Quyết định 37/2008/QĐ-UBND ban hành Quy định về quản lý, khai thác hoạt động vận tải khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà do Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà ban hành
Số hiệu: | 37/2008/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Khánh Hòa | Người ký: | Nguyễn Chiến Thắng |
Ngày ban hành: | 01/07/2008 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Giao thông, vận tải, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 37/2008/QĐ-UBND |
Nha Trang, ngày 01 tháng 7 năm 2008 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 110/2006/NĐ-CP ngày 28/9/2006 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô;
Căn cứ Quyết định số 34/2006/QĐ-BGTVT ngày 16/10/2006 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy định về quản lý vận tải khách công cộng bằng xe buýt;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải Khánh Hoà tại văn bản số 1069/SGTVT-VT ngày 19 tháng 5 năm 2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý, khai thác hoạt động vận tải khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUẢN LÝ VÀ KHAI THÁC HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI KHÁCH CÔNG CỘNG BẰNG XE BUÝT
(Ban hành kèm theo Quyết định số 37/2008/QĐ-UBND ngày 01 tháng 7 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà)
1. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động vận tải khách công cộng (sau đây viết tắt là VTKCC) bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà.
2. Phát triển hệ thống VTKCC bằng xe buýt, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia kinh doanh VTKCC bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh trên cơ sở Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Khánh Hoà đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, từng bước giảm lượng phương tiện xe tham gia lưu thông, hạn chế tai nạn và ùn tắc giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
3. Huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia đầu tư, phát triển xe buýt công cộng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, hạ giá thành vận chuyển, giảm dần trợ giá của ngân sách đối với hoạt động xe buýt nội thị.
Điều 2. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh:
Văn bản này quy định việc quản lý, khai thác hoạt động VTKCC bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà. Đối với các tuyến xe buýt liên tỉnh sẽ do Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh có liên quan để thực hiện công tác quản lý.
2. Đối tượng áp dụng:
Quy định này áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ xe buýt, khai thác vận tải khách bằng xe buýt và hành khách đi xe buýt.
1. Theo nguồn vốn đầu tư: Gồm 03 loại: Xe buýt đầu tư bằng vốn ngân sách, xe buýt đầu tư bằng vốn ngoài ngân sách hoặc nguồn vốn hỗn hợp dưới hình thức công ty liên doanh hoặc cổ phần.
2. Theo chế độ ưu đãi: Gồm 02 loại: Xe buýt có trợ giá và không trợ giá.
3. Theo địa bàn hoạt động: Gồm có 03 loại: Xe buýt nội thị, xe buýt liên huyện và xe buýt liên tỉnh liền kề.
Điều 4. Nguyên tắc tham gia khai thác VTKCC bằng xe buýt
Khi tham gia hoạt động VTKCC bằng xe buýt các doanh nghiệp phải tuân theo những nguyên tắc sau:
1. Đối với các tuyến xe buýt nội thị:
- Nhà nước sẽ thực hiện đặt hàng đối với các tuyến xe buýt triển khai thực hiện trước ngày 31/12/2007 trong 3 năm (từ 2008 - 2010, bao gồm cả tuyến Chợ Đầm - Sông Lô thay tuyến Bến xe phía Bắc - Bến xe phía Nam) và tổ chức đấu thầu khai thác tuyến đối với các tuyến xe buýt này từ năm 2011.
- Với các tuyến xe buýt mới hoạt động từ ngày 01/01/2008 không trợ giá, thực hiện việc xét chọn hoặc đấu thầu để chọn nhà đầu tư (nếu có nhiều nhà đầu tư cùng đăng ký).
2. Đối với các tuyến xe buýt liên huyện và liên tỉnh liền kề:
- Các tuyến xe buýt đã triển khai đầu tư trước ngày 31/12/2007 thực hiện việc xét chọn nhà đầu tư.
- Các tuyến xe buýt mới đầu tư sau ngày 01/01/2008 sẽ thực hiện việc xét chọn hoặc đấu thầu để chọn nhà đầu tư.
- Đối với việc mở mới các tuyến liên huyện, liên tỉnh liền kề khi xây dựng biểu đồ xe chạy, phải hạn chế tối đa việc chồng tuyến tại khu vực nội thị để đảm bảo trật tự vận tải, an toàn giao thông đô thị.
3. Quy trình đặt hàng, xét chọn và tham gia đấu thầu:
- Đối với xe buýt đặt hàng: Trên cơ sở Nghị định 31/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2005 về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích; Quyết định 256/2006/QĐ-TTg ngày 9 tháng 11 năm 2006 ban hành quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch thực hiện sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích và các định mức kinh tế kỹ thuật, các quy định, chính sách hiện hành đối với hoạt động xe buýt, doanh nghiệp vận tải được giao nhiệm vụ xây dựng đơn giá (mức trợ giá cho một đơn vị sản phẩm: lượt người hoặc km hoạt động), Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các ngành chức năng thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
- Đối với các tuyến xe buýt tổ chức đấu thầu: Các doanh nghiệp tham gia đấu thầu phải thực hiện các nguyên tắc, trình tự tham gia đấu thấu, ký hợp đồng theo quy định của hồ sơ mời thầu. Sở Giao thông vận tải chủ trì lập phương án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức đấu thầu theo quy định.
NHỮNG QUY ĐỊNH TRONG KHAI THÁC HOẠT ĐỘNG XE BUÝT
1. Doanh nghiệp đăng ký khai thác tuyến xe buýt nộp hồ sơ tại Sở Giao thông vận tải, hồ sơ bao gồm:
- Công văn đăng ký khai thác tuyến;
- Phương án kinh doanh: Phương án kinh doanh phải đáp ứng các điều kiện, quy định tại Nghị định số 110/2006/NĐ-CP ngày 28 tháng 9 năm 2006, Quyết định số 34/2006/QĐ-BGTVT ngày 16 tháng 10 năm 2006 và Tiêu chuẩn ngành 22 TCN 302-06 ngày 02 tháng 3 năm 2006. Phương án phải chứng minh có kinh nghiệm, năng lực hoạt động; khả năng cung cấp dịch vụ xe buýt tiêu chuẩn, khả năng tài chính... theo các nội dụng cụ thể trong hồ sơ mời thầu, trong tiêu chí xét chọn nhà đầu tư.
- Quyết định thành lập doanh nghiệp;
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (có ngành nghề vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt).
Sở Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thẩm định và trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định xét chọn nhà đầu tư hoặc công bố trúng thầu tuyến xe buýt (nếu tổ chức đấu thầu tuyến).
Sau khi trúng thầu hoặc được giao khai thác tuyến, trong thời gian thực hiện nếu không đáp ứng được lưu lượng khách đi lại trên tuyến, chất lượng phương tiện không đúng tiêu chuẩn theo quy định, Sở Giao thông Vận tải sẽ trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét thay thế hoặc bố trí thêm doanh nghiệp vận tải khác có đủ điều kiện để tham gia khai thác tuyến nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.
Điều 6. Tiêu chí cơ bản để xét chọn nhà đầu tư và mời thầu
1. Các thông số về tuyến: Tên tuyến, điểm đầu, điểm cuối, điểm dừng, chiều dài tuyến, lộ trình.
2. Phương tiện: Loại xe, chất lượng, trọng tải;
3. Thời gian hoạt động trong ngày;
4. Tần suất chạy xe;
5. Giá vé phục vụ khách;
6. Năng lực tài chính;
7. Khả năng quản lý điều hành;
8. Khả năng bảo dưỡng phương tiện;
9. Kinh nghiệm, năng lực quản lý;
10. Tiến độ thực hiện dự án.
Điều 7. Quyền lợi của doanh nghiệp
Khi tham gia VTKCC bằng xe buýt doanh nghiệp có các quyền lợi sau:
1. Được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Khuyến khích đầu tư trong nước và các Nghị định hướng dẫn thi hành.
2. Được xem xét cho thuê đất sử dụng vào mục đích làm văn phòng, nhà xưởng, bãi đỗ xe và được hưởng các chính sách ưu đãi về tiền thuê đất theo quy định của pháp luật
3. Được tham gia nghiên cứu, chuyển giao các đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp tỉnh có liên quan đến VTKCC bằng xe buýt. Được hỗ trợ và chuyển giao công nghệ VTKCC bằng xe buýt tiên tiến theo các chương trình tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
4. Được khai thác ổn định trên tuyến tối thiểu là 5 năm trong trường hợp thắng thầu tuyến xe buýt hoặc được xét chọn làm nhà đầu tư. Và hợp đồng sẽ được ký tiếp nếu nhà thầu thực hiện tốt về chất lượng dịch vụ và giảm chi phí
5. Được quảng cáo bên ngoài thành xe và trong xe buýt theo quy định.
Điều 8. Quy định đối với xe buýt
Phải là xe ôtô khách đủ điều kiện hoạt động quy định tại số 110/2006/NĐ-CP ngày 28 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô; và các tiêu chuẩn do ngành giao thông vận tải quy định; tuyệt đối không được làm ba ga trên mui xe để hàng; phải có chuông (hoặc còi điện) báo hiệu lên xuống và có đủ tay vịn, dây nắm cho hành khách. Có bố trí ghế ưu tiên cho người tàn tật, người già yếu, phụ nữ có thai.
2. Xe buýt đang hoạt động phải mang theo các loại giấy tờ theo quy định của Luật Giao thông đường bộ để đáp ứng cho công tác kiểm tra, kiểm soát; có gắn phù hiệu “Xe Buýt” trên kính phía trước và phía sau xe, có sổ nhật trình chạy xe được ghi chép đầy đủ, chính xác, rõ ràng để theo dõi hoạt động của xe. Trên xe buýt phải bố trí tủ y tế và bình chữa cháy tại nơi thuận tiện.
1. Vé xe buýt bao gồm vé lượt và vé tháng:
- Vé lượt: Gồm loại vé hành khách đi theo từng chặng và vé đi suốt tuyến của từng lượt đi.
- Vé tháng: Có giảm giá, gồm loại vé hành khách đi theo từng chặng và vé đi suốt tuyến theo mỗi tháng, hoặc ½ tháng.
2. Ngoài các loại vé nêu trên, còn có các loại vé phát hành cho các đối tượng ưu tiên (người tàn tật, thương bệnh binh, sinh viên học sinh...).
3. Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các ngành liên quan và các doanh nghiệp đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh về giá các loại vé nêu tại Khoản 1, 2, 3 điều này.
4. Đối với các tuyến có trợ giá từ nguồn ngân sách Nhà nước của tỉnh, vé phải do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phát hành và quản lý; Đối với các tuyến không trợ giá từ nguồn ngân sách Nhà nước của tỉnh, việc in vé do các doanh nghiệp VTKCC bằng xe buýt phát hành, quản lý và thực hiện việc đăng ký theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 10. Kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động xe buýt
1. Hệ thống điểm dừng, nhà chờ, biển báo cho hoạt động xe buýt phải được xây dựng, lắp đặt tại những địa điểm, vị trí thuận lợi cho việc đi lại của hành khách, có kiểu dáng, kích thước thiết kế phù hợp, bảo đảm an toàn giao thông và mỹ quan đô thị. Các nhà chờ phải thông tin về hành trình chạy xe, lịch trình chạy xe, các số điện thoại nóng và bản đồ hướng dẫn mạng lưới tuyến xe buýt.
2. Đối với các tuyến liên huyện có lộ trình trùng lắp với lộ trình các tuyến xe buýt nội thị thì khoảng cách giữa các điểm dừng trên các đoạn trùng lắp tối thiểu là 1.000m và cách điểm dừng của xe buýt nội thị tối thiểu 150m. Tại các vị trí điểm dừng xe buýt: Trong đô thị nếu lề đường rộng từ 4m trở lên, ngoài đô thị nếu lề đường rộng từ 1,5m trở lên và không ảnh hưởng đến cảnh quan xung quanh thì xây dựng nhà chờ xe buýt; Điểm dừng, nhà chờ không được nằm gần giao lộ, ảnh hưởng đến trật tự giao thông; Hai điểm dừng chiều đi - về đối diện nhau trên 1 tuyến phải cách nhau tối thiểu 20m.
3. Tại vị trí các điểm dừng, nhà chờ có vị trí dành riêng cho người tàn tật, phải xây dựng lối lên xuống thuận tiện cho xe lăn.
4. Tại 2 đầu tuyến xe buýt có bố trí nhân viên điều hành để hướng dẫn hành khách, kiểm tra, phối hợp hoạt động của xe buýt trên tuyến và thông tin liên lạc.
5. Việc đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ VTKCC bằng xe buýt được thực hiện bằng phương thức: vốn đầu tư của doanh nghiệp khai thác tuyến xe buýt, vốn đầu tư của doanh nghiệp khác và một phần ngân sách tỉnh hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
6. Tại nhà chờ xe buýt, các thông tin phục vụ việc quảng cáo mà nội dung không liên quan đến hoạt động của xe buýt chỉ được thực hiện khi đã thông tin đầy đủ về các tuyến xe buýt: Số hiệu tuyến, tên tuyến, lộ trình tuyến, tần suất chạy xe, thời gian hoạt động trong ngày của tuyến, số điện thoại liên hệ.
7. Đơn vị đầu tư, quản lý kết cấu hạ tầng xe buýt có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng có liên quan để xác định địa điểm, quy mô đảm bảo về mỹ quan, an ninh trật tự, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HOẠT ĐỘNG XE BUÝT
Điều 11. Trách nhiệm của Sở Giao thông Vận tải
Là cơ quan chuyên môn, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định những vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về khai thác VTKCC bằng xe buýt. Ngoài những nhiệm vụ quy định tại điều 15 Quyết định số 34/2006/QĐ-BGTVT ngày 16 tháng 10 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy định về quản lý vận tải khách công cộng bằng xe buýt, Sở Giao thông vận tải có nhiệm vụ:
1. Công bố công khai Quy hoạch Giao thông vận tải tỉnh Khánh Hoà giai đoạn năm 2006 đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (trong đó quy hoạch hệ thống vận tải khách công cộng).
2. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng các định mức kinh tế kỹ thuật và phương thức nghiệm thu sản phẩm đặt hàng đối với hoạt động của xe buýt có trợ giá.
3. Hướng dẫn các doanh nghiệp về các thủ tục đăng ký tham gia hoạt động xe buýt. Phối hợp với các ngành liên quan tổ chức thẩm định điều kiện hoạt động và các phương án hoạt động xe buýt trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
4. Ban hành kế hoạch chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn về hoạt động xe buýt cho lái phụ xe, nhân viên bán vé xe buýt.
5. Trên cơ sở các tuyến xe buýt được quy hoạch, theo nhu cầu và lộ trình triển khai, xây dựng thiết kế kỹ thuật và hồ sơ mời thầu từng tuyến xe buýt để tổ chức đầu thầu. Trường hợp xét thầu, Sở Giao thông vận tải phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính xây dựng các tiêu chí xét chọn và phương pháp chấm điểm, tổ chức xét chọn.
6. Phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập cơ quan trực thuộc Sở Giao thông vận tải để làm nhiệm vụ điều hành vận tải công cộng. Trước mắt, giao công tác quản lý hoạt động xe buýt cho Phòng Vận tải của Sở Giao thông vận tải đảm nhiệm.
Điều 12. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư
1. Tham gia tổ tư vấn, xét thầu, xét chọn nhà đầu tư.
2. Thẩm định dự án đầu tư xe buýt đối với các nhà đầu tư được xét chọn trình Ủy ban nhân dân tỉnh thỏa thuận cho phép đầu tư.
3. Phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính thẩm định đơn đặt hàng theo sản phẩm đối với hoạt động xe buýt trợ giá trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
Điều 13. Trách nhiệm của Sở Tài chính
1. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt dự toán ngân sách hàng năm để thanh toán sản phẩm VTKCC bằng xe buýt đối với xe buýt trợ giá theo đúng qui định.
2. Chủ trì và phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Kế hoạch và đầu tư thẩm định đơn đặt hàng theo sản phẩm đối với hoạt động xe buýt trợ giá trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
3. Thực hiện các thủ tục thanh, quyết toán trợ giá cho hoạt động VTKCC bằng xe buýt có trợ giá.
Điều 14. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
1. Phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc triển khai các dự án xe buýt đi qua địa bàn huyện, thị, thành phố mình.
2. Đảm bảo trật tự an ninh, trật tự an toàn giao thông, trật tự vận tải trên địa bàn có hoạt động xe buýt.
3. Tạo điều kiện về quỹ đất và các vị trí để các doanh nghiệp bố trí các điểm đầu cuối và các điểm dừng, nhà chờ trên các tuyến xe buýt.
Điều 15. Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm
1. Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra việc thực hiện biểu đồ chạy xe và các tiêu chuẩn, chất lượng phục vụ khách (theo phương án do doanh nghiệp đăng ký khi tham gia dự thầu hoặc do nhà nước quy định), kiểm tra việc thực hiện các định mức kinh tế kỹ thuật, việc chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông đô thị, hợp đồng kinh tế đã ký kết và các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động VTKCC bằng xe buýt. Mọi hành vi vi phạm phải được xử lý kịp thời theo pháp luật;
Trường hợp các doanh nghiệp đang hoạt động không thực hiện các tiêu chí theo dự án đầu tư (kỹ thuật phương tiện, tần suất chạy xe, số chuyến/ngày…) sẽ bị xử lý chấm dứt hoạt động trên tuyến.
2. Lực lượng thanh tra chuyên ngành; Cán bộ, công chức khi thi hành công vụ có các hành vi: Sách nhiễu, dung túng, bao che, không xử phạt hoặc xử phạt không kịp thời, không đúng mức các hành vi vi phạm; Xử phạt vượt quá thẩm quyền hoặc không tuân theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định thì tuỳ theo mức độ nặng nhẹ sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác quản lý và tổ chức vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh sẽ được xem xét khen thưởng theo quy định của Nhà nước.
Điều 17. Giám đốc Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm phổ biến tuyên truyền rộng rãi Quyết định số 34/2006/QĐ-BGTVT ngày 16 tháng 10 năm 2006 của Bộ Giao thông vận tải và Quyết định này đến các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh biết để thực hiện. Đồng thời, phối hợp cùng các Sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố theo dõi, kiểm tra việc thực hiện; kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc về Ủy ban nhân dân tỉnh để giải quyết kịp thời./.
Quyết định 34/2006/QĐ-BGTVT về quản lý vận tải khách công cộng bằng xe buýt do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Ban hành: 16/10/2006 | Cập nhật: 21/10/2006
Quyết định 256/2006/QĐ-TTg ban hành Quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch thực hiện sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích Ban hành: 09/11/2006 | Cập nhật: 22/11/2006
Nghị định 110/2006/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô Ban hành: 28/09/2006 | Cập nhật: 07/10/2006
Nghị định 31/2005/NĐ-CP về việc sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích Ban hành: 11/03/2005 | Cập nhật: 07/12/2012