Quyết định 05/2013/QĐ-UBND về Quy định các khoản đóng góp và chế độ miễn, giảm, hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Hải Dương
Số hiệu: 05/2013/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hải Dương Người ký: Nguyễn Mạnh Hiển
Ngày ban hành: 27/05/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Trật tự an toàn xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/2013/QĐ-UBND

Hải Dương, ngày 27 tháng 05 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CÁC KHOẢN ĐÓNG GÓP VÀ CHẾ ĐỘ MIỄN, GIẢM, HỖ TRỢ ĐỐI VỚI NGƯỜI CAI NGHIỆN MA TÚY, NGƯỜI SAU CAI NGHIỆN MA TÚY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cai nghiện ma túy tại cộng đồng;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 27/2012/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 24 tháng 02 năm 2012 của liên Bộ Tài chính - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, chế độ đóng góp và miễn, giảm, hỗ trợ đối với đối tượng trong cơ sở chữa bệnh và tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 121/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 12 tháng 8 năm 2010 của liên Bộ Tài chính - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn chế độ hỗ trợ đối với người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú; chế độ đóng góp và hỗ trợ đối với người sau cai nghiện ma túy tại Trung tâm quản lý sau cai nghiện;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 644/TTr-LĐTBXH ngày 24/5/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về các khoản đóng góp và chế độ miễn, giảm, hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Hải Dương (có Quy định chi tiết kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 2338/2006/QĐ-UBND ngày 04 tháng 07 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh về một số chế độ hỗ trợ và mức đóng góp đối với người cai nghiện ma túy; Quyết định số 14/2009/QĐ-UBND ngày 15 tháng 5 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh về trách nhiệm đóng góp đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện tại Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động xã hội.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ Lao động TBXH;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Vụ Pháp chế - Bộ Lao động TBXH;
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh;
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- LĐ Văn phòng UBND tỉnh;
- Trung tâm Công báo - Tin học;
- Lưu: VT, VX(01).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Mạnh Hiển

 

QUY ĐỊNH

VỀ CÁC KHOẢN ĐÓNG GÓP VÀ CHẾ ĐỘ MIỄN, GIẢM, HỖ TRỢ ĐỐI VỚI NGƯỜI CAI NGHIỆN MA TUÝ, NGƯỜI SAU CAI NGHIỆN MA TUÝ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 05/2013/QĐ-UBND ngày 27 tháng 5 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy định này quy định đối tượng áp dụng; nội dung, mức chi cho công tác áp dụng biện pháp đưa vào Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động xã hội.

2. Quy định các khoản đóng góp; chế độ miễn, giảm; chế độ hỗ trợ trong thời gian chấp hành quyết định của người bị áp dụng biện pháp đưa vào Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động xã hội; người bị áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện tại Trung tâm Quản lý sau cai nghiện; người cai nghiện bắt buộc tại gia đình và cộng đồng; người tự nguyện cai nghiện tại Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động xã hội.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Trung tâm, các cơ quan, tổ chức sử dụng nguồn vốn sự nghiệp từ ngân sách nhà nước để đảm bảo việc áp dụng, chấp hành biện pháp đưa vào Trung tâm; tham gia công tác cai nghiện ma tuý tại gia đình và cộng đồng.

2. Người nghiện ma túy chưa thành niên, người nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi trở lên bị bắt quả tang sử dụng trái phép chất ma tuý mà không có nơi cư trú nhất định bị đưa vào trung tâm để chữa trị, cai nghiện bắt buộc.

3. Người nghiện ma tuý chữa trị, cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động xã hội.

4. Người nghiện ma tuý chữa trị, cai nghiện tự nguyện tại Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động xã hội.

5. Người nghiện ma tuý chữa trị, cai nghiện tại gia đình và cộng đồng.

6. Người đã hoàn thành xong thời gian cai nghiện ma tuý tại Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động Xã hội áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú hoặc áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện tại Trung tâm Quản lý sau cai nghiện.

Chương 2.

CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Chế độ đóng góp, hỗ trợ, miễn, giảm đối với người bị áp dụng biện pháp đưa vào Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động xã hội

1. Chế độ đóng góp:

Người cai nghiện bắt buộc tập trung 24 tháng có trách nhiệm đóng góp tiền ăn mức 10.000 đồng/người/ngày.

2. Chế độ hỗ trợ:

Người bị áp dụng biện pháp đưa vào Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động xã hội (kể cả người chưa thành niên) và người không có nơi cư trú nhất định vào lưu trú tạm thời tại Trung tâm được hỗ trợ các khoản sau:

- Tiền ăn mức 20.000 đồng/người/ngày.

- Tiền thuốc điều trị:

Đối với người nghiện ma túy: tiền thuốc hỗ trợ cắt cơn nghiện, cấp cứu, chi phí xét nghiệm và thuốc điều trị các bệnh cơ hội khác là 900.000 đồng/người/lần chấp hành.

Trường hợp người bán dâm đồng thời là người nghiện ma túy thì được hỗ trợ thuốc điều trị và thuốc hỗ trợ cắt cơn nghiện mức 1.200.000 đồng/người/lần chấp hành.

- Chi phí điện, nước sinh hoạt 80.000 đồng/người/tháng.

- Chi phí học nghề (nếu có): mức 1.350.000 đồng/người/lần chấp hành cho học viên bị áp dụng biện pháp đưa vào trung tâm lần đầu tiên.

3. Chế độ miễn giảm:

- Miễn đóng góp tiền ăn trong thời gian chấp hành quyết định đối với các trường hợp: người thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; người chưa thành niên; người bị nhiễm HIV/AIDS; người không có nơi cư trú nhất định.

- Giảm 50% mức đóng góp tiền ăn trong thời gian chấp hành quyết định đối với các trường hợp thuộc hộ cận nghèo.

Điều 4. Chế độ đóng góp đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện tại Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động xã hội

Người cai nghiện ma túy tự nguyện tại Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động xã hội trong 12 tháng có trách nhiệm đóng góp là 12.710.000 đồng/người, bao gồm:

- Tiền ăn: 900.000 đồng/người/tháng.

- Tiền thuốc hỗ trợ cắt cơn nghiện, cấp cứu, chi phí xét nghiệm và thuốc điều trị các bệnh cơ hội khác: 900.000 đồng/người/12 tháng.

- Tiền hoạt động văn thể: 50.000 đồng/người/12 tháng.

- Chi phí điện, nước, vệ sinh: 80.000 đồng/người/tháng.

Riêng chi phí học nghề (nếu bản thân đối tượng có nhu cầu), mức đóng góp là 1.350.000 đồng/người.

Điều 5. Chế độ đóng góp, miễn, giảm đối với người cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng hoặc gia đình

1. Chế độ đóng góp:

Người nghiện ma túy cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng hoặc gia đình có trách nhiệm đóng góp các khoản chi phí trong thời gian cai nghiện gồm:

- Chi phí khám sức khỏe; xét nghiệm phát hiện chất ma túy và các xét nghiệm khác để chuẩn bị điều trị cắt cơn: 100.000 đồng/người.

- Tiền thuốc hỗ trợ cắt cơn nghiện: 400.000 đồng/người/lần chấp hành.

- Tiền ăn trong thời gian cai nghiện tập trung tại cơ sở điều trị cắt cơn: 40.000 đồng/người/ngày (thời gian không quá 15 ngày).

- Chi phí học nghề tạo việc làm mức 1.350.000 đồng/khoá (chỉ áp dụng khi đối tượng có nhu cầu học nghề mà chưa được hỗ trợ học nghề lần nào).

2. Chế độ miễn, giảm:

- Miễn đóng góp tiền ăn; tiền thuốc điều trị cắt cơn trong thời gian chấp hành quyết định đối với các trường hợp sau: người thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; người chưa thành niên; người thuộc diện bảo trợ xã hội, người khuyết tật.

- Giảm 50% mức đóng góp tiền ăn, tiền thuốc điều trị cắt cơn trong thời gian chấp hành quyết định đối với người thuộc hộ cận nghèo.

Điều 6. Chế độ đối với người áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện tại Trung tâm

1. Chế độ đóng góp:

Người sau cai nghiện ma túy bị áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện ma túy có trách nhiệm đóng góp các khoản chi phí sau:

- Tiền ăn: mức 10.000 đồng/người/ngày

- Tiền sinh hoạt văn thể: mức 100.000 đồng/người/năm.

2. Chế độ hỗ trợ:

Người sau cai nghiện ma túy bị áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện ma túy được hỗ trợ các khoản chi phí sau:

- Tiền ăn mức 18.000 đồng/người/ngày;

- Tiền mua sắm vật dụng sinh hoạt cá nhân mức 400.000 đồng/người/năm;

- Học nghề 1.350.000 đồng/người (chỉ áp dụng cho đối tượng lần đầu, chưa qua đào tạo nghề, có nhu cầu học nghề);

- Chi phí điện, nước sinh hoạt: 80.000 đồng/người/tháng;

- Đối với người sau cai nghiện ma túy tại Trung tâm bị nhiễm HIV/AIDS được trợ cấp thêm tiền thuốc chữa bệnh, tiền mua sắm vật dụng phòng, chống lây nhiễm HIV mức 300.000 đồng/người/năm.

- Kinh phí chuyển đối tượng: Người sau cai nghiện sau khi hoàn thành thời gian áp dụng quản lý sau cai nghiện tại Trung tâm được bàn giao về nơi cư trú. Kinh phí chuyển đối tượng và bàn giao được thanh toán theo thực tế nhưng tối đa không quá 200.000 đồng/người.

3. Chế độ miễn giảm:

- Miễn đóng góp 100% tiền ăn, chi phí khám bệnh, chữa bệnh và các chi phí quản lý khác trong thời gian thời gian chấp hành quyết định đối với các trường hợp: người thuộc diện hộ nghèo, gia đình chính sách theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, người chưa thành niên, người bị bệnh AIDS giai đoạn cuối, người không có nơi cư trú nhất định.

- Giảm 50% mức đóng góp tiền ăn, chi phí khám bệnh, chữa bệnh và các chi phí quản lý khác trong thời gian chấp hành quyết định đối với người thuộc hộ cận nghèo.

Điều 7. Thủ tục, trình tự thực hiện việc miễn, giảm

1. Đối với người bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động xã hội và người áp dụng biện pháp quản lý tại Trung tâm quản lý sau cai nghiện:

- Thủ tục miễn, giảm gồm:

+ Đơn xin miễn, giảm của gia đình hoặc của học viên có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn nơi cư trú; trường hợp người không có nơi cư trú nhất định thì Trung tâm Chữa bệnh giáo dục lao động xã hội xác nhận.

+ Bản photocopy sổ hộ khẩu thường trú.

+ Bản photocopy một trong các tài liệu chứng minh về hoàn cảnh gia đình hoặc bản thân học viên như: giấy chứng nhận gia đình chính sách theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo; bản sao giấy khai sinh đối với người chưa thành niên; giấy xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền đối với những người bị bệnh AIDS giai đoạn cuối.

- Trình tự thực hiện:

Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động xã hội, Trung tâm Quản lý sau cai nghiện tổng hợp, lập danh sách kèm theo hồ sơ của các học viên thuộc diện hộ nghèo, gia đình chính sách theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, người chưa thành niên, người bị bệnh AIDS giai đoạn cuối, người không có nơi cư trú nhất định, người thuộc hộ cận nghèo… kèm theo công văn đề nghị miễn, giảm gửi Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội để thẩm định trình lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định.

2. Đối với người áp dụng biện pháp cai nghiện tại cộng đồng:

- Thủ tục miễn, giảm gồm:

+ Đơn xin miễn, giảm của gia đình hoặc của người nghiện có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn nơi cư trú;

+ Bản photocopy sổ hộ khẩu thường trú.

+ Bản photocopy một trong các tài liệu chứng minh về hoàn cảnh gia đình hoặc bản thân người nghiện như: giấy chứng nhận gia đình chính sách theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo, người thuộc diện bảo trợ xã hội, người khuyết tật; bản sao giấy khai sinh đối với người chưa thành niên.

- Trình tự thực hiện:

Ủy ban nhân dân xã lập danh sách kèm theo hồ sơ của người nghiện thuộc diện gia đình chính sách theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo, người thuộc diện bảo trợ xã hội, người khuyết tật; bản sao giấy khai sinh đối với người chưa thành niên… kèm theo văn bản đề nghị miễn, giảm gửi Phòng Lao động Thương binh và Xã hội cấp huyện thẩm định trình Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định.

Điều 8. Các chế độ khác

Ngoài các chế độ nêu trên, các chế độ khác được áp dụng theo Thông tư liên tịch số 27/2012/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 24/02/2012 của liên Bộ Tài chính - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, chế độ đóng góp và miễn, giảm, hỗ trợ đối với đối tượng trong cơ sở chữa bệnh và tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng; Thông tư liên tịch số 121/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 12/8/2010 của liên Bộ Tài chính - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn chế độ hỗ trợ đối với người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú; chế độ đóng góp và hỗ trợ đối với người sau cai nghiện ma túy tại Trung tâm quản lý sau cai nghiện.

Chương 3.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 9. Tổ chức thực hiện

SLao động Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan tổ chức hướng dẫn, triển khai, theo dõi, giám sát việc thực hiện quy định này.

Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phản ánh bằng văn bản về Sở Lao động Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.