Quyết định 52/2008/QĐ-UBND về Quy định tổ chức và hoạt động của Nhà Thiếu nhi tỉnh Đồng Nai
Số hiệu: | 52/2008/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Đồng Nai | Người ký: | Huỳnh Thị Nga |
Ngày ban hành: | 11/09/2008 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Văn hóa , thể thao, du lịch, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 52/2008/QĐ-UBND |
Biên Hòa, ngày 11 tháng 9 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA NHÀ THIẾU NHI TỈNH ĐỒNG NAI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Quyết định số 43/QĐ-UBT ngày 17 tháng 01 năm 1983 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai về việc thành lập Nhà Thiếu nhi tỉnh Đồng Nai;
Theo đề nghị của Giám đốc Nhà Thiếu nhi tỉnh Đồng Nai tại Tờ trình số 171/TTr-NTN ngày 12 tháng 8 năm 2008 về việc đề nghị ban hành Quy định tổ chức và hoạt động của Nhà Thiếu nhi tỉnh Đồng Nai,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định tổ chức và hoạt động của Nhà Thiếu nhi tỉnh Đồng Nai.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Nhà Thiếu nhi tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA NHÀ THIẾU NHI TỈNH ĐỒNG NAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 52/2008/QĐ-UBND ngày 11 tháng 9 năm 2008 của UBND tỉnh Đồng Nai)
Chương I
NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Vị trí
Nhà Thiếu nhi tỉnh Đồng Nai là một bộ phận thiết chế văn hóa, là trung tâm giáo dục ngoài nhà trường, ngoài gia đình, ngoài cộng đồng cho trẻ em, do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ra quyết định thành lập, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Đồng Nai định hướng hoạt động.
Nhà Thiếu nhi tỉnh Đồng Nai là đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ Quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; thực hiện nhiệm vụ do Ủy ban nhân dân tỉnh giao.
Nhà Thiếu nhi tỉnh Đồng Nai có tư cách pháp nhân và con dấu riêng; được cấp một phần kinh phí từ ngân sách Nhà nước để đảm bảo hoạt động thường xuyên; được mở tài khoản tại Kho bạc và Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đồng Nai để hoạt động theo quy định.
Trụ sở chính đặt tại số 3, Cách mạng Tháng 8, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Tên tiếng Anh: Dong Nai province house of children.
Điều 2. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn
1. Chức năng
a) Tập hợp mọi đối tượng trẻ em để giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, yêu chủ nghĩa xã hội. Thông qua các hoạt động quần chúng rộng rãi và hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, kỹ năng công tác Đội, giáo dục hướng nghiệp, vui chơi, giải trí góp phần hình thành nhân cách toàn diện của con người mới xã hội chủ nghĩa cho trẻ em;
b) Nghiên cứu, tổng kết, bồi dưỡng và hướng dẫn phương pháp hoạt động Đội Thiếu niên Tiền phong và Đội Nhi đồng Hồ Chí Minh ngoài giờ lên lớp và ngoài nhà trường;
c) Phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu và tính sáng tạo cho trẻ em;
d) Hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn cho hệ thống Nhà Thiếu nhi ở các huyện, thị xã Long Khánh và TP. Biên Hòa.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn
a) Thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao, khoa học kỹ thuật, vui chơi giải trí để thu hút và đáp ứng nhu cầu, sở thích của đông đảo trẻ em;
b) Tổ chức thực hiện và thể nghiệm các hoạt động trọng tâm theo chương trình của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, chương trình rèn luyện đội viên để giáo dục các em tham gia trong Nhà Thiếu nhi và tạo kinh nghiệm hướng dẫn phong trào;
c) Tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, giáo dục công dân thông qua các chương trình lễ hội, nói chuyện chuyên đề, kể chuyện, gặp mặt giao lưu với các nhân vật như anh hùng, chiến sĩ, nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ vào các ngày lễ kỷ niệm trong năm, các sự kiện chính trị của tỉnh, theo các chủ điểm sinh hoạt của Đội;
d) Tổ chức các hoạt động bồi dưỡng và phát hiện năng khiếu, hướng nghiệp cho trẻ em thông qua việc mở các lớp năng khiếu ngắn hạn, dài hạn, bán trú theo sở thích; hình thành các câu lạc bộ, đội nhóm chuyên ở lĩnh vực văn học, nghệ thuật, âm nhạc, hội họa, thể dục thể thao, khoa học công nghệ, môi trường;
đ) Phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Sở Thông tin - Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ và các ban ngành liên quan để phát hiện năng khiếu trẻ em, thành lập các đội, nhóm chuyên nòng cốt cho tỉnh để tham dự Hội khỏe Phù Đổng, Hội thi Tin học trẻ, Văn hóa – Văn nghệ;
e) Sử dụng và phát huy mọi nguồn lực và điều kiện của Nhà Thiếu nhi để tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn tổ chức các hoạt động phục vụ phong trào của Đội, nhà trường và nhiệm vụ chính trị xã hội ở địa phương, coi đó là hình thức giáo dục thực tiễn cho trẻ em;
g) Tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đội cho Ban Chỉ huy Đội, Tổng phụ trách, Bí thư Đoàn; tổ chức hội thảo, chuyên đề giáo dục cho các bậc phụ huynh;
h) Tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn cho hệ thống Nhà Thiếu nhi cấp huyện;
k) Được ký hợp đồng với các đơn vị trong và ngoài nước để hợp tác, nghiên cứu, thương mại hóa các hoạt động thuộc chức năng, nhiệm vụ của Nhà Thiếu nhi tỉnh theo đúng quy định của pháp luật;
l) Được phép nhận các khoản tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước và sử dụng theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Chương II
TỔ CHỨC BỘ MÁY, BIÊN CHẾ VÀ CHẾ ĐỘ TIỀN LƯƠNG
Điều 3. Bộ máy hoạt động của Nhà Thiếu Nhi
1. Ban Giám đốc: Gồm 01 Giám đốc và 02 Phó Giám đốc
- Giám đốc Nhà Thiếu nhi tỉnh Đồng Nai là người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh, trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Nhà Thiếu nhi và việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Giám đốc Nhà Thiếu nhi do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật theo quy định hiện hành.
- Phó Giám đốc: Là cán bộ chuyên trách, giúp việc cho Giám đốc ở lĩnh vực chuyên môn được Giám đốc phân công, và chịu trách nhiệm trước Giám đốc, trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công theo quy định của pháp luật. Phó Giám đốc do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật theo quy định hiện hành.
- Phòng Tổ chức - Hành chính;
- Khoa Phương pháp - Công tác Đội;
- Khoa Giáo dục Nghệ thuật;
- Khoa Khoa học Kỹ thuật và Hướng nghiệp;
- Khoa Thể dục Thể thao;
- Bộ phận năng khiếu bán trú.
a) Chức năng, nhiệm vụ của các phòng, khoa, bộ phận:
- Phòng Tổ chức - Hành chính: Tham mưu cho Giám đốc về công tác tổ chức và cán bộ; hành chính tổng hợp, thi đua khen thưởng; quản lý hoạt động tài chính và chế độ kế toán. Thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ viên chức; công tác bảo vệ chính trị nội bộ; văn thư, lưu trữ, lễ tân; công tác bảo vệ an ninh trật tự, tài sản; tổng hợp và xây dựng kinh phí hoạt động; kiểm tra việc thực hiện kế hoạch ngân sách; thanh quyết toán học phí các lớp năng khiếu. Tổ chức các hoạt động dịch vụ phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của trẻ em.
- Các khoa và bộ phận năng khiếu bán trú: Tổ chức các hoạt động đại chúng, các hoạt động lễ hội, xây dựng mô hình, đội nhóm mẫu phục vụ cho chương trình hoạt động ngoài nhà trường, ngoài giờ lên lớp của Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh. Mở các lớp năng khiếu, năng khiếu bán trú cho trẻ em nhằm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và cung cấp nguồn cho các trường năng khiếu thể dục thể thao, văn hóa, nghệ thuật trong tỉnh. Tổ chức các hội thi, hội thảo chuyên đề. Tổ chức các hoạt động tham quan du lịch, dã ngoại thực hành kỹ năng sống.
b) Giám đốc Nhà Thiếu nhi ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các phòng, khoa và bộ phận trực thuộc theo quy định của pháp luật và bố trí, sử dụng, cán bộ, viên chức phù hợp với chức danh chuyên môn, tiêu chuẩn ngạch viên chức Nhà nước theo quy định.
Trưởng, phó phòng; trưởng, phó khoa; trưởng, phó bộ phận do Giám đốc Nhà Thiếu nhi tỉnh Đồng Nai quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật theo quy định hiện hành.
Điều 4. Biên chế
Biên chế của Nhà Thiếu nhi được tính trong tổng số biên chế sự nghiệp của tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định giao hàng năm theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ và Giám đốc Nhà Thiếu nhi Đồng Nai.
Căn cứ vào khả năng tài chính và tình hình thực tế, Giám đốc Nhà Thiếu nhi được hợp đồng nhân viên, tuyển dụng cộng tác viên phù hợp với nhiệm vụ quản lý theo kế hoạch được duyệt hàng năm.
Điều 5. Chế độ tiền lương
Tiền lương của cán bộ, viên chức Nhà Thiếu Nhi được áp dụng theo bảng lương hành chính sự nghiệp ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, và lực lượng vũ trang.
Chương III
CHẾ ĐỘ TÀI CHÍNH, KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG
Điều 6. Kinh phí hoạt động
Kinh phí hoạt động của Nhà Thiếu nhi gồm có:
1. Kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp phát hàng năm trên cơ sở đảm bảo cho Nhà Thiếu nhi hoạt động đúng chức năng nhiệm vụ, có hiệu quả.
2. Kinh phí thu từ các hoạt động sự nghiệp của Nhà Thiếu nhi.
3. Quỹ đóng góp của các đoàn thể nhân dân, các cơ sở kinh tế và các tổ chức Quốc tế.
Điều 7. Lập dự toán và quản lý kinh phí
Hàng năm vào tháng 9, Nhà Thiếu nhi lập kế hoạch hoạt động và dự toán kinh phí năm với 2 nguồn: Ngân sách và thu sự nghiệp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xét duyệt và cấp cho Nhà Thiếu nhi.
Giám đốc Nhà Thiếu nhi chịu trách nhiệm quản lý tập trung và sử dụng hiệu quả các nguồn tài chính (ngân sách và sự nghiệp) theo đúng các chế độ quy định của Nhà nước.
Chương IV
CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC
Điều 8. Chế độ làm việc
Nhà Thiếu nhi làm việc theo chế độ của đơn vị sự nghiệp, đảm bảo nguyên tắc tập trung, dân chủ, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của cán bộ, viên chức trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Điều 9. Quan hệ với các cơ quan, đoàn thể
1. Đối với Ủy ban nhân dân tỉnh: Chịu sự chỉ đạo và quản lý toàn diện của Ủy ban nhân dân tỉnh các mặt công tác. Hàng năm được Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ và kế hoạch kinh phí cho Nhà Thiếu nhi hoạt động.
2. Đối với các Sở, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh: Quan hệ hợp tác, bình đẳng, phối hợp chặt chẽ để cùng hoàn thành nhiệm vụ được giao; được các Sở, ngành giúp đỡ về chuyên môn nghiệp vụ.
3. Đối với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Đồng Nai: Là cơ quan định hướng hoạt động theo từng chủ đề, chủ điểm hàng năm của Đoàn, Đội. Đồng thời, Nhà Thiếu nhi còn chịu sự chỉ đạo và hướng dẫn nghiệp vụ của Trung ương Đoàn (trực tiếp là Hội đồng Đội Trung ương).
Điều 10. Chế độ báo cáo
Thực hiện chế độ báo cáo hàng tháng, 6 tháng, năm cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Đoàn Thanh niên và Hội đồng Đội Trung ương, và các đơn vị phối hợp.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 11. Giám đốc Nhà Thiếu nhi tỉnh có trách nhiệm triển khai thực hiện Quy định này. Trong quá trình thực hiện nếu cần thiết cập nhật, bổ sung để đáp ứng yêu cầu hoạt động thực tế, phục vụ tốt nhu cầu phát triển năng khiếu, vui chơi giải trí cho trẻ em, Giám đốc Nhà Thiếu nhi kịp thời kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định./.
Nghị định 43/2006/NĐ-CP quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập Ban hành: 25/04/2006 | Cập nhật: 20/05/2006
Nghị định 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang Ban hành: 14/12/2004 | Cập nhật: 22/02/2013