Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2019 về chấn chỉnh, tăng cường quản lý nhà nước đối với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
Số hiệu: 10/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai Người ký: Nguyễn Quốc Hùng
Ngày ban hành: 19/09/2019 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Đất đai, Tài chính, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/CT-UBND

Đồng Nai, ngày 19 tháng 9 năm 2019

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH, TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÔNG TÁC BỒI THƯỜNG, GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

Đồng Nai là tỉnh nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là nơi thực hiện nhiều dự án đầu tư phát triển kinh tế xã hội của cả nước, của khu vực và của tỉnh. Trong quá trình thực hiện các dự án, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo tiến độ các dự án cũng như việc ổn định đời sống, sản xuất của người có đất bị thu hồi.

Trong những năm qua, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thu hồi đất đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo ra quỹ đất để triển khai các dự án quan trọng để phát triển kinh tế xã hội như hệ thống cấp điện, cấp nước, giao thông, xây dựng và phát triển các khu công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị mới, các dự án nông thôn mới… Nhiều khu tái định cư trên địa bàn tỉnh đã được hình thành và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, góp phần ổn định cuộc sống của người dân tại nơi ở mới và phân bố lại dân cư cho phù hợp với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế cụ thể là:

- Việc thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án còn rất chậm, kéo dài;

- Việc đầu tư xây dựng các khu tái định cư chưa đáp ứng yêu cầu thực tế về mặt thời gian, chưa đảm bảo tính chủ động để bố trí cho các hộ bị giải tỏa trắng;

- Tình hình khiếu kiện trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn diễn ra khá phổ biến, chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số đơn thư khiếu nại, gây mất trật tự xã hội, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và môi trường đầu tư.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên đây, ngoài nguyên nhân khách quan, còn do chính quyền ở một số địa phương chưa quan tâm đúng mức và chỉ đạo chưa sát sao; tính chủ động, tích cực và phối hợp thực hiện của một số tổ chức, cơ quan làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng còn hạn chế; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án chưa được thực hiện đúng trình tự thủ tục để đảm bảo tính liên tục đến khi kết thúc mà thường bị chia ra nhiều đợt thực hiện; công tác định giá đất để bồi thường còn chậm và chưa chính xác, còn phải điều chỉnh bổ sung nhiều lần; việc phê duyệt phương án bồi thường còn chưa phù hợp với thời điểm phê duyệt giá đất; việc bố trí vốn và thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chưa kịp thời, thiếu sự đồng bộ; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tại cấp huyện, cấp xã chưa được quan tâm và giải quyết nghiêm túc.

Để chấn chỉnh và khắc phục tồn tại hạn chế nêu trên nhằm đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, ổn định cuộc sống của người bị thu hồi đất và giảm thiểu tình hình khiếu kiện, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

1. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa chịu trách nhiệm tập trung chỉ đạo và thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp sau đây:

a) Rà soát, đề xuất điều chỉnh hoặc hủy bỏ các dự án, các công trình có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm mà đã quá 03 năm nhưng chưa thực hiện theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất;

b) Rà soát, thống kê đầy đủ các dự án, công trình đã có quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư nhưng còn tồn đọng, chưa triển khai được, nhất là các dự án, công trình trọng điểm và các trường hợp có quyết định thu hồi đất trước ngày 01/7/2014; làm rõ nguyên nhân và có kế hoạch, biện pháp giải quyết hoặc đề xuất giải quyết dứt điểm;

c) Kiên quyết xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có các hành vi lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất và xây dựng công trình trái phép, nhất là trên đất nông nghiệp và tại các khu vực đã có kế hoạch sử dụng đất, thông báo thu hồi đất để thực hiện các dự án; chấn chỉnh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đã buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng trên ở các địa phương;

d) Tăng cường chỉ đạo việc phối hợp và làm rõ trách nhiệm giữa các cơ quan tham gia thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Theo đó, chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc, Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và sử dụng kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường được trích theo đúng quy định;

đ) Chỉ đạo triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đồng bộ với việc bố trí vốn của Trung ương, của Tỉnh và cấp huyện cho các dự án và đồng bộ với kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch định giá đất cụ thể đã được phê duyệt; thực hiện việc thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải phù hợp với thời điểm phê duyệt giá đất để bồi thường;

e) Đề xuất việc xác định giá đất cụ thể để bồi thường đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt trên địa bàn sát với giá đất thực tế để đảm bảo quyền lợi của người có đất bị thu hồi; chỉ đạo việc thuê đơn vị tư vấn xác định giá đất cụ thể để bồi thường khi có phân cấp của UBND tỉnh; xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đất cụ thể trên địa bàn để nâng cao chất lượng và rút ngắn thời gian định giá đất;

g) Chủ động xử lý các khó khăn vướng mắc thuộc thẩm quyền để đảm bảo thời gian thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án; chỉ xin ý kiến, kiến nghị cấp trên xử lý đối với các trường hợp chưa được pháp luật đất đai quy định cụ thể để không kéo dài thời gian thực hiện;

h) Nghiêm túc thực hiện đúng quy trình, thời gian đối với các khâu trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật đất đai, quy định của UBND tỉnh và tiến độ đầu tư của dự án; việc lập phương án bồi thường, thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường không được tự ý chia ra nhiều lần để tạo nên sự so bì của các đối tượng cùng dự án nhưng phê duyệt khác thời điểm và hưởng chính sánh bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khác nhau và việc bàn giao mặt bằng manh mún cũng sẽ gây khó khăn cho việc thi công dự án;

i) Củng cố, tăng cường năng lực cho Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp huyện, công chức địa chính cấp xã, nhất là những địa bàn đang triển khai các dự án trọng điểm, địa bàn cùng lúc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của nhiều dự án; nâng cao tính chuyên nghiệp của Trung tâm Phát triển quỹ đất nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo phân cấp của pháp luật đất đai và chỉ đạo của UBND tỉnh;

k) Kiện toàn và nâng cao trình độ của bộ phận tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; nghiêm túc thực hiện việc tiếp, đối thoại và giải quyết khiếu nại của công dân để giải quyết dứt điểm các vụ việc, hạn chế khiếu kiện đông người, kéo dài, gây mất trật tự xã hội, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và môi trường đầu tư;

l) Chủ động đề xuất, lập thủ tục đầu tư xây dựng các khu tái định cư trên địa bàn để kịp thời bố trí, di dời các đối tượng bị thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai 2013;

m) Thực hiện tốt việc công khai, minh bạch trong công tác quy hoạch, chủ trương đầu tư các dự án, niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước và sau khi phê duyệt; công tác tuyên truyền, vận động đối với người có đất bị thu hồi.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố Long Khánh, thành phố Biên Hòa thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Xây dựng, trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua và trình UBND tỉnh ban hành bảng giá đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai 05 năm 2020-2024 để thực hiện;

b) Tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung quyết định số 09/2018/QĐ-UBND ngày 22/02/2018 của UBND tỉnh về việc phối hợp thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn tỉnh;

c) Sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2018/QĐ-UBND ngày 24/01/2018 của UBND tỉnh về quy chế phối hợp định giá đất cụ thể trên địa bàn tỉnh theo hướng phân cấp cho UBND cấp huyện trong việc ký hợp đồng thuê các đơn vị tư vấn và đề xuất việc xác định giá đất cụ thể để bồi thường đối với tất cả các dự án trình UBND tỉnh ban hành để triển khai thực hiện; chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đất cụ thể, đảm bảo giá đất trình UBND tỉnh phê duyệt để bồi thường phải sát với thực tế, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người bị thu hồi đất và hạn chế tối đa tình trạng khiếu kiện;

d) Rà soát, chủ động đề xuất, kiến nghị thu hồi đất theo quy định của pháp luật đất đai đối với những dự án, công trình đã được giao đất, cho thuê đất mà qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện không đưa đất vào sử dụng, gây lãng phí đất đai và bức xúc trong dư luận xã hội;

đ) Phối hợp UBND cấp huyện đề xuất xử lý điều chỉnh hoặc hủy bỏ các dự án, các công trình có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm mà đã quá 03 năm nhưng chưa thực hiện theo quy định của pháp luật; xử lý dứt điểm các dự án, công trình đã có quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư nhưng còn tồn đọng, chưa triển khai được, nhất là các dự án, công trình trọng điểm và các trường hợp có quyết định thu hồi đất trước ngày 01/7/2014;

e) Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Thanh tra tỉnh và các sở, ngành có liên quan kiểm tra tình hình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại các địa phương, kịp thời tham mưu UBND tỉnh chấn chỉnh, xử lý đối với các địa phương còn xảy ra những tồn tại, khuyết điểm;

g) Kiện toàn và tăng cường nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức làm nhiệm vụ xây dựng bảng giá đất và định giá đất cụ thể để đảm bảo chất lượng, thời gian yêu cầu; chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đất cụ thể trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Tài chính chịu trách nhiệm:

a) Khẩn trương sửa đổi, bổ sung Quyết định số 58/2016/QĐ-UBND ngày 24/10/2016 của UBND tỉnh về thu tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân khi nhà nước giao đất ở tại các khu tái định cư trình UBND tỉnh ban hành; kịp thời tham mưu UBND tỉnh phê duyệt giá đất để thu tiền sử dụng đất tại các khu tái định cư theo đề nghị của UBND cấp huyện;

b) Đề xuất UBND tỉnh nâng cao năng lực hoạt động của Hội đồng Thẩm định giá đất cụ thể để đảm bảo giá đất được phê duyệt sát với thực tế và rút ngắn thời gian thẩm định;

c) Chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và các sở, ngành có liên quan trình UBND tỉnh các biện pháp hỗ trợ khác để đảm bảo ổn định đời sống, sản xuất của người bị thu hồi đất;

d) Chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND tỉnh xem xét, bố trí nguồn vốn cho các địa phương để đầu tư xây dựng các khu tái định cư phục vụ cho việc giải phóng mặt bằng các dự án, nhất là các dự án trọng điểm.

4. Sở Xây dựng chịu trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan xác định vị trí quy mô khu tái định cư cho phù hợp với quy hoạch phát triển chung của các địa phương trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết;

b) Hướng dẫn, kiểm tra việc xác định giá nhà, công trình xây dựng khác để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại các địa phương, các dự án được giao.

5. Thanh tra tỉnh chịu trách nhiệm:

a) Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại cấp huyện và các dự án cụ thể khi được giao thực hiện; theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra đã ban hành để phát hiện, xử lý kiên quyết, dứt điểm các vi phạm, không để tồn tại kéo dài;

b) Tập trung giải quyết các vụ khiếu kiện đông người, kéo dài, không để chậm trễ gây bức xúc của người khiếu kiện;

c) Chủ động tiếp nhận, giải quyết triệt để, kịp thời các trường hợp tố cáo, phản ánh của người dân về tình hình vi phạm pháp luật trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và kiên quyết xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm, đảm bảo nguyên tắc dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật trong công tác bồi thường.

6. Sở Thông tin Truyền thông chịu trách nhiệm:

Chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, báo Đồng Nai, Đài Phát thanh Truyền hình Đồng Nai và UBND các huyện, thành phố Long Khánh, thành phố Biên Hòa tổ chức thực hiện việc tuyền truyền, phổ biến, công khai các quy định pháp luật về đất đai, về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đến các tầng lớp nhân dân, nhất là những người bị ảnh hưởng do việc thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án để tạo sự đồng thuận và hợp tác trong quá trình thực hiện.

7. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ngành có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này, gửi báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 10 tháng 12 hàng năm để tổng hợp chung.

Giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và định kỳ trước ngày 31 tháng 12 hàng năm báo cáo UBND tỉnh về tình hình thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Quốc Hùng

 





Quyết định 02/2018/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định 42/2014/QĐ-UBND Ban hành: 18/01/2018 | Cập nhật: 18/03/2019