Quyết định 441/QĐ-UBND năm 2011 về Kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Định giai đoạn 2011-2015
Số hiệu: 441/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định Người ký: Lê Hữu Lộc
Ngày ban hành: 05/09/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 441/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 05 tháng 09 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH BÌNH ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;

Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;

Căn cứ Nghị quyết số 21/2011/NQ-HĐND ngày 18/8/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XI, kỳ họp thứ 2;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Định giai đoạn 2011-2015

Điều 2. Thường trực Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh, chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thường trực Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, đơn vị có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.  

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Lê Hữu Lộc

 

PHỤ LỤC

DANH SÁCH CÁC XÃ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2011 – 2015

STT

Huyện, thành phố

Xã chọn làm thí điểm

Các xã hoàn thành đến 2015

Các xã hoàn thành đến 2020

Tổng số xã/ huyện, hành phố

1

Quy Nhơn

 

Phước Mỹ, Nhơn Lý

Nhơn Hội, Nhơn Hải, Nhơn Châu

5

2

Tây Sơn

Bình Nghi

Bình Tường, Tây An

Bình Hòa, Tây Thuận, BìnhThuận

14

3

Phù Cát

 

Cát Trinh, Cát Khánh

Cát Nhơn, Cát Tài, Cát Tường, Cát Hưng, Cát Minh

17

4

An Nhơn

Nhơn Lộc

Nhơn Phúc, Nhơn An

Nhơn Khánh, Nhơn Phong, Nhơn Thọ

13

5

Hoài Nhơn

Hoài Hương

Hoài Thanh, Tam Quan Nam, Hoài Tân

Hoài Thanh Tây, Hoài Xuân, Hoài Hảo

15

6

Hoài Ân

Ân Thạnh

Ân Phong, Ân Tường Tây

Ân Nghĩa, Ân Hảo Đông, Ân Đức

14

7

Vĩnh Thạnh

 

Vĩnh Quang Vĩnh Thuận

Vĩnh Hảo, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thịnh

8

8

An Lão

 

An Hòa,  An Tân

An Trung, An Quang, An Hưng

9

9

Vân Canh

 

Canh Vinh, Canh Thuận

Canh Hòa, Canh Hiển, Canh Hiệp

6

10

Tuy Phước

 

Phước Nghĩa, Phước Hưng

Phước Quang, Phước Hòa, Phước Hiệp, Phước Sơn

11

11

Phù Mỹ

 

Mỹ Hiệp, Mỹ Lộc

Mỹ Thành, Mỹ Lợi, Mỹ Chánh, Mỹ Châu, Mỹ Thọ

17

Tổng số xã

4

23

38

129

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH BÌNH ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 441/QĐ-UBND ngày 05/9/2011 của UBND tỉnh)

Thực hiện Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 và Nghị quyết số 21/2011/NQ-HĐND ngày 18/8/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XI, kỳ họp thứ 2; UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Định giai đoạn 2011 - 2015 như sau:

I. MỤC TIÊU CHUNG

Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

II. MỤC TIÊU CỤ THỂ

Đến năm 2015 có 20% số xã đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới theo Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, tổng số 27 xã, trong đó:

- 04 xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh là xã Nhơn Lộc thuộc huyện An Nhơn, xã Bình Nghi thuộc huyện Tây Sơn, xã Hoài Hương thuộc huyện Hoài Nhơn, xã Ân Thạnh thuộc huyện Hoài Ân;

- 23 xã, bình quân 2 xã/huyện, thành phố; riêng huyện Hoài Nhơn 3 xã.

(chi tiết như phụ lục kèm theo)

III. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU ĐỂ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH  

1. Thực hiện cuộc vận động xã hội sâu rộng về xây dựng nông thôn mới

a. Triển khai quán triệt Chương trình hành động của Tỉnh ủy Bình Định thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2011-2015”;

b. Tổ chức phát động, tuyên truyền, phổ biến, vận động từ tỉnh đến cơ sở, để mọi tầng lớp nhân dân hiểu và cả hệ thống chính trị tham gia. Thường xuyên cập nhật, đưa tin về các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới trên các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến và nhân rộng các mô hình này; Công bố quy hoạch xây dựng nông thôn mới và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân về nội dung quy hoạch;

c. Phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới trong tỉnh. Nội dung xây dựng nông thôn mới phải trở thành một nhiệm vụ chính trị của địa phương và các cơ quan có liên quan. Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, gắn với xây dựng nông thôn mới”, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” theo hướng dẫn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

2. Quy hoạch

Xây dựng quy hoạch xã nông thôn mới để đánh giá thực trạng nông thôn theo 19 tiêu chí của Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, làm cơ sở để hoạch định các giải pháp thực hiện hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Quy hoạch xã nông thôn mới phải triển khai trên toàn bộ 129 xã của tỉnh và hoàn thành trong 02 năm 2011, 2012.

Quy hoạch xã nông thôn mới phải thực hiện được 02 nội dung:

a. Quy hoạch sử dụng đất bố trí dân cư và hạ tầng công cộng theo chuẩn nông thôn mới.

b. Quy hoạch sử dụng đất sản xuất nông nghiệp (bao gồm: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, ngư nghiệp), đất cho sản xuất công nghiệp - dịch vụ và hạ tầng phục vụ sản xuất kèm theo.

3. Thực hiện Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh.

4. Xây dựng hệ thống quản lý, thực hiện Chương trình

a. Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh

Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Định có trách nhiệm chỉ đạo, quản lý, điều hành việc thực hiện các nội dung của Chương trình nông thôn mới trên phạm vi địa bàn tỉnh.

- Thành phần Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Định theo Kết luận số 43 KL/TU ngày 25/8/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban chỉ đạo.

- Thành lập Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Định gồm Trưởng ban, các Phó Trưởng ban và  3 ủy viên là đại diện lãnh đạo các Sở: Xây dựng, Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính.

- Ban Chỉ đạo thành lập Văn phòng điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia nông thôn mới (gọi tắt là Văn phòng Điều phối) đặt tại Sở Nông nghiệp và PTNT, do Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT phụ trách, giúp Ban Chỉ đạo tỉnh thực hiện Chương trình trên địa bàn.

b. Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện, thành phố (gọi chung là Ban chỉ đạo huyện):

b1. Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới huyện do Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban; Phó Chủ tịch UBND huyện là Phó Trưởng ban. Thành viên gồm lãnh đạo các phòng, ban, các hội, đoàn thể có liên quan của địa phương. Ban Chỉ đạo huyện có trách nhiệm chỉ đạo, quản lý, điều hành việc thực hiện các nội dung của Chương trình nông thôn mới trên phạm vi địa bàn:

- Hướng dẫn, hỗ trợ xã rà soát, đánh giá thực trạng nông thôn; tổng hợp chung báo cáo Ban Chỉ đạo tỉnh;

- Hướng dẫn, hỗ trợ xã xây dựng đề án nông thôn mới; giúp UBND huyện tổ chức thẩm định và phê duyệt đề án theo đề nghị của UBND xã.

- Giúp UBND huyện quyết định đầu tư, phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật (KTKT) các công trình được ngân sách nhà nước hỗ trợ trên 03 (ba) tỷ đồng trong tổng giá trị của công trình.

- Tổng hợp kế hoạch thực hiện các nội dung của Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn hàng năm và 5 năm báo cáo Ban chỉ đạo tỉnh.

b2. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hoặc Phòng Kinh tế) là cơ quan thường trực điều phối; bổ sung 1 biên chế sự nghiệp chuyên trách, giúp Ban Chỉ đạo huyện thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

c. Cấp xã:

Các xã (129 xã) trên địa bàn tỉnh phải thành lập Ban Quản lý xây dựng  nông thôn mới xã (sau đây gọi tắt là Ban quản lý xã) do UBND xã quyết định thành lập. Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban; Phó Chủ tịch UBND xã là Phó Trưởng ban; mời đ/chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã tham gia Ban quản lý xã. Thành viên là một số công chức xã, đại diện một số Ban, ngành, đoàn thể chính trị xã và trưởng thôn.

Ban quản lý xã trực thuộc UBND xã, có tư cách pháp nhân, được mở tài khoản và sử dụng con dấu của UBND xã trong hoạt động giao dịch với các tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật

Ban quản lý xã có các nhiệm vụ và quyền hạn chủ yếu sau đây:

- Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã là chủ đầu tư các dự án, nội dung xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã. UBND tỉnh và UBND huyện có trách nhiệm hướng dẫn và tăng cường cán bộ chuyên môn giúp các Ban quản lý xây dựng NTM xã thực hiện nhiệm vụ được giao.

- Tổ chức xây dựng quy hoạch, đề án, kế hoạch tổng thể và kế hoạch đầu tư hàng năm xây dựng nông thôn mới của xã, lấy ý kiến các cộng đồng dân cư trong toàn xã và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Tổ chức và tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia thực hiện, giám sát các hoạt động thực thi các dự án đầu tư trên địa bàn xã.

- Quản lý và triển khai thực hiện các dự án, nội dung bao gồm việc thực hiện các bước từ chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, nghiệm thu bàn giao và đưa dự án vào khai thác, sử dụng.

- Được ký các hợp đồng kinh tế với các đơn vị có tư cách pháp nhân, cộng đồng hoặc cá nhân cung cấp các hàng hóa, xây lắp và dịch vụ để thực hiện các công trình, dự án đầu tư.

Trong trường hợp, đối với các công trình có yêu cầu kỹ thuật cao, đòi hỏi có trình độ chuyên môn mà Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã không đủ năng lực và không nhận làm chủ đầu tư, UBND xã có thể thuê một đơn vị/ tổ chức có đủ năng lực quản lý để hỗ trợ hoặc chuyển cho UBND huyện làm chủ đầu tư, có sự tham gia của lãnh đạo Ban quản lý xã. Việc thuê đơn vị/tổ chức có đủ năng lực thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

d. Cấp thôn, bản (gọi chung là thôn):

Thành lập Ban phát triển thôn, thành viên là những người có uy tín, trách nhiệm và năng lực tổ chức triển khai do cộng đồng thôn trực tiếp bầu và Chủ tịch UBND xã có quyết định công nhận (gồm người đại diện lãnh đạo thôn, đại diện các đoàn thể chính trị và hội ở thôn và một số người có năng lực chuyên môn khác liên quan đến xây dựng nông thôn mới).

Ban phát triển thôn có các nhiệm vụ và quyền hạn chủ yếu sau đây:

- Tổ chức họp dân để tuyên truyền, phổ biến cho người dân hiểu rõ về chủ trương, cơ chế chính sách, phương pháp; các quyền lợi và nghĩa vụ của người dân, cộng đồng thôn trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Triệu tập các cuộc họp, tập huấn đối với người dân theo đề nghị của các cơ quan tư vấn, tổ chức hỗ trợ nâng cao năng lực người dân và cộng đồng về phát triển nông thôn.

- Tổ chức lấy ý kiến của người dân trong thôn tham gia góp ý vào bản quy hoạch, bản đề án xây dựng nông thôn mới chung của xã theo yêu cầu của Ban quản lý xã

- Tổ chức xây dựng các công trình hạ tầng do Ban quản lý xã giao nằm trên địa bàn thôn (đường giao thông, đường điện liên xóm, liên gia; xây dựng trường mần non, nhà văn hóa thôn).

- Tổ chức vận động nhân dân tham gia phong trào thi đua giữa các xóm, các hộ tập trung cải tạo ao, vườn, chỉnh trang cổng ngõ, tường rào để có cảnh quan đẹp. Tổ chức hướng dẫn và quản lý vệ sinh môi trường trong thôn, cải tạo hệ thống tiêu thoát nước; cải tạo, khôi phục các ao hồ sinh thái; trồng cây xanh nơi công cộng, xử lý rác thải.

- Tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, chống các hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa trong phạm vi thôn và tham gia các phong trào thi đua do xã phát động.

- Tổ chức các hoạt động hỗ trợ các hộ nghèo và giúp đỡ nhau phát triển kinh tế tăng thu nhập, giảm nghèo.

- Tự giám sát cộng đồng các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn thôn. Thành lập các nhóm quản lý, vận hành và duy tu, bảo dưỡng các công trình sau khi nghiệm thu bàn giao.

- Đảm bảo an ninh, trật tự thôn xóm; Xây dựng và tổ chức thực hiện hương ước, nội quy phát triển thôn.

5. Vốn và nguồn vốn

a. Cơ cấu

a1. Vốn ngân sách Trung ương: 40%, gồm có:

- Vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu đang triển khai và sẽ tiếp tục triển khai trong những năm tiếp theo trên địa bàn: khoảng 23%;

- Vốn đầu tư trực tiếp cho chương trình: khoảng 17%.

a2. Vốn địa phương: 60%, gồm có:

- Đối với 3 huyện miền núi: An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh:

+ Từ năm 2012 đến năm 2015, hàng năm ngân sách tỉnh hỗ trợ 2 tỷ đồng cho 01 xã xây dựng nông thôn mới (Vĩnh Thạnh: 02 xã, Vân Canh: 02 xã, An Lão: 02 xã).

+ Vốn ngân sách huyện lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn bảo đảm phần còn lại.

- Đối với các huyện khác và thành phố Quy Nhơn:

+ Vốn ngân sách tỉnh: 10%;

+ Vốn ngân sách huyện, thành phố: 10% (riêng huyện Tây Sơn, tỉnh hỗ trợ 50%, huyện 50%; huyện Hoài Ân, tỉnh hỗ trợ 75%, huyện 25%)

+ Vốn ngân sách xã: 20% (bao gồm tiền chuyển QSD đất);

+ Vốn huy động dân: 20% (gồm: ủng hộ tiền đền bù về đất, đóng góp bằng ngày công, hiện vật…).

b. Nguyên tắc cơ chế hỗ trợ

- Hỗ trợ từ ngân sách Trung ương 100% cho: công tác quy hoạch; đường giao thông đến trung tâm xã; xây dựng trụ sở xã; xây dựng trường học đạt chuẩn; xây dựng trạm y tế xã đạt chuẩn; xây dựng nhà văn hóa xã; kinh phí cho công tác đào tạo kiến thức về xây dựng nông thôn mới cho cán bộ xã, cán bộ thôn bản, cán bộ hợp tác xã;

- Ngân sách nhà nước (tỉnh, huyện, xã) hỗ trợ một phần cho xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt, thoát nước thải khu dân cư; đường giao thông thôn xóm; giao thông nội đồng và kênh mương nội đồng; phát triển sản xuất và dịch vụ; nhà văn hóa thôn, bản; hạ tầng các khu sản xuất tập trung, tiểu thủ công nghiệp, thủy sản.

- Mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước tỉnh, huyện do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định cụ thể hàng năm.

c. Cơ chế huy động vốn:

Thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện Kế hoạch này.

- Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn.

- Huy động tối đa nguồn lực của địa phương (tỉnh, huyện, xã) để tổ chức triển khai Kế hoạch. Đối với các xã thực hiện Chương trình nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, được sử dụng 100% tiền sử dụng đất và tiền cho thuê đất trên địa bàn xã (sau khi đã trừ đi chi phí giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và trích lập quỹ phát triển đất- nếu có) để chi thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn theo kế hoạch đề ra; trường hợp cần thiết, xem xét chuyển đất lúa sang sử dụng mục đích khác trên cơ sở quy hoạch được duyệt phù hợp chủ trương của Chính phủ để thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới (kể cả dùng để đấu giá quyền sử dụng đất).

- Huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp; doanh nghiệp được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, được ngân sách nhà nước hỗ trợ sau đầu tư và được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật;

- Các khoản đóng góp theo nguyên tắc tự nguyện của nhân dân trong xã cho từng dự án cụ thể, do Hội đồng nhân dân xã thông qua;

- Các khoản viện trợ không hoàn lại, hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho các dự án đầu tư;

- Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn tín dụng:

+ Vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước được Trung ương phân bổ được ưu tiên bố trí cho các chương trình kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn và theo quy định hiện hành;

+ Vốn tín dụng thương mại theo quy định tại Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn.

- Huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác.

6. Đầu tư

a. Nguyên tắc

Tập trung đầu tư đến năm 2015 hoàn thành xây dựng nông thôn mới 27 xã. Đầu tư hợp lý một số tiêu chí chủ yếu tại các xã còn lại, bảo đảm công cuộc xây dựng nông thôn mới của tỉnh phát triển bền vững, liên tục và thực hiện được mục tiêu xây dựng nông thôn mới đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

b. Cơ chế

- Chủ đầu tư các dự án xây dựng công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã là Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã do Ủy ban nhân dân xã quyết định. Đối với các công trình có yêu cầu kỹ thuật cao, đòi hỏi có trình độ chuyên môn mà Ban Quản lý xã không đủ năng lực và không nhận làm chủ đầu tư thì Ủy ban nhân dân huyện giao cho một đơn vị có đủ năng lực làm chủ đầu tư và có sự tham gia quản lý và giám sát của Ủy ban nhân dân xã;

- Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các xã, thôn, bản có thời gian thực hiện dưới 2 năm hoặc giá trị công trình đến 3 tỷ đồng, chỉ cần lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật, trong đó phải nêu rõ tên công trình, mục tiêu đầu tư, địa điểm xây dựng, quy mô kỹ thuật công trình, thời gian thi công, thời gian hoàn thành, nguồn vốn đầu tư và cơ chế huy động nguồn vốn kèm theo thiết kế, bản vẽ thi công và dự toán;

Đối với các công trình có giá trị trên 3 tỷ đồng hoặc công trình có yêu cầu kỹ thuật cao thì việc lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật và thiết kế, bản vẽ thi công và dự toán phải do đơn vị tư vấn có tư cách pháp nhân thực hiện. Việc lựa chọn tư vấn phải theo quy định hiện hành.

Trong quá trình chuẩn bị đầu tư cần tiến hành lấy ý kiến tham gia của cộng đồng dân cư về Báo cáo kinh tế - kỹ thuật và thiết kế, bản vẽ thi công và dự toán các công trình cơ sở hạ tầng.

- Ủy ban nhân dân huyện là cấp quyết định đầu tư, phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật các công trình có mức vốn đầu tư trên 3 tỷ đồng có nguồn gốc từ ngân sách và các công trình có yêu cầu kỹ thuật cao;

- Ủy ban nhân dân xã là cấp quyết định đầu tư, phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật các công trình có mức vốn đầu tư đến 3 tỷ đồng có nguồn gốc từ ngân sách;

- Lựa chọn nhà thầu: Việc lựa chọn nhà thầu xây dựng cơ sở hạ tầng các xã thực hiện theo 3 hình thức:

+ Giao các cộng đồng dân cư thôn, bản (những người hưởng lợi trực tiếp từ chương trình) tự thực hiện xây dựng;

+ Lựa chọn nhóm thợ, cá nhân trong xã có đủ năng lực để xây dựng;

+ Lựa chọn nhà thầu thông qua hình thức đấu thầu (theo quy định hiện hành).

Khuyến khích thực hiện hình thức giao cộng đồng dân cư hưởng lợi trực tiếp từ công trình tự thực hiện xây dựng.

- Ban giám sát cộng đồng gồm đại diện của Hội đồng nhân dân, Mặt trận tổ quốc xã, các tổ chức xã hội và đại diện của cộng đồng dân cư hưởng lợi công trình do dân bầu thực hiện giám sát các công trình cơ sở hạ tầng xã theo quy định hiện hành về giám sát đầu tư của cộng đồng.

7. Đào tạo, hình thành cán bộ chuyên trách để triển khai chương trình

Hình thành đội ngũ cán bộ chuyên trách về xây dựng nông thôn mới ở các cấp từ tỉnh đến cơ sở để triển khai có hiệu quả chương trình. Đồng thời, tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới từ tỉnh đến cơ sở.

Nội dung, tài liệu đào tạo, tổ chức tập huấn cán bộ xây dựng nông thôn mới trong tỉnh thực hiện theo hướng dẫn của Trung ương.

8. Thực hiện dồn điền, đổi thửa

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan trình Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, ban hành chính sách dồn điền, đổi thửa của tỉnh nhằm đẩy nhanh tốc độ cơ giới hóa trong nông nghiệp, thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh tập trung, trước mắt cho triển khai tại 04 xã điểm để rút kinh nghiệm.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Nông dân tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động, giáo dục hội viên, đoàn viên quán triệt nội dung xây dựng nông thôn mới; căn cứ Kế hoạch giai đoạn 2011-2015 phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức triển khai thực hiện.

2. Các sở, ban, ngành của tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm được phân công trong Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 tổ chức thực hiện Kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015.

3. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ Kế hoạch ban hành nêu trên xây dựng hệ thống quản lý, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn./.