Quyết định 1552/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống Đài Truyền thanh cơ sở tỉnh Điện Biên giai đoạn đến năm 2020
Số hiệu: 1552/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Điện Biên Người ký: Mùa A Sơn
Ngày ban hành: 16/12/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Bưu chính, viễn thông, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1552/QĐ-UBND

Điện Biên, ngày 16 tháng 12 năm 2016

 

QUYẾT ÐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG HỆ THỐNG ĐÀI TRUYỀN THANH CƠ SỞ TỈNH ĐIỆN BIÊN GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Báo chí ngày 28/12/1989; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí ngày 12/6/1999;

Căn cứ Nghị định số 51/2002/NĐ-CP , ngày 26/4/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí;

Căn cứ Nghị định số 92/2009/NĐ-CP , ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với các cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;

Căn cứ Nghị định số 29/2013/NĐ-CP , ngày 08/4/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với các cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;

Căn cứ Quyết định số 22/2009/QĐ-TTg , ngày 16/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 119/QĐ-TTg , ngày 18/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển thông tin và truyền thông nông thôn giai đoạn 2011-2020;

Căn cứ Quyết định số 1600/QĐ-TTg , ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Quyết định số 1722/QĐ-TTg , ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Nghị quyết số 392/NQ/2015/NQ-HĐND ngày 11/12/2015 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Nghị quyết số 32/NQ-HĐND ngày 14/10/2016 của HĐND tỉnh về Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2016-2020;

Tiếp theo Quyết định số 194/QĐ-UBND , ngày 31/3/2014 của UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển báo chí, xuất bản tỉnh Điện Biên giai đoạn đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống Đài Truyền thanh cơ sở tỉnh Điện Biên giai đoạn đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Tên Đề án: Đề án phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống Đài Truyền thanh cơ sở tỉnh Điện Biên giai đoạn đến năm 2020.

2. Mục tiêu Đề án

Đến năm 2020, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có Đài Truyền thanh cơ sở tiếp sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh tỉnh, Đài Truyền thanh cấp huyện, đồng thời chuyển tải kịp thời, đầy đủ các thông báo, thông tin phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Đảm bảo 100% xã, phường, thị trấn có Đài Truyền thanh cơ sở được bố trí tối thiểu 01 cán bộ phụ trách và được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ thông tin tuyên truyền và kỹ thuật vận hành, duy tu bảo dưỡng hệ thống trang thiết bị.

Đến năm 2020, 100% các Đài Truyền thanh cơ sở tự xây dựng được tối thiểu 02 chương trình/tháng, tiếp âm chương trình phát thanh của Đài cấp trên tối thiểu 02 giờ/ngày.

3. Nội dung Đề án

3.1. Hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực cho cán bộ Đài Truyền thanh cơ sở

3.1.1. Hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy, cơ chế chính sách

a) Tổ chức bộ máy

Đào tạo, bồi dưỡng và bố trí đủ cán bộ làm công tác truyền thanh cho các Đài Truyền thanh cơ sở, đảm bảo cho các Đài hoạt động tốt. Các xã có Đài Truyền thanh cơ sở thành lập Ban Biên tập do đồng chí lãnh đạo xã làm Trưởng ban, bố trí tối thiểu 01 cán bộ xã kiêm nhiệm công tác quản lý Đài truyền thanh cơ sở. Đảm bảo các chế độ, chính sách cho các thành viên Ban Biên tập, cán bộ quản lý Đài và đội ngũ cộng tác viên theo quy định của Nhà nước.

Ngoài đội ngũ cán bộ chuyên trách Đài Truyền thanh cơ sở cần quan tâm phát triển đội ngũ cộng tác viên để ngày một nâng cao hiệu quả hoạt động của Đài Truyền thanh cơ sở.

b) Xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách đảm bảo cho hoạt động của Đài và cho đội ngũ các cán bộ công tác tại Đài truyền thanh cơ sở

- Xây dựng quy định quản lý, vận hành hệ thống Đài Truyền thanh cơ sở;

- Sở Thông tin và Truyền thông: Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quy định, cơ chế, chính sách để phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống Đài Truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn UBND cấp huyện, cấp xã về công tác quản lý, thông tin tuyên truyền trên hệ thống Đài Truyền thanh cơ sở, đảm bảo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước và phù hợp với thực tiễn địa phương. Bố trí cán bộ trong biên chế được giao theo dõi, quản lý hệ thống Đài phát thanh cơ sở.

- Phòng Văn hóa và Thông tin cấp huyện: Bố trí tối thiểu 01 cán bộ trong biên chế được giao theo dõi hoạt động thông tin và truyền thông, hệ thống truyền thanh trên địa bàn. Tham mưu cho UBND cấp huyện tổ chức quản lý, đầu tư phát triển, duy trì hoạt động thường xuyên và nâng cao chất lượng tuyên truyền, đặc biệt là các chủ trương chính sách phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương. Phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch tham mưu cho UBND huyện cân đối bố trí kinh phí đầu tư hàng năm đề duy trì hoạt động của các Đài Truyền thanh cơ sở trên địa bàn.

- Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện: Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho các Đài Truyền thanh cấp xã. Trực tiếp hướng dẫn việc quản lý, vận hành, sửa chữa trang thiết bị, đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ truyền Đài Thanh cơ sở trên địa bàn. Phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin đề xuất kinh phí đầu tư, sửa chữa, bảo dưỡng, vận hành hệ thống Đài Truyền thanh cơ sở hàng năm trên địa bàn.

- UBND các xã có Đài Truyền thanh cơ sở: Thành lập Ban Biên tập do 01 đồng chí lãnh đạo UBND xã làm Trưởng ban; bố trí các cán bộ xã tham gia thành viên Ban Biên tập; bố trí tối thiểu 01 cán bộ xã phụ trách kiêm nhiệm quản lý, vận hành Đài Truyền thanh cơ sở. Ban hành quy chế quản lý Đài Truyền thanh cơ sở, đảm bảo các chế độ chính sách cho các thành viên Ban Biên tập, cộng tác viên và cán bộ phụ trách Đài Truyền thanh cơ sở theo quy định của Nhà nước. Hằng năm, lập dự toán ngân sách nhà nước cho công tác quản lý, vận hành và duy trì hoạt động của Đài Truyền thanh cơ sở tổng hợp chung vào dự toán ngân sách Nhà nước của xã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3.1.2. Nâng cao năng lực cho cán bộ Đài Truyền thanh cơ sở

a) Nội dung đào tạo

Mỗi năm tổ chức từ 2 đến 3 lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ quản lý, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ quản lý, thành viên Ban Biên tập, cán bộ phụ trách Đài Truyền thanh cơ sở với các nội dung sau:

- Công tác quản lý Nhà nước Đài Truyền thanh cơ sở.

- Kỹ năng khai thác và xử lý, lưu trữ thông tin.

- Kỹ năng biên tập tin, bài, chương trình,…

- Nghiệp vụ phát thanh viên hoặc tuyên truyền.

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong truyền thanh.

- Kỹ thuật: Khai thác sử dụng các thiết bị kỹ thuật phục vụ trong công tác thông tin tuyên truyền.

b) Đối tượng đào tạo: Cán bộ quản lý, cán bộ phụ trách Đài Truyền thanh cơ sở, Ban Biên tập, cộng tác viên.

c) Kinh phí thực hiện: 303,600 triệu đồng.

d) Nguồn kinh phí: Ngân sách tỉnh.

3.1.3. Tổ chức thực hiện

a) Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.

b) Cơ quan phối hợp: Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố.

3.2. Cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật các Đài Truyền thanh cơ sở

3.2.1. Nội dung thực hiện

- Đầu tư mới trang thiết bị kỹ thuật Đài Truyền thanh không dây cho 84 xã chưa có Đài Truyền thanh cơ sở.

- Cải tạo, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị cho 46 Đài Truyền thanh cơ sở đã được đầu tư trong giai đoạn trước.

3.2.2. Quy mô đầu tư

a) Nhà đặt máy

Không xây dựng mới nhà đặt máy, trên cơ sở bố trí và sử dụng hợp lý cơ sở vật chất hiện có để bố trí đặt các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của Đài Truyền thanh cơ sở.

b) Trang thiết bị cơ bản một Đài Truyền thanh cơ sở

Cột ăng ten, máy phát thanh FM (Công suất 50W, dải tần công tác 54-68MHz), bộ ăng ten phát sóng FM giải tần 54-68MHz, Radio Radio cassette DVD (có cổng USB) có băng FM và AM, đầu thu FM dải tần 88-108MHz, bộ thu tín hiệu vệ tinh, bộ điều khiển trung tâm, bộ thu truyền thanh không dây kỹ thuật số (tần số hoạt động 54-68MHz), Card giải mã tín hiệu điều khiển từ xa, loa phóng thanh 25W, bàn trộn âm thanh 4 đường (Mixer), micro và chân đế để bàn, ổn áp 3-5KVA 1 pha, hệ thống tiếp đất, chống sét,…

Những xã đã có cột phát sóng (di động, truyền hình...) đặt tại Trụ sở, hoặc nằm gần trụ sở UBND xã (cột phát sóng thông tin di động - BTS, cột phát sóng trạm phát lại truyền hình,…) thì không thực hiện xây mới cột ăng ten truyền thanh. Cột ăng ten phát sóng của Đài Truyền thanh cơ sở sẽ sử dụng chung hạ tầng với các cột phát sóng hiện có trên địa bàn.

3.2.3. Tổ chức thực hiện

a) Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.

b) Cơ quan phối hợp: Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố.

c) Hình thức quản lý: Các Đài Truyền thanh cơ sở sau khi đã cải tạo, nâng cấp, đầu tư mới bàn giao UBND các huyện, thị xã, thành phố quản lý, vận hành.

3.2.4. Nhu cầu kinh phí thực hiện

a) Tổng nhu cầu kinh phí: 31.350 triệu đồng, trong đó:

- Đầu tư xây dựng mới 84 đài truyền thanh không dây cho 84 xã chưa có đài truyền thanh: 29.050 triệu đồng.

- Sửa chữa, nâng cấp 46 đài truyền thanh không dây đã được đầu tư từ trước: 2.300 triệu đồng.

b) Nguồn vốn: Ngân sách Trung ương (Chương trình MTQG Nông thôn mới, giảm nghèo bền vững) và ngân sách tỉnh, huyện trong đó:

- Ngân sách Trung ương: 15.000 triệu đồng.

- Ngân sách địa phương: 16.350 triệu đồng, trong đó:

+ Ngân sách tỉnh: 10.000 triệu đồng.

+ Ngân sách huyện: 6.350.000 triệu đồng.

3.3. Nâng cao chất lượng nội dung chương trình

3.3.1. Thời lượng tiếp, phát sóng

- Tiếp âm Đài tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện: Đảm bảo thời lượng tiếp âm đến năm 2020 tối thiểu 02 giờ/ngày.

- Đến năm 2020, 100% các Đài tự xây dựng được tối thiểu 02 chương trình/tháng, thời lượng từ 10 đến 20 phút/chương trình.

3.3.2. Nội dung chương trình

- Tiếp âm: Đảm bảo 100% chương trình thời sự sáng, chiều của của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện; tiếp âm các chương trình đặc biệt nhân các ngày kỷ niệm, các sự kiện... theo yêu cầu của cấp ủy, chính quyền địa phương.

- Chương trình tự sản xuất: Các chương trình văn nghệ, bản tin, bài phản ánh, phóng sự, các chuyên mục được bố trí thời gian thích hợp.

- Chương trình thông tin: Thông báo các văn bản của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, đoàn thể, quy trình kỹ thuật sản xuất, phòng chống, dịch bệnh,…

- Chương trình khai thác: Các thông tin khoa học, kinh tế, xã hội, được khai thác từ internet để thông tin cho nhân dân.

3.3.3. Kinh phí thực hiện

Hằng năm, ngân sách xã, phường, thị trấn dành khoảng kinh phí để hỗ trợ cho hoạt động nâng cao chất lượng, thời lượng và nội dung chương trình bao gồm: Chi cho công tác thu thập thông tin, biên tập thông tin, nhuận bút, kinh phí duy trì hoạt động, duy tu bảo dưỡng máy móc,…

a) Tổng kinh phí: 3.930 triệu đồng

b) Nguồn vốn: Ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh (nguồn sự nghiệp), trong đó:

- Ngân sách Trung ương: 1.000 triệu đồng.

- Ngân sách địa phương: 2.930 triệu đồng, trong đó:

+ Ngân sách tỉnh: 1.500 triệu đồng.

+ Ngân sách huyện: 1.430 triệu đồng.

3.3.4. Tổ chức thực hiện

a) Cơ quan chủ trì: UBND các xã, phường, thị trấn.

b) Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, đơn vị liên quan.

4. Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện Đề án: 35.583,6 triệu đồng, trong đó:

4.1. Ngân sách trung ương: 16.000 triệu đồng, gồm:

- Nguồn vốn đầu tư phát triển: 15.000 triệu đồng.

- Nguồn sự nghiệp: 1.000 triệu đồng.

4.2. Ngân sách địa phương:19.583,6 triệu đồng.

5. Tổ chức triển khai thực hiện Đề án

5.1. Sở Thông tin và Truyền thông

Là cơ quan chủ trì hướng dẫn, quản lý, thực hiện, giám sát việc thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh.

Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cân đối và bố trí nguồn lực thực hiện các mục tiêu, chi tiêu đề ra của Đề án.

Phối hợp với Sở Nội vụ hướng dẫn UBND cấp huyện thành lập các Ban Biên tập, cơ cấu tổ chức các Đài truyền thanh cơ sở.

Phối hợp với các Sở, ngành tỉnh đề tham mưu đề xuất với UBND tỉnh cơ chế hỗ trợ cho cán bộ làm công tác truyền thanh cơ sở.

Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và các đơn vị liên quan tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách truyền thanh cơ sở và các đối tượng có liên quan.

Phối hợp với Cục Tần số vô tuyến điện hướng dẫn các Đài truyền thanh cơ sở đăng ký, cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện.

Tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc việc thực hiện Đề án ở cơ sở. Theo dõi, sơ tổng kết tình hình hoạt động của các Đài truyền thanh cơ sở.

Chủ trì tổng hợp các vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Đề án để kịp thời tham mưu nội dung điều chỉnh cho UBND tỉnh.

5.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện, thị xã, thành cân đối các nguồn lực, kinh phí để thực hiện Đề án.

5.3. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp hàng năm để triển khai thực hiện Đề án.

5.4. Sở Nội vụ

Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, UBND cấp huyện việc bố trí nhân lực làm việc ở các Đài Truyền thanh cơ sở đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu đề ra và tuân thủ các quy định hiện hành.

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn UBND cấp huyện thành lập Ban Biên tập, cơ cấu tổ chức các Đài Truyền thanh cơ sở.

5.5. UBND các huyện, thị xã, thành phố

Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện Đề án trên địa bàn.

Tăng cường công tác quản lý Đài truyền thanh cơ sở trên địa bàn, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn bố trí cán bộ quản lý Đài truyền thanh cơ sở. Hằng năm bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng mới, duy tu, bảo dưỡng và duy trì hoạt động của hệ thống Đài Truyền thanh cơ sở trên địa bàn.

Chỉ đạo các phòng chức năng và UBND các các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các dự án nhằm nâng cao chất lượng hoạt động các Đài Truyền thanh cơ sở, đảm bảo đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.

Chỉ đạo Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện hỗ trợ về kỹ thuật, chuyên môn cho các Đài Truyền thanh cơ sở; hàng năm báo cáo tình hình hoạt động của các Đài Truyền thanh cơ sở về Sở Thông tin và Truyền thông theo định kỳ 6 tháng/ lần.

(Chi tiết Đề án như nội dung kèm theo Tờ trình số 74/TTr-STTTT ngày 30/11/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông)

Điều 2. Căn cứ Quyết định này, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan tổ chức thực hiện các bước tiếp theo của Đề án theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Sở Nội vụ; Thủ trưởng các Sở, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Mùa A Sơn

 





Quyết định 1722/QĐ-TTg năm 2014 về Ngày Âm nhạc Việt Nam Ban hành: 26/09/2014 | Cập nhật: 27/09/2014