Kế hoạch 225/KH-UBND năm 2018 về thực hiện Đề án “Phối hợp truyền thông phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đến năm 2020” trên địa bàn thành phố Hà Nội
Số hiệu: 225/KH-UBND Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội Người ký: Lê Hồng Sơn
Ngày ban hành: 12/12/2018 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Trật tự an toàn xã hội, Văn hóa , thể thao, du lịch, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 225/KH-UBND

Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “PHỐI HỢP TRUYỀN THÔNG PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS VÀ PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN MA TÚY, MẠI DÂM ĐẾN NĂM 2020” TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Thực hiện Quyết định số 2140/QĐ-TTg ngày 30/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Phối hợp truyền thông phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đến năm 2020”; Quyết định số 909/QĐ-LĐTBXH ngày 13/7/2018 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Phối hợp truyền thông phòng chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đến năm 2020”; UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn thành phố Hà Nội như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai đồng bộ, hiệu quả Đề án “Phối hợp truyền thông phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đến năm 2020” trên địa bàn Thành phố, đảm bảo đúng mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra.

- Thông qua các hoạt động phối hợp giữa Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Công an Thành phố, Sở Y tế (sau đây gọi tắt là ba cơ quan thường trực); Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, các cơ quan báo chí, báo điện tử của Hà Nội (sau đây gọi tắt là cơ quan truyền thông) bám sát các nội dung, nhiệm vụ của Đề án để triển khai các hoạt động truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm trên địa bàn Thành phố có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, trùng lặp, chồng chéo với các nội dung khác đã và đang triển khai.

2. Yêu cầu

- Cung cấp, tuyên truyền, phổ biến thông tin về phòng chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm phải đảm bảo chính xác, kịp thời, đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và quy định của pháp luật.

- Quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch phải có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, liên tục giữa các cơ quan; đảm bảo chất lượng, hiệu quả và thiết thực.

- Việc thực hiện Đề án phù hợp mục tiêu, quá trình phát triển kinh tế, xã hội chung của Thành phố, phù hợp với Đề án “Truyền thông phòng, chống ma túy trên các phương tiện thông tin đại chúng” thuộc Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020 của Chính phủ trên địa bàn thành phố Hà Nội theo Kế hoạch số 138/KH-UBND ngày 18/6/2018 của UBND Thành phố và phối hợp tuyên truyền chung của các Sở, ban, ngành Thành phố.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm trên sóng truyền hình, phát thanh, báo viết, báo điện tử và các ấn phẩm khác nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, huy động sự tham gia của các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Thành phố trong công tác phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm.

2. Mục tiêu cụ thể đến hết năm 2020

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin; tăng cường đổi mới, đa dạng hóa hình thức, thể loại, sản phẩm truyền thông, trong đó truyền thông mới tăng từ 10% - 15%.

- Tăng trên 15% thời lượng đưa tin trên sóng truyền hình, phát thanh và các ấn phẩm khác của cơ quan truyền thông so với năm 2017.

- Tăng 20% số người được tiếp cận thông tin về phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm so với năm 2017.

- 100% phóng viên, biên tập viên phụ trách chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề thuộc cơ quan truyền thông được tập huấn nâng cao năng lực phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống ma túy, mại dâm.

III. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU ĐẾN NĂM 2020

1. Đổi mới nội dung và đa dạng hóa hình thức truyền thông

a) Về nội dung

Đổi mới và truyền tải sâu sắc, sinh động, phù hợp các nội dung thông tin:

- Quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; Cấc giải pháp, biện pháp; hoạt động của Ủy ban quốc gia, các Bộ, ngành Trung ương, các Sở, ngành, đơn vị, địa phương về công tác phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm.

- Các kiến thức cơ bản về phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; nguy cơ, tác hại, hậu quả lây nhiễm HlV/AIDS, sử dụng, nghiện ma túy và các chất hướng thần, đặc biệt là nghiện ma túy tổng hợp; phương thức, thủ đoạn của tội phạm buôn bán ma túy; dịch vụ chăm sóc, điều trị, cai nghiện ma túy, chữa trị và hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS, người nghiện ma túy, người sau cai nghiện, người bán dâm...

- Các biện pháp, kỹ năng phòng ngừa để không bị dụ dỗ, lôi kéo sử dụng ma túy, tổ chức, hoạt động mại dâm, mua bán người vì mục đích mại dâm và kỹ năng ứng phó với người nghiện, người sử dụng ma túy; nâng cao nhận thức, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người nhiễm HIV/AIDS, người nghiện ma túy và người bán dâm; vận động người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế.

- Các mô hình, điển hình trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy, phòng, chống mại dâm và hỗ trợ, giúp đỡ người nhiễm HIV/AIDS, người nghiện ma túy, người bán dâm từ bỏ hành vi vi phạm pháp luật; tạo việc làm, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống; giải pháp, kinh nghiệm, các tiến bộ khoa học và công nghệ của các nước trên thế giới trong công tác phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống ma túy, mại dâm.

b) Về hình thức

Đa dạng hóa các hình thức, thể loại truyền thông. Nâng cao chất lượng tin, bài, phóng sự, tập trung xây dựng chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, video clip, thông điệp truyền hình, phóng sự dài kỳ, phim truyền hình và tổ chức các cuộc thi phóng sự, video clip, phim tài liệu về phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS; sử dụng nhiều ngôn ngữ trong các ấn phẩm truyền thông phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống ma túy, mại dâm.

2. Tăng cường thời lượng truyền thông

Tăng thời lượng truyền thông phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm trong các chương trình phát thanh và truyền hình, các ấn phẩm của các cơ quan truyền thông. Căn cứ yêu cầu và tình hình thực tế, thường xuyên bố trí truyền thông phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm vào các khung giờ nhiều người xem; các trang thông tin điện tử của ba cơ quan thường trực và cơ quan truyền thông.

3. Nâng cao năng lực cho phóng viên, biên tập viên của cơ quan truyền thông

- Ba cơ quan thường trực tổ chức thông tin, phổ biến cho phóng viên, biên tập viên phụ trách chuyên mục, chuyên đề về phòng, chống HlV/AIDS, ma túy, mại dâm của cơ quan truyền thông về các quan điểm, định hướng, chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương trong phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm.

- Ba cơ quan thường trực mời phóng viên của cơ quan truyền thông tham dự các hội nghị, hội thảo liên quan đến kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ.

- Các cơ quan thường trực có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan truyền thông trong việc cung cấp thông tin thường xuyên hàng tháng, hàng quý; chỉ đạo cơ sở, đơn vị trực thuộc tạo điều kiện để phóng viên thâm nhập thực tế, phản ánh đầy đủ, toàn diện công tác phòng, chống ma túy, mại dâm và phòng, chống HIV/AIDS của Thành phố.

- Các cơ quan truyền thông lồng ghép tổ chức tập huấn về quan điểm, định hướng và kiến thức mới trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm với tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho phóng viên, biên tập viên của cơ quan mình.

4. Thường xuyên cung cấp, trao đổi thông tin giữa ba cơ quan thường trực và cơ quan truyền thông

- Ba cơ quan thường trực và cơ quan truyền thông tích cực trao đổi, cung cấp các thông tin, sản phẩm truyền thông để phục vụ cho việc tuyên truyền trên các phương tiện, ấn phẩm truyền thông của các bên hoặc tại các hội nghị, hội thảo, tập huấn, triển lãm...

- Trước các hội nghị, hội thảo, các đợt tuyên truyền cao điểm và các sự kiện có tính chất quan trọng liên quan đến công tác phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, ba cơ quan thường trực làm việc trực tiếp với cơ quan truyền thông về những nội dung cần truyền thông, đặc biệt là cung cấp những thông tin mang tính định hướng dư luận.

- Có kế hoạch phân công, phối hợp hoạt động truyền thông (nội dung, hình thức) giữa cơ quan, truyền thông đối với các sự kiện, các vấn đề lớn trong từng thời điểm để nâng cao hiệu quả, thông tin truyền tải đến được đông đảo nhân dân.

- Căn cứ vào tình hình thực tiễn các cơ quan thường trực và truyền thông tổ chức họp để trao đổi, thống nhất những hoạt động phối hợp truyền thông trong năm sau.

- Quý I hàng năm, cơ quan thường trực gửi cho cơ quan truyền thông kế hoạch truyền thông của năm tiếp theo để các cơ quan truyền thông đưa vào kế hoạch của đơn vị.

IV. NỘI DUNG, HOẠT ĐỘNG CỤ THỂ

1. Các hoạt động hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành

a) Xây dựng, ban hành Kế hoạch triển khai, thực hiện Đề án và tổng hợp Kế hoạch của các cơ quan liên quan.

- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động Thương binh và Xã hội

- Cơ quan phối hợp: Công an Thành phố, Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội và các cơ quan báo chí, báo điện tử của Hà Nội.

- Thời gian hoàn thành Kế hoạch: Quý IV năm 2018.

b) Xác định cán bộ đầu mối trao đổi, cung cấp thông tin

- Cơ quan thực hiện: Sở Lao động Thương binh và Xã hội

- Cơ quan phối hợp: Công an Thành phố, Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội và các cơ quan báo chí, báo điện tử của Hà Nội.

- Thời gian thực hiện: Quý IV năm 2018

c) Tổ chức các cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện Đề án

Hàng năm Sở Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan thực hiện Đề án tổ chức các cuộc họp định kỳ để đánh giá kết quả thực hiện Đề án và bàn giải pháp thực hiện cho các năm tiếp theo.

Cơ quan chủ trì: Sở Lao động Thương binh và Xã hội

Cơ quan phối hợp: Các đơn vị tham gia thực hiện Đề án

Thời gian thực hiện: Tháng 6 và tháng 12 hằng năm.

d) Kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình kết quả thực hiện Đề án

Hằng năm các đơn vị phối hợp thực hiện Đề án báo cáo kết quả thực hiện về Sở Lao động Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố.

Cơ quan chủ trì: Sở Lao động Thương binh và Xã hội

Cơ quan phối hợp: Các đơn vị tham gia thực hiện Đề án

Thời gian thực hiện: Tháng 12 các năm 2018, 2019, 2020.

2. Đa dạng hóa hình thức và tăng cường thời lượng truyền thông

a) Xậy dựng, cấp phát các tài liệu truyền thông về phòng, chống AIDS; phòng, chống tệ nạn mại dâm, cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy.

Cơ quan thực hiện: Sở Lao động Thương binh và Xã hội

Cơ quan phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Y tế

Thời gian thực hiện: Các năm 2018, 2019, 2020

b) Đề nghị cơ quan báo chí Thành phố, báo chí Trung ương ký chương trình phối hợp công tác với Thành phố và chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền nội dung và kết quả thực hiện Kế hoạch phối hợp truyền thông phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đến năm 2020" trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội và các cơ quan báo chí, tạp chí, báo điện tử.

Cơ quan phối hợp: Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Công an Thành phố, Sở Y tế.

Thời gian thực hiện: Năm 2018, 2019, 2020

c) Phối hợp với cơ quan báo chí xây dựng chuyên trang, chuyên đề về phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn mại dâm, cai nghiện và quản lý sau cai, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.

Cơ quan chủ trì: Sở Lao động Thương binh và Xã hội

Cơ quan phối hợp: Các cơ quan báo chí, tạp chí, báo điện tử của Thành phố.

Thời gian thực hiện: Năm 2018, 2019, 2020.

d) Tăng cường phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội.

(1) Hoạt động phối hợp chưng

- Cung cấp sớm thông tin các hoạt động, các hội nghị, hội thảo, kết quả về công tác phòng, chống AIDS; phòng, chống tệ nạn mại dâm; cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy của thành phố Hà Nội cho Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội và tùy theo tính chất của thông tin, đề nghị phát sóng trong các chương trình có nhiều người theo dõi.

- Tích cực trao đổi cung cấp thông tin, sản phẩm truyền thông để phục vụ cho việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, ấn phẩm truyền thông của Thành phố, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội; đồng thời, sử dụng cho các cơ quan thường trực phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm các quận, huyện, thị xã.

(2) Phối hợp với Đài phát thanh và Truyền hình Hà Nội

- Thực hiện chương trình tọa đàm, trao đổi, chia sẻ về quan điểm, kết quả thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống tệ nạn mại dâm, cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy trong các chương trình Hà Nội 18h, chương trình phòng, chống tội phạm...

- Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội phát sóng thông điệp truyền hình, phim tài liệu, Video Clip, phóng sự tuyên truyền về tác hại của ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp; người cai nghiện thành công; các mô hình cai nghiện có hiệu quả; Đội công tác xã hội tình nguyện; mô hình phòng, chống mại dâm; Câu lạc bộ B93...

Cơ quan chủ trì: Sở Lao động Thương binh và Xã hội

Đơn vị phối hợp: Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội

Thời gian thực hiện: Năm 2018, 2019, 2020.

3. Nâng cao năng lực cho đội ngũ phóng viên về công tác phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm

a) Mỗi năm tổ chức tối thiểu 01 cuộc hội thảo, tập huấn cung cấp thông tin về quan điểm, định hướng, những kiến thức mới trong công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm; cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy cho đội ngũ phóng viên; biên tập viên các cơ quan truyền thông và cơ quan báo chí.

Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông

Cơ quan phối hợp: Công an Thành phố, Sở Y tế, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Ban Thư ký biên tập Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội và các cơ quan báo chí, báo điện tử của thành phố Hà Nội.

Thời gian thực hiện: Năm 2018, 2019, 2020.

b) Mỗi năm tổ chức tối thiểu 01 lần cho phóng viên, biên tập viên đi thực tế tại các địa bàn trọng điểm hoặc đơn vị làm tốt trong công tác điều trị, cai nghiện ma túy; phòng, chống tệ nạn mại dâm.

Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông

Cơ quan phối hợp: Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Ban Thư ký biên tập Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội và các cơ quan báo chí, báo điện tử của thành phố Hà Nội.

Thời gian thực hiện: Năm 2018, 2019, 2020.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí triển khai thực hiện được bố trí từ ngân sách thực hiện chương trình phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm hằng năm của các Sở, ngành và các địa phương theo phân cấp quản lý của Luật ngân sách Nhà nước lồng ghép với các chương trình, đề án khác.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động Thương binh và Xã hội là đơn vị tham mưu giúp UBND Thành phố thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn triển khai Kế hoạch; là đầu mối phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của mình.

2. Đề nghị các đơn vị chủ động phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội và các đơn vị liên quan để triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung của Kế hoạch và báo cáo kết quả thực hiện gửi Sở Lao động Thương binh và Xã hội (trước ngày 10/11 hằng năm) để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố.

3. Căn cứ Kế hoạch này, UBND các quận, huyện thị xã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án, báo cáo kết quả gửi Sở Lao động Thương binh và Xã hội (trước ngày 10/11 hằng năm) để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố.

Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch, có vướng mắc, khó khăn, đề nghị các đơn vị phản ánh kịp thời, báo cáo UBND Thành phố (gửi Sở Lao động Thương binh và Xã hội) để hướng dẫn, tháo gỡ./.

 


Nơi nhận:
- Bộ lao động Thương binh và Xã hội;
- Đ/c Bí thư Thành ủy;
- Thường trực Thành ủy;
- Chủ tịch UBND thành phố;
- Thường trực HĐND thành phố;
- Cục Phòng, chống TNXH (Bộ LĐTB&XH);
- Các Sở: LĐTB&XH, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Công an Thành phố;
- Đài PT&TH Hà Nội;
- Báo: HNM, KT&ĐT, ANTĐ;
- TTXVN-Phân xã Hà Nội;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- Lưu: VT, KGVXt.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Hồng Sơn

 

 





Kế hoạch 138/KH-UBND năm 2020 thực hiện Quyết định 634/QĐ-TTg Ban hành: 11/06/2020 | Cập nhật: 01/08/2020