Quyết định 34/2015/QĐ-UBND ban hành Quy chế mua, bán hàng miễn thuế tại Khu Thương mại - Công nghiệp Mộc Bài tỉnh Tây Ninh
Số hiệu: 34/2015/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Tây Ninh Người ký: Huỳnh Văn Quang
Ngày ban hành: 24/06/2015 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thuế, phí, lệ phí, Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 34/2015/QĐ-UBND

Tây Ninh, ngày 24 tháng 6 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ MUA, BÁN HÀNG MIỄN THUẾ TẠI KHU THƯƠNG MẠI - CÔNG NGHIỆP MỘC BÀI, TỈNH TÂY NINH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg , ngày 26/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế, chính sách tài chính đối với Khu kinh tế cửa khẩu;

Căn cứ Thông tư số 109/2014/TT-BTC , ngày 15/8/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg , ngày 26/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế, chính sách tài chính đối với Khu kinh tế cửa khẩu;

Theo đề nghị của Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh tại Tờ trình số 10/TTr-BQLKKT, ngày 19/3/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế mua, bán hàng miễn thuế tại Khu Thương mại - Công nghiệp Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 21/2013/QĐ-UBND , ngày 26/4/2013 của UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quy chế về mua, bán hàng miễn thuế tại Khu Thương mại - Công nghiệp Mộc Bài, Tây Ninh. Các quy định của UBND tỉnh trước đây trái với Quy chế này đều bãi bỏ.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, thủ trưởng các đơn vị: Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Hải quan tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND huyện Bến Cầu và các tổ chức cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Huỳnh Văn Quang

 

QUY CHẾ

MUA, BÁN HÀNG MIỄN THUẾ TẠI KHU THƯƠNG MẠI - CÔNG NGHIỆP MỘC BÀI, TỈNH TÂY NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 34/2015/QĐ-UBND, ngày 24/6/2015 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định việc mua, bán hàng miễn thuế và trách nhiệm của cơ quan quản lý tại Khu Thương mại - Công nghiệp Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng cho khách tham quan du lịch trong và ngoài nước nhập cảnh vào Việt Nam, khi vào Khu Thương mại - Công nghiệp Mộc Bài để mua hàng hóa mang về nội địa, được miễn thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có), các doanh nghiệp kinh doanh hàng miễn thuế theo quy định của Chính phủ và các cơ quan quản lý chức năng trong Khu Thương mại - Công nghiệp Mộc Bài.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Quy định về mua hàng miễn thuế

Khách tham quan du lịch trong và ngoài nước nhập cảnh vào Việt Nam khi vào Khu Thương mại - Công nghiệp Mộc Bài được phép mua hàng hóa mang về nội địa và được miễn thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) trừ hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng không bán miễn thuế cho khách tham quan du lịch khu phi thuế quan thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài quy định tại mục I phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 109/2014/TT-BTC , ngày 15/8/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg , ngày 26/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế, chính sách tài chính đối với Khu kinh tế cửa khẩu (gọi tắt là Thông tư số 109/2014/TT-BTC ngày 15/8/2014 của Bộ Tài chính), có tổng giá trị hàng hóa không vượt quá 1.000.000 đồng/người/ngày. Mỗi khách tham quan du lịch chỉ được mua hàng miễn thuế theo đúng 01 giấy chứng minh nhân dân/chứng minh thư quân đội/hộ chiếu/hoặc giấy tờ có giá trị thay thế khác (gọi tắt là giấy tờ tùy thân) của người mua hàng, không được sử dụng giấy tờ tùy thân của người khác để mua hàng, không mua, bán hàng miễn thuế theo hình thức ủy quyền.

Trường hợp tổng trị giá hàng hóa mua vượt mức quy định nêu trên, người mua hàng phải nộp thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) đối với phần vượt định mức theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 4. Khách tham quan du lịch trong và ngoài nước nhập cảnh vào Việt Nam khi vào Khu Thương mại - Công nghiệp Mộc Bài

1. Khách đi từ nội địa qua cổng kiểm soát phía Việt Nam (cổng B) phải xuất trình giấy tờ tùy thân cho lực lượng Biên phòng và Hải quan trực tại cổng kiểm soát để được cấp vé mã vạch mua hàng. Việc cấp mã vạch để mua hàng do nhà đầu tư cấp I thực hiện tại cổng kiểm soát, có sự kiểm tra, giám sát của cơ quan Hải quan và Bộ đội Biên phòng trực tại cổng.

2. Khách đi từ phía Campuchia sang khi vào Khu Thương mại – Công nghiệp Mộc Bài từ cổng kiểm soát phía Campuchia (cổng A) phải xuất trình giấy tờ tùy thân cho lực lượng Biên phòng trực tại cổng kiểm soát khi mang lượng tiền mặt, ngoại tệ vào Khu Thương mại – Công nghiệp Mộc Bài để giao dịch thanh toán phải đảm bảo tuân thủ các quy định về quản lý tiền mặt, ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

3. Khách tham quan du lịch mua hàng hóa tại Khu Thương mại - Công nghiệp Mộc Bài đem vào nội địa và mang về Campuchia phải khai hải quan, chịu sự kiểm tra, giám sát Hải quan tại các cổng kiểm soát Khu Thương mại - Công nghiệp Mộc Bài theo quy định của pháp luật về Hải quan.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN MUA BÁN HÀNG MIỄN THUẾ TRONG KHU THƯƠNG MẠI CÔNG NGHIỆP MỘC BÀI

Điều 5. Điều kiện kinh doanh của các tổ chức doanh nghiệp trong Khu Thương mại - Công nghiệp Mộc Bài

1. Phải có giấy phép hoạt động kinh doanh bán hàng miễn thuế trong Khu Thương mại – Công nghiệp do cơ quan có thẩm quyền cấp; có cửa hàng nằm trong quy hoạch chi tiết xây dựng các khu chức năng được duyệt.

2. Trang bị máy tính, lắp đặt camera tại các quầy hàng, máy in hóa đơn và phần mềm quản lý bán hàng nối mạng với máy chủ của Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài và đơn vị Thuế.

3. Trưng bày, niêm yết rõ ràng giá các mặt hàng kinh doanh. Đối với hàng nhập khẩu phải có tem, nhãn phụ theo quy định.

4. Bán hàng đúng đối tượng, đúng danh mục mặt hàng đăng ký kinh doanh theo quy định, ghi rõ trên hóa đơn họ và tên, địa chỉ cụ thể rõ ràng, số giấy tờ tùy thân hoặc giấy tờ có giá trị khác và có chữ ký của khách hàng, đồng thời yêu cầu khách hàng giữ hóa đơn để xuất trình cho Hải quan tại các cổng ra, vào Khu Thương mại - Công nghiệp để kiểm tra đối chiếu, không bán hàng sai định mức quy định, không được ghép số giấy tờ tùy thân hoặc giấy tờ có giá trị khác của nhiều người để bán các mặt hàng có trị giá trên 1.000.000 đồng nhằm tránh nộp thuế phần trị giá vượt định mức theo quy định. Đối với hàng hóa chịu thuế ngay khi nhập khẩu từ nước ngoài vào Khu Thương mại – Công nghiệp Mộc Bài quy định tại mục II, phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 109/2014/TT-BTC , ngày 15/8/2014, sau đó bán hàng miễn thuế cho khách tham quan du lịch trong Khu Thương mại – Công nghiệp Mộc Bài nếu tổng trị giá không vượt quá 1.000.000 đồng/người/ngày (với giá không bao gồm thuế) hoặc xuất khẩu ra nước ngoài thì được hoàn thuế theo quy định.

Điều 6. Trách nhiệm của các tổ chức doanh nghiệp kinh doanh trong Khu Thương mại - Công nghiệp Mộc Bài

1. Đối với nguyên liệu thực phẩm và phụ gia thực phẩm nhập khẩu, thời hạn sử dụng ít nhất phải còn trên hai phần ba thời gian sử dụng ghi trên nhãn kể từ thời điểm lô hàng được nhập khẩu vào Việt Nam. Các doanh nghiệp không được nhập hàng hóa còn dưới một phần hai thời hạn sử dụng về để kinh doanh.

2. Trường hợp doanh nghiệp muốn bán hàng hóa giảm giá so với giá nhập khẩu từ nước ngoài về do hàng hóa tiêu thụ chậm, hàng hư hỏng bao bì mà số lượng hàng hóa còn tồn nhiều thì phải có văn bản ghi rõ loại hàng hóa, số lượng hàng tồn, đơn giá nhập khẩu, đơn giá cần bán giảm giá, gửi văn bản đề nghị đến Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài đồng thời thông báo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh.

Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài xem xét và trả lời bằng văn bản trên cơ sở quy định của pháp luật trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Riêng các mặt hàng thực phẩm và mỹ phẩm có hạn sử dụng còn dưới 03 tháng, khi doanh nghiệp có nhu cầu bán giảm giá thì phải thông báo cho các cơ quan chức năng biết giá giảm theo thời gian cụ thể cho từng mặt hàng, với tỷ lệ phần trăm so với giá nhập khẩu. Trường hợp doanh nghiệp đã bán giảm giá mà các cơ quan chức năng xét thấy việc bán giảm giá có dấu hiệu và bằng chứng lợi dụng để tổ chức gian lận thương mại, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm xử lý theo pháp luật của các cơ quan chức năng.

Doanh nghiệp bán hàng hóa sang thị trường Campuchia có trị giá trên 10 triệu đồng thì phải có hợp đồng và doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ các thủ tục xuất khẩu tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài theo quy định của pháp luật.

3. Khi doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động thời hạn trên 10 ngày phải có thông báo tạm ngưng kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, đồng thời thông báo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, cơ quan quản lý thuế trực tiếp và Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài biết để theo dõi. Trong thời gian tạm ngưng hoạt động cơ quan Hải quan tiến hành khóa mạng bán hàng, khi hoạt động trở lại thì doanh nghiệp phải có văn bản gửi Ban Quản lý và Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài để mở mạng bán hàng.

4. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa của mình kinh doanh tại Khu Thương mại - Công nghiệp Mộc Bài.

5. Trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh bán hàng miễn thuế tại khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu:

a) Thực hiện việc bán hàng miễn thuế theo đúng quy định của Quy chế mua, bán hàng miễn thuế do Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành và hướng dẫn tại Thông tư số 128/2013/TT-BTC ;

b) Doanh nghiệp kinh doanh bán hàng miễn thuế và doanh nghiệp kinh doanh có mua, bán hàng hóa thuộc diện được miễn thuế phải triển khai hệ thống máy tính nối mạng với cơ quan Thuế, cơ quan Hải quan để cải cách thủ tục hành chính và phục vụ công tác quản lý hoạt động bán hàng miễn thuế theo quy định;

c) Định kỳ hàng tháng báo cáo hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong kỳ và báo cáo nhập - xuất - tồn với cơ quan Hải quan quản lý khu phi thuế quan để kiểm tra, theo dõi, phục vụ công tác quản lý theo hướng dẫn tại Thông tư số 128/2013/TT-BTC .

Điều 7. Xử lý hàng kém chất lượng

Hàng hóa bị đổ vỡ, hư hỏng, mất phẩm chất, kém chất lượng, hết hạn sử dụng không được bán phục vụ tiêu dùng. Doanh nghiệp có trách nhiệm lập biên bản về tình trạng hàng hóa báo cáo Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài để kiểm tra, tiến hành lập biên bản về hiện trạng hàng hóa và tổ chức hủy bỏ theo quy định về hủy bỏ phế liệu dưới sự giám sát của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài và cơ quan quản lý môi trường.

Nếu hàng hóa bị móp, hư hỏng bao bì nhưng chất lượng còn sử dụng được, doanh nghiệp muốn giảm giá bán thì phải làm văn bản báo cáo Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài và Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh về việc bán giảm giá như hàng hóa tiêu thụ chậm theo quy định tại khoản 2, Điều 6 của quy chế này.

Điều 8. Chế độ báo cáo

Định kỳ hàng tháng lập báo cáo tình hình kinh doanh của doanh nghiệp gửi Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh và Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài để theo dõi tổ chức quản lý.

Các hành vi không nộp báo cáo thanh khoản theo quy định cho cơ quan Hải quan và báo cáo doanh thu bán hàng từng tháng cho Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, bán không đúng đối tượng, bán không đúng theo bản sao giấy tờ tùy thân hoặc giấy tờ có giá trị khác của người mua hàng, bán khống, bán nội bộ, bán thấp hơn giá nhập khẩu từ nước ngoài vào Khu Thương mại - Công nghiệp…, bị các cơ quan chức năng phát hiện lập biên bản và tùy theo tính chất mức độ cụ thể sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Các doanh nghiệp hoạt động trong Khu Thương mại – Công nghiệp Mộc Bài chịu sự kiểm tra, giám sát của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh và các ngành chức năng có liên quan (Công an, Bộ đội Biên phòng, Quản lý thị trường, Thuế, Hải quan, Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư) trong việc thực hiện nội quy, quy chế về trung tâm thương mại, chợ nơi doanh nghiệp hoạt động kinh doanh nhằm chống các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại tại Khu Thương mại - Công nghiệp.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ

Điều 9. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh

1. Cấp giấy phép hoạt động kinh doanh bán hàng miễn thuế trong Khu Thương mại – Công nghiệp Mộc Bài.

2. Phổ biến, quán triệt việc thực hiện quy chế mua, bán hàng miễn thuế này tới các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng miễn thuế trong Khu Thương mại - Công nghiệp Mộc Bài.

3. Phối hợp với các ngành chức năng có liên quan thực hiện các biện pháp kiểm tra, kiểm soát nhằm chống các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và bán giảm giá các loại hàng hóa tại Khu Thương mại - Công nghiệp Mộc Bài.

4. Căn cứ vào tính chất và mức độ vi phạm quy chế của các doanh nghiệp bán hàng miễn thuế Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh sẽ thực hiện việc lập biên bản và tùy theo tính chất mức độ cụ thể doanh nghiệp sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

5. Định kỳ hàng quý Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh chủ trì tổ chức họp với các ngành chức năng có liên quan đánh giá tình hình hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế và việc thực hiện quy chế trong Khu Thương mại - Công nghiệp Mộc Bài, báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh.

Điều 10. Cơ quan Hải quan

Thực hiện trách nhiệm theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Thông tư số 109/2014/TT-BTC , ngày 15/8/2014 của Bộ Tài chính và kiểm tra, đối chiếu, kiểm soát hàng hóa và phương tiện tại các cổng ra vào Khu Thương mại - Công nghiệp và có những biện pháp ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại.

Điều 11. Cơ quan Thuế

Thực hiện trách nhiệm theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Thông tư số 109/2014/TT-BTC , ngày 15/8/2014 của Bộ Tài chính.

Điều 12. Lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng tại địa bàn Khu Thương mại - Công nghiệp Mộc Bài

Xây dựng các biện pháp quản lý, phòng, chống, xử lý các hành vi lợi dụng chính sách ưu đãi về thuế để thu gom, buôn lậu hàng vào nội địa, kinh doanh trái luật. Duy trì an ninh, trật tự và an toàn cho khách du lịch đến tham quan mua sắm, kiểm tra, kiểm soát hành khách, phương tiện và hàng hóa ra vào Khu TM-CN Mộc Bài. Cụ thể là tại cổng kiểm soát phía Campuchia có lực lượng Biên phòng thường trực, tại cổng kiểm soát phía Việt Nam lực lượng Biên phòng phối hợp với lực lượng Hải quan tuần tra, giám sát cơ động và phối hợp với các lực lượng chức năng, ngăn chặn, xử lý các hành vi buôn lậu, thu gom hàng miễn thuế, chống người thi hành công vụ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Điều 13. Sở Công thương

Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, xử lý kịp thời theo quy định của Luật Thương mại về nhãn hàng hóa, niêm yết giá, xử lý các hành vi tiêu thụ hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hết hạn sử dụng trong Khu Thương mại - Công nghiệp Mộc Bài, phối hợp với các ngành chức năng có những biện pháp phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Điều 14. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp và thông báo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh và các sở quản lý chuyên ngành biết trong việc quản lý cấp mới hay điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh; khi quyết định giải thể các doanh nghiệp trong Khu Thương mại - Công nghiệp Mộc Bài phải có văn bản xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế của cơ quan Thuế và giấy xác nhận hoàn thành thủ tục thanh khoản tờ khai của cơ quan Hải quan.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Tổ chức thực hiện

1. Các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh trong Khu Thương mại - Công nghiệp Mộc Bài, khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm tại Khu Thương mại - Công nghiệp Mộc Bài, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh và các cơ quan chức năng có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quy chế này.

2. Các tổ chức, cá nhân liên quan vi phạm quy định tại Quy chế này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

3. Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh những vấn đề chưa phù hợp, cần phải sửa đổi, bổ sung Quy chế, các sở, ngành, đơn vị báo cáo, đề xuất UBND tỉnh (qua Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh) xem xét, quyết định./.