Chỉ thị 03/CT-UBND năm 2015 thực hiện biện pháp cấp bách để ngăn chặn tàu cá và ngư dân Quảng Ngãi xâm phạm vùng biển các nước khai thác hải sản
Số hiệu: 03/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi Người ký: Lê Viết Chữ
Ngày ban hành: 27/01/2015 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, An ninh quốc gia, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/CT-UBND

Quảng Ngãi, ngày 27 tháng 01 năm 2015

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH ĐỂ NGĂN CHẶN TÀU CÁ VÀ NGƯ DÂN QUẢNG NGÃI XÂM PHẠM VÙNG BIỂN CÁC NƯỚC KHAI THÁC HẢI SẢN

Những năm qua, tình hình tàu cá và ngư dân Quảng Ngãi đến vùng biển các nước Inđônêxia, Malaixia, Philippin… khai thác hải sản trái phép, bị nước ngoài bắt giữ, xử lý tuy có chiều hướng giảm, nhưng gia tăng ở một số nước, vùng lãnh thổ khác như Palau, Australia, Quần đảo Mariana, Liên bang Micronesia (từ tháng 11/2013 đến nay Australia bắt 06 tàu/88 ngư dân; Palau bắt 09 tàu/109 ngư dân; Mỹ - đang đóng quân tại quần đảo Mariana bắt 04 tàu/57 ngư dân; Liên bang Micronesia bắt 03 tàu/32 ngư dân). Tình hình trên đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước và thị trường xuất khẩu thủy sản của nước ta.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là: Nguồn lợi thủy sản trong vùng biển Việt Nam đang ngày càng giảm sút; trong khi đó nguồn lợi thủy sản trên vùng biển của một số quốc gia trong khu vực còn rất phong phú và đa dạng, đặc biệt là có các loài hải sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao như rùa biển, hải sâm, trai (sò) tai tượng, hoa đá đen…và hiện nay, Nhà nước ta chưa có Hiệp định hợp tác với các nước về lĩnh vực khai thác hải sản nên một số chủ tàu cá đã tự thông qua tổ chức môi giới hợp đồng trái phép hoặc trực tiếp đến vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận ngư dân còn hạn chế; các cơ quan quản lý Nhà nước chưa có cơ chế quản lý, giám sát hành trình của tàu cá hoạt động đánh bắt xa bờ, chưa tích cực, chủ động phối hợp đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm, trong khi đó tình hình tranh chấp chủ quyền Biển Đông diễn biến phức tạp.

Để kịp thời ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá và ngư dân Quảng Ngãi đến vùng biển các nước khai thác hải sản trái phép; tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương ven biển, đảo thực hiện nghiêm các nhiệm vụ sau:

1. UBND các huyện, thành phố ven biển, đảo

- Nêu cao tinh thần trách nhiệm, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại các chỉ thị trước đây về tăng cường quản lý tàu cá và ngư dân hoạt động khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam và tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý người, phương tiện hoạt động thủy sản trên biển, trong đó cần tập trung phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể, mặt trận đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về biển, phạm vi chủ quyền vùng biển Việt Nam; quản lý hoạt động hành nghề khai thác hải sản; quản lý công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, không khai thác, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng các loại hải sản quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng đối với chủ phương tiện, thuyền trưởng, thuyền viên, các chủ cơ sở thu mua, chế biến hải sản và các cá nhân đầu tư vốn vào tàu cá hoạt động trên biển. Xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi cố tình vi phạm, đưa tàu ra nước ngoài hoạt động khai thác thủy hải sản.

- Phối hợp với các sở, ngành, đồn, trạm Biên phòng thực hiện nghiêm túc, triệt để các biện pháp quản lý phương tiện tàu cá, lao động hành nghề trên biển (kể cả số lao động ngoài tỉnh), loại ngành nghề, ngư trường hoạt động theo quy định tại Quyết định số 19/2008/QĐ-UBND ngày 29/02/2008 của UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý người và tàu cá hoạt động thủy sản tại Quảng Ngãi. Kiên quyết không xác nhận hoặc đề nghị thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên có hành vi vi phạm. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố ven biển, đảo chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về các trường hợp hỗ trợ cho chủ tàu cá và ngư dân, phải đảm bảo chính xác và đúng đối tượng.

- Khi xem xét phương án sản xuất kèm theo hồ sơ xin vay vốn theo quy định tại Điều 4, Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ phải yêu cầu chủ phương tiện cam kết không xâm phạm vùng biển các nước, không khai thác các loại hải sản trong danh mục cấm.

- Ngay sau khi nhận được thông tin về tàu thuyền và ngư dân của địa phương bị nước ngoài bắt giữ phải kịp thời báo cáo UBND tỉnh và các cơ quan chức năng liên quan; đồng thời chủ động, tích cực phối hợp xử lý, giải quyết vụ việc theo đúng quy định của pháp luật trong nước và luật pháp quốc tế.

- Hàng tháng tổng hợp tình hình ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử phạt để thông báo đến các nghiệp đoàn nghề cá và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Tiếp tục có biện pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý tàu cá và ngư dân hoạt động khai thác hải sản ngoài vùng biển Việt Nam và tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý người, phương tiện hoạt động thủy sản trên biển, trong đó cần tập trung phối hợp với các địa phương ven biển, đảo và các đồn, trạm Biên phòng để tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký, đăng kiểm tàu cá, cấp phát sổ danh bạ thuyền viên. Không cấp lại giấy phép hành nghề khai thác hải sản cho những người đã có hành vi vi phạm trong thời gian thực hiện quyết định xử phạt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh nghiên cứu lập Đề án ứng dụng công nghệ thông tin vào việc giám sát hành trình tàu cá hoạt động trên biển trình UBND tỉnh xem xét, quyết định để triển khai thực hiện. Yêu cầu bắt buộc các chủ tàu cá thường xuyên hoạt động trên các vùng biển xa phải lắp đặt máy thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp định vị vệ tinh (GPS); trong mỗi chuyến đi biển tàu cá phải gửi tin nhắn về Trạm bờ (Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản) ít nhất 01 lần/ngày để theo dõi, giám sát; nếu không nhắn tin liên tục 5 ngày/chuyến biển thì không được xem xét hỗ trợ theo các chính sách của Nhà nước. Những trường hợp cố tình không thực hiện, phải có chế tài xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

- Tăng cường lực lượng Thanh tra chuyên ngành để phối hợp với các địa phương ven biển, đảo và các đồn, trạm Biên phòng tiến hành kiểm tra, kiểm soát thường xuyên nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các chủ phương tiện, thuyền trưởng cố tình vi phạm các quy định như: không trang bị, không duy trì hoạt động, tự ý tẩy xóa các dữ liệu trên máy định vị vệ tinh. Giám sát chặt chẽ hoạt động của tàu cá trong quá trình hành nghề trên biển.

- Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố ven biển, đảo, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Tài chính kiểm tra, rà soát chặt chẽ danh sách đề nghị thực hiện các chính sách hỗ trợ, phải đảm bảo chuẩn xác, đúng đối tượng.

- Tham mưu UBND tỉnh quy hoạch lại cơ cấu ngành nghề khai thác hải sản phù hợp với từng địa phương, hạn chế cấp phép hành nghề lặn (loại ngành nghề thường sử dụng thuốc nổ, kích điện khai thác ven bờ các đảo và xâm phạm chủ quyền khai thác trong các vùng biển của các nước). Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào việc bảo quản, chế biến nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng giá trị hàng hóa, tăng thu nhập cho ngư dân.

- Chủ động báo cáo, đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về xây dựng và triển khai đề án hợp tác nghề cá với các nước trong khu vực.

3. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

- Chỉ đạo các đồn, trạm Biên phòng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ phương tiện nghề cá (nhất là số phương tiện đăng ký hành nghề ở khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, vùng biển phía Nam). Duy trì việc đăng ký cam kết không xâm phạm chủ quyền vùng biển các nước khai thác hải sản giữa chủ phương tiện, thuyền trưởng với Trạm kiểm soát Biên phòng. Kiên quyết không lập thủ tục xuất bến cho các phương tiện không thực hiện việc ký cam kết, không chấp hành đầy đủ các quy định, hoặc thiếu các loại giấy tờ cần thiết, hệ thống thông tin định vị và các trang thiết bị an toàn, cứu hộ, cứu nạn khác; phát hiện sớm, ngăn chặn ngay từ đầu các trường hợp tàu cá có dấu hiệu nghi ngờ; phát hiện bắt giữ, xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm vùng biển các nước khai thác hải sản trái phép; vận chuyển, mua bán, tiêu thụ các loài hải sản quý hiếm trong danh mục cấm khai thác.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức rà soát, thống kê chủ phương tiện, thuyền trưởng, thuyền viên, các chủ cơ sở thu mua, chế biến hải sản và các cá nhân đầu tư đóng mới tàu thuyền đầu tư vốn cho hoạt động trên biển có dấu hiệu tổ chức đưa tàu cá và ngư dân ra nước ngoài khai thác hải sản trái phép để kịp thời ngăn chặn và báo cáo UBND tỉnh; phối hợp với các sở, ngành, địa phương ven biển, đảo tập trung tuyên truyền và thực hiện đồng bộ các biện pháp để giảm thiểu và sớm chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Quảng Ngãi xâm phạm trái phép vùng biển các nước khai thác hải sản.

- Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể ở huyện, thành phố ven biển, đảo tổ chức phát động phong trào quần chúng đấu tranh với các hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng chất nổ, xung điện khai thác tận diệt các loại hải sản ở các vùng biển; nói không với các hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng các loại hải sản quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng trong danh mục cấm.

- Phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông nghiên cứu lập Đề án kết nối thông tin liên lạc giữa trạm kiểm soát Biên phòng với tất cả các phương tiện tàu cá đăng ký hành nghề trên các vùng biển xa, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định để triển khai thực hiện.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại vụ tổng hợp số liệu về tình hình tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, kết quả xử lý... báo cáo UBND tỉnh theo định kỳ hàng Quý.

4. Công an tỉnh

- Phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh theo dõi, nắm tình hình, phát hiện, điều tra, xác minh làm rõ số đối tượng trong nước và nước ngoài móc nối, lừa đảo, hợp đồng đưa tàu và ngư dân ra nước ngoài khai thác hải sản để tham mưu UBND tỉnh xử lý theo quy định của pháp luật.

- Chỉ đạo Công an các huyện, thành phố ven biển, đảo phối hợp với các Đồn Biên phòng trực tiếp gặp gỡ, đấu tranh công khai với số đối tượng xem thường pháp luật, cố tình vi phạm, đưa tàu ra nước ngoài khai thác hải sản trái phép.

5. Sở Ngoại vụ

Chủ động phối hợp với Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài kịp thời có biện pháp bảo hộ, đảm bảo sự an toàn về tính mạng và tài sản khi ngư dân bị nước ngoài bắt giữ; phối hợp với cơ quan chức năng liên quan xác minh nhân thân ngư dân và hoàn tất các thủ tục lãnh sự cần thiết nhằm kịp thời báo cáo, đề nghị Bộ Ngoại giao can thiệp, đưa ngư dân về nước; cập nhật, tổng hợp quy định mới của các nước về việc đánh bắt, xử phạt các trường hợp xâm phạm lãnh hải của họ để phối hợp thông tin, tuyên truyền đến bà con ngư dân trong tỉnh, không vi phạm lãnh hải nước ngoài.

6. Sở Thông tin và Truyền thông

Hướng dẫn UBND các huyện, thành phố ven biển, đảo thực hiện công tác đăng ký và cấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện trên các tàu cá theo đúng quy định của Nhà nước. Phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định trong việc sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện trên tàu cá.

7. Đài Phát thanh truyền hình tỉnh

Phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Biển và Hải đảo - Sở Tài nguyên và Môi trường thu thập đầy đủ thông tin tình hình các vụ việc ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý; những tác động ảnh hưởng đến đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, thiệt hại về kinh tế của ngư dân, kịp thời thông tin tuyên truyền trên sóng phát thanh, truyền hình tỉnh để cảnh báo ngư dân.

8. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh

Nghiên cứu chỉ đạo các Nghiệp đoàn nghề cá bổ sung nội dung quy định đoàn viên nghiệp đoàn phải cam kết không xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền các nước để khai thác hải sản trái phép vào quy chế hoạt động của nghiệp đoàn. Tập trung chỉ đạo phát huy vai trò của Nghiệp đoàn nghề cá trong công tác tuyên truyền, giáo dục cho đoàn viên nghiệp đoàn chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố ven biển, Lý Sơn quán triệt triển khai thực hiện nghiêm túc. Định kỳ hàng quý, báo cáo tình hình và kết quả thực hiện cho UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo./.

 

 

CHỦ TỊCH




Lê Viết Chữ

 





Nghị định 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản Ban hành: 07/07/2014 | Cập nhật: 10/07/2014