Quyết định 32/2007/QĐ-UBND về Quy định xác định đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của tỉnh Bến Tre do Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre ban hành
Số hiệu: 32/2007/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre Người ký: Võ Thành Hạo
Ngày ban hành: 29/08/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Khoa học, công nghệ, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 32/2007/QĐ-UBND

Bến Tre, ngày 29 tháng 8 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH XÁC ĐỊNH CÁC ĐỀ TÀI, DỰ ÁN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ CỦA TỈNH BẾN TRE

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 81/2002/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;
Căn cứ Quyết định số 07/2003/QĐ-BKHCN ngày 03 tháng 4 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Về việc ban hành Quy định về việc xác định các đề tài khoa học và công nghệ và các dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 12/2005/QĐ-BKHCN ngày 29 tháng 8 năm 2005 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa đổi, bổ sung Điều 5 của Quy định về việc xác định các đề tài Khoa học và Công nghệ và dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 07/2003/QĐ-BKHCN ngày 03 tháng 4 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Công văn số 494/SKHCN-QLKH ngày 22 tháng 8 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định xác định các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của tỉnh Bến Tre.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị và các lực lượng làm công tác khoa học và công nghệ tổ chức triển khai thực hiện Quy định này.

Điều 3. Các Ông (Bà) Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau mười ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 3315/2004/QĐ-UB ngày 31 tháng 8 năm 2004 và Quyết định số 28/2007/QĐ-UBND ngày 28 tháng 6 năm 2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre về việc ban hành Quy định xác định các đề tài Khoa học và Công nghệ và dự án sản xuất thử nghiệm của tỉnh Bến Tre./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Thành Hạo

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC XÁC ĐỊNH CÁC ĐỀ TÀI, DỰ ÁN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ CỦA TỈNH BẾN TRE
(Ban hành kèm theo Quyết định số 32/2007/QĐ-UBND ngày 29 tháng 8 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ

Nhiệm vụ khoa học và công nghệ là những vấn đề khoa học và công nghệ cần được giải quyết, được tổ chức thực hiện dưới hình thức các chương trình, đề tài, dự án khoa học và công nghệ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với việc xác định các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của tỉnh bao gồm:

1. Đề tài nghiên cứu khoa học (đề tài): là một nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm phát hiện quy luật, mô tả, giải thích nguyên nhân vận động của sự vật, hiện tượng hoặc sáng tạo nguyên lý, những giải pháp, bí quyết, sáng chế,.... được thể hiện dưới các hình thức: đề tài nghiên cứu cơ bản, đề tài nghiên cứu ứng dụng, đề tài triển khai thực nghiệm hoặc kết hợp cả nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và triển khai thực nghiệm.

2. Dự án sản xuất thử nghiệm (dự án SXTN): là nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và triển khai thực nghiệm để thử nghiệm các giải pháp, ph­ương pháp, mô hình quản lý kinh tế-xã hội hoặc sản xuất thử ở quy mô nhỏ nhằm hoàn thiện công nghệ mới, sản phẩm mới trước khi đưa vào sản xuất và đời sống.

3. Dự án khoa học và công nghệ (dự án KH và CN): là nhiệm vụ khoa học và công nghệ, bao gồm một số đề tài nghiên cứu khoa học và một số dự án sản xuất thử nghiệm gắn kết hữu cơ, đồng bộ được tiến hành trong một thời gian nhất định nhằm giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ chủ yếu phục vụ cho việc sản xuất một sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm trọng điểm, chủ lực có tác động nâng cao trình độ công nghệ của một ngành, một lĩnh vực và có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

4. Chương trình Khoa học và Công nghệ (chương trình) bao gồm một nhóm đề tài, dự án khoa học và công nghệ, được tập hợp theo một mục đích xác định nhằm thực hiện mục tiêu phát triển khoa học và công nghệ cụ thể hoặc ứng dụng trong thực tiễn.

Điều 3. Yêu cầu đối với việc xác định các đề tài, dự án khoa học và công nghệ

1. Yêu cầu chung.

a) Phải xuất phát từ yêu cầu giải quyết những vấn đề cấp thiết của tỉnh.

b) Chương trình, đề tài, dự án có giá trị khoa học và công nghệ, có tính sáng tạo, tính tiên tiến về công nghệ và có tính khả thi, việc xác định mục tiêu, đối tượng, phạm vi nghiên cứu phải căn cứ vào việc đánh giá khách quan thực trạng phát triển khoa học và công nghệ trong nước và thành tựu phát triển khoa học và công nghệ của thế giới.

c) Kết quả của đề tài, dự án phải có khả năng áp dụng được vào thực tiễn sản xuất và đời sống, có địa chỉ áp dụng rõ ràng, có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Yêu cầu đối với việc xác định các đề tài, dự án thuộc các chương trình Khoa học và Công nghệ.

a) Các quy định nêu tại khoản 1 Điều này.

b) Tạo ra những sản phẩm khoa học và công nghệ, góp phần giải quyết những nội dung xác định để đạt được những mục tiêu đặt ra của chương trình Khoa học và Công nghệ đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

3. Yêu cầu đối với việc xác định các đề tài, dự án độc lập.

a) Các quy định nêu tại khoản 1 Điều này.

b) Giải quyết những vấn đề quan trọng, bức xúc, cấp bách và có địa chỉ áp dụng rõ ràng, nhưng không thuộc phạm vi nghiên cứu của các chương trình Khoa học và Công nghệ.

Điều 4. Các nguồn hình thành các đề tài, dự án

1. Yêu cầu của lãnh đạo tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh yêu cầu tổ chức nghiên cứu đề tài, dự án theo kế hoạch hoặc đột xuất để giải quyết những vấn đề bức xúc của tỉnh.

2. Đề xuất của các sở, ban ngành, huyện, thị.

Đề tài, dự án do các sở, ban ngành, huyện, thị đề xuất để giải quyết những nhiệm vụ khoa học và công nghệ bức xúc nhằm phục vụ phát triển của ngành, của địa phương có ảnh hưởng lớn và lâu dài đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

3. Đề xuất của các tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp, tập thể và cá nhân các nhà khoa học.

Đề tài, dự án do các tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp, tập thể và cá nhân các nhà khoa học đề xuất nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống, góp phần phát triển khoa học và công nghệ và kinh tế - xã hội cần giải quyết ở cấp tỉnh.

4. Đề xuất từ hoạt động hợp tác Quốc tế.

Điều 5. Căn cứ và điều kiện đề xuất các dự án

1. Căn cứ.

a) Kết quả của các đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã được Hội đồng Khoa học và Công nghệ các cấp đánh giá và kiến nghị áp dụng.

b) Sáng chế, giải pháp hữu ích, sản phẩm khoa học được giải thưởng khoa học và công nghệ.

c) Kết quả khoa học và công nghệ từ nước ngoài đã được các tổ chức có thẩm quyền thẩm định.

2. Điều kiện.

Dự án phải đáp ứng đồng thời 2 điều kiện sau:

a) Được thị trường tiêu thụ hoặc có thị trường tiêu thụ sản phẩm của dự án.

b) Kinh phí thực hiện dự án chủ yếu do các tổ chức chủ trì dự án đảm nhiệm. Mức kinh phí hỗ trợ từ ngân sách khoa học và công nghệ không quá 30% tổng mức đầu tư cần thiết để thực hiện dự án (trong tổng mức đầu tư không bao gồm trang thiết bị, nhà xưởng đã có).

Điều 6. Tiêu chuẩn xác định các đề tài, dự án

1. Tiêu chuẩn xác định đề tài:

a) Sự phù hợp với mục tiêu của chương trình đối với đề tài, thuộc chương trình.

b) Tính cấp thiết phải thực hiện đề tài:

- Ý nghĩa thực tiễn của đề tài (trực tiếp góp phần quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề cấp bách của sản xuất và đời sống, có khả năng tác động lớn, ảnh hưởng lâu dài đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh);

- Ý nghĩa khoa học của đề tài (tính mới, tính tiên tiến về công nghệ).

c) Tính khả thi (sự phù hợp về thời gian nghiên cứu, kinh phí có thể đáp ứng được, năng lực khoa học và công nghệ trong nước có thể thực hiện được).

2. Tiêu chuẩn xác định dự án.

a) Sự phù hợp với mục tiêu của chương trình đối với dự án thuộc chương trình.

b) Sự cần thiết phải thực hiện dự án:

+ Sự phù hợp các hướng công nghệ ưu tiên và những hướng công nghệ phục vụ phát triển các ngành kinh tế quan trọng;

+ Tạo ra công nghệ (quy trình, thiết bị ...), các sản phẩm mới có chất lượng và tính cạnh tranh cao và chuyển giao được cho sản xuất.

- Có hiệu quả kinh tế - xã hội (tạo thêm việc làm, tiết kiệm và tận dụng nguồn tài nguyên nhân lực, bảo vệ môi trường ...).

c) Tính khả thi:

- Có căn cứ khoa học (xuất xứ của dự án từ một trong 3 nguồn đã nêu tại khoản 1 Điều 5 Quy định này);

- Khả năng chấp nhận của thị trường;

- Sự phù hợp về thời gian thực hiện, kinh phí có thể đáp ứng được, năng lực khoa học và công nghệ trong nước có thể giải quyết được.

Chương II

TRÌNH TỰ XÁC ĐỊNH DANH MỤC ĐỀ TÀI, DỰ ÁN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Điều 7. Xây dựng sơ bộ danh mục đề tài, dự án

1. Hàng năm Sở Khoa học và Công nghệ thông báo công khai và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, các tổ chức khoa học và công nghệ, các tập thể, cá nhân ở trong và ngoài tỉnh để nắm được yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ và nhu cầu bức xúc về kinh tế - xã hội của tỉnh để đề xuất các chương trình, đề tài, dự án thực hiện trong năm kế hoạch.

2. Việc lấy ý kiến được tổ chức bằng nhiều hình thức thông qua các hội thảo, hội nghị, gửi phiếu hoặc các hình thức khác.

3. Căn cứ vào các ý kiến đề xuất, căn cứ vào các nguồn và điều kiện hình thành đề tài, dự án đã quy định tại Điều 4 và Điều 5 của Quy định này, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ xây dựng danh mục sơ bộ danh mục các đề tài, dự án. Tổ chuyên môn (Phòng Quản lý khoa học) có trách nhiệm xem xét khả năng thực hiện của từng đề tài, dự án, kể cả tác dụng của đề tài, dự án đến sự phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở đó đề xuất số lượng thích hợp có khả năng thực hiện trong năm, hoặc đề xuất loại bỏ các đề tài, dự án không đủ điều kiện thực hiện hoặc đã thực hiện trong thời gian qua, trước khi xây dựng danh mục tổng hợp chung.

4. Thời gian thực hiện vào khoảng tháng 2-3 của năm trước.

Điều 8. Xác định các đề tài, dự án

1. Thành lập Hội đồng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định thành lập Hội đồng Khoa học Công nghệ để tư vấn xác định danh mục các đề tài, dự án.

Hội đồng tư vấn xác định các đề tài, dự án gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, ít nhất có hai thành viên phản biện và các thành viên khác. Thành viên của Hội đồng phải là các chuyên gia có uy tín, khách quan, có trình độ chuyên môn phù hợp và am hiểu sâu các lĩnh vực khoa học và công nghệ được giao tư vấn. Các thành viên khác gồm:

+ 1/2 là đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan hoạch định chính sách, tổ chức sản xuất - kinh doanh, các tổ chức khác có liên quan;

+ 1/2 là các nhà khoa học và công nghệ hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ có liên quan.

Sở Khoa học và Công nghệ cử chuyên viên làm thư ký hành chính giúp việc Hội đồng.

2. Nhiệm vụ của Hội đồng.

a) Hội đồng xem xét, phân tích danh mục sơ bộ những đề tài, dự án dự kiến đưa vào thực hiện trong năm kế hoạch theo tiêu chuẩn đã quy định tại Điều 6 của Quy định này.

Hội đồng thảo luận về những đề tài, dự án đủ tiêu chuẩn cần nghiên cứu giải quyết ở cấp tỉnh để đề nghị cho thực hiện và những đề tài, dự án không đủ tiêu chuẩn, đề nghị không thực hiện.

b) Hội đồng bỏ phiếu kín để xếp đề tài, dự án vào 02 loại sau:

- Đề nghị thực hiện;

- Đề nghị không thực hiện.

Những đề tài, dự án được Hội đồng đề nghị cho phép thực hiện, đồng thời xác định hình thức thực hiện là tuyển chọn hay giao trực tiếp cho tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện.

Những đề tài, dự án được đề nghị thực hiện là những đề tài, dự án phải được ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng có mặt đồng ý kiến nghị.

c) Hội đồng thảo luận, sửa đổi, bổ sung về đối tượng nghiên cứu, mục tiêu, nội dung, sản phẩm dự kiến đạt được cho từng đề tài, dự án.

3. Kết quả làm việc của Hội đồng.

Kết quả làm việc của Hội đồng là danh mục các đề tài, dự án dự kiến thuộc chương trình hoặc danh mục dự kiến đề tài, dự án độc lập theo chuyên ngành khoa học tương ứng.

Hội đồng thông qua biên bản kết quả kiến nghị các danh mục dự kiến đề tài, dự án, Sở Khoa học và Công nghệ tổng hợp trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Điều 9. Phê duyệt danh mục đề tài, dự án

1. Căn cứ kết quả làm việc của Hội đồng và tờ trình của Sở Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh mục đề tài, dự án để giao trực tiếp hoặc thông báo tuyển chọn tổ chức cá nhân chủ trì triển khai thực hiện đề tài, dự án.

2. Phương thức hoạt động của Hội đồng tư vấn xác định đề tài, dự án được quy định chi tiết tại Quyết định số 33/2007/QĐ-UBND ngày 29 tháng 8 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh./.