Nghị định 19/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường
Số hiệu: 19/2015/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 14/02/2015 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 09/03/2015 Số công báo: Từ số 299 đến số 300
Lĩnh vực: Môi trường, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/2015/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 14 tháng 02 năm 2015

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết: Điểm đ Khoản 1 Điều 38; Khoản 5 Điều 61; Khoản 3 Điều 68; Khoản 7 Điều 70; Khoản 3 Điều 75; Khoản 5 Điều 104; Khoản 3 Điều 146; Khoản 2 Điều 151; Khoản 3 Điều 167 của Luật Bảo vệ môi trường, bao gồm:

1. Cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản.

2. Kiểm soát ô nhiễm môi trường đất.

3. Bảo vệ môi trường làng nghề.

4. Bảo vệ môi trường đối với hoạt động nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.

5. Xác nhận hệ thống quản lý môi trường; bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường; xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

6. Ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường.

7. Cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Cải tạo, phục hồi môi trường là hoạt động đưa môi trường, hệ sinh thái tại khu vực môi trường bị tác động về gần với trạng thái môi trường ban đầu hoặc đạt được các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn, môi trường, phục vụ các mục đích có lợi cho con người.

2. Ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường là việc tổ chức, cá nhân gửi một khoản tiền vào Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc quỹ bảo vệ môi trường địa phương (gọi tắt quỹ bảo vệ môi trường) để bảo đảm trách nhiệm cải tạo, phục hồi môi trường của tổ chức, cá nhân đối với hoạt động khai thác khoáng sản.

3. Phương án cải tạo, phục hồi môi trường là các giải pháp nhằm cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

4. Xử lý chất thải là quá trình sử dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật (khác với sơ chế) làm giảm, loại bỏ, cô lập, cách ly, thiêu đốt, tiêu hủy, chôn lấp chất thải và các yếu tố có hại trong chất thải.

5. Cơ sở xử lý chất thải bao gồm: Cơ sở xử lý chất thải nguy hại, cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt và cơ sở xử lý chất thải thông thường.

6. Hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường làng nghề được khuyến khích phát triển bao gồm hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải tập trung; hệ thống các điểm và phương tiện thu gom, tập kết, vận chuyển chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại; cây xanh tại các khu vực công cộng.

7. Công nghệ thân thiện với môi trường công nghệ mà trong quá trình hoạt động, sử dụng gây hại ít hơn cho môi trường so với công nghệ tương tự.

8. Cơ sở thân thiện với môi trường là cơ sở đáp ứng các tiêu chí về sử dụng hiệu quả năng lượng, tiết kiệm nước, giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải.

9. Sản phẩm thân thiện với môi trường là sản phẩm đáp ứng các tiêu chí nhãn sinh thái và được chứng nhận nhãn sinh thái.

10. Cộng đồng dân cư là cộng đồng người sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư.

Chương II

CẢI TẠO, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG VÀ KÝ QUỸ CẢI TẠO, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC KHOÁNG SẢN

Điều 4. Quy định chung về cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản

1. Mọi tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải có phương án cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Phương án cải tạo, phục hồi môi trường phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch khai thác khoáng sản, quy hoạch sử dụng đất và bảo vệ môi trường của địa phương.

3. Việc cải tạo, phục hồi môi trường phải được thực hiện ngay trong quá trình khai thác khoáng sản.

4. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản tiếp tục thuê đất, hưởng các chính sách ưu đãi trong trường hợp cải tạo, phục hồi môi trường thành khu du lịch, khu sinh thái, khu vui chơi giải trí, phục vụ mục đích có lợi cho con người.

Điều 5. Đối tượng lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung

1. Các đối tượng phải lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường (gọi tắt là phương án) bao gồm:

a) Tổ chức, cá nhân lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản;

b) Tổ chức, cá nhân đang khai thác khoáng sản nhưng chưa có phương án được phê duyệt hoặc chưa ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường;

c) Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đã có phương án được phê duyệt nhưng không triển khai thực hiện dự án trong thời gian 24 tháng kể từ thời điểm được phê duyệt thì phải lập lại phương án.

2. Các đối tượng phải lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung (gọi tắt là phương án bổ sung) bao gồm:

a) Tổ chức, cá nhân đã có giấy phép khai thác khoáng sản và phương án được phê duyệt nhưng thay đổi diện tích, độ sâu, công suất khai thác khoáng sản;

b) Tổ chức, cá nhân đề nghị thay đổi nội dung cải tạo, phục hồi môi trường so với phương án đã được duyệt.

3. Các trường hợp sau không phải lập phương án:

a) Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích ranh giới của dự án đầu tư xây dựng công trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư mà sản phẩm khai thác chỉ sử dụng cho xây dựng công trình đó;

b) Hộ gia đình, cá nhân khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để xây dựng các công trình trong diện tích đó.

Điều 6. Thời điểm lập, trình thẩm định, nội dung phương án và phương án bổ sung

1. Thời điểm lập, trình thẩm định phương án và phương án bổ sung được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư khai thác khoáng sản quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 5 phải lập, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt phương án trước khi xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản;

b) Tổ chức, cá nhân quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 5 ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính phải lập, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt phương án trước ngày 31 tháng 12 năm 2016;

c) Tổ chức, cá nhân quy định tại Khoản 2 Điều 5 phải lập, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt phương án bổ sung trước khi xin cấp phép khai thác khoáng sản mới hoặc thay đổi giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường.

2. Phương án bao gồm các nội dung chính sau đây:

a) Đặc điểm khai thác khoáng sản, hiện trạng môi trường tự nhiên, kinh tế, xã hội và hệ sinh thái bị tác động trong quá trình khai thác khoáng sản;

b) Các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường; phân tích, đánh giá, lựa chọn giải pháp tốt nhất để cải tạo, phục hồi môi trường;

c) Danh mục, khối lượng các hạng mục cải tạo, phục hồi môi trường đối với giải pháp lựa chọn;

d) Kế hoạch thực hiện; phân chia kế hoạch thực hiện theo từng năm, từng giai đoạn cải tạo, phục hồi môi trường; chương trình quản lý, giám sát trong thời gian cải tạo, phục hồi môi trường; kế hoạch kiểm tra, xác nhận hoàn thành phương án;

đ) Bảng dự toán kinh phí để tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường cho từng hạng mục cải tạo, phục hồi môi trường của phương án đã lựa chọn; các khoản tiền ký quỹ theo lộ trình.

3. Phương án bổ sung bao gồm các nội dung chính sau đây:

a) Đặc điểm khai thác khoáng sản, hiện trạng môi trường tự nhiên, kinh tế, xã hội của khu vực thực hiện dự án tại thời điểm lập phương án bổ sung;

b) Những thay đổi về nội dung cải tạo, phục hồi môi trường so với phương án đã được phê duyệt; phân tích, đánh giá, lựa chọn giải pháp tốt nhất để cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung;

c) Danh mục, khối lượng các hạng mục cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung;

d) Kế hoạch thực hiện; phân chia kế hoạch thực hiện theo từng năm, từng giai đoạn cải tạo, phục hồi môi trường; chương trình quản lý, giám sát trong thời gian cải tạo, phục hồi môi trường; kế hoạch kiểm tra, xác nhận hoàn thành phương án bổ sung;

đ) Dự toán kinh phí để tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường theo từng hạng mục cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung, không bao gồm các hạng mục đã thực hiện.

Điều 7. Tổ chức thẩm định, phê duyệt phương án, phương án bổ sung

1. Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt phương án, phương án bổ sung quy định như sau:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định, phê duyệt phương án, phương án bổ sung đối với các dự án khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác khoáng sản;

b) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) tổ chức thẩm định, phê duyệt phương án, phương án bổ sung đối với các dự án khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản.

2. Việc thẩm định phương án hoặc phương án bổ sung được thực hiện thông qua hội đồng thẩm định. Thành phần hội đồng thẩm định gồm đại diện của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, địa chất và khoáng sản, các chuyên gia liên quan đến lĩnh vực của phương án, trong đó có: Chủ tịch hội đồng, trường hợp cần thiết có thêm một phó chủ tịch hội đồng; một ủy viên thư ký; hai ủy viên phản biện và các ủy viên. Đối với phương án thuộc thẩm quyền thẩm định, phê duyệt của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thành phần hội đồng phải có đại diện của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi triển khai thực hiện phương án.

3. Kinh phí thẩm định phương án hoặc phương án bổ sung do tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản chịu trách nhiệm chi trả theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản

1. Số tiền ký quỹ bằng tổng kinh phí thực hiện các hạng mục công trình cải tạo, phục hồi môi trường. Kinh phí thực hiện từng hạng mục công trình cải tạo, phục hồi môi trường phải áp dụng định mức, đơn giá của địa phương tại thời điểm lập phương án hoặc phương án bổ sung. Trường hợp địa phương không có định mức, đơn giá thì áp dụng theo định mức, đơn giá của Bộ, ngành tương ứng. Trong trường hợp Bộ, ngành không có đơn giá thì áp dụng theo giá thị trường.

2. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thực hiện ký quỹ hằng năm hoặc theo giai đoạn có tính tới yếu tố trượt giá.

3. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thực hiện ký quỹ tại quỹ bảo vệ môi trường địa phương hoặc Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam. Tiền ký quỹ được nộp, hoàn trả bằng tiền đồng Việt Nam.

4. Tiền ký quỹ được hưởng lãi suất bằng lãi suất cho vay của quỹ bảo vệ môi trường nơi ký quỹ và được tính từ thời điểm ký quỹ. Tổ chức, cá nhân chỉ được rút tiền lãi một lần sau khi có giấy xác nhận hoàn thành toàn bộ nội dung phương án hoặc phương án bổ sung.

5. Việc hoàn trả khoản tiền ký quỹ trên cơ sở tổ chức, cá nhân đã hoàn thành từng phần hoặc toàn bộ nội dung cải tạo, phục hồi môi trường theo phương án hoặc phương án bổ sung được phê duyệt.

6. Trường hợp, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đã ký quỹ nhưng giải thể hoặc phá sản và chưa thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường theo đúng phương án hoặc phương án bổ sung được phê duyệt thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án hoặc phương án bổ sung có trách nhiệm sử dụng số tiền đã ký quỹ bao gồm cả tiền lãi để thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường.

Điều 9. Xác nhận hoàn thành phương án, phương án bổ sung

1. Tổ chức, cá nhân sau khi đã hoàn thành từng phần hoặc toàn bộ nội dung cải tạo, phục hồi môi trường theo phương án hoặc phương án bổ sung được phê duyệt thì lập hồ sơ hoàn thành phương án hoặc phương án bổ sung đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận hoàn thành.

2. Cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận hoàn thành phương án hoặc phương án bổ sung là cơ quan phê duyệt phương án hoặc phương án bổ sung.

3. Việc kiểm tra, xác nhận hoàn thành toàn bộ nội dung phương án hoặc phương án bổ sung được thực hiện trong quá trình nghiệm thu kết quả thực hiện đề án đóng cửa mỏ. Nội dung quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản bao gồm nội dung xác nhận hoàn thành toàn bộ phương án hoặc phương án bổ sung. Quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản thay thế giấy xác nhận hoàn thành toàn bộ phương án hoặc phương án bổ sung.

Điều 10. Trách nhiệm các cơ quan quản lý và các đơn vị

1. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường:

a) Xây dựng và ban hành các hướng dẫn về trình tự, thủ tục, nội dung thẩm định, phê duyệt, kiểm tra, xác nhận hoàn thành phương án, phương án bổ sung và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản;

b) Thống nhất quản lý nhà nước về cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản;

c) Thẩm định, phê duyệt và kiểm tra, xác nhận hoàn thành phương án, phương án bổ sung thuộc thẩm quyền;

d) Xây dựng và ban hành hướng dẫn kỹ thuật về bảo vệ môi trường, cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản;

đ) Định kỳ kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ môi trường, cải tạo, phục hồi môi trường của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

2. Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (gọi tắt là Bộ, ngành):

a) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản có liên quan tới cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản;

b) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức triển khai các quy định về cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định tại Nghị định này;

c) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường tại các quỹ bảo vệ môi trường.

3. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

a) Thẩm định, phê duyệt và kiểm tra, xác nhận hoàn thành phương án, phương án bổ sung thuộc thẩm quyền;

b) Kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn việc cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trên địa bàn quản lý;

c) Báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường kết quả thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; tình hình quản lý, sử dụng tiền ký quỹ trước ngày 31 tháng 12 hằng năm.

4. Trách nhiệm của quỹ bảo vệ môi trường:

a) Tiếp nhận và xác nhận bằng văn bản về việc ký quỹ của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản;

b) Hoàn trả tiền ký quỹ và lãi suất tiền ký quỹ cho các tổ chức, cá nhân theo quy định;

c) Quản lý, sử dụng tiền ký quỹ theo đúng quy định của pháp luật. Hằng năm, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính về tình hình quản lý, sử dụng tiền ký quỹ;

d) Đôn đốc các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đúng hạn; kiến nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt về việc chậm ký quỹ.

5. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản

a) Lập, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt phương án hoặc phương án bổ sung; thông báo nội dung phương án hoặc phương án bổ sung đã được phê duyệt cho Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã nơi có hoạt động khai thác khoáng sản để kiểm tra, giám sát;

b) Thực hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường theo đúng quy định;

c) Lập, trình cấp có thẩm quyền đề nghị kiểm tra, xác nhận hoàn thành từng phần hoặc toàn bộ phương án hoặc phương án bổ sung;

d) Nộp phí thẩm định, kiểm tra, xác nhận hoàn thành phương án hoặc phương án bổ sung theo quy định của pháp luật;

đ) Báo cáo công tác thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường về cơ quan phê duyệt phương án hoặc phương án bổ sung và cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường tại địa phương trước ngày 15 tháng 12 hằng năm.

Chương III

KIỂM SOÁT Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG ĐẤT

Điều 11. Xác định, thống kê, đánh giá và kiểm soát các yếu tố có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất

1. Các yếu tố có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất phải được xác định, thống kê, đánh giá và kiểm soát là các chất gây ô nhiễm phát sinh từ:

a) Quá trình tự nhiên: Biến đổi khí hậu, lũ lụt, xâm nhập mặn, hoang mạc hóa, sự lắng đọng các chất ô nhiễm từ hoàn lưu khí quyển, thiên tai, phong hóa tự nhiên;

b) Hoạt động của con người: Hoạt động làm phát sinh hóa chất chủ định hoặc không chủ định; chất thải từ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, kinh doanh, dịch vụ, dân sinh; khai thác, chế biến khoáng sản; tái chế, xử lý chất thải; lưu giữ, tồn lưu hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, chất độc chiến tranh.

2. Việc kiểm soát các yếu tố có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất phải được thực hiện như sau:

a) Áp dụng các biện pháp phòng ngừa, hạn chế các tác động tới môi trường từ nguồn phát sinh;

b) Thường xuyên theo dõi, giám sát;

c) Kịp thời cô lập và xử lý khi có dấu hiệu ô nhiễm môi trường.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát, tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục các nguồn, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát sinh yếu tố gây ô nhiễm môi trường đất cần phải kiểm soát nghiêm ngặt; hướng dẫn việc thống kê, đánh giá, xác định và các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát đối với các yếu tố có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất.

Điều 12. Kiểm soát ô nhiễm môi trường đất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ

1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ phải thực hiện các biện pháp theo dõi, giám sát chặt chẽ các công đoạn, khu vực phát sinh yếu tố có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất; phát hiện kịp thời, cô lập và xử lý các yếu tố có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất khi có dấu hiệu ô nhiễm; xây dựng và thực hiện kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo quy định của pháp luật.

2. Các cơ sở sau đây phải thực hiện quan trắc chất lượng môi trường đất định kỳ, báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường:

a) Cơ sở xử lý chất thải;

b) Cơ sở khai thác khoáng sản;

c) Cơ sở sản xuất hóa chất và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có sử dụng hóa chất độc hại thuộc Danh mục thực hiện quan trắc chất phát thải do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành theo quy định tại Khoản 2 Điều 121 Luật Bảo vệ môi trường.

3. Khi chuyển quyền sử dụng đất, người nhận quyền sử dụng đất có quyền yêu cầu người chuyển quyền sử dụng đất cung cấp thông tin về chất lượng môi trường đất tại khu vực thực hiện chuyển quyền sử dụng đất.

4. Các cơ sở được quy định tại Khoản 2 Điều này, khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở, đất thương mại phải thực hiện việc đánh giá chất lượng môi trường đất; công bố thông tin giữa các đối tượng sử dụng đất. Chất lượng môi trường đất phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cơ quan có thẩm quyền xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường xác nhận phù hợp với mục đích sử dụng là đất ở, đất thương mại. Trong trường hợp chất lượng đất tại khu vực được chuyển đổi mục đích sử dụng không phù hợp với mục đích sử dụng là đất ở, đất thương mại, người đang sử dụng đất và người sẽ sử dụng đất cho mục đích đất ở, đất thương mại phải có phương án xử lý môi trường đất phù hợp với mục đích sử dụng.

Điều 13. Kiểm soát ô nhiễm môi trường đất đối với khu vực bị ô nhiễm hóa chất độc hại sử dụng trong chiến tranh, hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu và các chất độc hại khác

1. Các khu vực đất bị ô nhiễm thuộc trách nhiệm xử lý của Nhà nước bao gồm:

a) Khu vực ô nhiễm môi trường đất do hóa chất độc hại sử dụng trong chiến tranh;

b) Khu vực ô nhiễm môi trường đất do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu;

c) Khu vực ô nhiễm môi trường đất nhưng không xác định được đối tượng gây ô nhiễm.

2. Việc kiểm soát ô nhiễm môi trường đất thuộc trách nhiệm xử lý của Nhà nước phải thực hiện như sau:

a) Thống kê, điều tra sơ bộ các khu vực bị ô nhiễm; đánh giá rủi ro sơ bộ;

b) Điều tra chi tiết, xác định phạm vi, mức độ ô nhiễm và đánh giá rủi ro ô nhiễm;

c) Xây dựng mô hình và các giải pháp xử lý ô nhiễm, cải tạo và phục hồi môi trường;

d) Khoanh vùng, cô lập, xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường theo các giải pháp được phê duyệt;

đ) Quan trắc, theo dõi sau xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập phương án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đối với đối tượng được quy định tại Khoản 1 Điều này, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt.

Trường hợp tổ chức, cá nhân có nhu cầu xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất để sử dụng cho mục đích khác thì phải lập phương án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định, phê duyệt và kiểm tra, xác nhận việc hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường trước khi sử dụng đất.

4. Các cơ sở thuộc Danh mục quy định tại Khoản 3 Điều 11 Nghị định này mà không thuộc đối tượng được quy định tại Khoản 1 Điều này phải chịu trách nhiệm tổ chức điều tra, đánh giá, khoanh vùng và xử lý, phục hồi khi xảy ra ô nhiễm môi trường đất.

5. Chất lượng môi trường đất tại các khu vực bị ô nhiễm hóa chất độc hại sử dụng trong chiến tranh, hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu và các chất độc hại khác phải được công khai cho các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 14. Trách nhiệm kiểm soát ô nhiễm môi trường đất của các cơ quan

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường:

a) Xây dựng quy định, hướng dẫn đánh giá khả năng tiếp nhận của môi trường đất theo mục đích sử dụng;

b) Ban hành hướng dẫn xác định, thống kê, đánh giá, khoanh vùng và kiểm soát các yếu tố có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất; cung cấp thông tin về chất lượng môi trường đất; xác nhận chất lượng đất các khu vực chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở, đất thương mại quy định tại Khoản 4 Điều 12 Nghị định này;

c) Xây dựng, cập nhật hệ thống thông tin quốc gia về các khu vực ô nhiễm đất và kiểm soát ô nhiễm môi trường đất;

d) Tổng hợp và công bố chất lượng môi trường đất và các yếu tố có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất trên phạm vi toàn quốc;

đ) Hướng dẫn phương thức công bố thông tin về chất lượng môi trường đất.

2. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức điều tra, thống kê thông tin về chất lượng môi trường đất đối với đất quốc phòng, an ninh và gửi báo cáo kết quả về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp; tổ chức thực hiện xử lý các khu vực đất ô nhiễm được giao quản lý.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

a) Tổ chức điều tra, đánh giá và công khai thông tin về các yếu tố có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất trên địa bàn; quan trắc chất lượng môi trường đất các khu vực công cộng;

b) Công bố thông tin về chất lượng môi trường đất (bản đồ, báo cáo đánh giá chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất) theo quy định của pháp luật về đất đai; cập nhật thông tin về kiểm soát ô nhiễm môi trường đất trên địa bàn vào hệ thống thông tin quốc gia về kiểm soát ô nhiễm môi trường đất;

c) Ban hành cảnh báo đối với các khu vực có chất lượng đất không phù hợp với mục đích sử dụng; theo dõi, giám sát việc lập, tổ chức thực hiện kế hoạch xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường đất để phù hợp với mục đích sử dụng của chủ sử dụng đất hoặc người gây ô nhiễm thuộc Danh mục quy định tại Khoản 3 Điều 11 Nghị định này;

d) Tổ chức thực hiện xử lý các khu vực đất ô nhiễm trên địa bàn.

Chương IV

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG LÀNG NGHỀ

Điều 15. Quy định chung về bảo vệ môi trường làng nghề

1. Phương án bảo vệ môi trường làng nghề bao gồm nội dung, cách thức, trình tự tiến hành hoạt động bảo vệ môi trường của làng nghề; hiện trạng hoạt động sản xuất, sinh hoạt của làng nghề; các loại và lượng chất thải phát sinh; việc tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường nói chung, các biện pháp giảm thiểu, thu gom, xử lý chất thải phát sinh từ làng nghề; bố trí nguồn lực thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường của các làng nghề có không ít hơn 20% số cơ sở sản xuất thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển (gọi tắt là làng nghề được khuyến khích phát triển) được đầu tư từ ngân sách nhà nước, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí ngân sách địa phương để đầu tư hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường cho làng nghề được khuyến khích phát triển, huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường các làng nghề trên địa bàn.

3. Cơ sở sản xuất thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển tại làng nghề là các cơ sở thuộc Danh mục quy định tại Phụ lục I Nghị định này. Theo từng thời kỳ, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Phụ lục I Nghị định này phù hợp với thực tiễn.

4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với cơ sở thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển, làng nghề được khuyến khích phát triển; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định tiêu chí về bảo vệ môi trường trong việc công nhận làng nghề.

Điều 16. Trách nhiệm bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất tại làng nghề

1. Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết, đề án bảo vệ môi trường đơn giản hoặc báo cáo về các biện pháp bảo vệ môi trường.

Trường hợp các cơ sở sản xuất thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển tại làng nghề chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết, đề án bảo vệ môi trường đơn giản phải lập báo cáo về các biện pháp bảo vệ môi trường, mô tả hoạt động của cơ sở, các loại chất thải phát sinh, các biện pháp giảm thiểu, kiểm soát bụi, nhiệt, tiếng ồn, độ rung, thu gom và xử lý nước thải, khí thải tại chỗ; phân loại, lưu giữ, tự xử lý hoặc chuyển giao đối với chất thải rắn, gửi cơ quan quản lý môi trường tại địa phương để thực hiện kiểm tra, theo dõi.

2. Đóng góp đầy đủ các loại phí bảo vệ môi trường và nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật cho hoạt động bảo vệ môi trường của làng nghề.

3. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong làng nghề không thuộc đối tượng quy định Khoản 3 Điều 15 Nghị định này phải tuân thủ quy định tại Khoản 3 Điều 70 Luật Bảo vệ môi trường và các quy định về bảo vệ môi trường đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Điều 17. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã

1. Lập, trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt phương án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn để tổ chức thực hiện.

2. Đôn đốc việc xây dựng nội dung bảo vệ môi trường trong hương ước, quy ước của làng nghề.

3. Bố trí cán bộ có kiến thức về pháp luật, quản lý môi trường theo dõi việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường làng nghề; hướng dẫn hoạt động của tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường làng nghề.

4. Ưu tiên bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường và các nguồn kinh phí khác cho công tác quản lý môi trường, đầu tư, sửa chữa, cải tạo các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường tại các làng nghề được khuyến khích phát triển trên địa bàn.

5. Quản lý, vận hành và duy tu, bảo dưỡng theo đúng quy định khi được bàn giao, tiếp nhận các dự án, công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường làng nghề.

6. Thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở trên địa bàn.

7. Tuyên truyền, phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức cho người dân về trách nhiệm bảo vệ môi trường; hướng dẫn các cơ sở tận thu, tái chế, tái sử dụng và xử lý tại chỗ các loại chất thải.

8. Công bố thông tin về hiện trạng môi trường, công tác bảo vệ môi trường làng nghề trên các phương tiện thông tin của địa phương, thông qua các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương và trong các cuộc họp Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân cấp xã.

9. Báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện về công tác bảo vệ môi trường, tình hình phát sinh và xử lý chất thải của làng nghề trên địa bàn định kỳ một năm một lần trước ngày 30 tháng 10 hằng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu.

Điều 18. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện

1. Thực hiện điều tra, thống kê, lập danh sách làng nghề, làng nghề được khuyến khích phát triển, cơ sở sản xuất thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển tại làng nghề trên địa bàn; chỉ đạo cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện xem xét thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đối với các cơ sở sản xuất trong làng nghề không thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, không bảo đảm khoảng cách đối với khu dân cư.

2. Đôn đốc, phê duyệt, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện và kiểm tra việc thực hiện phương án bảo vệ môi trường làng nghề.

3. Chỉ đạo xây dựng và kiểm tra, theo dõi việc thực hiện nội dung bảo vệ môi trường trong hương ước, quy ước của làng nghề.

4. Rà soát, đề xuất quy hoạch các cụm công nghiệp tập trung hoặc bố trí khu chăn nuôi, khu sản xuất tập trung bên ngoài khu dân cư đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường để lập kế hoạch, tổ chức thực hiện việc di dời cơ sở sản xuất không thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư.

5. Ưu tiên phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường cho công tác quản lý môi trường, kinh phí từ các nguồn khác để đầu tư, xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường cho các làng nghề được khuyến khích phát triển.

6. Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất trên địa bàn.

7. Tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; tổ chức các hoạt động khuyến khích cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn, công nghệ thân thiện môi trường, thu gom và tái chế chất thải.

8. Công bố thông tin về hiện trạng môi trường, công tác bảo vệ môi trường làng nghề trên các phương tiện thông tin của địa phương và trong các cuộc họp Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân cấp huyện.

9. Tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về công tác bảo vệ môi trường, tình hình phát sinh và xử lý chất thải của làng nghề trên địa bàn định kỳ một năm một lần trước ngày 30 tháng 11 hằng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu.

Điều 19. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Tổng hợp, công bố danh sách làng nghề, làng nghề được khuyến khích phát triển, các cơ sở sản xuất thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển; kế hoạch phát triển làng nghề, kế hoạch chuyển đổi ngành nghề hoặc di dời ra khỏi khu dân cư đối với cơ sở sản xuất không thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

2. Phân bổ kinh phí từ ngân sách địa phương cho hoạt động bảo vệ môi trường làng nghề. Ưu tiên phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường và các nguồn kinh phí khác cho công tác quản lý môi trường và đầu tư xây dựng công trình bảo vệ môi trường, cải tạo, nâng cấp công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường cho các làng nghề được khuyến khích phát triển.

3. Xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với các cơ sở sản xuất thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển; cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ sở gây ô nhiễm môi trường phải di dời ra khỏi khu dân cư hoặc chuyển đổi ngành nghề sản xuất.

4. Bảo đảm các điều kiện về bảo vệ môi trường trong việc công nhận làng nghề.

5. Đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường làng nghề, xây dựng kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, bao gồm:

a) Thống kê lượng nước thải, khí thải, chất thải rắn thông thường, chất thải rắn nguy hại phát sinh từ các cơ sở trong làng nghề;

b) Đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường nước mặt, nước ngầm, đất và không khí xung quanh;

c) Lập và triển khai biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề.

6. Chỉ đạo quy hoạch, phê duyệt và đầu tư kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường cho các làng nghề được khuyến khích phát triển; quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung hoặc khu vực chăn nuôi, khu sản xuất tập trung bên ngoài khu dân cư đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường để di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư.

7. Quản lý việc thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải nông thôn, chất thải phát sinh từ hoạt động của các cơ sở trong làng nghề.

8. Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, xử vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất trên địa bàn.

9. Công bố thông tin về hiện trạng môi trường, công tác bảo vệ môi trường làng nghề trên các phương tiện thông tin của địa phương và trong các cuộc họp Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

10. Báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về công tác bảo vệ môi trường, tình hình phát sinh và xử lý chất thải của làng nghề trên địa bàn một năm một lần trước ngày 30 tháng 12 hằng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu.

Điều 20. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường

1. Ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định điều kiện về bảo vệ môi trường đối với làng nghề; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với các cơ sở sản xuất thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển; phối hợp với Bộ Tài chính ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ môi trường đối với cơ sở sản xuất thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển, làng nghề được khuyến khích phát triển.

2. Quản lý, cập nhật thông tin, dữ liệu về bảo vệ môi trường làng nghề trên phạm vi toàn quốc; công bố danh mục làng nghề ô nhiễm môi trường và làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường ng nghề.

3. Hướng dẫn xử lý chất thải phát sinh từ hoạt động của các cơ sở sản xuất thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển tại làng nghề.

4. Hướng dẫn nội dung, trình tự xây dựng và phê duyệt phương án bảo vệ môi trường làng nghề; lập báo cáo về các biện pháp bảo vệ môi trường của các cơ sở thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển tại làng nghề.

5. Hướng dẫn và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, phổ biến kinh nghiệm, cung cấp thông tin về pháp luật môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường, sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, tổ chức triển lãm, hội chợ, quảng bá sản phẩm thân thiện với môi trường, công nghệ môi trường cho các cơ sở được khuyến khích phát triển tại làng nghề.

Điều 21. Chính sách khuyến khích phát triển làng nghề, cơ sở sản xuất thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển

1. Được ưu tiên phân bổ ngân sách, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật có liên quan; giới thiệu, quảng bá sản phẩm trong các hoạt động thương mại, du lịch; đào tạo, phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường cho cộng đồng dân cư, tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường và cán bộ quản lý môi trường cấp xã.

2. Được ưu tiên trong quá trình xét duyệt và cho vay vốn ưu đãi của các tổ chức tín dụng về môi trường, Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam, quỹ bảo vệ môi trường ngành và quỹ bảo vệ môi trường của địa phương đối với các đối tượng có dự án bảo vệ môi trường theo quy định về tổ chức hoạt động của quỹ bảo vệ môi trường.

3. Được ưu tiên trong quá trình xem xét, lựa chọn thực hiện chương trình khuyến công, khuyến nông, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; được ưu tiên trong việc tiếp nhận, triển khai các mô hình xử lý chất thải từ các dự án quốc tế, các nhiệm vụ, đề tài, dự án từ ngân sách nhà nước.

Chương V

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG NHẬP KHẨU, PHÁ DỠ TÀU BIỂN ĐÃ QUA SỬ DỤNG

Điều 22. Yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng

1. Dự án xây dựng cơ sở phá dỡ tàu biển phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.

2. Cơ sở hoạt động phá dỡ tàu biển phải áp dụng tiêu chuẩn hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 14001.

3. Khi phá dỡ từng con tàu, cơ sở phá dỡ tàu biển phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường trong hoạt động phá dỡ tàu biển trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Kế hoạch bảo vệ môi trường trong hoạt động phá dỡ tàu biển bao gồm các nội dung chính sau:

a) Phương án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường trong quá trình phá dỡ tàu biển;

b) Kế hoạch thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải thông thường, chất thải nguy hại trong quá trình phá dỡ tàu biển;

c) Biện pháp xử lý nước thải và khí thải phát sinh từ quá trình phá dỡ tàu biển bảo đảm tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường có liên quan.

Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cụ thể thủ tục, hồ sơ và tổ chức đánh giá, phê duyệt kế hoạch bảo vệ môi trường trong hoạt động phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.

4. Quy trình đánh giá, xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường trong hoạt động phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng:

a) Cơ sở phá dỡ tàu biển gửi kế hoạch bảo vệ môi trường trong hoạt động phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng tới Tổng cục Môi trường trước khi tiến hành phá dỡ 60 ngày theo mẫu văn bản quy định tại Phụ lục IV Nghị định này;

b) Trong thời hạn 20 ngày, Tổng cục Môi trường có trách nhiệm tổ chức đánh giá, xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường trong hoạt động phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng;

c) Trường hợp kế hoạch bảo vệ môi trường trong hoạt động phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật, trong thời hạn 10 ngày, Tổng cục Môi trường ra quyết định phê duyệt kế hoạch bảo vệ môi trường trong hoạt động phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng. Mẫu quyết định phê duyệt được quy định tại Phụ lục V Nghị định này;

d) Trường hợp kế hoạch bảo vệ môi trường trong hoạt động phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật, trong thời hạn 05 ngày, Tổng cục Môi trường thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do để cơ sở biết.

5. Điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ và con người về bảo vệ môi trường đối với cơ sở phá dỡ tàu biển:

a) Có ụ khô hoặc có bãi chuyên dụng trên bờ và thiết bị kéo tàu lên bờ phù hợp, bảo đảm điều kiện về bảo vệ môi trường để làm địa điểm trực tiếp thực hiện phá dỡ tàu biển;

b) Có công nghệ, thiết bị phá dỡ, xử lý tạp chất đi kèm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường và theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải;

c) Có trang thiết bị, biện pháp kỹ thuật kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường tại địa điểm phá dỡ tàu biển;

d) Có cán bộ được cấp chứng chỉ tập huấn nghiệp vụ về bảo vệ môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 23. Yêu cầu bảo vệ môi trường đối với tàu biển nhập khẩu để phá dỡ

1. Việc nhập khẩu tàu biển để phá dỡ ngoài việc thực hiện các thủ tục nhập khẩu theo quy định hiện hành còn phải xuất trình chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường với tàu biển nhập khẩu để phá dỡ do tổ chức chứng nhận phù hợp cấp.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ định tổ chức chứng nhận phù hợp theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; hướng dẫn về trình tự, thủ tục đánh giá điều kiện về bảo vệ môi trường đối với tàu biển nhập khẩu để phá dỡ.

Điều 24. Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với hoạt động nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì tổ chức triển khai thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đối với hoạt động nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.

2. Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc tổ chức, triển khai các quy định bảo vệ môi trường đối với hoạt động nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.

3. Các Bộ, ngành có liên quan trong phạm vi thẩm quyền phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai các quy định về bảo vệ môi trường đối với hoạt động nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.

4. Trong phạm vi quyền hạn của mình, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động của các cơ sở phá dỡ tàu biển theo quy định tại Nghị định này và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Chương VI

XÁC NHẬN HỆ THỐNG QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG; BẢO HIỂM TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VỀ MÔI TRƯỜNG; XỬ LÝ CƠ SỞ GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG NGHIÊM TRỌNG

Mục 1: XÁC NHẬN HỆ THỐNG QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG

Điều 25. Đối tượng phải thực hiện xác nhận hệ thống quản lý môi trường

1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã đi vào hoạt động có phát sinh lượng chất thải lớn, nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường thuộc Danh mục quy định tại Phụ lục II Nghị định này phải thực hiện xác nhận hệ thống quản lý môi trường.

2. Cơ sở có giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 14001 còn hiệu lực do tổ chức chứng nhận đã đăng ký lĩnh vực hoạt động theo quy định của pháp luật cấp không phải thực hiện xác nhận hệ thống quản lý môi trường.

Người đứng đầu cơ sở phải có văn bản gửi cơ quan có thẩm quyền xác nhận cam kết tuân thủ đầy đủ các nội dung quy định tại Điều 27 Nghị định này.

3. Theo từng thời kỳ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh Danh mục cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải thực hiện xác nhận hệ thống quản lý môi trường trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 26. Thời điểm thực hiện việc xác nhận hệ thống quản lý môi trường

1. Các cơ sở đang tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải thực hiện việc xác nhận hệ thống quản lý môi trường lần đầu chậm nhất là 12 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

2. Các cơ sở không thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều này phải thực hiện việc xác nhận hệ thống quản lý môi trường lần đầu sau khi tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được 12 tháng nhưng không quá 24 tháng kể từ thời điểm cơ sở tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Điều 27. Nội dung hệ thống quản lý môi trường

1. Nội dung hệ thống quản lý môi trường:

a) Kế hoạch hoặc quy trình vận hành các cơ sở sản xuất phù hợp với các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường;

b) Cam kết sử dụng các quy trình, thiết bị sản xuất hiệu quả để tiết kiệm năng lượng và nguyên liệu thô, giảm thiểu ô nhiễm môi trường;

c) Thiết lập và duy trì quy trình theo dõi liên tục các tác động môi trường của hoạt động sản xuất; mục tiêu và chỉ tiêu về môi trường đối với hoạt động bảo vệ môi trường và đánh giá hiệu quả của chúng;

d) Xác định, thực hiện và duy trì vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của lãnh đạo và nhân viên cơ sở về bảo vệ môi trường; bố trí cán bộ phụ trách quản lý môi trường; cung cấp nguồn lực cần thiết để thực hiện công tác bảo vệ môi trường của cơ sở;

đ) Chương trình nâng cao nhận thức cho người lao động, công nhân viên về tác động của hoạt động sản xuất tại cơ sở đối với môi trường và các biện pháp để giảm thiểu các tác động đó (ít nhất một năm một lần);

e) Chính sách ưu tiên cho các nhà cung cấp và các nhà thầu được công nhận là cơ sở thân thiện với môi trường hoặc có sản phẩm được dán nhãn sinh thái;

g) Kế hoạch công bố báo cáo môi trường hằng năm; kế hoạch thông tin cho khách hàng và cộng đồng xung quanh các biện pháp cần thiết để bảo vệ môi trường.

2. Hệ thống quản lý môi trường phải được điều chỉnh kịp thời với những thay đổi trong quá trình hoạt động của cơ sở.

Điều 28. Xác nhận hệ thống quản lý môi trường

1. Hồ sơ đề nghị xác nhận hệ thống quản lý môi trường bao gồm:

a) Đơn đề nghị xác nhận hệ thống quản lý môi trường;

b) Báo cáo về hệ thống quản lý môi trường của cơ sở.

2. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gửi hồ sơ đề nghị xác nhận hệ thống quản lý môi trường đến cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Chủ cơ sở có quyền gửi hồ sơ đề nghị xác nhận thông qua thư điện tử.

3. Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị xác nhận hệ thống quản lý môi trường, cơ quan có thẩm quyền xác nhận tiến hành rà soát hồ sơ, trường hợp hồ sơ không đủ hoặc không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày phải thông báo bằng văn bản cho chủ cơ sở để hoàn thiện hồ sơ.

4. Sau khi nhận được đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền xác nhận có trách nhiệm tổ chức việc xác nhận và cấp giấy xác nhận hệ thống quản lý môi trường trong thời hạn 30 ngày.

Trường hợp không cấp giấy xác nhận hệ thống quản lý môi trường, cơ quan có thẩm quyền xác nhận có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tới chủ cơ sở và nêu rõ do.

5. Giấy xác nhận hệ thống quản lý môi trường có thời hạn 05 năm kể từ ngày cấp.

6. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định mẫu báo cáo và trình tự, thủ tục xác nhận hệ thống quản lý môi trường của cơ sở.

Điều 29. Thẩm quyền xác nhận hệ thống quản lý môi trường

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận hệ thống quản lý môi trường đối với các cơ sở không thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

2. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xác nhận hệ thống quản lý môi trường đối với các cơ sở thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Điều 30. Thay đổi, xác nhận lại hệ thống quản lý môi trường

1. Trường hợp cơ sở có những thay đổi theo hướng giảm nhẹ yêu cầu và trách nhiệm về bảo vệ môi trường đã được xác nhận trong hệ thống quản lý môi trường hoặc thay đổi quy mô, công suất, công nghệ làm tăng tác động xấu đến môi trường thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan xác nhận. Cơ quan xác nhận có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

2. Cơ sở phải nộp hồ sơ xác nhận lại hệ thống quản môi trường trước thời điểm giấy xác nhận hệ thống quản lý môi trường hết hiệu lực ít nhất là 90 ngày. Hồ sơ xác nhận lại bao gồm:

a) Đơn đề nghị xác nhận lại;

b) Giấy xác nhận hệ thống quản môi trường;

c) Báo cáo tuân thủ nội dung hệ thống quản lý môi trường đã được xác nhận.

Trường hợp có thay đổi trong nội dung hệ thống quản lý môi trường đã được xác nhận thì cơ sở phải nêu rõ việc thay đổi này.

3. Quy trình xác nhận lại hệ thống quản lý môi trường thực hiện theo quy định tại Điều 28 Nghị định này. Thời hạn xử lý hồ sơ, cấp lại giấy xác nhận hệ thống quản lý môi trường không quá 20 ngày.

Mục 2: BẢO HIỂM TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VỀ MÔI TRƯỜNG

Điều 31. Tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường

1. Tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sau đây phải có trách nhiệm mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường hoặc trích lập quỹ dự phòng rủi ro theo quy định của pháp luật:

a) Hoạt động dầu khí bao gồm hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí, kể cả các hoạt động phục vụ trực tiếp cho các hoạt động này;

b) Sản xuất, kinh doanh hóa chất, xăng dầu;

c) Sử dụng tàu biển chuyên dùng để vận chuyển dầu mỏ, chế phẩm từ dầu mỏ hoặc các hàng hóa nguy hiểm khác khi hoạt động trong vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam;

d) Lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại; vận chuyển hàng hóa nguy hiểm.

2. Căn cứ vào loại hình, quy mô, tính chất, địa điểm hoạt động, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan lập danh mục đối tượng phải mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường; quy định mức trách nhiệm tối thiểu đối với từng đối tượng.

3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết việc trích lập quỹ dự phòng rủi ro.

Điều 32. Đối tượng bảo hiểm

1. Đối tượng bảo hiểm của bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm đối với các chi phí phát sinh để thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với môi trường trong các trường hợp sau:

a) Môi trường nước phục vụ mục đích bảo tồn, sinh hoạt, giải trí, sản xuất và mục đích khác bị ô nhiễm, ô nhiễm nghiêm trọng, ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng;

b) Môi trường đất phục vụ cho các mục đích bảo tồn, sản xuất và mục đích khác bị ô nhiễm, ô nhiễm nghiêm trọng, ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng;

c) Hệ sinh thái tự nhiên thuộc và không thuộc khu bảo tồn thiên nhiên bị suy thoái;

d) Loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật bị chết, bị thương.

2. Phạm vi môi trường bị tác động được xác định tùy theo loại hình, quy mô, tính chất, địa điểm hoạt động của tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm trách nhiệm.

Mục 3: XỬ LÝ CƠ SỞ GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG NGHIÊM TRỌNG

Điều 33. Nguyên tắc và căn cứ xác định cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

1. Việc xác định cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải được tiến hành khách quan, công bằng, đúng pháp luật; căn cứ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường và mức độ vi phạm của các hành vi gây ô nhiễm môi trường, bao gồm:

a) Hành vi xả nước thải, khí thải, bụi vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường;

b) Hành vi gây tiếng ồn, độ rung vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường;

c) Hành vi chôn lấp, thải vào đất, môi trường nước các chất gây ô nhiễm ở thể lỏng, rắn, bùn không đúng quy định làm môi trường đất, nước, không khí vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường xung quanh.

2. Các yếu tố xác định mức độ vi phạm của hành vi gây ô nhiễm môi trường

a) Đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này bao gồm: Lượng nước thải, lưu lượng khí thải, bụi của cơ sở; số lần vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường của các thông số môi trường đặc trưng và số các thông số môi trường đặc trưng vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải có trong nước thải, khí thải, bụi của cơ sở;

b) Đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này bao gồm: Số lần vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn, độ rung; đối tượng chịu tác động; thời điểm và địa điểm diễn ra hành vi;

c) Đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này bao gồm: Số lần vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt, nước ngầm, nước biển, không khí xung quanh và môi trường đất của các thông số môi trường do các hành vi này gây ra.

3. Thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường được xác định trên cơ sở kết quả quan trắc thông số môi trường đó đối chiếu với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường tương ứng được thực hiện bởi đơn vị có giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định tiêu chí xác định cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Điều 34. Danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường

1. Cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính phải được đưa vào danh mục kèm theo biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường và thời hạn thực hiện, trừ các trường hợp bị tạm đình chỉ hoạt động hoặc cấm hoạt động.

2. Biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khi đưa vào danh mục bao gồm:

a) Di dời địa điểm đến vị trí phù hợp với quy hoạch và sức chịu tải của môi trường;

b) Cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng mới hệ thống xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường;

c) Cải tạo, phục hồi môi trường tại khu vực đã gây ô nhiễm.

3. Trong thời gian thực hiện biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải áp dụng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm phù hợp. Biện pháp giảm thiểu ô nhiễm của cơ sở phải được xác định trong danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc kiểm tra, đánh giá kết quả và xác nhận hoàn thành các biện pháp xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; chủ trì thanh tra, kiểm tra công tác xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên phạm vi cả nước.

Điều 35. Trình tự, thủ tục quyết định danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

1. Các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường có trách nhiệm gửi Sở Tài nguyên và Môi trường kết quả thanh tra, kiểm tra và hồ sơ có liên quan sau 05 ngày kể từ ngày ban hành thông báo kết luận thanh tra, kiểm tra (trừ các cơ sở do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện thanh tra, kiểm tra).

2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được kết quả kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường, kết quả trưng cầu giám định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và căn cứ tiêu chí phân loại cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, Sở Tài nguyên và Môi trường lập danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đồng thời gửi danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho Bộ, ngành có liên quan.

3. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; đồng thời báo cáo danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn và các hồ sơ có liên quan để Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đối với cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ, ngành thì phải tham khảo ý kiến của Bộ, ngành liên quan trước khi đưa vào danh mục.

4. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ban hành kết luận kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường, kết quả trưng cầu giám định và căn cứ tiêu chí phân loại cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an lập danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, đồng thời gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để theo dõi.

5. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo của cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an gửi danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc phạm vi quản lý và các hồ sơ có liên quan để Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

6. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, báo cáo của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và dựa trên kết quả thanh tra, trưng cầu giám định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ hoặc phê duyệt danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ.

7. Danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải kèm theo biện pháp xử lý được quy định tại Khoản 2 Điều 34 Nghị định này.

Điều 36. Công khai danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường

1. Danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và biện pháp xử lý sau khi phê duyệt được gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi cơ sở có hoạt động gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sau 05 ngày kể từ ngày phê duyệt.

2. Sau khi nhận được quyết định phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm đăng tải thông tin về cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường cho đến khi cơ sở được chứng nhận đã hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường.

3. Sau khi nhận được quyết định phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm đăng tải thông tin về cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại địa bàn trên trang thông tin điện tử của tỉnh, trên các phương tiện thông tin đại chúng cho đến khi cơ sở được chứng nhận đã hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường; đồng thời phổ biến quyết định phê duyệt danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cơ sở có hoạt động gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng biết.

4. Sau khi nhận được quyết định phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm:

a) Đăng tải thông tin về các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đang hoạt động trên địa bàn phải thực hiện biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trên trang thông tin điện tử của địa phương cho đến khi cơ sở được chứng nhận đã hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường; đồng thời phổ biến quyết định phê duyệt danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cơ sở có hoạt động gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng biết;

b) Thông tin thường xuyên về việc cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn phải thực hiện biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trên hệ thống truyền thanh của địa phương.

5. Sau khi nhận được quyết định phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm:

a) Niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã thông tin về các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đang hoạt động trên địa bàn phải thực hiện biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Thông báo thông tin về các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đang hoạt động trên địa bàn phải thực hiện biện pháp xử ô nhiễm môi trường theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tới các thôn, làng, bản, ấp, tổ dân phố và tương đương, các tổ chức chính trị - xã hội của xã để biết và phối hợp giám sát việc thực hiện.

Chương VII

ƯU ĐÃI, HỖ TRỢ HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 37. Nguyên tắc ưu đãi, hỗ trợ

1. Nhà nước thực hiện ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, vốn; miễn, giảm thuế đối với hoạt động bảo vệ môi trường; trợ giá, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm từ hoạt động bảo vệ môi trường và các ưu đãi, hỗ trợ khác đối với hoạt động bảo vệ môi trường.

2. Tổ chức, cá nhân thực hiện nhiều hoạt động bảo vệ môi trường được ưu đãi, hỗ trợ thì được hưởng ưu đãi, hỗ trợ tương ứng cho các hoạt động đó theo quy định tại Nghị định này.

3. Trường hợp hoạt động bảo vệ môi trường cùng được ưu đãi, hỗ trợ theo quy định tại Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác thì được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo văn bản có quy định mức ưu đãi, hỗ trợ cao hơn.

4. Trường hợp pháp luật, chính sách mới được ban hành quy định ưu đãi, hỗ trợ cao hơn so với ưu đãi, hỗ trợ mà nhà đầu tư đã được hưởng theo quy định tại Nghị định này thì nhà đầu tư được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo quy định mới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt nội dung ưu đãi, hỗ trợ đối với dự án đầu tư theo quy định tại Nghị định này.

5. Mức độ và phạm vi ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường được điều chỉnh bảo đảm phù hợp với chính sách về bảo vệ môi trường từng thời kỳ.

Điều 38. Đối tượng được ưu đãi, hỗ trợ

1. Đối tượng được ưu đãi, hỗ trợ bao gồm các tổ chức, cá nhân có hoạt động đầu tư công trình bảo vệ môi trường; hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ về bảo vệ môi trường được quy định tại Phụ lục III Nghị định này.

2. Hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ về bảo vệ môi trường được ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật về khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ.

3. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định các dạng năng lượng tái tạo khác theo quy định tại Khoản 13 Phụ lục III Nghị định này.

Mục 1: ƯU ĐÃI, HỖ TRỢ VỀ CƠ SỞ HẠ TẦNG VÀ ĐẤT ĐAI

Điều 39. Hỗ trợ về đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng

Chủ đầu tư dự án xây dựng công trình bảo vệ môi trường quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 6 Phụ lục III Nghị định này được hưởng hỗ trợ về đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng như sau:

1. Nhà nước ưu tiên bố trí quỹ đất gắn với các công trình, hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, điện, cấp thoát nước, thông tin liên lạc, năng lượng) sẵn có ngoài phạm vi dự án nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực.

2. Trong trường hợp Nhà nước không bố trí được quỹ đất gắn với các công trình, hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật sẵn có ngoài phạm vi dự án nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực, chủ đầu tư dự án được hưởng chính sách như hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Điều 40. Ưu đãi về tiền thuê đất, hỗ trợ về giải phóng mặt bằng và bồi thường

1. Chủ dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung quy định tại Khoản 1 Phụ lục III Nghị định này và xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn thông thường tập trung quy định tại Khoản 2 Phụ lục III Nghị định này được hưởng ưu đãi về tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai như các đối tượng thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư và được Nhà nước hỗ trợ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Trong trường hợp chủ đầu tư dự án đã ứng trước kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ được khấu trừ theo quy định của pháp luật về đất đai.

2. Chủ dự án xây dựng công trình quy định tại các Khoản 4, 5, 9, 10 Phụ lục III Nghị định này được hưởng ưu đãi về tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai như các đối tượng thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư.

3. Chủ dự án thực hiện các hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất được quy định tại các Khoản 11, 12, 13, 14 Phụ lục III Nghị định này được hưởng ưu đãi về tiền thuê đất theo quy định của pháp luật đất đai như các đối tượng thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư.

Điều 41. Ưu đãi tài chính về đất đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải di dời

1. Cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải di dời (sau đây gọi là cơ sở) nếu được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 (trước thời điểm Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực) hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp mà tiền sử dụng đất đã nộp cho Nhà nước hoặc tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã trả có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước thì được sử dụng toàn bộ tiền bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (sau khi đã trừ các khoản chi phí tổ chức bán đấu giá) và được ghi vào vốn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật để trả tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, chi phí di dời, chi phí đổi mới, nâng cấp công nghệ và thực hiện dự án đầu tư tại cơ sở sản xuất mới.

Trường hợp đất tại cơ sở sản xuất cũ được thu hồi và sử dụng vào mục đích công cộng thì cơ sở được Nhà nước cấp vốn để trả tiền sử dụng đất, chi phí di dời, cải tiến, đổi mới, nâng cấp công nghệ và thực hiện dự án đầu tư tại cơ sở sản xuất mới tương ứng với giá trị quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của khu đất đó tính theo giá đất thị trường tại thời điểm thu hồi.

2. Cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải di dời nếu được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 hoặc cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp mà tiền sử dụng đất hoặc tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã trả không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước thì được chuyển mục đích sử dụng đối với diện tích đất tại cơ sở cũ nhưng phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất chi tiết, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai.

Trường hợp cơ sở không có nhu cầu sử dụng đất thì được chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác để sử dụng theo quy hoạch trong thời gian còn lại theo quy định của pháp luật về đất đai.

Mục 2: ƯU ĐÃI, HỖ TRỢ VỀ VỐN, THUẾ

Điều 42. Ưu đãi về huy động vốn đầu tư

1. Ưu đãi từ Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam, quỹ bảo vệ môi trường địa phương và các tổ chức tín dụng khác:

a) Chủ đầu tư dự án thực hiện hoạt động quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Phụ lục III Nghị định này nếu áp dụng công nghệ xử lý có tỷ lệ chất thải phải chôn lấp sau xử lý dưới 30% trên tổng lượng chất thải rắn thu gom thì được vay vốn với lãi suất ưu đãi tối đa không quá 50% mức lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước do cơ quan có thẩm quyền công bố tại thời điểm cho vay, tổng mức vay vốn không quá 80% tổng mức đầu tư xây dựng công trình; được ưu tiên hỗ trợ sau đầu tư hoặc bảo lãnh vay vốn;

b) Chủ đầu tư dự án thực hiện các hoạt động quy định tại Phụ lục III Nghị định này mà không thuộc Điểm a Khoản 1 Điều này được vay vốn với lãi suất ưu đãi tối đa không quá 50% mức lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước do cơ quan có thẩm quyền công bố tại thời điểm cho vay, tổng mức vay vốn không quá 70% tổng mức đầu tư xây dựng công trình; được ưu tiên hỗ trợ sau đầu tư hoặc bảo lãnh vay vốn.

2. Ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam:

Chủ đầu tư dự án thực hiện các hoạt động quy định tại Phụ lục III Nghị định này được hưởng ưu đãi về tín dụng đầu tư như các dự án thuộc danh mục vay vốn tín dụng đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành.

3. Chủ đầu tư dự án thực hiện hoạt động quy định tại Khoản 11 Phụ lục III Nghị định này, ngoài việc được hưởng các ưu đãi như quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này còn được Nhà nước hỗ trợ 10% tổng vốn đầu tư thiết bị triển khai ứng dụng sáng chế bảo vệ môi trường.

4. Chủ đầu tư dự án thực hiện hoạt động được quy định tại Phụ lục III Nghị định này, trừ hoạt động quy định tại Khoản 3 và Khoản 8 Phụ lục III Nghị định này, nếu là dự án được quy định trong các kế hoạch, chiến lược được Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội ban hành và thuộc các lĩnh vực quy định tại Luật Quản lý nợ công và các văn bản hướng dẫn thi hành thì được ưu tiên xem xét, sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

5. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn trình tự, thủ tục để hỗ trợ vốn đầu tư quy định tại Khoản 3 Điều này.

6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết thực hiện quy định tại Khoản 4 Điều này.

7. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc cho vay vốn và thực hiện hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, bảo lãnh tín dụng đầu tư đối với các dự án vay vốn từ Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn việc cho vay vốn và thực hiện hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, bảo lãnh tín dụng đầu tư đối với các dự án vay vốn từ quỹ bảo vệ môi trường địa phương.

Điều 43. Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp

Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện các dự án đầu tư mới quy định tại các Khoản 1, 2, 4, 5, 6, 9, 10 Phụ lục III Nghị định này và thực hiện các dự án sản xuất mới quy định tại các Khoản 11, 12, 13, 14 Phụ lục III Nghị định này được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp như các đối tượng thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Điều 44. Ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

1. Máy móc, phương tiện, dụng cụ, vật liệu dùng cho các hoạt động quy định tại Khoản 10 và Khoản 14 Phụ lục III Nghị định này khi nhập khẩu được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu như các đối tượng thuộc lĩnh vực được đặc biệt khuyến khích đầu tư theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

2. Bộ Tài chính quy định việc miễn, giảm thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm quy định tại Khoản 12 Phụ lục III Nghị định này khi xuất khẩu.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết danh mục sản phẩm quy định tại Khoản 12 Phụ lục III Nghị định này.

Điều 45. Ưu đãi thuế giá trị gia tăng

1. Hàng hóa, dịch vụ được sản xuất, kinh doanh từ hoạt động bảo vệ môi trường áp dụng chính sách thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng.

2. Thủ tướng Chính phủ quy định ưu đãi thuế giá trị gia tăng đối với một số sản phẩm, dịch vụ bảo vệ môi trường đặc thù.

Mục 3: HỖ TRỢ VỀ GIÁ VÀ TIÊU THỤ SẢN PHẨM

Điều 46. Trợ giá sản phẩm, dịch vụ về bảo vệ môi trường

Chủ dự án thực hiện các hoạt động, cung ứng các sản phẩm sau đây nếu đáp ứng các tiêu chí về sản phẩm, dịch vụ công ích thì được trợ giá theo quy định của pháp luật về sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích:

1. Hoạt động quy định tại Khoản 2 và Khoản 9 Phụ lục III Nghị định này, hoạt động quan trắc môi trường nền quy định tại Khoản 8 Phụ lục III Nghị định này.

2. Sản phẩm từ hoạt động bảo vệ môi trường quy định tại Khoản 12 và Khoản 13 Phụ lục III Nghị định này.

Điều 47. Hỗ trợ tiêu thụ đối với sản phẩm

1. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước có trách nhiệm ưu tiên mua sắm công sản phẩm quy định tại Khoản 12 và Khoản 13 Phụ lục III Nghị định này khi mua sắm loại sản phẩm đó.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng quy chế về mua sắm công đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường theo quy định tại Khoản này.

2. Tổ chức, cá nhân ưu tiên mua sắm các sản phẩm thân thiện với môi trường theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Mục 4: CÁC ƯU ĐÃI, HỖ TRỢ KHÁC

Điều 48. Hỗ trợ quảng bá sản phẩm, phân loại rác tại nguồn

1. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện các hoạt động sau:

a) Quảng bá sản phẩm từ hoạt động bảo vệ môi trường, hoạt động thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ;

b) Sản xuất và phổ biến các thể loại phim, chương trình truyền hình về bảo vệ môi trường nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường;

c) Cung cấp miễn phí các dụng cụ cho người dân thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt, sản phẩm thải bỏ tại nguồn.

2. Chi phí thực hiện các hoạt động quy định tại Khoản 1 Điều này được hạch toán vào chi phí sản xuất của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã.

3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn thực hiện chính sách khuyến khích quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.

Điều 49. Giải thưởng về bảo vệ môi trường

1. Định kỳ hai năm một lần, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức bình chọn, trao giải thưởng và tôn vinh tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động bảo vệ môi trường, hoạt động thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể cơ cấu giải thưởng, tiêu chuẩn và thủ tục xét tặng các giải thưởng; phối hợp với Bộ Tài chính quy định cụ thể mức chi cho giải thưởng về bảo vệ môi trường.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể đối với các giải thưởng về bảo vệ môi trường của địa phương.

4. Kinh phí cho việc tổ chức và trao giải thưởng được chi từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, tài trợ của các tổ chức, cá nhân và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

Chương VIII

CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ THAM GIA BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 50. Đại diện cộng đồng dân cư

1. Cộng đồng dân cư có thể lựa chọn tổ chức hoặc cá nhân làm người đại diện cộng đồng dân cư thông qua cuộc họp toàn thể hoặc đại diện hộ gia đình trong cộng đồng dân cư.

2. Tổ chức, cá nhân chấp thuận làm người đại diện của cộng đồng dân cư có trách nhiệm thực hiện những hoạt động trong phạm vi được cộng đồng ủy quyền và chịu trách nhiệm trước cộng đồng dân cư và pháp luật về những hoạt động của mình.

Điều 51. Cung cấp thông tin môi trường cho cộng đồng dân cư

1. Thông tin môi trường được cung cấp định kỳ ít nhất một năm một lần bao gồm:

a) Các văn bản quy phạm pháp luật về môi trường;

b) Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia, địa phương; các báo cáo chuyên đề về môi trường do cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường xây dựng và công bố;

c) Danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các khu vực môi trường bị ô nhiễm, bị suy thoái nghiêm trọng; khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường do cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường lập và công bố;

d) Danh sách, thông tin về các nguồn thải, các loại chất thải có nguy cơ gây hại đến sức khỏe con người và môi trường do cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường lập và công bố;

đ) Các xuất bản phẩm, ấn phẩm theo chuyên đề về môi trường, tài liệu truyền thông về môi trường và các vấn đề liên quan;

e) Kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn dân cư;

g) Hoạt động bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn dân cư;

h) Giấy phép liên quan đến khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên, môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn dân cư.

2. Thông tin môi trường được cung cấp bằng một trong các hình thức sau:

a) Tài liệu, ấn phẩm, xuất bản phẩm được thông báo rộng rãi địa chỉ phát hành trên các phương tiện thông tin đại chúng;

b) Đăng tải trên trang thông tin điện tử chính thức của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường; chủ đầu tư dự án; chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;

c) Niêm yết công khai tại cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ; trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã;

d) Tổ chức họp báo công bố công khai;

đ) Họp phổ biến thông tin cho cộng đồng dân cư;

e) Các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

3. Thời gian công khai thông tin theo hình thức quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản 2 Điều này tối thiểu 30 ngày.

4. Trách nhiệm cung cấp thông tin môi trường cho cộng đồng dân cư:

a) Cơ quan quản lý nhà nước về môi trường có trách nhiệm cung cấp các thông tin quy định từ Điểm a đến Điểm e Khoản 1 Điều này;

b) Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm cung cấp thông tin quy định tại Điểm g và Điểm h Khoản 1 Điều này.

Điều 52. Tham vấn và giám sát của cộng đồng dân cư về môi trường

1. Các chủ trương, chính sách của Nhà nước sau đây cần có sự tham vấn của cộng đồng dân cư về môi trường trước khi quyết định:

a) Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án bảo vệ môi trường cấp quốc gia, vùng, liên vùng và cấp tỉnh;

b) Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường;

c) Xác lập các chỉ tiêu về môi trường trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp quốc gia, liên vùng, vùng và cấp tỉnh.

2. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trước khi quyết định các chủ trương, chính sách quy định tại Khoản 1 Điều này có trách nhiệm tổ chức tham vấn cộng đồng dân cư về môi trường thông qua việc công bố công khai dự thảo văn bản trên các trang thông tin điện tử hoặc phương tiện thông tin đại chúng.

3. Cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận và xử lý các ý kiến tham vấn về môi trường của cộng đồng dân cư; phản hồi với cộng đồng dân cư việc tiếp thu hay không tiếp thu các ý kiến tham vấn về môi trường của cộng đồng dân cư thông qua các hình thức quy định tại Khoản 2 Điều 51 Nghị định này.

4. Hoạt động tham vấn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường thực hiện theo quy định của pháp luật về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường.

5. Hoạt động giám sát đầu tư công về bảo vệ môi trường của cộng đồng được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Điều 53. Đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ

1. Đại diện cộng đồng dân cư được quyền tham gia đánh giá kết quả bảo vệ môi trường đối với các đối tượng sau đây:

a) Chủ dự án trong việc thực hiện các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt và thực hiện nội dung các giấy phép liên quan đến khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên, môi trường;

b) Tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường; thực hiện nội dung các giấy phép liên quan đến khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên, môi trường;

c) Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong thực hiện cam kết bảo vệ môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường; thực hiện nội dung các giấy phép liên quan đến khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên, môi trường.

2. Nội dung đánh giá:

a) Việc thực hiện nội dung các giấy phép liên quan đến khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên, môi trường;

b) Thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường; cam kết bảo vệ môi trường; kế hoạch bảo vệ môi trường;

c) Thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường.

3. Căn cứ vào thông tin môi trường của cơ sở được cung cấp định kỳ, cộng đồng dân cư hoặc đại diện cộng đồng dân cư đánh giá việc thực hiện các hoạt động liên quan đến nội dung đánh giá được nêu tại Khoản 2 Điều này theo tiêu chí thực hiện đúng, đủ nội dung. Đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư là một trong những căn cứ cho việc khen tặng thành tích trong công tác bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Điều 54. Xây dựng, thực hiện mô hình bảo vệ môi trường dựa vào cộng đồng dân cư

1. Nhà nước khuyến khích và có cơ chế chính sách hỗ trợ cộng đồng dân cư xây dựng và tổ chức thực hiện các mô hình cộng đồng bảo vệ tài nguyên và môi trường, phát triển bền vững, bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu.

2. Cộng đồng dân cư có trách nhiệm tham gia vào việc xây dựng mục tiêu, chương trình hoạt động, giám sát, đánh giá hiệu quả của chương trình bảo vệ các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia; tham gia quản lý, bảo vệ các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia.

3. Cộng đồng dân cư có quyền chủ động xây dựng, tổ chức thực hiện các mô hình bảo vệ tài nguyên và môi trường dựa vào cộng đồng, cùng với các cơ quan quản nhà nước về tài nguyên và môi trường tham gia giám sát, kiểm tra việc quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia.

4. Cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp và hướng dẫn cộng đồng dân cư xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên dựa vào cộng đồng, mô hình sản xuất và tiêu thụ bền vững; ban hành cơ chế khuyến khích cộng đồng bảo vệ môi trường, bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, các mô hình sản xuất và tiêu thụ bền vững.

Chương IX

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 55. Điều khoản chuyển tiếp

1. Hồ sơ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận để giải quyết theo thủ tục hành chính về môi trường trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì được xử lý theo quy định của pháp luật tại thời điểm tiếp nhận.

2. Hoạt động bảo vệ môi trường, sản phẩm từ hoạt động bảo vệ môi trường đã được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ theo Nghị định số 04/2009/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2009 của Chính phủ về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường thì tiếp tục được hưởng ưu đãi, hỗ trợ trong thời gian còn lại; trường hợp thuộc đối tượng được ưu đãi, hỗ trợ cao hơn theo quy định tại Nghị định này thì được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo quy định tại Nghị định này.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định, phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung của dự án cải tạo, phục hồi môi trường hoặc đề án cải tạo, phục hồi môi trường đã được Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện đã phê duyệt trước ngày Nghị định này có hiệu lực.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác nhận hoàn thành phương án cải tạo, phục hồi môi trường hoặc phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung của dự án cải tạo, phục hồi môi trường hoặc đề án cải tạo, phục hồi môi trường hoặc dự án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung hoặc đề án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung đã được Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt trước ngày Nghị định này có hiệu lực.

5. Đối với các dự án cải tạo, phục hồi môi trường hoặc dự án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung, đề án cải tạo, phục hồi môi trường hoặc đề án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung đã được phê duyệt trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thì không phải lập phương án hoặc phương án bổ sung theo hướng dẫn tại Nghị định này.

6. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đã thực hiện ký quỹ trước ngày Quyết định số 71/2008/QĐ-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản có hiệu lực nhưng có nội dung phương án cải tạo, phục hồi môi trường không phù hợp với nội dung phương án cải tạo, phục hồi môi trường quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và Nghị định này thì phải xây dựng lại phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định tại Nghị định này, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 31 tháng 12 năm 2016.

Điều 56. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2015.

2. Các văn bản sau hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực:

a) Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường;

b) Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường;

c) Nghị định số 04/2009/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2009 của Chính phủ về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường;

d) Quyết định số 18/2013/QĐ-TTg ngày 29 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản.

Điều 57. Trách nhiệm thi hành

1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thi hành Nghị định này; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành trái với quy định của Luật Bảo vệ môi trường, của Nghị định này để sửa đổi, bổ sung.

2. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn việc thực hiện và kiểm tra tình hình thực hiện Nghị định này; hướng dẫn đào tạo, tập huấn, truyền thông, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KGVX (3b).
XH 240

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

PHỤ LỤC I

DANH MỤC NGÀNH NGHỀ ĐƯỢC KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN TẠI LÀNG NGHỀ
(Ban hành kèm theo Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ)

TT

Loại hình sản xuất

Quy mô

I

SẢN XUẤT HÀNG THỦ CÔNG MỸ NGHỆ HOẶC ĐỒ GIA DỤNG

Không quá 10 lao động/cơ sở

1

Đan mây, tre, trúc, giang, ... đan lờ lợp, cần xé, đan bội, lục bình, se trân, đan mê bồ

 

2

Thêu, ren, đan, móc

 

3

Thảm sợi xơ dừa, chỉ xơ dừa

 

4

Gạch ngói truyền thống, gốm sứ, lợn đất, lò đất, đúc lu

 

5

Đồ mỹ nghệ từ dừa, vỏ hải sản khô

 

6

Làm nón, chiếu, chổi

 

7

Cơm dẹp, chằm lá dừa nước

 

8

Guốc gỗ, cối, chày, thớt, đũa

 

9

Sản xuất hương

 

10

Đồ gỗ, sơn mài, sừng mỹ nghệ

 

11

Kim loại và đá quý

 

12

Ươm tơ, dệt vải, dệt lụa, dệt nhiễu, dệt lanh, dệt thổ cẩm

 

13

Tranh dân gian, lưới vó, giấy dó, giấy bản

 

14

Nhạc cụ dân tộc

 

15

Thuốc nam

 

16

Cào bông, đan tơ lưới, lược bí

 

17

Hầm than củi

 

18

Đúc, rèn truyền thống để sản xuất nông cụ và đồ gia dụng

Quy mô dưới 0,2 tấn/ngày/cơ sở

19

Chế tác đá

Không quá 10 lao động/cơ sở; không có công đoạn cưa, xẻ nguyên liệu

II

NUÔI, TRỒNG SINH VẬT CẢNH

Không quá 10 lao động/cơ sở

III

CHẾ BIẾN, BẢO QUẢN THỦ CÔNG NÔNG SẢN, LÂM SẢN, THỦY SẢN, HẢI SẢN LÀM THỰC PHẨM

 

1

Chè

Dưới 0,1 tấn sản phẩm/ngày/cơ sở

2

Các loại thịt sấy khô, lạp xưởng

Dưới 0,1 tấn sản phẩm/ngày/cơ sở

3

Sản xuất mía đường, làm cốm

Dưới 0,1 tấn sản phẩm/ngày/cơ sở

4

Mứt, bánh kẹo thủ công - Hà Nội

Dưới 0,1 tấn sản phẩm/ngày/cơ sở

5

Sản xuất các loại nước mắm, nước tương thủ công

Dưới 500 lít sản phẩm/ngày/cơ sở

6

Sản xuất đậu, các loại bún, bánh, miến

Dưới 0,1 tấn sản phẩm/ngày/cơ sở

7

Nấu rượu

Dưới 100 lít sản phẩm/ngày/cơ sở

8

Chế biến thủy sản, hải sản

Dưới 0,1 tấn sản phẩm/ngày/cơ sở

9

Chế biến tinh bột

Dưới 0,1 tấn/ngày/cơ sở

 

PHỤ LỤC II

DANH MỤC CƠ SỞ SẢN XUẤT, KINH DOANH, DỊCH VỤ PHẢI THỰC HIỆN XÁC NHẬN HỆ THỐNG QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG
(Ban hành kèm theo Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ)

TT

Loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ

Quy mô/công suất

1.

Cơ sở sản xuất có chứa chất phóng xạ hoặc phát sinh chất thải phóng xạ

Vượt quá mức miễn trừ theo quy định của pháp luật về an toàn và kiểm soát bức xạ

2.

Nhà máy lọc, hóa dầu; cơ sở khai thác dầu khí

Tất cả

3.

Cơ sở sản xuất hóa chất cơ bản, sơn và mực in, cao su, thuốc bảo vệ thực vật, chất tẩy rửa, phụ gia, phân hóa học

Công suất từ 10.000 tấn sản phẩm/năm trở lên

4.

Cơ sở khai thác đất hiếm, khoáng sản có tính phóng xạ; tuyển, làm giàu đất hiếm, khoáng sản có tính phóng xạ

Công suất từ 50.000 tấn sản phẩm/năm trở lên;

5.

Cơ sở phá dỡ tàu biển

Tất cả

6.

Cảng biển

Tiếp nhận tàu có trọng tải từ 50.000 DWT trở lên

7.

Cơ sở sản xuất ắc quy

Công suất từ 300.000 KWh/năm trở lên hoặc 600 tấn sản phẩm/năm trở lên

8.

Cơ sở khai thác khoáng sản rắn (bao gồm đất đá thải, khoáng sản)

Công suất từ 500.000 m3 nguyên khai/năm trở lên

9.

Cơ sở chế biến, tinh chế đất hiếm, kim loại màu, khoáng sản có tính phóng xạ

Công suất từ 200.000 tấn sản phẩm/năm trở lên

10.

Cơ sở luyện gang thép

Công suất từ 200.000 tấn sản phẩm/năm trở lên

11.

Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí, khu đô thị

Diện tích từ 200 ha trở lên

12.

Khu tái chế, xử lý, chôn lấp, tiêu hủy chất thải nguy hại thu gom từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ

Tất cả

13.

Khu tái chế, xử lý, chôn lấp, tiêu hủy chất thải rắn thông thường

Công suất từ 250 tấn/ngày đêm trở lên

14.

Cơ sở vận hành hệ thống xử lý nước thải công nghiệp tập trung

Công suất từ 5.000 m3 nước thải/ngày đêm trở lên.

15.

Cơ sở chế biến thủy sản

Công suất từ 5.000 tấn sản phẩm/năm trở lên

16.

Nhà máy sản xuất xi măng

Công suất từ 1.200.000 tấn/năm trở lên

17.

Nhà máy sản xuất bột giấy

Công suất từ 25.000 tấn sản phẩm/năm trở lên

18.

Nhà máy sản xuất cồn, rượu

Công suất từ 1.000.000 lít sản phẩm/năm trở lên

19.

Nhà máy sản xuất bia, nước giải khát

Công suất từ 50.000.000 lít sản phẩm/năm trở lên

 

PHỤ LỤC III

DANH MỤC HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐƯỢC ƯU ĐÃI, HỖ TRỢ
(Ban hành kèm theo Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ)

1. Xử lý nước thải sinh hoạt tập trung có công suất thiết kế từ 2.500m3 nước thải trở lên trong một ngày đêm đối với khu vực đô thị từ loại IV trở lên.

2. Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn thông thường tập trung.

3. Xử lý chất thải nguy hại, đồng xử lý chất thải nguy hại.

4. Xử lý, cải tạo các khu vực môi trường bị ô nhiễm tại các khu vực công cộng.

5. Ứng cứu, xử lý sự cố tràn dầu, sự cố hóa chất và sự cố môi trường khác.

6. Xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường các khu, cụm công nghiệp làng nghề.

7. Di dời, chuyển đổi hoạt động của cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

8. Quan trắc môi trường.

9. Dịch vụ hỏa táng, điện táng.

10. Giám định thiệt hại về môi trường; giám định sức khỏe môi trường; giám định về môi trường đối với hàng hóa, máy móc, thiết bị, công nghệ.

11. Sản xuất ứng dụng sáng chế bảo vệ môi trường được nhà nước bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.

12. Sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường gắn Nhãn xanh Việt Nam; sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận.

13. Sản xuất xăng, nhiên liệu diezen và nhiên liệu sinh học được chứng nhận hợp quy; than sinh học; năng lượng từ sử dụng sức gió, ánh sáng mặt trời, thủy triều, địa nhiệt và các dạng năng lượng tái tạo khác.

14. Sản xuất, nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện chuyên dùng sử dụng trực tiếp trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; quan trắc và phân tích môi trường; sản xuất năng lượng tái tạo; xử lý ô nhiễm môi trường; ứng phó, xử lý sự cố môi trường.

15. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của cơ sở thân thiện với môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường chứng nhận nhãn sinh thái.

 

PHỤ LỤC IV

MẪU VĂN BẢN ĐỀ NGHỊ THẨM ĐỊNH, XÁC NHẬN KẾ HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG PHÁ DỠ TÀU BIỂN ĐÃ QUA SỬ DỤNG
(Ban hành kèm theo Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ)

TÊN TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

V/v đề nghị đánh giá, phê duyệt Kế hoạch bảo vệ môi trường trong hoạt động phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng

….., ngày … tháng … năm …

 

Kính gửi: Tổng cục Môi trường.

1. Tên doanh nghiệp ..................................................................................................

Tên giao dịch: ............................................................................................................

2. Địa chỉ trụ sở: ........................................................................................................

Điện thoại: ……………………………………..; Fax: ................................................... ;

E-mail: .......................................................................................................................

3. Họ và tên người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp:..................................

....................................................................................................................................

....................................................................................................................................

4. Quyết định thành lập/Giấy đăng ký kinh doanh số ……………………….., cơ quan cấp:……….., ngày cấp ………………….. tại ……………………………

Chúng tôi gửi kèm theo văn bản này Kế hoạch bảo vệ môi trường trong hoạt động phá dỡ con tàu có số đăng ký là ………., quốc tịch ………………………………..

Chúng tôi cam kết thực hiện Kế hoạch bảo vệ môi trường gửi kèm theo văn bản này trong quá trình phá dỡ con tàu. Đề nghị Tổng cục Môi trường xem xét, thẩm định và xác nhận Kế hoạch bảo vệ môi trường chúng tôi đã xây dựng. Ngoài ra, chúng tôi cam kết sẽ thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ.

 

 

Nơi nhận:
- …
- …

ĐẠI DIỆN TỔ CHỨC
(Ký tên, đóng dấu và ghi rõ họ tên)

 

PHỤ LỤC V

MẪU QUYẾT ĐỊNH XÁC NHẬN KẾ HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG PHÁ DỠ TÀU BIỂN ĐÃ QUA SỬ DỤNG
(Ban hành kèm theo Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ)

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
TỔNG CỤC MÔI TRƯỜNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:        /QĐ-TCMT

Hà Nội, ngày     tháng     năm

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG PHÁ DỠ TÀU BIỂN ĐÃ QUA SỬ DỤNG

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 114/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng;

Căn cứ Nghị định số          ngày    tháng    năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2014;

Căn cứ Quyết định số 25/2014/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Môi trường trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Căn cứ Thông tư số     /2015/TT-BTNMT ngày    tháng    năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với tàu biển đã qua sử dụng nhập khẩu để phá dỡ;

Xét Kế hoạch bảo vệ môi trường trong hoạt động phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng của (tên tổ chức)....kèm theo văn bản số …..;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm và Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch bảo vệ môi trường trong hoạt động phá dỡ con tàu có số đăng ký…. quốc tịch…. của (tên doanh nghiệp, địa chỉ) đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường trong quá trình phá dỡ.

Điều 2. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động phá dỡ tàu biển.

Điều 3. Điều này sẽ ghi trách nhiệm của tổ chức được chỉ định và các cơ quan liên quan.

(Tên tổ chức được chỉ định) và các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 1, 3 (để thực hiện);
- Bộ trưởng Bộ TNMT (để báo cáo);
- Bộ Giao thông vận tải;
- Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, CSPC, KSON.

TỔNG CỤC TRƯỞNG
(Ký tên và đóng dấu)

 

Điều 38. Bảo vệ môi trường trong hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản

1. Tổ chức, cá nhân khi tiến hành thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải có biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và thực hiện các yêu cầu về bảo vệ, cải tạo và phục hồi môi trường như sau:

....

đ) Ký quỹ phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật

...

Điều 61. Kiểm soát ô nhiễm môi trường đất

...

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này

...

Điều 68. Bảo vệ môi trường cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ

...

3. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh lượng chất thải lớn, nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường phải có bộ phận chuyên môn hoặc nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường; phải được xác nhận hệ thống quản lý môi trường theo quy định của Chính phủ

...

Điều 70. Bảo vệ môi trường làng nghề

...

7. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

....

Điều 75. Bảo vệ môi trường trong nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa

...

3. Việc nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Chính phủ quy định cụ thể đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.

...

Điều 104. Xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

...

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

...

Điều 146. Quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư

...

3. Đại diện cộng đồng dân cư có quyền tham gia đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật

...

Điều 151. Ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

...

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

...

Điều 167. Bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường

...

3. Tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây thiệt hại lớn cho môi trường phải mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường theo quy định của Chính phủ.

Xem nội dung VB
- Chương này được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 2 Nghị định 40/2019/NĐ-CP

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Nghị định số 19/2015/NĐ-CP)

1. Gộp Chương II, Chương III và sửa đổi tên Chương II như sau:

“Chương II QUẢN LÝ VÀ CẢI THIỆN CHẤT LƯỢNG MÔI TRƯỜNG”

Xem nội dung VB
- Điều này được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 2 Nghị định 40/2019/NĐ-CP

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Nghị định số 19/2015/NĐ-CP)
...
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 5 như sau:

“Điều 5. Đối tượng lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường và lập lại phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản

1. Các đối tượng phải lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường (gọi tắt là phương án) trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt bao gồm:

a) Các dự án khai thác khoáng sản được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường sau thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành (phương án là một phần trong báo cáo đánh giá tác động môi trường);

b) Cơ sở khai thác khoáng sản đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng chưa có phương án được phê duyệt.

2. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây phải lập lại phương án cải tạo, phục hồi môi trường:

a) Thuộc đối tượng phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường;

b) Tổ chức, cá nhân đề nghị thay đổi nội dung cải tạo, phục hồi môi trường so với phương án (bao gồm cả phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung) đã được phê duyệt;

c) Theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi kinh phí cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt không đủ để thực hiện.”

Xem nội dung VB
- Điều này được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 2 Nghị định 40/2019/NĐ-CP

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Nghị định số 19/2015/NĐ-CP)
...
3. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 như sau:

“Điều 6. Nội dung của phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản

1. Các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường; phân tích, đánh giá, lựa chọn giải pháp tốt nhất để cải tạo, phục hồi môi trường.

2. Danh mục, khối lượng các hạng mục cải tạo, phục hồi môi trường đối với giải pháp lựa chọn.

3. Kế hoạch thực hiện; phân chia kế hoạch thực hiện theo từng năm, từng giai đoạn cải tạo, phục hồi môi trường; chương trình quản lý và giám sát môi trường trong thời gian cải tạo, phục hồi môi trường; kế hoạch kiểm tra, xác nhận hoàn thành phương án.

4. Bảng dự toán kinh phí để tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường cho từng hạng mục cải tạo, phục hồi môi trường; các khoản tiền ký quỹ theo lộ trình.”

Xem nội dung VB
- Trình tự, thủ tục, nội dung thẩm định, phê duyệt phương án, phương án bổ sung được hướng dẫn bởi Chương II Thông tư 38/2015/TT-BTNMT

Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
...
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư về cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản,
...
Chương II TRÌNH TỰ, THỦ TỤC, NỘI DUNG THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN VÀ PHƯƠNG ÁN BỔ SUNG

Mục 1. Trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt phương án và phương án bổ sung

Điều 3. Hồ sơ đề nghị thẩm định, phê duyệt phương án, phương án bổ sung
...
Điều 4. Tiếp nhận hồ sơ và thời hạn thẩm định
...
Điều 5. Thẩm định phương án, phương án bổ sung
...
Điều 6. Phê duyệt phương án, phương án bổ sung
...
Mục 2. Nội dung thẩm định và hoạt động của hội đồng thẩm định

Điều 7. Nội dung thẩm định phương án, phương án bổ sung
...
Điều 8. Nguyên tắc hoạt động và kết luận của hội đồng thẩm định
...
Điều 9. Trách nhiệm và quyền hạn của thành viên hội đồng thẩm định
...
Điều 10. Trách nhiệm của cơ quan thường trực thẩm định phương án
...
Điều 11. Điều kiện họp hội đồng thẩm định chính thức

Xem nội dung VB
- Điều này được sửa đổi bởi Khoản 4 Điều 2 Nghị định 40/2019/NĐ-CP

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Nghị định số 19/2015/NĐ-CP)
...
4. Sửa đổi, bổ sung Điều 7 như sau:

“Điều 7. Thẩm quyền, trình tự thẩm định, phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản

1. Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường đối với các đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định này được thực hiện theo thẩm quyền thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

2. Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường của các đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 5 Nghị định này, thẩm quyền thẩm định, phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường được thực hiện như sau:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định, phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường đối với các dự án khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định, phê duyệt phương án cải tạo phục hồi môi trường đối với các dự án khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

3. Trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường:

a) Trình tự thủ tục thẩm định, phê duyệt phương án đối với các đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định này được thực hiện theo trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường;

b) Trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt phương án đối với các đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị định này được thực hiện theo quy định về cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản.

4. Kinh phí thẩm định được lấy từ nguồn phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án cải tạo, phục hồi môi trường.”

Xem nội dung VB
- Mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường được hướng dẫn bởi Thông tư 35/2017/TT-BTC

Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ môi trường;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường; phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung do cơ quan trung ương thực hiện thẩm định.
...
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Điều 2. Người nộp phí và tổ chức thu phí

Điều 3. Mức thu phí

Điều 4. Kê khai, nộp phí

Điều 5. Quản lý và sử dụng phí

Điều 6. Tổ chức thực hiện và điều khoản thi hành

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường; phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung do cơ quan trung ương thực hiện thẩm định theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ môi trường.

2. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân nộp phí; tổ chức thu phí; tổ chức, cá nhân khác liên quan đến thu, nộp phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường; phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung do cơ quan trung ương thực hiện thẩm định.

Điều 2. Người nộp phí và tổ chức thu phí

1. Người nộp phí là các tổ chức, cá nhân đề nghị cơ quan có thẩm quyền ở trung ương thực hiện thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường; phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung.

Người nộp phí thực hiện nộp phí khi nộp hồ sơ đề nghị thẩm định. Phí nộp trực tiếp cho tổ chức thu hoặc nộp vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của tổ chức thu phí mở tại Kho bạc nhà nước.

2. Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường tổ chức thu phí thẩm định theo quy định tại Thông tư này.

Điều 3. Mức thu phí

Mức thu phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường; phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung được quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 4. Kê khai, nộp phí

1. Chậm nhất là ngày 05 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc nhà nước.

2. Tổ chức thu phí thực hiện kê khai, nộp số tiền phí thu được theo tháng, quyết toán theo năm theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 19 và khoản 2 Điều 26 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ. Tổ chức thu phí nộp số tiền phí theo tỷ lệ quy định tại Điều 5 Thông tư này vào ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương) theo chương, mục, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước.

Điều 5. Quản lý và sử dụng phí

1. Tổ chức thu phí phải nộp 100% tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động thẩm định, thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước thuộc diện khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí thì được trích để lại 90% tổng số tiền phí thẩm định thu được để chi cho hoạt động thẩm định, thu phí và nộp 10% vào ngân sách nhà nước. Tiền phí được để lại được quản lý và sử dụng theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí; trong đó, các khoản chi khác liên quan đến thực hiện thẩm định và thu phí, bao gồm cả: Chi phí kiểm tra, đánh giá tại cơ sở, tại địa điểm thực hiện dự án và tổ chức họp của hội đồng thẩm định (chi lấy ý kiến, bản nhận xét thẩm định, báo cáo thẩm định); mức chi theo quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-BTC ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).

Điều 6. Tổ chức thực hiện và điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 6 năm 2017.

2. Các nội dung khác liên quan đến thu, nộp, quản lý, sử dụng, chứng từ thu, công khai chế độ thu phí thẩm định không đề cập tại Thông tư này được thực hiện theo quy định tại Luật phí và lệ phí; Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí; Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ; Thông tư số 303/2016/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng các loại chứng từ thu tiền phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, hướng dẫn bổ sung./.
...
BIỂU MỨC THU PHÍ THẨM ĐỊNH PHƯƠNG ÁN CẢI TẠO, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG, PHƯƠNG ÁN CẢI TẠO, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG BỔ SUNG

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Chương III Thông tư 38/2015/TT-BTNMT

Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
...
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư về cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản,
...
Chương III KÝ QUỸ CẢI TẠO, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG

Điều 12. Tính toán khoản tiền ký quỹ
...
Điều 13. Phương thức ký quỹ
...
Điều 14. Thời điểm ký quỹ và tiếp nhận tiền ký quỹ
...
Điều 15. Hoàn trả tiền ký quỹ

Xem nội dung VB
- Việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản tại Quỹ Bảo vệ môi trường được hướng dẫn bởi Thông tư 08/2017/TT-BTC

Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý và sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản tại Quỹ Bảo vệ môi trường.
...
Chương I - QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Giải thích từ ngữ
...
Điều 4. Đồng tiền ký quỹ, mức ký quỹ, phương thức ký quỹ, thời điểm ký quỹ, hồ sơ, trình tự thủ tục ký quỹ
...
Chương II - QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG TIỀN KÝ QUỸ TẠI QUỸ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 5. Nguyên tắc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ
...
Điều 6. Quản lý tiền ký quỹ
...
Điều 7. Sử dụng tiền ký quỹ
...
Chương III - TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN

Điều 8. Trách nhiệm của bên nhận ký quỹ
...
Điều 9. Trách nhiệm của bên ký quỹ
...
Điều 10. Trách nhiệm của Bộ Tài chính
...
Chương IV - TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Điều khoản chuyển tiếp
...
Điều 12. Điều khoản thi hành
...
PHỤ LỤC BÁO CÁO TÌNH HÌNH QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG TIỀN KÝ QUỸ CẢI TẠO, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC KHOÁNG SẢN TẠI QUỸ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Xem nội dung VB
- Điều này được sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 2 Nghị định 40/2019/NĐ-CP

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Nghị định số 19/2015/NĐ-CP)
...
5. Sửa đổi, bổ sung Điều 8 như sau:

“Điều 8. Ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản

1. Số tiền ký quỹ phải được tính toán bảo đảm đủ kinh phí để cải tạo, phục hồi môi trường căn cứ vào các nội dung cải tạo, phục hồi môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2. Việc tính toán số tiền ký quỹ phải áp dụng định mức, đơn giá của địa phương tại thời điểm lập phương án. Trường hợp địa phương không có định mức, đơn giá thì áp dụng theo định mức, đơn giá của bộ, ngành tương ứng. Trong trường hợp bộ, ngành không có đơn giá thì áp dụng theo giá thị trường.

3. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thực hiện ký quỹ hàng năm hoặc theo giai đoạn có tính tới yếu tố trượt giá.

4. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thực hiện ký quỹ tại quỹ bảo vệ môi trường địa phương hoặc Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Tiền ký quỹ được nộp, hoàn trả bằng tiền đồng Việt Nam.

5. Tiền ký quỹ được hưởng lãi suất bằng lãi suất cho vay của quỹ bảo vệ môi trường nơi ký quỹ và được tính từ thời điểm ký quỹ. Tổ chức, cá nhân chỉ được rút tiền lãi một lần sau khi có quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản.

6. Việc hoàn trả khoản tiền ký quỹ trên cơ sở tổ chức, cá nhân đã hoàn thành từng phần hoặc toàn bộ nội dung cải tạo, phục hồi môi trường theo phương án được phê duyệt.

7. Trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đã ký quỹ nhưng giải thể hoặc phá sản và chưa thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường theo đúng phương án được phê duyệt thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án đóng cửa mỏ của dự án khai thác khoáng sản có trách nhiệm sử dụng số tiền đã ký quỹ bao gồm cả tiền lãi để thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường.”

Xem nội dung VB
- Lãi suất cho vay của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam được hướng dẫn bởi Điều 9 Thông tư 03/2017/TT-BTNMT

Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
...
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư hướng dẫn cho vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.
...
Điều 9. Lãi suất

1. Lãi suất vay do Quỹ BVMTVN quy định nhưng không vượt quá 50% mức lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước do cơ quan có thẩm quyền công bố tại thời điểm cho vay.

2. Đối với một dự án, lãi suất vay vốn được xác định tại thời điểm ký Hợp đồng tín dụng đầu tư bảo vệ môi trường và cố định trong suốt thời gian vay.

3. Lãi suất nợ quá hạn bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn ghi trong Hợp đồng tín dụng đầu tư bảo vệ môi trường, được tính trên số nợ gốc và lãi chậm trả.

Xem nội dung VB
- Trình tự, thủ tục xác nhận hoàn thành phương án, phương án bổ sung được hướng dẫn bởi Chương IV Thông tư 38/2015/TT-BTNMT

Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
...
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư về cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản,
...
Chương IV TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XÁC NHẬN HOÀN THÀNH TỪNG PHẦN VÀ TOÀN BỘ PHƯƠNG ÁN, PHƯƠNG ÁN BỔ SUNG

Điều 16. Hồ sơ đề nghị xác nhận hoàn thành từng phần phương án, phương án bổ sung
...
Điều 17. Kiểm tra, xác nhận hoàn thành từng phần phương án, phương án bổ sung
...
Điều 18. Nội dung kiểm tra và nguyên tắc làm việc của đoàn kiểm tra
...
Điều 19. Trách nhiệm và quyền hạn của các thành viên đoàn kiểm tra
...
Điều 20. Xác nhận hoàn thành toàn bộ phương án, phương án bổ sung

Xem nội dung VB
- Điều này được sửa đổi bởi Khoản 6 Điều 2 Nghị định 40/2019/NĐ-CP

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Nghị định số 19/2015/NĐ-CP)
...
6. Sửa đổi, bổ sung Điều 9 như sau:

“Điều 9. Xác nhận hoàn thành phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản

1. Tổ chức, cá nhân sau khi đã hoàn thành từng phần nội dung cải tạo, phục hồi môi trường theo phương án được phê duyệt phải lập hồ sơ hoàn thành từng phần phương án đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận hoàn thành.

Việc xác nhận hoàn thành toàn bộ nội dung phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt được thực hiện; lồng ghép với đề án đóng cửa mỏ.

2. Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án đóng cửa mỏ của dự án khai thác khoáng sản thực hiện việc kiểm tra, xác nhận hoàn thành phương án cải tạo, phục hồi môi trường.

3. Trình tự, thủ tục kiểm tra, xác nhận hoàn thành toàn bộ nội dung phương án được thực hiện theo trình tự, thủ tục nghiệm thu kết quả thực hiện đề án đóng cửa mỏ. Nội dung quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản bao gồm nội dung xác nhận hoàn thành toàn bộ phương án.”

Xem nội dung VB
- Điểm này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 7 Điều 2 Nghị định 40/2019/NĐ-CP

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Nghị định số 19/2015/NĐ-CP)
...
7. Sửa đổi điểm c khoản 1 ... Điều 10 như sau:

a) Sửa đổi điểm c khoản 1 như sau:

“c) Thẩm định, phê duyệt và kiểm tra, xác nhận hoàn thành phương án cải tạo, phục hồi môi trường thuộc thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản;”

Xem nội dung VB
- Điểm này được hướng dẫn bởi Thông tư 08/2017/TT-BTC

Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý và sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản tại Quỹ Bảo vệ môi trường.
...
Chương I - QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Giải thích từ ngữ
...
Điều 4. Đồng tiền ký quỹ, mức ký quỹ, phương thức ký quỹ, thời điểm ký quỹ, hồ sơ, trình tự thủ tục ký quỹ
...
Chương II - QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG TIỀN KÝ QUỸ TẠI QUỸ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 5. Nguyên tắc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ
...
Điều 6. Quản lý tiền ký quỹ
...
Điều 7. Sử dụng tiền ký quỹ
...
Chương III - TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN

Điều 8. Trách nhiệm của bên nhận ký quỹ
...
Điều 9. Trách nhiệm của bên ký quỹ
...
Điều 10. Trách nhiệm của Bộ Tài chính
...
Chương IV - TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Điều khoản chuyển tiếp
...
Điều 12. Điều khoản thi hành
...
PHỤ LỤC BÁO CÁO TÌNH HÌNH QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG TIỀN KÝ QUỸ CẢI TẠO, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC KHOÁNG SẢN TẠI QUỸ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Xem nội dung VB
- Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 7 Điều 2 Nghị định 40/2019/NĐ-CP

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Nghị định số 19/2015/NĐ-CP)
...
7. Sửa đổi ... điểm a khoản 3 ... Điều 10 như sau:
...
b) Sửa đổi điểm a khoản 3 như sau:

“a) Thẩm định, phê duyệt và kiểm tra, xác nhận hoàn thành phương án cải tạo, phục hồi môi trường thuộc thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản;”

Xem nội dung VB
- Điểm này được sửa đổi bởi Điểm c Khoản 7 Điều 2 Nghị định 40/2019/NĐ-CP

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Nghị định số 19/2015/NĐ-CP)
...
7. Sửa đổi ... điểm c ... khoản 5 Điều 10 như sau:
...
c) Sửa đổi điểm c ... khoản 5 như sau:

“c) Lập, trình cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản kiểm tra, xác nhận hoàn thành từng phần hoặc toàn bộ phương án;

Xem nội dung VB
- Điểm này được sửa đổi bởi Điểm c Khoản 7 Điều 2 Nghị định 40/2019/NĐ-CP

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Nghị định số 19/2015/NĐ-CP)
...
7. Sửa đổi ... điểm đ khoản 5 Điều 10 như sau:
...
c) Sửa đổi ... điểm đ khoản 5 như sau:

đ) Báo cáo công tác thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường về cơ quan phê duyệt phương án và cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường tại địa phương trước ngày 31 tháng 01 hàng năm.”

Xem nội dung VB
- Chương này được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 2 Nghị định 40/2019/NĐ-CP

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Nghị định số 19/2015/NĐ-CP)

1. Gộp Chương II, Chương III và sửa đổi tên Chương II như sau:

“Chương II QUẢN LÝ VÀ CẢI THIỆN CHẤT LƯỢNG MÔI TRƯỜNG”

Xem nội dung VB
- Chương này được bổ sung bởi Khoản 12 và Khoản 13 Điều 2 Nghị định 40/2019/NĐ-CP

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Nghị định số 19/2015/NĐ-CP)
...
12. Bổ sung Điều 14a như sau:

“Điều 14a. Chương trình quan trắc và giám sát chất lượng môi trường

1. Việc đánh giá hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường được thực hiện thông qua các chương trình quan trắc môi trường theo thời gian và không gian, cảnh báo sớm các hiện tượng ô nhiễm theo địa bàn, loại hình ô nhiễm và mức độ ô nhiễm.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện các chương trình quan trắc chất lượng môi trường quốc gia gồm chương trình quan trắc chất lượng môi trường tại các lưu vực sông và hồ liên tỉnh, các vùng kinh tế trọng điểm, khu vực tập trung nhiều nguồn thải, có nguồn thải lớn tác động liên tỉnh và quan trắc môi trường xuyên biên giới.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện các chương trình quan trắc chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Điều 12, Điều 13 và Điều 14 Nghị định này.

3. Các chương trình quan trắc môi trường quốc gia và địa phương phải phù hợp với quy hoạch bảo vệ môi trường. Các chương trình quan trắc môi trường quốc gia phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt; các chương trình quan trắc môi trường địa phương cấp tỉnh phải được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Chương trình quan trắc chất lượng môi trường được rà soát, điều chỉnh định kỳ 05 năm hoặc khi có yêu cầu cấp thiết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia và bảo vệ môi trường.

Vị trí quan trắc được lựa chọn và thiết kế phải bảo đảm tính đại diện, đặc trưng của khu vực quan trắc, đánh giá được hiện trạng và giám sát được các tác động của các nguồn phát thải ô nhiễm đối với môi trường cần quan trắc, đáp ứng nhu cầu dữ liệu, thông tin cần thu thập.

4. Quan trắc môi trường phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Kết quả quan trắc môi trường phải được kiểm soát chất lượng, bảo đảm tính đại diện và phản ánh khách quan về chất lượng môi trường tại khu vực quan trắc nhằm cung cấp các thông tin, số liệu tin cậy và kịp thời. Các số liệu quan trắc môi trường phải được kết nối, chia sẻ giữa trung ương và địa phương.

Chỉ các cơ quan có thẩm quyền và cơ quan có trách nhiệm quan trắc chất lượng môi trường theo quy định của pháp luật mới được công bố thông tin về chất lượng môi trường.

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, quy định kỹ thuật về vị trí quan trắc, thông số, tần suất, quy trình, phương pháp quan trắc, bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng trong quan trắc chất lượng môi trường.”

13. Bổ sung Điều 14b như sau:

“Điều 14b. Trách nhiệm quản lý chất lượng môi trường

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường

a) Hướng dẫn kỹ thuật quan trắc chất lượng môi trường; hướng dẫn điều tra, đánh giá, xác định nguyên nhân, loại hình, mức độ, phạm vi ô nhiễm; hướng dẫn cảnh báo khu vực bị ô nhiễm; hướng dẫn xử lý ô nhiễm tồn lưu hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, cải tạo và phục hồi chất lượng môi trường;

b) Tổ chức thực hiện các chương trình quan trắc môi trường quy định tại khoản 2 Điều 14a Nghị định này;

c) Tổng hợp, xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu về chất lượng môi trường quốc gia; thông tin, dữ liệu về khu vực bị ô nhiễm trên phạm vi cả nước;

d) Tổng hợp, công bố thông tin về chất lượng môi trường, khu vực bị ô nhiễm trên phạm vi cả nước.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

a) Tổ chức quan trắc chất lượng môi trường; tổ chức điều tra, đánh giá xác định loại hình, mức độ, phạm vi ô nhiễm trên địa bàn tỉnh; cập nhật số liệu về chất lượng môi trường vào cơ sở dữ liệu quốc gia;

b) Công bố thông tin về diễn biến chất lượng môi trường, các khu vực môi trường bị ô nhiễm trên địa bàn theo quy định của pháp luật;

c) Cảnh báo đối với các khu vực môi trường bị ô nhiễm;

d) Tổ chức xử lý ô nhiễm, cải tạo và phục hồi chất lượng môi trường các khu vực bị ô nhiễm trên địa bàn thuộc trách nhiệm xử lý của nhà nước;

đ) Định kỳ báo cáo tình hình ô nhiễm, công tác xử lý ô nhiễm, cải tạo và phục hồi chất lượng môi trường cho Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 01 hàng năm.”

Xem nội dung VB
- Điều này bị thay thế bởi Khoản 8 Điều 2 Nghị định 40/2019/NĐ-CP

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Nghị định số 19/2015/NĐ-CP)
...
8. Thay thế Điều 11 như sau:

“Điều 11. Quản lý chất lượng môi trường

1. Các thành phần môi trường đất, nước, không khí phải được đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng; khu vực bị ô nhiễm phải được cảnh báo kịp thời.

2. Số liệu quan trắc, đánh giá về chất lượng môi trường phải được kết nối, chia sẻ đối với tất cả các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường trong phạm vi cả nước thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về chất lượng môi trường.”

Xem nội dung VB
- Điều này bị thay thế bởi Khoản 9 Điều 2 Nghị định 40/2019/NĐ-CP

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Nghị định số 19/2015/NĐ-CP)
...
9. Thay thế Điều 12 như sau:

“Điều 12. Quản lý chất lượng môi trường nước mặt, trầm tích đáy

1. Các vùng biển, vùng biển ven bờ, dòng sông, đoạn sông, ao, hồ, kênh, rạch phải được đánh giá hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường nước mặt, trầm tích đáy.

2. Các thông số môi trường nước và trầm tích đáy cơ bản cần được đánh giá tối thiểu bao gồm các thông số quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước mặt, nước biển, trầm tích.

Căn cứ vào các nguồn phát thải trong khu vực, phải bổ sung thêm các thông số đặc trưng khác để đánh giá tác động của các nguồn thải đến chất lượng môi trường nước.

3. Căn cứ kết quả đánh giá chất lượng môi trường, các vùng biển, vùng biển ven bờ, dòng sông, đoạn sông, suối, ao, hồ, kênh, rạch bị ô nhiễm phải được cảnh báo mức độ ô nhiễm, xác định nguyên nhân và có biện pháp xử lý, cải tạo và phục hồi chất lượng môi trường.

4. Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường nước mặt, trầm tích đáy phải có trách nhiệm cải tạo, phục hồi môi trường.”

Xem nội dung VB
Điều 121. Hoạt động quan trắc môi trường
...

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành danh mục và hướng dẫn thực hiện quan trắc chất phát thải đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ảnh hưởng đến môi trường

Xem nội dung VB
- Quy định tại Khoản 3 và 4 của Điều này được hướng dẫn bởi Thông tư 30/2016/TT-BTNMT (VB hết hiệu lực: 15/02/2020)

Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
...
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư về quản lý, cải tạo và phục hồi môi trường khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu.
...
Chương I - QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Giải thích từ ngữ
...
Chương II - PHÂN LOẠI, CẢI TẠO VÀ PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG KHU VỰC ĐẤT BỊ Ô NHIỄM TỒN LƯU

Mục 1. PHÂN LOẠI KHU VỰC ĐẤT BỊ Ô NHIỄM TỒN LƯU

Điều 4. Nguyên tắc và tiêu chí phân loại khu vực bị ô nhiễm
...
Điều 5. Phân loại khu vực bị ô nhiễm
...
Mục 2. ĐIỀU TRA, ĐÁNH GIÁ KHU VỰC ĐẤT BỊ Ô NHIỄM TỒN LƯU

Điều 6. Điều tra, đánh giá sơ bộ khu vực có khả năng bị ô nhiễm
...
Điều 7. Điều tra, đánh giá chi tiết khu vực bị ô nhiễm
...
Mục 3. QUẢN LÝ, CẢI TẠO VÀ PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG; KIỂM TRA, XÁC NHẬN HOÀN THÀNH CẢI TẠO VÀ PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG KHU VỰC ĐẤT BỊ Ô NHIỄM TỒN LƯU

Điều 8. Nguyên tắc quản lý, cải tạo và phục hồi môi trường khu vực bị ô nhiễm
...
Điều 9. Kiểm soát khu vực bị ô nhiễm
...
Điều 10. Lập phương án xử lý ô nhiễm
...
Điều 11. Thẩm định, phê duyệt phương án xử lý ô nhiễm
...
Điều 12. Hoạt động của Hội đồng thẩm định phương án xử lý ô nhiễm
...
Điều 13. Thực hiện phương án xử lý ô nhiễm
...
Điều 14. Kiểm tra, xác nhận hoàn thành cải tạo và phục hồi môi trường
...
Chương III - TRÁCH NHIỆM VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Trách nhiệm của Tổng cục Môi trường
...
Điều 16. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
...
Điều 17. Hiệu lực thi hành
...
Điều 18. Trách nhiệm thi hành
...
PHỤ LỤC 1 - DANH MỤC VÀ MỨC ĐỘ NGUY HẠI CỦA CÁC CHẤT GÂY Ô NHIỄM TỒN LƯU
...
PHỤ LỤC 2 - HƯỚNG DẪN ĐIỀU TRA, ĐÁNH GIÁ SƠ BỘ KHU VỰC CÓ KHẢ NĂNG BỊ Ô NHIỄM
...
PHỤ LỤC 3 - HƯỚNG DẪN ĐIỀU TRA, ĐÁNH GIÁ CHI TIẾT KHU VỰC ĐẤT BỊ Ô NHIỄM TỒN LƯU
...
PHỤ LỤC 4 - PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH ĐIỂM TRỌNG SỐ
...
PHỤ LỤC 5 - MẪU VĂN BẢN ĐỀ NGHỊ THẨM ĐỊNH PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ, CẢI TẠO VÀ PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG
...
PHỤ LỤC 6 - MẪU CẤU TRÚC VÀ NỘI DUNG PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ, CẢI TẠO VÀ PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG
...
PHỤ LỤC 7 - MẪU QUYẾT ĐỊNH PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ, CẢI TẠO VÀ PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG
...
PHỤ LỤC 8 - MẪU VĂN BẢN ĐỀ NGHỊ XÁC NHẬN HOÀN THÀNH CẢI TẠO VÀ PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG KHU VỰC BỊ Ô NHIỄM
...
PHỤ LỤC 9 - MẪU BÁO CÁO HOÀN THÀNH CẢI TẠO VÀ PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG KHU VỰC BỊ Ô NHIỄM
...
PHỤ LỤC 10 - MẪU QUYẾT ĐỊNH PHÊ DUYỆT HOÀN THÀNH CẢI TẠO VÀ PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG KHU VỰC BỊ Ô NHIỄM

Xem nội dung VB
- Điều này bị thay thế bởi Khoản 10 Điều 2 Nghị định 40/2019/NĐ-CP

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Nghị định số 19/2015/NĐ-CP)
...
10. Thay thế Điều 13 như sau:

“Điều 13. Quản lý chất lượng môi trường không khí xung quanh

1. Các đô thị loại II trở lên, khu dân cư tập trung, khu vực có khu công nghiệp, làng nghề, khu vực có nhiều nguồn khí thải, có nguồn khí thải lớn phải được đánh giá hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường không khí xung quanh.

2. Chất lượng môi trường không khí xung quanh phải được đánh giá các thông số quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí.

Căn cứ vào các nguồn phát thải trong khu vực, phải bổ sung thêm các thông số đặc trưng khác để đánh giá tác động của các nguồn thải đến chất lượng môi trường không khí xung quanh.

3. Căn cứ vào kết quả đánh giá, các khu vực không khí xung quanh bị ô nhiễm phải được cảnh báo, xác định nguyên nhân và có biện pháp xử lý ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường.

4. Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường không khí xung quanh phải có trách nhiệm xử lý, cải tạo và phục hồi chất lượng môi trường.”

Xem nội dung VB
- Điều này bị thay thế bởi Khoản 11 Điều 2 Nghị định 40/2019/NĐ-CP

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Nghị định số 19/2015/NĐ-CP)
...
11. Thay thế Điều 14 như sau:

“Điều 14. Quản lý chất lượng môi trường đất

1. Các khu vực bị nhiễm độc hóa chất trong chiến tranh; khu vực có khu công nghiệp, nhà máy sản xuất, kho chứa hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, bãi chôn lấp chất thải, làng nghề đã đóng cửa hoặc di dời; khu vực khai thác khoáng sản độc hại đã kết thúc khai thác; vùng canh tác nông nghiệp sử dụng nhiều hóa chất phải được đánh giá, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường đất, ô nhiễm tồn lưu hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật.

2. Các thông số môi trường đất cơ bản cần theo dõi, đánh giá tối thiểu bao gồm các thông số quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đất.

Căn cứ vào các nguồn phát thải trong khu vực, phải bổ sung thêm các thông số đặc trưng khác để theo dõi, đánh giá tác động của các nguồn thải đến môi trường đất.

3. Căn cứ vào kết quả điều tra, đánh giá, khu vực môi trường bị ô nhiễm phải được cảnh báo, xác định nguyên nhân và thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm, cải tạo và phục hồi chất lượng môi trường.

4. Quy trình xử lý ô nhiễm tồn lưu hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, cải tạo và phục hồi môi trường đất được thực hiện như sau:

a) Điều tra, đánh giá, xác định loại hình, mức độ và phạm vi ô nhiễm tồn lưu hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật;

b) Phân loại mức độ ô nhiễm tồn lưu hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật theo mức độ ô nhiễm cao, ô nhiễm trung bình, ô nhiễm thấp;

c) Công bố thông tin về chất lượng môi trường đất và cảnh báo khu vực bị ô nhiễm tồn lưu hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật;

d) Lập phương án xử lý ô nhiễm và tiến hành xử lý ô nhiễm, cải tạo và phục hồi chất lượng môi trường;

đ) Quan trắc và giám sát sau xử lý ô nhiễm, cải tạo và phục hồi chất lượng môi trường đất.

5. Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường đất phải có trách nhiệm cải tạo, phục hồi môi trường.”

Xem nội dung VB
Điều 70. Bảo vệ môi trường làng nghề
...

3. Cơ sở sản xuất không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 68 của Luật này;

b) Tuân thủ kế hoạch di dời, chuyển đổi ngành nghề sản xuất theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Xem nội dung VB
- Điều kiện bảo vệ môi trường làng nghề được hướng dẫn bởi Điều 12 Thông tư 31/2016/TT-BTNMT

Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
...
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
...
Điều 12. Điều kiện về bảo vệ môi trường làng nghề

1. Có phương án bảo vệ môi trường làng nghề theo mẫu tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.

2. Các cơ sở hoạt động trong làng nghề phải:

a) Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc có báo cáo về các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 17 Thông tư này (trừ đối tượng quy định tại mục 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9, 10, 11 Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường, sau đây viết tắt là Nghị định số 18/2015/NĐ-CP) hoặc hồ sơ, thủ tục tương đương;

b) Thực hiện các biện pháp thu gom, xử lý nước thải (trong trường hợp không xử lý tập trung), khí thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường tương ứng; phân loại chất thải rắn, chuyển cho đơn vị thu gom theo đúng quy định.

3. Có hạ tầng về bảo vệ môi trường làng nghề, bao gồm:

a) Hệ thống thu gom nước thải, nước mưa bảo đảm nhu cầu tiêu thoát nước của làng nghề, không để xảy ra hiện tượng tắc nghẽn, tù đọng nước thải và ngập úng;

b) Hệ thống xử lý nước thải tập trung (nếu có) bảo đảm công suất xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường tương ứng đối với tổng lượng nước thải phát sinh từ làng nghề trước khi thải ra nguồn tiếp nhận;

c) Điểm tập kết chất thải rắn hợp vệ sinh; khu xử lý chất thải rắn bảo đảm quy định về quản lý chất thải rắn hoặc phương án vận chuyển chất thải rắn đến khu xử lý chất thải rắn nằm ngoài địa bàn.

4. Có tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường với các điều kiện sau:

a) Có quyết định thành lập và quy chế hoạt động do Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành;

b) Được trang bị phương tiện và bảo hộ lao động đầy đủ.

5. Làng nghề phải đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định tại Khoản 1, 2, 3 và Khoản 4 Điều này để được xem xét, công nhận làng nghề.

6. Đối với làng nghề đã được công nhận làng nghề trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành nhưng chưa đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định tại Khoản 1, 2, 3 và Khoản 4 Điều này thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện việc khắc phục.

Xem nội dung VB
- Phương án bảo vệ môi trường và báo cáo bảo vệ môi trường được hướng dẫn bởi Chương V và Điều 27 Thông tư 31/2016/TT-BTNMT

Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
...
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
...
Chương V PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 21. Đối tượng và thời điểm lập phương án bảo vệ môi trường
...
Điều 22. Nội dung phương án bảo vệ môi trường
...
Điều 23. Phê duyệt phương án bảo vệ môi trường làng nghề
...
Điều 24. Trách nhiệm thực hiện phương án bảo vệ môi trường
...
Điều 27. Lưu giữ, báo cáo, công bố thông tin và dữ liệu quan trắc môi trường

Xem nội dung VB
- Chương này được sửa đổi bởi Khoản 14 Điều 2 Nghị định 40/2019/NĐ-CP

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Nghị định số 19/2015/NĐ-CP)
...
14. Gộp Chương V với Chương VI và sửa đổi tên như sau:

“Chương V BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, KINH DOANH, DỊCH VỤ”

Xem nội dung VB
- Điều này được sửa đổi bởi Khoản 15 Điều 2 Nghị định 40/2019/NĐ-CP

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Nghị định số 19/2015/NĐ-CP)
...
15. Sửa đổi, bổ sung Điều 22 như sau:

“Điều 22. Yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng

1. Dự án xây dựng cơ sở phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2. Yêu cầu về điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, nhân lực cho bảo vệ môi trường đối với cơ sở phá dỡ tàu biển:

a) Có khu vực và thiết bị phá dỡ tàu biển chuyên dụng phù hợp với từng chủng loại và tải trọng tàu, bảo đảm không để rò rỉ, phát tán các chất độc hại chưa qua xử lý, quản lý ra bên ngoài khu vực phá dỡ gây ô nhiễm môi trường nước, đất và không khí;

b) Có khu vực lưu giữ vật liệu, thiết bị sau khi phá dỡ có cao độ nền bảo đảm không bị ngập lụt; sàn bảo đảm kín khít, không rạn nứt, bằng vật liệu chống thấm, đủ độ bền chịu được tải trọng của lượng vật liệu, thiết bị cao nhất theo tính toán. Trường hợp sử dụng bãi lưu giữ phải có hệ thống thu gom và xử lý nước mưa chảy tràn bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

c) Có khu vực lưu giữ chất thải nguy hại; khu vực lưu giữ chất thải rắn thông thường phát sinh trong quá trình phá dỡ tàu biển bảo đảm các yêu cầu theo quy định;

d) Có phương tiện, thiết bị, hạng mục công trình tiếp nhận, thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý, quản lý chất thải phát sinh từ quá trình phá dỡ tàu biển bảo đảm các quy định pháp luật về môi trường và quy chuẩn kỹ thuật môi trường có liên quan.

3. Yêu cầu về quy trình bóc tách, thu gom và phân loại một số chất thải đặc thù phát sinh từ hoạt động phá dỡ tàu biển:

Cơ sở phá dỡ tàu biển phải có các quy trình, công nghệ phá dỡ phù hợp với từng chủng loại và tải trọng tàu bảo đảm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và phải có các công đoạn bảo đảm an toàn sau:

a) Tiến hành điều tra, xác định tình trạng tàu biển đã qua sử dụng được phá dỡ: phải điều tra tất cả các khoang, bể chứa và các khu vực lưu giữ trên tàu để xác định khu vực có thể chứa chất nguy hại như nhiên liệu, dầu, amiăng, PCBs, chì, chất thải phóng xạ và các chất nguy hại khác cần phải loại bỏ. Xác định tình trạng của con tàu và các mối nguy hiểm mà người lao động có thể gặp phải trong quá trình phá dỡ;

b) Thu gom nhiên liệu, dầu, nước đáy tàu, nước dằn tàu, chất lỏng khác và các vật liệu có khả năng gây cháy, nổ. Tiến hành các biện pháp thông gió, cấp đủ dưỡng khí cho các không gian kín trên tàu (như khoang chứa hàng, đáy đôi, bồn két chứa) để bảo đảm điều kiện làm việc an toàn. Quá trình này phải được thực hiện trong suốt toàn bộ quá trình phá dỡ;

c) Bóc tách amiăng và PCBs: Trước khi cắt con tàu thành các phần, phải bóc tách, thu gom, vận chuyển amiăng, PCBs khỏi vị trí cắt. Sau khi các phần của con tàu được đưa lên bờ, phải tiếp tục thu gom toàn bộ phần amiăng và PCBs còn lại khi đã dễ dàng tiếp cận hơn. Khu vực bóc tách và thu gom amiăng cần được quây kín để giảm phát tán các sợi amiăng ra môi trường xung quanh, người không phận sự miễn vào. Amiăng phải được làm ẩm trước và trong suốt quá trình bóc tách. Phải bố trí tối thiểu 02 lao động được trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động để loại bỏ amiăng, trong đó 01 người chịu trách nhiệm làm ẩm và 01 người bóc tách amiăng. Khu vực bóc tách amiăng trên bờ phải được bố trí ở khu vực riêng biệt với quy trình tương tự;

d) Trước và trong quá trình phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng, chủ cơ sở phá dỡ tàu biển có trách nhiệm cảnh báo nguy cơ phát sinh các chất độc hại và niêm yết tại các bảng thông báo có vị trí dễ đọc, dễ tiếp cận. Chủ cơ sở phá dỡ tàu biển phải trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động cho công nhân theo đúng quy định.

4. Yêu cầu về quản lý chất thải và phế liệu trong hoạt động phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng:

Ngoài việc quản lý chất thải và phế liệu phát sinh từ quá trình phá dỡ tàu biển theo đúng quy định pháp luật về quản lý chất thải và phế liệu hiện hành, chủ cơ sở phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng phải thực hiện các biện pháp sau:

a) Dầu và nhiên liệu phải được bơm về các bồn hoặc thùng chứa riêng (không trộn lẫn), sau đó chuyển về khu vực lưu giữ và chuyển giao để xử lý theo đúng quy định;

b) Amiăng sau khi bóc tách phải được đựng trong các bao bì chuyên dụng kín, có ít nhất 02 lớp, sau đó vận chuyển về kho lưu giữ chất thải nguy hại và chuyển giao để xử lý theo đúng quy định;

c) Chất thải lỏng có chứa PCBs phải được lưu chứa trong các bao bì cứng hoặc thiết bị lưu chứa đặt trên các tâm nâng và không cho phép xếp chồng lên nhau. Khu vực lưu giữ chất thải chứa PCBs (dạng rắn và dạng lỏng) phải được cách ly với các chất thải khác và bảo đảm an toàn, sau đó chuyển giao để xử lý theo đúng quy định;

d) Đối với vật liệu phi kim được bóc tách ra từ kim loại phải được phân định, phân loại và xử lý theo quy định về quản lý chất thải và phế liệu;

đ) Chất thải phóng xạ phát sinh từ quá trình phá dỡ phải được thu gom, lưu giữ, xử lý và quản lý theo đúng quy định về quản lý chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng;

e) Sau khi hoàn thành việc phá dỡ con tàu biển, trong thời hạn không quá 45 ngày, cơ sở phải chuyển giao toàn bộ chất thải nguy hại cho đơn vị có chức năng và năng lực để xử lý theo quy định.

5. Cơ sở hoạt động phá dỡ tàu biển phải áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 14001.

6. Chủ cơ sở hoạt động phá dỡ tàu biển đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường cho hoạt động phá dỡ từng tàu biển trình cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh xác nhận.”

Xem nội dung VB
- Điểm này bị bãi bỏ bởi Điều 5 Nghị định 136/2018/NĐ-CP

Điều 5. Bãi bỏ điểm d khoản 5 Điều 22 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Xem nội dung VB
- Điều này được bổ sung bởi Điểm b Khoản 16 Điều 2 Nghị định 40/2019/NĐ-CP

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Nghị định số 19/2015/NĐ-CP)
...
16. ... bổ sung khoản 5 Điều 24 như sau:

b) ... bổ sung khoản 5 như sau:

5. Trách nhiệm của chủ cơ sở phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng:

a) Thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường đối với cơ sở phá dỡ tàu biển;

b) Định kỳ báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt cơ sở phá dỡ trước ngày 31 tháng 01 của năm tiếp theo về công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng theo quy định tại Phụ lục IV Mục II Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.”

Xem nội dung VB
- Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 16 Điều 2 Nghị định 40/2019/NĐ-CP

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Nghị định số 19/2015/NĐ-CP)
...
16. Sửa đổi khoản 1 ... Điều 24 như sau:

a) Sửa đổi khoản 1 như sau:

“1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:

a) Hướng dẫn công tác bảo vệ môi trường đối với hoạt động phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng;

b) Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các hoạt động phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng tại các cơ sở theo quy định của pháp luật.”

Xem nội dung VB
- Khoản này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 16 Điều 2 Nghị định 40/2019/NĐ-CP

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Nghị định số 19/2015/NĐ-CP)
...
16. Sửa đổi khoản 4 ... Điều 24 như sau:

b) Sửa đổi khoản 4 ... như sau:

“4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:

a) Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động của các cơ sở phá dỡ tàu biển theo quy định của pháp luật;

b) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở phá dỡ tàu biển.

Xem nội dung VB
- Chương này được sửa đổi bởi Khoản 14 Điều 2 Nghị định 40/2019/NĐ-CP

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Nghị định số 19/2015/NĐ-CP)
...
14. Gộp Chương V với Chương VI và sửa đổi tên như sau:

“Chương V BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, KINH DOANH, DỊCH VỤ”

Xem nội dung VB
- Tên mục này bị hủy bỏ bởi Khoản 17 Điều 2 Nghị định 40/2019/NĐ-CP

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Nghị định số 19/2015/NĐ-CP)
...
17. Bỏ tên Mục 1 ... Chương VI.

Xem nội dung VB
- Điều này được sửa đổi bởi Khoản 18 Điều 2 Nghị định 40/2019/NĐ-CP

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Nghị định số 19/2015/NĐ-CP)
...
18. Sửa đổi, bổ sung Điều 25 như sau:

“Điều 25. Đối tượng, thời hạn hoàn thành hệ thống quản lý môi trường

1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã đi vào hoạt động thuộc các loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường quy định tại Phụ lục IIa Mục I Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này, đồng thời thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường phải có hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 14001.

2. Thời hạn hoàn thành hệ thống quản lý môi trường đối với các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện như sau:

a) Trong thời hạn 02 năm kể từ ngày dự án đi vào vận hành;

b) Trước ngày 31 tháng 12 năm 2020 đối với các cơ sở đang hoạt động.”

PHỤ LỤC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ PHỤ LỤC CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 18/2015/NĐ-CP NGÀY 14 THÁNG 02 NĂM 2015 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ QUY HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC, ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG VÀ KẾ HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG; NGHỊ ĐỊNH SỐ 19/2015/NĐ-CP NGÀY 14 THÁNG 02 NĂM 2015 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ NGHỊ ĐỊNH 38/2015/NĐ-CP NGÀY 24 THÁNG 4 NĂM 2015 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI VÀ PHẾ LIỆU

Mục I. SỬA ĐỔI, BỔ SUNG CÁC PHỤ LỤC CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 18/2015/NĐ-CP NGÀY 14 THÁNG 02 NĂM 2015 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ QUY HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC, ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG VÀ KẾ HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

PHỤ LỤC IIa DANH MỤC CÁC LOẠI HÌNH SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP CÓ NGUY CƠ GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG

...
(Xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Xem nội dung VB
- Điều này bị bãi bỏ bởi Khoản 2 Điều 6 Nghị định 40/2019/NĐ-CP

Điều 6. Hiệu lực thi hành
...
2. Nghị định này bãi bỏ: ... Điều 26 ... Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường;

Xem nội dung VB
- Điều này bị bãi bỏ bởi Khoản 2 Điều 6 Nghị định 40/2019/NĐ-CP

Điều 6. Hiệu lực thi hành
...
2. Nghị định này bãi bỏ: ... Điều 27 ... Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường;

Xem nội dung VB
- Điều này bị bãi bỏ bởi Khoản 2 Điều 6 Nghị định 40/2019/NĐ-CP

Điều 6. Hiệu lực thi hành
...
2. Nghị định này bãi bỏ: ... Điều 28 ... Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường;

Xem nội dung VB
- Điều này bị bãi bỏ bởi Khoản 2 Điều 6 Nghị định 40/2019/NĐ-CP

Điều 6. Hiệu lực thi hành
...
2. Nghị định này bãi bỏ: ... Điều 29 ... Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường;

Xem nội dung VB
- Điều này bị bãi bỏ bởi Khoản 2 Điều 6 Nghị định 40/2019/NĐ-CP

Điều 6. Hiệu lực thi hành
...
2. Nghị định này bãi bỏ: ... Điều 30 ... Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường;

Xem nội dung VB
- Tên mục này bị hủy bỏ bởi Khoản 17 Điều 2 Nghị định 40/2019/NĐ-CP

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Nghị định số 19/2015/NĐ-CP)
...
17. Bỏ tên ... Mục 2 ... Chương VI.

Xem nội dung VB
- Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 19 Điều 2 Nghị định 40/2019/NĐ-CP

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Nghị định số 19/2015/NĐ-CP)
...
19. Sửa đổi khoản 2 Điều 31 như sau:

“2. Danh mục đối tượng phải mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường quy định tại Phụ lục II Mục II Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này mà không thuộc Danh mục quy định tại Phụ lục II Mục II Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này được lựa chọn mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường hoặc trích lập quỹ dự phòng rủi ro theo quy định của pháp luật.”
...
PHỤ LỤC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ PHỤ LỤC CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 18/2015/NĐ-CP NGÀY 14 THÁNG 02 NĂM 2015 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ QUY HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC, ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG VÀ KẾ HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG; NGHỊ ĐỊNH SỐ 19/2015/NĐ-CP NGÀY 14 THÁNG 02 NĂM 2015 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ NGHỊ ĐỊNH 38/2015/NĐ-CP NGÀY 24 THÁNG 4 NĂM 2015 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI VÀ PHẾ LIỆU
...
Mục II SỬA ĐỔI, BỔ SUNG CÁC PHỤ LỤC CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 19/2015/NĐ-CP NGÀY 14 THÁNG 02 NĂM 2015 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Phụ lục II DANH MỤC ĐỐI TƯỢNG PHẢI MUA BẢO HIỂM TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VỀ MÔI TRƯỜNG
...
(Xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Xem nội dung VB
- Khoản này được hướng dẫn bởi Thông tư 86/2016/TT-BTC

Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung về Quỹ dự phòng rủi ro, bồi thường thiệt hại về môi trường theo quy định tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường.
...
Chương I - QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Giải thích từ ngữ
...
Chương II - TRÍCH LẬP VÀ SỬ DỤNG QUỸ DỰ PHÒNG RỦI RO, BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VỀ MÔI TRƯỜNG

Điều 4. Nguyên tắc trích lập, nguồn hình thành, thời điểm trích lập và quản lý Quỹ
...
Điều 5. Mức trích lập
...
Điều 6. Mục đích sử dụng Quỹ
...
Điều 7. Hạch toán kế toán
...
Điều 8. Báo cáo quyết toán
...
Điều 9. Kiểm tra thực hiện trích lập và sử dụng Quỹ
...
Chương III - TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành
...
PHỤ LỤC SỐ 01 BÁO CÁO TÌNH HÌNH TRÍCH LẬP VÀ SỬ DỤNG QUỸ DỰ PHÒNG RỦI RO, BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VỀ MÔI TRƯỜNG

Xem nội dung VB
- Tên mục này bị hủy bỏ bởi Khoản 17 Điều 2 Nghị định 40/2019/NĐ-CP

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Nghị định số 19/2015/NĐ-CP)
...
17. Bỏ tên ... Mục 3 Chương VI.

Xem nội dung VB
- Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 20 Điều 2 Nghị định 40/2019/NĐ-CP

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Nghị định số 19/2015/NĐ-CP)
...
20. Sửa đổi khoản 4 Điều 33 như sau:

“4. Cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là cơ sở có hành vi vi phạm quy định về xả nước thải, thải bụi, khí thải, gây ô nhiễm tiếng ồn, độ rung vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải hoặc chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn, chất thải nguy hại trái quy định về bảo vệ môi trường, đến mức bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động theo quy định của Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.”

Xem nội dung VB
- Điều này bị bãi bỏ bởi Khoản 2 Điều 6 Nghị định 40/2019/NĐ-CP

Điều 6. Hiệu lực thi hành
...
2. Nghị định này bãi bỏ: ... Điều 34 ... Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường;

Xem nội dung VB
- Điều này bị bãi bỏ bởi Khoản 2 Điều 6 Nghị định 40/2019/NĐ-CP

Điều 6. Hiệu lực thi hành
...
2. Nghị định này bãi bỏ: ... Điều 35 ... Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường;

Xem nội dung VB
- Điều này bị bãi bỏ bởi Khoản 2 Điều 6 Nghị định 40/2019/NĐ-CP

Điều 6. Hiệu lực thi hành
...
2. Nghị định này bãi bỏ: ... Điều 36 ... Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường;

Xem nội dung VB
- Chương này được bổ sung bởi Khoản 24 Điều 2 Nghị định 40/2019/NĐ-CP

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Nghị định số 19/2015/NĐ-CP)
...
24. Bổ sung Điều 49a như sau:

“Điều 49a. Tổ chức và hoạt động của quỹ bảo vệ môi trường

1. Việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo vệ môi trường được thực hiện theo quy định tại Điều 149 Luật bảo vệ môi trường.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn tổ chức và hoạt động của quỹ bảo vệ môi trường địa phương.”

Xem nội dung VB
- Trình tự, thủ tục hỗ trợ vốn đầu tư thiết bị của dự án triển khai ứng dụng sáng chế bảo vệ môi trường được hướng dẫn bởi Thông tư 12/2017/TT-BTC

Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn trình tự, thủ tục hỗ trợ vốn đầu tư thiết bị của dự án triển khai ứng dụng sáng chế bảo vệ môi trường quy định tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường.
...
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
...
Điều 2. Đối tượng hỗ trợ, điều kiện hỗ trợ, mức vốn hỗ trợ
...
Điều 3. Cơ quan hỗ trợ vốn
...
Điều 4. Nguồn vốn hỗ trợ
...
Điều 5. Hình thức hỗ trợ
...
Điều 6. Lập kế hoạch vốn hỗ trợ
...
Điều 7. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ vốn
...
Điều 8. Trình tự, thủ tục hỗ trợ vốn
...
Điều 9. Các trường hợp từ chối hỗ trợ vốn
...
Điều 10. Xử lý chênh lệch nguồn vốn hỗ trợ
...
Điều 11. Báo cáo
...
Điều 12. Kiểm tra
...
Điều 13. Điều khoản thi hành

Xem nội dung VB
- Khoản này được hướng dẫn bởi Thông tư 12/2017/TT-BTC

Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn trình tự, thủ tục hỗ trợ vốn đầu tư thiết bị của dự án triển khai ứng dụng sáng chế bảo vệ môi trường quy định tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường.
...
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
...
Điều 2. Đối tượng hỗ trợ, điều kiện hỗ trợ, mức vốn hỗ trợ
...
Điều 3. Cơ quan hỗ trợ vốn
...
Điều 4. Nguồn vốn hỗ trợ
...
Điều 5. Hình thức hỗ trợ
...
Điều 6. Lập kế hoạch vốn hỗ trợ
...
Điều 7. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ vốn
...
Điều 8. Trình tự, thủ tục hỗ trợ vốn
...
Điều 9. Các trường hợp từ chối hỗ trợ vốn
...
Điều 10. Xử lý chênh lệch nguồn vốn hỗ trợ
...
Điều 11. Báo cáo
...
Điều 12. Kiểm tra
...
Điều 13. Điều khoản thi hành

Xem nội dung VB
- Việc vay vốn ưu đãi từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam được hướng dẫn bởi Thông tư 03/2017/TT-BTNMT

Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
...
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư hướng dẫn cho vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.

Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Giải thích từ ngữ
...
Điều 4. Nguyên tắc vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư
...
Điều 5. Đồng tiền cho vay, trả nợ, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư
...
Chương II. CHO VAY VỚI LÃI SUẤT ƯU ĐÃI

Điều 6. Mức vốn vay, mục đích sử dụng vốn vay
...
Điều 7. Mức tiền cho vay trên giá trị tài sản thế chấp, cầm cố, bảo lãnh
...
Điều 8. Thời hạn vay, thời hạn ân hạn
...
Điều 9. Lãi suất
...
Điều 10. Bảo đảm tiền vay
...
Điều 11. Hồ sơ vay vốn
...
Điều 12. Tiếp nhận, xử lý hồ sơ vay vốn
...
Điều 13. Thẩm định hồ sơ vay vốn
...
Điều 14. Hợp đồng tín dụng đầu tư bảo vệ môi trường
...
Điều 15. Giải ngân vốn vay tạm ứng
...
Điều 16. Giải ngân vốn vay thanh toán
...
Điều 17. Quá trình giải ngân vốn vay
...
Điều 18. Thu nợ
...
Điều 19. Phân loại nợ
...
Điều 20. Trích lập dự phòng
...
Điều 21. Xử lý rủi ro
...
Điều 22. Sử dụng Quỹ dự phòng để xử lý rủi ro
...
Chương III. HỖ TRỢ LÃI SUẤT SAU ĐẦU TƯ

Điều 23. Mức hỗ trợ lãi suất sau đầu tư
...
Điều 25. Hồ sơ hỗ trợ lãi suất sau đầu tư
...
Điều 26. Tiếp nhận, xử lý hồ sơ hỗ trợ lãi suất sau đầu tư
...
Điều 27. Thẩm định hồ sơ hỗ trợ lãi suất sau đầu tư
...
Điều 28. Quyết định hỗ trợ lãi suất sau đầu tư
...
Điều 29. Giải ngân vốn hỗ trợ lãi suất sau đầu tư
...
Chương IV. QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA QUỸ BVMTVN VÀ CHỦ ĐẦU TƯ

Điều 30. Quyền và nghĩa vụ của Quỹ BVMTVN
...
Điều 31. Quyền và nghĩa vụ của Chủ đầu tư\
...
Chương V. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 32. Điều khoản chuyển tiếp
...
Điều 33. Hiệu lực thi hành
...
Mẫu số 01: Giấy đề nghị vay vốn với lãi suất ưu đãi
...
Mẫu số 02: Giấy đề nghị giải ngân vốn vay tạm ứng
...
Mẫu số 03: Giấy đề nghị giải ngân vốn vay thanh toán
...
Mẫu số 04: Giấy đề nghị hỗ trợ lãi suất sau đầu tư

Xem nội dung VB
- Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 21 Điều 2 Nghị định 40/2019/NĐ-CP

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Nghị định số 19/2015/NĐ-CP)
...
21. Sửa đổi khoản 7 Điều 42 như sau:

“7. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc cho vay vốn và thực hiện hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, bảo lãnh tín dụng đầu tư đối với các dự án vay vốn; tài trợ, đồng tài trợ và hỗ trợ khác cho các hoạt động bảo vệ môi trường từ Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn việc cho vay vốn và thực hiện hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, bảo lãnh tín dụng đầu tư đối với các dự án vay vốn; tài trợ, đồng tài trợ và hỗ trợ khác cho các hoạt động bảo vệ môi trường của tỉnh từ quỹ bảo vệ môi trường địa phương.”

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 212/2015/TT-BTC

Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động bảo vệ môi trường quy định tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
...
Điều 3. Về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp

1. Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại Thông tư này được áp dụng đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới:

a) Xử lý nước thải sinh hoạt tập trung có công suất thiết kế từ 2.500m3 nước thải trở lên trong một ngày đêm đối với khu vực đô thị từ loại IV trở lên.

b) Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn thông thường tập trung.

c) Xử lý, cải tạo các khu vực môi trường bị ô nhiễm tại các khu vực công cộng.

d) Ứng cứu, xử lý sự cố tràn dầu, sự cố hóa chất và sự cố môi trường khác.

đ) Xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường các khu, cụm công nghiệp làng nghề.

e) Dịch vụ hỏa táng, điện táng.

g) Giám định thiệt hại về môi trường; giám định sức khỏe môi trường; giám định về môi trường đối với hàng hóa, máy móc, thiết bị, công nghệ.

h) Sản xuất ứng dụng sáng chế bảo vệ môi trường được nhà nước bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.

i) Sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường gắn Nhãn xanh Việt Nam; sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận.

k) Sản xuất xăng, nhiên liệu diezen và nhiên liệu sinh học được chứng nhận hợp quy; than sinh học; năng lượng từ sử dụng sức gió, ánh sáng mặt trời, thủy triều, địa nhiệt và các dạng năng lượng tái tạo khác.

l) Sản xuất máy móc, thiết bị, phương tiện chuyên dùng sử dụng trực tiếp trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; quan trắc và phân tích môi trường; sản xuất năng lượng tái tạo; xử lý ô nhiễm môi trường; ứng phó, xử lý sự cố môi trường.

2. Về mức ưu đãi:

a) Về thuế suất:

Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới quy định tại khoản 1 Điều này được áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm.

Trường hợp dự án đầu tư có quy mô lớn và công nghệ cao hoặc mới cần đặc biệt thu hút đầu tư thì thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi 10% có thể kéo dài thêm nhưng tổng thời gian áp dụng thuế suất 10% không quá 30 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Trường hợp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong suốt thời gian hoạt động đối với phần thu nhập từ thực hiện hoạt động xã hội hóa.

Thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi được tính liên tục từ năm đầu tiên doanh nghiệp có doanh thu từ dự án đầu tư.

b) Về miễn, giảm thuế:

Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới quy định tại khoản 1 Điều này được miễn thuế 04 năm, được giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo.

Thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính liên tục từ năm đầu tiên doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư mới được hưởng ưu đãi thuế. Trường hợp doanh nghiệp không có thu nhập chịu thuế trong ba năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu từ dự án đầu tư mới thì thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư dự án đầu tư mới phát sinh doanh thu.

Năm miễn thuế, giảm thuế xác định phù hợp với kỳ tính thuế. Thời điểm bắt đầu tính thời gian miễn thuế, giảm thuế tính liên tục kể từ kỳ tính thuế đầu tiên doanh nghiệp bắt đầu có thu nhập chịu thuế (chưa trừ số lỗ các kỳ tính thuế trước chuyển sang).

Trường hợp, trong kỳ tính thuế đầu tiên có thu nhập chịu thuế mà dự án đầu tư mới của doanh nghiệp có thời gian hoạt động sản xuất, kinh doanh được hưởng ưu đãi thuế dưới 12 (mười hai) tháng, doanh nghiệp được lựa chọn hưởng ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư mới ngay kỳ tính thuế đầu tiên đó hoặc đăng ký với cơ quan thuế thời gian bắt đầu được hưởng ưu đãi thuế từ kỳ tính thuế tiếp theo. Trường hợp doanh nghiệp đăng ký thời gian ưu đãi thuế vào kỳ tính thuế tiếp theo thì phải xác định số thuế phải nộp của kỳ tính thuế đầu tiên để nộp vào Ngân sách Nhà nước theo quy định.

c) Về thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi đối với một số dự án cụ thể:

- Đối với dự án đầu tư mới sản xuất ứng dụng sáng chế bảo vệ môi trường được nhà nước bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích thì thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi tính từ năm được cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.

- Đối với dự án đầu tư mới sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường gắn Nhãn xanh Việt Nam thì thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi tính từ năm Bộ Tài nguyên và Môi trường gắn Nhãn xanh Việt Nam.

- Đối với dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận thì thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi tính từ năm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận sản phẩm được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải.

Trường hợp, trong kỳ tính thuế đầu tiên mà các dự án đầu tư mới quy định tại điểm này của doanh nghiệp có thời gian hoạt động sản xuất, kinh doanh dưới 12 (mười hai) tháng, doanh nghiệp được lựa chọn áp dụng thuế suất ưu đãi ngay kỳ tính thuế đầu tiên đó hoặc đăng ký với cơ quan thuế thời gian bắt đầu được áp dụng thuế suất ưu đãi từ kỳ tính thuế tiếp theo. Trường hợp doanh nghiệp đăng ký thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi vào kỳ tính thuế tiếp theo thì phải xác định số thuế phải nộp của kỳ tính thuế đầu tiên để nộp vào Ngân sách Nhà nước theo quy định.

3. Trường hợp doanh nghiệp có dự án đầu tư mở rộng dự án đang hoạt động thuộc diện ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều này, thực hiện xác định tiêu chí hưởng ưu đãi và áp dụng ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư mở rộng theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Xem nội dung VB
- Điều này được sửa đổi bởi Khoản 22 Điều 2 Nghị định 40/2019/NĐ-CP

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Nghị định số 19/2015/NĐ-CP)
...
22. Sửa đổi, bổ sung Điều 43 như sau:

“Điều 43. Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp

Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện các dự án đầu tư mới quy định tại các khoản 1, 2, 4, 5, 6, 9 và 10 Phụ lục III Mục II Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và thực hiện các dự án sản xuất mới hoặc hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ quy định tại các khoản 11, 12, 13 và 14 Phụ lục III Mục II Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp như các đối tượng thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.”

PHỤ LỤC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ PHỤ LỤC CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 18/2015/NĐ-CP NGÀY 14 THÁNG 02 NĂM 2015 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ QUY HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC, ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG VÀ KẾ HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG; NGHỊ ĐỊNH SỐ 19/2015/NĐ-CP NGÀY 14 THÁNG 02 NĂM 2015 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ NGHỊ ĐỊNH 38/2015/NĐ-CP NGÀY 24 THÁNG 4 NĂM 2015 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI VÀ PHẾ LIỆU

Mục II SỬA ĐỔI, BỔ SUNG CÁC PHỤ LỤC CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 19/2015/NĐ-CP NGÀY 14 THÁNG 02 NĂM 2015 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Phụ lục III DANH MỤC HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐƯỢC ƯU ĐÃI, HỖ TRỢ
...
(Xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Xem nội dung VB
- Điều này được bổ sung bởi Khoản 23 Điều 2 Nghị định 40/2019/NĐ-CP

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Nghị định số 19/2015/NĐ-CP)
...
23. ... bổ sung khoản 4 Điều 44 như sau:
...
4. Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành tiêu chí xác định và công bố danh mục sản phẩm được gắn Nhãn xanh Việt Nam.”

Xem nội dung VB
- Khoản này được hướng dẫn bởi Thông tư 128/2016/TT-BTC (VB hết hiệu lực: 02/01/2020)

Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định miễn, giảm thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường; sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải quy định tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (sau đây gọi là Nghị định số 19/2015/NĐ-CP).
...
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định miễn, giảm thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường; sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải quy định tại Khoản 12 Phụ lục III Danh mục hoạt động bảo vệ môi trường được ưu đãi, hỗ trợ ban hành kèm theo Nghị định số 19/2015/NĐ-CP.

2. Từ ngày Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 ngày 06/4/2016 có hiệu lực thi hành thực hiện miễn thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh xuất khẩu các sản phẩm thân thiện với môi trường; sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải quy định tại Khoản 12 Phụ lục III Danh mục hoạt động bảo vệ môi trường được ưu đãi, hỗ trợ ban hành kèm theo Nghị định số 19/2015/NĐ-CP.

Điều 3. Miễn, giảm thuế xuất khẩu

1. Miễn thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường có tên trong Biểu thuế xuất khẩu và có văn bản chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường và giảm 50% mức thuế xuất khẩu (trường hợp mức thuế xuất khẩu sau khi giảm thấp hơn mức sàn khung thuế suất do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định thì sẽ áp dụng mức sàn khung thuế suất thuế xuất khẩu) đối với các sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải có tên trong Biểu thuế xuất khẩu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP kể từ ngày Nghị định số 19/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.

2. Trường hợp sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải xuất khẩu nêu tại khoản 1 Điều này không có tên trong Biểu thuế xuất khẩu thì khi xuất khẩu thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư số 182/2015/TT-BTC ngày 16/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế.

3. Trường hợp sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải xuất khẩu nêu tại khoản 1 Điều này đã nộp thuế xuất khẩu vượt quá số tiền được miễn, giảm thì số thuế nộp thừa được xử lý theo quy định tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (sau đây gọi là Thông tư số 38/2015/TT-BTC).

Điều 4. Hồ sơ hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế xuất khẩu

1. Hồ sơ hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế xuất khẩu thực hiện theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 38/2015/TT-BTC và có bản chụp văn bản chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc bản chụp chứng nhận sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

2. Các nội dung khác liên quan thủ tục hải quan; kiểm tra giám sát hải quan; thuế xuất khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu không nêu tại Thông tư này được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13.

Điều 5. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23 tháng 9 năm 2016.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị các tổ chức, cá nhân có liên quan kịp thời phản ánh về Bộ Tài chính để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Xem nội dung VB
- Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 23 Điều 2 Nghị định 40/2019/NĐ-CP

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Nghị định số 19/2015/NĐ-CP)
...
23. Sửa đổi khoản 3 ... Điều 44 như sau:

“3. Sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải rắn của cơ sở xử lý chất thải (sinh hoạt, công nghiệp và chất thải nguy hại) quy định tại khoản 12 Phụ lục III Mục II Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này là các sản phẩm đã được nêu trong dự án đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của cơ sở xử lý chất thải.
...
PHỤ LỤC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ PHỤ LỤC CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 18/2015/NĐ-CP NGÀY 14 THÁNG 02 NĂM 2015 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ QUY HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC, ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG VÀ KẾ HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG; NGHỊ ĐỊNH SỐ 19/2015/NĐ-CP NGÀY 14 THÁNG 02 NĂM 2015 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ NGHỊ ĐỊNH 38/2015/NĐ-CP NGÀY 24 THÁNG 4 NĂM 2015 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI VÀ PHẾ LIỆU
...
Mục II SỬA ĐỔI, BỔ SUNG CÁC PHỤ LỤC CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 19/2015/NĐ-CP NGÀY 14 THÁNG 02 NĂM 2015 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Phụ lục III DANH MỤC HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐƯỢC ƯU ĐÃI, HỖ TRỢ
...
(Xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Xem nội dung VB
- Chi phí thực hiện hoạt động quảng bá sản phẩm, phân loại rác tại nguồn được hướng dẫn bởi Điều 2 Thông tư 212/2015/TT-BTC

Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động bảo vệ môi trường quy định tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
...
Điều 2. Về chi phí thực hiện hoạt động quảng bá sản phẩm, phân loại rác tại nguồn

1. Chi phí quảng bá sản phẩm từ hoạt động bảo vệ môi trường, hoạt động thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ; chi phí sản xuất và phổ biến các thể loại phim, chương trình truyền hình, phóng sự khoa học về bảo vệ môi trường và chi phí thực hiện việc cung cấp miễn phí các dụng cụ cho người dân thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt, sản phẩm thải bỏ tại nguồn quy định tại khoản 1 Điều 48 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo số chi thực tế nếu đáp ứng các điều kiện:

- Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

- Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt, trừ các trường hợp không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định tại Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn.

2. Chi phí quảng bá sản phẩm từ hoạt động bảo vệ môi trường, hoạt động thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm:

a) Chi phí tổ chức các cuộc hội thảo khoa học thảo luận về cách thức sản xuất, tính năng, công dụng của các sản phẩm từ hoạt động bảo vệ môi trường, của hoạt động thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ.

b) Chi phí nghiên cứu thị trường: thăm dò, khảo sát, phỏng vấn, thu thập, phân tích và đánh giá thông tin về sản phẩm từ hoạt động bảo vệ môi trường, về hoạt động thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ.

c) Chi phí phát triển và hỗ trợ nghiên cứu thị trường.

d) Chi phí thuê tư vấn thực hiện công việc nghiên cứu, phát triển và hỗ trợ nghiên cứu thị trường.

đ) Chi phí trưng bày, giới thiệu sản phẩm và tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại: chi phí mở phòng hoặc gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm; chi phí thuê không gian để trưng bày, giới thiệu sản phẩm; chi phí vật liệu, công cụ hỗ trợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm; chi phí vận chuyển sản phẩm trưng bày, giới thiệu.

3. Phim, chương trình truyền hình, phóng sự khoa học về bảo vệ môi trường quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm:

a) Phim, chương trình truyền hình, phóng sự khoa học phổ cập và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và tiêu dùng bền vững cho cộng đồng đối với những sản phẩm thân thiện với môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường gắn Nhãn xanh Việt Nam.

b) Phim, chương trình truyền hình, phóng sự khoa học phổ biến kiến thức về phân loại rác thải sinh hoạt, sản phẩm thải bỏ tại nguồn.

4. Các dụng cụ được cấp miễn phí cho người dân quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm: thùng đựng, túi đựng rác; thùng đựng, túi đựng sản phẩm thải bỏ; ủng, bao tay và dụng cụ chuyên dùng khác để phân loại rác thải sinh hoạt, sản phẩm thải bỏ tại nguồn.

Trường hợp doanh nghiệp cung cấp miễn phí dụng cụ cho người dân thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt, sản phẩm thải bỏ tại nguồn quy định tại khoản này có phát kèm theo tờ rơi hướng dẫn về phân loại chất thải rắn hữu cơ và chất thải rắn vô cơ cùng với các dụng cụ nêu trên thì chi phí làm tờ rơi được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cung cấp miễn phí dụng cụ cho người dân quy định tại khoản này phải lập bảng kê chi tiết, trong đó ghi rõ họ tên người được cấp, địa chỉ cụ thể; số lượng, giá trị của từng loại dụng cụ; chữ ký của người được cấp; chữ ký của người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền của doanh nghiệp.

Bảng kê cung cấp dụng cụ miễn phí do người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền của doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của việc lập bảng kê.

Xem nội dung VB
- Khoản này bị bãi bỏ bởi Khoản 2 Điều 6 Nghị định 40/2019/NĐ-CP

Điều 6. Hiệu lực thi hành
...
2. Nghị định này bãi bỏ: ... khoản 3 ... Điều 55 ... Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường;

Xem nội dung VB
- Khoản này bị bãi bỏ bởi Khoản 2 Điều 6 Nghị định 40/2019/NĐ-CP

Điều 6. Hiệu lực thi hành
...
2. Nghị định này bãi bỏ: ... khoản 4 ... Điều 55 ... Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường;

Xem nội dung VB
- Khoản này bị bãi bỏ bởi Khoản 2 Điều 6 Nghị định 40/2019/NĐ-CP

Điều 6. Hiệu lực thi hành
...
2. Nghị định này bãi bỏ: ... khoản 5 ... Điều 55 ... Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường;

Xem nội dung VB
- Khoản này bị bãi bỏ bởi Khoản 2 Điều 6 Nghị định 40/2019/NĐ-CP

Điều 6. Hiệu lực thi hành
...
2. Nghị định này bãi bỏ: ... khoản 6 Điều 55 ... Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường.

Xem nội dung VB
- Phụ lục này bị thay thế bởi Điểm 1 Mục II Phụ Lục ban hành kèm theo Nghị định 40/2019/NĐ-CP

PHỤ LỤC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ PHỤ LỤC CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 18/2015/NĐ-CP NGÀY 14 THÁNG 02 NĂM 2015 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ QUY HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC, ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG VÀ KẾ HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG; NGHỊ ĐỊNH SỐ 19/2015/NĐ-CP NGÀY 14 THÁNG 02 NĂM 2015 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ NGHỊ ĐỊNH 38/2015/NĐ-CP NGÀY 24 THÁNG 4 NĂM 2015 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI VÀ PHẾ LIỆU

Mục II SỬA ĐỔI, BỔ SUNG CÁC PHỤ LỤC CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 19/2015/NĐ-CP NGÀY 14 THÁNG 02 NĂM 2015 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

1. Thay thế Phụ lục II như sau:

Phụ lục II DANH MỤC ĐỐI TƯỢNG PHẢI MUA BẢO HIỂM TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VỀ MÔI TRƯỜNG

(Xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Xem nội dung VB
- Phụ lục này bị thay thế bởi Điểm 2 Mục II Phụ Lục ban hành kèm theo Nghị định 40/2019/NĐ-CP

PHỤ LỤC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ PHỤ LỤC CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 18/2015/NĐ-CP NGÀY 14 THÁNG 02 NĂM 2015 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ QUY HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC, ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG VÀ KẾ HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG; NGHỊ ĐỊNH SỐ 19/2015/NĐ-CP NGÀY 14 THÁNG 02 NĂM 2015 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ NGHỊ ĐỊNH 38/2015/NĐ-CP NGÀY 24 THÁNG 4 NĂM 2015 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI VÀ PHẾ LIỆU

Mục II SỬA ĐỔI, BỔ SUNG CÁC PHỤ LỤC CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 19/2015/NĐ-CP NGÀY 14 THÁNG 02 NĂM 2015 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
...
2. Thay thế Phụ lục III như sau:

Phụ lục III DANH MỤC HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐƯỢC ƯU ĐÃI, HỖ TRỢ

(Xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Xem nội dung VB
- Phụ lục này được sửa đổi bởi Điểm 3 Mục II Phụ Lục ban hành kèm theo Nghị định 40/2019/NĐ-CP

PHỤ LỤC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ PHỤ LỤC CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 18/2015/NĐ-CP NGÀY 14 THÁNG 02 NĂM 2015 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ QUY HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC, ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG VÀ KẾ HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG; NGHỊ ĐỊNH SỐ 19/2015/NĐ-CP NGÀY 14 THÁNG 02 NĂM 2015 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ NGHỊ ĐỊNH 38/2015/NĐ-CP NGÀY 24 THÁNG 4 NĂM 2015 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI VÀ PHẾ LIỆU

Mục II SỬA ĐỔI, BỔ SUNG CÁC PHỤ LỤC CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 19/2015/NĐ-CP NGÀY 14 THÁNG 02 NĂM 2015 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
...
3. Sửa đổi Phụ lục IV như sau:

Phụ lục IV BÁO CÁO CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG PHÁ DỠ TÀU BIỂN ĐÃ QUA SỬ DỤNG

(Xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Xem nội dung VB
- Phụ lục này bị bãi bỏ bởi Khoản 2 Điều 6 Nghị định 40/2019/NĐ-CP

Điều 6. Hiệu lực thi hành
...
2. Nghị định này bãi bỏ: ... Phụ lục V Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường.

Xem nội dung VB