Quyết định 486/QĐ-UBND năm 2009 phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng trong nhóm kim loại bao gồm: Antimon, Bauxít, Thuỷ ngân, Arsen, Vàng, Thiếc và Vonfram trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2009 -2015, có xét đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên ban hành
Số hiệu: 486/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thái Nguyên Người ký: Hoàng Quốc Vượng
Ngày ban hành: 09/03/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài nguyên, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 486/QĐ-UBND

Thái Nguyên, ngày 9 tháng 03 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH THĂM DÒ, KHAI THÁC, CHẾ BIẾN VÀ SỬ DỤNG QUẶNG TRONG NHÓM KIM LOẠI BAO GỒM: ANTIMON, BAUXÍT, THUỶ NGÂN, ARSEN, VÀNG, THIẾC VÀ VONFRAM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN GIAI ĐOẠN 2009 -2015, CÓ XÉT ĐẾN NĂM 2020

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 20/3/1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản ngày 14/6/2005;
Căn cứ Nghị định 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản;
Căn cứ Nghị quyết số 30/2008/NQ-HĐND ngày 09/12/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên thông qua Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng trong nhóm kim loại bao gồm: Antimon, Bauxít, Thuỷ ngân, Arsen, Vàng, Thiếc và Vonfram trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2009 -2015, có xét đến năm 2020;
Theo đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 24/TTr-SCT ngày 16/01/2009 đề nghị phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng trong nhóm kim loại bao gồm: Antimon, Bauxít, Thuỷ ngân, Arsen, Vàng, Thiếc và Vonfram trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2009 -2015, có xét đến năm 2020
,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng trong nhóm kim loại bao gồm: Antimon, Bauxít, Thuỷ ngân, Arsen, Vàng, Thiếc và Vonfram trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2009 -2015, có xét đến năm 2020, với những nội dung chính như sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU CỦA QUY HOẠCH.

1. Quan điểm quy hoạch

- Quặng trong nhóm kim loại là nguồn tài nguyên quan trọng của tỉnh cần được thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng một cách hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả, không gây cạn kiệt tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái và bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội tại các địa bàn có quặng trong nhóm kim loại.

- Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng trong nhóm kim loại là cơ sở để tổ chức đánh giá lại trữ lượng tài nguyên quặng trong nhóm kim loại, hoạch định khâu khai thác chế biến phát triển phù hợp với ngành luyện kim; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp và của nhân dân vùng có quặng.

- Xây dựng và phát triển công nghiệp khai thác, chế biến và sử dụng quặng trong nhóm kim loại với công nghệ thiết bị hiện đại để tận thu tối đa tài nguyên khoáng sản, đảm bảo phát triển bền vững và phù hợp phát triển KTXH của tỉnh.

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân có tiềm lực kinh tế, nhân lực trình độ cao... và kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động khoáng sản đầu tư thăm dò, khai thác, chế biến, luyện kim các loại quặng trong nhóm kim loại trên địa bàn tỉnh (trừ đầu tư mới cơ sở luyện kim Thiếc và Antimon kim loại), trên cở sở chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về hoạt động khoáng sản, đóng góp đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước, với địa phương.

2. Mục tiêu quy hoạch.

- Công tác quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng trong nhóm kim loại cần phải đáp ứng nhu cầu nguyên liệu quặng trong nhóm kim loại cho ngành luyện kim trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và phù hợp với quy hoạch chung của cả nước.

- Xác định cụ thể các vùng: thăm dò, khai thác, chế biến, các vùng: cấm, hạn chế và đấu thầu đối với hoạt động khoáng sản trong nhóm kim loại, để đảm bảo cho hoạt động khoáng sản thực hiện đúng quy định của pháp luật.

- Tăng trưởng GTSXCN ngành khai thác quặng trong nhóm kim loại giai đoạn 2006-2010: 27,4%/năm; giai đoạn 2011-2015 là: 35%/năm.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN.

1. Quy hoạch thăm dò quặng trong nhóm kim loại:

* Giai đoạn 2009-2015: Các mỏ đưa vào điều tra, thăm dò:

- Antimon: 3 điểm mỏ xã Văn lăng (Đồng Hỷ); Đồng Nghè (Phú Lương);

- Bauxít: Bình Long, La Chế (Võ Nhai);

- Thuỷ ngân: Lân Dần, Khắc Kiệm, Sảng Mộc (Võ Nhai) và Tân Lập (Đồng Hỷ);

- Thiếc: La Bằng, Tây Núi Pháo, Yên Lãng (Đại Từ);

- Vonfram: Đá Liền (Đại Từ) phần diện tích còn lại khoảng 44,7Km2;

- Vàng: Trại Cau-Hoan, La Bùng-La Chanh, vân Hán-Làng Đẩu, Thác Lạc-Hoà Bình (Đồng Hỷ); Xóm Bìa (Phổ Yên), Tràng Định (Võ Nhai);

* Giai đoạn 2016- 2020: Các mỏ đưa vào điều tra, thăm dò:

- Arsen: Rừng Vầu, Suối Đan Sen (Đại Từ);

- Bauxít: Sa Lung và Thượng Nung (Võ Nhai);

- Vàng: Đèo Nứa, 3 điểm mỏ xã Thành Công - Phúc Thuận (Phổ Yên), Khe Hoặc (Đồng Hỷ); và tiếp tục điều tra, thăm dò các mỏ mới phát hiện trong nhóm kim loại.

2. Quy hoạch khai thác quặng trong nhóm kim loại

* Giai đoạn 2009-2015: Các mỏ đưa vào khai thác:

- Antimon: 3 điểm mỏ xã Văn Lăng (Đồng Hỷ); Đồng Nghè (Phú Lương).

- Thuỷ ngân: Lân Dần, Khắc Kiệm, Thần Sa (Võ Nhai);

- Thiếc: La Bằng, Tây Núi Pháo, Yên Lãng, Phục Linh (Đại Từ);

- Vonfram: Đá Liền (Đại Từ) diện tích 9,211Km2 và phần diện tích còn lại khoảng 44,7Km2 nếu kết quả thăm dò khả quan.

- Vàng: Bãi Vàng, Suối Găng, Ngàn Me, La Bùng-La Chanh (Đồng Hỷ), Xóm Bìa (Phổ Yên), Đá Mài, Khau Âu, Khắc Kiệm-Bản Ná (Võ Nhai).

* Giai đoạn 2016- 2020: Các mỏ đưa vào khai thác:

- Bauxít: Bình Long, La Chế, Nà Đông, Sa Lung, Thượng Nung.

- Thuỷ ngân: Sảng Mộc, Tân Lập;

- Vàng: Trại Cau-Hoan, Hoà Khuê-Đoàn Kết, Vân Hán-Làng Đẩu, Thác Lạc Khe Hoặc, Làng Nhâu, Tràng Định, Đèo Nứa, 3 mỏ xã Thành Công-Phúc Thuận;

* Các khu vực khai thác tận thu: “Khai thác tận thu được thực hiện đối với khoáng sản còn lại ở mỏ đã có quyết định đóng cửa mỏ để thanh lý hoặc bãi thải trong khai thác, chế biến của mỏ đã có quyết định đóng cửa mỏ”(1), có thể xem xét cấp giấy phép khai thác tận thu đối với các mỏ đó đủ điều kiện cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu.

3. Quy hoạch chế biến và sử dụng quặng trong nhóm kim loại

- Tiếp tục đầu tư chiều sâu đổi mới thiết bị công nghệ các dây chuyền tuyển và luyện thiếc hiện có để đảm bảo sản lượng sản xuất Thiếc kim loại 99,95%Sn là 500 tấn /năm vào năm 2010 và 1.000 tấn /năm sau năm 2015.

- Hoàn chỉnh dây chuyền tuyển rửa quặng và luyện kim Antimon tại cụm công nghiệp Trúc Mai, huyện Võ Nhai công suất: 2.000 tấn Antimon kim loại/năm.

- Tiếp tục đầu tư nhà máy chế biến sâu tinh quặng đa kim núi Pháo với công suất khoảng 6.000 đến 8.000 tấn WO3/năm. Vốn đầu tư cho chế biến sâu giai đoạn 2009-2020 khoảng 3.600 tỷ đồng.

- Đầu tư 02 xưởng tuyển, chế biến sâu quặng Vàng với công suất khoảng 50 Kg vàng 99,99%/năm tại mỏ: Khau Âu và Đá Mài (Võ Nhai); 2 xưởng tuyển chế biến sâu quặng Vàng sa khoáng với công suất khoảng 110Kg vàng 99,99%/năm tại mỏ: Khắc Kiệm, Bản Ná (Võ Nhai).

- Đầu tư 01 xưởng tuyển, chế biến sâu quặng Thuỷ ngân với công suất khoảng 30 tấn Hg/năm tại CCN Trúc Mai, Võ Nhai;

4. Vốn đầu tư.

Tổng vốn đầu tư cho cả giai đoạn 2009-2020: 8.847,5 tỷ đồng chia ra:

- Vốn đầu tư cho công tác thăm dò quặng trong nhóm kim loại: 16,5 tỷ.

- Vốn đầu tư cho hoạt động khai thác quặng trong nhóm kim loại: 4.927 tỷ.

- Vốn đầu tư cho hoạt động chế biến quặng trong nhóm kim loại: 3.904 tỷ.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN.

1. Giải pháp về hạ tầng cơ sở

- Gắn quy hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp khai thác và chế biến quặng trong nhóm kim loại trên địa bàn tỉnh với quy hoạch các ngành có liên quan của tỉnh.

- Tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng hiện có phục vụ cho công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác và chế biến.

2. Giải pháp về vốn

- Huy động vốn từ các nguồn: vay tín dụng; tư nhân, hỗn hợp, cổ phần, FDI... để đầu tư vào khâu thăm dò, khai thác, chế biến sâu quặng trong nhúm kim loại

- Lựa chọn phương án đầu tư hợp lý, có trọng điểm vào các mỏ phù hợp với quy hoạch này và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

3. Giải pháp về nguồn nhân lực

- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản. Thu hút cán bộ, công nhân có chuyên môn, kỹ thuật cao.

- Ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương, lao động trong các hộ bị ảnh hưởng và các hộ trong diện di dời tái định cư bởi hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản.

- Hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn cho công nhân trong ngành khai thác, chế biến khoáng sản theo qui chế hiện hành của tỉnh.

4. Giải pháp về kỹ thuật và công nghệ

- Sử dụng công nghệ và thiết bị trong nước để khai thác và tuyển rửa quặng, chỉ nhập một số thiết bị nước ngoài có chất lượng nổi trội hẳn và đặc thù riêng đối với từng loại quặng trong nhúm kim loại;

- Có phương án đầu tư, cải tạo nâng cao hiệu quả sản xuất với phương châm: Công nghệ kỹ thuật tiên tiến trên cơ sở tận dụng thiết bị, công nghệ đang có; đầu tư vào những khâu then chốt, quan trọng. Đối với các cơ sở luyện kim đầu tư mới phải lựa chọn công nghệ kỹ thuật tiên tiến hiện đại trên thế giới.

5. Giải pháp bảo vệ môi trường và sinh thái.

- Các dự án khai thác, chế biến, luyện kim nhóm kim loại phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường. Thực hiện nghiêm và triệt để các giải pháp bảo vệ môi trường từ khâu lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các dự án khai thác, chế biến khoáng sản.

- Thực hiện tốt đề án bảo vệ môi trường.

6. Giải pháp quản lý Nhà nước về tài nguyên, khoáng sản

- Thực hiện nghiêm túc Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tại Thông báo số 96-TB/TU ngày 23/8/2006; Đề án quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2006-2010; các quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh về lựa chọn nhà đầu tư, về trình tự thủ tục lập, thẩm định và tổ chức thực hiện dự án đầu tư khai thác, chế biến sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

- Tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về hoạt động khoáng sản.

- Xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản qui phạm pháp luật về hoạt động khoáng sản thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh theo đúng qui định của pháp luật.

- Nâng cao vai trò và trách nhiệm tham mưu, đề xuất, thẩm định của Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường trong quản lý hoạt động khoáng sản. Tăng cường sự phối hợp quản lý của các ngành, các cấp về tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác.

- Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo quản lý tài nguyên khoáng sản tỉnh. Xác định rõ vai trò trách nhiệm của các đội quản lý liên ngành về khoáng sản. Tăng cường biên chế, cơ cấu tổ chức, trang bị điều kiện làm việc cho hệ thống quản lý nhà nước về các hoạt động khoáng sản đến cấp huyện.

- Chỉ cấp giấy phép thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản cho những đơn vị có: Năng lực tài chính; thiết bị công nghệ tiên tiến; đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý chuyên ngành được đào tạo cơ bản, kinh nghiệm trong hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; dự án đầu tư khả thi, hiệu quả, được thẩm định phê duyệt theo quy định của pháp luật; cam kết và thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ môi trường và các nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước và bảo đảm quyền lợi của người dân, thực hiện nghĩa vụ với địa phương nơi có hoạt động khoáng sản. Khuyến khích các dự án chế biến sâu khoáng sản và luyện kim (riêng sản xuất Thiếc, Antimon kim loại thì không cho đầu tư mới, vì năng lực sản xuất đã quá mất cân đối so với nguồn nguyên liệu của tỉnh).

- Định kỳ 6 thỏng, 1năm tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên ngành hoạt động khoáng sản, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý triệt để các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản.

7. Bảo vệ quyền lợi người dân, địa phương nơi có hoạt động khoáng sản:

Thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về đảm bảo quyền lợi của người dân và địa phương tại vùng có quặng trong nhóm kim loại. Đối với những khu vực mỏ phải di dân tái định cư ngoài việc đền bù theo quy định hiện hành, các nhà đầu tư phải có phương án hỗ trợ tạo công ăn việc làm, ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân khu vực tái định cư, nhất là các mỏ có diện tích khai thác lớn như: Đá Liền, Tây núi Pháo..., có trách nhiệm hỗ trợ, đóng góp với địa phương trong tu sửa, xây mới cơ sở hạ tầng như: Hệ thống giao thông, điện, nước...

Điều 2. Quy hoạch này và các quy định pháp luật liên quan khác là cơ sở điều chỉnh mọi hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng trong nhóm kim loại trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nếu có những vấn đề phát sinh, vướng mắc, các Sở, Ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã kịp thời báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh để trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, bổ sung, điều chỉnh.

Điều 3. Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành có liên quan công bố, hướng dẫn triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh nội dung Quy hoạch này.

Điều 4. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Lao động Thương binh và Xã hội; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; Thủ trưởng các đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hoàng Quốc Vượng