Quyết định 18/2020/QĐ-UBND quy định về tổ chức giao thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng
Số hiệu: 18/2020/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hải Phòng Người ký: Nguyễn Văn Tùng
Ngày ban hành: 28/07/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giao thông, vận tải, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/2020/QĐ-UBND

Hải Phòng, ngày 28 tháng 7 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH TỔ CHỨC GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13/11/2008;

Căn cứ Thông tư số 54/2019/TT-BGTVT ngày 31/12/2019 của Bộ Giao thông vận tải ban hành quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 41/TTr-SGTVT ngày 23/6/2020 về việc đề nghị ban hành Quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy định tổ chức giao thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng; Báo cáo thẩm định số 32/BCTĐ-STP ngày 18/6/2020 của Sở Tư pháp.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tổ chức giao thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 10/8/2020 và thay thế các Quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố: số 28/2017/QĐ-UBND ngày 05/12/2017 về việc ban hành quy định về phân luồng giao thông và giờ hoạt động của một số phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng, số 32/2017/QĐ-UBND ngày 19/12/2017 về việc ngưng hiệu lực một phần và sửa đổi Quy định về việc phân luồng giao thông và giờ hoạt động của một số phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng ban hành kèm theo Quyết định số 28/2017/QĐ-UBND ngày 05/12/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Công an thành phố, Giám đốc các Sở: Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Tài chính; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã, thị trấn và thủ trưởng các đơn vị, các tổ chức cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Vụ pháp chế - Bộ GTVT;
- Cục KTVB QPPL-Bộ TP;
- Như Điều 3;
- TTTU,TTHĐND.TP;
- Đoàn ĐBQH TP;
- CT, các PCT UBND TP;
- Sở Tư pháp;
- Công báo thành phố;
- Cổng Thông tin điện tử TP;
- Đài PTTHHT, Báo HP;
- Các PCVP;
- CV: GT;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Tùng

 

QUY ĐỊNH

TỔ CHỨC GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 18/2020/QĐ-UBND ngày 28/7/2020 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về việc tổ chức giao thông đường bộ các tuyến đường địa phương trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động tổ chức giao thông, tham gia giao thông đường bộ trên các tuyến đường địa phương thuộc địa bàn thành phố Hải Phòng.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Khối lượng chuyên chở: khối lượng chuyên chở cho phép xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

2. Giờ cao điểm: buổi sáng từ 6 giờ 00 phút đến 8 giờ 00 phút, buổi chiều từ 16 giờ 30 đến 18 giờ 30 phút.

3. Khu vực trung tâm thành phố: là khu vực được bao bằng các tuyến đường Hùng Vương (từ nút giao với đường Tôn Đức Thắng), Bạch Đằng, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Lê Thánh Tông, Chùa Vẽ, Quốc lộ 5, tuyến đường liên phường quận Hải An kết nối Quốc lộ 5 với đường thuộc Dự án phát triển giao thông đô thị, đường thuộc Dự án phát triển giao thông đô thị (đoạn đến nút giao cầu Đồng Khê), Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Tôn Đức Thắng.

4. Tổ chức giao thông lâu dài: là việc tổ chức giao thông không xác định thời hạn.

5. Tổ chức giao thông tạm thời: là việc tổ chức giao thông có xác định thời hạn để phục vụ thi công công trình và các hoạt động khác trên đường bộ.

Điều 4. Nguyên tắc tổ chức

1. Việc tổ chức giao thông đường bộ phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật có liên quan, đáp ứng nhu cầu giao thông của tổ chức, cá nhân đảm bảo an toàn giao thông, kiểm soát tai nạn giao thông và hạn chế ùn tắc giao thông.

2. Cơ quan có thẩm quyền tổ chức giao thông phải tổ chức lắp đặt báo hiệu đường bộ đồng bộ với tổ chức giao thông trước khi thông báo tổ chức giao thông có hiệu lực.

3. Cơ quan có thẩm quyền tổ chức giao thông ban hành Thông báo tổ chức giao thông tối thiểu 01 ngày trước khi điều chỉnh tổ chức giao thông có hiệu lực. Đồng thời công bố rộng rãi Thông báo trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan, trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức phù hợp khác.

Chương II

QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC GIAO THÔNG

Điều 5. Phân cấp thẩm quyền tổ chức giao thông đối với các tuyến đường địa phương

1. Sở Giao thông vận tải tổ chức giao thông trên các tuyến đường được Ủy ban nhân dân thành phố giao quản lý.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức giao thông trên các tuyến đường được Ủy ban nhân dân thành phố giao quản lý.

3. Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng tổ chức giao thông trên các tuyến đường nội bộ thuộc các khu công nghiệp được giao quản lý.

4. Các tuyến đường cụ thể được giao quản lý thực hiện theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố về phân cấp quản lý, bảo trì các công trình giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Điều 6. Điều kiện, phạm vi hoạt động của xe thô sơ

1. Xe thô sơ chỉ được phép tham gia giao thông khi bảo đảm các điều kiện về an toàn giao thông đường bộ như sau:

a) Có đủ hệ thống hãm có hiệu lực;

b) Có hệ thống chuyển hướng có hiệu lực;

c) Được gắn các chi tiết có khả năng phản xạ ánh sáng khi hoạt động vào ban đêm;

d) Các chi tiết, bộ phận của xe phải được lắp đặt chắc chắn, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

2. Phạm vi hoạt động của xe thô sơ:

a) Các loại xe thô sơ không đảm bảo điều kiện hoạt động theo quy định tại Khoản 1, Điều này; các loại xe kéo đẩy (trừ xe của người khuyết tật và xe nôi trẻ em), xe tự tạo, xe đồ chơi, trượt patanh không được hoạt động trên đường bộ;

b) Xe xích lô, xe đạp thồ, xe súc vật kéo, xe người kéo không được hoạt động trên đường phố;

c) Các loại xe chuyên dùng vận chuyển rác, xe thu gom rác đẩy tay (trừ xe tham gia tổng vệ sinh phục vụ nhiệm vụ đột xuất) được phép hoạt động trên đường phố ngoài các giờ cao điểm.

3. Cơ quan có thẩm quyền tổ chức giao thông quyết định cụ thể việc hạn chế phạm vi hoạt động của các phương tiện quy định tại Khoản 2, Điều này.

Điều 7. Quy định phạm vi hoạt động của phương tiện giao thông cơ giới

1. Các loại xe hạn chế lưu thông khu vực trung tâm thành phố:

a) Xe ô tô tải;

b) Xe ô tô vận tải hành khách;

c) Cơ quan có thẩm quyền tổ chức giao thông quyết định cụ thể việc hạn chế phạm vi, thời gian hoạt động của các phương tiện quy định tại các điểm a,b khoản này.

2. Các loại xe được phép lưu thông vào các tuyến đường cấm xe ô tô vận tải hành khách:

a) Các xe ưu tiên hoạt động theo quy định của pháp luật;

b) Xe buýt hoạt động theo thời gian và lộ trình được Sở Giao thông vận tải trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt;

c) Xe ô tô có biển hiệu du lịch.

3. Các loại xe được phép lưu thông vào các tuyến đường cấm xe ô tô tải:

a) Các xe ưu tiên hoạt động theo quy định của pháp luật;

b) Xe ô tô của Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hải Phòng, Ban an toàn giao thông, Quản lý trật tự đô thị của phường khi làm nhiệm vụ;

c) Các loại xe ô tô phục vụ công tác khắc phục sự cố khẩn cấp các công trình đường bộ, cấp nước, cấp điện, thoát nước, cây xanh, điện chiếu sáng, thông tin liên lạc.

4. Các loại xe ô tô tải được phép lưu thông vào các tuyến đường cấm xe ô tô tải trong thành phố trừ các giờ cao điểm:

a) Xe ô tô làm nhiệm vụ vệ sinh môi trường, xe chăm sóc cây xanh, xe và máy chuyên dùng sửa chữa công trình đường bộ, xe nâng đưa người làm việc trên cao;

b) Xe ô tô tải vận chuyển bưu phẩm, bưu kiện, báo chí bằng đường bộ; xe chở tiền, vàng bạc, ngoại tệ của doanh nghiệp có khối lượng chuyên chở đến 2,0 tấn;

c) Xe ô tô tải phục vụ cho việc sửa chữa công trình điện của Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng, các đơn vị có chức năng truyền tải, phân phối điện năng có khối lượng chuyên chở đến 2,0 tấn;

d) Xe ô tô tải phục vụ cho việc sửa chữa hệ thống thông tin liên lạc của các đơn vị có chức năng kinh doanh viễn thông và mạng thông tin trên địa bàn thành phố có khối lượng chuyên chở đến 2,0 tấn;

e) Xe ô tô tải phục vụ cho việc sửa chữa điện chiếu sáng công cộng, cấp nước, thoát nước có khối lượng chuyên chở đến 2,0 tấn.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải

1. Thực hiện tổ chức giao thông theo quy định tại Quy định này.

2. Phối hợp với Công an thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện hướng dẫn người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; kiểm tra, xử lý các vi phạm theo thẩm quyền.

3. Theo dõi tình hình giao thông sau khi điều chỉnh tổ chức giao thông, kịp thời điều chỉnh các bất cập nếu có.

Điều 9. Trách nhiệm của Công an thành phố

1. Chỉ đạo các lực lượng trực thuộc thực hiện nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển giao thông tại thực tế hiện trường kể từ ngày Thông báo điều chỉnh tổ chức giao thông có hiệu lực.

2. Hướng dẫn các phương tiện giao thông lưu thông vào các tuyến đường hạn chế phương tiện quy định tại Điều 7 Quy định này nhưng phải đảm bảo an toàn giao thông và quy định hiện hành.

3. Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tổ chức giao thông thực hiện việc tổ chức giao thông trên địa bàn thành phố.

Điều 10. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện

1. Thực hiện tổ chức giao thông theo quy định tại Quy định này.

2. Phối hợp với Công an thành phố, Sở Giao thông vận tải hướng dẫn người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; kiểm tra, xử lý các vi phạm theo thẩm quyền.

3. Theo dõi tình hình giao thông sau khi điều chỉnh tổ chức giao thông, kịp thời điều chỉnh các bất cập nếu có.

4. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn giao thông, chấp hành báo hiệu giao thông đường bộ cho người dân trên địa bàn.

Điều 11. Trách nhiệm của Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng

1. Thực hiện tổ chức giao thông theo quy định tại Quy định này.

2. Phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Công an thành phố, chính quyền địa phương thực hiện Quy định này.

3. Theo dõi tình hình giao thông sau khi điều chỉnh tổ chức giao thông, kịp thời điều chỉnh các bất cập nếu có.

Điều 12. Trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông

Phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng và các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền về việc tổ chức giao thông trên địa bàn thành phố.

Điều 13. Trách nhiệm của Sở Tài chính

Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố bố trí kinh phí tổ chức, phân luồng giao thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng theo khả năng cân đối của ngân sách.

Điều 14. Quy định chuyển tiếp.

1. Các nội dung tổ chức, phân luồng giao thông đã ban hành trước thời điểm Quy định này có hiệu lực thì được tiếp tục thực hiện theo nội dung đã được ban hành.

2. Việc điều chỉnh tổ chức giao thông sau thời điểm Quy định này có hiệu lực thì thực hiện theo Quy định này./.