Quyết định 19/2015/QĐ-UBND về Quy định phân công, phân cấp quản lý hệ thống đường đô thị trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
Số hiệu: 19/2015/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận Người ký: Lưu Xuân Vĩnh
Ngày ban hành: 08/04/2015 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giao thông, vận tải, Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/2015/QĐ-UBND

Ninh Thuận, ngày 8 tháng 4 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP QUẢN LÝ HỆ THỐNG ĐƯỜNG ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng;

Căn cứ Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT ngày 20 tháng 3 năm 2006 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở;

Căn cứ Thông tư số 04/2008/TT-BXD ngày 20 tháng 02 năm 2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý đường đô thị;

Căn cứ Thông tư số 16/2009/TT-BXD ngày 30 tháng 6 năm 2009 của Bộ Xây dựng về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 04/2008/TT-BXD ngày 20 tháng 02 năm 2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý đường đô thị;

Căn cứ Quyết định số 37/2008/QĐ-UBND ngày 01 tháng 02 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận;

Theo đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 540/TTr-SXD ngày 16 tháng 3 năm 2015 và Báo cáo thẩm định văn bản số 415/BC-STP ngày 13 tháng 3 năm 2015 của Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định phân công, phân cấp quản lý hệ thống đường đô thị trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; gồm 02 chương, 07 điều.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 186/2008/QĐ-UBND ngày 11 tháng 7 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành Quy định phân công, phân cấp quản lý hệ thống đường đô thị trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Xây dựng;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Thường trực Tỉnh ủy (báo cáo);
- Thường trực HĐND tỉnh (báo cáo);
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- HĐND các huyện, thành phố;
- Công báo, Website Ninh Thuận;
- VPUB: TCD, NC, KTN, VX, TH;
- Lưu: VT, QHXD (LQĐ).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lưu Xuân Vĩnh

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP QUẢN LÝ HỆ THỐNG ĐƯỜNG ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 19/2015/QĐ-UBND ngày 08 tháng 4 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng.

1. Phạm vi áp dụng: Quy định này quy định về hoạt động xây dựng, phân công, phân cấp quản lý và khai thác sử dụng đường đô thị nhằm mang lại sự thống nhất, đồng bộ trong xây dựng, quản lý và khai thác hệ thống đường trong đô thị (từ đô thị loại 5 trở lên), qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác, sử dụng đúng mục đích và nâng cao mỹ quan đô thị.

2. Đối tượng áp dụng: Các tổ chức, cá nhân trong tỉnh và ngoài tỉnh khi tham gia các hoạt động xây dựng, quản lý và khai thác sử dụng đường đô thị trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận phải tuân thủ các quy định của Luật Xây dựng, Luật Giao thông đường bộ, Quy định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ.

1. Đường đô thị (hay đường phố): là đường bộ nằm trong phạm vi nội thành, nội thị được giới hạn bởi chỉ giới đường đỏ theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Hè (hay vỉa hè, hè phố): là bộ phận của đường đô thị phục vụ chủ yếu cho người đi bộ và kết hợp là nơi bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị dọc tuyến.

3. Hành lang an toàn đường đô thị là bề rộng tính từ chỉ giới xây dựng đến chỉ giới đường đỏ theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị dọc tuyến bao gồm các đường dây, đường ống và tuynen, hào kỹ thuật đặt dọc các tuyến đường đô thị.

5. Lòng đường là bộ phận của đường đô thị được giới hạn bởi phía trong hai bên bó vỉa, có thể bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị dọc tuyến khi cần thiết.

6. Phần xe chạy là bộ phận của đường đô thị phục vụ chủ yếu cho các phương tiện tham gia giao thông hoạt động.

Điều 3. Nguyên tắc chung quản lý đường đô thị.

1. Đường đô thị là bộ phận của hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị do Nhà nước thống nhất quản lý và có phân cấp quản lý.

2. Bảo đảm hè dành cho người đi bộ, lòng đường thông suốt cho các loại phương tiện giao thông cơ giới và thô sơ.

3. Khi sử dụng hoặc tạm thời sử dụng một phần đường đô thị vào mục đích khác phải được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; đồng thời có giải pháp để bảo đảm không ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.

Điều 4. Các hành vi bị cấm đối với hoạt động xây dựng, quản lý, khai thác sử dụng đường đô thị.

1. Các hành vi bị cấm đối với hoạt động xây dựng, quản lý, khai thác sử dụng đường đô thị theo quy định tại khoản IV Phần I của Thông tư số 04/2008/TT-BXD ngày 20/02/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý đô thị (sau đây gọi tắt là Thông tư số 04/2008/TT-BXD).

2. Các hành vi vi phạm các quy định tại Khoản 1 điều này sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ QUẢN LÝ ĐƯỜNG ĐÔ THỊ

Điều 5. Công tác quy hoạch, thiết kế, xây dựng và bảo trì đường đô thị.

1. Công tác quy hoạch đường đô thị tuân thủ quy định tại mục I Phần II của Thông tư 04/2008/TT-BXD ngày 20 tháng 02 năm 2008 của Bộ Xây dựng.

2. Công tác thiết kế, xây dựng đường đô thị tuân thủ quy định tại mục II Phần II của Thông tư 04/2008/TT-BXD ngày 20 tháng 02 năm 2008 của Bộ Xây dựng.

3. Công tác bảo trì đường đô thị tuân thủ quy định tại mục III Phần II của Thông tư 04/2008/TT-BXD ngày 20 tháng 02 năm 2008 của Bộ Xây dựng.

Điều 6. Phân công, phân cấp và trách nhiệm quản lý đường đô thị.

1. Sở Xây dựng:

a) Đầu mối tổng hợp, hướng dẫn lập, thực hiện quy hoạch, kế hoạch nâng cấp cải tạo, bảo trì và phát triển đường đô thị;

b) Hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc quản lý, khai thác sử dụng đường đô thị;

c) Cấp giấy phép đối với tổ chức khi tham gia các hoạt động: đào đường đô thị phục vụ xây dựng, lắp đặt các công trình ngầm; xây dựng, lắp đặt các công trình nổi trên đường đô thị; sử dụng tạm thời đường đô thị ngoài mục đích giao thông; xây dựng các cửa hàng, kiốt trên hè phố;

d) Thực hiện công tác quản lý Nhà nước đối với các tuyến đường đô thị (kể cả các đoạn tuyến quốc lộ đi qua đô thị do Trung ương quản lý được ủy quyền cho Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý) trong phạm vi đô thị và các tuyến đường thuộc phạm vi trung tâm hành chính các huyện;

đ) Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các biện pháp để tăng cường trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị;

e) Chỉ đạo và kiểm tra hoạt động của lực lượng Thanh tra xây dựng theo quy định hiện hành; đồng thời phối hợp với lực lượng Thanh tra Giao thông thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông trong đô thị.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính cùng các Sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn vốn cho công tác quản lý, bảo trì đường bộ trong đô thị hàng năm theo kế hoạch đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận phê duyệt.

3. Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch là cơ quan thường trực của Hội đồng tư vấn về đặt tên, đổi tên đường bộ tại các đô thị trên địa bàn tỉnh, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận lập đề án đặt tên, đổi tên đường phố để Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận trình Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận tại kỳ họp thường kỳ hàng năm.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

a) Thực hiện công tác quản lý đường đô thị theo chức năng, nhiệm vụ được giao và theo phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận tại Quy định về phân loại, phân cấp quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 37/2008/QĐ-UBND ngày 01 tháng 02 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận;

b) Định kỳ trước ngày 15/10 hàng năm lập kế hoạch nâng cấp, cải tạo, bảo trì và phát triển đường đô thị trên địa bàn mình quản lý, gửi Sở Xây dựng để có cơ sở tổng hợp, lập kế hoạch nâng cấp, cải tạo, bảo trì;

c) Cấp giấy phép đối với cá nhân khi tham gia các hoạt động: đào đường đô thị phục vụ xây dựng, lắp đặt các công trình ngầm; xây dựng, lắp đặt các công trình nổi trên đường đô thị; sử dụng tạm thời đường đô thị ngoài mục đích giao thông; xây dựng các cửa hàng, ki ốt trên hè phố. Trên cơ sở chiều rộng mặt cắt đường, loại đường phố, khả năng thông xe,…quy định rõ danh mục tuyến phố được phép đỗ xe (lòng đường làm nơi để xe phải đảm bảo yêu cầu về chiều rộng theo quy định tại điểm a khoản 8 mục IV phần II của Thông tư 04/2008/TT-BXD);

d) Chịu trách nhiệm quản lý hành chính trong việc sử dụng hè phố, lòng đường, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường trên địa bàn, có biện pháp chống lấn chiếm hè phố, lòng đường bảo đảm an toàn giao thông, trật tự, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị;

đ) Chỉ đạo các phòng, ban và Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện chức năng quản lý theo thẩm quyền và tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

5. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn:

a) Chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng đường đô thị trên địa bàn theo phân cấp;

b) Quản lý và cấp phép sử dụng tạm thời hè phố cho việc cưới, việc tang trên địa bàn mình quản lý (thời gian sử dụng tạm thời không quá 48 giờ và phải bố trí lối đi cho người đi bộ, chiều rộng tối thiểu của lối đi cho người đi bộ là 1,5m);

c) Tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm về quản lý sử dụng đường đô thị trên địa bàn mình quản lý theo quy định của pháp luật;

d) Giám sát việc thực hiện giấy phép đào đường đô thị phục vụ xây dựng, lắp đặt các công trình ngầm;

đ) Hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng cửa hàng, lắp đặt mái che mưa, che nắng; tổ chức dỡ bỏ cửa hàng, mái che mưa, che nắng không theo đúng quy định.

6. Trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà đầu tư

a) Thực hiện đầy đủ các thủ tục về thỏa thuận và xin cấp giấy phép xây dựng theo quy định này và quy định liên quan khác của pháp luật.

b) Khi tổ chức thi công các công trình nổi trên đường đô thị phải đảm bảo an toàn giao thông đô thị trong khi thi công cũng như trong khai thác sử dụng; bảo đảm tĩnh không đứng và ngang theo quy định đồng thời bảo đảm mỹ quan đô thị.

c) Khi phát hiện các hành vi phá hoại hoặc gây ảnh hưởng đến hệ thống đường đô thị cần thông báo kịp thời cho các cơ quan chức năng hoặc đơn vị quản lý trực tiếp để kịp thời giải quyết.

d) Khi tổ chức thi công các công trình ngầm dưới đường đô thị phải đảm bảo an toàn cho công trình, cho công trình liền kề, bảo đảm an toàn và sự hoạt động bình thường của giao thông đô thị; bảo đảm vệ sinh, môi trường đô thị và chất lượng về việc hoàn trả lại nguyên trạng ban đầu đoạn đường đã đào.

Điều 7. Tổ chức thực hiện.

Sở Xây dựng chịu trách nhiệm triển khai và hướng dẫn thực hiện Quy định này. Trong quá trình tổ chức thực hiện Quy định này nếu gặp khó khăn, vướng mắc, tổ chức và cá nhân và có liên quan phản ánh kịp thời về Sở Xây dựng để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết./.