Quyết định 37/2008/QĐ-UBND về Quy trình bầu cử Trưởng thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh Quảng Trị
Số hiệu: 37/2008/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Trị Người ký: Lê Hữu Phúc
Ngày ban hành: 14/11/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tổ chức bộ máy nhà nước, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37/2008/QĐ-UBND

Đông Hà, ngày 14 tháng 11 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY TRÌNH BẦU CỬ TRƯỞNG THÔN, BẢN, KHU PHỐ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTWQH11 ngày 20 tháng 4 năm 2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Nghị quýêt Liên tịch số 09/2008/NQLT-CP-UBTWPTTQ Việt Nam ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ, Ủy ban TWMTTQ Việt Nam Hướng dẫn thi hành các Điều 11, Điều 14, Điều 16, Điều 22 và Điều 26 của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;

Căn cứ Quyết định số 13/2002/QĐ-BNV ngày 06 tháng 12 năm 2002 của Bộ Trưởng Bộ Nội vụ về việc Ban hành Quy chế Tổ chức và hoạt động của Thôn và Tổ dân phố;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy trình bầu cử Trưởng thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 69/2004/QĐ-UB ngày 13 tháng 01 năm 2004 của UBND tỉnh.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Lê Hữu Phúc

 

QUY TRÌNH

BẦU CỬ TRƯỞNG THÔN, BẢN, KHU PHỐ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 37/2008/QĐ-UBND ngày 14/11/2008 của UBND tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Quy trình bầu cử Trưởng thôn, bản, khu phố (Sau đây gọi chung là Trưởng thôn) được áp dụng thống nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Điều 2. Nguyên tắc bầu cử

1. Việc bầu cử Trưởng thôn tùy theo điều kiện của từng địa phương để có thể tổ chức kết hợp tại hội nghị thôn hoặc tổ chức thành cuộc bầu cử riêng:

- Việc tổ chức bầu cử Trưởng thôn kết hợp tại Hội nghị thôn được tiến hành theo quy định tại Điều 8 Nghị quyết liên tịch số 09/2008/NQLT-CP-UBTWMTTQ Việt Nam ngày 17/4/2008 của Chính phủ, Ủy ban TWMTTQ Việt Nam;

- Việc bầu cử Trưởng thôn được tổ chức thành cuộc bầu cử riêng, phải thực hiện theo đúng các bước quy định tại Quy trình này và được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

2. Mọi công dân có hộ khẩu thường trú tại thôn đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử Trưởng thôn.

Điều 3. Tiêu chuẩn Trưởng thôn

Trưởng thôn là người đại diện cho nhân dân và đại diện cho chính quyền xã, phường, thị trấn (Sau đây gọi chung là cấp xã) để thực hiện một số nhiệm vụ hành chính và tự quản tại thôn. Trưởng thôn phải có các tiêu chuẩn sau:

- Tuổi đời: Từ 21 đến 60 đối với nam và từ 21 đến 55 đối với nữ; có hộ khẩu thường trú tại thôn;

- Lý lịch rõ ràng, sức khỏe tốt, đủ điều kiện đáp ứng nhiệm vụ;

- Là người trung thành với tổ quốc Việt Nam XHCN, gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước; có phẩm chất đạo đức tốt, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; Trung tâm đoàn kết thống nhất trong cộng đồng dân cư;

- Học vấn: Trình độ học vấn tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên; có hiểu biết và có kiến thức quản lý nhà nước, có kinh nghiệm trong công tác xã hội, biết tổ chức, quản lý, điều hành để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư;

- Được đa số nhân dân tín nhiệm.

Chương II

QUY TRÌNH BẦU CỬ TRƯỞNG THÔN

Điều 4. Chậm nhất là 20 ngày trước ngày tổ chức bầu cử, UBND cấp xã ra quyết định công bố ngày tổ chức bầu cử Trưởng thôn; chủ trì, phối hợp với Trưởng ban công tác mặt trận cùng cấp xây dựng kế hoạch, hướng dẫn nghiệp vụ và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch bầu cử.

Điều 5. Chậm nhất là 15 ngày trước ngày tổ chức bầu cử, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn tổ chức hội nghị Ban công tác Mặt trận dự kiến danh sách người ứng cử Trưởng thôn.

1. Thành phần hội nghị:

Trưởng Ban công tác Mặt trận chủ trì, phối hợp với Trưởng thôn mới Chi ủy Chi bộ thôn, Trưởng các tổ chức đoàn thể (Bí thư Chi đoàn thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi...).

2. Nội dung hội nghị:

- Trưởng thôn, công bố Quyết định của UBND cấp xã về ngày tổ chức bầu cử Trưởng thôn, phổ biến kế hoạch tổ chức bầu cử, các điều kiện đảm bảo cho công tác tổ chức bầu cử;

- Trưởng Ban công tác Mặt trận phổ biến tiêu chuẩn, dự kiến số lượng, công tác hiệp thương giới thiệu người ứng cử Trưởng thôn (Từ 02- -3 người);

Cuộc họp Ban công tác Mặt trận của Thư ký lập thành biên bản trong đó ghi rõ thời gian, địa điểm, thành phần, tổng số người được triệu tập, số người tham dự, nội dung và nhận xét của hội nghị về những ưu điểm, nhược điểm của người được dự kiến giới thiệu ứng cử để báo cáo với Chi ủy Chi bộ thôn.

Điều 6. Tổ chức hội nghị cử tri để thảo luận điều kiện, tiêu chuẩn và giới thiệu ứng cử:

1.Thành phần hội nghị:

a) Trưởng Ban công tác Mặt trận chủ trì, phối hợp với Trưởng thôn mời cử tri trong thôn. Hội nghị thôn được tiến hành khi có trên 50% số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ trong thôn dự;

b) Trưởng thôn mời đại diện Lãnh đạo Đảng ủy, UBND, Thường trực UBMTTQ Việt Nam cấp xã; đại diện Chi ủy Chi bộ, Chi đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi, Hội Chữ thập đỏ...của thôn cùng dự hội nghị.

2. Nội dung, thủ tục, trình tự:

a) Trưởng ban công tác Mặt trận tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu tham dự; giới thiệu Thư ký hội nghị;

b) Trưởng thôn công bố Quyết định của UBND cấp xã về ngày tổ chức bầu cử, kế hoạch bầu cử; báo cáo công tác nhiệm kỳ qua và tự phê bình trước hội nghị cử tri;

c) Trưởng ban công tác Mặt trận phổ biến điều kiện, tiêu chuẩn Trưởng thôn và dự kiến danh sách những người ra ứng cử của Ban công tác Mặt trận (Có thể giới thiệu từ 02- 03 người);

d) Hội nghị tham gia báo cáo, đóng góp ý kiến cho Trưởng thôn trong nhiệm kỳ qua, thảo luận điều kiện, tiêu chuẩn và giới thiệu người ứng cử hoặc tự ứng cử;

e) Thông qua biên bản cuộc họp;

f) Trưởng thôn kết thúc hội nghị.

Điều 7. Tổ chức hội nghị để thống nhất và ấn định danh sách những người ứng cử Trưởng thôn

Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn triệu tập và chủ tọa hội nghị.

1. Thành phần hội nghị:

a) Đại diện Lãnh đạo Chi ủy Chi bộ, Trưởng các tổ chức đoàn thể (Bí thư Chi đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Chữ thập đỏ, Hội Người cao tuổi...);

b) Mời đại diện Lãnh đạo Đảng ủy, UBND và Thường trực UBMTTQ Việt Nam cấp xã dự hội nghị.

2. Nội dung, thủ tục, trình tự:

a) Trưởng Ban công tác Mặt trận nêu mục đích; nội dung; giới thiệu đại biểu; Thư ký hội nghị thông qua danh sách những người được Ban công tác Mặt trận, cử tri giới thiệu và người tự ứng cử;

b) Căn cứ điều kiện, tiêu chuẩn Trưởng thôn, hội nghị thảo luận và ấn định số người ứng cử Trưởng thôn. Số người ứng cử ít nhất là 02 người để cử tri lựa chọn bầu một người;

c) Hội nghị lập biên bản ghi rõ thành phần hội nghị, tổng số người được triệu tập, số người có mặt, nội dung, diễn biến hội nghị và thỏa thuận cuối cùng của hội nghị lập danh sách ấn định những người ứng cử Trưởng thôn;

d) Ban công tác Mặt trận thôn, hướng dẫn các ứng cử viên làm đơn xin ứng cử, lí lịch, tiểu sử tóm tắt;

e) Ban công tác Mặt trận thôn tổng hợp báo cáo xin ý kiến Chi ủy Chi bộ và Cấp ủy cấp trên;

g) Đảng ủy (Chi bộ nơi chưa có Đảng ủy) và UBND, UBMTTQ Việt nam xã, phường, thị trấn xem xét thống nhất nhận sự và thông báo cho Cấp ủy, Trưởng thôn và Ban công tác Mặt trận thôn biết thực hiện.

Điều 8. Chậm nhất 10 ngày trước ngày tổ chức bầu cử Trưởng thôn UBND xã, phường, thị trấn tùy theo địa hình và cử tri ở các thôn để thành lập ở mỗi thôn, bản, khu phố số lượng tổ bầu cử cho phù hợp. Mỗi tổ bầu cử (Khu vực bỏ phiếu) có từ một trăm cử tri đến dưới bốn ngàn cử tri; ở miền núi, hải đảo và những nơi dân cư không tập trung thì dù chưa đủ ba năm cử tri cũng có thể thành lập một khu vực bỏ phiếu. Mỗi tổ bầu cử từ 03 đến 05 người do Trưởng Ban, Phó trưởng Ban công tác Mặt trận làm tổ trưởng. Các thành viên khác gồm đại diện của tổ chức Đảng; tổ chức đoàn thể trong thôn là những người không có tên trong danh sách ứng cử. Tổ bầu cử có Tổ trưởng, Tổ phó, Thư lý và Ủy viên.

Tổ bầu cử có nhiệm vụ và quyền hạn sau:

1. Lập và niêm yết danh sách cử tri tham gia bầu cử, danh sách ứng cử viên chậm nhất là 07 ngày trước ngày tổ chức bầu cử.

2. Nhận tài liệu và phiếu bầu (Có đóng dấu của UBND xã, phường, thị trấn ở góc trái phía trên của biếu bầu) từ UBND xã, phường, thị trấn để phát cho cử tri trong ngày bầu cử, chuẩn bị hòm phiếu.

3. Thường xuyên thông báo cho cử tri biết ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu, danh sách ứng cử viên, thời gian bỏ phiếu trong thời hạn 05ngày trước ngày bầu cử.

4. Bố trí, trang trí phòng bỏ phiếu.

5. Tổ chức ngày bầu cử theo đúng nội quy của phòng bỏ phiếu.

6. Xét giải quyết những khiếu nại về bầu cử.

7. Kiểm phiếu và lập biên bản kết quả kiểm phiếu.

8. Công bố kết quả bầu cử.

9. Báo cáo kết quả bầu cử, chuyển giao biên bản kiểm phiếu, phiếu bầu và các tài liệu liên quan đến việc bầu cử Trưởng thôn lên UBND xã, phường, thị trấn.

Tổ bầu cử hết nhiệm vụ khi đã công bố kết quả bầu cử cho nhân dân biết và trình đầy đủ các thủ tục liên quan đến công tác bầu cử lên UBND cấp xã.

Điều 9. Trình tự bầu cử

Cuộc bầu cử tiến hành bắt đầu từ 07 giờ sáng và kết thúc vào lúc 12 giờ trưa cùng ngày, trường hợp khi có 100% cử tri trong danh sách được niêm yết đi bỏ phiếu thì Tổ bầu cử có thể kết thúc cuộc bỏ phiếu sớm hơn.

Trước khi tiến hành bỏ phiếu, Tổ bầu cử phải kiểm tra hòm phiếu trước sự chứng kiến của cử tri.

Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu và tự mình đi bầu, không được nhờ người khác bỏ thay. Trường hợp cử tri đi vắng xa nhà hoặc già yếu, ốm đau, tàn tật không tự mình đi bỏ phiếu được thì báo cáo cho tổ bầu cử biết để ghi rõ vào cột ghi chú của danh sách cử tri không tham gia bầu cử.

Điều 10. Việc kiểm phiếu

Việc kiểm phiếu phải được tiến hành tại phòng bỏ phiếu ngay khi cuộc bỏ phiếu kết thúc.

Trước khi mở hòm phiếu Tổ bầu cử phải thống kê, lập biên bản, niêm phong số phiếu bầu còn không sử dụng và mời 02 cử tri không phải là người ứng cử có mặt tại đó chứng kiến việc kiểm phiếu.

Điều 11. Những phiếu sau đây là không hợp lệ

1. Phiếu không phải là phiếu theo mẫu quy định của Tổ bầu cử phát.

2. Phiếu không đóng dấu của UBND cấp xã.

3. Phiếu để số người được bầu 02 người trở lên.

4. Phiếu gạch, xóa hết tên người ứng cử.

5. Phiếu ghi tên người khác ngoài danh sách người ứng cử.

Điều 12. Sau khi kiểm phiếu xong Tổ bầu cử lập biên bản kiểm phiếu, xác nhận kết quả kiểm phiếu. Biên bản kiểm phiếu phải ghi rõ:

1. Số người được ứng cử, đề cử.

2. Tổng số cử tri của thôn.

3. Số cử tri tham gia bỏ phiếu, tỷ lệ so với tổng số cử tri có tên trong danh sách.

4. Số cử tri không tham gia bỏ phiếu có lý do.

5. Số cử tri không tham gia bỏ phiếu không có ký do.

6. Số phiếu phát ra.

7. Số phiếu thu vào.

8. Số phiếu hợp lệ.

9. Số phiếu không hợp lệ.

10. Số phiếu bầo cho mỗi người ứng cử; tỷ lệ so với số phiếu hợp lệ.

Biên bản kiểm phiếu xác định kết quả bầu cử được thành lập 03 bản phải có chữ ký của Tổ trưởng, Tổ phó, Thư ký và hai cử tri chứng kiến việc kiểm phiếu để gửi đến UBND cấp xã, 01 bản gửi UBMTTQ Việt Nam xã, phường, thị trấn và 01 bản lưu hồ sơ.

Điều 13. Danh sách những người trúng cử (Người trúng cử là người có quá nữa số phiếu hợp lệ và nhiều phiếu hơn. Trường hợo 02 người có số phiếu ngang nhau thì người nhiều tuổi hơn là người trúng cử.

Điều 14. Trong cuộc bầu cử đầu tiên, nếu số cử tri tham gia bỏ phiếu chưa được quá nửa số cử tri ghi trong danh sách hoặc kết quả bầu cử không có người nào đạt đến 50% số phiếu bầu hợp lệ, so với tổng số cử tri hoặc đại diện họ trong toàn thôn thì phải tiến hành tổ chức bầu cử lại. Ngày tổ chức bầu cử lại do UBND cấp xã quyết định, nhưng chậm nhất không quá 15 ngày, kể từ ngày tổ chức bầu cử lần đầu.

Điều 15. Trường hợp tổ chức bầu cử lại lần thứ 2 vẫn không bầu được Trưởng thôn, thì Chủ tịch UBND cấp xã Quyết định cử Trưởng thôn lâm thời trong số những người ứng cử Trưởng thôn chính thức để điều hành hoạt động của thôn cho đến khi bầu được Trưởng thôn mới.

Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày Chủ tịch UBND cấp xã quyết định cử Trưởng thôn lâm thời, UBND cấp xã phải tổ chức bầu cử Trưởng thôn mới và làm việc tổ chức bầu cử Trưởng thôn được thực hiện theo hướng dẫn của quy trình này.

Điều 16. Tổ chức Bầu cử Trưởng thôn tại hội nghị thôn

Hội nghị bầu Trưởng thôn được tiến hành khi có trên 50% số cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, bản khu phố tham dự.

- Việc bầu cử có thể bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín do hội nghị quyết định;

- Nếu bằng hình thức giơ tay, tổ bầu cử trực tiếp đếm số biểu quyết. Nếu bằng hình thức bỏ phiếu kín, Tổ bầu cử làm nhiệm vụ kiểm phiếu theo quy định tại Điều 9, 10, 11, 12, 13 trên đây.

Điều 17. Công nhận kết quả bầu cử

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được biên bản, phiếu bầu, các tài liệu liên quan và khiếu nại (Nếu có) của Tổ trưởng Tổ bầu cử, UBND cấp xã xem xét, ra Quyết định công nhận người trúng cử Trưởng thôn hoặc Quyết định tổ chức ngày bầu cử lại; trường hợp không ra quyết định công nhận hoặc quyết định bầu cử lại thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trưởng thôn chính thức hoạt động khi có Quyết định công nhận của UBND cấp xã.

Điều 18. Kinh phí tổ chức bầu cử Trưởng thôn do ngân sách xã, phường, thị trấn đảm bảo.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 19. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện quy trình này.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, có gì vướng mắc báo cáo về UBND tỉnh (Qua Sở Nội vụ) để xem xét, giải quyết./.