Quyết định 24/2010/QĐ-UBND về chính sách đối với hộ gia đình và lao động có hộ khẩu thường trú tại 16 xã nghèo theo Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đến năm 2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành
Số hiệu: 24/2010/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng Người ký: Huỳnh Đức Hòa
Ngày ban hành: 26/07/2010 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Chính sách xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 24/2010/QĐ-UBND

Đà Lạt, ngày 26 tháng 7 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÁC HỘ GIA ĐÌNH VÀ LAO ĐỘNG CÓ HỘ KHẨU THƯỜNG TRÚ TẠI 16 XÃ NGHÈO THEO CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ GIẢM NGHÈO NHANH VÀ BỀN VỮNG ĐẾN NĂM 2015.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo;
Căn cứ Thông tư số 08/2009/TT-BNN ngày 26/02/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ;
Theo đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 792/TTr-LĐTBXH ngày 28/5/2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành một số chính sách đối với các hộ gia đình và lao động có hộ khẩu thường trú tại 16 xã nghèo theo chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đến năm 2015 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, cụ thể như sau:

1. Khoán bảo vệ rừng và giao, khoán đất lâm nghiệp để trồng rừng sản xuất:

a) Hộ gia đình và cộng đồng dân cư nhận khoán hoặc được giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên là rừng sản xuất có trữ lượng giàu, trung bình nhưng đang đóng cửa rừng được hưởng tiền khoán bảo vệ với mức 200.000 đồng/ha/năm.

b) Hộ gia đình và cộng đồng dân cư được hỗ trợ một lần 05 triệu đồng/ha để tận dụng tạo đất sản xuất trong khu vực diện tích đất rừng nhận khoán, chăm sóc bảo vệ rừng nếu đủ điều kiện sản xuất lương thực và phù hợp với qui chế quản lý bảo vệ rừng.

c) Hộ gia đình được giao, khoán đất lâm nghiệp (theo Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 28/02/2005 của Chính phủ về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh) để trồng rừng sản xuất, trồng cây cao su trên diện tích được giao, khoán được hỗ trợ một lần để mua cây giống, phân bón và công chăm sóc với mức 05 triệu đồng/ha (nhưng không quá 02 ha, tương đương với 10 triệu đồng/hộ). Hộ gia đình được hưởng tòan bộ sản phẩm trên diện tích được giao.

d) Đối với diện tích đất quy hoạch cho nông nghiệp nhưng không có khả năng trồng cây nông nghiệp (đất xấu, cằn cỗi, độ đốc cao) chuyển sang trồng cây lâm nghiệp thì hộ gia đình được hỗ trợ thêm một lần như định mức trồng rừng sản xuất.

đ) Chi phí lập hồ sơ giao, khóan chăm sóc bảo vệ rừng, giao đất trồng rừng cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư: các huyện sử dụng ngân sách sự nghiệp quản lý, bảo vệ rừng đã được tỉnh phân bổ trong kế hoạch hàng năm.

2. Hỗ trợ khai hoang, phục hóa, thâm canh, chuyển đổi cây trồng:

Hộ gia đình có đất sản xuất dưới 01 ha được hỗ trợ kinh phí khai hoang, phục hóa để đủ 01 ha đất sản xuất nông nghiệp (kể cả diện tích đã có và diện tích khai hoang phục hóa mới) để đưa vào trồng lúa nước, hoa màu, cây công nghiệp, cây thức ăn gia súc được hỗ trợ 01 lần với mức hỗ trợ như sau:

a) Mức hỗ trợ khai hoang để đưa vào trồng lúa nước, hoa màu, cây công nghiệp, cây thức ăn gia súc là 10 triệu đồng/ha;

Đất khai hoang là đất đã được quy hoạch cho sản xuất nông nghiệp nhưng đến trước thời điểm lập phương án khai hoang chưa giao cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng.

b) Mức hỗ trợ phục hóa đất để đưa vào trồng lúa nước, hoa màu, cây công nghiệp, cây thức ăn gia súc là 05 triệu đồng/ha;

Đất phục hóa là đất được quy hoạch để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, đã có thời gian được sử dụng để sản xuất nông nghiệp nhưng sau đó, diện tích trên không được sản xuất nên đã bị hoang hóa trở lại.

(Các hộ gia đình chỉ được hưởng một trong hai chính sách quy định tại điểm a, b nêu trên).

3. Chuyển đổi cây trồng phù hợp với quy hoạch sử dụng đất để mua cây trồng và phân bón trên đất sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ một lần 05 triệu đồng/ha cho 01 hộ (diện tích được hỗ trợ không quá 02 ha).

4. Hộ gia đình không có đất sản xuất nông nghiệp hoặc không nhận khoán chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng được hỗ trợ một lần 10 triệu đồng/hộ để chuyển đổi ngành nghề hoặc mua giống vật nuôi.

5. Hỗ trợ học nghề và xuất khẩu lao động:

a) Hỗ trợ học nghề:

- Hình thức học nghề được hỗ trợ: Học tại các lớp dạy nghề do các đơn vị dạy nghề tổ chức tại xã nghèo và có thời gian đào tạo từ 01 tuần đến 3 tháng (ít nhất có 30 giờ đào tạo/tuần), trong đó không dưới 70% số giờ dạy thực hành;

- Các ngành nghề do UBND xã lựa chọn và theo nhu cầu của lao động địa phương nhằm tăng năng suất, hiệu quả của cây trồng, vật nuôi, trồng rừng hoặc tạo thêm việc làm mới, ngành nghề mới tại chỗ.

- Mức hỗ trợ:

+ Người học nghề được hỗ trợ 100.000 đồng/người/tuần;

+ Đơn vị dạy nghề được thanh toán 100.000 đồng/tuần/học viên được kiểm tra đạt tay nghề theo nội dung chương trình đào tạo.

b) Hỗ trợ xuất khẩu lao động:

- Người lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với mức vay bằng các khoản chi phí theo quy định của Công ty xuất khẩu lao động nhưng tối đa không quá 50 triệu đồng (theo Quyết định số 16/2010/QĐ-UBND ngày 12/5/2010 của UBND tỉnh Lâm Đồng).

- Người học nghề, học ngọai ngữ, giáo dục định hướng tại các lớp dạy nghề phục vụ xuất khẩu lao động do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các Công ty xuất khẩu lao động, các đơn vị dạy nghề tổ chức được hỗ trợ 100% học phí nhưng không quá 500.000 đồng/người/tháng và thời gian hỗ trợ không quá 6 tháng.

- Được hỗ trợ 100% lệ phí khám sức khỏe, làm hộ chiếu, lý lịch tư pháp theo quy định.

6. Ngoài các khoản hỗ trợ nêu trên, hộ nghèo và lao động thuộc hộ nghèo ở 16 xã nghèo được hỗ trợ thêm các khoản:

a) Được Ngân sách tỉnh hỗ trợ 01 lần lãi suất vay vốn của dư nợ tối đa là 05 triệu đồng/hộ tại Ngân hàng Chính sách xã hội trong thời gian 2 năm để mua gia súc, gia cầm hoặc nuôi trồng thủy sản.

b) Bộ đội, công an xuất ngũ, con của người có công với cách mạng, người lao động, người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo khi tham gia học nghề, học ngoại ngữ, giáo dục định hướng tại các lớp dạy nghề phục vụ xuất khẩu lao động do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các Công ty xuất khẩu lao động, các đơn vị dạy nghề tổ chức được hỗ trợ thêm một lần:

- Tiền ăn, ở với mức 1.000.000 đồng/tháng trong thời gian tham gia các khoá học trên nhưng không quá 6 tháng/người;

- Tiền mua đồng phục học nghề: 400.000 đồng/người;

- Tiền tàu xe (cả đi và về) một lần từ nơi cư trú đến nơi đào tạo với mức 400.000 đồng/người nếu lớp học tổ chức ngoài tỉnh; mức 200.000 đồng/người nếu lớp học tổ chức trong tỉnh.

c) Hộ nghèo không có điều kiện phát triển trồng trọt, chăn nuôi, không được giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng: nếu có nhu cầu đầu tư sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ nông nghiệp, các ngành nghề phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân địa phương được hỗ trợ toàn bộ lãi suất vay vốn với mức vay tối đa 05 triệu đồng/hộ tại Ngân hàng Chính sách xã hội trong thời gian 02 năm.

d) Hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 18/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, được vay tối đa 08 triệu đồng/hộ với lãi suất 3%/năm tại Ngân hàng Chính sách xã hội và được khai thác gỗ tận dụng (cây ngã đổ, cây chết đứng) tại địa bàn cư trú (nếu có) tối đa là 5m3 gỗ tròn/hộ.

Điều 2. Trách nhiệm của các sở, ngành và chính quyền các cấp.

a) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhằm tránh thất thoát và nâng cao hiệu quả nguồn kinh phí được hỗ trợ.

b) Sở Tài chính hướng dẫn các địa phương cơ chế thanh quyết toán nguồn kinh phí được hỗ trợ.

c) UBND các huyện, thành phố quyết định nội dung hỗ trợ cụ thể và mức hỗ trợ đối với các hộ gia đình và lao động có hộ khẩu thường trú tại 16 xã nghèo do tỉnh đầu tư; đồng thời, vận dụng để quy định chính sách và mức hỗ trợ đối với các hộ gia đình, lao động có hộ khẩu thường trú tại các thôn, khu phố nghèo do huyện, thành phố đầu tư.

d) Việc bình xét hộ gia đình hưởng các chính sách hỗ trợ tại Quyết định này phải thực hiện công khai từ các thôn trên cơ sở nhu cầu, khả năng thực tế về lao động, đất đai của từng hộ, đảm bảo sự công bằng, tránh tình trạng một hộ được hưởng nhiều chính sách, có hộ không hưởng chính sách nào nhằm đảm bảo các hộ nghèo đều được hỗ trợ thoát nghèo.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Qui định số 4873/UBND ngày 08/7/2009 của UBND tỉnh Lâm Đồng về một số chính sách đối với hộ gia đình, người lao động có hộ khẩu thường trú tại 16 xã nghèo do tỉnh đầu tư theo chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững; bãi bỏ điểm a, khoản 2, mục II của Kế hoạch số 6365/KH-UBND ngày 01/9/2010 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc đẩy mạnh xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2009 - 2015.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng; Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Lâm Đồng; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc; Chủ tịch UBND 16 xã nghèo và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Đức Hòa