Quyết định 24/2020/QĐ-UBND sửa đổi Quy định về hoạt động của phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Hà Nội kèm theo Quyết định 06/2013/QĐ-UBND
Số hiệu: 24/2020/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội Người ký: Nguyễn Văn Sửu
Ngày ban hành: 02/10/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giao thông, vận tải, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/2020/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 02 tháng 10 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 06/2013/QĐ-UBND NGÀY 25/01/2013 CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 ngày 22/6/2015;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13/11/2008;

Căn cứ Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ Quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;

Căn cứ Thông tư số 86/2014/TT-BGTVT ngày 31/12/2014 của Bộ Giao thông vận tải quy định về điều kiện đối với xe chở người bốn bánh có gắn động cơ và người điều khiển tham gia giao thông trong phạm vi hạn chế;

Căn cứ Thông tư Liên tịch số 19/2015/TTLT-BGTVT-BVHTTDL ngày 25/5/2015 của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định hướng dẫn về vận tải khách du lịch bằng xe ô tô và cấp biển hiệu cho xe ô tô vận tải khách du lịch;

Căn cứ Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT ngày 07/9/2015 của Bộ Giao thông vận tải Quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông đường bộ;

Căn cứ Thông tư 31/2019/TT-BGTVT ngày 29/8/2019 của Bộ Giao thông vận tải Quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ;

Căn cứ Thông tư số 54/2019/TT-BGTVT ngày 31/12/2019 của Bộ Giao thông vận tải Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ.

Căn cứ Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29/5/2020 của Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội tại Tờ trình số 3617/TTr-SGTVT ngày 22 tháng 9 năm 2020 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về hoạt động của các phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 06/2013/QĐ-UBND ngày 25/01/2013 của UBND thành phố Hà Nội.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về hoạt động của các phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 06/2013/QĐ-UBND ngày 25/01/2013 của UBND thành phố Hà Nội như sau:

1. Sửa đổi Khoản 1, 3, 4, 7; bổ sung Khoản 8 Điều 2 như sau:

“1. Trọng tải toàn bộ xe cho phép là bằng tải trọng bản thân xe cộng với khối lượng chuyên chở cho phép xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

3. Ô tô chuyên dùng thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT ngày 29/8/2019 của Bộ Giao thông vận tải Quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.

4. Xe đạp đôi: là xe đạp có từ 02 bộ bàn đạp.

7. Giờ cao điểm: là khoảng thời gian được quy định như sau: Sáng từ 6h00’ đến 9h00’, chiều từ 16h00’ đến 19h30’ hàng ngày.

2. Sửa đổi Điều 3 như sau:

“Điều 3. Một số nguyên tắc chung

1. Mọi phương tiện giao thông đường bộ hoạt động trên địa bàn Thành phố phải tuân thủ Luật Giao thông đường bộ và các quy định khác của pháp luật liên quan.

2. Việc tổ chức các hoạt động giao thông phải đảm bảo tính thông suốt, trật tự, an toàn, hiệu quả.

3. Tổ chức, cá nhân khi tham gia giao thông phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.”

3. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1, 2 Điều 4 như sau:

“1. Phạm vi hạn chế hoạt động của các phương tiện giao thông đường bộ được giới hạn từ phía bên trong đường bao trở vào trung tâm Thành phố của các đường sau: Đường Phạm Văn Đồng - Hồ Tùng Mậu (đoạn từ ngã tư Phạm Văn Đồng - Phạm Hùng đến ngã tư Hồ Tùng Mậu - Lê Đức Thọ) - Lê Đức Thọ - Lê Quang Đạo - Đại lộ Thăng Long (đoạn từ Lê Quang Đạo đến đường 70) - Đường 70 (đường Tây Mỗ; đoạn từ Đại Lộ Thăng Long đến đường 72) - Đường 72 (đường Hữu Hưng; đoạn giao đường 70 đến đường Lê Trọng Tấn, quận Hà Đông) - Đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông) - Văn Khê - Phúc La - Cầu Bươu - Phan Trọng Tuệ - Ngọc Hồi (đoạn từ ngã ba Phan Trọng Tuệ đến ngã tư Pháp Vân) - Vành đai 3 (đoạn từ ngã tư Giải Phóng - Pháp Vân đến đường Nguyễn Văn Linh) - Nguyễn Văn Linh - cầu vượt nút giao Trung tâm quận Long Biên - đường Lý Sơn - cầu Đông Trù - Trường Sa - Hoàng Sa - Võ Văn Kiệt (đoạn từ ngã tư đường Hoàng Sa đến cầu Thăng Long) - cầu Thăng Long trở vào trung tâm Thành phố.

2. Đoạn đường các phương tiện giao thông đường bộ được hoạt động trong khu vực hạn chế:

a) Đường Nguyễn Văn Cừ (đoạn từ cầu vượt nút giao Trung tâm quận Long Biên đến Nguyễn Sơn), Ngọc Lâm (đoạn từ ngã ba Ngọc Lâm - Nguyễn Văn Cừ đến ngã tư Ngọc Lâm - Ngô Gia Khảm), Ngô Gia Khảm, đường Bắc Thăng Long - Vực Dê, đường Cổ Linh, Đàm Quang Trung, Huỳnh Tấn Phát (đoạn từ đường Cổ Linh đến đường Nguyễn Văn Linh), Tam Trinh (đoạn từ chợ đầu mối Đền Lừ đến đường Vành đai 3), Đường Đại lộ Thăng Long (đoạn từ đường Phạm Hùng đến nút giao Đường 70);

b) Đường Vành đai 3 trên cao, các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được phép hoạt động, trừ xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự. Các loại phương tiện giao thông thô sơ đường bộ; người đi bộ không được phép hoạt động trên đường Vành đai 3 trên cao;

c) Đường Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến (đoạn tiếp đất từ đường Vành đai 3 trên cao đi Đại Lộ Thăng Long và ngược lại) các phương tiện được phép hoạt động.”

4. Sửa đổi Điều 5 như sau:

a. Sửa đổi Khoản 1, 2 như sau:

“1. Các loại ô tô tải có trọng tải toàn bộ xe cho phép đến 1,50 tấn (không bao gồm xe bán tải ‘xe Pickup’, xe tải VAN có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông dưới 950kg) chỉ được hoạt động ngoài giờ cao điểm trên các tuyến đường.

2. Các loại ô tô tải có trọng tải toàn bộ xe cho phép từ 1,50 tấn trở lên; xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ chỉ được hoạt động từ 21h00’ đến 6h00’ sáng ngày hôm sau trên các tuyến đường.”

b. Sửa đổi điểm c, d, e Khoản 3 như sau:

“c) Xe ô tô tải chở thực phẩm tươi sống, rau, quả, các xe chở thuốc và thiết bị y tế đến các cơ sở y tế có trọng tải toàn bộ xe cho phép đến 2,5 tấn, chỉ được hoạt động ngoài giờ cao điểm trên các tuyến đường.

d) Xe vận chuyển bưu gửi (thư, gói, kiện hàng hóa được chấp nhận, vận chuyển và phát hợp pháp qua mạng bưu chính) được phép hoạt động 24/42h hàng ngày; đối với xe vận chuyển bưu gửi của doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ chỉ định thực hiện duy trì, quản lý mạng bưu chính công cộng; cung ứng dịch vụ bưu chính công ích được phép dừng, đỗ tại điểm phục vụ bưu chính nhưng phải đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

e) Các loại xe ô tô chuyên dùng vận chuyển vật tư, thiết bị sửa chữa cầu, đường; vận chuyển rác, thu gom rác (trừ xe tham gia tổng vệ sinh phục vụ nhiệm vụ đột xuất), chỉ được hoạt động từ 19h30’ đến 06h00’ sáng hôm sau trên các tuyến đường. Các xe thu gom rác phải tập kết tại các vị trí đúng quy định.”

c. Sửa đổi điểm a, c Khoản 4 như sau:

“a) Các loại xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng được phép hoạt động ngoài giờ cao điểm; trừ các loại xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (bao gồm cả người lái), xe ô tô vận chuyển học sinh, sinh viên, cán bộ công nhân viên đi học, đi làm việc được phép hoạt động 24/24h. Các loại xe ô tô kinh doanh vận tải khách du lịch có sức chứa từ 35 chỗ trở lên (bao gồm cả người lái) được phép hoạt động ngoài giờ cao điểm; trừ xe ô tô có sức chứa dưới 35 chỗ được phép hoạt động 24/24h (các loại xe trên phải có phù hiệu, biển hiệu được cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật);

c) Các loại xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định phải đi theo luồng tuyến và đón trả khách tại các điểm dừng, đỗ theo quy định của Thành phố được phép hoạt động 24/24h; xe ô tô sử dụng để vận tải trung chuyển hành khách đi theo luồng tuyến quy định của Thành phố được phép hoạt động ngoài giờ cao điểm (các loại xe này phải có phù hiệu được cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật).”

d. Bổ sung điểm c, d Khoản 5 như sau:

“c) Xe buýt, xe khách hai tầng thoáng nóc (xe buýt hai tầng) hoạt động theo thời gian và lộ trình quy định của Thành phố.

d) Xe buýt nhanh vận chuyển khối lượng lớn (BRT): Thời gian và lộ trình hoạt động theo làn đường quy định riêng (được phân định bằng vạch sơn liền, định phản quang, dải phân cách cứng, hệ thống biển báo v.v.). Chỉ xe BRT, xe ưu tiên theo quy định của pháp luật được hoạt động trong làn đường này.”

5. Bãi bỏ Khoản 1 Điều 6 như sau:

“Bãi bỏ Khoản 1 Điều 6.”

6. Sửa đổi Điều 8 như sau:

a) Sửa đổi điểm a, c Khoản 1 như sau:

“a) Tổ chức kiểm tra, lắp đặt biển báo giao thông theo quy định. Tổ chức phân luồng và bố trí xe khách liên tỉnh vào các bến trên địa bàn thành phố Hà Nội theo quy định luồng tuyến.

c) Tổ chức cấp Giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng (giấy phép lưu hành xe). Chấp thuận xe ô tô tải có trọng tải toàn bộ xe cho phép từ 10 tấn trở lên được hoạt động trong phạm vi hạn chế theo luồng tuyến nhất định, ngoài thời gian cho phép hoạt động theo quy định này khi có ý kiến chỉ đạo của UBND Thành phố.”

b) Sửa đổi điểm b Khoản 2 như sau:

“b) Chấp thuận xe ô tô tải có trọng tải toàn bộ xe cho phép đến 10 tấn, xe ô tô vận tải hành khách được hoạt động trong phạm vi hạn chế theo luồng tuyến nhất định, ngoài thời gian cho phép hoạt động theo quy định này khi có ý kiến chỉ đạo của UBND Thành phố.”

Điều 2. Hiệu lực thi hành

1. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 20/10/2020.

2. Quyết định này sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về hoạt động của các phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 06/2013/QĐ-UBND ngày 25/01/2013 của UBND thành phố Hà Nội; các nội dung khác tiếp tục thực hiện theo quy định tại Quyết định số 06/2013/QĐ-UBND ngày 25/01/2013 của UBND thành phố Hà Nội.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc các Sở: Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông; Giám đốc Công an thành phố Hà Nội và Giám đốc các Sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch UBND các quận, huyện và thị xã Sơn Tây; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; Tổng Giám đốc Tổng Công ty vận tải Hà Nội và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Đ/c Bí thư Thành ủy; để báo cáo
- TT Thành ủy, TT HĐNDTP; để báo cáo
- VP Chính phủ; để báo cáo
- Các Bộ: GTVT, XD, TP, TT&TT, Công thương, Công an;
- Đ/c Chủ tịch UBNDTP;
- Các Đ/c PCT UBNDTPHN;
- Ban Tuyên giáo Thành ủy;
- Các Ban HĐNDTPHN;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử HN;
- Đài PTTH Hà Nội; Các Báo: HNM, KTĐT, ANTĐ; (để đưa tin)
- VPUBTP: Các Đ/c PCVP, Các phòng;
- Trung tâm Tin học công báo;
- Lưu: VT, ĐT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sửu

 





Quyết định 06/2013/QĐ-UBND bãi bỏ văn bản Ban hành: 05/03/2013 | Cập nhật: 27/04/2013

Quyết định 06/2013/QĐ-UBND quy định quản lý dạy, học thêm Ban hành: 25/02/2013 | Cập nhật: 09/03/2013