Quyết định 459/QĐ-UBND năm 2015 Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh giai đoạn 2015-2020 của tỉnh Đắk Lắk
Số hiệu: 459/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk Người ký: Y Dhăm Ênuôl
Ngày ban hành: 13/02/2015 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Môi trường, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 459/QĐ-UBND

Đắk Lắk, ngày 13 tháng 02 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG VỀ TĂNG TRƯỞNG XANH GIAI ĐOẠN 2015-2020 CỦA TỈNH ĐẮK LẮK

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2014;

Căn cứ Quyết định số 87/2009/QĐ-TTg ngày 17/06/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh;

Căn cứ Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 2080/SKHĐT-TH ngày 19/12/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh giai đoạn 2015-2020 của tỉnh Đắk Lắk.

Điều 2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì, hướng dẫn, giám sát các đơn vị thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch; tổng hợp, báo cáo về UBND tỉnh; tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch có hiệu quả,

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (b/c);
- TT. Tỉnh ủy, TT.HĐND tỉnh (để b/c);
- Các PCT UBND tỉnh;
- Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy;
- HĐND huyện, thị xã. TP;
- Lãnh đạo VP. UBND tỉnh;
- Các phòng thuộc VP tỉnh;
- Lưu VT, TH (N- 130).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Y Dhăm Ênuôl

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

tăng trưỞng xanh cỦa tỈnh ĐẮk LẮk GIAI ĐOẠN 2015-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 459/QĐ-UBND ngày 13/02/2015 của UBND tỉnh)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Quán triệt, triển khai cụ thể hóa những nội dung cơ bản của Kế hoạch hành động Quốc gia về Tăng trưởng xanh tại Quyết định 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Quyết định 403/QĐ-TTg) vào điều kiện cụ thể của tỉnh, vừa góp phần thực hiện mục tiêu chung, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hướng đến các mục tiêu tăng trưởng xanh, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

2. Yêu cầu:

- Xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tổ chức thực hiện kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2015 - 2020 phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Xác định trách nhiệm của các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, đồng thời cụ thể hóa vào kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của các cấp, các ngành, các địa phương.

II. MỤC TIÊU TĂNG TRƯỞNG XANH

1. Mục tiêu chung:

Từng bước xây dựng, điều chỉnh cơ chế chính sách phát triển kinh tế xã hội phù hợp với định hướng tăng trưởng xanh; phát triển đô thị hóa nhanh, bền vững, duy trì lối sống hòa hợp với thiên nhiên ở nông thôn và tạo lập thói quen tiêu dùng bền vững; ứng dụng ngày càng rộng rãi công nghệ tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020:

1.1. Tỷ lệ đô thị loại III có hệ thống thu gom và xử lý nước thải đạt quy chuẩn quy định đạt 100%; đạt 15% đối với với đô thị loại IV, loại V.

1.2. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý hợp tiêu chuẩn theo Quyết định số 2149/QĐ-TTg đạt 90% (trong đó, 85% được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ); Tỷ lệ chất thải rắn phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn được thu gom và xử lý đạt 70%.

1.3. Tỷ trọng dịch vụ vận tải công cộng đạt 40%.

1.4. Diện tích cây xanh đạt 10-15 m2/người đối với đô thị loại I; 7-10 m2/người đối với đô thị loại III và 5-7 m2/người đối với đô thị loại IV và V.

1.5. Tỷ lệ các cơ sở sản xuất kinh doanh chấp hành tốt các quy định của pháp luật về môi trường là 90%.

III. NỘI DUNG:

Kế hoạch hành động về Tăng trưởng Xanh của tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2015-2020 được xây dựng gồm 06 chủ đề chính với 20 nhiệm vụ, giao cho các sở, ngành chức năng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện, cụ thể như sau:

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố:

1.1. Xây dựng khung hướng dẫn lồng ghép tăng trưởng xanh vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ngành và địa phương. Nghiên cứu hướng dẫn các Sở ngành, huyện, thị xã, thành phố lồng ghép các chỉ tiêu tăng trưởng xanh vào quy hoạch và kế hoạch.

1.2. Tổ chức thực hiện thí điểm một số mô hình thực hiện tăng trưởng xanh. Hướng dẫn xây dựng đề án thí điểm kế hoạch hành động thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh tại thành phố Buôn Ma Thuột và thị xã Buôn Hồ. Tiến hành tổng kết rút kinh nghiệm; phổ biến, chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương.

2. Sở Giao thông - Vận tải phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố:

2.1. Về tuyên truyền, phổ biến về nội dung tăng trưởng xanh (2015-2017).

- Biên tập, xuất bản các ấn phẩm, tài liệu giới thiệu về tăng trưởng xanh trong lĩnh vực giao thông vận tải nhằm giúp cho doanh nghiệp chuẩn bị các điều kiện từng bước thay thế phương tiện giao thông tiên tiến theo hướng sử dụng nhiên liệu sạch.

- Tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết, xác định các nội dung cam kết khi phát triển giao thông công cộng theo hướng xanh hóa, đổi mới công nghệ, thay đổi cơ cấu.

- Cập nhật thông tin liên quan đến tăng trưởng xanh trong lĩnh vực giao thông vận tải trên trang thông tin điện tử chính thức của Bộ Giao thông - Vận tải.

2.2. Về phát triển giao thông công cộng theo hướng tăng trưởng xanh

* Giai đoạn 2015-2017:

- Lập quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trong năm 2015 và lập kế hoạch quy hoạch phát triển vận tải hành khách bằng taxi.

- Tham mưu xây dựng các chính sách nhằm hỗ trợ cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, taxi cho các doanh nghiệp; xây dựng lộ trình thay đổi phương tiện vận tải theo hướng sử dụng nhiên liệu sạch.

- Tăng cường công tác kiểm định về khí thải đối với các xe ô tô sử dụng nhiên liệu xăng, dầu diesel. Đầu tư các đoàn xe đạt tiêu chuẩn môi trường tối thiểu EuRo III theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

* Giai đoạn 2017-2020:

- Xây dựng các điểm trung chuyển đảm bảo thuận tiện cho việc tiếp cận của người đi bộ, đồng thời triệt tiêu các xung đột giữa dòng phương tiện với người đi bộ tại cổng vào các điểm trung chuyển. Từng bước cải tạo hạ tầng giao thông phù hợp với vận tải công cộng. Đầu tư đoàn xe đạt tiêu chuẩn khí thải EuRo IV.

- Tham mưu xây dựng các chính sách hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp trong công tác hoàn thiện hệ thống garage, bến bãi của doanh nghiệp, hỗ trợ công nghệ, nhân lực cho doanh nghiệp trong công tác bảo dưỡng sửa chữa.

- Từng bước đổi mới công nghệ phương tiện vận tải chuyển dần sang phương tiện chạy bằng điện, khí hóa lỏng; thay thế phương tiện vận tải có kích thước nhỏ sang kích thước lớn nhằm giảm ùn tắt giao thông, giảm tai nạn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên Môi trường căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố:

3.1. Đẩy nhanh tiến độ các dự án trồng rừng, tái trồng rừng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào trồng rừng kinh tế để nâng tỷ lệ che phủ rừng, nâng cao chất lượng rừng, tăng khả năng hấp thụ khí CO2 của rừng, tăng sinh khối để tăng tích trữ carbon và bảo đảm cung cấp gỗ cho sản xuất và tiêu dùng.

- Tuyển chọn tập đoàn cây trồng lâm nghiệp đa tác dụng có lợi ích kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh; đẩy mạnh phát triển lâm sản ngoài gỗ nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế rừng. Bổ sung một số giống cây trồng mới như: Bạch đàn lai, Macadimia, Bạch đàn urô, Keo Lai cấy mô, Trúc liễu, Bời lời, Xưa, Giổi xanh, Tếch để đưa vào kế hoạch trồng rừng.

- Tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách cụ thể để huy động mọi nguồn lực đảm bảo cho phát triển rừng một cách bền vững; khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư trồng rừng và chế biến lâm sản;

- Cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt nhằm nâng cao hiệu quả việc sử dụng đất lâm nghiệp. Đến năm 2020 phát triển ngành lâm nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên cơ sở tổ chức quản lý, sử dụng và phát triển tài nguyên rừng bền vững.

3.2. Phát triển rừng trên đất trống, đồi núi trọc, đất rừng bị lấn chiếm.

- Rà soát quỹ đất trống, đồi núi trọc và đất rừng bị lấn chiếm, lập kế hoạch trồng rừng trên toàn bộ diện tích đất trống, đồi núi trọc có trạng thái IA, IB và đất rừng bị lấn chiếm. Đề xuất cơ chế, chính sách tạo điều kiện tốt cho thành phần kinh tế có điều kiện kinh doanh đầu tư phát triển rừng nhận được rừng, đất rừng do Nhà nước giao, thuê để kinh doanh.

- Hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai việc đăng ký kế hoạch, thực hiện trồng cây phân tán hàng năm nhằm góp phần nâng cao độ che phủ, cải thiện môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

3.3. Xây dựng, thực hiện các Chương trình về giảm phát thải khí nhà kính thông qua những nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng (REDD+), quản lý rừng bền vững, kết hợp với duy trì và đa dạng hóa sinh kế dân cư địa phương, hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu.

a. Về Chương trình REDD+: tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch hành động, thực hiện chương trình REDD+ sau khi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đồng ý bổ sung tỉnh Đắk Lắk vào danh mục các tỉnh thực hiện Chương trình REDD+.

b. Về quản lý rừng bền vững: Tiếp tục xây dựng các tiêu chí theo quy định để được ứng dụng cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn FSC. Đôn đốc các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Ban quản lý rừng tổ chức rà soát đánh giá lại trữ lượng rừng, đối tượng rừng của đơn vị đang quản lý để xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và đánh giá kết quả thực hiện.

3.4. Xây dựng và triển khai rộng rãi các chính sách huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế - xã hội trong bảo tồn và phát triển bền vững rừng và các hệ sinh thái tự nhiên.

- Hoàn thiện và nhân rộng các mô hình quản lý rừng cộng đồng; quy chế quản lý rừng và cơ chế hưởng lợi cho các thành phần kinh tế. Đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng, cho thuê đất, cho thuê rừng, khoán bảo vệ rừng cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng dân cư quản lý, sử dụng vào mục đích lâm nghiệp tại địa bàn các huyện Ea Súp, Ea H’leo, Lắk, Krông Bông, Krông Năng... Ngăn chặn có hiệu quả tình trạng lấn chiếm đất rừng, chặt phá rừng làm nương rẫy để bảo vệ diện tích rừng hiện có.

- Tổ chức bảo vệ, khôi phục diện tích rừng phòng hộ bị phá, bị lấn chiếm tại các địa bàn huyện Krông Năng, Buôn Đôn.... Quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng đặc dụng, bảo tồn đa dạng sinh học theo hướng phát triển bền vững, nâng độ che phủ của rừng.

- Mở rộng liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư bảo vệ rừng, trồng rừng, kinh doanh rừng, bao tiêu sản phẩm. Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút vốn trong và ngoài nước vào đầu tư phát triển rừng, đặc biệt trong lĩnh vực trồng rừng, chế biến lâm sản và du lịch sinh thái theo hướng sử dụng công nghệ cao và bảo vệ môi trường.

3.5. Quy hoạch nông thôn theo các tiêu chuẩn sống tốt, bảo vệ và phát triển cảnh quan và môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh. Nhân rộng các mô hình xây dựng làng, nhà ở sinh thái phù hợp với điều kiện khí hậu, phong tục tập quán, lối sống của từng dân tộc và địa phương.

Tổ chức quản lý và triển khai thực hiện tốt Đồ án quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã được được cấp có thẩm quyền phê duyệt; rà soát, điều chỉnh quy hoạch phù hợp với điều kiện thực tế phát triển từng giai đoạn.

3.6. Hỗ trợ thực hiện các mô hình sản xuất ở nông thôn theo chu trình sinh thái khép kín, mô hình xử lý tốt chất thải làng nghề. Đến năm 2020, đảm bảo hầu hết rác thải nông thôn được thu gom, xử lý theo tiêu chuẩn môi trường, phân loại và tái chế rác thành năng lượng, phân bón, vật liệu xây dựng.

- Quy hoạch các khu chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản tập trung có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường.

- Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích, đầu tư xây dựng nhà máy, cơ sở thu gom, phân loại và xử lý chất thải làng nghề; xây dựng các mô hình liên kết các hộ gia đình sản xuất theo chu trình khép kín, mô hình thu gom, phân loại và xử lý chất thải làng nghề theo hình thức hợp tác, liên kết thành các tổ hợp tác, hợp tác xã.

- Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình thu gom và xử lý chất thải nông nghiệp.

3.7. Thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về cấp nước và vệ sinh nông thôn đến năm 2020

Nhằm đạt được các chỉ tiêu:

- Tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh: 95%

- Tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước đạt quy chuẩn QCVN02-NYT: 50%

- Tỷ lệ số hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh: 67,5%

- Tỷ lệ trường mầm non, trường phổ thông có công trình cấp nước và nhà vệ sinh: 100%

- Tỷ lệ trạm y tế có công trình cấp nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh: 100%

3.8. Cung cấp các giải pháp xây dựng công trình kinh tế và dân sinh thích ứng với biến đổi khí hậu và chủ động phòng ngừa tác động của thiên tai.

- Hoàn chỉnh và củng cố hệ thống đê, bờ bao chống lũ hè thu, bảo đảm ổn định, hạn chế hư hỏng khi lũ chính vụ tràn qua ở các vùng;

- Xây dựng và nâng cấp các công trình ngăn sông, cống đảm bảo thoát lũ. Nâng cấp các hồ chứa khai thác tổng hợp để điều tiết dòng chảy mùa mưa, mùa khô.

- Nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi vừa và nhỏ phục vụ cho phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, sinh hoạt, khai thác thủy điện, góp phần hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

- Tiếp tục thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương, hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi nội đồng.

- Xây dựng hệ thống quan trắc, điều hành các hệ thống thủy lợi hiện đại.

- Tổ chức tuyên truyền phổ biến kiến thức, thông tin, nâng cao nhận thức, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống chính sách, lồng ghép biến đổi khí hậu với chương trình của ngành nông nghiệp.

3.9. Cải thiện cơ cấu chất đốt ở nông thôn để giảm phát thải và nâng cao chất lượng sống cho dân cư nông thôn. Khuyến khích và hỗ trợ các hộ gia đình nông thôn sử dụng rộng rãi các nguồn năng lượng tái tạo.

- Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức và phổ biến các kỹ thuật giảm phát thải trong ngành nông nghiệp đến các hộ gia đình nông thôn.

- Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong việc xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải trong sản xuất nông nghiệp như tạo ra thức ăn chăn nuôi, trồng nấm, làm nguyên liệu công nghiệp, biogas và phân bón hữu cơ...

- Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các hộ nông dân nông thôn sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.

4. Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên - Môi trường căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố:

4.1. Cải thiện hạ tầng kỹ thuật theo hướng bền vững ở đô thị Buôn Ma Thuột: tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị và thiết kế đô thị theo hướng cơ sở hạ tầng xanh nhằm đem lại một đô thị xanh, bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu và tạo môi trường sống trong lành.

- Về giao thông:

+ Đường bộ: Đến năm 2015, nhựa hóa và bê tông hóa đường giao thông nông thôn. Đầu tư hoàn thành công trình đường vành đai phía Tây thành phố Buôn Ma Thuột. Giai đoạn 2016 - 2020: Đầu tư hoàn thành Đường Đông - Tây; hệ thống giao thông đường bộ được đầu tư theo quy hoạch tương ứng với giai đoạn phát triển cao của thành phố.

+ Giao thông tĩnh: Quy hoạch xây dựng 01 bến xe buýt ở trung tâm thành phố, hình thành mạng lưới các điểm đỗ xe buýt nội thị và đến các điểm ven đô, các huyện lân cận; Quy hoạch xây dựng 04 bãi đỗ xe tải tại những vị trí hợp lý ở cửa ngõ thành phố.

+ Giao thông hàng không: Đến năm 2020, Cảng hàng không Buôn Ma Thuột xây dựng hoàn thành nhà ga thứ 2 (nhóm B), phục vụ khoảng 1 triệu hành khách/năm và 3 - 3,5 ngàn tấn hàng hóa/năm. Mở rộng quy mô diện tích, mở rộng đường băng, nhà ga và hiện đại hóa các trang thiết bị theo hướng quy hoạch trở thành cảng hàng không quốc tế.

+ Phối hợp với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên đầu tư, xây dựng tuyến đường sắt Buôn Ma Thuột - Tuy Hòa (đoạn qua địa phận tỉnh Đắk Lắk dài khoảng 85 km) và tuyến dọc quốc lộ 14 nối Đà Nẵng - Kon Tum - Đắk Lắk - Bình Phước phục vụ tốt nhu cầu vận tải hàng hóa tới các tỉnh trong vùng.

- Về cấp thoát nước:

+ Tăng cường cung cấp nước sạch phục vụ các ngành sản xuất nhất là các cơ sở chế biến, nhu cầu của dịch vụ và sinh hoạt đời sống của nhân dân thành phố. Nâng cao chất lượng nước, phấn đấu 100% cơ sở cung cấp nước đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt theo tiêu chuẩn quốc gia. Nâng cao chất lượng nước sinh hoạt dân cư đạt các tiêu chuẩn quy định với định mức bình quân 120 lít/người-ngày đêm đối với khu vực nội thành và 80 lít/người - ngày đêm đối với khu vực nông thôn;

+ Hệ thống thoát nước: Thoát nước mưa ở khu vực nội thành và khu vực ven nơi đông dân cư cần tách hệ thống nước thải triệt để ra khỏi hệ thống cống thoát nước mưa để tránh gây ô nhiễm môi trường sông suối. Đối với khu vực các xã ngoại thành, giai đoạn đầu xây dựng hệ thống thoát nước chung, sau năm 2015 sẽ tách thành hệ thống thoát nước kép;

+ Xử lý nước thải: Sau năm 2015, xây dựng hoàn thành khu xử lý nước thải mới để đáp ứng cho nhu cầu nước thải gia tăng.

- Về môi trường: Tổ chức thực hiện di dời, giải tỏa các nghĩa trang không phù hợp, đồng thời triển khai cải tạo hoặc xây dựng mới các nghĩa trang theo quy hoạch. Xây dựng nhà máy xử lý rác thải rắn và cơ sở hỏa táng; Bảo tồn, tôn tạo khu rừng cảnh quan, tiếp tục bổ sung mạng lưới cây xanh, hoa cây cảnh trên đường phố, trong các công trình công cộng.

4.2. Xanh hóa cảnh quan đô thị:

- Xây dựng Đề án xã hội hóa phát triển cây xanh đô thị đến năm 2020; trong đó, quan tâm đến việc nâng cao ý thức cộng đồng tham gia công tác bảo vệ phát triển hệ thống công viên cây xanh đô thị thông qua các hoạt động giáo dục, tuyên truyền vận động toàn xã hội tham gia.

- Tận dụng tối đa diện tích và không gian đô thị để phát triển thêm diện tích xanh công cộng; tiếp tục trồng mới, bổ sung cây xanh trên các tuyến đường. Xây dựng quy định bắt buộc đưa hạng mục trồng cây xanh đô thị vào các dự án phát triển hệ thống giao thông. Triển khai xây dựng các công viên mới theo quy hoạch đã duyệt đối với các khu vực đang có điều kiện thuận lợi về mặt bằng.

- Huy động các doanh nghiệp đóng góp kinh phí cho hoạt động bảo vệ môi trường có thể xây dựng thành quỹ riêng, vận động các nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân khác và ngoài nước...

- Tăng cường hợp tác quốc tế, tìm kiếm các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước cho công tác đầu tư phát triển cây xanh đô thị; nâng cao năng lực quản lý, chuyên môn nghiệp vụ, tư vấn trồng, chăm sóc cây xanh đô thị.

4.3. Xây dựng nông thôn mới với lối sống hài hòa môi trường thiên nhiên:

- Tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định quản lý kiến trúc cảnh quan cho nông thôn, nhằm bảo tồn bản sắc kiến trúc đặc trưng của từng vùng miền.

- Thiết kế điển hình nhà ở nông thôn phù hợp với đặc điểm khí hậu, lối sống, phong tục tập quán của địa phương.

- Đẩy mạnh mô hình xã hội hóa công tác thu gom, xử lý và tái chế rác thải nông thôn thành năng lượng, phân bón, vật liệu xây dựng, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn.

- Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, phát triển thị trường nước sạch và dịch vụ vệ sinh môi trường nông thôn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Rà soát, điều chỉnh các văn bản hướng dẫn để đảm bảo tính thống nhất, tạo thuận lợi cho các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đó là: quy hoạch về dân cư và hạ tầng với quy hoạch sản xuất và quy hoạch sử dụng đất.

4.4. Ưu tiên phân bổ đất công để nhanh chóng nâng cao diện tích không gian xanh và mặt nước ở các đô thị, đạt tiêu chuẩn diện tích cây xanh đô thị tính theo đầu người đã quy định cho từng loại đô thị.

4.5. Tham mưu UBND tỉnh các giải pháp khuyến khích hỗ trợ đầu tư và cải thiện thể chế để bảo vệ và phát triển các khoảng không gian xanh công cộng và khuyến khích cộng đồng, doanh nghiệp và các hộ gia đình thực hiện các giải pháp xanh hóa cảnh quan đô thị.

4.6. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ và xử lý nghiêm các cơ sở có hành vi gây ô nhiễm môi trường theo quy định.

5. Sở Công Thương phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố:

5.1. Phát động phong trào tiêu dùng tiết kiệm (trước hết đối với nước, điện, giấy), chống lãng phí, bảo vệ và làm giàu thêm đối với tài nguyên và của cải xã hội: Tổ chức tuyên truyền tiết kiệm điện trong các trường học, hộ gia đình và các tổ chức kinh tế - xã hội, đồng thời tổ chức kiểm tra thực tế một số doanh nghiệp, khách hàng sử dụng điện. Tham mưu văn bản chỉ đạo các ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

5.2. Giám sát sản xuất và tiêu dùng thực phẩm an toàn, khuyến khích và hỗ trợ kỹ thuật để người dân thực hiện các mô hình sản xuất sinh thái: Triển khai quản lý, cấp giấy đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm và kiểm tra an toàn thực phẩm theo đúng quy định hiện hành.

5.3. Thúc đẩy phong trào sản xuất “Hàng Việt Nam chất lượng cao” trong các doanh nghiệp và phong trào “Người Việt dùng hàng Việt” trong dân cư: Triển khai lập kế hoạch tổ chức và hỗ trợ các doanh nghiệp đưa hàng Việt về nông thôn và tạm bình ổn giá cả trong các dịp lễ, tết...; Khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các chương trình khuyến mãi về hàng Việt.

6. Sở Y tế phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố:

Giám sát sản xuất và tiêu dùng thực phẩm an toàn, khuyến khích và hỗ trợ kỹ thuật để người dân thực hiện các mô hình sản xuất sinh thái.

Đến năm 2020 cơ bản kiểm soát an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm được thiết lập và phát huy hiệu quả, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế đất nước.

- Nâng cao kiến thức và thực hành về an toàn thực phẩm cho các nhóm đối tượng: phấn đấu 95% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, 100% người quản lý, 80% người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về an toàn thực phẩm.

- Cải thiện rõ rệt tình trạng đảm bảo an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm: 100% cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm quy mô công nghiệp, tập trung được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và 80% áp dụng hệ thống đảm bảo chất lượng theo HACCP, GMP, ISO 9001, ISO 22000; đảm bảo điều kiện cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất thực phẩm an toàn...

- Cải thiện rõ rệt tình trạng bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh thực phẩm: Phấn đấu 80% chợ được quy hoạch được kiểm soát an toàn thực phẩm (không bao gồm chợ tự phát).

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Các Sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố:

Các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện tích cực phối hợp thực hiện để hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đề ra; xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện trong từng năm và tổ chức đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, gửi về Sở Kế hoạch, và Đầu tư trước ngày 15 tháng 10 hàng năm để tổng hợp tham mưu UBND tỉnh báo cáo Ban điều phối tăng trưởng xanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, các đơn vị vận động, khuyến khích các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, các đoàn thể quần chúng, các tổ chức phi Chính phủ và doanh nghiệp tham gia triển khai thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của tỉnh giai đoạn 2015-2020; hỗ trợ và huy động sự tham gia của cộng đồng, phổ biến kinh nghiệm, mô hình tăng trưởng xanh.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Là cơ quan đầu mối đôn đốc, theo dõi các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện Kế hoạch này.

Định kỳ hàng năm, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch và tham mưu UBND tỉnh báo cáo Ban điều phối tăng trưởng xanh.

3. Sở Tài chính:

Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh phân bổ kinh phí cho các đề án, dự án triển khai thực hiện nhiệm vụ của Kế hoạch hành động này theo đúng quy định hiện hành và phù hợp khả năng cân đối ngân sách địa phương.

4. Sở Thông tin và Truyền thông:

Chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Đắk Lắk tuyên truyền, nâng cao ý thức của nhân dân, cộng đồng về hoạt động đối ngoại công ước quốc tế về bảo vệ môi trường, vai trò, ý nghĩa của tăng trưởng xanh những hành động thiết thực đóng góp thực hiện kế hoạch tăng trưởng xanh, các mô hình nông thôn xanh, sử dụng hợp lý tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, giảm lượng khí thải, an toàn, văn minh, mang đậm bản sắc dân tộc, hài hòa và thân thiện với thiên nhiên.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các đơn vị có liên quan báo cáo UBND tỉnh thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.

 

CÁC HOẠT ĐỘNG THUỘC KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG TĂNG TRƯỞNG XANH CỦA TỈNH ĐẮK LẮK, GIAI ĐOẠN 2015 – 2020

(Ban hành kèm theo Quyết định số 459/QĐ-UBND ngày 13/02/2015 của UBND tỉnh Đắk Lắk)

Hoạt động số

Tên hoạt động/lĩnh vực/thời gian thực hiện/mức độ ưu tiên

Nội dung hoạt động

Cơ quan chủ trì/cơ quan phối hợp

Nguồn lực tài chính

1

(tương ứng hoạt động số 6 QĐ 403)

Triển khai xây dựng kế hoạch; chương trình hành động tăng trưởng xanh. Tổng kết và nhân rộng. Hoàn thiện thể chế, nâng cao nhận thức.

1- Xây dựng khung hướng dẫn lồng ghép tăng trưởng xanh vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ngành và địa phương.

2- Hướng dẫn xây dựng thí điểm kế hoạch hành động thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh. Tổng kết rút kinh nghiệm. Phổ biến, chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương.

- Chủ trì: Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Phối hợp: UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Sở, ban, ngành

- Ngân sách nhà nước

- Hỗ trợ kỹ thuật quốc tế

2

(tương ứng HĐ 19 QĐ 403)

Phát triển giao thông công cộng theo hướng xanh hóa.

3- Đầu tư phát triển các loại hình giao thông công cộng sạch và hiệu quả.

4- Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển, sử dụng dịch vụ giao thông công cộng với chất lượng tốt.

- Chủ trì: Sở Giao thông vận tải

- Phối hợp: Các Sở Tài Chính; Kế hoạch và Đầu tư; UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Ngân sách Nhà nước

- Ngân sách địa phương

- Nguồn lực của doanh nghiệp

- Hỗ trợ kỹ thuật quốc tế

3

(tương ứng HĐ 23 và 63 QĐ 403)

1. Trồng rừng, nâng cao chất lượng rừng và quản lý tài nguyên rừng bền vững.

2. Xây dựng nông thôn mới với lối sống hài hòa với môi trường thiên nhiên

5- Đẩy nhanh tiến độ các dự án trồng rừng, tái trồng rừng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào trồng rừng kinh tế để nâng tỉ lệ che phủ rừng, nâng cao chất lượng rừng, tăng khả năng hấp thụ khí CO2 của rừng, tăng sinh khối để tăng tích trữ các bon và đảm bảo cung cấp gỗ cho sản xuất và tiêu dùng.

6- Phát triển rừng trên đất trống, đồi núi trọc, rừng ngập mặn, rừng chắn cát, chắn sóng ven sông, biển

7- Xây dựng, thực hiện các chương trình về giảm phát thải khí nhà kính thông qua những nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng (REDD+), quản lý rừng bền vững, kết hợp với duy trì và đa dạng hóa sinh kế dân cư các vùng, địa phương, hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu.

8- Xây dựng và triển khai rộng rãi các chính sách huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế - xã hội trong bảo tồn, phát triển bền vững rừng và các hệ sinh thái tự nhiên.

9- Quy hoạch nông thôn theo các tiêu chuẩn sống tốt, bảo vệ và phát triển cảnh quan và môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh. Nhân rộng các mô hình xây dựng làng, nhà ở sinh thái phù hợp với điều kiện khí hậu, phong tục tập quán, lối sống của từng dân tộc và địa phương.

10- Hỗ trợ thực hiện các mô hình sản xuất ở nông thôn theo chu trình sinh thái khép kín, mô hình xử lý tốt chất thải làng nghề. Đến năm 2020, đảm bảo hầu hết rác thải nông thôn được thu gom, xử lý theo tiêu chuẩn môi trường, phân loại và tái chế rác thành năng lượng, phân bón, vật liệu xây dựng.

11- Thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về cấp nước và vệ sinh nông thôn đến năm 2020.

12- Cung cấp các giải pháp xây dựng công trình kinh tế và dân sinh thích ứng với biến đổi khí hậu và chủ động phòng ngừa tác động của thiên tai.

13- Cải thiện cơ cấu chất đốt ở nông thôn để giảm phát thải và nâng cao chất lượng sống cho dân cư nông thôn. Khuyến khích và hỗ trợ các hộ gia đình nông thôn sử dụng rộng rãi các nguồn năng lượng tái tạo

- Chủ trì: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Phối hợp: Các Sở Tài nguyên và Môi trường; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Khoa học & Công nghệ; UBND các huyện, thị xã, thành phố; Xây dựng; Y tế; Hội Nông dân tỉnh

- Nguồn lực của doanh nghiệp và cộng đồng

- Hỗ trợ kỹ thuật quốc tế

4

(tương ứng HĐ 55 QĐ 403)

Cải thiện hạ tầng kỹ thuật theo hướng bền vững ở một số đô thị chọn lọc.

14- Lựa chọn và xây dựng kế hoạch đầu tư cải thiện hạ tầng kỹ thuật của một số đầu mối giao thương quốc tế, trung tâm du lịch, đô thị cũ xuống cấp nghiêm trọng nhằm nâng cao chất lượng nhà ở, cung cấp năng lượng, giao thông, cấp thoát nước và cảnh quan môi trường.

- Chủ trì: Sở Xây dựng

- Phối hợp: Các Sở Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư và UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Ngân sách nhà nước và Ngân sách địa phương

- Nguồn lực của doanh nghiệp và cộng đồng

5

(tương ứng HĐ 60 QĐ 403)

Xanh hóa cảnh quan đô thị

15- Ưu tiên phân bổ đất công để nhanh chóng nâng cao diện tích không gian xanh và mặt nước ở các đô thị, đạt tiêu chuẩn diện tích cây xanh đô thị tính theo đầu người đã quy định cho từng loại đô thị.

16- Tăng cường đầu tư và cải thiện thể chế để bảo vệ và phát triển các khoảng không gian xanh công cộng và khuyến khích cộng đồng, doanh nghiệp và các hộ gia đình thực hiện các giải pháp xanh hóa cảnh quan đô thị.

- Chủ trì: Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Xây dựng

- Phối hợp: UBND các huyện, thị xã, thành phố; Đài phát thanh truyền hình Đắk Lắk; Tỉnh Đoàn; Hội liên hiệp phụ nữ; Tổng Liên đoàn lao động tỉnh ...và các tổ chức đoàn thể xã hội khác.

- Ngân sách địa phương

- Nguồn lực của doanh nghiệp và cộng đồng

6

(tương ứng HĐ 65 QĐ 403)

Hướng dẫn và khuyến khích các sáng kiến tiêu dùng bền vững trong dân cư.

17- Phát động phong trào tiêu dùng tiết kiệm (trước hết đối với nước, điện, giấy), chống lãng phí, bảo vệ và làm giàu thêm đối với tài nguyên và của cải xã hội.

18- Áp dụng một số công cụ kinh tế (thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế và phí sinh thái) để điều chỉnh những hành vi tiêu dùng không hợp lý, trước hết đối với những sản phẩm có hại cho sức khỏe, văn hóa và môi trường (rượu, thuốc lá, túi nilông, v.v...).

19- Thúc đẩy phong trào sản xuất “Hàng Việt Nam chất lượng cao” trong các doanh nghiệp và phong trào “Người Việt dùng hàng Việt” trong dân cư.

20- Giám sát sản xuất và tiêu dùng thực phẩm an toàn, khuyến khích và hỗ trợ kỹ thuật để người dân thực hiện các mô hình sản xuất sinh thái.

- Chủ trì: Sở Công Thương

- Phối hợp: Các Sở Tài chính; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường; Y tế; UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Chủ trì: Sở Y tế và Sở Công Thương. Phối hợp: Các Sở Tài chính; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường.

- Ngân sách địa phương

- Nguồn lực của doanh nghiệp và cộng đồng