Quyết định 1600/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Chương trình Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016-2020
Số hiệu: 1600/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Tuyên Quang Người ký: Lê Thị Kim Dung
Ngày ban hành: 07/11/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Lao động, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1600/QĐ-UBND

Tuyên Quang, ngày 07 tháng 11 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP - VIỆC LÀM TỈNH TUYÊN QUANG GIAI ĐOẠN 2016-2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 18/6/2012;

Căn cứ Luật Việc làm số 38/2013/QH13 ngày 16/11/2013; Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27/11/2014;

Căn cứ Nghị định số 03/2014/NĐ-CP ngày 16/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về việc làm; Nghị định số 48/2015/NĐ-CP ngày 15/5/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục nghề nghiệp về thẩm quyền và nội dung quản lý nhà nước về Giáo dục nghề nghiệp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2015-2020. Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 29/6/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI; Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 13/5/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020; Kết luận số 41-KL/TU ngày 31/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Kết luận Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy (kỳ thứ 19);

Căn cứ Nghị quyết số 47/NQ-HĐND ngày 23/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020;

Căn cứ Quyết định số 121/QĐ-UBND ngày 12/5/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2011-2020; Quyết định số 459/QĐ-UBND ngày 30/12/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; Quyết định số 468/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Chương trình công tác chủ yếu năm 2016;

Xét đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 809/TTr-SLĐTBXH ngày 22/7/2016 về việc phê duyệt Chương trình Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016-2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016-2020, cụ thể như sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

Giải quyết việc làm là nhiệm vụ quan trọng trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Giải quyết việc làm - giáo dục nghề nghiệp là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đoàn thể, các tổ chức xã hội và của mỗi người lao động trên địa bàn toàn tỉnh. Gắn giáo dục nghề nghiệp với giải quyết việc làm nhằm nâng cao thu nhập cho người lao động.

Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và toàn xã hội để tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động của địa phương. Từng bước xã hội hóa công tác giải quyết lao động - việc làm, giáo dục nghề nghiệp.

Khuyến khích phát triển doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh nhằm tạo được nhiều chỗ làm việc mới cho người lao động. Có chính sách ưu đãi các doanh nghiệp thu hút nhiều lao động của địa phương, nhất là lao động nông thôn và thanh niên.

Quan tâm đầu tư công tác đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động trong và ngoài nước, tư vấn giới thiệu việc làm để người lao động có cơ hội tự tìm được việc làm. Người lao động chủ động lựa chọn ngành nghề phù hợp với điều kiện thực tế để có việc làm ổn định và có thu nhập cao cho bản thân.

Đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động và giới thiệu lao động đi làm việc tại các tỉnh, thành phố trong nước, đặc biệt là lao động đã qua đào tạo nghề, lao động nông nghiệp, nông thôn, để tạo thu nhập và nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động, tăng nguồn thu cho địa phương.

2. Mục tiêu

Giai đoạn 2016 - 2020 tạo việc làm cho trên 100.000 lao động.

Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 60%. Trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên trên 37%.

Giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị xuống dưới 2,8%.

Nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn lên 87,5%.

Đến năm 2020, cơ cấu lao động làm việc trong các ngành kinh tế: Nông, lâm nghiệp, thủy sản dưới 53%, Công nghiệp - Xây dựng trên 19%; Du lịch, Thương mại và Dịch vụ trên 28%.

II. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

1.1. Hỗ trợ đổi mới và phát triển giáo dục nghề nghiệp

Phát triển mạng lưới đào tạo nghề và nâng cao năng lực cho các cơ sở đào tạo: Tập trung đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu học nghề của lao động nông thôn tại các huyện, thành phố trong tỉnh. Đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn; đầu tư hỗ trợ dạy nghề đối với người dân tộc thiểu số;

Triển khai xây dựng "Đề án phát triển giáo dục nghề nghiệp tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016-2020” nhằm thống nhất trong việc thực hiện công tác đào tạo nghề một cách khoa học, hiệu quả. Hỗ trợ Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang thành trường trọng điểm để đào tạo công nhân kỹ thuật lành nghề có trình độ cao theo yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội với 03 nghề cấp độ quốc gia và khu vực quốc tế (gồm 02 nghề cấp độ khu vực ASEAN: Điện công nghiệp, Hàn và 01 nghề cấp Quốc gia: Vận hành máy thi công nền) nhằm thực hiện có hiệu quả Dự án đào tạo nghề trọng điểm theo Quyết định số 1507/QĐ-UBND ngày 03/12/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phê duyệt Dự án đầu tư nghề trọng điểm của Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020; Bổ sung nghề công nghệ ô tô vào danh mục đầu tư nghề trọng điểm để đạt cấp độ quốc gia.

Tăng cường củng cố, đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị cho các trung tâm dạy nghề cấp huyện; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; gắn nhiệm vụ giáo dục thường xuyên với dạy nghề, hoàn thiện danh mục các nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động giáo dục nghề nghiệp, đánh giá kỹ năng nghề và kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp đạt chuẩn ở các cấp độ, đảm bảo về chất lượng, đủ về số lượng trên phạm vi toàn tỉnh.

Thực hiện tốt việc đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với người lao động có nhu cầu tham gia đánh giá trình độ kỹ năng nghề theo quy định của Luật Việc làm.

Tăng cường giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng cơ bản nhu cầu nhân lực, cung cấp kịp thời lao động qua đào tạo nghề, công nhân lành nghề cho các thành phần kinh tế và nhu cầu việc làm của người lao động, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ cao cho lao động đi làm việc ở nước ngoài; làm tốt công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên.

Thực hiện tốt công tác quản lý dạy nghề, kiện toàn và nâng cao năng lực bộ máy quản lý dạy nghề từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Thông qua đội ngũ quản lý dạy nghề của cấp cơ sở để nắm bắt được nhu cầu cần đào tạo nghề, số lượng lao động được đào tạo đồng thời giám sát việc đào tạo nghề cũng như chất lượng đào tạo nghề để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho phù hợp với từng địa phương và đối tượng cụ thể.

Đẩy mạnh việc phân luồng, định hướng giáo dục nghề nghiệp đối với học sinh tốt nghiệp bậc học trung học cơ sở, trung học phổ thông theo Kế hoạch số 78/KH-UBND ngày 30/10/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phân luồng và định hướng nghề nghiệp ở giáo dục phổ thông giai đoạn 2016-2020; đẩy mạnh xã hội hóa công tác giáo dục nghề nghiệp, khuyến khích các tổ chức cá nhân đầu tư thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho lao động nông thôn; thu hút các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tham gia hoạt động dạy nghề cho người lao động. Triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Khoa dân tộc nội trú tại Trường Cao đẳng Nghề kỹ thuật công nghệ.

1.2. Cơ chế chính sách

Tổ chức thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng cho các đối tượng theo quy định tại Quyết định 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ và chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất theo quy định tại Quyết định 63/2015/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Hỗ trợ học nghề cho học sinh dân tộc Nội trú theo Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp và Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT -BLĐTBXH-BGDĐT-BTC ngày 16/6/2016 của liên bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính về hướng dẫn thực hiện chính sách nội trú quy định tại Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp. Ban hành chính sách hỗ trợ học phí và nhà ở cho học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông học, sinh viên đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học nhưng chưa có việc làm có nhu cầu học nghề nghề theo chỉ tiêu giao của Ủy ban nhân dân tỉnh; chính sách khuyến khích, thu hút giáo viên có trình độ, tay nghề cao về giảng dạy tại Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ và các trung tâm dạy nghề.

Tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang về hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề đối với nhà đầu tư tổ chức đào tạo lao động địa phương có tay nghề để bố trí làm việc tại các dự án trên địa bàn tỉnh theo quy định.

Xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, nhất là đối với đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động là người dân tộc thiểu số, lao động thuộc đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh; chính sách thu hút lao động có tay nghề cao về địa phương.

2. Phát triển thị trường lao động và tạo việc làm.

2.1. Phát triển thị trường lao động

Thúc đẩy phát triển thị trường lao động, nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động bảo đảm kết nối thông tin đến các tỉnh, thành phố trong cả nước, công bố hàng tháng các chỉ tiêu chính của thị trường lao động; hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp, lập nghiệp; hỗ trợ tạo việc làm cho người khuyết tật, người dân tộc thiểu số góp phần đẩy mạnh giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp với mục tiêu: 100% người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm được tư vấn chính sách việc làm và học nghề, trong đó có 50% số người lao động được giới thiệu tìm việc làm; 60% số người lao động được giới thiệu tìm việc làm có việc làm và thu nhập ổn định.

Tiếp tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm. Đổi mới hình thức tư vấn, giới thiệu việc làm. Thu thập, cập nhật, quản lý và phân tích, dự báo thị trường lao động (Cập nhật cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động; phần mềm, khảo sát thị trường lao động; phân tích, dự báo thị trường lao động …).

Hỗ trợ việc làm cho các đối tượng đặc thù: Hỗ trợ thanh niên khởi sự doanh nghiệp; hỗ trợ thanh niên lập nghiệp; hỗ trợ tạo việc làm cho người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, phụ nữ nghèo nông thôn, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự; hỗ trợ lao động nhập cư, lao động di chuyển giữa các địa phương, các vùng kinh tế.

Thực hiện chính sách việc làm công, hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên.

2.2. Phát triển kinh tế tạo việc làm trong các ngành kinh tế tại tỉnh

Thực hiện Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh, Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản; phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, khuyến khích phát triển công nghiệp, dịch vụ ở khu vực nông thôn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động tạo thêm việc làm, thu hút nhiều lao động nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động từ khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Đồng thời thực hiện tốt các giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, tạo nhiều việc làm và việc làm bền vững trên địa bàn tỉnh.

2.3. Tư vấn, giới thiệu lao động đi làm việc tại các tỉnh, thành phố trong nước và xuất khẩu lao động

Đẩy mạnh các hoạt động thông tin thị trường lao động, các hoạt động giao dịch về cung, cầu lao động trên thị trường của Trung tâm Dịch vụ việc làm; phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý các khu công nghiệp, các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố khu vực phía bắc và các huyện, thành phố để tư vấn, giới thiệu, đưa lao động đi làm việc ở các nhà máy, các khu công nghiệp trong nước.

Lựa chọn những doanh nghiệp xuất khẩu lao động có đủ điều kiện, uy tín, năng lực để phối hợp cùng các huyện, thành phố tổ chức thực hiện tuyển lao động tại địa phương (như các doanh nghiệp thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng,...).

Định hướng cho người lao động lựa chọn các thị trường có việc làm ổn định và thu nhập cao, ít rủi ro như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,...

Đẩy mạnh công tác tuyển chọn, cung ứng nguồn lao động có chất lượng; làm tốt công tác giáo dục định hướng, Luật Lao động của nước đưa lao động đến làm việc; dạy nghề, ngoại ngữ và giải quyết kịp thời các vướng mắc, rủi ro (nếu có) trong quá trình thực hiện hợp đồng đưa lao động đi làm việc ngoài nước.

Kế hoạch đến năm 2020, tư vấn, giới thiệu và đưa 25.000 lao động đi làm việc tại các tỉnh, thành phố và các khu công nghiệp trong nước và 1.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ưu tiên các ngành cơ khí, điện tử và các công ty có việc làm ổn định, thu nhập cao như Tập đoàn Sam sung, Canon Việt Nam...tại các Khu công nghiệp của các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương, hạn chế lao động làm việc trong các ngành như giầy da, may mặc và các tỉnh, thành phố phía nam.

2.4. Tạo việc làm thông qua nguồn vốn Quốc gia về việc làm, vốn xóa đói giảm nghèo, vốn khuyến công, khuyến nông và các nguồn vốn khác:

Cho vay vốn tạo việc làm với lãi suất ưu đãi đối với các dự án tạo thêm việc làm mới; đặc biệt, ưu tiên cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo ra nhiều việc làm bền vững. Quan tâm cho vay đối với các đối tượng bị thu hồi đất nông nghiệp, đối tượng chuyển đổi ngành nghề, đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, thanh niên, phụ nữ, bộ đội xuất ngũ, các đối tượng chính sách.

Thông qua dự án khuyến công để đào tạo nghề, tạo việc làm và chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng dịch chuyển cơ cấu từ lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp, dịch vụ, thương mại du lịch.

3. Tăng cường công tác tuyên truyền

Nâng cao năng lực quản lý giáo dục nghề nghiệp, lao động, việc làm và kỹ năng tư vấn, giới thiệu việc làm của đội ngũ công chức, viên chức làm công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động nhằm chuẩn hóa và phổ biến kiến thức, kỹ năng quản lý lao động, kỹ năng điều hành triển khai các chương trình việc làm. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát và xử lý sai phạm trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt khai thác tốt hệ thống truyền thanh cơ sở nhằm nâng cao nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động về giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, tích cực tham gia vào chương trình giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm của tỉnh, chủ động tạo tham gia đào tạo nghề và tự tạo việc làm cho bản thân và thu hút lao động vào làm việc.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, giúp doanh nghiệp, người lao động nắm bắt kịp thời chính sách pháp luật lao động, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức, tác phong trong lao động sản xuất.

Hằng năm tổ chức điều tra, khảo sát đánh giá nhu cầu về giáo dục nghề nghiệp, việc làm của người lao động và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn toàn tỉnh; đánh giá thực trạng việc làm của người lao động sau khi được đào tạo, giáo dục nghề nghiệp để làm cơ sở xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện công tác giáo dục nghề nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Tổng khái toán kinh phí thực hiện Chương trình: 183.446,7 triệu đồng. Trong đó:

- Ngân sách trung ương: 166.646,7 triệu đồng (vốn đầu tư 166.146,7 triệu; vốn sự nghiệp 500 triệu).

- Ngân sách địa phương: 16.800 triệu đồng.

(chi tiết theo biểu số 01, 02, 03, 04, 05 kèm theo )

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức, triển khai thực hiện chương trình Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016- 2020.

Phối hợp với các sở, ngành có liên quan (Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội) quản lý, sử dụng và điều hành nguồn vốn vay quỹ Quốc gia về việc làm có hiệu quả.

Chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đề xuất, tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh về cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp; quy hoạch, củng cố, nâng cao chất lượng dịch vụ việc làm, đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin dự báo nhu cầu nhân lực của tỉnh.

Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện tốt chính sách khuyến khích xuất khẩu lao động theo chương trình dự án.

Lập dự toán kinh phí thực hiện chương trình Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm hằng năm theo quy định để triển khai thực hiện đảm bảo hoàn thành mục tiêu đã được phê duyệt.

Chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát, tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu của chương trình, định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thông tin, tuyên truyền, phân luồng, định hướng giáo dục nghề nghiệp đối với học sinh tốt nghiệp bậc học Trung học cơ sở, Trung học phổ thông.

Phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt Quy hoạch nguồn nhân lực tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2011-2020; chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các ngành liên quan tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh hằng năm lồng ghép, huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị cho các trường dạy nghề; bố trí kinh phí từ nguồn kinh phí thuộc chương trình mục tiêu liên quan đến giáo dục nghề nghiệp, lao động việc làm được trung ương giao cho tỉnh nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra.

Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Cục Thống kê tỉnh và các ngành có liên quan dự báo nhu cầu đào tạo, giải quyết việc làm trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh hằng năm và từng thời kỳ.

4. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan căn cứ tình hình thực tế và khả năng ngân sách địa phương thẩm định đề xuất bố trí thực hiện Chương trình theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước hiện hành.

5. Sở Nội vụ

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, đề xuất chính sách thu hút và hỗ trợ công chức, viên chức đi đào tạo nâng cao trình độ, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh.

6. Các Sở, ban, ngành có liên quan

Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, phát triển ngành nghề, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, tạo nhiều việc làm mới cho người lao động trên địa bàn tỉnh.

7. Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh

 Thực hiện nghiêm túc chức năng, nhiệm vụ quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BKHĐT-BNV ngày 03/9/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và những nội dung về quản lý nhà nước về lao động trong khu công nghiệp; được ủy quyền quy định tại Thông tư số 32/2014/TT-BLĐTBXH ngày 01/12/2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và khu công nghệ cao.

Hướng dẫn, chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý nghiên cứu thị trường, tiếp tục đầu tư, đổi mới trang thiết bị, đổi mới công nghệ, định hướng hoạt động của doanh nghiệp, mở rộng sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa các sản phẩm, tạo thêm nhiều việc làm mới, nâng cao năng suất lao động và tăng thu nhập cho người lao động.

Khuyến khích các doanh nghiệp tạo việc làm và ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương đặc biệt là lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp vào làm việc tại doanh nghiệp.

Hướng dẫn chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý xây dựng và thực hiện cơ chế ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Chỉ đạo các phòng, ban chức năng có liên quan thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về lao động trên địa bàn (thống kê lao động việc làm, xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực, quản lý lao động việc làm, tiền lương, tiền công, an toàn vệ sinh lao động, thanh kiểm tra thực hiện pháp luật lao động…).

Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tạo Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm hằng năm của huyện, thành phố phù hợp với mục tiêu, kế hoạch Chương trình Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Huy động nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các ngành của tỉnh tổ chức triển khai thực hiện các chỉ tiêu của Chương trình tại địa phương.

Triển khai tốt và có hiệu quả kế hoạch dạy nghề, giải quyết việc làm và kế hoạch vay vốn quỹ Quốc gia về việc làm hàng năm trên địa bàn. Có kế hoạch đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác lao động việc làm cấp huyện, thành phố và cơ sở.

Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn, giới thiệu, định hướng lựa chọn nghề đào tạo, đưa lao động đi làm việc tại các nhà máy, các khu công nghiệp trong nước và xuất khẩu lao động.

Tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về xuất khẩu lao động, tạo điều kiện giải quyết các thủ tục hành chính kịp thời, nhanh chóng cho người đi xuất khẩu lao động, đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp làm tốt công tác tuyển chọn lao động xuất khẩu tại địa phương.

Chỉ đạo các phòng, ban liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát, tổng hợp, đánh giá tiến độ, kết quả thực hiện các mục tiêu của chương trình, định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân huyện, thành phố; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2 (Thi hành);
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh; (báo cáo)
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các huyện ủy, thành ủy;
- Chánh, Phó VPUBND khối VX;
- Phòng TH, QH, VX;
KT; NC;
- Lưu VT, CVVX (Ha).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Thị Kim Dung

 

BIỂU SỐ 01

DỰ BÁO THỰC TRẠNG LAO ĐỘNG, VIỆC LÀM TỈNH TUYÊN QUANG GIAI ĐOẠN 2016-2020

STT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Thực hiện năm 2015

Mục tiêu giai đoạn 2016-2020

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

1

Lao động từ đủ 15 tuổi trở lên HĐKT

Người

485.504

490.507

496.042

501.639

507.298

513.411

 

Trong đó: - Nông thôn

Người

422.388

425.760

429.572

433.416

437.291

441.533

 

 - Thành thị

Người

63.116

64.747

66.470

68.223

70.007

71.878

2

Số lao động có việc làm

Người

473.746

479.135

485.074

491.129

497.169

503.666

 

 Tỷ lệ

%

97,58

97,68

97,79

97,90

98,00

98,10

 

Trong đó: - Nông thôn

Người

412.505

416.266

420.465

424.748

428.982

433.586

 

 - Thành thị

Người

61.241

62.869

64.608

66.381

68.187

70.081

*

Trong đó, số lao động thiếu việc làm

Người

69.524

68.115

66.731

65.307

63.824

61.907

 

 Tỷ lệ

%

14,68

14,22

13,76

13,30

12,84

12,29

 

Trong đó: - Nông thôn

Người

61.257

59.942

58.655

57.341

55.982

54.198

 

 Tỷ lệ

%

14,85

14,40

13,95

13,50

13,05

12,50

 

 - Thành thị

Người

8.268

8.173

8.076

7.966

7.841

7.709

 

 Tỷ lệ

%

13,50

13,00

12,50

12,00

11,50

11,00

3

Số lao động không có việc làm

Người

11.758

11.372

10.968

10.510

10.129

9.745

 

 Tỷ lệ

%

2,42

2,32

2,21

2,10

2,00

1,90

 

Trong đó: - Nông thôn

Người

9.884

9.494

9.107

8.668

8.309

7.948

 

 Tỷ lệ

%

2,34

2,23

2,12

2,00

1,90

1,80

 

 - Thành thị

Người

1.875

1.878

1.861

1.842

1.820

1.797

 

 Tỷ lệ

%

2,97

2,90

2,80

2,70

2,60

2,50

 

BIỂU SỐ 02a

KẾ HOẠCH TẠO VIỆC LÀM TỈNH TUYÊN QUANG GIAI ĐOẠN 2016-2020

TT

Chỉ tiêu

KH năm 2015

Kế hoạch giai đoạn 2016-2020

Tổng số

Chia ra

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

 

TỔNG SỐ LAO ĐỘNG ĐƯỢC TẠO VIỆC LÀM:

TRONG ĐÓ:

18.000

100.000

19.000

19.500

20.000

20.500

21.000

1

Số lao động được tạo việc làm trong các ngành kinh tế tại tỉnh (*)

13.400

73.500

14.080

14.340

14.710

14.980

15.390

1.1

Ngành nông, lâm nghiệp

5.990

40.680

7.950

8.040

8.120

8.150

8.420

1.2

Ngành Công nghiệp-Xây dựng

3.740

17.840

3.320

3.410

3.570

3.710

3.830

1.3

Ngành Thương mại-Du lịch và dịch vụ

3.670

14.980

2.810

2.890

3.020

3.120

3.140

2

Lao động đi làm việc tại các tỉnh, thành phố trong nước

4.200

25.000

4.620

4.860

4.990

5.220

5.310

3

Lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

400

1.500

300

300

300

300

300

 

BIỂU SỐ 02b

KẾ HOẠCH TẠO VIỆC LÀM CHIA THEO CHO CÁC HUYỆN, THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2016-2020

Đơn vị tính: Người

TT

Chỉ tiêu

Kế hoạch giai đoạn 2016-2020

Tổng số

Chia ra các huyện, thành phố

Thành phố T.Quang

Yên Sơn

Sơn Dương

Hàm Yên

Chiêm Hóa

Na Hang

Lâm Bình

 

TỔNG SỐ LAO ĐỘNG ĐƯỢC GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM:

TRONG ĐÓ:

100.000

12.150

20.250

22.950

14.450

16.850

7.850

5.500

1

Số lao động được giải quyết việc làm trong các ngành kinh tế tại tỉnh

73.500

9.500

14.550

16.550

10.650

11.800

6.250

4.200

1.1

Ngành nông, lâm nghiệp

40.680

3.010

7.600

8.650

6.500

7.520

4.200

3.200

1.2

Ngành Công nghiệp-Xây dựng

17.840

3.010

3.850

4.300

2.450

2.630

1.050

550

1.3

Ngành Thương mại-Du lịch và dịch vụ

14.980

3.480

3.100

3.600

1.700

1.650

1.000

450

2

Lao động đi làm việc tại các tỉnh, thành phố trong nước

25.000

2.500

5.350

6.000

3.600

4.800

1.500

1.250

3

Lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

1.500

150

350

400

200

250

100

50

 

BIỂU SỐ 03

DỰ BÁO LAO ĐỘNG QUA ĐÀO TẠO CHUYÊN MÔN KỸ THUẬT GIAI ĐOẠN 2016 -2020

STT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Thực hiện năm 2015

Kế hoạch giai đoạn 2016-2020

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

1

Lao động từ đủ 15 tuổi trở lên HĐKT

người

485.504

490.507

496.042

501.639

507.298

513.411

2

Tổng số lao động qua đào tạo

người

222.409

235.443

252.981

270.885

289.160

308.047

 

Tỷ lệ

%

45,80

48,00

51,00

54,00

57,00

60,00

 

Trong đó: - Đại học, trên đại học

người

32.383

33.551

34.723

36.018

37.286

38.506

 

Tỷ lệ

%

6,67

6,84

7,00

7,18

7,35

7,50

 

- Cao đẳng

người

23.693

25.016

26.389

27.791

29.220

30.805

 

Tỷ lệ

%

4,88

5,10

5,32

5,54

5,76

6,00

 

- Trung cấp

người

32.820

34.630

38.096

41.536

45.099

48.774

 

Tỷ lệ

%

6,76

7,06

7,68

8,28

8,89

9,50

 

- Qua đào tạo nghề

người

133.514

142.247

153.773

165.541

177.554

189.962

 

Tỷ lệ

%

27,50

29,00

31,00

33,00

35,00

37,00

 

BIỂU SỐ 04

DỰ BÁO CƠ CẤU LAO ĐỘNG TRONG CÁC NGÀNH KINH TẾ TỈNH TUYÊN QUANG GIAI ĐOẠN 2016 -2020

TT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Thực hiện năm 2015

Kế hoạch giai đoạn 2016-2020

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

I

Tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên HĐKT

Người

485.504

490.507

496.042

501.639

507.298

513.411

 

Trong đó chia theo các ngành kinh tế:

 

 

 

 

 

 

 

1

Nông, lâm nghiệp

Người

287.904

284.739

281.752

278.660

275.463

272.108

 

Tỷ lệ

%

59,30

58,05

56,80

55,55

54,30

53,00

2

Công nghiệp - Xây dựng

Người

68.068

73.576

79.367

85.279

91.314

97.548

 

Tỷ lệ

%

14,02

15,00

16,00

17,00

18,00

19,00

3

Thương mại-Du lịch và dịch vụ

Người

129.532

132.192

134.923

137.700

140.522

143.755

 

Tỷ lệ

%

26,68

26,95

27,20

27,45

27,70

28,00

 

BIỂU SỐ 05

KẾ HOẠCH KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH VIỆC LÀM - GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2016-2020

Đơn vị tính: Triệu đồng

TT

Các hoạt động hỗ trợ chương trình

Nguồn kinh phí

Tổng kinh phí

Trong đó

Ngân sách Trung ương

Ngân sách Địa phương

Vốn DN, Người LĐ tham gia

Vốn đầu tư

Vốn sự nghiệp

Vốn đầu tư

Vốn sự nghiệp

 

1

Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

(Đầu tư xây dựng các hạng mục thuộc Dự án đầu Khoa Dân tộc nội trú tại Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang)

46.146,7

46.146,7

 

 

 

 

1.1

Xây dựng nhà ký túc xá

26.646,9

26.646,9

 

 

 

 

 

- Nhà ký túc (Phần xây dựng)

20.535,2

20.535,2

 

 

 

 

 

- Thiết bị trang cấp cho phòng ở

705

705

 

 

 

 

 

- Sân thể thao, đường nội bộ, cây xanh khu ký túc xá

3.804,8

3.804,8

 

 

 

 

 

- Hạ tầng khu KTX (cấp thoát nước ngoài nhà, cấp điện ngoài nhà)

1.602

1.602

 

 

 

 

1.2

Nhà ăn học sinh, sinh viên

7.915,1

7.915,1

 

 

 

 

1.3

Xưởng thực hành qua ban gò, nguội + gia công cơ khí

11.584,8

11.584,8

 

 

 

 

2

Dự án đào tạo nghề trọng điểm

28.000,0

20.000,0

 

 

8.000

 

3

Hỗ trợ học phí cho học sinh dân tộc nội trú tốt nghiệp THPT

2.800,0

 

 

 

2.800

 

4

Dự án Hỗ trợ phát triển thị trường lao động và việc làm

5.000

 

500

 

4.500

 

4.1

Hỗ trợ phát triển thông tin thị trường lao động (tổ chức phiên giao dịch việc làm hằng năm)

1.500

 

 

 

1.500

 

4.2

Hỗ trợ thu thập, cập nhật, quản lý và phân tích, dự báo thị trường lao động (cung - cầu lao động)

3.500

 

500

 

3.000

 

5

Công tác tuyên truyền, truyền thông về định hướng giáo dục nghề nghiệp và việc làm

1.500

 

 

 

1.500

 

6

Cho vay vốn giải quyết việc làm (tổng doanh số cho vay trong 04 năm)

100.000

100.000

 

 

 

 

 

Tổng cộng:

183.446,7

166.146,7

500,0

 

16.800,0