Quyết định 11/2015/QĐ-UBND quy định về tiêu chí, quy trình xét công nhận làng nghề trên địa bàn tỉnh Thái Bình
Số hiệu: 11/2015/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thái Bình Người ký: Nguyễn Hồng Diên
Ngày ban hành: 19/10/2015 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Văn hóa , thể thao, du lịch, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/2015/QĐ-UBND

Thái Bình, ngày 19 tháng 10 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ, QUY TRÌNH XÉT CÔNG NHẬN LÀNG NGHỀ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI BÌNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23/6/2014;

Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;

Căn cứ Thông tư số 116/2006/TT-BNN ngày 18/12/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;

Xét đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 75/TTr-SCT ngày 06/10/2015; Báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp số 109/BC-STP ngày 23/9/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định tiêu chí, quy trình xét công nhận làng nghề trên địa bàn tỉnh Thái Bình”.

Điều 2. Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chịu trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 03/2008/QĐ-UBND ngày 07/4/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định tiêu chí và quy trình xét, công nhận làng nghề.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc sở Công Thương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hồng Diên

 

QUY ĐỊNH

TIÊU CHÍ, QUY TRÌNH XÉT CÔNG NHẬN LÀNG NGHỀ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 11/2015/QĐ-UBND ngày 19/10/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng.

1. Phạm vi điều chỉnh: Quy định này quy định tiêu chí, quy trình xét công nhận nghề, làng nghề trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

2. Đối tượng áp dụng: Các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Điều 2. Giải thích từ ngữ.

1. Nghề truyền thống là nghề được hình thành từ lâu đời, tạo ra những sản phẩm độc đáo, có tính riêng biệt, được lưu truyền và phát triển đến ngày nay hoặc có nguy cơ bị mai một, thất truyền.

2. Làng nghề là một hoặc nhiều cụm dân cư cấp thôn trên địa bàn một xã, phường, thị trấn có các hoạt động ngành nghề nông thôn, sản xuất ra một hoặc nhiều loại sản phẩm khác nhau.

3. Làng nghề truyền thống là làng nghề có nghề truyền thống được hình thành từ lâu đời.

4. Hộ, lao động làm nghề là hộ, lao động tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn tại làng nghề.

Điều 3. Các hoạt động ngành nghề nông thôn.

Các hoạt động ngành nghề nông thôn tại địa bàn nông thôn trong quy định này bao gồm:

1. Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản.

2. Sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, mây tre đan, chiếu cói, vật liệu tết bện, gốm, sứ, thủy tinh, dệt, may, chạm bạc, cơ khí nhỏ.

3. Xử lý, chế biến nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn.

4. Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.

5. Gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh.

6. Sản xuất chuyên canh rau màu các loại, cây dược liệu.

7. Dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Tiêu chí công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống.

1. Tiêu chí công nhận nghề truyền thống.

Nghề được công nhận là nghề truyền thống phải đạt 03 tiêu chí sau:

a. Nghề đã xuất hiện tại địa phương từ trên 50 năm tính đến thời điểm đề nghị công nhận.

b. Nghề tạo ra những sản phẩm mang bản sắc văn hoá dân tộc.

c. Nghề gắn với tên tuổi của một hay nhiều nghệ nhân hoặc tên tuổi của làng nghề.

2. Tiêu chí công nhận làng nghề.

Làng nghề được công nhận phải đạt 05 tiêu chí sau:

a. Có tối thiểu 30% tổng số hộ trên địa bàn tham gia các hoạt động ngành nghề nông thôn.

b. Có tỷ trọng giá trị sản xuất từ ngành nghề nông thôn chiếm tối thiểu 50% tổng giá trị sản xuất của làng trong năm (tính theo giá thực tế).

c. Hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định tối thiểu 2 năm tính đến thời điểm đề nghị công nhận.

d.  Đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường làng nghề theo các quy định của pháp luật hiện hành.

e. Chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương.

3. Tiêu chí công nhận làng nghề truyền thống.

Làng nghề truyền thống được công nhận phải đạt các tiêu chí sau:

a. Đạt các tiêu chí theo quy định tại Khoản 2 Điều này.

b. Có ít nhất một nghề truyền thống và đạt tối thiểu 30% tổng số hộ trên địa bàn làm nghề truyền thống.

Điều 5. Tên làng nghề, làng nghề truyền thống.

Tên của làng nghề, làng nghề truyền thống được lấy tên của nghề chính trước và tên của địa phương (thôn, làng…) sau.

Điều 6. Trình tự, thời gian xét công nhận.

1. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã) có các hoạt động ngành nghề phù hợp với Điều 3 Quy định này lập hồ sơ đề nghị xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống và có văn bản đề nghị (kèm theo hồ sơ) gửi Ủy ban nhân dân huyện, thành phố (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện) trước ngày 15 tháng 10 hàng năm.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, kiểm tra hồ sơ do Ủy ban nhân dân cấp xã gửi lên và có văn bản đề nghị (kèm theo hồ sơ) trình Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Công thương) trước ngày 31 tháng 10 hàng năm.

3. Sở Công Thương tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập Hội đồng cấp tỉnh xét công nhận làng nghề để tổ chức thẩm định, xét duyệt nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống đủ tiêu chuẩn theo quy định; trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định công nhận trước ngày 30 tháng 11 hàng năm.

Điều 7. Hồ sơ đề nghị công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống.

1. Hồ sơ đề nghị công nhận nghề truyền thống:

a. Văn bản đề nghị xét công nhận nghề truyền thống của Ủy ban nhân dân cấp xã.

b. Báo cáo tóm tắt quá trình hình thành, phát triển nghề truyền thống của địa phương.

c. Bản sao giấy chứng nhận huy chương đã đạt được trong các cuộc thi, triển lãm trong nước và quốc tế hoặc có tác phẩm đạt nghệ thuật cao được cấp tỉnh trở lên trao tặng (nếu có).

Đối với những tổ chức, cá nhân không có điều kiện tham dự các cuộc thi, triển lãm hoặc không có tác phẩm đạt giải thưởng thì phải có bản mô tả đặc trưng mang bản sắc văn hoá dân tộc của nghề truyền thống.

d. Bản sao giấy công nhận Nghệ nhân của cơ quan có thẩm quyền (nếu có).

2. Hồ sơ đề nghị công nhận làng nghề:

a. Văn bản đề nghị xét công nhận làng nghề của Ủy ban nhân dân cấp xã.

b. Báo cáo kết quả hoạt động của làng nghề trong 02 năm liền kề năm xét duyệt.

c. Danh sách các hộ tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn.

d. Văn bản phê duyệt phương án bảo vệ môi trường làng nghề của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

e. Văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp huyện về chấp hành bảo vệ môi trường làng nghề và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương.

3. Hồ sơ đề nghị công nhận làng nghề truyền thống:

a. Hồ sơ đề nghị công nhận làng nghề truyền thống bao gồm các văn bản quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này.

b. Trường hợp đã được công nhận làng nghề, hồ sơ thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều này. Nếu chưa được công nhận làng nghề nhưng có nghề truyền thống đã được công nhận, hồ sơ thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều này.

Hồ sơ đề nghị công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống được lập thành 09 bộ, nộp tại Ủy ban nhân dân cấp huyện (trong đó có 02 bản chính).

Điều 8. Hội đồng cấp tỉnh xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống.

1. Hội đồng cấp tỉnh xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống (sau đây gọi tắt là Hội đồng) do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập, gồm Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng và Lãnh đạo các sở: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Lao động Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ.

2. Hội đồng hoạt động theo nguyên tắc:

a. Hội đồng tổ chức xét công nhận mỗi năm một lần.

b. Kỳ họp của Hội đồng phải có ít nhất 2/3 (hai phần ba) số thành viên Hội đồng tham dự và phải có Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng dự.

c. Hội đồng đánh giá theo nguyên tắc bỏ phiếu kín và đảm bảo tính khách quan, minh bạch.

d. Nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống được Hội đồng trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định công nhận phải đạt ít nhất 2/3 (hai phần ba) số phiếu của số thành viên tham dự cuộc họp tán thành.

3. Kinh phí hoạt động của Hội đồng từ nguồn kinh phí khuyến công hàng năm của tỉnh.

Điều 9. Quyền lợi của làng nghề.

1. Được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp Giấy công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống kèm theo mức tiền thưởng 5 triệu đồng với nghề truyền thống, 10 triệu đồng với làng nghề, 30 triệu đồng với làng nghề truyền thống từ nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh.

2. Được hưởng chính sách ưu đãi về phát triển ngành nghề nông thôn theo quy định tại Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn; cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển về làng nghề, ngành nghề theo quy định tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và chính sách hiện hành của nhà nước, của Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Người có công trong việc truyền nghề, dạy nghề, du nhập nghề, xây dựng làng nghề sẽ được xem xét tuyên dương, khen thưởng.

Điều 10. Xử lý các làng nghề đã được công nhận trước khi Quy định này có hiệu lực

1. Các làng nghề sau đây phải tiến hành lập hồ sơ theo quy định tại Điều 7 Quy định này để được xét công nhận lại:

a. Làng nghề được công nhận có thời hạn và làng nghề được cấp đổi lại có thời hạn đã hết hiệu lực.

b. Làng nghề được công nhận trước đây không có thời hạn nhưng không đủ điều kiện để được cấp đổi lại.

c. Làng nghề được công nhận trước đây không có thời hạn.

2. Làng nghề cấp đổi lại được hưởng các chính sách theo quy định hiện hành của nhà nước và của Ủy ban nhân dân tỉnh. Mức tiền thưởng theo Quy định tại Khoản 1 Điều 9 Quy định này.

Điều 11. Trách nhiệm của làng nghề.

1. Tích cực đầu tư, mở rộng sản xuất, quan tâm đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nhằm đa dạng hóa mẫu mã, nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; quan tâm, chú trọng giữ gìn, bảo vệ môi trường và duy trì, bảo tồn phát triển bền vững làng nghề.

2. Thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương về phát triển ngành nghề nông thôn.

3. Lập và thực hiện nghiêm túc phương án bảo vệ môi trường làng nghề đã được phê duyệt.

4. Các cơ sở hoạt động ngành nghề nông thôn thực hiện tốt quy định về bảo vệ môi trường theo quy định tại Khoản 2, 3 Điều 70 Luật Bảo vệ môi trường và Điều 16 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Điều 12. Thu hồi  giấy công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống.

1. Nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận có 03 năm liền không đạt tiêu chí theo quy định tại Điều 4 Quy định này sẽ bị thu hồi giấy công nhận.

2. Định kỳ hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp huyện kiểm tra các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống; nếu thuộc trường hợp theo quy định tại Khoản 1 Điều này, lập danh sách và có văn bản đề nghị gửi Sở Công Thương tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, thu hồi giấy công nhận.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Phân công trách nhiệm.

1. Sở Công Thương:

- Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phát triển ngành nghề nông thôn. Là cơ quan thường trực của Hội đồng cấp tỉnh xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống; có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ do Ủy ban nhân dân cấp huyện gửi đến, báo cáo Hội đồng cấp tỉnh xem xét, thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống.

- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức kiểm tra làng nghề đề nghị công nhận. Tổ chức sơ kết, tổng kết công tác phát triển nghề, làng nghề.

- Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Quy định này.

2. Các sở, ban, ngành trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng phát triển nghề, làng nghề.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện:

- Chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã không ngừng phát huy thế mạnh của địa phương để khôi phục, duy trì phát triển nghề, làng nghề.

- Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã lập danh sách các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống đủ tiêu chuẩn lập hồ sơ đề nghị xét, công nhận.

- Thực hiện tốt nhiệm vụ quy định tại Điều 16 Nghị định số 19/2015/NĐ- CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

- Báo cáo tình hình hoạt động phát triển nghề, làng nghề trên địa bàn gửi Sở Công Thương trước ngày 10 tháng 6 và ngày 10 tháng 12 hàng năm.

- Phối hợp với Sở Công Thương thực hiện Quy định này.

4. Ủy ban nhân dân cấp xã:

- Tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng phát triển nghề và làng nghề.

- Chỉ đạo các làng nghề chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương.

- Thực hiện tốt nhiệm vụ quy định tại Điều 17 Nghị định số 19/2015/NĐ- CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

- Phân công cán bộ trực tiếp theo dõi tình hình hoạt động của làng nghề, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong làng nghề; đề xuất, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nghề, làng nghề.

- Báo cáo tình hình hoạt động phát triển nghề, làng nghề của địa phương gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện trước ngày 05 tháng 6 và ngày 05 tháng 12 hàng năm.

5. Các tổ chức, cá nhân hoạt động ngành nghề nông thôn tại các làng nghề tích cực đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh; đồng thời chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương.

Điều 13. Tổ chức thực hiện

1. Các sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm triển khai thực hiện tốt nội dung của quy định này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các tổ chức, cá nhân phản ánh về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung./.