Quyết định 34/2012/QĐ-UBND về Quy định chế độ, định mức chi tiêu tài chính phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp trong tỉnh Bình Phước
Số hiệu: 34/2012/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Phước Người ký: Trương Tấn Thiệu
Ngày ban hành: 03/12/2012 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài chính, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 34/2012/QĐ-UBND

Đồng Xoài, ngày 03 tháng 12 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHẾ ĐỘ, ĐỊNH MỨC CHI TIÊU TÀI CHÍNH PHỤC VỤ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP TRONG TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16/12/2002 và các văn bản hướng dẫn thi hành;

Căn cứ Nghị quyết số 02/2012/NQ-HĐND ngày 06/8/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc ban hành quy định một số chế độ, định mức chi tiêu tài chính phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp trong tỉnh;

Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh tại Tờ trình số 160/TTr-VPĐĐBQH&HĐND ngày 05/11/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định một số chế độ, định mức chi tiêu tài chính phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp trong tỉnh.

Điều 2.

1. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.

Riêng phụ cấp đối với Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban và các thành viên khác của Ban Hội đồng nhân dân xã thí điểm được thực hiện từ ngày 01 tháng 9 năm 2012.

2. Quyết định này thay thế Quyết định số 52/2008/QĐ-UBND ngày 26 tháng 8 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy định một số chế độ, định mức chi phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp trong tỉnh.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Trương Tấn Thiệu

 

QUY ĐỊNH

MỘT SỐ CHẾ ĐỘ, ĐỊNH MỨC CHI TIÊU TÀI CHÍNH PHỤC VỤ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP TRONG TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 34/2012/QĐ-UBND ngày 03/12/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy định này ban hành một số chế độ, định mức chi tiêu tài chính phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp trong tỉnh. Các chế độ về hoạt động của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân không quy định trong Quy định này được thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 2. Người kiêm nhiệm chức vụ ở cơ quan khác nếu kiêm nhiệm thêm chức vụ trong Hội đồng nhân dân vẫn được hưởng phụ cấp theo Quy định này.

Người kiêm nhiệm nhiều công việc trong Hội đồng nhân dân thì hưởng một mức phụ cấp cao nhất.

Điều 3. Các khoản chi thuộc Hội đồng nhân dân cấp nào thì đưa vào dự toán kinh phí hàng năm của Hội đồng nhân dân cấp đó để chi cho các hoạt động của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân và quyết toán với ngân sách cùng cấp.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. PHỤ CẤP CÁC CHỨC DANH KHÔNG CHUYÊN TRÁCH

Điều 4. Đại biểu Hội đồng nhân dân đang giữ các chức vụ Đảng, Nhà nước, đoàn thể, nếu kiêm nhiệm các chức danh Chủ tịch Hội đồng nhân dân hoặc Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm như sau:

1. Cấp tỉnh:

a) Chủ tịch Hội đồng nhân dân: 1,0 mức lương tối thiểu.

b) Trưởng Ban Hội đồng nhân dân: 0,8 mức lương tối thiểu.

2. Cấp huyện:

a) Chủ tịch Hội đồng nhân dân: 0,8 mức lương tối thiểu.

b) Trưởng Ban Hội đồng nhân dân: 0,6 mức lương tối thiểu.

3. Cấp xã:

a) Chủ tịch Hội đồng nhân dân: 0,6 mức lương tối thiểu.

b) Trưởng Ban Hội đồng nhân dân: 0,2 mức lương tối thiểu.

Điều 5. Đại biểu Hội đồng nhân dân kiêm nhiệm các chức vụ Phó Trưởng Ban, thành viên Ban, Tổ trưởng, Phó Tổ trưởng Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc, như sau:

1. Cấp tỉnh:

a) Phó Trưởng Ban: 0,6 mức lương tối thiểu.

b) Tổ trưởng Tổ đại biểu: 0,6 mức lương tối thiểu.

c) Phó Tổ trưởng Tổ đại biểu: 0,4 mức lương tối thiểu.

d) Thành viên Ban: 0,2 mức lương tối thiểu.

2. Cấp huyện:

a) Phó Trưởng Ban: 0,4 mức lương tối thiểu.

b) Tổ trưởng Tổ đại biểu: 0,4 mức lương tối thiểu.

c) Phó Tổ trưởng Tổ đại biểu: 0,2 mức lương tối thiểu.

d) Thành viên Ban: 0,1 mức lương tối thiểu.

3. Cấp xã:

a) Phó Trưởng Ban: 0,1 mức lương tối thiểu.

b) Tổ trưởng Tổ đại biểu: 0,1 mức lương tối thiểu.

c) Thành viên Ban: 0,05 mức lương tối thiểu.

Mục 2. CHI PHỤC VỤ HOẠT ĐỘNG THẨM TRA, GIÁM SÁT, KHẢO SÁT

Điều 6. Đối tượng và mức chi hoạt động thẩm tra, giám sát, khảo sát:

1. Chi soạn thảo, tiếp thu, hoàn chỉnh báo cáo: Thực hiện bằng mức chi soạn thảo báo cáo thẩm tra, dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân.

2. Cấp tiền lưu trú cho các thành viên tham gia theo định mức:

a) Cấp tỉnh: bằng 100% mức quy định của Bộ Tài chính

b) Cấp huyện: bằng 80% cấp tỉnh.

c) Cấp xã: bằng 80% cấp huyện.

3. Bồi dưỡng người chủ trì (hoặc Trưởng đoàn):

a) Cấp tỉnh: 100.000 đồng/người/buổi.

b) Cấp huyện: 70.000 đồng/người/buổi.

c) Cấp xã: 50.000 đồng/người/buổi.

Mục 3. CHI PHỤC VỤ KỲ HỌP CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Điều 7. Đối tượng và mức chi phục vụ kỳ họp:

1. Cấp tiền lưu trú (hỗ trợ tiền ăn) đối với đại biểu Hội đồng nhân dân và khách mời:

a) Cấp tỉnh: bằng 100% mức quy định của Bộ Tài chính.

b) Cấp huyện: bằng 80% cấp tỉnh.

c) Cấp xã: bằng 80% cấp huyện.

Nếu họp nửa ngày thì mức chi bằng 50% mức chi nói trên.

2. Chế độ bồi dưỡng phục vụ các hoạt động của kỳ họp Hội đồng nhân dân:

a) Bồi dưỡng Chủ tọa:

- Cấp tỉnh: 100.000 đồng/người/buổi.

- Cấp huyện: 80.000 đồng/người/buổi.

- Cấp xã: 60.000 đồng/người/buổi.

b) Bồi dưỡng Thư ký:

- Cấp tỉnh: 60.000 đồng/người/buổi.

- Cấp huyện: 40.000 đồng/người/buổi.

- Cấp xã: 30.000 đồng/người/buổi.

c) Xây dựng và hoàn thiện Nghị quyết của kỳ họp: Áp dụng theo quy định hiện hành tại địa phương.

d) Viết báo cáo tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri; ý kiến thảo luận ở Tổ đại biểu (trước và trong kỳ họp); báo cáo của Ủy ban nhân dân cùng cấp trả lời ý kiến của cử tri và đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp (mỗi kỳ họp 01 báo cáo/loại):

- Cấp tỉnh: 300.000 đồng/báo cáo.

- Cấp huyện: 200.000 đồng/báo cáo.

- Cấp xã: 100.000 đồng/báo cáo.

đ) Soạn thảo các văn bản khác trình kỳ họp Hội đồng nhân dân:

- Cấp tỉnh: 150.000 đồng/văn bản.

- Cấp huyện: 100.000 đồng/văn bản.

- Cấp xã: 80.000 đồng/văn bản.

Mục 4. CHI XÂY DỰNG PHÁP LUẬT, TIẾP XÚC CỬ TRI VÀ CÁC HỘI NGHỊ, CUỘC HỌP CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Điều 8. Đối tượng và mức chi phục vụ các Hội nghị, cuộc họp:

1. Đại biểu Hội đồng nhân dân và người được mời tham gia các hoạt động xây dựng pháp luật, tiếp xúc cử tri và hội nghị, cuộc họp của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân được chi hỗ trợ như sau:

a) Cấp tỉnh: 60.000 đồng/người/buổi.

b) Cấp huyện: 40.000 đồng/người/buổi.

c) Cấp xã: 30.000 đồng/người/buổi.

2. Chi xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp vào dự án luật, pháp lệnh; báo cáo tham luận tại các hội nghị Hội đồng nhân dân từ 2 cấp trở lên (không áp dụng đối với cấp xã). Tùy phạm vi và mức độ phức tạp, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp triệu tập quyết định mức chi cụ thể, nhưng tối đa không quá 500.000 đồng/báo cáo đối với cấp tỉnh; 300.000 đồng/báo cáo đối với cấp huyện; 200.000 đồng/báo cáo đối với cấp xã.

Mục 5. CHẾ ĐỘ CHI CÁC HOẠT ĐỘNG KHÁC

Điều 9. Chế độ thanh toán tiền phương tiện công tác:

Đại biểu Hội đồng nhân dân không hưởng lương hoặc sinh hoạt phí từ Ngân sách Nhà nước khi tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân được Văn phòng phục vụ Hội đồng nhân dân thanh toán tiền xe theo giá phương tiện công cộng.

Điều 10. Chế độ chi hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ:

1. Hỗ trợ tiền may trang phục cho đại biểu Hội đồng nhân dân (nếu tham gia ở nhiều cấp thì hưởng ở cấp cao nhất), mức hỗ trợ như sau:

- Cấp tỉnh: 4.000.000 đồng/người/nhiệm kỳ.

- Cấp huyện: 3.000.000đồng/người/nhiệm kỳ.

- Cấp xã: 2.000.000 đồng/người/nhiệm kỳ.

2. Hỗ trợ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh 200.000 đồng/đại biểu/tháng; đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện 150.000 đồng/đại biểu/tháng; đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã 80.000 đồng/đại biểu/tháng để truy cập thông tin, tài liệu phục vụ hoạt động.

3. Hỗ trợ mỗi đơn vị hành chính cấp xã 5.000.000 đồng/năm để phục vụ công tác tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

4. Thường trực Hội đồng nhân dân, Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh có thể quyết định việc thuê tư vấn về kỹ thuật, chuyên môn để tham gia thẩm tra, giám sát những vấn đề thuộc thẩm quyền khi thấy cần thiết. Mức thuê không quá 2.000.000 đồng/01 lần đến xong việc.

Điều 11. Chế độ chi cho phóng viên Báo, Đài, cán bộ công chức phục vụ các hoạt động của Hội đồng nhân dân:

1. Phóng viên Báo, Đài và cán bộ công chức là thành viên tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân nói ở các Mục 2, Mục 3 và Mục 4 trên đây được hưởng chế độ như đại biểu Hội đồng nhân dân.

2. Cán bộ công chức thực hiện các công việc có liên quan đến phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân nói ở Mục 2, Mục 3 và Mục 4 trên đây được hưởng chế độ bằng 50% mức của đại biểu Hội đồng nhân dân.

Điều 12. Mức chi cho những nội dung khác không có trong Nghị quyết này được thực hiện theo quy định hiện hành.