Quyết định 33/2007/QĐ-UBND ban hành Chương trình giải quyết việc làm giai đoạn 2006-2010 do Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành
Số hiệu: | 33/2007/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Tây Ninh | Người ký: | Phạm Văn Tân |
Ngày ban hành: | 10/09/2007 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Lao động, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 33/2007/QĐ-UBND |
Tây Ninh, ngày 10 tháng 09 năm 2007 |
BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM GIAI ĐOẠN 2006-2010
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18/04/2003 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về việc làm;
Căn cứ Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết tỉnh Đảng bộ lần thứ VIII nhiệm kỳ 2005-2010 về lĩnh vực công tác Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị quyết số 07/2007/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh khóa VII kỳ họp thứ 10 ngày 12/7/2007 Về Chương trình giải quyết việc làm tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2006-2010;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tại Tờ trình số 1009/TTr-SLĐTBXH ngày 17 tháng 08 năm 2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Nơi nhận: |
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM GIAI ĐOẠN 2006-2010 CỦA TỈNH TÂY NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 33/2007/QĐ-UBND ngày 10 tháng 09 năm 2007 của UBND tỉnh)
Để góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội thời kỳ 2006 - 2020 và thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ VIII, Ủy Ban nhân dân tỉnh xây dựng Chương trình giải quyết việc làm giai đoạn 2006 - 2010 như sau:
Phần 1:
A. KHÁI QUÁT MỤC TIÊU VÀ NỘI DUNG VỀ VIỆC LÀM:
- Chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết việc làm nhằm tạo mở việc làm mới và bảo đảm việc làm cho người lao động có khả năng lao động, có nhu cầu việc làm. Thực hiện các biện pháp để trợ giúp người thất nghiệp nhanh chóng có việc làm, người thiếu việc làm hoặc việc làm hiệu quả thấp sẽ có việc làm đầy đủ, việc làm có hiệu quả cao hơn.
- Mỗi năm tạo ra việc làm cho khoảng 16.000 -17.000 người.
- Đạt cơ cấu lao động: nông lâm, ngư nghiệp - công nghiệp, xây dựng - thương mại, dịch vụ: 50% - 20% - 30% vào năm 2005.
- Giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực ở thành thị xuống còn khoảng 4,5% và tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn tăng lên 80% vào năm 2005.
- Nâng tỷ lệ chất lượng nguồn lao động qua đào tạo và dạy nghề đạt 23,12% (lao động đào tạo nghề 20%) vào năm 2005.
III. NỘI DUNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH:
Mục tiêu Chương trình giải quyết việc làm được triển khai trên ba hướng cơ bản sau đây:
1/- Phát triển kinh tế - xã hội tạo việc làm: là nhánh hoạt động quan trọng nhất, quyết định tăng chỗ làm việc trong thị trường lao động; các chương trình phát triển kinh tế trọng điểm gắn với chương trình tạo việc làm mới;
2/- Đẩy mạnh xuất khẩu lao động;
3/- Tăng cường các hoạt động hỗ trợ trực tiếp để tạo việc làm và phát triển thị trường lao động được triển khai với các nội dung như sau:
- Tổ chức cho vay vốn theo các dự án nhỏ tạo việc làm thông qua Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm;
- Dạy nghề gắn với việc làm;
- Đề án xuất khẩu lao động;
- Hỗ trợ phát triển thị trường lao động và nâng cao năng lực quản lý lao động - việc làm.
Trên cơ sở mục tiêu và nội dung của Chương trình theo Quyết định số 31/2002/QĐ-CT ngày 08/02/2002 của UBND tỉnh về việc phê duyệt chương trình mục tiêu Quốc gia giải quyết việc làm giai đoạn 2001-2010, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các ban ngành khác có liên quan, giúp UBND tỉnh thực hiện Chương trình, chỉ đạo lập kế hoạch theo các nội dung như sau:
1. Cấp tỉnh:
- Chỉ đạo xây dựng kế hoạch hàng năm theo 4 nội dung (vay vốn từ Quỹ QGHTVL; đề án dạy nghề cho lao động nông thôn; đề án xuất khẩu lao động; dự án nâng cao năng lực quản lý), ban hành cơ chế phân cấp quản lý, cơ chế phối hợp, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình.
- Hướng dẫn các đối tượng vay vốn thực hiện theo Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18/04/2003 và Quyết định 71/2005/QĐ-TTg ngày 05/04/2005 của Chính phủ.
- Hướng dẫn, quản lý lao động là người Việt Nam làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo Nghị định số 81/2003/NĐ-CP ngày 17/07/2003; Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 04/03/2006 của Tỉnh ủy; Quyết định số 108/QĐ-UB ngày 14/05/2003 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc ban hành Đề án xuất khẩu lao động giai đoạn 2003-2005.
2. Cấp huyện, thị xã:
- UBND huyện, thị xã xây dựng Chương trình việc làm và thông qua Hội đồng nhân dân trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm và 5 năm.
- Chỉ đạo Phòng Nội vụ - Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các tổ chức đoàn thể thực hiện Chương trình.
II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH:
1. Về mục tiêu:
a. Các mục tiêu cụ thể của chương trình đã hoàn thành và vượt mức:
5 năm qua, bằng nhiều hình thức đã thu hút và tạo việc làm cho 92.118 người, bình quân mỗi năm 18.423 người, vượt 8,37% so với Nghị quyết tỉnh Đảng bộ lần thứ VII tạo việc làm mới cho khoảng 16 - 17 ngàn người ( trong đó, tạo việc làm thông qua các chương trình phát triển kinh tế xã hội 67.983 người, tạo việc làm thông qua Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm 22.247 người, tạo việc làm ngoài nước 1.888 người).
Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị hàng năm giảm dần (năm 2001: 5,78% năm 2005: 4,5%); tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn tăng dần (năm 2001: 75,87%, năm 2005: 80%).
b. Cơ cấu lao động đã có sự chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỷ trọng lao động trong nông nghiệp và tăng dần tỷ trọng lao động trong công nghiệp và dịch vụ phù hợp cơ cấu chuyển dịch của nền kinh tế tỉnh:
Cơ cấu |
Năm |
||||
2001 |
2002 |
2003 |
2004 |
2005 |
|
Nông - lâm - ngư nghiệp |
56,88 % |
56,50 % |
55,07 % |
54,00 % |
53,00 % |
Công nghiệp - xây dựng |
15,60 % |
15,78 % |
16,44 % |
17,15 % |
17,50 % |
Thương mại - dịch vụ |
27,52 % |
27,71 % |
28,48 % |
28,85 % |
29,50 % |
c. Chất lượng nguồn lao động qua đào tạo và dạy nghề từng bước được nâng lên: từ 15,1% năm 2001 tăng lên 23,19% năm 2005 (trong đó lao động đã qua đào tạo nghề là 12,95% năm 2001, 20% năm 2005).
2. Về nội dung Chương trình:
a. Các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội:
5 năm qua, các Chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đã góp phần đưa nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng với tốc độ cao, phát triển tương đối toàn diện, hầu hết các chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng với tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng bình quân hằng năm 14%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết và là mức tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay. Năm 2005, GDP bình quân đầu người đạt 9,6 triệu đồng (tương đương 600USD). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ là nhân tố tích cực quyết định tạo thêm 67.983 lao động có việc làm mới trong thị trường lao động, đặc biệt là các chương trình, dự án phát triển kinh tế trọng điểm như: Chương trình phát triển nông nghiệp và nông thôn; kêu gọi thu hút vốn đầu tư trong nước và ngoài nước phát triển công nghiệp và dịch vụ; kinh tế trang trại; kinh tế hợp tác; kinh tế hộ gia đình.
b. Tạo việc làm thông qua xuất khẩu lao động:
Thực hiện chủ trương đẩy mạnh xuất khẩu lao động theo Chỉ thị số 12 -CT/TU ngày 04 tháng 3 năm 2003 của Tỉnh ủy và Đề án xuất khẩu lao động giai đoạn 2003-2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp giữa các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến huyện, sự đồng tình hưởng ứng của toàn xã hội, nên công tác xuất khẩu lao động đã khởi sắc. Trong 5 năm đưa 1.888 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có khoảng 40% đã qua đào tạo nghề. Xuất khẩu lao động khẳng định là hình thức tạo việc làm mới cho người lao động nhất là bộ phận thanh niên nghèo ở thành thị và nông thôn, góp phần hoàn thành chỉ tiêu giải quyết việc làm của tỉnh. Đồng thời, bước đầu tham gia đa dạng hóa chương trình xóa đói giảm nghèo và từng bước nâng cao trình độ tay nghề và thu nhập cho người lao động.
Ngoài những kết quả đã đạt được, hoạt động xuất khẩu lao động còn những khó khăn, tồn tại như: về số lượng còn khiêm tốn; về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ so yêu cầu cho xuất khẩu còn rất thấp; thị trường xuất khẩu còn hẹp, nguồn vốn cho vay hạn chế; việc tổ chức và quản lý lao động ở nước ngoài của một vài doanh nghiệp chưa tốt; công tác thông tin tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xuất khẩu lao động còn hạn chế đến người lao động ở vùng sâu, vùng xa.
c. Các hoạt động hỗ trợ trực tiếp:
- Vay vốn thông qua Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm:
5 năm qua,Trung ương hỗ trợ bổ sung vốn mới cho Chương trình là 12,5 tỷ đồng (năm 2001: 2 tỷ đồng, năm 2002: 3 tỷ đồng, năm 2003: 2,5 tỷ đồng, năm 2004: 2,5 tỷ đồng và năm 2005: 3,5 tỷ đồng) nâng tổng nguồn vốn của Chương trình: 35,820 tỷ đồng. Với nguồn vốn bổ sung hàng năm và nguồn vốn thu hồi, được phân bổ cho 9 huyện, thị và các tổ chức đoàn thể để thực hiện cho vay 833 dự án và tạo việc làm cho 22.247 người.
Việc quản lý và sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả cao, vừa bảo tồn được nguồn vốn; nợ quá hạn tồn đọng dưới 3,5% đảm bảo theo quy định.
Qua quá trình hoạt động, Quỹ quốc gia về việc làm đã góp phần đáng kể tạo thêm nguồn vốn phục vụ cho việc phát triển sản xuất và tạo thêm việc làm trong nhân dân, đặc biệt là khuyến khích phát triển, khôi phục các ngành nghề truyền thống, phát triển các ngành nghề mới, góp phần tác động đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn.
- Dự án nâng cao năng lực cho Trung tâm giới thiệu việc làm:
Quỹ quốc gia về việc làm đã dành 1tỷ đồng để hỗ trợ mua sắm trang thiết bị cho hoạt động của Trung tâm giới thiệu việc làm. Kết quả Trung tâm giới thiệu việc làm đã tư vấn cho 5.877 lượt người, dạy nghề ngắn hạn hơn 2.500 lượt người, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động cho 1.204 lượt người.
- Điều tra, thống kê lao động và xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động:
Trong 5 năm qua, thực hiện chỉ đạo của Trung ương hàng năm tiến hành Điều tra chọn mẫu về lao động việc làm thời điểm 1/7 trên địa bàn tỉnh nhằm đánh giá các chỉ tiêu về lực lượng lao động hoạt động trong các ngành kinh tế, lao động mới có việc làm, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ sử dụng thời gian lao động nông thôn. Nhờ vậy, các thông tin về biến động lao động, việc làm được nắm bắt kịp thời, làm tư liệu giúp cho tỉnh có sự điều chỉnh kế hoạch kinh tế xã hội hàng năm một cách đồng bộ và thống nhất.
Ngoài ra, trong năm 2005 Quỹ quốc gia việc làm Trung ương và ngân sách tỉnh dành hơn 150 triệu đồng để tổ chức Hội chợ việc làm lần thứ I tỉnh Tây Ninh, kết quả có 21 đơn vị doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, trong ngày hội việc làm thu hút 21.877 lượt người lao động đến tìm việc làm, nộp hồ sơ và tham gia phỏng vấn; có 1.039 lao động được tuyển chọn tại chỗ, có 2.913 hồ sơ thu nhận để giải quyết việc làm đến cuối năm và có 976 hồ sơ đăng ký xuất khẩu lao động. Hội chợ Việc làm - Thương mại lần đầu tiên của tỉnh được tổ chức nhằm tạo cơ hội, cầu nối giữa người sử dụng lao động, giữa các trường, trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm với người lao động, giúp cho người lao động nắm được yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp về ngành nghề, trình độ chuyên môn, tiền lương… để có cơ hội lựa chọn và tìm được việc làm thích hợp, người sử dụng lao động tuyển được lao động theo yêu cầu sản xuất kinh doanh.
- Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác quản lý lao động - việc làm:
Hàng năm Chương trình Trung ương hỗ trợ kinh phí nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý lao động - việc làm, tỉnh đã tổ chức tập huấn cho hơn 800 lượt cán bộ làm công tác quản lý lao động - việc làm ở các khu phố, ấp, xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị trên địa bàn tỉnh nhằm nắm vững nội dung và chính sách việc làm của nhà nước góp phần nâng cao hiệu quả trong việc quản lý chương trình việc làm của địa phương.
3. Nhận định:
a. Mặt được và nguyên nhân:
Trong 5 năm đã tạo việc làm cho 92.118 người, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị và thiếu việc làm khu vực nông thôn. Khu vực kinh tế tư nhân, hộ gia đình, làng nghề, trang trại, doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày càng đóng vai trò tích cực trong tạo việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động.
- Thông qua Quỹ quốc gia về việc làm đã tạo việc làm mới cho 22.247 lao động trong tổng số 92.118 việc làm tạo ra trong 5 năm 2001 - 2005; chính sách cho vay vốn tín dụng đã góp phần quan trọng giúp các hộ chuyển sang sản xuất hàng hoá; hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trang trại, làng nghề một lượng lớn vốn mà thiếu nó sẽ gặp nhiều khó khăn trong thu hút thêm lao động vào làm việc tạo thu nhập.
- Kết quả giải quyết việc làm dẫn đến cung - cầu lao động dần dần được kiểm soát, cầu lao động đã tăng lên về số lượng lẫn chất lượng, thất nghiệp và thiếu việc làm đã phần nào được cải thiện, thị trường lao động ngày càng được mở rộng, nâng cao tính linh hoạt, tính cạnh tranh.
- Công tác xuất khẩu đã được đẩy mạnh, thị trường xuất khẩu lao động và tổ chức kinh tế tham gia xuất khẩu lao động phát triển, đa dạng về hình thức và ngành nghề; tỉnh đã ban hành chính sách đầu tư đào tạo nghề cho người lao động để phục vụ cho công tác xuất khẩu lao động đạt chất lượng.
* Nguyên nhân:
- Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm đã được Trung ương cụ thể hoá bằng chính sách hỗ trợ về vốn đầu tư giúp cho địa phương thực hiện được thuận lợi.
- Chương trình được thể hiện thành các chỉ tiêu kế hoạch hàng năm của các cấp, các ngành và tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm gắn với chương trình xóa đói giảm nghèo hàng năm ở các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội.
- Làm tốt việc xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các ngành, huyện, thị xã, nhằm tạo mở việc làm.
- Xác định cụ thể mục tiêu về tạo mở việc làm và bố trí nguồn lực tương xứng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và kế hoạch 5 năm.
- Nền kinh tế của tỉnh luôn luôn phát triển và ổn định, bằng chính sách thông thoáng khuyến khích kêu gọi vốn đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp, đã thu hút các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước đầu tư cho sản xuất phát triển, thu hút nhiều lao động có việc làm mới ở các địa phương.
- Đảm bảo sự lãnh đạo và tăng cường sự quan tâm của Đảng từ tỉnh đến cơ sở nhằm thực hiện thành công Chương trình việc làm tỉnh.
- Nhận thức của người lao động trong việc tìm việc làm và tự tạo việc làm trong cơ chế thị trường năng động, gắn sử dụng đồng vốn vay từ chương trình và nguồn vốn khác để tạo việc làm bền vững để nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống.
b. Mặt tồn tại và nguyên nhân:
- Còn thiếu những chính sách đủ mạnh để khuyến khích đầu tư, huy động mọi nguồn lực, phát triển các thị trường (trong đó có thị trường lao động) để tăng trưởng kinh tế và tạo mở việc làm. Chế độ tiền lương, tiền công và thu nhập chưa thể hiện công bằng và tôn vinh sáng tạo.
- Hệ thống thông tin thị trường lao động, thông tin quản lý lao động - việc làm chưa đầy đủ.
- Chính sách xuất khẩu lao động chưa được quán triệt để thực hiện sâu rộng trong các cấp, các ngành. Công tác đào tạo chuẩn bị cho xuất khẩu lao động chưa được chú trọng nên khả năng cạnh tranh thấp, làm những ngành nghề đơn giản, không có ngoại ngữ, lương thấp, rủi ro cao.
- Chính sách lao động - việc làm chưa phù hợp với tình hình của nền kinh tế thị trường, chậm đổi mới, trước tiên là các chính sách liên quan hỗ trợ trực tiếp và cho vay vốn tạo việc làm cho đối tượng là hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ là người tàn tật, cho lao động vùng chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp.
* Nguyên nhân:
- Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm ở huyện, thị xã còn lúng túng; việc chậm phân cấp cho huyện, thị xã trong việc chủ động phê duyệt dự án nên giai đoạn đầu việc giải ngân còn chậm; hiệu quả của một số dự án tạo việc làm còn thấp. Bộ máy cán bộ quản lý lao động và việc làm chưa được tăng cường về số lượng và chất lượng.
- Trung ương chậm sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách trong việc thực hiện vốn vay nên mức vay còn mang tính bình quân, nguồn vốn hỗ trợ cho địa phương còn ít so nhu cầu của các dự án.
- Tỉnh chưa thành lập Quỹ hỗ trợ việc làm địa phương nên không chủ động nguồn vốn cho nhu cầu vay vốn tạo việc làm mà quỹ việc làm Trung ương không đáp ứng.
- Công tác kiểm tra, giám sát chưa được thường xuyên để phát hiện kịp thời khắc phục những dự án kém hiệu quả.
- Hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm chưa thực sự gắn với thị trường lao động, xu hướng nghiêng về đào tạo hơn là tư vấn và tìm việc làm.
- Chất lượng đào tạo nghề chưa gắn với thị trường lao động, nên khả năng tạo việc làm còn hạn chế.
Phần 2:
CHƯƠNG TRÌNH GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
I. CĂN CỨ XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH:
1. Bối cảnh chung tác động tới lao động việc làm giai đoạn 2006 - 2010:
Bước vào kế hoạch 5 năm (2006-2010) trong bối cảnh hội nhập toàn diện về kinh tế, tình hình quốc tế và trong nước có những tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của nước ta nói chung và tỉnh ta nói riêng. Theo dự báo những nhân tố thuận lợi mới sẽ xuất hiện, tạo thời cơ cho phát triển, đồng thời xuất hiện những khó khăn, thách thức mới. Vì vậy, việc khai thác quản lý, sử dụng nguồn lao động có hiệu quả là những vấn đề đặt ra trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Tây Ninh trong kế hoạch 5 năm (2006 - 2010) trong xu thế hội nhập của đất nước.
a. Những yếu tố thuận lợi:
- Bộ luật Lao động đã quy định “giải quyết việc làm, bảo đảm cho mọi người có khả năng lao động đều có cơ hội có việc làm là trách nhiệm của Nhà nước, của các doanh nghiệp và của toàn xã hội”.
- Chính phủ lập Chương trình quốc gia về việc làm, lập Quỹ quốc gia giải quyết việc làm từ ngân sách nhà nước và các nguồn khác, phát triển hệ thống tổ chức giới thiệu việc làm.
- Nền kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao, phát triển tương đối toàn diện, kế hoạch 5 năm (2006-2010) GDP bình quân đạt từ 15,5% đến 16%, tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước để mở rộng sản xuất thu hút nhiều lao động.
b. Những khó khăn tác động đến việc làm:
- Tình hình việc làm trong giai đoạn tới vẫn là vấn đề rất bức xúc, tình hình cung - cầu lao động của tỉnh có những khó khăn cục bộ - có nơi thừa lao động nhưng có nơi thiếu lao động, nguyên nhân chủ yếu thị trường lao động đòi hỏi chất lượng việc làm và vấn đề thu nhập, chất lượng cuộc sống ngày càng cao. Đó là những thách thức và những khó khăn trong quá trình hội nhập và phát triển.
2. Dự báo phát triển nguồn nhân lực đến năm 2010:
Dự báo đến năm 2010, dân số tỉnh Tây Ninh đạt khoảng 1,150 triệu người, thì lực lượng lao động sẽ như sau:
- Năm 2006: lực lượng lao động khoảng 562.000 người chiếm 52,39% so dân số.
- Đến năm 2010: lực lượng lao động khoảng 634.302 người chiếm 55,15% so dân số; mức tăng bình quân hàng năm là 14.460 người; 50% lao động qua đào tạo và dạy nghề, trong đó 35% qua đào tạo nghề;
3. Dự báo nhu cầu tạo việc làm tăng thêm và khả năng tạo việc làm:
a. Nhu cầu việc làm:
Theo phương pháp chuyển đổi tuổi, bình quân hàng năm dân số trong độ tuổi của tỉnh có từ 14.000 - 14.500 người bước vào tuổi lao động cộng với số lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước và số lao động chưa có việc làm hàng năm chuyển sang, nếu giữ tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm như mục tiêu thì nhu cầu tạo việc làm giai đoạn 2006 - 2010 là 110.000 -115.000 lao động.
b. Khả năng tạo việc làm mới:
Theo Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ VIII nhiệm kỳ 2005-2010, đề ra một số chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội chủ yếu như sau: Tổng sản phẩm xã hội (GDP) tăng bình quân hàng năm 15,5-16%; GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 1.050 - 1.100 USD; huy động GDP vào ngân sách đạt 10% vào năm 2010; đầu tư phát triển trên địa bàn đạt khoảng 40-41% GDP; tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chuẩn mới) giảm xuống còn 2% vào năm 2010; giảm tỷ lệ dân số tự nhiên đến năm 2010 còn 1,1%; trên 98% hộ sử dụng điện lưới quốc gia… thì khả năng tạo việc làm mới như sau:
- Chương trình phát triển kinh tế- xã hội thu hút từ 83.000 - 85.000 lao động.
- Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm thu hút được 27.000 - 30.000 lao động, trong đó:
+ Tạo việc làm trong nước cho 24.000 - 26.000 lao động.
+ Tạo việc làm ngoài nước: đưa 3.000 - 3.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài.
4. Chủ trương của Đảng, Nhà nước và cơ sở pháp lý về việc làm:
a. Chủ trương của Đảng và Nhà nước:
“Tập trung giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc, đẩy nhanh việc xã hội hóa trên các lĩnh vực phát triển xã hội bền vững, nâng cao chất lượng của cuộc sống nhân dân, từng bước thực hiện mục tiêu xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Tiếp tục thực hiện các chương trình giảm nghèo, chương trình giải quyết việc làm gắn với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội và theo hướng xã hội hóa. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động dạy nghề, xúc tiến việc làm và xuất khẩu lao động, tạo cơ hội cho người lao động tự tìm việc làm. Phấn đấu đến năm 2010 tỷ lệ lao động không có việc làm còn dưới 4%, tỷ lệ lao động nông nghiệp còn 42% và thời gian lao động ở nông thôn đạt trên 85%. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn lao động và việc làm thực hiện chế độ, chính sách cho người lao động. Không để tái hộ đói, đẩy nhanh tốc độ giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cơ sở Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ và cá nhân tự vươn lên thoát nghèo. Chăm lo tốt hơn đối với gia đình chính sách và những người có công với nước…”. (Trích NQ VIII Đảng bộ tỉnh).
b. Cơ sở pháp lý:
- Điều 13 của Bộ Luật Lao động quy định: “giải quyết việc làm, bảo đảm cho mọi người có khả năng lao động đều có cơ hội có việc làm là trách nhiệm của Nhà nước, của các doanh nghiệp và của toàn xã hội”.
- Điều 15 của Bộ Luật Lao động quy định: “Chính phủ lập Chương trình quốc gia về việc làm, lập Quỹ quốc gia về việc làm từ ngân sách nhà nước và các nguồn khác, phát triển hệ thống tổ chức giới thiệu việc làm”.
- Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18/04/2003 của Chính phủ quy định trách nhiệm của UBND tỉnh trong việc xây dựng, triển khai chương trình và quỹ quốc gia giải quyết việc làm địa phương.
- Chương trình hành động thực hiện Nghị Quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII nhiệm kỳ 2005-2010 về lĩnh vực công tác Lao động - Thương binh và Xã hội.
II. MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH:
1. Mục tiêu chung:
a. Đảm bảo việc làm cho khoảng 634.302 người, trong đó tạo thêm việc làm cho 110.000 - 115.000 lao động (từ Chương trình phát triển kinh tế - xã hội: 83.000 - 85.000 lao động)
b. Giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị xuống dưới 4% vào năm 2010.
c. Tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn lên 85% vào năm 2010.
2. Mục tiêu cụ thể:
a. Tạo việc làm mới cho 27.000 - 30.000 lao động thông qua chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm, trong đó:
- Tạo việc làm trong nước cho 24.000 - 26.000 lao động theo dự án vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm;
- Tạo việc làm ngoài nước cho 3.000 - 3.500 lao động từ hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động và Quỹ hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
b. Nâng cao năng lực các trung tâm giới thiệu việc làm thuộc tỉnh quản lý và hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động từ các trung tâm giới thiệu việc làm.
c. Tích cực thực hiện các hoạt động đào tạo nghề; phấn đấu nâng mức tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 23,19% (2005) lên 50% vào năm 2010, trong đó lao động qua đào tạo nghề 35%.
III. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH:
Chương trình hoạt động với 5 nội dung chủ yếu sau:
1. Các hoạt động cho vay vốn tạo việc làm với lãi suất ưu đãi, bao gồm:
- Quỹ quốc gia về việc làm được bổ sung hàng năm;
- Đối tượng được vay là các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, trang trại, làng nghề và hộ gia đình;
- Tổ chức cho vay vốn thông qua các dự án sản xuất kinh doanh tạo việc làm.
2. Các hoạt động hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bao gồm hỗ trợ dạy nghề, giáo dục định hướng, phát triển thị trường lao động.
3. Các hoạt động củng cố, mở rộng và phát triển thị trường lao động trong tỉnh, bao gồm việc tổ chức, sắp xếp lại các Trung tâm giới thiệu việc làm; hỗ trợ đầu tư trang thiết bị; điều tra, khảo sát, hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động; điều tra lao động - việc làm; tổ chức Hội chợ việc làm.
4. Các hoạt động hỗ trợ dạy nghề đối với người bị thất nghiệp, mất đất do quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, người thiếu việc làm thông qua việc hỗ trợ các hộ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, làng nghề, trang trại dạy nghề tại chỗ.
5. Các hoạt động nâng cao bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ quản lý nhà nước về lao động - việc làm và quản lý sự nghiệp, cán bộ Trung tâm giới thiệu việc làm và người sử dụng lao động từ tỉnh tới xã, phường, thị trấn.
IV. CÁC GIẢI PHÁP ĐỂ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH:
1. Giải pháp về chính sách, việc làm:
a. Giải pháp về chính sách:
- Có chính sách phát huy các nguồn lực trong tỉnh và đầu tư nước ngoài cho phát triển kinh doanh, nhất là những ngành, lĩnh vực có khả năng thu hút nhiều lao động, trước hết là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các làng nghề, các hộ sản xuất, kinh doanh.
- Đẩy mạnh xã hội hóa công tác dạy nghề, liên kết đào tạo nghề với các tỉnh, thành phố, giới thiệu việc làm với nhiều cấp trình độ, chất lượng cao nhằm cung cấp lao động cho thị trường lao động. Đầu tư tập trung nâng cấp trường dạy nghề của tỉnh lên trường Cao đẳng nghề và Trung tâm Dạy nghề Khu vực Nam Tây Ninh thành Trung cấp nghề, thành lập mới Trung tâm Dạy nghề khu vực Bắc Tây Ninh. Đến năm 2010 các cơ sở dạy nghề đủ khả năng đào tạo và cung cấp nguồn tại địa phương, phát triển mạnh các cơ sở dạy nghề ngoài công lập.
- Có chính sách miễn, giảm học phí cho lao động học nghề, đặc biệt là lao động do thu hồi đất để sử dụng vào mục đích công, thành lập khu, cụm công nghiệp; chính sách nhà ở lưu trú cho công nhân nhằm thu hút lao động đáp ứng nhu cầu làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
b. Giải pháp về tạo việc làm:
- Giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội, tạo mở việc làm mới và đảm bảo việc làm:
+ Tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất, đặc biệt là trong nông nghiệp theo hướng đẩy mạnh sản xuất hàng hoá, chú trọng phát triển những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đẩy mạnh công tác xuất khẩu và giữ tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh, bảo đảm duy trì ổn định việc làm cho người lao động đang có việc làm và tạo mở việc làm mới.
+ Tập trung nguồn nhân lực đầu tư cơ sở kết cấu hạ tầng cho các khu, cụm công nghiệp của tỉnh. Khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ… nhằm giải quyết việc làm cho số lao động thất nghiệp, thiếu việc làm và từng bước thu hẹp dần một bộ phận lao động dư thừa trong nông nghiệp, nông thôn.
+ Thực hiện có hiệu quả các biện pháp quản lý biến động lao động trong các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh tế, bằng việc quy định trách nhiệm thực hiện chế độ báo cáo thống kê tình hình tăng giảm lao động theo định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm và chế độ báo cáo thống kê tình hình thu hút lao động của tất cả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội của các tổ chức hoạt động trên địa bàn tỉnh nhằm kiểm tra chặt chẽ tình hình lao động việc làm trong từng thời điểm và cả kỳ kế hoạch của tỉnh.
- Giải pháp về cho vay vốn giải quyết việc làm:
Mỗi năm Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm đầu tư tạo việc làm cho khoảng 5.000 đến 6.000 lao động, có chính sách đầu tư vốn ưu đãi cho các cơ sở sản xuất thu hút nhiều lao động (nhất là các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp), đổi mới trang thiết bị, công nghệ để phát triển sản xuất nhằm khai thác tiềm năng lao động làm việc tại chỗ của người lao động, điều chỉnh mức vốn vay, thời hạn vay, phù hợp với chu kỳ sản xuất, xây dựng các tổ chức tín dụng nông thôn.
- Giải pháp giải quyết việc làm thông qua việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:
+ Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng đến cấp Ủy Đảng, Chính quyền, các đoàn thể xã hội, trong quần chúng nhân dân về chủ trương, chính sách, ý nghĩa tầm quan trọng của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo - việc làm của tỉnh để mọi người hiểu đầy đủ về quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia xuất khẩu lao động. Đồng thời, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án xuất khẩu lao động giai đoạn 2006 - 2010 đã được phê duyệt, phấn đấu hàng năm đưa đi lao động ngoài nước từ 600 - 700 lao động.
+ Hàng năm trích một phần ngân sách tỉnh lập quỹ để hỗ trợ tài chính đối với công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thực hiện chính sách hỗ trợ tài chính đối với người lao động của địa phương đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài nhằm khuyến khích tạo điều kiện cho mọi người lao động có nguyện vọng và có cơ hội tham gia làm việc có thời hạn tại nước ngoài, trong đó đặc biệt ưu tiên đối với người lao động nghèo, diện chính sách và đồng bào dân tộc thiểu số.
- Giải pháp đào tạo nghề gắn với việc làm:
Giai đoạn 2006-2010 phấn đấu dạy nghề gắn với tạo việc làm mới và dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn khoảng 10.000 lao động để đến cuối năm 2010 tỷ lệ lao động qua đào tạo và dạy nghề đạt 50% (lao động qua đào tạo nghề 35%).
Để người lao động nghèo có điều kiện thuận lợi tham gia học nghề, đồng thời các cơ sở dạy nghề có nguồn thu đủ bù đắp chi phí và có tích lũy để tồn tại và phát triển ngày càng mạnh, đủ sức đáp ứng nhu cầu dạy và học nghề của xã hội ngày càng phát triển. Hàng năm tỉnh dành 01 phần ngân sách để hỗ trợ 01 phần học phí cho người nghèo (trong đó cần quan tâm đến các đối tượng ưu tiên như: người dân tộc thiểu số, con em các gia đình đối tượng chính sách, bộ đội xuất ngũ, hộ nghèo không đất sản xuất, thu hồi đất để sử dụng vào mục đích công cộng, thành lập khu, cụm công nghiệp) nhằm để khuyến khích họ tích cực tham gia học nghề phù hợp với nhu cầu thị trường lao động để họ đủ khả năng tự tìm việc và tự tạo việc làm ổn định cuộc sống giảm bớt gánh nặng cho gia đình, cho xã hội.
- Giải pháp dịch vụ việc làm:
+ Giới thiệu việc làm: Trực tiếp giới thiệu người lao động đến tổ chức, cá nhân cần tuyển dụng khi người lao động đáp ứng được các điều kiện cần thiết theo yêu cầu của người sử dụng lao động.
+ Tư vấn về thị trường lao động: Cung cấp các thông tin về thị trường lao động trong nước và thị trường lao động ở nước ngoài cho người lao động và các tổ chức, cá nhân tuyển dụng lao động về các vấn đề như số lượng lao động thất nghiệp ở từng vùng, tuổi, giới tính, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, văn hóa, sức khỏe, nhu cầu tuyển dụng lao động…
- Giải pháp thông tin thị trường lao động, thông tin tuyên truyền và điều tra lao động - việc làm:
+ Tổ chức đăng ký nhu cầu tìm việc làm của người lao động, nhu cầu thuê mướn lao động của các tổ chức, cá nhân cần sử dụng lao động.
+ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn mẫu đăng ký nhu cầu tìm việc làm và nhu cầu tuyển dụng lao động theo các chỉ tiêu cơ bản phù hợp với nhu cầu thị trường lao động thống nhất trong toàn Tỉnh.
+ Định kỳ 1/7 hàng năm tỉnh tổ chức điều tra lao động việc làm theo sự chỉ đạo thống nhất của Ban chỉ đạo điều tra Trung ương theo phương pháp điều tra chọn mẫu suy rộng làm cơ sở phân tích tình hình lao động - việc làm trong kỳ và dự báo cho những năm sau.
+ Tổ chức sàn giao dịch việc làm nhằm giúp cho người lao động có điều kiện tìm việc làm phù hợp, doanh nghiệp tuyển dụng được lao động đáp ứng nhu cầu sản xuất.
- Giải pháp nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác quản lý lao động - việc làm:
Tổ chức tập huấn về các văn bản mới, phương pháp triển khai thực hiện chương trình việc làm; phương pháp xây dựng dự án, quản lý cho vay vốn quỹ cho vay tạo việc làm cho cán bộ làm công tác lao động - việc làm của các Phòng Nội vụ - Lao động - Thương binh và Xã hội của các huyện, thị xã, cán bộ xã phường, thị trấn.
2- Giải pháp về cơ chế:
- Cơ chế sử dụng vốn: phân vốn vay theo khả năng tạo chỗ làm việc mới thông qua các dự án vay vốn, ưu tiên các huyện, thị xã đạt hiệu quả cao trong hoạt động vay vốn, có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, xã có nhiều hộ nông dân không đất và thiếu đất sản xuất.
- Cơ chế phối hợp: tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm trong việc giao vốn vay cho các tổ chức đoàn thể; trong lập kế hoạch sử dụng vốn vay hàng năm, trách nhiệm của Ngân hàng Chính sách Xã hội trong việc quản lý, cho vay, bảo toàn và tăng trưởng nguồn quỹ.
- Cơ chế phân cấp: Ban chỉ đạo chương trình tỉnh phân cấp cho UBND các huyện, thị xã trong việc quản lý và tổ chức thực hiện chương trình (thẩm định và phê duyệt dự án).
- Cơ chế giám sát, đánh giá:
+ Việc giám sát, đánh giá đầu vào, đầu ra, kết quả và tác động thông qua đánh giá thực hiện các hoạt động và các chỉ tiêu của dự án; phải thực hiện giám sát từ trên xuống, giám sát từ cơ sở, tự giám sát… trên cơ sở khung giám sát đánh giá chương trình;
+ Định kỳ hàng quý, 6 tháng, 1 năm và giữa kỳ căn cứ vào hướng dẫn của Trung ương và Ban chỉ đạo tỉnh các huyện, thị xã và các sở ngành có liên quan thu thập tình hình, số liệu thống kê về tình hình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình, dự án của địa phương, đơn vị mình gửi về cơ quan thường trực ban chỉ đạo tỉnh (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để tổng hợp báo cáo về Trung ương và UBND tỉnh.
3. Giải pháp nguồn lực thực hiện chương trình:
Tổng nguồn vốn TW và ĐP: 97,438 tỷ đồng.
a. Nguồn vốn do Trung ương cấp: 73,513 tỷ đồng. Trong đó:
- Vốn từ giai đoạn 2006 - 2010 : 35,193 tỷ đồng.
+ Hỗ trợ vay vốn: 22,5 tỷ đồng.
+ Bổ sung vốn vay đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng: 04 tỷ đồng.
+ Hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn: 05 tỷ đồng.
+ Hỗ trợ phát triển thị trường lao động và nâng cao quản lý năng lực lao động việc làm: 4,693 tỷ đồng.
- Vốn từ giai đoạn 2001-2005 chuyển sang: 38,32 tỷ đồng.
b. Vốn ngân sách tỉnh giai đoạn 2006 - 2010: 22,925 tỷ đồng.
- Bổ sung vốn giải quyết việc làm: 16 tỷ đồng.
- Kinh phí thực hiện chương trình việc làm: 0,3 tỷ đồng.
- Vốn vay đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng: 04 tỷ đồng.
- Kinh phí thực hiện chương trình đưa người đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng: 0,25 tỷ đồng.
- Dự án hỗ trợ phát triển thị trường lao động và nâng cao năng lực quản lý lao động - việc làm: 6,3 tỷ đồng.
- Hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn: 02 tỷ đồng.
c. Vốn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước: 01 tỷ đồng
4. Tổ chức thực hiện:
a. Ban chỉ đạo được thành lập theo Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh với thành phần sau:
- Trưởng ban: Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Phó trưởng ban: Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Các thành viên: Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các Sở, ban, ngành có liên quan.
b. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã:
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
+ Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã tổ chức xây dựng Chương trình, dự án kể cả điều chỉnh Chương trình, dự án khi cần thiết. Sau đó, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để thẩm định trước khi trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt;
+ Xây dựng kế hoạch hàng năm về thực hiện Chương trình, bao gồm: Kế hoạch về nhiệm vụ, mục tiêu, nhu cầu kinh phí và đề xuất các giải pháp thực hiện, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để tổng hợp trình UBND tỉnh và BCĐ trung ương. Sau khi Chương trình đã được phê duyệt, chủ trì và phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính dự kiến phân bổ sử dụng các nguồn lực của Chương trình, trình UBND tỉnh phê duyệt;
+ Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Chương trình ở các huyện, thị và các sở, ban, ngành; thực hiện chế độ báo cáo thực hiện Chương trình theo quy định của BCĐ Trung ương.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư: cân đối và bố trí kế hoạch hàng năm để thực hiện chương trình theo chỉ tiêu kế hoạch do trung ương và địa phương phân bổ.
- Sở Tài chính có trách nhiệm: bố trí và bảo đảm kinh phí cấp mới hàng năm cho quỹ quốc gia về việc làm theo chỉ tiêu được trung ương và địa phương phân bổ.
- Các sở, ban, ngành có liên quan: xây dựng và triển khai thực hiện chương trình theo chức năng nhiệm vụ được giao.
- Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội: quản lý nguồn vốn, tổ chức giải ngân kịp thời các dự án hỗ trợ việc làm theo thẩm quyền được giao.
- UBND các huyện, thị xã và các tổ chức đoàn thể: triển khai thực hiện Chương trình việc làm tại địa phương trên cơ sở Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm của tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt và các văn bản hướng dẫn của trung ương và của Ban chỉ đạo tỉnh; thực hiện báo cáo định kỳ với Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định của chương trình này.
1/- Thông qua quỹ quốc gia về việc làm góp phần giải quyết việc làm hàng năm cho 22.000 - 23.000 lao động chưa có việc làm, thất nghiệp, thiếu việc làm (trong đó có khoảng 50 - 55% là lao động nữ). Ưu tiên tạo việc làm và cho vay vốn tạo việc làm cho các đối tượng lao động đặc thù như lao động là người tàn tật, người dân tộc, gia đình đối tượng chính sách…
2/- Bằng các hình thức liên kết dạy nghề ngắn hạn, trong giai đoạn 2006-2010 tổ chức dạy nghề cho 10.000-15.000 lao động nông thôn. Khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế nhận lao động vào làm thông qua hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho người lao động tại doanh nghiệp.
3/- Đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời những diễn biến của thị trường lao động thông qua việc nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm giới thiệu việc làm và các bộ phận làm công tác tư vấn việc làm tại phòng Nội vụ - Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã; nâng số người lao động được tư vấn và giới thiệu việc làm lên khoảng 12.500 người trong 05 năm.
4/- Nâng cao năng lực quản lý lao động - việc làm và kỹ năng tư vấn, giới thiệu việc làm cho cán bộ làm công tác lao động việc làm trong hệ thống ngành Lao động - Thương binh và Xã hội từ tỉnh đến cơ sở.
5/- Thực hiện có hiệu quả Đề án xuất khẩu lao động giai đoạn 2006-2010; phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động hoạt động trên địa bàn tỉnh mở rộng thị trường lao động ở nước ngoài và tăng cường số và chất lượng hoạt động đưa người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng; trong giai đoạn 2006-2010 cung cấp thêm cho thị trường khoảng 3.000-3.500 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
6/- Khắc phục những tồn tại, yếu kém mà Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm giai đoạn 2001- 2005 của tỉnh chưa thực hiện được.
CÁC DỰ ÁN TRONG CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ VIỆC LÀM TỈNH TÂY NINH GIAI ĐOẠN 2006-2010
Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm giai đoạn 2006-2010 của tỉnh Tây Ninh bao gồm 04 dự án: Dự án vay vốn tạo việc làm; Dự án hỗ trợ dạy nghề gắn với tạo việc làm mới; Dự án hỗ trợ việc đưa người lao động đi làm việc nuớc ngoài theo hợp đồng; Dự án hỗ trợ phát triển thị trường lao động và nâng cao năng lực quản lý lao động - việc làm, cụ thể như sau:
A. DỰ ÁN VAY VỐN TẠO VIỆC LÀM (biểu 1)
1. Mục tiêu của dự án:
- Mục tiêu chung: Thông qua nguồn vốn quỹ quốc gia về việc làm, cho vay ưu đãi với lãi suất thấp đối với người thất nghiệp, người thiếu việc làm (trong đó ưu tiên cho một số đối tượng lao động thuộc diện gia đình chính sách, bộ đội xuất ngũ, hộ nghèo, dân tộc…), các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có khả năng thu hút nhiều chỗ làm việc mới;
- Mục tiêu cụ thể: Bằng nguồn vốn quỹ quốc gia về việc làm, trong giai đoạn 2006-2010 tạo việc làm mới bình quân hàng năm từ 5.000 - 6.000 lao động.
2. Cơ quan quản lý dự án: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
3. Cơ quan phối hợp: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (cơ quan thực hiện giải ngân và thu hồi vốn).
4. Cơ quan thực hiện dự án: UBND các huyện, thị xã, các tổ chức đoàn thể của tỉnh thực hiện Chương trình.
5. Nội dung hoạt động của dự án:
Tổ chức cho vay vốn đối với cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân để tạo việc làm và tự tạo việc làm thông qua nguồn vốn thu hồi và nguồn vốn bổ sung mới hàng năm.
Hàng năm ngân sách bổ sung cho Quỹ quốc gia về việc làm từ 7- 8 tỷ đồng trong đó ngân sách Trung ương 4,5 - 5 tỷ đồng; ngân sách địa phương 3,5 - 4 tỷ đồng ) cộng với vốn thu hồi phân bổ cho 9 huyện, thị xã để cho khoảng 5.000 - 5.500 lao động vay vốn, bình quân mức vay để thu hút thêm 01 lao động vào làm việc từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng. Trong đó Quỹ giải quyết việc làm địa phương giải quyết việc làm cho khoảng 500-800 lao động.
6. Các giải pháp thực hiện dự án:
a. Địa điểm thực hiện dự án: Dự án cho vay vốn tạo việc làm được triển khai trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
b. Tài chính, nguồn tài chính và nội dung sử dụng :
- Tổng nguồn quỹ hiện có là 38,320 tỷ đồng và vốn thu hồi 62,05 tỷ đồng, dự kiến trong 05 năm (2006-2010), ngân sách cấp bổ sung nguồn vốn cho vay là 38,5 tỷ đồng, trong đó:
+ Ngân sách Trung ương : 22,5 tỷ đồng
+ Ngân sách địa phương : 16 tỷ đồng
c. Nội dung sử dụng:
- Mua sắm vật tư, máy móc, trang thiết bị, mở rộng nhà xưởng, nhằm mở rộng, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh;
- Mua sắm nguyên liệu, giống cây trồng, vật nuôi, thanh toán các dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh.
d. Cơ chế thực hiện dự án:
Thực hiện cơ chế cho vay trực tiếp hoặc ủy thác qua các tổ chức đoàn thể… theo những quy định tại Quyết định số 71/QĐ-TTg ngày 5/4/2005 về cơ chế quản lý, điều hành vốn vay của quỹ quốc gia về việc làm. Ban điều hành chương trình vốn 120 tỉnh chỉ đạo hoạt động cho vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm;
- Quản lý nguồn vốn: Đối với nguồn vốn do điạ phương quản lý: UBND tỉnh ủy quyền cho UBND các huyện, thị xã quản lý nguồn vốn quỹ quốc gia về việc làm tại địa phương mình quản lý. Đối với nguồn vốn theo kênh của đoàn thể: do Hội đoàn thể (cơ quan thực hiện Chương trình) quản lý.
- Mức lãi suất cho vay: áp dụng theo mức lãi suất theo quy định.
- Ưu tiên cho vay các cơ sở sản xuất kinh doanh thu hút nhiều lao động, đối tượng chính sách, khu vực thu hồi đất nông nghiệp.
7. Thời gian thực hiện dự án: từ 01/01/2007 đến 31/12/2010.
8. Đối tượng thụ hưởng dự án và hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án:
- Đối tượng thụ hưởng dự án:
+ Các cơ sở sản xuất kinh doanh (doanh nghiệp nhỏ và vừa, trang trại, làng nghề…), HTX tạo nhiều việc làm mới cho lao động thiếu việc làm, chưa có việc làm; đặc biệt lao động là người tàn tật, phụ nữ, lao động bị thu hồi đất sản xuất, lao động nông thôn không đất sản xuất, lao động là người dân tộc, lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài;
+ Hộ gia đình;
+ Các đối tượng: người tàn tật, phụ nữ…
- Hiệu quả kinh tế - xã hội: dự án được thực hiện sẽ tạo ra nhiều chỗ làm việc mới và việc làm đầy đủ có thu nhập ổn định cho khoảng 24.000 - 26.000 người, góp phần giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp khu vực thành thị và tỷ lệ thiếu việc làm ở nông thôn, xóa đói giảm nghèo, giảm tệ nạn xã hội.
B. DỰ ÁN DẠY NGHỀ NGẮN HẠN LAO ĐỘNG NÔNG THÔN (biểu 2)
1. Mục tiêu của dự án:
- Mục tiêu chung: Hỗ trợ kinh phí dạy nghề cho các cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ gia đình tạo việc làm mới, việc làm ổn định cho người lao động; đặc biệt là người dân tộc, lao động nông thôn;
- Mục tiêu cụ thể: dạy nghề ngắn hạn gắn với tạo việc làm hàng năm cho khoảng 10.000 đến 12.500 lao động.
2. Cơ quan quản lý dự án: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
3. Cơ quan phối hợp: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính.
4. Cơ quan thực hiện dự án: cácTrường Dạy nghề, trung tâm dạy nghề, các tổ chức đoàn thể của tỉnh.
5. Nội dung hoạt động của dự án:
- Hỗ trợ các cơ sở SXKD và hộ gia đình vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, nhận người lao động chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật vào làm việc hoặc tự tạo việc làm ổn định từ 01 năm trở lên nhận một khoản kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề tương ứng với số lao động mới vào làm việc.
- Hỗ trợ kinh phí cho Trường Dạy nghề, trung tâm dạy nghề và các tổ chức đoàn thể tổ chức dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, lao động là người dân tộc, hộ gia đình không đất sản xuất, thiếu đất sản xuất, chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật để họ tự tạo việc làm hoặc giới thiệu họ vào làm việc trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.
6. Các giải pháp thực hiện dự án:
a. Địa điểm thực hiện dự án: các huyện, thị xã trong tỉnh Tây Ninh.
b. Tài chính,nguồn tài chính và nội dung sử dụng:
- Tổng kinh phí thực hiện dự án là 07 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước, trong đó:
+ Đề nghị Trung ương hỗ trợ: 05 tỷ đồng;
+ Đề nghị địa phương hỗ trợ: 02 tỷ đồng;
- Nội dung sử dụng kinh phí: chi phí cho đào tạo nghề theo quy định của pháp luật hiện hành.
c. Cơ chế thực hiện dự án:
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan quản lý nguồn vốn dạy nghề và chịu trách nhiệm giải ngân theo quyết định của UBND tỉnh;
- Trường dạy nghề chủ trì, phối hợp với các trung tâm dạy nghề, tổ chức đoàn thể xây dựng tổ chức triển khai thực hiện đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn.
7. Thời gian thực hiện dự án: từ ngày 01/01/2007 đến 31/12/2010.
8. Đối tượng thụ hưởng và hiệu quả kinh tế- xã hội của dự án:
Đối tượng thụ hưởng dự án: Chú trọng học viên thuộc các dân tộc thiểu số, các làng nghề truyền thống, các xã đặc biệt khó khăn, các đối tượng thuộc diện chính sách ưu đãi theo Điều 66 Nghị định số 28/CP ngày 29/4/1995 của Chính phủ.
C. DỰ ÁN HỖ TRỢ CÔNG TÁC ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG (biểu 3)
1. Mục tiêu của dự án:
- Mục tiêu chung: Mở rộng thị trường và tăng cường số lượng, chất lượng hoạt động đưa người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng;
- Mục tiêu cụ thể: Cung cấp thêm cho thị trường lao động ngoài nước khoảng 4.500 đến 5.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
2. Cơ quan quản lý dự án: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
3. Cơ quan phối hợp: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính.
4. Cơ quan thực hiện dự án: Ban chỉ đạo thực hiện Đề án xuất khẩu lao động tỉnh; UBND các huyện, thị xã và các công ty Xuất khẩu lao động hoạt động trên địa bàn tỉnh.
5. Nội dung hoạt động của dự án :
- Hỗ trợ khai thác thị trường lao động, khảo sát đánh giá tình hình lao động của tỉnh đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài;
- Hỗ trợ kinh phí giáo dục định hướng cho khoảng 3.000 - 3.500 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, kinh phí bình quân hỗ trợ cho 01 lao động là 600.000 đồng (khoản 1,8 - 2,1 tỷ đồng)
- Hỗ trợ cho vay đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: Hàng năm ngân sách tỉnh trích 04 tỷ đồng chuyển sang Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội bổ sung nguồn vốn cho người lao động vay đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
6. Các giải pháp thực hiện dự án:
a. Địa điểm thực hiện dự án : các huyện, thị xã trong tỉnh Tây Ninh;
b. Tài chính, nguồn tài chính và nội dung sử dụng :
- Tổng kinh phí bổ sung cho Quỹ đưa người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng trong 05 năm (2006-2010) là 7,25 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước, trong đó:
+ Ngân sách tỉnh cấp kinh phí hỗ trợ giáo dục định hướng, dạy nghề cho lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài và vay vốn: 04 tỷ đồng.
+ Ngân hàng Chính sách Xã hội bổ sung nguồn vốn vay đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: 03 tỷ đồng.
+ Hỗ trợ kinh phí hoạt động cho BCĐ: 0,25 tỷ đồng.
- Nội dung chi:
+ Hỗ trợ kinh phí hoạt động đưa người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng, cho Ban chỉ đạo thực hiện Đề án xuất khẩu lao động tỉnh (khảo sát, đánh giá, tìm thị trường lao động đi nước ngoài làm việc, chi phí tổ chức thực hiện, sơ tổng kết...).
+ Hỗ trợ kinh phí giáo dục định hướng cho lao động trước khi đưa đi làm việc ở nước ngoài.
c. Cơ chế thực hiện dự án:
- Thường trực BCĐ Đề án xuất khẩu lao động tỉnh thực hiện khảo sát, đánh giá, sơ tổng kết công tác đưa người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng, tìm thị trường đưa lao động đi ngước ngoài làm việc....
- BCĐ XKLĐ các huyện, thị xã và các Công ty xuất khẩu lao động hoạt động trên địa bàn tỉnh Tây Ninh thực hiện cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin về cung - cầu lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
7. Thời gian thực hiện dự án: từ 01/01/2007 đến 31/12/2010.
8. Đối tượng thụ hưởng và hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án:
- Đối tượng thụ hưởng dự án: Người lao động của tỉnh Tây Ninh đăng ký đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài;
- Hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án:
+ Tăng chất lượng và số lượng lao động tạo cơ hội hội nhập với thị trường lao động quốc tế, nâng cao thu nhập, trao đổi học hỏi kinh nghiệm khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới;
+ Góp phần tạo việc làm, xoá đói giảm nghèo tại các địa phương, tiết kiệm hàng trăm triệu đồng đầu tư cho tạo việc làm mới trong nước.
1. Mục tiêu của dự án:
- Mục tiêu chung:
Xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động; đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời những diễn biến của thị trường lao động trong và ngoài tỉnh, làm cơ sở cho việc hoạch định và điều chỉnh kế hoạch, chính sách việc làm và thị trường lao động của tỉnh.
- Mục tiêu cụ thể:
Nâng cao năng lực và hiện đại hoá Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh; nâng số người tư vấn và giới thiệu việc làm lên 12.500 người trong 05 năm.
2. Cơ quan quản lý dự án: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
3. Cơ quan phối hợp: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính.
4. Cơ quan thực hiện dự án : Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, các sở ban ngành đoàn thể là thành viên BCĐ chương trình, UBND và Phòng Nội vụ - Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
5. Nội dung hoạt động của dự án:
- Tổ chức Hội chợ việc làm tại Thị xã Tây Ninh với mô hình phù hợp theo đặc điểm tình hình của tỉnh, trong giai đoạn 2006-2010 dự kiến tổ chức 5 lần hội chợ việc làm;
- Tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao năng lực và hiện đại hoá Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh; cung cấp các dịch vụ việc làm thuận lợi cho người lao động và người sử dụng lao động; ứng dụng tin học trong việc khai thác thông tin về thị trường lao động trên trang Web về thị trường lao động của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; triển khai thực hiện điều tra thị trường lao động theo kế hoạch của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
6. Các giải pháp thực hiện dự án:
a. Địa điểm thực hiện dự án: các huyện, thị xã trong tỉnh Tây Ninh.
b. Tài chính, nguồn tài chính và nội dung sử dụng:
- Tổng kinh phí thực hiện dự án là 10,993 tỷ đồng do NSNN cấp, trong đó:
+ Đề nghị ngân sách TW hỗ trợ: 4,693 tỷ đồng;
+ Ngân sách địa phương: Đầu tư xây dựng Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh: 06 tỷ đồng và Hội chợ việc làm: 0,3 tỷ đồng.
- Nội dung sử dụng:
+ Tổ chức hội chợ việc làm;
+ Xây dựng, sửa chữa nhà xưởng và đầu tư trang thiết bị tư vấn và giới thiệu việc làm cho trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh;
+ Điều tra, thu thập thông tin, xử lý số liệu về thực trạng thị trường lao động, nhu cầu nhận lao động vào làm việc trong các cơ sở sản xuất kinh doanh có trụ sở đóng trên địa bàn tỉnh; điều tra về lao động - việc làm theo kế hoạch của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội;
+ Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ Phòng Nội vụ - Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã và cán bộ quản lý lao động - việc làm từ tỉnh đến cơ sở về phương pháp triển khai thực hiện Chương trình việc làm; các văn bản mới về việc làm; điều tra lao động việc làm; phương pháp xây dựng dự án, quản lý dự án vốn vay Quỹ cho vay tạo việc làm; nghiệp vụ DVVL.
c. Cơ chế thực hiện dự án:
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành xây dựng kế hoạch và thực hiện các hoạt động điều tra, thu thập thông tin, xử lý số liệu về thực trạng thị trường lao động; xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức hội chợ việc làm trình UBND tỉnh phê duyệt;
- Sở Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Cục Thống kê và Phòng Nội vụ - Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã tổ chức điều tra lao động việc làm định kỳ hàng năm theo kế hoạch của BCĐ Trung ương;
- Ưu tiên đầu tư hỗ trợ Trung tâm Giới thiệu việc làm xây dựng, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị tư vấn và giới thiệu việc làm.
7. Thời gian thực hiện dự án: từ 01/01/2007 đến 31/12/2010.
8. Đối tượng thụ hưởng và hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án:
- Đối tượng thụ hưởng dự án: Các doanh nghiệp và các cán bộ làm công tác về lao động việc làm từ tỉnh đến cơ sở, các trung tâm dạy nghề các huyện, thị và Trung tâm Giới thiệu việc làm, người lao động và người sử dụng lao động.
- Hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án:
+ Đến năm 2010 đảm bảo cung cấp được các thông tin về thị trường lao động tại địa phương và một số tỉnh trọng điểm trong khu vực; tình hình về lao động - việc làm, tình hình về thất nghiệp và thiếu việc làm của địa phương hàng năm; số người tìm được việc làm có thu nhập ổn định tăng thêm qua các năm; trong 05 năm Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh sẽ cung cấp các thông tin, các dịch vụ về đào tạo nghề và việc làm cho trên 12.500 lượt người, đào tạo và bổ túc nghề cho trên 2.000 người, giới thiệu và cung ứng lao động cho trên 2.500 lượt người; góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị và thiếu việc làm ở nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo; đồng thời góp phần ổn định trật tự xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân;
+ Nhiều cán bộ làm công tác lao động - việc làm của địa phương từ tỉnh đến cơ sở được cung cấp các kiến thức cập nhật về chính sách lao động - việc làm, được nâng cao năng lực tư vấn, giới thiệu việc làm.
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
Nghị quyết số 07/2007/NQ-HĐND về nội dung nhiệm vụ quy hoạch để điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Quận 11 đến năm 2020 do Hội đồng nhân dân Quận 11 ban hành Ban hành: 21/12/2007 | Cập nhật: 19/01/2008
Nghị quyết số 07/2007/NQ-HĐND về việc chương trình giám sát năm 2008 của Hội đồng nhân dân quận Phú Nhuận do Hội đồng nhân dân quận Phú Nhuận ban hành Ban hành: 21/12/2007 | Cập nhật: 22/01/2008
Nghị quyết số 07/2007/NQ-HĐND về việc chương trình hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân huyện năm 2008 do Hội đồng nhân dân huyện Nhà Bè ban hành Ban hành: 21/12/2007 | Cập nhật: 22/01/2008
Nghị quyết số 07/2007/NQ-HĐND về việc thực hiện ngân sách năm 2007 và dự toán ngân sách năm 2008 do Hội đồng nhân dân quận 5 ban hành Ban hành: 18/12/2007 | Cập nhật: 19/01/2008
Nghị quyết số 07/2007/NQ-HĐND về việc điều chỉnh, bổ sung, kế hoạch sử dụng đất 2006 - 2010 của quận 1 do Hội đồng nhân dân quận 1 ban hành Ban hành: 20/12/2007 | Cập nhật: 19/01/2008
Nghị quyết 07/2007/NQ-HĐND nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 Ban hành: 06/12/2007 | Cập nhật: 22/07/2013
Nghị quyết 07/2007/NQ-HĐND về nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2008 Ban hành: 30/11/2007 | Cập nhật: 22/07/2013
Nghị quyết 07/2007/NQ-HĐND Quy định sửa đổi, bổ sung một số loại phí và lệ phí trên địa bàn tỉnh Bình Định Ban hành: 19/07/2007 | Cập nhật: 29/07/2013
Nghị quyết số 07/2007/NQ-HĐND về việc tổng quyết toán ngân sách huyện năm 2006 do Hội đồng nhân dân huyện Củ Chi ban hành Ban hành: 20/07/2007 | Cập nhật: 25/12/2007
Nghị quyết số 07/2007/NQ-HĐND về việc quy hoạch kinh doanh một số ngành nghề “nhạy cảm”, thương mại, dịch vụ văn hóa; cổ động chính trị và quảng cáo ngoài trời trên địa bàn Quận 3 trong giai đoạn năm 2006 - 2010 do Hội đồng nhân dân Quận 3 ban hành Ban hành: 20/07/2007 | Cập nhật: 25/12/2007
Nghị quyết số 07/2007/NQ-HĐND về việc thông qua nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng huyện Cần Giờ đến năm 2020 do Hội đồng nhân dân huyện Cần Giờ ban hành Ban hành: 26/07/2007 | Cập nhật: 14/11/2007
Nghị quyết 07/2007/NQ-HĐND quyết toán ngân sách năm 2006; điều chỉnh dự toán thu, chi ngân sách năm 2007; tình hình thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm và dự toán thu, chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2007 trên địa bàn Quận 6 Ban hành: 18/07/2007 | Cập nhật: 01/08/2013
Nghị quyết 07/2007/NQ-HĐND về chế độ, danh mục, mức thu phí và lệ phí trên địa bàn tỉnh Cao Bằng do Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng khóa XIV, kỳ họp thứ 12 ban hành Ban hành: 13/07/2007 | Cập nhật: 01/02/2010
Nghị quyết 07/2007/NQ-HĐND về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2007 - 2010 và định hướng đến năm 2015 do Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi khóa X, kỳ họp thứ 12 ban hành Ban hành: 16/07/2007 | Cập nhật: 24/04/2010
Nghị quyết số 07/2007/NQ-HĐND về chính sách đầu tư hạ tầng nông nghiệp - nông thôn phục vụ chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn thành phố do Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành. Ban hành: 05/07/2007 | Cập nhật: 30/07/2007
Nghị quyết 07/2007/NQ-HĐND về quy định mức hỗ trợ cho nhân viên y tế thôn, bản của tỉnh Yên Bái Ban hành: 13/07/2007 | Cập nhật: 24/04/2013
Nghị quyết 07/2007/NQ-HĐND xây dựng nguyên tắc tiêu chí và định mức phân bổ chi đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2008 - 2010 của tỉnh Quảng Ninh do Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh Ban hành: 04/07/2007 | Cập nhật: 03/08/2012
Nghị quyết 07/2007/NQ-HĐND quy định mức phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn bản, trưởng ban thú y xã và thú y viên thôn bản tỉnh Hà Giang ban hành Ban hành: 12/07/2007 | Cập nhật: 06/12/2014
Nghị quyết 07/2007/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ, khuyến khích nguồn nhân lực của thành phố Cần Thơ (2007 - 2011) Ban hành: 04/07/2007 | Cập nhật: 20/03/2013
Nghị quyết 07/2007/NQ-HĐND về Chương trình giải quyết việc làm tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2006-2010 Ban hành: 12/07/2007 | Cập nhật: 16/10/2014
Nghị quyết 07/2007/NQ-HĐND về quy hoạch, định hướng phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020 Ban hành: 11/07/2007 | Cập nhật: 15/06/2015
Nghị quyết 07/2007/NQ-HĐND bãi bỏ Nghị quyết 19/2005/NQ-HĐND quy định tạm thời chế độ chi hỗ trợ tiền ăn cho kỳ họp Hội đồng nhân dân; hội nghị sơ kết 6 tháng, tổng kết năm của Ủy ban nhân dân các cấp Ban hành: 11/05/2007 | Cập nhật: 28/07/2015
Nghị quyết 07/2007/NQ-HĐND về cơ chế hỗ trợ vùng trồng trọt sản xuất hàng hoá và xây dựng các khu sản xuất tập trung trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2007 - 2010 do Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc khóa XIV, kỳ họp thứ 9 ban hành Ban hành: 11/05/2007 | Cập nhật: 21/06/2010
Nghị quyết 07/2007/NQ-HĐND xây dựng hệ thống khuyến nông cơ sở Ban hành: 13/04/2007 | Cập nhật: 19/07/2013
Nghị quyết 07/2007/NQ-HĐND điều chỉnh, bổ sung mức thu và quy định chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí bến xe khách trên địa bàn tỉnh Trà Vinh Ban hành: 15/03/2007 | Cập nhật: 22/01/2013
Nghị quyết 07/2007/NQ-HĐND về mức hỗ trợ trồng vườn rừng và chăn nuôi đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2007 - 2010 Ban hành: 02/02/2007 | Cập nhật: 29/09/2012
Nghị quyết 07/2007/NQ-HĐND thông qua đề án phân loại đơn vị hành chính phường thuộc Quận 8 Ban hành: 01/02/2007 | Cập nhật: 22/07/2013
Nghị quyết 07/2007/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2006-2010 Ban hành: 04/01/2007 | Cập nhật: 05/07/2013
Quyết định 71/2005/QĐ-TTg về cơ chế quản lý, điều hành vốn cho vay của Quỹ quốc gia về việc làm Ban hành: 05/04/2005 | Cập nhật: 07/12/2012
Nghị định 81/2003/NĐ-CP Hướng dẫn Bộ Luật Lao động về người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài Ban hành: 17/07/2003 | Cập nhật: 10/12/2009
Nghị định 39/2003/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Bộ luật Lao động về việc làm Ban hành: 18/04/2003 | Cập nhật: 07/12/2012
Quyết định 108/QĐ-UB năm 2001 phê duyệt dự án quy hoạch phát triển công nghiệp thành phố Hà Nội, giai đoạn 2001- 2010 do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Ban hành: 05/01/2001 | Cập nhật: 08/12/2007