Quyết định 23/2009/QĐ-UBND Quy định chính sách khuyến khích phát triển nghề nuôi thủy sản nước ngọt trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn đến năm 2010 do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành
Số hiệu: 23/2009/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận Người ký: Huỳnh Tấn Thành
Ngày ban hành: 14/04/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số: 23/2009/QĐ-UBND

Phan Thiết, ngày 14 tháng 4 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN NGHỀ NUÔI THỦY SẢN NƯỚC NGỌT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2010

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 224/1999/QĐ-TTg ngày 08 tháng 12 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản thời kỳ 1999 - 2010;
Căn cứ Quyết định số 103/2000/QĐ-TTg ngày 25 tháng 8 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích phát triển giống thủy sản;
Căn cứ Quyết định số 112/2004/QĐ-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển giống thủy sản đến năm 2010;
Căn cứ Công văn số 205/HĐND-CTHĐ ngày 02 tháng 4 năm 2009 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về việc Quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn đến năm 2010;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 13/TTr-SNN ngày 09 tháng 02 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nghề nuôi thủy sản nước ngọt trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn đến năm 2010.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký. Thời gian thực hiện các chính sách hỗ trợ từ ngày 01 tháng 01 năm 2009.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Thuận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành

 

QUY ĐỊNH

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN NGHỀ NUÔI THỦY SẢN NƯỚC NGỌT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2010

(Ban hành kèm theo Quyết định số 23/2009/QĐ-UBND ngày 14/4/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục tiêu

Quy định này khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình đầu tư, phát triển nghề nuôi thủy sản nước ngọt trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; nhằm góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả nuôi thủy sản, từng bước giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh, đưa nuôi thủy sản phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững; góp phần thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Điều 2. Đối tượng và phạm vi áp dụng

1. Đối tượng: cá nhân, hộ gia đình, các trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác nuôi thủy sản nước ngọt trên địa bàn tỉnh Bình Thuận nhằm sản xuất ra sản phẩm hàng hóa gắn với chế biến, thị trường tiêu thụ và bảo vệ môi trường.

2. Phạm vi: chính sách này áp dụng cho các vùng quy hoạch nuôi thủy sản, vùng nuôi thủy sản tập trung, vùng chuyển đổi cơ cấu nuôi thủy sản trong quy hoạch được các cấp chính quyền thông qua.

Điều 3. Thời gian thực hiện

Các chính sách nêu tại Quy định này thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2009 đến ngày 31 tháng 12 năm 2010.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, những thuật ngữ chuyên môn được hiểu như sau:

1. Nuôi thủy sản nước ngọt là bao gồm các hoạt động sản xuất giống thủy sản và nuôi thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế và xuất khẩu.

2. Cơ sở nuôi thủy sản là nơi có hoạt động trực tiếp nuôi thủy sản do tổ chức, cá nhân làm chủ.

3. Vùng quy hoạch nuôi thủy sản là vùng đất hoặc mặt nước được Nhà nước quy hoạch để nuôi thủy sản, đã được đầu tư hoặc chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Quy định quy mô đầu tư được tính hỗ trợ

1. Đối với nuôi thủy sản trong ao hồ nhỏ: cá nhân, hộ gia đình, các trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác nuôi thủy sản trong ao hồ nhỏ có tổng diện tích mặt nước ao nuôi từ 1.000 m2 trở lên, đầu tư hình thức nuôi bán công nghiệp trở lên và có cam kết duy trì sản xuất, kinh doanh ít nhất là 3 năm.

2. Đối với nuôi thủy sản bằng lồng bè ở hồ chứa, trên sông: cá nhân, hộ gia đình, các trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác nuôi thủy sản bằng lồng bè ở hồ chứa, trên sông có thể tích lồng nuôi từ 10 m3 trở lên (loại lồng 10 m3/lồng), đầu tư hình thức nuôi bán công nghiệp trở lên và có cam kết duy trì sản xuất, kinh doanh ít nhất là 3 năm.

Điều 6. Hỗ trợ chi phí về giống thủy sản

Hỗ trợ chi phí về giống thủy sản (gồm hỗ trợ tiền mua giống và chi phí vận chuyển giống) trong thời gian thực hiện chính sách, cụ thể như sau:

a) Đối với nuôi thủy sản trong ao hồ nhỏ: ngân sách Nhà nước hỗ trợ 01 lần/năm chi phí về giống theo chứng từ mua giống, vận chuyển giống thực tế phát sinh nhưng không vượt quá mức hỗ trợ: 0,5 triệu đồng/1.000 m2 mặt nước;

b) Đối với nuôi thủy sản bằng lồng bè ở hồ chứa, trên sông: ngân sách Nhà nước hỗ trợ 01 lần/năm chi phí về giống theo chứng từ mua giống, vận chuyển giống thực tế phát sinh nhưng không vượt quá mức hỗ trợ: 0,5 triệu đồng/lồng (loại lồng 10 m3/lồng).

2. Việc thực hiện hỗ trợ chi phí về giống thủy sản chỉ thực hiện sau khi các chủ cơ sở thả giống theo diện tích thả nuôi, có hóa đơn hoặc hợp đồng và thanh lý hợp đồng mua giống và vận chuyển giống, có xác nhận vào biên bản thả giống của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế (được Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố ủy quyền).

Điều 7. Hỗ trợ về tín dụng

1. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ phần chênh lệch lãi suất giữa lãi suất thương mại vay thực tế và lãi suất tín dụng ưu đãi do Chính phủ quy định đối với những trường hợp vay vốn phục vụ cho phát triển nuôi trồng thủy sản tại các ngân hàng trong tỉnh, thời gian được hỗ trợ chênh lệch lãi suất nhiều nhất là 24 tháng cùng với thời gian triển khai thực hiện chính sách (từ ngày 01 tháng 01 năm 2009 đến ngày 31 tháng 12 năm 2010); kể cả những trường hợp có hợp đồng (khế ước) vay vốn tín dụng trước thời gian triển khai thực hiện chính sách, nhưng có lãi suất tiền vay thực tế phải trả trong thời gian thực hiện chính sách (từ ngày 01 tháng 01 năm 2009 đến ngày 31 tháng 12 năm 2010). Ngân sách không hỗ trợ phần lãi suất quá hạn của hợp đồng vay trước đó.

2. Việc hỗ trợ lãi suất chỉ thực hiện khi chủ đầu tư nuôi thủy sản nước ngọt sử dụng vốn vay đúng mục đích và thực hiện thanh toán lãi vay cho các tổ chức tín dụng đúng hạn theo số tiền vay thực tế hợp đồng (khế ước) vay vốn tín dụng với các ngân hàng. Trường hợp người vay bị tổ chức tín dụng phạt lãi suất quá hạn thì phần chênh lệch tiền lãi phạt đó không được hỗ trợ. Mức vay được tính để hỗ trợ lãi suất tối đa không quá quy định sau:

a) Đối với nuôi thủy sản trong ao hồ nhỏ: 10 triệu đồng/1.000 m2; 

b) Đối với nuôi thủy sản bằng lồng bè ở hồ chứa, trên sông: 5 triệu đồng/lồng (loại lồng 10 m3/lồng).

Điều 8. Hỗ trợ khi bị thiên tai, dịch bệnh

1. Ngân sách Nhà nước tiếp tục hỗ trợ chi phí về giống thủy sản theo mức quy định tại Điều 6 của Quy định này trong trường hợp diện tích nuôi thủy sản tại các vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản tập trung bị thiệt hại từ 90% trở lên (có xác nhận của hội đồng do Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thành lập).

2. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 50% thuốc khử trùng để dập dịch bệnh nuôi thủy sản.

Điều 9. Về khoa học công nghệ, khuyến ngư và đào tạo nghề

1. Ngân sách Nhà nước ưu tiên đầu tư cho tiếp nhận và chuyển giao công nghệ các giống mới và nghiên cứu sản xuất giống mới, nhân rộng một số loài thủy đặc sản cung cấp cho người nuôi.

2. Tăng cường công tác chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong sản xuất thủy sản; tiếp tục nhân rộng các mô hình khuyến ngư đạt kết quả tốt và hỗ trợ, cung cấp các thông tin về thị trường cho người nuôi.

3. Tăng cường công tác đào tạo nghề cho người nuôi thủy sản, người sản xuất giống thủy sản.

4. Tăng cường công tác tập huấn kỹ thuật nuôi thủy sản, kỹ thuật sản xuất giống để nâng cao chất lượng giống, tập huấn về đảm bảo môi trường, phòng ngừa dịch bệnh; phát hành ấn phẩm tuyên truyền phổ biến trao đổi kinh nghiệm rộng rãi cho nhân dân, ngư dân.

Định mức chi cho công tác tập huấn, đào tạo thực hiện theo quy định hiện hành về chính sách khuyến nông, khuyến ngư theo quy định của Trung ương và chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn đối với lao động tỉnh Bình Thuận theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc theo nội dung, định mức chi của chương trình, dự án đã được cơ quan có thẩm quyền quy định nếu sử dụng nguồn vốn của chương trình, dự án đó để thực hiện.

Chương III

CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Phương thức cấp phát và thanh toán

1. Đối với chính sách hỗ trợ chi phí về giống thủy sản tại Điều 6 và hỗ trợ khi bị thiên tai, dịch bệnh tại Điều 8 của Quy định này:

Hàng năm, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố gửi kế hoạch hỗ trợ khuyến khích phát triển nuôi thủy sản nước ngọt trên địa bàn mình về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp và phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn kinh phí thực hiện.

2. Đối với chính sách hỗ trợ về tín dụng tại Điều 7 của Quy định này:

Chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản (nhà đầu tư) làm việc với các tổ chức tín dụng để ký hợp đồng (khế ước) vay vốn đầu tư phát triển nghề nuôi thủy sản nước ngọt; sau đó, đăng ký với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế của các huyện, thị xã, thành phố để tổng hợp theo dõi quá trình thực hiện tại địa phương.

Sau khi trả lãi vay cho các tổ chức tín dụng, theo định kỳ 3 tháng (vào tháng 1, 3, 6, 9, 12 năm 2009 và 2010), chủ cơ sở nuôi thủy sản tập hợp hóa đơn chứng từ trả lãi vay gửi đến Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế của các huyện, thị xã, thành phố xét duyệt chi hỗ trợ theo quy định.

Định kỳ 3 tháng, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổng hợp báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình thực hiện để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi chỉ đạo.

3. Đối với chính sách về khoa học công nghệ, khuyến ngư và đào tạo nghề tại Điều 9 của Quy định này:

Hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập kế hoạch và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn kinh phí thực hiện.

Điều 11. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chịu trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành và các cơ quan liên quan hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện tốt Quy định này; theo dõi, tổng hợp và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện, các vướng mắc phát sinh cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, giải quyết;

- Nghiên cứu tham mưu cấp có thẩm quyền về chủ trương, các chương trình đầu tư hỗ trợ, các chương trình khuyến ngư; lồng ghép các chương trình sự nghiệp thủy sản, chương trình mục tiêu để thực hiện đầu tư khuyến khích phát triển nuôi thủy sản nước ngọt. Tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí nguồn kinh phí để thực hiện chương trình hàng năm;

- Tổng hợp kế hoạch nuôi thủy sản nước ngọt của các địa phương để phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện chương trình theo khả năng cân đối của ngân sách tỉnh và nguồn vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu hàng năm.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Chịu trách nhiệm chỉ đạo triển khai thực hiện tốt chương trình này tại địa phương;

- Phân công và giao nhiệm vụ cho các Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế, các cơ quan chức năng hướng dẫn triển khai chương trình tại địa phương và quản lý tốt nguồn vốn của chương trình;

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chủ trương này đến các cộng đồng dân cư và các hộ dân để thực hiện có hiệu quả chủ trương của tỉnh.

3. Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Cân đối nguồn vốn, lồng ghép các chương trình, cân đối kế hoạch và dự toán ngân sách hàng năm để thực hiện;

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xử lý các nội dung liên quan đến giải ngân; chịu trách nhiệm hướng dẫn thủ tục chi hỗ trợ, thẩm tra quyết toán theo Quy định này và chế độ quyết toán hiện hành.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường:

Hướng dẫn các địa phương, chủ cơ sở nuôi thủy sản về việc cấp đất, cho thuê đất, mặt nước để giúp người sản xuất yên tâm đầu tư nuôi thủy sản.

5. Chi nhánh Ngân hàng Phát triển, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội và các chi nhánh ngân hàng thương mại hướng dẫn việc vay vốn và phối hợp hỗ trợ lãi suất sau đầu tư.

6. Cục Thuế tỉnh hướng dẫn theo quy định về miễn giảm thuế.

Điều 12. Điều khoản thi hành

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện đúng Quy định này.

2. Nếu tổ chức, cá nhân nào có hành vi vi phạm các nội dung quy định tại Quy định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

3. Quá trình thực hiện nếu có phát sinh, vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung, các ngành, địa phương, đơn vị được phân công nhiệm vụ phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.