Quyết định 14/2016/QĐ-UBND Quy định về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình và bảo vệ, chăm sóc trẻ em giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang
Số hiệu: 14/2016/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Kiên Giang Người ký: Phạm Vũ Hồng
Ngày ban hành: 12/04/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Dân số, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/2016/QĐ-UBND

Kiên Giang, ngày 12 tháng 4 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC DÂN SỐ - KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH VÀ BẢO VỆ, CHĂM SÓC TRẺ EM GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày 15 tháng 6 năm 2004;

Căn cứ Pháp lệnh Dân số ngày 09 tháng 01 năm 2003 và Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số ngày 27 tháng 12 năm 2008;

Căn cứ Quyết định số 2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; Quyết định số 1555/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012 - 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 154/2015/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình và bảo vệ, chăm sóc trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 80/TTr-SYT ngày 17 tháng 3 năm 2016 về việc ban hành Quy định về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình và bảo vệ, chăm sóc trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình và bảo vệ, chăm sóc trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 23/2009/QĐ-UBND ngày 26 tháng 8 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đến năm 2015 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phạm Vũ Hồng

 

QUY ĐỊNH

VỀ CÔNG TÁC DÂN SỐ - KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH VÀ BẢO VỆ, CHĂM SÓC TRẺ EM GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 14/2016/QĐ-UBND ngày 12 tháng 4 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Một số chỉ tiêu phát triển dân số - kế hoạch hóa gia đình và bảo vệ, chăm sóc trẻ em đến năm 2020

1. Về dân số phát triển:

a) Duy trì mức sinh thấp hợp lý (mỗi gia đình nên có 02 con): Giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên 0,3%/năm, năm 2016 là 7,6% giảm còn 6,1% vào cuối năm 2020; quy mô dân số dưới 1.762.000 dân năm 2016­ và 1.864.336 dân vào cuối năm 2020.

b) Phấn đấu tăng mỗi năm 3 - 5% số xã, phường, thị trấn có người sinh con thứ ba trở lên dưới 5% và tăng mỗi năm ít nhất 01 xã (phường, thị trấn) không có người sinh con thứ ba trở lên.

c) Giảm tối đa tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Năm 2016 tỷ số giới tính khi sinh 109 số trẻ em trai/100 số trẻ em gái, phấn đấu đến năm 2020 tỷ số này đạt 106 - 107 số trẻ em trai/100 số trẻ em gái.

d) Mức giảm sinh bình quân năm 0,18‰, tỷ suất sinh từ 14,93‰ năm 2016, giảm còn 14,03‰ vào cuối năm 2020.

đ) Tỷ lệ cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai tăng bình quân 0,4%/năm, từ 76% năm 2016 tăng lên 78% vào cuối năm 2020.

e) Tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh tăng bình quân 5%/năm, từ 25% năm 2016 tăng lên 50% vào cuối năm 2020.

g) Tỷ lệ trẻ em mới sinh được sàng lọc sơ sinh tăng bình quân 5%/năm, từ dưới 10% năm 2016 tăng lên 30% vào cuối năm 2020.

2. Về bảo vệ, chăm sóc trẻ em:

a) Giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt hàng năm từ 1-2%.

b) Đạt tỷ lệ 85% năm 2016 và trên 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, tái hòa nhập và có cơ hội phát triển năm 2020.

c) Đạt tỷ lệ 70% năm 2016 và trên 90% trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được phát hiện, can thiệp và trợ giúp kịp thời để giảm thiểu, loại bỏ nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt vào năm 2020.

d) Đạt tỷ lệ từ 25% năm 2016 và trên 70% huyện, thị xã, thành phố xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em vào năm 2020.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 2. Chính sách hỗ trợ kinh phí cho cộng tác viên dân số - kế hoạch hóa gia đình và bảo vệ chăm sóc trẻ em

Ngân sách tỉnh chi hỗ trợ cho cộng tác viên mức thù lao hàng tháng bằng 0,25 lần mức lương cơ sở hiện hành đối với địa bàn khó khăn và bằng 0,2 lần mức lương cơ sở hiện hành đối với địa bàn còn lại.

Điều 3. Chính sách thực hiện kế hoạch hóa gia đình

Ngân sách tỉnh chi bồi dưỡng cho người thực hiện đình sản và người vận động, đưa rước người đình sản như sau:

1. Chi bồi dưỡng cho người thực hiện đình sản 500.000 đồng/trường hợp.

2. Chi bồi dưỡng cho cộng tác viên trực tiếp vận động đình sản 200.000 đồng/trường hợp đình sản.

3. Chi tiền xăng xe cho người đình sản và cộng tác viên đưa rước người đình sản: Chi thực tế tính theo số km như công tác phí (theo quy định hiện hành) từ nơi ở đến nơi phẫu thuật và ngược lại.

Điều 4. Về nâng cao chất lượng dân số, cơ cấu dân số và quy mô dân số

1. Giao Giám đốc Sở Y tế tổ chức, chỉ đạo cơ sở y tế trong tỉnh triển khai thực hiện hoặc phối hợp với cơ sở y tế các tỉnh bạn thực hiện các kỹ thuật chuyên môn để nâng cao chất lượng dân số:

a) Tổ chức khám sức khỏe và tư vấn tiền hôn nhân.

b) Tổ chức khám sàng lọc trước sinh cho các bà mẹ mang thai.

c) Tổ chức khám và thực hiện kỹ thuật để sàng lọc sơ sinh.

2. Nghiêm cấm mọi hành vi lựa chọn giới tính thai nhi. Tuyên truyền vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng: Phải để có thai thuận theo tự nhiên.

3. Duy trì mức sinh thấp hợp lý: Mỗi gia đình nên có 02 con.

4. Xã, phường, thị trấn đăng ký thực hiện và tuyên truyền vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn đạt:

a) Không có người sinh con thứ ba trở lên.

b) Có người sinh con thứ ba trở lên dưới 5%.

c) Giao Giám đốc Sở Y tế (Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình) tổ chức phát động phong trào thi đua, tiếp nhận đăng ký thi đua, thẩm định, cấp giấy chứng nhận xã, phường, thị trấn đạt: Không có người sinh con thứ ba trở lên; có người sinh con thứ ba trở lên dưới 5%.

Điều 5. Về bảo vệ, chăm sóc trẻ em

1. Giao Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn, tập huấn chuyên môn, các mẫu biểu thống kê, báo cáo… cho cộng tác viên dân số - kế hoạch hóa gia đình để thực hiện các nhiệm vụ về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn quản lý.

2. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức, chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố thực hiện:

a) Rà soát phát hiện, trợ giúp và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để phục hồi, tái hòa nhập và có cơ hội phát triển.

b) Phát hiện sớm trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, tổ chức can thiệp và trợ giúp kịp thời để giảm thiểu, loại bỏ nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

c) Xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố.

Điều 6. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình và bảo vệ, chăm sóc trẻ em được xem xét khen thưởng theo quy định hiện hành.

2. Các tổ chức, cá nhân vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình và bảo vệ, chăm sóc trẻ em đều phải được xử lý nghiêm theo quy định hiện hành.

Chương III

KINH PHÍ VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Kinh phí thực hiện

1. Kinh phí để thực hiện các chính sách trong Quy định này được bố trí hàng năm từ ngân sách tỉnh.

2. Kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ đình sản: Hàng năm Sở Y tế (Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình) lập dự toán chi ngân sách để trình cấp thẩm quyền phê duyệt, chịu trách nhiệm chi trả và quyết toán theo quy định.

3. Kinh phí thực hiện chính sách thù lao cho cộng tác viên dân số - kế hoạch hóa gia đình: Hàng năm Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình) lập dự toán chi ngân sách để trình cấp thẩm quyền phê duyệt, chịu trách nhiệm chi trả và quyết toán theo quy định.

4. Ngoài ra, tùy theo nguồn ngân sách của các huyện, thị xã, thành phố có thể hỗ trợ thêm cho các hoạt động (kể cả khen thưởng) của công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình và bảo vệ, chăm sóc trẻ em nhằm động viên, khuyến khích thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình và bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Điều 8. Tổ chức thực hiện

Giao Giám đốc Sở Y tế phối hợp với Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức triển khai thực hiện và theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quy định này. Nếu có phát sinh vướng mắc, khó khăn phải kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, xử lý.