Quyết định 05/2008/QĐ-UBND về quy chế quản lý một số hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai do Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành
Số hiệu: 05/2008/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai Người ký: Nguyễn Hữu Vạn
Ngày ban hành: 23/01/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Văn hóa , thể thao, du lịch, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

--------------

Số: 05/2008/QĐ-UBND

Lào Cai, ngày 23 tháng 01 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Du lịch ngày 14/06/2005;
Căn cứ Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01/06/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch;
Căn cứ Nghị định số 169/2004/NĐ-CP ngày 22/09/2004 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giá;
Căn cứ Thông tư số 107/2002/TT-BTC ngày 02/12/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý, sử dụng lệ phí cấp giấy phép kinh doanh du lịch lữ hành Quốc tế và cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch;
Xét đề nghị của Sở Thương mại và Du lịch tại Tờ trình số 34/TTr-TMDL ngày 17/09/2007;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý một số hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành của tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 385/2000/QĐ-UB ngày 29/12/2000 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế tạm thời quản lý du lịch trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 26/2006/QĐ-UBND ngày 29/03/2006 của UBND tỉnh về việc ban hành quy chế quản lý hoạt động kinh doanh lữ hành Quốc tế tại cửa khẩu Quốc tế Lào Cai./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch;
- Tổng cục Du lịch;
- Cục kiểm tra VB QPPL, Bộ Tư pháp;
- TT: TƯ, HĐND, UBND tỉnh;
- Như Điều 2 QĐ;
- Các chuyên viên;
- Lưu: VT, TM

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Vạn

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 05/2008/QĐ-UBND ngày 23/01/2008 của UBND tỉnh Lào Cai)

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Quy chế này quy định về quản lý một số hoạt động du lịch và kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Các nội dung liên quan đến quản lý du lịch không nêu trong bản quy định này được thực hiện theo các quy định của Luật Du lịch, Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

2. Đối tượng áp dụng: Các tổ chức, cá nhân có hoạt động du lịch; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có hoạt động du lịch hoặc có liên quan đến hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Tuyến du lịch cộng đồng là tuyến du lịch mà khách đi qua, tham quan hoặc lưu trú tại các bản làng đồng bào đân tộc thiểu số.

Điều 3. Các tổ chức, cá nhân có hoạt động du lịch tại các tuyến du lịch cộng đồng nằm trong khu vực biên giới, ngoài việc chấp hành những quy định của Luật Du lịch và văn bản hướng dẫn thi hành còn phải chấp hành quy định pháp luật của Nhà nước về biên giới quốc gia, các hiệp định về biên giới (có liên quan) đã được Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa ký kết.

Chương 2.

QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG DU LỊCH

Điều 4. Công nhận khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch địa phương (sau đây gọi là khu, điểm, tuyến du lịch).

1. Thẩm quyền công nhận khu, điểm, tuyến du lịch.

Chủ tịch UBND tỉnh công nhận khu, điểm, tuyến du lịch theo đề nghị của sở quản lý nhà nước về du lịch.

2. Trình tự, thủ tục công nhận khu, điểm, tuyến du lịch:

a) Tổ chức, cá nhân thực hiện dự án đầu tư khu, điểm, tuyến du lịch hoặc được giao quản lý, khai thác kinh doanh các khu, điểm, tuyến du lịch làm hồ sơ đề nghị công nhận khu, điểm, tuyến du lịch gửi đến sở quản lý nhà nước về du lịch (03 bộ hồ sơ đối với mỗi trường hợp).

b) UBND huyện, thành phố lập hồ sơ đề nghị công nhận khu, điểm, tuyến du lịch có đủ điều kiện trên địa bàn huyện, thành phố (trừ trường hợp quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 4 quy chế này) gửi đến sở quản lý nhà nước về du lịch (03 bộ hồ sơ đối với mỗi trường hợp).

c) Trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, sở quản lý nhà nước về du lịch xem xét, thẩm định hồ sơ trình Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định công nhận.

d) Đối với các khu, điểm, tuyến du lịch nằm trong địa giới hành chính của tỉnh Lào Cai và tỉnh khác, sở quản lý nhà nước về du lịch Lào Cai nghiên cứu, trao đổi và thống nhất với sở quản lý nhà nước về du lịch các tỉnh bạn để lập hồ sơ trình UBND tỉnh đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận.

3. Hồ sơ đề nghị công nhận khu, điểm, tuyến du lịch.

a) Hồ sơ đề nghị công nhận khu du lịch gồm:

- Tờ trình đề nghị công nhận khu du lịch:

- Quy hoạch cụ thể khu du lịch có diện tích 200 ha trở lên được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có khả năng bảo đảm phục vụ ít nhất một trăm ngàn (100.000) lượt khách một năm.

b) Hồ sơ đề nghị công nhận điểm du lịch:

- Tờ trình đề nghị công nhận điểm du lịch;

- Bản thuyết minh về các dịch vụ thiết yếu như bãi đỗ xe, khu vệ sinh công cộng, phòng cháy chữa cháy, cấp thoát nước, thông tin liên lạc và các dịch vụ khác đáp ứng nhu cầu 10.000 lượt khách trở lên mỗi năm.

c) Hồ sơ đề nghị công nhận tuyến du lịch:

- Tờ trình đề nghị công nhận tuyến du lịch;

- Ban thuyết minh về sản phẩm và dịch vụ du lịch trên tuyến, các điều kiện giao thông, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường và chương trình du lịch của tuyến;

- Bản đồ tuyến du lịch (tỷ lệ 1/100.000);

4. Đối với tuyến du lịch cộng đồng.

Trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận tuyến du lịch cộng đồng áp dụng theo quy định tại khoản 1; các điểm a, b, c khoản 2 và điểm c khoản 3 Điều này.

Điều 5. Quản lý tuyến du lịch cộng đồng

1. Các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện những hoạt động du lịch trong các tuyến du lịch cộng đồng đã được công nhận; trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

2. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân là đầu mối tổ chức kinh doanh các tuyến lịch cộng đồng:

a) Đưa đón khách đi theo đúng lịch trình, đúng tuyến du lịch cộng đồng;

b) Tôn trọng văn hóa, phong tục tập quán bản địa và quy định của địa phương;

c) Giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch;

d) Phản ánh kịp thời với chính quyền địa phương về các hành vi gây tổn hại đến an ninh, trật tự, vệ sinh, môi trường, cảnh quan du lịch.

3. Các tuyến du lịch cộng đồng khai thác thử nghiệm: Các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch có nhu cầu khai thác tuyến du lịch cộng đồng mới, chưa được cấp có thẩm quyền công nhận thì lập hồ sơ đề nghị khai thác thử nghiệm.

3.1- Trình tự, thủ tục tổ chức khai thác thử nghiệm tuyến du lịch cộng đồng

a) Hồ sơ đề nghị khai thác thử nghiệm tuyến du lịch cộng đồng gồm:

- Tờ trình đề nghị khai thác tuyến du lịch cộng đồng mới;

- Phương án đảm bảo các điều kiện phục vụ khách (nơi ăn, ở, phương tiện đi lại …);

- Bản cam kết đảm bảo các điều kiện về an ninh trật tự và bảo vệ môi trường;

- Chương trình du lịch kèm theo bản đồ tuyến du lịch tỷ lệ 1/100.000;

b) Thẩm định và cho phép khai thác thử nghiệm.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, sở quản lý nhà nước về du lịch có trách nhiệm thẩm định, xin ý kiến UBND các huyện, thành phố có tuyến du lịch cộng đồng đi qua bằng văn bản. Nếu đủ điều kiện thì lập văn bản đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh cho phép khai thác thử nghiệm (thời gian khai thác thử nghiệm thực hiện theo quy định). Nếu không đủ điều kiện để khai thác thử nghiệm, sở quản lý nhà nước về du lịch trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Tổ chức, cá nhân chỉ được phép khai thác thử nghiệm tuyến du lịch khi được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định cho phép khai thác thử nghiệm;

c) Đề nghị công nhận tuyến du lịch cộng đồng sau khai thác thử nghiệm.

- Kết thúc thời gian khai thác thử nghiệm, tổ chức, cá nhân là đầu mối tổ chức khai thác thử nghiệm tuyến du lịch cộng đồng phải báo cáo hiệu quả và khả năng phát triển của tuyến du lịch.

- Thẩm quyền, trình tự và thủ tục công nhận áp dụng theo quy định tại khoản 1, điểm a, điểm c khoản 2 và điểm c khoản 3 Điều 4 Quy chế này.

3.2- Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác thử nghiệm tuyến du lịch cộng đồng.

Ngoài trách nhiệm được quy định tại khoản 2 điều này tổ chức, cá nhân là đầu mối tổ chức khai thác tuyến du lịch thử nghiệm có trách nhiệm tổ chức hình thức du lịch theo đoàn; mỗi đoàn khách phải có hướng dẫn viên hướng dẫn khách trong toàn bộ hành trình và hàng tháng báo cáo tình hình khai thác tuyến du lịch đến phòng thương mại du lịch hoặc phòng kinh tế (sau đây gọi là phòng quản lý nhà nước về du lịch) huyện, thành phố và sở quản lý nhà nước về du lịch.

Điều 6. Quản lý khách du lịch đi tuyến du lịch cộng đồng

1. Đối với những huyện, thành phố có số lượng từ 10.000 khách du lịch/năm trở lên, đi các tuyến du lịch cộng đồng. Chủ tịch UBND huyện, thành phố thành lập Đội liên ngành quản lý khách du lịch.

Thành phần Đội liên ngành quản lý khách du lịch gồm: công an huyện (thành phố); Chi cục thuế: Phòng quản lý nhà nước về du lịch.

Đội liên ngành quản lý khách du lịch có nhiệm vụ:

a) Cấp đăng ký tạm trú cho khách du lịch;

b) Cấp thẻ thăm quan cho khách du lịch;

c) Thống kê số lượng khách hàng ngày, tổng hợp số lượng khách hàng tuần;

d) Kiểm tra thường xuyên các hoạt động du lịch trên tuyến lịch cộng đồng, đảm bảo thực hiện đúng các quy định và thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của UBND huyện, thành phố;

e) Trước ngày 15 hàng tháng, báo cáo tình hình khách du lịch đi tuyến du lịch cộng đồng về UBND huyện, thành phố và sở quản lý nhà nước về du lịch;

2. Đối với những huyện, thành phố không thành lập Đội liên ngành quản lý khách du lịch. UBND huyện, thành phố giao cho phòng quản lý nhà nước về du lịch thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Trình tự cấp thẻ tham quan cho khách du lịch.

a) Đối với khách du lịch không do các đơn vị kinh doanh lữ hành tổ chức: Khách trực tiếp đến Đội liên ngành quản lý khách du lịch (Đoàn có từ 3 người trở lên cử một người làm đại diện) để đăng ký danh sách trích ngang khách, tuyến đi du lịch, địa điểm lưu trú, thời gian của chương trình thăm quan để được cấp thẻ tham quan.

b) Đối với khách du lịch do các đơn vị lữ hành tổ chức: Đơn vị lữ hành có trách nhiệm đăng ký danh sách trích ngang khách và chương trình du lịch tại Đội liên ngành quản lý khách du lịch được cấp thẻ tham quan.

Điều 7. Kinh doanh lữ hành.

1. Các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành có trách nhiệm

a) Gửi hồ sơ đến sở quản lý nhà nước về du lịch, UBND huyện, thành phố nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính. Hồ sơ của doanh nghiệp gồm:

- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

- Thông báo thời điểm bắt đầu hoạt động kinh doanh;

- Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế (nếu là doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế);

- Giấy chứng nhận ký quỹ (nếu là doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế);

- Văn bản của Tổng cục Du lịch (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cho phép đón khách Trung Quốc theo Quyết định số 849/2004/QĐ-BCA ngày 27/08/2004 của Bộ Công an về việc ban hành quy chế về tổ chức và quản lý công dân Trung Quốc sử dụng giấy phép nhận, xuất cảnh do Trung Quốc cấp vào Việt Nam tham quan, du lịch (nếu có);

- 03 thẻ hướng dẫn viên quốc tế kèm theo hợp đồng lao động (nếu là doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế), (03 thẻ hướng dẫn viên quốc tế tiếng Trung Quốc nếu kinh doanh khách Trung Quốc);

b) Lưu trữ hồ sơ, tài liệu theo từng tour du lịch, bao gồm

- Hợp đồng và thanh lý hợp đồng du lịch (hoặc phụ lục hợp đồng đối với từng đoàn khách nếu hợp đồng được ký theo năm);

- Văn bản đề nghị cấp hộ chiếu hoặc cấp giấy thông hành cho khách xuất cảnh và văn bản trả lời của cơ quan có thẩm quyền, văn bản đề nghị duyệt nhân sự cho khách nhập cảnh và văn bản trả lời kết quả duyệt nhân sự của cơ quan có thẩm quyền, kèm theo danh sách đoàn khách xuất, nhập cảnh;

- Chứng từ bảo hiểm cho khách;

- Chương trình du lịch (có bao gồm lịch trình tour, tên hướng dẫn viên và số thẻ của hướng dẫn viên);

- Chứng từ, hóa đơn quyết toán đoàn khách, theo quy định của chế độ kế toán.

- Báo cáo thực hiện chương trình du lịch hoặc nhật ký chương trình du lịch của hướng dẫn viên.

2. Đối với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế thành lập chi nhánh tại Lào Cai để thực hiện kinh doanh lữ hành quốc tế qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai, ngoài việc thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này phải thực hiện quy định sau:

a) Bổ sung vào hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này quyết định thành lập và quyết định bổ nhiệm giám đốc chi nhánh.

b) Kê khai nộp thuế tại Cục thuế tỉnh Lào Cai;

c) Là đầu mối duy nhất của doanh nghiệp nhận khách, hướng dẫn khách thực hiện thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh và đưa đón khách đi du lịch qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai.

3. Quy định về đưa đón khách bộ hành Lào Cai – Hà Khẩu trong ngày

a) Điều kiện để các doanh nghiệp kinh doanh khách bộ hành Lào Cai – Hà Khẩu:

- Có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế;

- Có trụ sở chính đóng tại Lào Cai;

- Có hợp đồng lao động dài hạn với 03 hướng dẫn viên du lịch tiếng Trung trở lên (có thẻ Hướng dẫn viên quốc tế do cơ quan có thẩm quyền cấp);

b) Trình tự thủ tục để được phép đón khách bộ hành:

- Doanh nghiệp gửi công văn kèm theo hồ sơ đến sở quản lý nhà nước về du lịch; Hồ sơ gồm: Bản sao công chứng giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế và hợp đồng lao động, 03 thẻ hướng dẫn viên;

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, sở quản lý nhà nước du lịch thẩm định hồ sơ, nếu đủ điều kiện thì lập tờ trình trình UBND tỉnh cho phép đơn vị đón khách. Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện thì sở quản lý nhà nước du lịch trả lời doanh nghiệp (bằng văn bản, nêu rõ lý do) đồng thời báo cáo UBND tỉnh.

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc (từ khi nhận được tờ trình của sở), UBND tỉnh xem xét và đồng ý (bằng văn bản) cho đơn vị đón khách bộ hành. Trường hợp UBND tỉnh không đồng ý phải trả lời và nêu rõ lý do cho doanh nghiệp, đồng thời thông báo cho sở quản lý nhà nước du lịch biết.

Điều 8. Kinh doanh vận chuyển du lịch

Tổ chức, cá nhân kinh doanh vận chuyển khách du lịch ngoài việc chấp hành quy định pháp luật về kinh doanh vận chuyển hành khách, phải thực hiện những quy định sau:

1. Có đăng ký kinh doanh vận chuyển khách du lịch;

2. Sử dụng người điều khiển, người phục vụ trên phương tiện vận chuyển khách du lịch có chuyên môn, sức khỏe phù hợp, không mắc các tệ nạn xã hội được bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch;

3. Mua bảo hiểm hành khách cho khách du lịch theo phương tiện vận chuyển, có biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe và tài sản của khách du lịch trong quá trình vận chuyển;

4. Gắn biển hiệu riêng cho phương tiện vận chuyển khách du lịch tại nơi dễ thấy trên phương tiện vận chuyển.

Điều 9. Kinh doanh lưu trú du lịch

1. Điều kiện kinh doanh lưu trú du lịch:

Tổ chức, cá nhân kinh doanh lưu trú du lịch phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có đăng ký kinh doanh lưu trú;

b) Có biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn, phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật đối với cơ sở lưu trú du lịch.

c) Có quyết định công nhận xếp hạng, hoặc công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng kinh doanh lưu trú trong thời gian 3 tháng kể từ khi bắt đầu hoạt động kinh doanh;

d) Đối với nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (home stay), ngoài những điều kiện trên phải đảm bảo các điều kiện:

- Nhà ở có khu vực bố trí riêng, phòng ở có diện tích tối thiểu 11m2 cho khách du lịch thuê lưu trú;

- Có khu vực vệ sinh tự hoại;

- Có các trang thiết bị khác đảm bảo yêu cầu tối thiểu, cần thiết đối với cơ sở lưu trú;

- Chủ nhà có chứng nhận đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý lưu trú du lịch do sở quản lý nhà nước về du lịch cấp;

- Người sống trong nhà không sử dụng ma túy, không mắc bệnh truyền nhiễm.

2. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh lưu trú du lịch;

a) Treo biển hiệu và quảng cáo đúng về nội dung, chất lượng, dịch vụ trong cơ sở lưu trú theo đúng loại, hạng cơ sở lưu trú được công nhận;

b) Có nội quy bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài phù hợp với đối tượng khách của cơ sở lưu trú, có bảng kê khai tài sản, vật dụng trong các phòng khách nghỉ và sơ đồ buồng phòng;

c) Có hệ thống sổ sách, theo dõi các nghiệp vụ lưu trú; “Sổ lễ tân” theo dõi khách nghỉ, ngày đến, ngày đi, tổng hợp các khoản thanh toán: “Sổ khai báo tạm trú” đối với khách trong và ngoài nước;

d) Cơ sở lưu trú được xếp hạng sao hoặc hạng cao cấp khi kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có điều kiện (như rượu, thuốc lá) không cần giấy phép kinh doanh đối với từng hàng hóa dịch vụ nhưng phải đăng ký với sở quản lý nhà nước về thương mại trước khi thực hiện.

3. Trình tự thẩm định, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch;

a) Tổ chức, cá nhân kinh doanh cơ sở lưu trú lập hồ sơ đăng ký loại, hạng cơ sở lưu trú gửi đến sở quản lý nhà nước về du lịch;

- Hồ sơ đăng ký loại, hạng cơ sở lưu trú gồm:

+ Đơn đề nghị thẩm định, xếp hạng (theo mẫu);

+ Bảng điểm trang thiết bị tiện nghi đối với từng loại hình cơ sở lưu trú (theo mẫu) do đơn vị tự chấm;

+ Bản sao các giấy tờ xác nhận đủ điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ do cơ quan có thẩm quyền cấp;

+ Đối với cơ sở lưu trú đăng ký hạng 3 sao, 4 sao, 5 sao và hạng cao cấp ngoài các loại giấy tờ trên, phải có thêm: Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường do cơ quan có thẩm quyền cấp: danh sách cán bộ, nhân viên và bản sao các văn bằng, chứng chỉ của người điều hành, trưởng các bộ phận.

- Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được đủ hồ sơ hợp lệ, sở quản lý nhà nước về du lịch tổ chức thẩm định cơ sở lưu trú theo đúng quy điịnh. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thẩm định xong, giám đốc sở quản lý nhà nước về du lịch ra quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú từ 2 sao trở xuống hoặc trả lời kết quả thẩm định không đạt tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở lưu trú bằng văn bản;

- Đối với cơ sở lưu trú đăng ký hạng 3 sao, 4 sao, 5 sao và hạng cao cấp, sở quản lý nhà nước về du lịch sẽ tổng hợp hồ sơ gửi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thẩm định và trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú theo quy định của pháp luật.

b) Đối với Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê:

- Chủ hộ lập hồ sơ đăng ký xếp loại, hạng cơ sở lưu trú gửi tới phòng quản lý nhà nước về du lịch cấp huyện, thành phố;

- Phòng quản lý nhà nước về du lịch có trách nhiệm: Tổng hợp danh sách và hồ sơ đề nghị của các chủ hộ gửi đến sở quản lý nhà nước về du lịch;

- Hồ sơ gồm:

+ Đơn đề nghị thẩm định, công nhận hạng (theo mẫu);

+ Biểu tổng hợp các trang thiết bị, tiện nghi do chủ nhà tự tổng hợp (theo mẫu);

+ Bản sao giấy chứng nhận đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý lưu trú du lịch.

- Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách và hồ sơ đề nghị, sở quản lý nhà nước về du lịch tiến hành thẩm định. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thẩm định xong, giám đốc sở quản lý nhà nước về du lịch ra quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú; nêu không đạt tiêu chuẩn trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 10. Kinh doanh dịch vụ du lịch trong khu du lịch, điểm du lịch và đô thị du lịch.

1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lữ hành, vận chuyển, hướng dẫn, lưu trú du lịch trong khu du lịch, điểm du lịch, đô thị du lịch áp dụng theo quy định của Luật Du lịch và quy định tại các Điều 5, Điều 7, Điều 8, Điều 9 của quy chế này.

2. Trường hợp bắt buộc phải đăng ký cấp biển hiệu “Cơ sở đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch”

Các tổ chức, cá nhân kinh doanh các dịch vụ du lịch khác (nhà hàng ăn uống, vui chơi giải trí, thể thao, bán hàng lưu niệm, thông tin và dịch vụ du lịch khác) có quy mô phục vụ từ 3.000 lượt khách du lịch mỗi năm trở lên phải gửi hồ sơ đến sở quản lý nhà nước về du lịch thẩm định và cấp biển hiệu “Cơ sở đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch”.

3. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ trong khu, điểm, đô thị du lịch có quy mô phục vụ dưới 3.000 lượt khách mỗi năm, nếu có nhu cầu cấp biển hiệu “Cơ sở đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch” thì gửi hồ sơ đến sở quản lý nhà nước về du lịch để thẩm định và cấp biển hiệu theo quy định.

4. Trình tự, thủ tục đăng ký cấp biển hiệu “Cơ sở đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch”.

a) Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đăng ký cấp biển hiệu “Cơ sở đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch” đến sở quản lý nhà nước về du lịch:

Hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị cấp biển hiệu “Cơ sở đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch”;

- Báo cáo về cơ sở vật chất kỹ thuật, lao động, tình hình hoạt động kinh doanh và các công tác về an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, phòng chống tệ nạn xã hội, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường của cơ sở kinh doanh tại thời điểm đề nghị cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn.

b) Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, sở quản lý nhà nước về du lịch chủ trì phối hợp với các sở ngành có liên quan tổ chức thẩm định. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày thẩm định xong, giám đốc sở quản lý nhà nước về du lịch ra quyết định cấp biển hiệu “Cơ sở đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch”; nếu không đủ điều kiện thì trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 11. Quản lý giá dịch vụ du lịch

1. Về niêm yết giá: Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch bắt buộc phải thực hiện niêm yết công khai giá (hoặc khung giá) dịch vụ tại cơ sở kinh doanh, cụ thể:

2. Cơ sở lưu trú phải niêm yết giá phòng, giá dịch vụ khác (giặt là, cước đàm thoại, cước internet…) tại điểm dễ thấy tại khu vực lễ tân;

b) Cơ sở kinh doanh ăn uống phải có thực đơn ghi rõ giá cả theo thực đơn;

c) Cơ sở kinh doanh lữ hành phải niêm yết giá chương trình và dịch vụ du lịch tại nơi đón tiếp khách;

d) Cơ sở kinh doanh khu, điểm, tuyến du lịch phải niêm yết giá vé thăm quan tại cổng nơi bán vé.

e) Cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác phải niêm yết giá sản phẩm, dịch vụ du lịch tại điểm dễ thấy.

2. Cơ sở kinh doanh lưu trú và lữ hành phải đăng ký giá đã niêm yết với phòng quản lý nhà nước về du lịch cấp huyện, thành phố và sở quản lý nhà nước về du lịch;

3. Sở quản lý nhà nước về du lịch chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan thường xuyên kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá và xử lý vi phạm về giá theo quy định hiện hành.

Điều 12. Hướng dẫn viên địa phương

1. Quy định chung

a) Người lao động hành nghề hướng dẫn du lịch tại địa phương có đủ điều kiện và có nhu cầu thì được sở quản lý nhà nước về du lịch xem xét cấp thẻ Hướng dẫn viên địa phương;

b) Thẻ Hướng dẫn viên địa phương chỉ có giá trị trong tỉnh Lào Cai, có thời hạn 02 năm và không gia hạn.

c) Mức thu cấp thẻ Hướng dẫn viên địa phương là 200.000đ/thẻ.

2. Điều kiện được cấp thẻ Hướng dẫn viên địa phương.

a) Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên, có hộ khẩu thường trú tại Lào Cai, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, sức khỏe đảm bảo, không mắc bệnh truyền nhiễm, không mắc các tệ nạn xã hội;

b) Có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học trở lên. Riêng đối với người dân tộc thiểu số có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên;

c) Có giấy chứng nhận đã học qua lớp bồi dưỡng kiến thức về hướng dẫn du lịch do sở quản lý nhà nước về du lịch cấp trở lên và sử dụng được ít nhất 01 ngoại ngữ ở mức độ giao tiếp.

3. Hồ sơ, trình tự cấp thẻ Hướng dẫn viên địa phương.

a) Trình tự

- Người lao động (hoặc đơn vị sử dụng lao động lập danh sách, tập hợp hồ sơ) gửi hồ sơ đề nghị cấp thẻ đến sở quản lý nhà nước về du lịch;

- Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, sở quản lý nhà nước về du lịch xem xét, quyết định cấp thẻ Hướng dẫn viên địa phương; trường hợp không đủ điều kiện thì trả lời và nêu rõ lý do.

b) Hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị cấp thẻ:

- Sơ yếu lý lịch có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền;

- Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp không quá 03 tháng trước đó;

- Hai ảnh chân dung 4 x 6 chụp không quá 03 tháng trước đó;

- Bản sao có công chứng các văn bằng, chứng chỉ quy định tại điểm b, điểm c, điểm d khoản 2 Điều này.

Điều 13. Về chế độ báo cáo

1. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh hoặc thay đổi chủ sở hữu, thay đổi tên đơn vị hoặc trụ sở làm việc, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch phải thông báo bằng văn bản tới sở quản lý nhà nước về du lịch (theo mẫu do sở hướng dẫn);

2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch thực hiện chế độ báo cáo hoạt động kinh doanh định kỳ hoặc đột xuất đến phòng quản lý nhà nước về du lịch cấp huyện, thành phố và sở quản lý nhà nước về du lịch theo quy định.

3. Phân cấp quản lý chế độ báo cáo thống kê.

a) Tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch gồm: Doanh nghiệp và chi nhánh kinh doanh lữ hành quốc tế; các cơ sở lưu trú xếp hạng từ 1-5 sao và hạng cao cấp gửi báo cáo thống kê du lịch (theo mẫu) tới các phòng quản lý nhà nước về du lịch các huyện, thành phố và sở quản lý nhà nước về du lịch.

b) Tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch không thuộc đối tượng quy định tại điểm a, khoản 3 Điều này nộp báo cáo thống kê về phòng quản lý du lịch cấp huyện, thành phố trước ngày 15 hàng tháng. Phòng quản lý du lịch cấp huyện, thành phố tổng hợp, báo cáo về sở quản lý nhà nước về du lịch trước ngày 20 hàng tháng (Mẫu báo cáo do sở quản lý nhà nước về du lịch hướng dẫn);

c) Các cơ quan chức năng có liên quan (Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh. Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu) có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan để phục vụ cho công tác thống kê du lịch.

Chương 3.

THANH TRA, KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 14. Thanh tra, kiểm tra

1. Thanh tra du lịch ngoài thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành du lịch theo quy định của pháp luật, có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm quy định trong quy chế này, cụ thể:

a) Thanh tra, kết luận về việc thực hiện các quy định tại chương II quy chế này.

b) Áp dụng hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật và các quy định pháp luật về quản lý du lịch của tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh và hoạt động du lịch theo quy định của pháp luật.

c) Quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc lập hồ sơ trình cơ quan, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý du lịch theo quy định của pháp luật.

2. Các yêu cầu, kiến nghị của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai được gửi đến thanh tra du lịch; thanh tra du lịch có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết kịp thời hoặc báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết và trả lời theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Khiếu nại, tố cáo

Việc khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động du lịch, quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai được thực hiện theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo và pháp luật có liên quan.

Điều 16. Xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định trong quy chế này sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành của Pháp luật và áp dụng biện pháp xử lý vi phạm bổ sung nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 điều này.

2. Đình chỉ hoạt động đưa đón khách bộ hành Việt Nam đi tham quan Hà Khẩu và buộc bồi thường thiệt hại theo quy định của Pháp luật (nếu có) đối với các đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế được phép đưa đón khách bộ hành Việt Nam sử dụng giấy thông hành đi tham quan Hà Khẩu trong ngày nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây.

a) Không bố trí hướng dẫn viên đi cùng đoàn khách suốt thời gian tham quan; sử dụng hướng dẫn viên không có thẻ, thẻ hết hạn hoặc không ký hợp đồng lao động với hướng dẫn viên để hướng dẫn khách;

b) Cho các đơn vi khác mượn tư cách pháp nhân hoặc mượn tư cách pháp nhân của các đơn vị khác để đón khách;

c) Cạnh tranh trái pháp luật dẫn đến giảm chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của khách du lịch;

d) Không chấp hành quy định về kê khai và nộp thuế tại địa phương.

3. Áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm về giá theo Nghị định số 169/2004/NĐ-CP ngày 22/09/2004 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, cụ thể:

a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi không thực hiện niêm yết, niêm yết giá không đúng quy định tại các điểm giao dịch, mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, đối với hàng hóa dịch vụ do doanh nghiệp tự định giá.

b) Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không thực hiện niêm yết; niêm yết không đúng quy định tại các điểm giao dịch, mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, đối với hàng hóa, giá dịch vụ thuộc danh mục nhà nước định giá.

c) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng thiên tai, dịch họa, diễn biến bất thường khác để đầu cơ tăng giá, ép giá trong phạm vi một huyện, thành phố.

d) Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính quy định tại điểm a, điểm b, điểm c. Điều này ngoài việc bị phạt tiền còn có thể bị tịch thu số tiền thu lợi do vi phạm hành chính.

Chương 4.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 17. Giao cho sở Tài chính chủ trì, phối hợp với sở quản lý nhà nước về du lịch có biện pháp nhằm bình ổn giá cả thị trường và quyền lợi của khách du lịch trong những thời điểm cần thiết, trình UBND tỉnh phê duyệt thực hiện;

Điều 18. Giao cho sở quản lý nhà nước về du lịch chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng liên quan và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện quy chế này.

Điều 19. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vướng mắc các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về sở quản lý nhà nước về du lịch để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.





Nghị định 92/2007/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Du lịch Ban hành: 01/06/2007 | Cập nhật: 22/06/2007