Chỉ thị 05/2012/CT-UBND chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
Số hiệu: 05/2012/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng Người ký: Nguyễn Xuân Tiến
Ngày ban hành: 05/10/2012 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Khiếu nại, tố cáo, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/2012/CT-UBND

Lâm Đồng, ngày 05 tháng 10 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC TIẾP DÂN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG

Thời gian qua, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cố gắng trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân đã cơ bản được giải quyết dứt điểm, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, tình hình khiếu nại, tố cáo hiện nay vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn tồn tại, hạn chế như: một số Thủ trưởng sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh chưa chỉ đạo tổ chức tốt việc tiếp công dân, ngại tiếp dân, ngại đối thoại với dân, còn đùn đẩy trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc chưa có giải pháp cụ thể và quyết liệt để giải quyết dứt điểm các vụ việc; nhiều vụ khiếu nại, tố cáo chậm được giải quyết, hiệu quả giải quyết chưa cao; việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa thường xuyên, chặt chẽ; việc tổ chức thực hiện các quyết định có hiệu lực pháp luật còn chậm;công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, hướng dẫn thuyết phục người khiếu nại, tố cáo và công tác đối thoại, hòa giải ở cơ sở còn hạn chế.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên và triển khai thực hiện tốt Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo (có hiệu lực từ ngày 01/7/2012); Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành:

1. Thực hiện nghiêm chế độ tiếp dân theo quy định, bố trí thời gian để trực tiếp gặp gỡ và đối thoại với dân, lắng nghe dân, thực sự “gần dân, hiểu dân”. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, trách nhiệm của chính quyền; vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Coi công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của các cấp, các ngành. Thủ trưởng các cấp, các ngành có trách nhiệm tham gia hoặc ủy quyền người có thẩm quyền tham gia Hội đồng tiếp công dân theo quy định tại Quyết định số 02/2012/QĐ-UBND ngày 03/02/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế tiếp công dân.

2. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tại Thông báo kết luận số 130-TB/TW ngày 10/01/2008 của Bộ Chính trị về tình hình, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo từ năm 2006 đến nay và giải pháp trong thời gian tới; Kế hoạch 319/KH-TTCP ngày 20/2/2009; Kế hoạch số 1130/KH-TTCP ngày 10/5/2012 của Thanh tra Chính phủ về việc kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài. Ủy ban nhân dân các huyện thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc phối hợp với Thanh tra tỉnh, các sở, ban, ngành có liên quan tập trung rà soát, thống kê những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài, có kế hoạch cụ thể tập trung giải quyết dứt điểm.

Những vụ việc đã có quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu ực pháp luật hoặc những vụ việc khiếu nại, tố cáo đã có ý kiến chỉ đạo của các cơ quan Trung ương, của tỉnh, cần tập trung giải quyết khẩn trương, nghiêm túc, đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và các văn bản pháp luật có liên quan; các vụ việc mới phát sinh phải chỉ đạo giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở.

Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu vướng mắc phải chủ động tìm biện pháp giải quyết, nếu vượt quá thẩm quyền thì kịp thời xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, không được để vụ việc tồn đọng, kéo dài. Đối với các vụ việc giải quyết sai quy định của pháp luật phải khắc phục ngay nhằm khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Những tổ chức, cá nhân chưa làm tròn trách nhiệm được giao; báo cáo, tham mưu, đề xuất giải quyết khiếu nại, tố cáo không đúng bản chất vụ việc, không đúng quy định của pháp luật dẫn đến công dân khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp… thì phải bị xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

3. Nắm chắc tình hình, chủ động giải quyết kịp thời đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo; xác định nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo để có biện pháp chấn chỉnh những yếu kém trong quản lý, xử lý cán bộ có sai phạm, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh những bất cập của chính sách, pháp luật.

Trong quá trình giải quyết cần làm rõ nguyên nhân phát sinh các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài; mời Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội, Luật sư tham gia giải quyết; tổ chức đối thoại công khai, xem xét đầy đủ các khía cạnh và thực tế của vụ việc; qua đó vận dụng đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, vận động, pháp luật, hành chính, kinh tế để giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo. Trường hợp người khiếu nại có hoàn cảnh khó khăn thì xem xét, vận dụng chính sách xã hội để có biện pháp giúp đỡ người dân ổn định cuộc sống. Phải công khai nội dung, quá trình và kết quả giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo bằng các hình thức phù hợp theo quy định của pháp luật khiếu nại, tố cáo, kể cả trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin hoặc trang thông tin điện tử.

4. Khẩn trương chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém trong quản lý Nhà nước, nhất là trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư, xây dựng; ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật, nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo. Trong công tác quản lý đất đai, chú trọng làm tốt công tác lập, xét duyệt và triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc thu hồi đất, lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải dân chủ, công khai, đúng chính sách, pháp luật, sát thực tế, nhất là đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất. Trong quá trình thực hiện cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, đồng thuận, tự giác chấp hành. Trường hợp buộc phải cưỡng chế thì có phương án chặt chẽ, đúng pháp luật, bảo đảm an toàn báo cáo xin ý kiến Thường trực cấp uỷ trước khi thực hiện; tuyệt đối không sử dụng vũ khí và lực lượng quân đội trong việc tổ chức cưỡng chế.

5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc, chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm việc tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật; nắm chắc diễn biến tình hình tại cơ sở, áp dụng các biện pháp kiên quyết, cần thiết, không để công dân khiếu kiện đông người, vượt cấp. Trường hợp xẩy ra tình trạng công dân đi khiếu kiện vượt cấp thì có trách nhiệm hướng dẫn, giải thích đưa công dân về địa phương để giải quyết theo quy định và phải kiểm điểm trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về việc không chấp hành hoặc chậm thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

6. Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc cấp sở, và Chủ tịch các xã, phường, thị trấn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để sớm đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những nội dung không còn phù hợp hoặc trái với quy định hiện hành của Nhà nước.

7. Văn phòng UBND tỉnh chủ trì phối hợp với Thanh tra tỉnh chủ động nắm tình hình những trường hợp công dân trong tỉnh tập trung khiếu nại, tố cáo đông người ở tỉnh và ở các cơ quan Trung ương; kịp thời báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo xử lý, không để công dân tập trung gây mất an ninh, trật tự công cộng, nhất là trước và trong thời gian diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng.

8. Giao Thanh tra tỉnh:

a) Chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật khiếu nại, tố cáo cho người dân. Tổ chức tập huấn và triển khai thực hiện Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo có hiệu lực từ ngày 01/7/2012.

b) Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng rà soát, lên danh sách các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, bức xúc, kéo dài, đông người để phân loại xử lý như sau:

- Đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết đúng pháp luật, có lý, có tình, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người khiếu nại, tố cáo nhưng vẫn cố tình khiếu kiện kéo dài, đưa ra những yêu cầu không phù hợp với pháp luật, không có cơ sở để giải quyết… thì phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền có văn bản trả lời, chấm dứt việc giải quyết, đồng thời thông báo trên các phương tiện truyền thông.

- Đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết nhưng người khiếu nại, tố cáo vẫn tiếp tục khiếu kiện kéo dài, gay gắt, bức xúc thì chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc kiểm tra, rà soát nội dung vụ việc. Trong quá trình kiểm tra, kết luận, giải quyết cần vận dụng đầy đủ những quy định của chính sách, pháp luật, tính hợp lý và thực tế của vụ việc để có biện pháp giải quyết có lý, có tình và có tính khả thi trong tổ chức thực hiện, nhằm chấm dứt khiếu kiện.

- Đối với những vụ việc khiếu nại, tố cáo đã có văn bản chỉ đạo giải quyết của các cơ quan Trung ương, của tỉnh nhưng chưa được cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện, hoặc thực hiện chưa đúng, chưa đầy đủ, hoặc có khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, thì chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, đôn đốc giải quyết dứt điểm, không để kéo dài.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm Thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung vào những địa bàn trọng điểm có nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo hoặc người có thẩm quyền có biểu hiện thiếu trách nhiệm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý nghiêm minh đối với những cá nhân, tổ chức có sai phạm.

9. Giao Công an tỉnh:

a) Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và Công an các huyện, thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc phối hợp với các cơ quan chức năng nắm chắc diễn biến tình hình các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp để tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền có biện pháp xử lý, không để công dân khiếu kiện vượt cấp.

b) Đối với những vụ việc khiếu kiện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã xem xét giải quyết đúng chính sách pháp luật, có lý, có tình nhưng người khiếu nại vẫn không chấp hành, cố tình khiếu kiện kéo dài, lợi dụng quyền khiếu kiện để lôi kéo, xúi giục, kích động nhân dân đi khiếu kiện, có hành vi gây rối trật tự công cộng, xúc phạm, chống người thi hành công vụ hoặc tiếp tay cho các thế lực thù địch và một số phần tử cơ hội chính trị chống phá Đảng và Nhà nước thì ngoài việc tăng cường giáo dục, thuyết phục, phải có biện pháp đấu tranh ngăn chặn, phân hoá, củng cố hồ sơ, chứng cứ để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình xử lý những đối tượng này cần phối hợp với chính quyền, đoàn thể ở địa phương để công khai trên các phương tiện truyền thông và ở nơi người đó cư trú để tranh thủ sự đồng tình của dư luận quần chúng nhân dân, không để các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc, vu cáo về dân chủ, nhân quyền.

10. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Tăng cường kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai; việc giao đất, thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất phải theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật về đất đai.

b) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Bảng giá đất hàng năm đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của cấp có thẩm quyền để làm cơ sở chi trả tiền bồi thường cho đối tượng có đất bị thu hồi khi thực hiện các chương trình, dự án.

12. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và Hội Nông dân cấp huyện, xã tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; thực hiện tốt Nghị quyết Liên tịch số 813/2008/NQLT-TTCP-BTTUBTƯMTTQVN - TƯHNDVN ngày 13/5/2008 giữa Thanh tra Chính phủ, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội nông dân Việt Nam, về việc ban hành Quy chế phối hợp giữa Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân cùng cấp trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc nghiêm túc triển khai thực hiện. Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 12/2007/CT-UBND ngày 24/8/2007 của UBND tỉnh và có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Tiến

 





Quyết định 02/2012/QĐ-UBND bãi bỏ văn bản của quận 3 Ban hành: 14/12/2012 | Cập nhật: 22/03/2013