Quyết định 03/2012/QĐ-UBND về Quy định nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối trong rừng phòng hộ Cần Giờ do Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ ban hành
Số hiệu: 03/2012/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Huỳnh Cách Mạng
Ngày ban hành: 07/03/2012 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 01/04/2012 Số công báo: Số 16
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
HUYỆN CẦN GIỜ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2012/QĐ-UBND

Cần Giờ, ngày 07 tháng 3 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN VÀ SẢN XUẤT MUỐI TRONG RỪNG PHÒNG HỘ CẦN GIỜ.

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN CẦN GIỜ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 26/2008/QH12 ngày 15 tháng 11 năm 2008 của Quốc hội khóa XII về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện - quận, phường;

Căn cứ Nghị quyết số 724/2009/UBTVQH12 ngày 16 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về danh sách huyện, quận, phường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường;

Căn cứ Nghị quyết số 725/2009/UBTVQH12 ngày 16 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Thuỷ sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 3 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;

Căn cứ Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy chế quản lý rừng;

Căn cứ Quyết định số 05/2008/QĐ-UBND ngày 21 tháng 01 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về ban hành Quy chế quản lý Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ;

Xét đề nghị của Trưởng phòng Kinh tế huyện tại Tờ trình số: 68/TTR-KT ngày 08 tháng 12 năm 2011 ban hành Quy định về các hoạt động nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối trong Rừng phòng hộ Cần Giờ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối trong rừng phòng hộ Cần Giờ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 07 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện, Trưởng phòng Tư pháp, Trưởng phòng Kinh tế, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, Trưởng Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện, thủ trưởng các cơ quan chuyên môn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã và thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Cách Mạng

 

QUY ĐỊNH

VỀ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN VÀ SẢN XUẤT MUỐI TRONG RỪNG PHÒNG HỘ CẦN GIỜ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 03/2012/QĐ-UBND ngày 07 tháng 3 năm 2012 của Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh

1. Quy định này điều chỉnh nuôi trồng thủy sản bằng các hình thức: đầm, đập, ao và sản xuất muối trong Rừng phòng hộ Cần Giờ (gọi tắt là sản xuất trong Rừng phòng hộ).

2. Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang nuôi trồng thuỷ sản và sản xuất muối trong Rừng phòng hộ Cần Giờ.

3. Mọi tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng trong phạm vi điều chỉnh của Quy định này phải thực hiện việc kê khai sản xuất tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4. Các hoạt động đầu tư mới hoặc mở rộng quy mô sản xuất trong Rừng phòng hộ không thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định này.

Điều 2. Nguyên tắc quản lý sản xuất trong rừng phòng hộ

1. Sản xuất trong Rừng phòng hộ phải đảm bảo các điều kiện về vệ sinh và bảo vệ môi trường; tuyệt đối không để lây lan dịch bệnh đối với hệ động vật, thực vật rừng và các vùng đất ngập nước nhằm bảo tồn, phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn và các yếu tố tự nhiên khác trong Rừng phòng hộ;

2. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất trong Rừng phòng hộ phải thực hiện đúng nội dung đã kê khai và chịu sự giám sát, kiểm tra của cơ quan Nhà nước có chức năng, đồng thời phải chấp hành các quy định của pháp luật hiện hành liên quan.

3. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất trong Rừng phòng hộ đủ điều kiện được kê khai và tổ chức sản xuất theo đúng hiện trạng, quy mô sản xuất tại thời điểm kê khai. Các hoạt động sản xuất trong Rừng phòng hộ phải giữ nguyên trạng, không được mở rộng phạm vi sản xuất trên diện tích rừng, đất lâm nghiệp đã được quy hoạch là Rừng phòng hộ;

4. Các hoạt động sản xuất trong Rừng phòng hộ phải được kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Điều kiện để được hoạt động sản xuất trong Rừng phòng hộ

1. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tiến hành sản xuất trong Rừng phòng hộ phải được sự đồng ý của Ban quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ và tuân theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Những tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sản xuất trong Rừng phòng hộ khi tiến hành sửa chữa, gia cố phải lập phương án theo quy định và được Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ phê duyệt.

Chương II

QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT TRONG RỪNG PHÒNG HỘ

Điều 4. Quyền lợi và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân

1. Trong quá trình hoạt động sản xuất trong Rừng phòng hộ, tổ chức, cá nhân được Nhà nước đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp theo pháp luật, ngoài ra còn được hưởng một số quyền lợi sau:

a) Được triển khai các hoạt động theo thiết kế hoặc phương án sản xuất đã được Ban Quản lý Rừng phòng hộ chấp thuận theo quy định của Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ.

b) Được thực hiện việc sửa chữa, gia cố các khu vực sản xuất theo quy định này.

c) Được hưởng mọi thành quả lao động của mình mang lại từ hoạt động sản xuất trong Rừng phòng hộ.

d) Được cơ quan chuyên ngành phổ biến về các quy định của pháp luật, hỗ trợ tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất.

2. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có các nghĩa vụ sau:

a) Tuân thủ và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đất đai; bảo vệ và phát triển rừng; bảo vệ môi trường; bảo vệ nguồn lợi thủy sản; phòng cháy và chữa cháy; bảo vệ an ninh quốc phòng

b) Thực hiện các hoạt động sản xuất đúng địa điểm, hiện trạng, diện tích, hình thức, quy mô đã kê khai và được Ban Quản lý Rừng phòng hộ chấp thuận.

c) Có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng trong tổ chức thực hiện công tác quản lý bảo vệ tài nguyên rừng trong khu vực; có nghĩa vụ báo ngay cho cơ quan chức năng nơi gần nhất nếu phát hiện các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trong khu vực mình đang sản xuất.

d) Không được ngăn cản, gây khó khăn trở ngại các hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học, trồng và chăm sóc rừng, phòng trừ sâu bệnh hại rừng và các hoạt động khác trong khu vực sản xuất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

e) Sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả diện tích đất, mặt nước được phép sản xuất và kết hợp với chủ rừng tổ chức thực hiện công tác quản lý bảo vệ tài nguyên rừng trong khu vực.

f) Thực hiện nghĩa vụ tài chính về sử dụng đất, mặt nước để sản xuất trong Rừng phòng hộ theo quy định của pháp luật và chấp hành các quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi nhà nước thực hiện quy hoạch.

Điều 5. Quy định về kỹ thuật đối với các công trình sản xuất trong Rừng phòng hộ

1. Bờ bao khu vực nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối chỉ được đắp với chiều cao tối đa không vượt quá 40 cm so với mực nước triều cao nhất hàng năm.

2. Khu vực nuôi trồng thủy sản phải mở cống xả, lấy nước phù hợp với quy mô diện tích, có biện pháp bảo vệ, gia cố chống sạt lở; khối lượng nước trữ trong đầm, đập đảm bảo cho đất rừng luôn đạt được chế độ triều lên xuống tự nhiên trong ngày (khi mực nước đạt đỉnh triều thì nền rừng ngập nước, khi thủy triều xuống thấp nước trên nền rừng cũng xuống theo và không bị ngập úng trong rừng).

3. Hạn chế đến mức thấp nhất việc di dời, thay đổi cống xả nước đầm, đập (trong trường hợp cần thiết phải di chuyển phải có phương án cụ thể và có ý kiến của các cơ quan chức năng); phải thường xuyên có biện pháp bảo vệ và gia cố mương dẫn nước bên ngoài cống xả chống sạt lở gây thiệt hại đến cây rừng và đất rừng.

Điều 6. Quy định về sửa chữa, gia cố công trình, bờ bao khu vực sản xuất trong Rừng phòng hộ

1. Khu vực được lấy đất: Được lấy đất bãi bồi tiếp giáp Rừng phòng hộ, phía trong Rừng phòng hộ chỉ được lấy đất ở các khu vực không có cây rừng. Việc lấy đất không gây sạt lở đất rừng, không gây ảnh hưởng đến cây rừng và quá trình sinh trưởng phát triển rừng ở khu vực kế cận và không gây ảnh hưởng đến các khu vực sản xuất khác.

2. Quy mô và hình thức lấy đất: Tại một vị trí chỉ được lấy đất một lần, với độ sâu không quá 1,5m; chỉ được sử dụng các dụng cụ thủ công, không được sử dụng phương tiện cơ giới để lấy đất.

Điều 7. Các hành vi không được thực hiện

Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không được thực hiện những hành vi sau:

1. Tổ chức sản xuất trong rừng phòng hộ khi chưa được Ban Quản lý Rừng phòng hộ chấp thuận

2. Tại khu vực sản xuất, không được tự ý lấn chiếm làm thay đổi hiện trạng hoặc mở rộng diện tích, môi trường tự nhiên bên ngoài diện tích đã kê khai và ngăn dòng làm thay đổi dòng chảy của hệ thống sông rạch tự nhiên trong rừng phòng hộ.

3. Trữ nước trong các đầm, đập, ao nuôi thủy sản cao hơn mặt đất tự nhiên gây ngập úng trong rừng.

4. Xây dựng các công trình kiên cố, đưa phương tiện cơ giới trong việc đào, đắp, sửa chữa, gia cố các công trình sản xuất trong Rừng phòng hộ.

5. Xây dựng các công trình sản xuất, phục vụ sản xuất làm ảnh hưởng đến giao thông thủy.

6. Chặt phá, hủy hoại cây rừng, đất rừng hoặc thực hiện các hoạt động sản xuất gây ảnh hưởng xấu đến tài nguyên thiên nhiên và môi trường.

Chương III

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA CÁC CƠ QUAN

Điều 8. Trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước địa phương

Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về rừng, đất lâm nghiệp và quản lý hoạt động sản xuất trong rừng phòng hộ thuộc thẩm quyền theo quy định pháp luật trong phạm vi địa giới hành chính; thực hiện các nhiệm vụ có liên quan theo phân công, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân huyện.

Điều 9. Trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành

1. Phòng Kinh tế huyện:

a) Tham mưu Ủy ban nhân dân huyện ban hành các văn bản liên quan đến công tác quản lý nhà nước về sản xuất trong Rừng phòng hộ.

b) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện giải quyết các trường hợp sửa chữa, gia cố công trình, bờ bao khu vực sản xuất trong Rừng phòng hộ.

2. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện:

a) Tham mưu Ủy ban nhân dân huyện trong công tác quản lý nhà nước về tình hình sử dụng đất, tài nguyên, môi trường, đa dạng sinh học trong phạm vi Rừng phòng hộ theo đúng quy định của pháp luật hiện hành

b) Chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã và các Ban ngành liên quan kiểm tra, rà soát lại diện tích sản xuất muối trong phạm vi ranh giới rừng phòng hộ, khu tiếp giáp Rừng phòng hộ, tổ chức đóng mốc ranh giới để quản lý

3. Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ là đơn vị chủ rừng có trách nhiệm:

a) Hướng dẫn cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân về kê khai các hoạt động sản xuất trong rừng phòng hộ và tổ chức thẩm định thực trạng sản xuất; hướng dẫn cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân về sửa chữa, gia cố công trình, bờ bao khu vực sản xuất trong Rừng phòng hộ trình Ủy ban nhân dân huyện xem xét, giải quyết.

b) Quản lý danh sách các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sản xuất trong rừng phòng hộ; Kiểm tra, giám sát và báo cáo tình hình sản xuất trong Rừng phòng hộ trình Ủy ban nhân dân dân huyện.

4. Hạt Kiểm lâm huyện có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nói chung và các hoạt động về sản xuất trong rừng phòng hộ nói riêng. Trực tiếp xử lý kịp thời các hành vi vi phạm đến tài nguyên rừng theo thẩm quyền.

5. Các lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng đóng trên địa bàn huyện có trách nhiệm kết hợp các cơ quan chức năng và theo thẩm quyền hỗ trợ, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm có liên quan trong Rừng phòng hộ.

Chương IV

THANH TRA, KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM ĐỐI VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT TRONG RỪNG PHÒNG HỘ.

Điều 10. Thanh tra, kiểm tra

1. Phòng Tài Nguyên và Môi trường, Phòng Kinh tế căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được Ủy ban nhân dân huyện phân công định kỳ hoặc đột xuất thanh tra, kiểm tra đối với các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan trong việc thực hiện, chấp hành quy định này.

2. Các phòng chức năng huyện, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ, Hạt Kiểm lâm, Ủy ban nhân dân xã, thị trấn theo chức năng, nhiệm vụ được giao thường xuyên hoặc định kỳ thực hiện công tác kiểm tra, giám sát sản xuất trong rừng phòng hộ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong địa bàn phụ trách.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 11. Trách nhiệm thi hành

1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sản xuất trong Rừng phòng hộ có trách nhiệm liên hệ với Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ để được hướng dẫn kê khai theo quy định.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc cần thay đổi, bổ sung thì Phòng Kinh tế phối hợp Ban quản lý Rừng phòng hộ và các đơn vị, ban ngành có liên quan đề xuất Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.





Quyết định 05/2008/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định 05/2007/QĐ-UBND Ban hành: 21/02/2008 | Cập nhật: 15/07/2015

Quyết định 186/2006/QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý rừng Ban hành: 14/08/2006 | Cập nhật: 23/08/2006