ ổn định, tin cậy cung cấp điện, giảm thiểu tổn thất điện năng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cải tạo lưới điện trung áp sang cấp điện áp 22kV và điện khí hoá nông thôn.

- Phát triển đường dây truyền tải điện có dự phòng cho phát triển lâu dài trong tương lai, sử dụng cột nhiều mạch, nhiều cấp điện áp đi chung trên một hàng cột để giảm diện tích chiếm đất. Đối với các thành phố, các trung tâm phụ tải lớn, sơ đồ lưới điện phải có độ dự trữ và tính linh hoạt cao hơn; thực hiện việc hiện đại hóa và từng bước ngầm hóa lưới điện tại các thành phố, thị trấn, hạn chế tác động xấu đến cảnh quan, môi trường.

1.2. Mục tiêu

1.2.1. Phát triển đồng bộ lưới điện truyền tải và phân phối trên địa bàn tỉnh đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang phù hợp với tốc độ tăng trưởng GDP trong giai đoạn 2016- 2020 là 10-10,5%/năm và giai đoạn 2021-2030 là 9,5-10%/năm.

1.2.2. Đảm bảo cung cấp điện an toàn, tin cậy theo đúng tiêu chí cung cấp điện N-1 “Khi 1 phần tử trên lưới điện bị sự cố, chế độ làm việc của lưới điện vẫn đảm bảo cung cấp điện an toàn và không bị cắt hay giảm tải”.

1.2.3. Xác định phương án đấu nối của các nhà máy nhiệt điện trong tỉnh vào hệ thống điện quốc gia đảm bảo khai thác hợp lý nguồn điện trong vùng và ổn định hệ thống điện khu vực.

2. Nội dung quy hoạch

2.1. Quy hoạch phát triển nguồn và lưới điện giai đoạn 2016-2025

2.1.1. Nguồn điện: Nhà máy nhiệt điện Lục Nam, công suất 100MW, đặt tại huyện Lục Nam – tỉnh Bắc Giang, dự kiến phát điện vào giai đoạn 2021-2025.

2.1.2. Lưới truyền tải 220kV:

- Xây dựng trạm 220kV Quang Châu 2x250MVA và nhánh rẽ cấp điện cho trạm.

- Xây dựng trạm 220kV Lạng Giang 250MVA và nhánh rẽ cấp điện cho trạm.

- Nâng công suất trạm 220kV Hiệp Hòa từ 1x250MVA lên 2x250MVA.

2.1.3. Lưới cao áp 110kV:

- Xây dựng mới 15 trạm biến áp với tổng công suất 626MVA: Đa Mai, Nam thành phố Bắc Giang, Yên Dũng, Xuân Phú, Quang Châu, Sông Cầu, Vân Trung, Tân Yên, Bố Hạ, Sơn Động, Yên Lư, Nhã Nam, Tân Thịnh, Lục Ngạn 2, Bắc Lũng.

- Nâng công suất 15 máy biến áp với tổng công suất 578MVA: Song Khê, Lạng Giang, Cầu Gồ, Lục Nam, Lục Ngạn, Đa Mai, Nam thành phố Bắc Giang, Yên Dũng, Quang Châu, Sông Cầu, Bố Hạ, Tân Yên, Sơn Động.

- Xây dựng mới 255,7km đường dây 110kV; Cải tạo 37km đường dây 110kV: Đồi Cốc–Lạng Giang, Bắc Giang–Lục Nam.

- Xóa bỏ 14,3km đường dây 110kV: 174 Bắc Giang – Đình Trám.

2.1.4. Lưới trung áp:

- Xây dựng mới 1.511,61km đường dây trung áp bao gồm: 458,23km đường trục và 1.053,38km đường dây nhánh rẽ; cải tạo nâng điện áp lưới trung áp và nâng tiết diện dây dẫn là 398,32km .

- Xây dựng mới 2.794 trạm biến áp với tổng dung lượng là 999.200kVA; cải tạo điện áp và nâng công suất 425 trạm với tổng dung lượng 122.125kVA.

2.2. Dự kiến tổng nguồn vốn thực hiện quy hoạch:

Tổng nhu cầu vốn đầu tư để cải tạo và phát triển lưới điện cho toàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016-2025 là 5.654,78 tỷ đồng, trong đó:

- Lưới truyền tải 220 kV: 962,74 tỷ đồng.

- Lưới phân phối cao áp 110kV: 1.574,9 tỷ đồng.

- Lưới phân phối trung áp : 2.543,12 tỷ đồng.

- Lưới phân phối hạ áp: 573,97 tỷ đồng.

- Năng lượng tái tạo: 0,05 tỷ đồng.

3. Giải pháp quản lý, thực hiện quy hoạch

3.1. Giải pháp về quản lý Nhà nước

- Căn cứ vào Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia được Chính phủ phê duyệt và quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bắc Giang được Bộ Công Thương phê duyệt, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tiến hành công bố công khai rộng rãi quy hoạch đến các tầng lớp nhân dân; định kỳ hàng năm chỉ đạo lập kế hoạch chi tiết thực hiện quy hoạch.

- Về phía ngành điện: Hàng năm có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện năm vừa qua và kế hoạch phát triển lưới điện trong năm tới với Ủy ban nhân dân tỉnh; thường xuyên phối hợp với các Sở, ngành của tỉnh và UBND các huyện, thành phố để triển khai thực hiện các công trình, dự án điện có trong quy hoạch.

3.2. Giải pháp về huy động nguồn vốn

- Ngành điện đầu tư lưới điện truyền tải, phân phối và lưới hạ áp đến các khách hàng sử dụng điện bằng nguồn vốn khấu hao cơ bản hàng năm và vốn vay.

- Đối với khách hàng ngoài là khu công nghiệp, khu du lịch, khu đô thị, khu chung cư, khu dân cư,... ngành Điện sẽ đầu tư đến chân hàng rào công trình, phần còn lại do khách hàng đầu tư.

- Đường dây ra sau công tơ cấp điện đến từng hộ do vốn đóng góp của nhân dân.

- Một phần nguồn vốn đầu tư xây dựng lưới điện hạ áp được huy động từ các nguồn vốn vay ưu đãi do UBND tỉnh làm chủ đầu tư.

- Xem xét, tranh thủ các nguồn vốn ODA, vốn tài trợ của các Tổ chức Quốc tế để thực hiện các dự án cải tạo và phát triển lưới điện tại các huyện, thành phố.

3.3. Giải pháp về quỹ đất

Tổng quỹ đất để xây dựng mới các công trình điện trên phạm vi tỉnh Bắc Giang đến năm 2025 là: 15.121.772 m2

Căn cứ vào nhu cầu sử dụng đất của quy hoạch, định kỳ 05 năm và hàng năm, các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3.4. Giải pháp kỹ thuật, công nghệ và bảo vệ môi trường

- Hệ thống các trạm biến áp, đường dây được xây dựng mới phải đạt tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định; khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện đại, an toàn.

- Đẩy mạnh áp dụng các công nghệ tiên tiến trong thi công xây dựng mới và nâng cấp, cải tạo các công trình điện trong quy hoạch nhằm nâng cao chất lượng công trình, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

- Giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện quy hoạch.

3.5. Giải pháp thực hiện lưới truyền tải, lưới phân phối: Thực hiện theo quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia và Quy hoạch phát triển Điện lực tỉnh. Các công trình cấp điện cho dân sinh và khu dân cư mới sẽ quy định dải công suất trạm biến áp phù hợp với mật độ phụ tải khu vực và mức mang tải cho phép các tuyến đường dây. Các công trình cấp điện cho khách hàng chuyên dùng thì vị trí trạm biến áp phân phối cần phải phù hợp với quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết.

Điều 2. Giao UBND tỉnh hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch trình Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt theo đúng trình tự, thủ tục quy định và tiến độ đề ra.

Nghị quyết được HĐND tỉnh khóa XVII, kỳ họp thứ 13 thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Thân Văn Khoa