Quyết định 625/QĐ-UBND năm 2012 về Quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011 - 2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định ban hành
Số hiệu: 625/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định Người ký: Mai Thanh Thắng
Ngày ban hành: 14/11/2012 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Chính sách xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 625/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 14 tháng 11 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG MẠI DÂM GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 10/2012/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 19/01/2012 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011 - 2015;

Xét đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 111/TTr-SLĐTBXH ngày 27/9/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011 - 2015.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Mai Thanh Thắng

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG MẠI DÂM GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 625/QĐ-UBND ngày 14/11/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đối tượng và phạm vi áp dụng:

Quyết định này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân sử dụng nguồn vốn sự nghiệp từ ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011 - 2015.

2. Nguồn kinh phí thực hiện:

Ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm của các bộ, ngành, địa phương theo phân cấp quản lý của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật. Cụ thể: Ngân sách Trung ương hỗ trợ, ngân sách địa phương bố trí hàng năm và các nguồn tài chính hợp pháp khác để thực hiện Chương trình.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Nội dung và mức chi của Chương trình:

Để đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch và nhiệm vụ phòng, chống tệ nạn mại dâm ở địa phương theo Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011 - 2015; UBND tỉnh phê duyệt các mức chi như sau:

a. Chi hỗ trợ cho các hoạt động truyền thông về phòng, chống tệ nạn mại dâm tại xã, phường, thị trấn:

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ tài liệu, sách báo để nhân viên Đài Truyền thanh xã, phường, thị trấn thực hiện truyền thông ở địa phương về lĩnh vực phòng, chống tệ nạn mại dâm.

- Truyền thanh tại xã, phường, thị trấn (biên tập, phát thanh). Mức chi biên tập 75.000 đồng/trang 350 từ; bồi dưỡng phát thanh viên 15.000 đồng/lần (sử dụng kinh phí hỗ trợ xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh hàng năm để chi).

- Làm mới, sửa chữa pa nô, áp phích, khẩu hiệu để tuyên truyền. Mức chi và thanh toán theo đề nghị thực tế của đơn vị.

b. Chi thiết lập mạng lưới cán bộ, cộng tác viên truyền thông về phòng, chống tệ nạn mại dâm cho những xã, phường, thị trấn trọng điểm, bao gồm:

- Chi thù lao cho cán bộ, cộng tác viên ở xã, phường, thị trấn hàng năm hợp đồng trách nhiệm với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm nhiệm vụ cộng tác viên truyền thông về phòng, chống tệ nạn mại dâm và phối hợp với Công an, Y tế cấp xã quản lý, giáo dục, tổ chức cai nghiện ma tuý tại gia đình và cộng đồng cho người nghiện ma tuý ở địa bàn trọng điểm tệ nạn mại dâm, ma tuý. Mức chi thù lao trách nhiệm thực hiện theo hệ số 0,4 nhân với lương tối thiểu tại thời điểm/người/tháng.

- Chi tiền tàu xe và tiền ngủ qua đêm cho cán bộ, cộng tác viên truyền thông ở xã, phường, thị trấn đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội họp giao ban, trực báo hàng tháng. Mức chi do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lập kế hoạch chi và thanh toán theo thực tế.

c. Chi hỗ trợ xây dựng thí điểm mô hình phòng ngừa, trợ giúp làm giảm tổn thương, phòng, chống lây nhiễm HIV tại cộng đồng; mô hình cơ sở hỗ trợ người bán dâm tái hoà nhập cộng đồng. Mức hỗ trợ không quá 20 triệu đồng/mô hình/lần. Danh sách xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình thí điểm được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.

Xem xét hỗ trợ người ở địa phương bán dâm, nay đã hoàn lương hoà nhập cộng đồng, nhưng hoàn cảnh kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, giúp đỡ họ để ổn định cuộc sống, chống tái phạm. Mức hỗ trợ 05 triệu đồng/người/lần. Danh sách đề nghị hỗ trợ được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.

d. Chi hỗ trợ hoạt động xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm; phòng ngừa và giảm thiểu tác hại liên quan đến tệ nạn mại dâm đối với đời sống xã hội. Mức hỗ trợ không quá 05 triệu đồng/xã, phường, thị trấn/năm.

2. Điều chỉnh, sửa đổi một số mức chi phù hợp của Chương trình:

Ngoài nội dung và mức chi ở phần 1 nêu trên, điều chỉnh, sửa đổi một số mức chi phù hợp của Chương trình và Thông tư liên tịch số 10/2012/TTLT-BTC-BLĐTBXH , thuận tiện cho việc chi phí và quyết toán, như sau:

a. Chi hỗ trợ công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, triệt phá ổ nhóm hoạt động mại dâm cho Đội kiểm tra liên ngành ngành 178 tỉnh, thành phố và các huyện, thị xã:

- Chi chế độ công tác phí:

Nội dung và mức chi thực hiện theo Quyết định số 486/QĐ-UBND ngày 02/11/2010 của UBND tỉnh hoặc Thông tư số 97/2010/TT-BTC. Ngoài chế độ công tác phí, trong những ngày đi kiểm tra, thanh tra, điều tra, triệt phá ổ nhóm hoạt động mại dâm được bồi dưỡng 100.000 đồng/người/ngày.

- Chi chế độ làm đêm, thêm giờ:

+ Mức chi đi kiểm tra làm vào ban đêm, thêm giờ (tính từ 21 - 23 giờ/đêm) là: 45.000 đồng/người/giờ x 3 giờ/đêm = 135.000 đồng/người/đêm (thực hiện theo chế độ quy định tại Thông tư số 08/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 5/01/2005 của Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính)

+ Chi phí xăng cho ô tô hoặc mô tô, xe máy đi kiểm tra, thanh tra:

* Mức chi xăng cho ô tô thực hiện theo Quyết định số 08/QĐ-UBND ngày 07/01/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc quy định tạm thời mức tiêu hao nhiên liệu xe ô tô; Công văn số 473/UBND-TC ngày 20/02/2008 của UBND tỉnh về việc áp dụng và soát xét định mức tiêu hao nhiên liệu xe ô tô con.

* Mức chi xăng cho mô tô, xe máy của cá nhân đi kiểm tra, thanh tra làm việc vào ban ngày tính 8 giờ/ngày là: 03 lít xăng/ngày/xe; làm việc vào ban đêm tính 3 giờ/đêm là: 1,5 lít xăng/đêm/xe và thanh toán tiền xăng theo giá thị trường tại thời điểm.

b. Chi phụ cấp trách nhiệm cho Ban chỉ đạo, Thư ký và Tổ giúp việc cho Ban chỉ đạo phòng, chống tệ nạn mại dâm thực hiện việc kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình hoạt động và chỉ đạo thực hiện Chương trình, như sau:

- Chi phụ cấp trách nhiệm cho Ban chỉ đạo và Thư ký với hệ số 0,4 nhân với lương tối thiểu tại thời điểm/người/tháng.

- Chi phụ cấp trách nhiệm Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo với hệ số 0,2 nhân với lương tối thiểu tại thời điểm/người/tháng.

c. Chi phí Tổ công tác xuống cơ sở điều tra, khảo sát hoặc kiểm tra và thâm nhập thực tế, nắm bắt tình hình hoạt động mại dâm ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ như: khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, điểm massage, kraoke... có biểu hiện hoạt động mại dâm, như sau:

- Mức chi đi kiểm tra, thâm nhập thực tế làm vào ban đêm, thêm giờ (tính từ 21 - 23 giờ/đêm) là: 35.000 đồng/người/giờ x 3 giờ/đêm = 105.000 đồng/người/đêm. Thực hiện theo chế độ quy định tại Thông tư số 08/2005/TTLT-BNV-BTC .

- Mức chi xăng cho mô tô, xe máy của cá nhân đi thâm nhập làm đêm các phường nội thành Quy Nhơn: 1,5 lít xăng/đêm/xe; các xã, phường, thị trấn ở các huyện, thị xã: 03 lít xăng/đêm/xe và thanh toán tiền xăng theo giá thị trường tại thời điểm.

- Chi bồi dưỡng Tổ công tác đi kiểm tra thâm nhập thực tế làm vào ban đêm, thêm giờ (từ 21 - 23 giờ/đêm). Mức chi 50.000, đồng/người/đêm.

Ngoài các nội dung chi và mức chi theo quy định của phần 1 và phần 2 nêu trên; các nội dung khác còn lại thực hiện theo quy định của Thông tư liên tịch số 10/2012/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 19/01/2012 của liên Bộ: Tài chính - Bộ Lao động - TB&XH và các quy định hiện hành của nhà nước.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN:

1. Nguồn kinh phí Trung ương:

Kinh phí hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương trọng điểm về tệ nạn mại dâm nhưng chưa tự cân đối được ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Quyết định số 679/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011 - 2015.

2. Nguồn kinh phí địa phương:

Kinh phí từ nguồn chi đảm bảo xã hội theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành. Hàng năm, cùng với thời gian lập dự toán ngân sách địa phương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ được giao trong công tác phòng, chống mại dâm lập dự toán kinh phí thực hiện Chương trình gửi Sở Tài chính để tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ được giao trong công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm lập kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện Chương trình gửi Phòng Tài chính để tổng hợp trình UBND huyện, thị xã, thành phố phê duyệt theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật.

3. Quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí:

Các nguồn kinh phí của địa phương và kinh phí của Trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình được quản lý, sử dụng và quyết toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Cơ quan, đơn vị sử dụng kinh phí của địa phương và kinh phí của Trung ương phải mở sổ sách kế toán để ghi chép, hạch toán và quyết toán các nguồn kinh phí theo quy định của chế độ kế toán hành chính sự nghiệp.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành, hội, đoàn thể liên quan; UBND huyện, thị xã, thành phố xây dựng dự toán kinh phí chi đảm bảo xã hội để thực hiện Chương trình hàng năm. Lập kế hoạch để thực hiện các nội dung và mức chi theo quy định này và gửi Sở Tài chính theo dõi, giám sát kế hoạch chi; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các đơn vị, địa phương thực hiện quản lý và sử dụng kinh phí đúng quy định.

2. Sở Tài chính có trách nhiệm cân đối, bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách chi đảm bảo xã hội hàng năm theo phân cấp quản lý, để tổ chức thực hiện đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.