Quyết định 1725/QĐ-UBND năm 2014 về kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020
Số hiệu: 1725/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Tây Ninh Người ký: Trần Lưu Quang
Ngày ban hành: 30/07/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Dân số, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1725/QĐ-UBND

Tây Ninh, ngày 30 tháng 7 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VỀ PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân, ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 215/QĐ-TTg , ngày 06 tháng 02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh tại Tờ trình số 85/TTr-SVHTTDL, ngày 08 tháng 7 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tây Ninh, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Lưu Quang

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VỀ PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1725/QĐ-UBND, ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Ủy ban Nhân dân tỉnh)

Qua hơn 3 năm, triển khai thực hiện Quyết định số 60/QĐ-UBND , ngày 13 tháng 01 năm 2010 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về Kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn 2010 - 2015 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Công tác phòng, chống bạo lực gia đình (sau đây viết tắt là PCBLGĐ) trong thời gian qua luôn được các ngành, các cấp quan tâm chú trọng, đặc biệt là công tác truyền thông, tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình được triển khai thực hiện một cách đồng bộ. Song, tình trạng bạo lực gia đình hiện nay tuy có giảm, nhưng ở từng địa phương tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) vẫn diễn ra với nhiều hình thức khác nhau, mức độ tính chất của từng vụ, từng hành vi ngày càng phức tạp, đa dạng hơn, nạn nhân bị bạo lực không chỉ dừng lại ở phụ nữ mà còn ở người già, trẻ em, thậm chí là nam giới.

Qua số liệu báo cáo của Tòa án Nhân dân tỉnh Tây Ninh hai năm 2008 - 2009 (Tòa án địa phương) đã thụ lý 4.369 vụ, đã giải quyết ly hôn 4.108 vụ; trong đó có 154 vụ do bị đánh đập, ngược đãi; vợ, chồng, ngoại tình: 128 vụ, mâu thuẫn kinh tế: 54 vụ; rượu chè, ma túy: 08 vụ. Đặc biệt, có 08 bản án xử lý hình sự về bạo lực gia đình (BLGĐ) trong đó có 04 vụ chồng giết vợ.

Các cơ quan tiến hành tố tụng 2 cấp (tỉnh, huyện) đã khởi tố 37 vụ án hình sự liên quan đến hành vi BLGĐ, trong đó có 6 vụ giết người, 26 vụ cố ý gây thương tích; Ngành Tòa án đã thụ lý và đưa ra giải quyết 13.085 vụ án hôn nhân gia đình (cấp tỉnh: 262 vụ; cấp huyện: 12.823 vụ); trong đó có 702 vụ án có hành vi BLGĐ (cấp tỉnh: 20 vụ; cấp huyện: 682 vụ) ….

Dù BLGĐ xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng xác định BLGĐ luôn là vấn nạn của xã hội, nếu không đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn hỗ trợ cho những hộ gia đình có nguy cơ BLGĐ thì tình trạng BLGĐ ngày càng tăng, dẫn đến cảnh gia đình tan vỡ, con cái là nạn nhân của BLGĐ … để lại hậu quả cho xã hội và trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể, cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác gia đình, PCBLGĐ ngày càng nhiều hơn.

Từ thực trạng trên, để công tác PCBLGĐ ngày càng đạt hiệu quả; nội dung triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia PCBLGĐ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 với những mục tiêu và giải pháp cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình; từng bước ngăn chặn và giảm dần số vụ bạo lực gia đình trên phạm vi toàn quốc.

2. Các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể

- Số hộ gia đình được tiếp cận thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình: Phấn đấu đến năm 2015 đạt trên 85% và đến năm 2020 đạt trên 95%

- Cán bộ tham gia phòng, chống bạo lực gia đình các cấp (huyện, thành phố) được tập huấn nâng cao năng lực phòng, chống bạo lực gia đình: Phấn đấu đến năm 2015 đạt trên 50% và đến năm 2020 đạt trên 90%.

- Lãnh đạo chính quyền, đoàn thể cấp xã được tập huấn bồi dưỡng, nâng cao năng lực phòng, chống bạo lực gia đình: Phấn đấu đến năm 2015 đạt trên 80% và đến năm 2020 đạt trên 90%.

- Cán bộ, công chức thuộc cơ quan sở, ngành, đoàn thể tỉnh trực tiếp tham gia hoạt động PCBLGĐ được bồi dưỡng, trang bị kiến thức, kỹ năng liên quan đến hoạt động PCBLGĐ: Phấn đấu đến năm 2015 đạt trên 70% và đến năm 2020 đạt 100%.

 - Báo cáo viên, Giảng viên về phòng, chống bạo lực gia đình: Phấn đấu đến năm 2015 đạt trên 30% huyện, thành phố có báo cáo viên về PCBLGĐ và đến năm 2020 Trường Chính trị tỉnh có giảng viên về PCBLGĐ, 100% báo cáo viên cấp tỉnh là báo cáo viên về phòng, chống bạo lực gia đình.

- Số nạn nhân BLGĐ được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa bạo lực gia đình, tư vấn pháp lý, chăm sóc y tế, bảo vệ sự an toàn cho nạn nhân: Phấn đấu đến năm 2015 đạt trên 70% và đến năm 2020 đạt trên 95%.

- Số người có hành vi BLGĐ được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa, giáo dục chuyển đổi hành vi: Phấn đấu đến năm 2015 đạt trên 90% và đến năm 2020 đạt trên 95%.

- Số xã, phường, thị trấn triển khai, nhân rộng mô hình PCBLGĐ: Phấn đấu đến năm 2015 đạt trên 70% và đến năm 2020 đạt trên 90%.

II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI THỰC HIỆN

1. Đối tượng: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình.

2. Phạm vi: Triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình kế hoạch trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, quản lý

- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và sự chỉ đạo, quản lý của chính quyền các cấp đối với hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình.

- Nâng cao trách nhiệm quản lý, điều hành công tác phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020; đưa mục tiêu, chỉ tiêu về phòng, chống bạo lực gia đình vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm ở địa phương; Lãnh đạo chủ chốt của cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình phải đề cao trách nhiệm trong việc chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ về phòng, chống bạo lực gia đình là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan và của cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình các cấp.

- Tiếp tục kiện toàn, củng cố cán bộ làm công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình các cấp, đặc biệt là tuyến huyện, tuyến xã đủ mạnh để bảo đảm nhiệm vụ quản lý, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình; coi trọng việc đào tạo, nâng cao năng lực quản lý và chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cộng tác viên làm công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình các cấp; nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện công tác gia đình tại địa phương.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát đánh giá thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình; kiểm tra, giám sát đánh giá việc thi hành luật pháp, chính sách về phòng, chống bạo lực gia đình; xử lý kịp thời các hành vi bạo lực gia đình theo quy định của pháp luật; tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra theo chuyên đề về phòng, chống bạo lực gia đình.

- Đánh giá kết quả triển khai, duy trì, nhân rộng và hiệu quả hoạt động mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; biểu dương, khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

- Duy trì cập nhật thông tin, cơ sở dữ liệu về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình; tổ chức sơ kết vào năm 2015 và tổng kết vào năm 2020 về kết quả triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

2. Truyền thông, giáo dục, vận động nâng cao nhận thức về phòng, chống bạo lực gia đình

Thông qua công tác truyền thông, giáo dục, vận động nhằm nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của Nhân dân và cán bộ các cấp về bạo lực gia đình những quy định của pháp luật, Nhà nước về phòng chống bạo lực gia đình; xử lý hành vi vi phạm pháp luật PCBLGĐ theo cách tiếp cận quyền con người, góp phần thay đổi hành vi theo hướng tích cực, tiến bộ; tạo sự đồng thuận và ủng hộ của các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền, các tổ chức xã hội, những người có uy tín trong cộng đồng dân cư đối với công tác phòng, chống bạo lực gia đình:

- Cơ quan truyền thông đại chúng (Đài PTTH, Báo Tây Ninh) phổ biến rộng rãi nội dung, thông tin liên quan đến pháp luật, chính sách của Đảng, Nhà nước về PCBLGĐ; xây dựng, phát sóng và phát thanh các chương trình chuyên mục, chuyên trang (tọa đàm, phim tài liệu và phóng sự chuyên đề tuyên truyền về PCBLGĐ, Luật Bình đẳng giới....).

- Các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan chỉ đạo các đơn vị thuộc ngành tổ chức các hoạt động, sự kiện truyền thông, vận động về phòng, chống bạo lực gia đình.

+ Tổ chức các hoạt động truyền thông nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Ngày gia đình Việt Nam (28/6), Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực chống lại Phụ nữ (25/11) hàng năm. Phát hành tài liệu truyền thông (tờ rơi, pano, áp phích tuyên truyền), tổ chức các buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, họp mặt, giao lưu, biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu, tổ chức Hội thảo, tọa đàm, trong các buổi sinh hoạt định kỳ ở các cấp Hội, Đoàn, Ban Liên lạc, câu lạc bộ … nội dung phong phú, sinh động, thiết thực, hiệu quả.

+ Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các thông tin, thông điệp PCBLGĐ đến đông đảo người dân (xây dựng kịch bản, thông tin cổ động, tiểu phẩm văn nghệ, tổ chức các hoạt động văn hóa quần chúng); phát động các cuộc thi viết tìm hiểu về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và những văn bản liên quan về PCBLGĐ; sáng tác văn nghệ, tác phẩm tuyên truyền về PCBLGĐ.

+ Thông qua các loại hình: Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, các loại hình Câu lạc bộ, Đội nhóm của các tổ chức đoàn thể quản lý để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao nhằm phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình; tuyên truyền bình đẳng giới và các quyền cơ bản của phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi và các thành viên khác trong gia đình; phê phán những hành vi BLGĐ.

- Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền giáo dục đời sống gia đình, đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện xây dựng gia đình văn hóa đến từng hộ gia đình.

3. Phòng ngừa bạo lực gia đình, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình

a. Xây dựng cơ sở hỗ trợ, tư vấn nạn nhân bạo lực gia đình:

- Phát triển hệ thống dịch vụ tư vấn, trợ giúp pháp lý chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân bạo lực gia đình. Trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện việc chăm sóc y tế ban đầu, tư vấn về sức khỏe cho nạn nhân bạo lực gia đình; tùy theo khả năng và điều kiện thực tế, bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân bạo lực gia đình trong thời gian không quá một ngày theo yêu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình (theo tinh thần Thông tư số 16/2009/TT-BYT , ngày 22/9/2009 của Bộ Y tế về Hướng dẫn việc tiếp nhận, chăm sóc và thống kê, báo cáo với người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh)

- Thành lập cơ sở chăm sóc, tư vấn tâm lý, bố trí nơi tạm lánh và hỗ trợ cho nạn nhân bạo lực gia đình theo quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Nghị định 08/2009/NĐ-CP , ngày 04/02/2009 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

 b. Xây dựng mạng lưới địa chỉ tin cậy tại cộng đồng.

- Triển khai phát triển mạng lưới hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình tại cộng đồng “Địa chỉ tin cậy”: Thành lập, nhân rộng, phát huy hiệu quả vai trò mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, phát huy tốt Luật hòa giải ở cơ sở, hỗ trợ các tổ hòa giải, giải quyết tốt ngay từ đầu những mâu thuẫn nhỏ, ngăn chặn kịp thời hành vi phòng, chống bạo lực gia đình. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho những người là nạn nhân bạo lực gia đình, người có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình nhưng chưa có việc làm ổn định.

- Duy trì, phát triển hộp thư, số điện thoại đường dây nóng (do công an quản lý) hiện có tại các ấp, khu phố; xã, phường, thị trấn để trực tiếp tiếp nhận thông tin về bạo lực gia đình tiến hành xử lý, ngăn chặn kịp thời những hành vi BLGĐ.

- Phát huy vai trò, nhiệm vụ của “Cộng tác viên làm công tác thu thập, xử lý thông tin và PCBLGĐ” tại các ấp, khu phố, được quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 1 của Quyết định số 19/2013/QĐ-UBND ngày 24/4/2013 về việc Quy định thù lao cho Cộng tác viên trên địa bàn tỉnh Tây Ninh trong việc tiếp cận, xử lý thông tin về bạo lực gia đình một cách kịp thời, hiệu quả.

- Can thiệp, xử lý nghiêm, kịp thời các vụ bạo lực gia đình; tổ chức góp ý, phê bình tại cộng đồng dân cư đối với người gây bạo lực gia đình; áp dụng biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với người gây bạo lực gia đình (có hành vi BLGĐ.

c. Vận động xã hội hóa:

Khuyến khích các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình, tham gia công tác PCBLGĐ; vận động thành lập Quỹ hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình nhằm trao đổi, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình phù hợp với điều kiện của địa phương, đảm bảo quy định của pháp luật.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Kinh phí thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020, dự toán chi ngân sách hàng năm của các sở, ngành, đoàn thể có liên quan và của các địa phương theo phân cấp ngân sách Nhà nước hiện hành.

2. Ngoài nguồn ngân sách Nhà nước, các ngành, đoàn thể liên quan và các địa phương chủ động huy động sự tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tổ chức các hoạt động thực hiện kế hoạch theo quy định của pháp luật.

V. LỘ TRÌNH THỰC HIỆN

1. Giai đoạn 1 (2014 - 2015)

- Xây dựng và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia công tác PCBLGĐ ở cơ sở; duy trì, nhân rộng mô hình PPCBLGĐ tại các xã, phường, thị trấn thuộc các huyện, thành phố;

- Xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia PCBLGĐ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 tập trung tuyên truyền phổ biến Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản liên quan;

- Tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình trên phạm vi toàn tỉnh;

- Sơ kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện kế hoạch hành động quốc gia PCBLGĐ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh vào cuối năm 2015.

2. Giai đoạn 2 (2016 - 2018)

Tập trung vào các hoạt động sau:

- Tiếp tục duy trì, nhân rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các mô hình PCBLGĐ phạm vi toàn tỉnh;

- Phát huy vai trò, hoạt động cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình và mạng lưới “Địa chỉ tin cậy”;

- Củng cố và duy trì, nâng cao chất lượng xử lý thông tin thu thập dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình;

- Sơ kết đánh giá giữa kỳ kết quả tổ chức triển khai thực hiện các mục tiêu Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia PCBLGĐ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (giai đoạn 2016 - 2018) vào cuối năm 2018.

3. Giai đoạn 3 (2019 - 2020)

- Tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các mô hình (“Phòng, chống bạo lực gia đình”; mô hình “Tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam”; triển khai thực hiện tiểu Đề án 4 “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước thông qua hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch) trên địa bàn tỉnh Tây Ninh;

- Khai thác, sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình phục vụ công tác hoạch định chính sách về phòng, chống bạo lực gia đình;

- Tăng cường chia sẻ thông tin, bài học kinh nghiệm, các sáng kiến về hoạt động có hiệu quả về gia đình, mô hình phòng, chống bạo lực gia đình;

- Năm 2020: Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức theo dõi tình hình thi hành pháp luật liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình, triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia PCBLGĐ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020:

a) Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các giá trị đạo đức lối sống, về phong tục, tập quán, truyền thống đạo đức tốt đẹp của gia đình Việt Nam; cách ứng xử trong gia đình, giữa gia đình với cộng đồng; Luật và những văn bản của Đảng, Nhà nước về PCBLG; phòng, chống các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình; đẩy mạnh hoạt động mô hình PCBLGĐ;

b) Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế thực hiện các chính sách liên quan đến gia đình, chú trọng đến công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh, chăm lo cho những hộ gia đình nghèo, neo đơn, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn....;

c) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan tiến hành kiểm tra, giám sát, kết quả triển khai thực hiện Chương trình quốc gia PCBLGĐ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh định kỳ 6 tháng, năm tổng hợp, báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định. Tham mưu UBND tỉnh tổ chức sơ kết giai đoạn (vào cuối năm 2015, 2018) và tổng kết việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia PCBLGĐ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (vào cuối năm 2020);

d) Duy trì tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề bồi dưỡng kiến thức cơ bản, kỹ năng về gia đình, PCBLGĐ cho đội ngũ “Cộng tác viên làm công tác thu thập, xử lý thông tin và phòng, chống bạo lực gia đình” tại các ấp, khu phố được quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 1 của Quyết định số 19/2013/QĐ-UBND , ngày 24/4/2013 về việc Quy định mức thù lao cho Cộng tác viên trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; hướng dẫn tổ chức hoạt động của địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; thực hiện thí điểm mô hình phòng, chống khủng hoảng tâm thần cho người có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình, mô hình cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình;

e) Xây dựng và sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình.

2. Sở Y tế: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia PCBLGĐ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020, tập trung các nội dung, hoạt động như sau:

a) Tiếp tục triển khai thực hiện Thông tư số 16/2009/TT-BYT , ngày 22/9/2009 của Bộ Y tế về Hướng dẫn việc tiếp nhận, chăm sóc và thống kê, báo cáo đối với người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh một cách đồng bộ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; thực hiện thống kê, báo cáo các trường hợp bệnh nhân là nạn nhân bạo lực gia đình định kỳ 6 tháng, năm theo quy định tại Thông tư số 16/2009/TT-BYT ;

b) Triển khai hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh thực hiện chăm sóc y tế, tư vấn về sức khỏe cho nạn nhân bạo lực gia đình; hướng dẫn chẩn đoán, quy trình chữa trị nghiện rượu và một số rối loạn tâm thần do rượu.

c) Tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho nhân viên y tế của trạm y tế xã, phường, thị trấn về chuyên môn chăm sóc y tế ban đầu, tư vấn về sức khỏe cho nạn nhân bạo lực gia đình.

3. Công an Tây Ninh trong phạm vi, quyền hạn của ngành chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh:

a) Triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn thực hiện các biện pháp phát hiện, ngăn chặn, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình được quy định tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP , ngày 12/11/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình;

b) Tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả của đường dây nóng trong hoạt động can thiệp khẩn cấp, nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp BLGĐ trên địa bàn dân cư; tạo điều kiện, hỗ trợ cho cơ quan quản lý nhà nước về gia đình thực hiện nhiệm vụ thống kê về phòng, chống bạo lực gia đình.

c) Thực hiện thống kê, báo cáo kết quả phát hiện, can ngăn, xử lý hành vi bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh về Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổng hợp trên địa bàn tỉnh định kỳ 6 tháng, năm;

4. Sở Thông tin và Truyền thông: Chủ trì, chịu trách nhiệm tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các sở, ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền đưa tin, bài, nội dung tuyên truyền liên quan đến hoạt động phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về gia đình; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình, về phong tục, tập quán, truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, về phòng, chống bạo lực gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng.

5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình vào nội dung các lớp tập huấn chuyên đề Bình đẳng giới, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, triển khai thực hiện Luật Người cao tuổi;

- Tổ chức đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho đối tượng có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình; nạn nhân bạo lực gia đình và người có hành vi BLGĐ;

- Có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, xây dựng kế hoạch thực hiện chăm sóc, tư vấn tâm lý, bố trí nơi tạm lánh và hỗ trợ các điều kiện cần thiết cho nạn nhân bạo lực gia đình tại các cơ sở bảo trợ xã hội.

6. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các sở, ban ngành, đoàn thể liên quan trong việc tuyên truyền những nội dung, kiến thức về phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường, tuyên truyền bình đẳng giới, bảo vệ chăm sóc trẻ em... cho học sinh các cấp học thông qua giờ chào cờ đầu tuần, tiết sinh hoạt chủ nhiệm, các hoạt động ngoài giờ lên lớp (hoạt động ngoại khóa).

7. Sở Tư pháp: Chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan trong việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, tập trung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản liên quan; hướng dẫn kiểm tra, thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở và các hoạt động liên quan đến hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình.

8. Sở Tài chính: Phối hợp với sở, ngành, đoàn thể liên quan hướng dẫn các đơn vị thực hiện đúng theo Thông tư số 143/2011/TTLT/BTC-BVHTTDL, ngày 21/10/2011 thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chế độ quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước chi cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình; kinh phí ngân sách Nhà nước hỗ trợ các cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình ngoài công lập.

- Căn cứ vào khả năng ngân sách và tình hình thực tế tham mưu UBND tỉnh bố trí bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch Chương trình hành động quốc gia PCBLGĐ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 cho phù hợp và theo phân cấp ngân sách Nhà nước hiện hành.

9. Sở kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tây Ninh phân bổ kinh phí từ ngân sách để đảm bảo thực hiện các mục tiêu, hoạt động của kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (khi có kinh phí phân bổ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia chi cho hoạt động PCBLGĐ)

10. Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh: Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các sở, ngành liên quan thực hiện chuyên trang, chuyên mục về bình đẳng giới và PCBLGĐ để tuyên truyền về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn về PCBLGĐ; giới thiệu gương tiêu biểu tập thể, cá nhân có sáng kiến, đóng góp tích cực trong công tác PCBLGĐ; lên án những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về PCBLGĐ.

11. Các sở, ban, ngành tỉnh: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao đưa các mục tiêu, nội dung có liên quan của kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia PCBLGĐ vào kế hoạch, chương trình công tác hàng năm, 5 năm của ngành, đơn vị; kế hoạch thực hiện tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản liên quan đến các đơn vị, bộ phận, cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý ngành.

12. Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố

a) Căn cứ Chương trình, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phòng, chống bạo lực gia đình của địa phương; đưa các mục tiêu, nội dung của Chương trình vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;

b) Bố trí kinh phí và chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương triển khai thực hiện Chương trình, kế hoạch phòng, chống bạo lực gia đình của địa phương.

c) Chỉ đạo Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn; cơ quan công an cấp xã, khi phát hiện hoặc nhận được tin báo về bạo lực gia đình, kịp thời xử lý hoặc kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý.

d) Ổn định đội ngũ “Cộng tác viên làm công tác thu thập, xử lý thông tin và PCBLGĐ” tại các ấp, khu phố được quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 1 của Quyết định số 19/2013/QĐ-UBND , ngày 24/4/2013 về việc Quy định mức thù lao cho Cộng tác viên trên địa bàn tỉnh Tây Ninh thực hiện tại các xã phường, thị trấn; duy trì chế độ thống kê báo cáo việc thu thập thông tin về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định.

e) Tiếp tục duy trì, triển khai nhân rộng, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động mô hình PCBLGĐ ở địa phương; phát triển địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, hộp thư tiếp nhận thông tin về bạo lực gia đình, đường dây nóng báo tin về bạo lực gia đình.

f) Chỉ đạo Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (cấp xã và các tổ chức thành viên) hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện cho các tổ chức hòa giải ở cơ sở thực hiện có hiệu quả việc tư vấn, hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình. Chỉ đạo Ủy ban Nhân dân cấp xã chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên hướng dẫn, tạo điều kiện cho hoạt động tư vấn về gia đình ở cơ sở thực hiện có hiệu quả. Chỉ đạo Ủy ban Nhân dân cấp xã giúp đỡ, tạo điều kiện cho người đứng đầu cộng đồng dân cư tổ chức việc góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư đối với người có hành vi bạo lực gia đình theo quy định của pháp luật.

g) Định kỳ kiểm tra, giám sát, đánh giá, định kỳ sơ kết, tổng kết và khen thưởng cho các tập thể, cá nhân triển khai, phối hợp tổ chức việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia PCBLGĐ ở địa phương.

13. Đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh hướng dẫn Viện kiểm sát Nhân dân các huyện, thành phố phối hợp và tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước về gia đình cung cấp số liệu thống kê, tổng hợp liên quan đến hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình định kỳ 6 tháng, năm.

14. Đề nghị Tòa án Nhân dân tỉnh hướng dẫn các Tòa án Nhân dân các huyện, thành phố áp dụng thống nhất pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình; kịp thời xét xử các vụ án về bạo lực gia đình, xét xử lưu động tại địa bàn xảy ra vụ án trọng điểm; phối hợp, tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước về gia đình cùng cấp số liệu thống kê, tổng hợp về những án (hình sự, hôn nhân) liên quan đến hành vi bạo lực gia đình định kỳ 6 tháng, năm.

15. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nông dân tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi và các tổ chức thành viên khác của Mặt trận: Trong phạm vi hoạt động của mình phối hợp với các Đoàn thể triển khai tổ chức thực hiện mục tiêu Chương trình hành động quốc gia đình trên địa bàn tỉnh Tây Ninh gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình trong hệ thống tổ chức mình; tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách về phòng, chống bạo lực gia đình; khuyến khích, vận động hội viên tham gia nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, đăng ký làm địa chỉ tin cậy ở cộng đồng.

a. Đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ngành liên quan hình thành đường dây nóng tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình; tổ chức các hoạt động dạy nghề, tín dụng, tiết kiệm để hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; tham gia xây dựng, vận hành địa chỉ tin cậy ở cộng đồng.

b. Đề nghị Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh: Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ngành, liên quan tiếp tục duy trì, nhân rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động mô hình câu lạc bộ tiền hôn nhân, câu lạc bộ gia đình trẻ, câu lạc bộ thanh niên với pháp luật... đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về PCBLGĐ.

c. Đề nghị Hội Nông dân tỉnh: Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các, sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn tổ chức Hội Nông dân xã, phường, thị trấn tuyên truyền đến hội viên thực hiện PCBLGĐ; đưa tiêu chí người Nông dân không gây bạo lực gia đình vào bộ tiêu chí “Mẫu người Nông dân thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”; vận động nam Nông dân tham gia tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình.

d. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh: Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn tổ chức công đoàn các cấp (từ tỉnh đến cơ sở) tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động đoàn viên công đoàn thực hiện chính sách, pháp luật về PCBLGĐ; xây dựng mô hình tổ chức công đoàn không có đoàn viên là người gây bạo lực gia đình; đưa tiêu chí “Đoàn viên công đoàn không gây bạo lực gia đình” vào tiêu chuẩn để bình xét danh hiệu thi đua, khen thưởng công nhận công đoàn cơ sở vững mạnh hàng năm.

e. Đề nghị Ban Đại diện Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh tỉnh: Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ban, ngành liên quan chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia PCBLGĐ; đẩy mạnh hoạt động giáo dục nêu gương, giáo dục giá trị văn hóa gia đình, những giá trị truyền thống gia đình Việt Nam; tham gia xây dựng mô hình PCBLGĐ ở cộng đồng.

VII. CHẾ ĐỘ THÔNG TIN BÁO CÁO

Các sở, ngành tỉnh, Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố căn cứ yêu cầu nhiệm vụ được phân công trong kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia PCBLGĐ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ 6 tháng, năm gửi về Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổng hợp báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch theo quy định.