Quyết định 430/QĐ-UBND năm 2009 phê duyệt rà soát, bổ sung quy hoạch vùng nguyên liệu mía đường Lam Sơn đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020
Số hiệu: 430/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa Người ký: Trịnh Văn Chiến
Ngày ban hành: 12/02/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 430/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 12 tháng 02 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT RÀ SOÁT, BỔ SUNG QUY HOẠCH VÙNG NGUYÊN LIỆU MÍA ĐƯỜNG LAM SƠN ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH UBND TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND các cấp ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/09/2006 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Thông tư số 01/2007/TT-BKH ngày 07/02/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006;

Căn cứ Quyết định số 24/2002/QĐ-TTg ngày 01/02/2002 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2000-2010; Quyết định số 150/2005/QĐ-TTg ngày 20/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản cả nước đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020; Quyết định số 26/2007/QĐ-TTg ngày 15/02/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển mía đường đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 1190/QĐ-UBND ngày 23/04/2007 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2015 và định hướng 2020; Quyết định số 81/QĐ-UBND ngày 08/01/2007 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc lập Đề án quy hoạch rà soát, bổ sung vùng cây công nghiệp tập trung đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 01/HĐTĐ ngày 20/01/2009 về việc đề nghị phê duyệt kết quả rà soát, bổ sung quy hoạch vùng nguyên liệu mía đường Lam Sơn đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; kèm theo Biên bản ngày 07/10/2008 của Hội đồng thẩm định kết quả rà soát, bổ sung quy hoạch vùng nguyên liệu mía đường Lam Sơn đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và ý kiến của các sở: Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 1868/SKHĐT-KTNN ngày 05/12/2008, Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 3585/STNMT-ĐKTK ngày 18/12/2008 về việc đề nghị UBND tỉnh phê duyệt kết quả rà soát, bổ sung quy hoạch vùng nguyên liệu mía đường Lam Sơn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kết quả rà soát, bổ sung quy hoạch vùng nguyên liệu mía đường Lam Sơn đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, với các nội dung chính như sau:

I. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

1. Phát triển vùng nguyên liệu mía đường Lam Sơn phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; không chồng lấn lên diện tích đã quy hoạch trồng các loại cây trồng khác.

2. Khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của vùng trung du, miền núi phía Tây của tỉnh; xây dựng vùng cây nguyên liệu tập trung, quy mô lớn, ổn định, sản xuất hàng hóa, tăng giá trị, hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho các hộ trồng mía và đáp ứng nguyên liệu cho nhà máy chế biến đường.

3. Không quy hoạch diện tích đất 2 lúa sang trồng mía; từng bước giảm dần diện tích trồng mía, trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ giống và áp dụng quy trình, kỹ thuật thâm canh cao vào sản xuất, nhằm đạt năng suất, chất lượng cao, hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho nhà máy chế biến.

4. Kế thừa và cơ bản ổn định vùng nguyên liệu mía đã có; chỉ bổ sung, điều chỉnh những diện tích không còn phù hợp, hiệu quả kinh tế thấp; điều chỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu mía phải đảm bảo tính hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái; gắn phát triển vùng mía với củng cố quan hệ sản xuất, tạo mối liên kết cùng có lợi giữa người sản xuất nguyên liệu mía với nhà máy chế biến; góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

III. MỤC TIÊU QUY HOẠCH

1. Mục tiêu đến năm 2010:

- Tổng diện tích đất trồng mía là 16.917ha. Trong đó: diện tích mía đứng là 14.500ha.

- Diện tích mía thâm canh chiếm 40% tổng diện tích mía vùng nguyên liệu.

- Năng suất mía bình quân toàn vùng đạt 70 - 75 tấn/ha.

- Trữ lượng đường trong mía nguyên liệu bình quân toàn vùng đạt 10ccs.

2. Mục tiêu đến năm 2015:

- Tổng diện tích đất trồng mía là 16.333ha. Trong đó: diện tích mía đứng là 14.000ha.

- Diện tích mía thâm canh chiếm 60% tổng diện tích mía vùng nguyên liệu.

- Năng suất mía bình quân toàn vùng đạt 75-80 tấn/ha.

- Trữ lượng đường trong mía nguyên liệu bình quân toàn vùng đạt 10,8ccs.

3. Mục tiêu đến năm 2020:

- Tổng diện tích đất trồng mía là 14.583ha. Trong đó diện tích mía đứng là 12.500ha.

- Diện tích mía thâm canh chiếm 70% tổng diện tích mía vùng nguyên liệu.

- Năng suất mía bình quân toàn vùng đạt trên 85 tấn/ha.

- Trữ lượng đường trong mía nguyên liệu bình quân toàn vùng đạt 11ccs trở lên.

III. NHIỆM VỤ QUY HOẠCH CHỦ YẾU ĐẾN NĂM 2020

1. Quỹ đất quy hoạch trồng mía:

Quỹ đất quy hoạch để trồng mía, bao gồm diện tích mía đứng (diện tích đang trồng mía) và diện tích luân phiên cây trồng ngắn ngày để cải tạo, bồi bổ đất. Diển tích đất quy hoạch trồng mía vùng nguyên liệu mía đường Lam Sơn bao gồm các huyện: Thọ Xuân, Thường Xuân, Triệu Sơn, Yên Định, Cẩm Thủy và xã Cán Khê (huyện Như Thanh), xã Thượng Ninh (huyện Như Xuân).

Với tổng quỹ đất đầu kỳ quy hoạch là: 16.917ha. Trong đó: đất chuyên màu đồi 10.768ha; đất chuyên màu ruộng 2.369ha; đất 1 vụ lúa không ăn chắc 751ha; đất vườn 1.565ha; đất nông, lâm kết hợp 1.462 ha.

(Có số liệu quy hoạch chi tiết kèm theo).

2. Quy hoạch chi tiết đất trồng mía nguyên liệu đến năm 2020:

2.1. Quy hoạch đất trồng mía đến năm 2010:

- Về diện tích: Tổng diện tích đất quy hoạch dành cho trồng mía là 16.917ha, trong đó: diện tích mía đứng là 14.500ha; diện tích đất dùng để luân phiên trồng cây cải tạo đất là 2.417ha.

- Địa điểm đất quy hoạch:

+ Diện tích mía đứng được quy hoạch tại các huyện như sau: huyện Ngọc Lặc 4.308ha, huyện Thường Xuân 1.886ha, huyện Thọ Xuân 3.531ha, huyện Triệu Sơn 1.100ha, huyện Cẩm Thủy 429ha, huyện Yên Định 428ha, xã Cán Khê huyện Như Thanh 103ha, xã Thượng Ninh huyện Như Xuân 300ha.

+ Diện tích mía đứng được quy hoạch tại các nông trường như sau: Nông trường Thống Nhất 771ha, Nông trường Sao Vàng 686ha, Nông trường Sông Âm 382ha, Nông trường Lam Sơn 576ha.

- Diện tích mía áp dụng các biện pháp thâm canh cao đạt 5.800ha, bằng 40% tổng diện tích mía vùng nguyên liệu.

- Năng suất mía bình quân toàn vùng đạt 70-75 tấn/ha. Riêng vùng mía thâm canh đạt năng suất 80 - 100 tấn/ha.

- Tổng sản lượng mía nguyên liệu đạt 1.125.000 tấn.

- Trữ lượng đường trong mía nguyên liệu bình quân toàn vùng đạt 10ccs.

2.2. Quy hoạch đất trồng mía đến năm 2015:

- Về diện tích: Tổng diện tích quy hoạch dành cho trồng mía là 16.333ha, trong đó diện tích mía đứng là 14.000ha, diện tích đất luân phiên là 2.333ha.

- Địa điểm đất quy hoạch:

+ Diện tích mía đứng được quy hoạch tại các huyện như sau: huyện Ngọc Lặc 4.308ha, huyện Thường Xuân 1.886ha, huyện Thọ Xuân 3.537ha, huyện Triệu Sơn 1.100ha, huyện Cẩm Thủy 331 ha, huyện Yên Định 429ha.

+ Diện tích mía đứng được quy hoạch tại các nông trường như sau: Nông trường Thống Nhất 771ha, Nông trường Sao Vàng 686ha, Nông trường Sông Âm 382ha, Nông trường Lam Sơn 576ha.

- Diện tích mía áp dụng các biện pháp thâm canh cao đạt 8.400ha, chiếm 60% tổng diện tích mía vùng nguyên liệu.

- Năng suất mía bình quân toàn vùng đạt 80 - 85 tấn/ha, trong đó diện tích mía thâm canh đạt năng suất 100 - 120 tấn/ha.

- Tổng sản lượng mía đạt 1.200.000 tấn.

- Trữ lượng đường trong mía nguyên liệu bình quân toàn vùng đạt 10,8ccs.

2.3. Quy hoạch định hướng đất trồng mía đến năm 2020:

- Về diện tích: Tổng diện tích quy hoạch dành cho trồng mía là 14.583ha, trong đó diện tích mía đứng là 12.500ha, diện tích đất luân phiên là 2.083ha.

- Địa điểm đất quy hoạch:

+ Diện tích mía đứng được quy hoạch tại các huyện như sau: huyện Ngọc Lặc 3.857ha, huyện Thường Xuân 1.714ha, huyện Thọ Xuân 3.429ha, huyện Triệu Sơn 1.084ha.

+ Diện tích mía đứng được quy hoạch tại các nông trường như sau: Nông trường Thống Nhất 771ha, Nông trường Sao Vàng 686ha, Nông trường Sông Âm 382ha, Nông trường Lam Sơn 576ha.

- Diện tích mía áp dụng các biện pháp thâm canh cao đạt 8.750ha, chiếm 70% tổng diện tích mía vùng nguyên liệu.

- Năng suất mía bình quân toàn vùng đạt 85 tấn/ha trở lên, trong đó diện tích mía thâm canh đạt năng suất 110 - 130 tấn/ha.

- Tổng sản lượng mía đạt 1.300.000 tấn.

- Trữ lượng đường trong mía nguyên liệu bình quân toàn vùng đạt 11ccs.

3. Quy hoạch sản xuất mía giống:

Đất sản xuất mía giống được quy hoạch tại 04 huyện trọng điểm mía và 4 nông trường, với tổng diện tích đất ổn định qua các năm ở mức 1.200ha, cụ thể như sau:

- Bố trí tại các huyện: huyện Thọ Xuân 150ha, huyện Ngọc Lặc 150ha, huyện Thường Xuân 150ha, Triệu Sơn 100ha.

- Bố trí tại các nông trường: Nông trường Sao Vàng 250ha, Nông trường Lam Sơn 150ha, Nông trường Sông Âm 100ha, Nông trường Thống Nhất 150ha.

IV. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Công tác quản lý quy hoạch

- Sau khi quy hoạch vùng nguyên liệu mía đường Lam Sơn được phê duyệt, tiến hành công bố công khai quy hoạch theo quy định của pháp luật.

- Trên cơ sở quy hoạch vùng nguyên liệu mía đường Lam Sơn được phê duyệt, các huyện rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và xây dựng kế hoạch phát triển mía nguyên liệu của địa phương phù hợp với quy hoạch chung của toàn vùng.

- Tiến hành rà soát điều chỉnh các chương trình, đề án phát triển cây, con đã có cho phù hợp với quy hoạch; không quy hoạch, bố trí các cây trồng khác chồng lấn lên diện tích đã quy hoạch cho trồng mía nguyên liệu. Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn và UBND các huyện, các xã có sự phối hợp chặt chẽ, để quản lý, triển khai thực hiện tốt quy hoạch.

2. Công tác quản lý, sử dụng hiệu quả đất quy hoạch trồng mía:

- Tiếp tục đổi mới quan hệ ruộng đất theo hướng khuyến khích đồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất trồng mía theo quy định của pháp luật; khuyến khích phát triển trang trại mía, nông trại mía gia đình, tổ hợp tác trồng mía. Tập trung ưu tiên những huyện, xã có điều kiện quỹ đất thuận lợi để phát triển vùng mía thâm canh, năng suất, chất lượng cao.

- Bố trí quỹ đất thuận lợi để sản xuất mía giống cung cấp cho vùng nguyên liệu.

- Bố trí đủ quỹ đất để luân phiên trồng cây cải tạo đất; có cơ chế, quy định cụ thể về việc bồi bổ, cải tạo, bảo vệ đất trồng mía, chống bạc màu, thoái hóa đất.

3. Tăng cường các hoạt động dịch vụ phát triển vùng mía:

- Tập trung đầu tư, nâng cao năng lực của cơ sở nghiên cứu, các cơ sở sản xuất giống mía chất lượng cao cung cấp cho vùng nguyên liệu.

- Khuyến khích các hộ trồng mía, các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phương tiện vận tải mía nguyên liệu, bảo đảm chủ động phương tiện vận chuyển mía bán cho nhà máy.

- Tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng đối với các cơ sở sản xuất, dịch vụ về phân bón, thuốc trừ sâu trong vùng nguyên liệu.

4. Đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ về khoa học, công nghệ vào sản xuất mía:

- Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ phục vụ phát triển vùng mía. Trong đó, tập trung ưu tiên vào 2 lĩnh vực chính: du nhập, khảo nghiệm, tạo các giống mía mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh tốt để đưa vào sản xuất đại trà; áp dụng quy trình kỹ thuật thâm canh hợp lý nhằm bảo vệ đất, tăng năng suất mía, giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, đủ sức cạnh tranh với thị trường trong và ngoài nước khi nhà nước cắt giảm thuế theo lộ trình hội nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

- Xây dựng các mô hình sản xuất mía theo công nghệ mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, làm nòng cốt nhân ra diện rộng.

- Tăng cường công tác phổ biến, hướng dẫn kỹ thuật thông qua hệ thống khuyến nông cơ sở, hệ thống cán bộ nông vụ của Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn, nhằm tạo điều kiện các hộ trồng mía nắm chắc kỹ thuật, chủ động tính toán, thực hiện có hiệu quả các biện pháp thâm canh, tăng năng suất hiệu quả sản xuất.

5. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp, củng cố hệ thống các công trình giao thông, thủy lợi, các công trình hạ tầng phục vụ vùng mía; trong đó ưu tiên đầu tư hạ tầng thủy lợi cho những vùng, những hộ có điều kiện áp dụng hình thức đầu tư thâm canh cao.

6. Rà soát, bổ sung chính sách:

- Rà soát, bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vùng nguyên liệu mía của tỉnh đã ban hành cho phù hợp với tình hình thực tế, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

- Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn, nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các hộ trồng mía đầu tư thâm canh, tăng năng suất, chất lượng, đảm bảo cung cấp đủ, ổn định nguyên liệu cho nhà máy chế biến; có cơ chế đầu tư hạ tầng giao thông nội vùng cho các vùng trồng mía tập trung.

7. Về vốn đầu tư phát triển vùng nguyên liệu:

Nguồn vốn đầu tư phát triển vùng nguyên liệu được huy động từ nguồn vốn của các hộ, doanh nghiệp trồng mía, của Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn, vốn liên doanh, liên kết giữa các đơn vị, vốn tín dụng và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, đơn vị có liên quan tổ chức công bố công khai quy hoạch; tăng cường quản lý Nhà nước về quy hoạch; cụ thể hóa và triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện quy hoạch; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch về UBND tỉnh.

2. UBND các huyện trong vùng quy hoạch: Trên cơ sở quy hoạch vùng nguyên liệu mía đường Lam Sơn được phê duyệt, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và xây dựng kế hoạch phát triển mía nguyên liệu của địa phương phù hợp với quy hoạch chung của vùng. Tiến hành rà soát điều chỉnh các chương trình, đề án phát triển cây, con đã có cho phù hợp với quy hoạch; không quy hoạch, bố trí các cây trồng khác chồng lấn lên diện tích đã quy hoạch cho trồng mía nguyên liệu khi chưa có ý kiến của cấp có thẩm quyền. Phối hợp chặt chẽ với Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn, để quản lý, triển khai thực hiện tốt các giải pháp, nội dung quy hoạch.

3. Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn nghiên cứu, thực hiện tốt nội dung Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc khuyến khích sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng; xây dựng cơ chế, chính sách của Công ty để khuyến khích phát triển vùng nguyên liệu mía; xây dựng các mô hình thâm canh, tăng năng suất để nhân ra diện rộng; nghiên cứu, khảo nghiệm chuyển giao các giống mới, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất mía nguyên liệu, từng bước nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích, tăng thu nhập, hiệu quả cho các hộ, doanh nghiệp trồng mía; chấp hành việc phát triển vùng nguyên liệu mía theo đúng quy hoạch được phê duyệt.

4. Đề nghị Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ gia đình được vay vốn phát triển vùng nguyên liệu, cải thiện đời sống nhân dân.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở nông nghiệp và PTNT tăng cường quản lý nhà nước, giám sát quá trình thực hiện quy hoạch; kịp thời phát hiện những bất hợp lý, sai phạm trong quá trình thực hiện quy hoạch, để điều chỉnh, nhắc nhở, chấn chỉnh, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo UBND tỉnh.

6. Đối với đất 1 vụ lúa không ăn chắc, trước khi triển khai kế hoạch trồng mía phải có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của UBND tỉnh. Các tổ chức, cá nhân không tự chuyển đổi đất đã quy hoạch là đất rừng, đất đã quy hoạch trồng cây trồng khác sang đất trồng mía khi chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền cho phép.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường; UBND các huyện trong vùng nguyên liệu mía đường Lam Sơn; Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trịnh Văn Chiến