Chỉ thị 03/CT-UBND tổ chức triển khai công tác tiêm phòng vaccine cho gia súc, gia cầm năm 2017 và tăng cường giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Bình Định
Số hiệu: 03/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định Người ký: Trần Châu
Ngày ban hành: 13/02/2017 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/CT-UBND

Bình Định, ngày 13 tháng 02 năm 2017

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC TRIỂN KHAI CÔNG TÁC TIÊM PHÒNG VACCINE CHO GIA SÚC, GIA CẦM NĂM 2017 VÀ TĂNG CƯỜNG CÁC GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Hiện nay, tình hình thời tiết vẫn đang diễn biến phức tạp, cùng với thiệt hại nặng nề sau 05 đợt mưa lũ lịch sử cuối năm 2016, làm suy giảm sức đề kháng, khả năng sinh trưởng, phát triển của đàn gia súc, gia cầm; thêm vào đó, nhiều gia súc, gia cầm bị chết và bị nước lũ cuốn trôi, làm môi trường ô nhiễm là điều kiện thuận lợi phát sinh dịch bệnh, nguy cơ phát dịch ra diện rộng là rất cao, nhất là những ổ dịch cũ, vùng ngập nước lâu ngày, vùng tiêm phòng đạt tỷ lệ thấp và những địa phương thiếu chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Nhằm tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, tổ chức tốt tiêm phòng vaccine cúm gia cầm, lở mồm long móng (LMLM) gia súc, dịch tả heo và các bệnh truyền nhiễm khác trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, tổ chức hội đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc tổ chức triển khai một số nhiệm vụ sau:

1. Sở Nông Nghiệp và PTNT, Sở Y tế theo chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định, Báo Bình Định, các tổ chức hội, đoàn thể tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về sự nguy hiểm của bệnh dại, cúm gia cầm, LMLM gia súc, tai xanh heo. Vận động người chăn nuôi phát hiện và báo cáo kịp thời cho cơ quan chăn nuôi thú y, chính quyền cơ sở về dịch bệnh; chấp hành kế hoạch, thời gian tiêm phòng vaccine và chủ động thực hiện phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Tuyệt đối không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, không ăn tiết canh, không ăn thịt gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, bị bệnh, chết, không qua kiểm soát thú y.

2. Sở Nông nghiệp và PTNT:

a. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc cung ứng đầy đủ, kịp thời các loại vaccine, thuốc sát trùng, vật tư, dụng cụ tiêm phòng và hướng dẫn quy trình kỹ thuật tiêm phòng, chữa trị gia súc, gia cầm phản ứng vaccine cho các địa phương. Tiếp tục duy trì hoạt động của các Tổ cơ động chống dịch của ngành, đảm bảo sẵn sàng ứng phó kịp thời khi dịch xảy ra.

b. Xác định nhu cầu các loại vaccine phục vụ tiêm phòng năm 2017; tổ chức tiếp nhận vaccine do Trung ương hỗ trợ và mua thêm các loại vaccine phục vụ tiêm phòng, đảm bảo đủ vaccine tiêm phòng theo kế hoạch.

c. Tham mưu UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện Chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Bình Định, giai đoạn 2015 - 2020 theo Quyết định số 33/2014/QĐ-UBND ngày 22/12/2014 của UBND tỉnh Bình Định và Quyết định số 71/2016/QĐ-UBND ngày 19/12/2016 của UBND tỉnh.

d. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y:

- Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, vật tư, hóa chất, vaccine ... và cung ứng kịp thời cho các địa phương, phục vụ tốt cho công tác tiêm phòng năm 2017. Kiểm tra quy trình tiêm phòng, hướng dẫn xử lý kỹ thuật và thực hiện báo cáo tiến độ tiêm phòng hàng tuần về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

- Hướng dẫn các địa phương xử lý các trường hợp gia súc bệnh, dịch xảy ra lẻ tẻ, cục bộ theo đúng quy trình kỹ thuật, kiên quyết không để lây lan ra diện rộng. Tăng cường kiểm tra hoạt động phúc kiểm tại các chốt kiểm dịch động vật đầu mối giao thông, đảm bảo thực hiện đúng quy trình kiểm dịch theo quy định. Đề xuất lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp hỗ trợ khi cần thiết và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

- Phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bệnh Dại, hướng dẫn thực hiện các quy định về quản lý chó, mèo nuôi và vận động người dân chấp hành tiêm vaccine phòng Dại cho chó, mèo nuôi theo Quy định tại Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Quy định về phòng, chống dịch bệnh trên cạn.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

a. Tổ chức chỉ đạo các địa phương triển khai tiêm phòng vaccine cúm gia cầm, LMLM gia súc và dịch tả heo năm 2017 theo kế hoạch của Sở Nông nghiệp và PTNT. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả tiêm phòng và công tác chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật thuộc địa bàn quản lý.

- Thời gian tiêm phòng vaccine cúm gia cầm: (Đợt I: Từ ngày 03/01/2017 đến ngày 22/01/2017 và đợt II: Từ ngày 03/7/2017 đến ngày 22/7/2017). Đối tượng tiêm phòng là toàn đàn gia cầm (gà, vịt) thuộc diện tiêm; chú trọng đàn gia cầm nhỏ lẻ trong hộ dân, đàn gia cầm nuôi mới, tái đàn, đảm bảo tiêm đủ liều, đủ mũi theo hướng dẫn của Cục Thú y.

- Thời gian tiêm phòng vaccine LMLM trâu, bò, heo: (Đợt I: Từ ngày 01/03/2017 đến ngày 30/03/2017 và đợt II: Từ ngày 01/9/2017 đến 30/9/2017). Tỷ lệ tiêm phòng trâu, bò đạt từ 85% tổng đàn trở lên (không có thôn, làng đạt tỷ lệ tiêm phòng dưới 80%). Đối tượng tiêm phòng vaccine LMLM heo là: Nái sinh sản và đực giống trong diện tiêm, đảm bảo đạt tỷ lệ bảo hộ đàn.

- Thời gian tiêm phòng vaccine dịch tả heo: (Đợt I: Từ ngày 01/4/2017 đến ngày 30/4/2017 và đợt II: Từ ngày 01/10/2017 đến ngày 30/10/2017). Tỷ lệ tiêm phòng heo phấn đấu đạt 80% tổng đàn. Trong đó, tỷ lệ tiêm phòng heo tại các trang trại đạt 100%. Đồng thời với tiêm phòng dịch tả, triển khai tiêm phòng vaccine tụ huyết trùng, phó thương hàn, E.coli cho đàn heo, góp phần giảm thiệt hại do bệnh tai xanh. Khuyến khích các địa phương tổ chức tiêm phòng đồng thời vaccine LMLM heo và dịch tả heo. Tuy nhiên, phải giám sát, quản lý chặt chẽ, đảm bảo chất lượng và hiệu quả tiêm phòng. Tập trung tổ chức tiêm phòng đồng loạt, dứt điểm từng thôn (làng, khu vực), đến xã (phường, thị trấn), đảm bảo đúng tiến độ theo kế hoạch, tránh tình trạng dàn trải, kéo dài.

- Về tiền công tiêm phòng: Do chủ chăn nuôi chi trả theo quy định tài chính hiện hành. Đối với tiền công tiêm phòng vacccine cúm gia cầm đợt I/2017 và duy trì tiêm phòng bổ sung khép kín gia cầm nuôi mới, tái đàn do ngân sách tỉnh hỗ trợ theo Quyết định số 272/QĐ-UBND ngày 25/01/2017 của UBND tỉnh về việc hỗ trợ tiền công tiêm phòng vaccine cúm gia cầm đợt I năm 2017.

- Kinh phí sử dụng mua vaccine tiêm phòng năm 2017 được thực hiện theo Văn bản số 5874/UBND-KT ngày 20/12/2016 của UBND tỉnh về việc bố trí ngân sách địa phương đối ứng để thực hiện các chương trình, dự án do Sở Nông nghiệp và PTNT làm chủ đầu tư và mua vaccine các loại tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh động vật năm 2017. Phương thức thanh toán kinh phí đối ứng mua vaccine như sau: Thanh toán kinh phí đợt I/2017 là ngân sách huyện, thị xã; đợt II/2017 là ngân sách tỉnh; riêng huyện Hoài Ân thanh toán 50% trong đợt I/2017 và thành phố Quy Nhơn thanh toán 100% kinh phí mua vaccine tiêm phòng trong 2 đợt/năm. Đối với 03 huyện miền núi (Vân Canh, An Lão, Vĩnh Thạnh): Ngân sách tỉnh hỗ trợ tiền công tiêm phòng vaccine cúm gia cầm, LMLM trâu, bò, heo, tụ huyết trùng trâu, bò, dịch tả heo; Nguồn vaccine cúm gia cầm, LMLM trâu, bò, heo, tụ huyết trùng trâu bò, dịch tả heo do ngân sách tỉnh và Trung ương hỗ trợ.

- Về chế độ hỗ trợ rủi ro trong tiêm phòng cho người chăn nuôi được thực hiện theo văn bản số 1163/UBND-KTN ngày 28/02/2014 của UBND tỉnh Bình Định về việc cơ chế hỗ trợ cho người chăn nuôi có gia súc, gia cầm xảy ra rủi ro do tiêm phòng và dịch bệnh.

b. Củng cố và kiện toàn hoạt động Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật ở các cấp, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên đứng chân địa bàn để kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác tiêm phòng và giám sát dịch bệnh.

c. Tăng cường triển khai các biện pháp giám sát dịch bệnh, quản lý chăn nuôi, ấp nở, xuất nhập, tái đàn gia cầm và quản lý chó, mèo nuôi thuộc địa bàn. Thành lập Tổ kiểm tra, giám sát công tác tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh tại các địa phương; kiểm tra hoạt động giết mổ, mua bán động vật, sản phẩm động vật tại các chợ và điểm giết mổ. Ngân sách huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ kinh phí cho Tổ tiêm phòng, Tổ kiểm tra, giám sát và các công tác tổ chức khác…để phục vụ tốt cho công tác tiêm phòng và phòng chống dịch bệnh tại địa phương.

d. Phát động ra quân phun thuốc tiêu độc sát trùng môi trường phòng, chống dịch bệnh động vật theo các đợt cao điểm và vận động người chăn nuôi duy trì thực hiện thường xuyên công tác này.

e. Chủ động sẵn sàng tổ chức chống dịch khi xảy ra dịch tại địa phương theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT.

g. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn:

- Giao trách nhiệm cho thú y xã, thôn và Trưởng thôn theo dõi, giám sát dịch bệnh thuộc địa bàn. Phát hiện và báo cáo nhanh tình hình dịch bệnh cho Trạm Chăn nuôi và Thú y để có biện pháp xử lý kịp thời. Cụ thể hóa kế hoạch tiêm phòng và thông báo thường xuyên trên đài truyền thanh địa phương cho người chăn nuôi chủ động giữ gia súc, gia cầm, chó mèo nuôi tại nhà, thuận lợi cho công tác tiêm phòng.

- Rà soát, tổng hợp số liệu đàn chó, mèo nuôi; xây dựng kế hoạch tổ chức quản lý và triển khai tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó, mèo nuôi thuộc địa bàn theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Quy định về phòng, chống dịch động vật trên cạn, đảm bảo hoàn thành trước mùa hè năm 2017. Chủ động phối hợp Trạm Chăn nuôi và Thú y để dự trù nguồn vaccine dại, phục vụ dịch vụ cho công tác tiêm phòng.

4. Công an tỉnh: Chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông và công an các địa phương phối hợp lực lượng thú y trong công tác kiểm dịch động vật tại các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông và kiểm tra hoạt động vận chuyển, mua bán, giết mổ động vật, sản phẩm động vật và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại các địa phương theo kế hoạch của Sở Nông nghiệp và PTNT.

5. Sở Y tế: Chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Truyền thông GDSK và Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với cơ quan thú y trong công tác tuyên truyền, giám sát dịch tể, phát hiện và xử lý ổ dịch, phát huy hiệu quả quy chế phối hợp theo Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27/5/2013 giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Y tế.

6. Sở Tài Chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT đề xuất bố trí kinh phí, phân bổ kịp thời cho ngành nông nghiệp và các huyện miền núi, phục vụ cho công tác tiêm phòng và phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch đề ra.

7. Các tổ chức, hội, đoàn thể: Phối hợp chính quyền địa phương các cấp tăng cường vận động, tuyên truyền hội viên, đoàn viên mình nhận thức đúng về công tác tiêm phòng và phòng chống dịch bệnh động vật, sử dụng sản phẩm động vật có nguồn gốc, không bị dịch bệnh và cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi để tự giác thực hiện có hiệu quả các biện pháp an toàn sinh học phòng chống dịch bệnh động vật theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp và ngành Y tế, phát huy hiệu quả phòng chống dịch bệnh động vật, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân và phát triển chăn nuôi bền vững.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, tổ chức hội đoàn thể; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Trần Châu