Quyết định 3405/QĐ-UBND thông qua phương án đơn giản hóa đối với thủ tục hành chính trong lĩnh vực Y tế, Giáo dục và Đào tạo được thực hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk qua rà soát năm 2017
Số hiệu: 3405/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk Người ký: Phạm Ngọc Nghị
Ngày ban hành: 08/12/2017 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Y tế - dược, Giáo dục, đào tạo, Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3405/QĐ-UBND

Đắk Lắk, ngày 08 tháng 12 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÔNG QUA PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC Y TẾ, GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THỰC HIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK QUA RÀ SOÁT NĂM 2017

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính; Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính; Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát TTHC;

Căn cứ Thông tư số 07/2014/TT-BTP ngày 24/02/2014 của Bộ Tư pháp hướng dẫn việc đánh giá tác động của thủ tục hành chính và rà soát, đánh giá thủ tục hành chính;

Căn cứ Quyết định số 3939/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hoạt động và ngân sách dành cho cải cách hành chính nhà nước năm 2017;

Căn cứ Quyết định số 246/QĐ-UBND ngày 03/02/2017 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh năm 2017;

Xét đề nghị của Chánh văn phòng UBND tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thông qua phương án đơn giản hóa đối với các thủ tục hành chính trong lĩnh vực Y tế, Giáo dục và Đào tạo được thực hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk qua rà soát năm 2017, cụ thể:

1. Thông qua 09 phương án đơn giản hóa đối với các thủ tục hành chính trong lĩnh vực Y tế tại Phụ lục số 1.

2. Thông qua 14 phương án đơn giản hóa đối với các thủ tục hành chính trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo tại Phụ lục số 2.

Điều 2. Trên cơ sở phương án đơn giản hóa được thông qua tại Quyết định này, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động tham mưu UBND tỉnh có văn bản kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và cơ quan có thẩm quyền khác (nếu có) thực thi sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Cục KSTTHC-Văn phòng Chính phủ; (b/c)
- Các Bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính; (b/c)
- Thường trực HĐND tỉnh; (b/c)
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ban chỉ đạo CCHC tỉnh;
- Các Sở: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Tư pháp;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Phòng KGVX, KT;
- Lưu: VT, KSTTHC (D 16).

CHỦ TỊCH




Phạm Ngọc Nghị

 

PHỤ LỤC 1

PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC Y TẾ ĐƯỢC THỰC HIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3405/QĐ-UBND ngày 08 tháng 12 năm 2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk)

I. Tại Quyết định số 2246/QĐ-UBND ngày 28/7/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc công bố các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Y tế.

1. Thủ tục: Cấp giấy chứng nhận là lương y.

Phương án đơn giản hóa: Tại các Điểm c, d, đ, Khoản 2 Điều 10 Thông tư số 29/2015/TT-BYT ngày 12/10/2015 của Bộ Y tế về quy định cấp, cấp lại giấy chứng nhận là lương y, khoảng thời gian thực hiện các bước TTHC được quy định không thống nhất là “ngày” hay “ngày làm việc”. Đề nghị Bộ Y tế quy định thống nhất để thuận tiện cho việc áp dụng trên thực tế.

Kiến nghị thực thi: tại Điểm đ Khoản 2 Điều 10 Thông tư số 29/2015/TT-BYT ngày 12/10/2015, đề nghị sửa đổi thời hạn kiểm tra sát hạch là “15 ngày làm việc” .

2. Các thủ tục:

- Cấp lại giấy phép hoạt động do bị mất hoặc hư hỏng, hoặc bị thu hồi;

- Cấp lại giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền của Sở Y tế do bị mất hoặc hư hỏng hoặc giấy phép bị thu hồi do cấp không đúng thẩm quyền.

Phương án đơn giản hóa: Theo Điểm b Khoản 2 Điều 44 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, thời hạn giải quyết là “60 ngày đối với bệnh viện và 45 ngày đối với các hình thức tổ chức khám bệnh, chữa bệnh khác kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ”. Quy định này không phù hợp với thời hạn giải quyết “30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ” quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 47 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009. Đề nghị nghiên cứu quy định thống nhất thời hạn giải quyết đối với hai quy định trên.

Kiến nghị thực thi:

Đề nghị chỉnh sửa thời hạn giải quyết TTHC này tại Điểm b Khoản 2 Điều 44 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 lại thành “30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ”.

3. Thủ tục: Cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Phương án đơn giản hóa 1:

Hiện nay, Thông tư số 26/2012/BYT ngày 30/11/2012 của Bộ Y tế quy định cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế và Thông tư số 47/2014/TT-BYT ngày 11/12/2014 của Bộ Y tế hướng dẫn quản lý an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không quy định cụ thể thời hạn cấp giấy chứng nhận sau khi thẩm định cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm là chưa đầy đủ.

Kiến nghị thực thi 1:

Đề nghị Bộ Y tế quy định cụ thể thời hạn giải quyết TTHC này tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 26/2012/BYT ngày 30/11/2012 và Khoản 3 Điều 2 Thông tư số 47/2014/TT-BYT ngày 11/12/2014.

Phương án đơn giản hóa 2: Theo Khoản 5 Điều 1 Thông tư số 47/2014/TT-BYT ngày 11/12/2014, hồ sơ thực hiện TTHC này bao gồm kết quả khám sức khỏe của chủ cơ sở. Quy định này là không cần thiết, vì TTHC này liên quan đến cấp giấy chứng nhận cho cơ sở, chứ không phải cho cá nhân chủ cơ sở nên việc yêu cầu giấy khám sức khỏe của chủ cơ sở là không cần thiết.

Kiến nghị thực thi 2: Đề nghị lược bỏ kết quả khám sức khỏe của chủ cơ sở trong thành phần hồ sơ tại Khoản 5 Điều 1 Thông tư số 47/2014/TT-BYT ngày 11/12/2014.

4. Thủ tục: Cấp đổi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm

Phương án đơn giản hóa: Theo Điểm d Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 47/2014/TT-BYT ngày 11/12/2014, hồ sơ thực hiện TTHC này bao gồm kết quả khám sức khỏe của chủ cơ sở. Quy định này là không cần thiết, vì TTHC này liên quan đến cấp giấy chứng nhận cho cơ sở, chứ không phải cho cá nhân chủ cơ sở nên việc yêu cầu giấy khám sức khỏe của chủ cơ sở là không cần thiết.

Kiến nghị thực thi: Đề nghị lược bỏ kết quả khám sức khỏe của chủ cơ sở trong thành phần hồ sơ tại Điểm d Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 47/2014/TT-BYT ngày 11/12/2014.

5. Thủ tục: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm sản xuất trong nước (có nhà máy sản xuất đặt tại tỉnh Đắk Lắk).

Phương án đơn giản hóa:

Tại Điều 4 Thông tư số 11/2011/TT-BYT ngày 25/01/2011 của Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm, hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm không bao gồm Số công bố và Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm của nhà sản xuất.

Kiến nghị thực thi: Đề nghị sửa đổi, bổ sung Số công bố và Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm là tài liệu trong hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm quy định tại Điều 4 Thông tư số 11/2011/TT-BYT ngày 25/01/2011.

6. Thủ tục: Thẩm định đủ điều kiện hành nghề dịch vụ xoa bóp (massage).

Phương án đơn giản hóa:

Hiện nay, thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ xoa bóp (trong đó bao gồm cả TTHC thẩm định điều kiện hành nghề) được điều chỉnh cụ thể bởi Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 không quy định hết hiệu lực đối với Thông tư số 11/2001/TT-BYT ngày 06/6/2001 của Bộ Y tế hướng dẫn điều kiện hành nghề dịch vụ xoa bóp.

Kiến nghị thực thi:

Đề nghị bãi bỏ Thông tư số 11/2001/TT-BYT vì không còn phù hợp.

II. Tại Quyết định số 515/QĐ-UBND ngày 07/3/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc công bố TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Y tế.

1. Thủ tục: Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm.

Phương án đơn giản hóa:

Tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 93/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện sản xuất mỹ phẩm chưa quy định rõ tiêu chuẩn về kiến thức chuyên môn của người phụ trách sản xuất.

Kiến nghị thực thi:

Đề nghị quy định cụ thể điều kiện về bằng cấp chuyên môn đối với người phụ trách sản xuất tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 93/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 để thuận tiện cho việc thực hiện TTHC này.

2. Thủ tục: Cấp lại Giấy chứng nhận là Lương y.

Phương án đơn giản hóa:

Theo Điều 21 Thông tư số 29/2015/TT-BYT ngày 12/10/2015 của Bộ Y tế về quy định cấp, cấp lại giấy chứng nhận là lương y: Người đề nghị cấp, cấp lại Giấy chứng nhận là lương y phải nộp phí, lệ phí theo quy định. Cục trưởng Cục quản lý Y Dược cổ truyền - Bộ Y tế và Giám đốc Sở Y tế tỉnh quản lý và sử dụng phí, lệ phí theo đúng quy định hiện hành”. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định về mức thu phí, lệ phí đối với thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận là Lương y.

Kiến nghị thực thi:

Đề nghị Bộ Tài chính quy định nghiên cứu quy định cụ thể mức phí trên./.

 

PHỤ LỤC 2

PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐƯỢC THỰC HIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3405/QĐ-UBND ngày 08 tháng 12 năm 2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk)

I. Tại Quyết định số 120/QĐ-UBND ngày 17/01/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc công bố TTHC thay thế, TTHC bị bãi bỏ liên quan đến lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo thuộc thẩm quyền giải quyết cấp tỉnh.

1. Thủ tục: Giải thể Trung tâm ngoại ngữ, tin học.

Phương án đơn giản hóa: Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 của Chính phủ không quy định cụ thể về thành phần hồ sơ, thời hạn giải quyết đối với việc giải thể trung tâm ngoại ngữ, tin học theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân. Do đó, cần có quy định cụ thể về thành phần hồ sơ, thời hạn giải quyết đối với trường hợp này cho cụ thể, tạo thuận tiện cho việc áp dụng thực hiện.

Kiến nghị thực thi: Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 46/2017/NĐ-CP theo hướng bổ sung quy định rõ về thành phần hồ sơ, thời hạn giải quyết đối với thủ tục “Giải thể trung tâm ngoại ngữ, tin học theo đề nghị của tổ chức, cá nhân” cho cụ thể.

2. Thủ tục: Công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đối với đơn vị cấp huyện.

Phương án đơn giản hóa: Thông tư số 07/2016/TT-BGDĐT ngày 23/6/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo không quy định cụ thể về thành phần hồ sơ đối với thủ tục “Công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đối với đơn vị cấp huyện” là chưa đầy đủ và chưa tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu thực hiện TTHC này. Do đó, cần quy định cụ thể về thành phần hồ sơ đối với thủ tục này, tạo thuận tiện cho việc áp dụng thực hiện.

Kiến nghị thực thi: Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 07/2016/TT-BGDĐT theo hướng bổ sung quy định rõ về thành phần hồ sơ đối với thủ tục “Công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đối với đơn vị cấp huyện” cho cụ thể.

3. Thủ tục: Chuyển trường đối với học sinh Trung học phổ thông.

Phương án đơn giản hóa 1: Pháp luật chưa quy định rõ số lượng hồ sơ cần phải nộp và chưa quy định thời gian giải quyết đối với thủ tục này là chưa rõ ràng.

Kiến nghị thực thi 1: Đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 5, Điều 6 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 51/2002/QĐ-BGDĐT ngày 25/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo theo hướng bổ sung quy định về số lượng hồ sơ phải nộp và thời hạn giải quyết đối với thủ tục này cho đầy đủ, rõ ràng.

Phương án đơn giản hóa 2: Pháp luật không quy định việc tiếp nhận hồ sơ qua đường bưu điện đối với trường hợp chuyển trường đối với học sinh trung học phổ thông là chưa tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện TTHC, vì nhiều công dân ở xa (ngoại tỉnh), nên việc nộp hồ sơ trực tiếp có thể gây tốn kém và gặp nhiều khó khăn.

Kiến nghị thực thi 2: Đề nghị sửa đổi, bổ sung Điểm b Khoản 2 Điều 5 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 51/2002/QĐ-BGDĐT theo hướng bổ sung quy định “nộp hồ sơ qua đường bưu điện” nhằm tạo thuận lợi cho cá nhân thực hiện TTHC.

4. Thủ tục: Xin học lại trường khác đối với học sinh Trung học.

Phương án đơn giản hóa 1: Pháp luật chưa quy định rõ số lượng hồ sơ cần phải nộp và chưa quy định thời gian giải quyết đối với thủ tục này là chưa rõ ràng.

Kiến nghị thực thi 1: Đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 6 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 51/2002/QĐ-BGDĐT theo hướng bổ sung quy định về số lượng hồ sơ phải nộp và thời hạn giải quyết đối với thủ tục này cho đầy đủ, rõ ràng.

Phương án đơn giản hóa 2: Pháp luật không quy định việc tiếp nhận hồ sơ qua đường bưu điện đối với trường hợp xin học lại trường khác đối với học sinh trung học là chưa tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện TTHC.

Kiến nghị thực thi 2: Đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 6 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 51/2002/QĐ-BGDĐT theo hướng bổ sung quy định “nộp hồ sơ qua đường bưu điện” nhằm tạo thuận lợi cho cá nhân thực hiện TTHC.

5. Các thủ tục:

- Tiếp nhận học sinh Việt Nam về nước cấp Trung học phổ thông;

- Tiếp nhận học sinh nước ngoài cấp Trung học phổ thông.

Phương án đơn giản hóa: Pháp luật chưa quy định rõ số lượng hồ sơ cần phải nộp và chưa quy định thời gian giải quyết đối với 02 thủ tục này là chưa rõ ràng.

Kiến nghị thực thi: Đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 10, Điều 15 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 51/2002/QĐ-BGDĐT theo hướng bổ sung quy định về số lượng hồ sơ phải nộp và thời hạn giải quyết đối với 02 thủ tục này cho đầy đủ, rõ ràng.

6. Thủ tục: Cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc.

Phương án đơn giản hóa: Công bố mức thu tiền phôi bản sao là 6.000 đồng trên cơ sở quy định tại Công văn số 7593/BGDĐT-VP ngày 31/8/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo giá phôi văn bằng là không phù hợp, vì Công văn số 7593/BGDĐT-VP chỉ là văn bản hành chính thông thường có chứa QPPL.

Kiến nghị thực thi: Bộ Giáo dục và Đào tạo cần hủy bỏ Công văn số 7593/BGDĐT-VP ngày 31/8/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo giá phôi văn bằng và phối hợp với Bộ Tài chính ban hành văn bản QPPL quy định cụ thể giá phôi văn bằng cho phù hợp.

II. Tại Quyết định số 121/QĐ-UBND ngày 17/01/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc công bố TTHC thay thế, TTHC bị bãi bỏ liên quan đến lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh.

1. Thủ tục: Tiếp nhận người học bổ túc Trung học cơ sở.

Phương án đơn giản hóa 1: Theo quy định tại Điểm a Khoản 6 Mục III Thông tư số 17/2003/TT-BGDĐT ngày 28/4/2003 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn Điều 3, Điều 7, Điều 8 của Nghị định số 88/2001/NĐ-CP ngày 22/11/2001 của Chính phủ về việc thực hiện phổ cập giáo dục Trung học cơ sở có quy định “Đối tượng học bổ túc trung học cơ sở cần ghi tên và nộp hồ sơ, học bạ (nếu có) tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường, lớp bổ túc văn hóa”. Như vậy, các cá nhân thực hiện TTHC ngoài việc nộp học bạ thì vẫn chưa rõ hồ sơ cần phải nộp là những loại giấy tờ gì (?). Do vậy, đề nghị quy định cụ thể các loại giấy tờ trong hồ sơ cần phải nộp để thực hiện TTHC này.

Kiến nghị thực thi 1: Cần sửa Điểm a Khoản 6 Mục III Thông tư số 17/2003/TT-BGDĐT theo hướng bổ sung đầy đủ các loại giấy tờ cần phải nộp để được học bổ túc Trung học cơ sở (ví dụ như: Đơn xin học, Giấy khai sinh...), không ghi chung chung là “hồ sơ”.

Phương án đơn giản hóa 2: Đề nghị bổ sung Mẫu “Đơn xin học” để tạo thuận lợi cho các cá nhân có nhu cầu thực hiện TTHC.

Kiến nghị thực thi 2: Đề nghị bổ sung Mẫu “Đơn xin học”.

Phương án đơn giản hóa 3: Đối với thủ tục này, pháp luật chưa quy định thời hạn giải quyết là chưa rõ ràng.

Kiến nghị thực thi 3: Đề nghị sửa đổi, bổ sung sửa Điểm a, Khoản 6, Mục III Thông tư số 17/2003/TT-BGDĐT theo hướng bổ sung quy định về thời hạn giải quyết đối với thủ tục này cho rõ ràng.

2. Thủ tục: Thuyên chuyển học viên học bổ túc Trung học cơ sở.

Phương án đơn giản hóa 1: Theo quy định tại Điểm b Khoản 6 Mục III Thông tư số 17/2003/TT-BGDĐT ngày 28/4/2003 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn Điều 3, Điều 7, Điều 8 của Nghị định số 88/2001/NĐ-CP ngày 22/11/2001 của Chính phủ về việc thực hiện phổ cập giáo dục Trung học cơ sở có quy định “Đối tượng học bổ túc trung học cơ sở muốn chuyển trường cần có đơn xin chuyển trường và được phép chuyển trường khi nơi xin chuyển đến đồng ý tiếp nhận”. Tuy nhiên, Thông tư vẫn chưa quy định rõ là để được phép chuyển trường thì cần phải nộp những loại hồ sơ, giấy tờ gì (?). Do vậy, đề nghị quy định cụ thể các loại giấy tờ cần phải nộp để thực hiện TTHC này (ví dụ: Giấy tiếp nhận của trường nơi xin chuyển đến).

Kiến nghị thực thi 1: Cần sửa Điểm b Khoản 6 Mục III Thông tư số 17/2003/TT-BGDĐT theo hướng bổ sung đầy đủ các loại giấy tờ cần phải nộp thực hiện TTHC này.

Phương án đơn giản hóa 2: Đề nghị bổ sung Mẫu “Đơn xin chuyển trường” để tạo thuận lợi cho các cá nhân có nhu cầu thực hiện TTHC.

Kiến nghị thực thi 2: Đề nghị bổ sung Mẫu “Đơn xin chuyển trường”.

Phương án đơn giản hóa 3: Đối với thủ tục này, pháp luật chưa quy định thời hạn giải quyết là chưa rõ ràng.

Kiến nghị thực thi 3: Đề nghị sửa đổi, bổ sung sửa Điểm b Khoản 6 Mục III Thông tư số 17/2003/TT-BGDĐT theo hướng bổ sung quy định về thời hạn giải quyết đối với thủ tục này cho rõ ràng.

3. Thủ tục: Công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi đối với đơn vị cấp cơ sở.

Phương án đơn giản hóa: Thông tư số 07/2016/TT-BGDĐT ngày 23/6/2016 không quy định cụ thể về thành phần hồ sơ đối với thủ tục “Công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đối với đơn vị cấp cơ sở” là chưa đầy đủ và chưa tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu thực hiện TTHC này. Do đó, cần có quy định cụ thể về thành phần hồ sơ, tạo thuận tiện cho việc áp dụng thực hiện.

Kiến nghị thực thi: Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 07/2016/TT-BGDĐT theo hướng bổ sung quy định rõ về thành phần hồ sơ đối với thủ tục “Công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đối với đơn vị cấp cơ sở” cho cụ thể./.





Nghị định 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính Ban hành: 08/06/2010 | Cập nhật: 11/06/2010